Làm cho tâm vắng lặng có nghĩa
là tìm đúng trạng thái quân bình. Nếu quý vị cố gắng bắt buộc tâm
mình làm quá sức ắt nó đi quá xa; còn nếu không cố gắng thì nó
không đi đến nơi đến chốn, mất thăng bằng.
Thông thường tâm không yên tĩnh
mà luôn luôn di động, nhưng nó không đủ năng lực. Làm cho tâm có nhiều
năng lực và tạo năng lực cho thân không giống nhau. Muốn cho thân có
sức mạnh phải thúc đẩy, bắt nó vận động. Nhưng làm cho tâm mạnh có
nghĩa là làm cho nó an lạc, không nghĩ ngợi suy tư điều này việc nọ.
Đối với phần động chúng ta tâm không bao giờ được an lạc, không bao
giờ có được năng lực của “định” (samadhi) – trạng thái tâm an trụ và
tĩnh lặng do nhờ hành thiền. Do đó ta đặt nó vào khuôn khổ, ngồi
lại hành thiền, ở với “người hiểu biết”.
Nếu ép buộc hơi thở của mình
phải quá dài hay quá ngắn chúng ta sẽ không quân bình, tâm sẽ không an
lạc. Cũng như ta bắt đầu xử dụng bàn máy may đạp bằng chân. Trước
tiên chỉ tập đạp không cho quen chân, rồi sau đó mới thật sự may món
đồ gì. Theo dõi hơi thở cũng dường thế ấy. Không cần phải lo lắng
quan tâm đến hơi thở dài hay ngắn, mạnh hay yếu, chỉ ghi nhận. Chỉ để
cho hơi thở tự nhiên diễn tiến và ghi nhận diễn tiến tự nhiên ấy.
Khi hơi thở được đều đặn ta sẽ
lấy đó làm đề mục hành thiền. Lúc thở vào, đoạn đầu của hơi thở
ở tại chóp mũi, đoạn giữa tại lồng ngực và đoạn cuối ở bụng. Đó
là con đường của hơi thở. Khi thở ra, đoạn đầu của hơi thở ở bụng,
đoạn giữa ở lồng ngực và đoạn cuối ở chóp mũi. Ta chỉ giản dị
theo dõi ghi nhận luồng hơi thở ở chóp mũi. Chúng ta ghi nhận ba điểm
này đề làm cho tâm vững chắc, để hạn chế những hoạt động tâm linh
hầu giúp phát sanh dễ dàng tâm chú niệm và tự hay biết.
Đến lúc đã thuần thục ghi
nhận ba điểm này ta có thể không theo dõi hơi thở trọn vẹn từ chóp
mũi đến bụng nữa mà chỉ chú tâm nơi chóp mũi, hoặc ở môi trên, nơi
nào mà luồng hơi chạm vào và chỉ theo dõi hơi thở, nơi điểm ấy.
Không cần phải đi theo hơi thở mà chỉ chú niệm vào chóp mũi, và ghi
nhận hơi thở tại ngay điểm duy nhất ấy – vào, ra, vào, ra. Không cần
phải suy nghĩ gì đặc biệt. Trong hiện tại chỉ tập trung nỗ lực vào
nhiệm vụ đơn giản này, luôn luôn có sự chú tâm hay biết. Không có gì
khác phải làm, chỉ thở vào, thở ra.
Không bao lâu tâm trở nên an lạc,
hơi thở trở nên vi tế. Thân tâm nhẹ nhàng. Đó là trạng thái đúng
trong công trình hành thiền.
Khi ngồi thiền tâm trở nên vi
tế, nhưng bất luận trạng thái tâm như thế nào ta phải cố gắng hay
biết, thấu hiểu nó. Sinh hoạt tâm linh cùng ở chung với trạng thái
vắng lặng. Có chi thiền Tầm (Vitakka), sự đưa tâm đến đề mục. Nếu
chú niệm yếu, Tâm cũng yếu. Rồi tiếp theo đó là chi thiền Sát, hay
Tứ (Vicara), sự quán niệm quanh quẩn đề mục. Thỉnh thoảng những cảm
giác yếu ớt khác nhau có thể phát hiện nhưng tự hay biết mình là
yếu tố quan trọng, bất cứ gì xảy ra ta liên tục hay biết. Càng đi sâu
vào thiền ta càng hay biết thường xuyên trạng thái tâm của ta, thấu
hiểu tâm có an trụ vững chắc cùng không. Như vậy cả hai, chú niệm và
hay biết đều hiện diện, hành giả luôn luôn chú niệm và hay biết.
Tâm an lạc không có nghĩa là
không có gì xảy ra, những cảm xúc có thể phát sanh. Thí dụ như khi
đề cập đến sơ thiền, tầng vắng lặng đầu tiên, ta nói có năm chi.
Cùng với hai chi thiền Tầm và Sát, Phỉ (Piti) cùng phát sanh với đề
mục và sau đó là Lạc (Sukha). Cả bốn chi thiền này đều nằm chung
trong cái tâm vắng lặng, an trụ vững chắc. Tất cả cùng ở chung một
trạng thái.
Nhằm giúp quý vị chưa quen thuộc với các từ ngữ trong pháp môn thiền
định, dễ dàng lãnh hội thời Pháp của Ngài Thiền Sư chúng tôi xin
thêm phần chú giải dười đây, dựa theo Vi Diệu Pháp.
Năm chi thiền, tức năm yếu tố của thiền: Tầm, Sát, Phỉ, Lạc và Trụ,
nằm trong tâm Định, bao gồm cái được gọi là sơ “thiền” (Jhana). Trong
tầng nhị thiền hai chi đầu tiên được loại và cuối cùng đến tứ
thiền, chí đến chi thiền thứ tư, “Lạc”, cũng được loại và “Xã” được
thay vào.
Vitakka, Tầm là chi thiền hướng
về đối tượng nhưng tâm sở cùng phát sanh đồng thời.
Vicara, Sát hay Tứ, là quan sát
hay dò xét. Ở đây Sát là liên tục đặt tâm trên đối tượng. Tầm hướng
tâm về đối tượng và Sát đặt tâm lên đối tượng. Vitakka, Tâm, giống như
con ong bay hướng về hoa. Vicara, Sát, như ong bay vo vo, quanh quẩn trên
hoa.
Piti, Phỉ, là thỏa thích. Nhưng
Piti, Phỉ, không phải là một loại thọ (vedana) như Sukha. Một cách
chính xác, nó là tâm sở đến trước, và trong khi xuất hiện, báo hiệu
rằng có thọ Sukha, Lạc, phát sanh. Có năm loại Phỉ là: Sự thỏa
thích thoảng qua mau lẹ như trời chớp, sự thỏa thích tràn ngập như
sóng biển trườn lên bãi, sự thỏa thích thanh thoát, đem lại cho hành
giả cảm giác nhẹ nhàng như bông gòn, lững lờ bay theo chiều gió, và
sự thỏa thích thấm nhuần toàn thể châu thân như bong bóng được thổi
phòng, hay trận lụt tràn lan làm ngập cả ao vũng.
Sukha, Lạc, là thọ lạc, an vui hạnh phúc. Piti, Phỉ, làm cho hành giả
phấn khởi vui thích trong đề mục còn Sukha, Lạc, thì giúp hành giả
thỏa thích hưởng thọ đề mục. Khách lữ hành mệt mỏi đi trong sa mạc,
thấy xa xa có cụm cây và ao nước thì lấy làm thỏa thích. Vui mừng
trước khi thật sự hưởng thọ là Piti. Khi đến tận ao nước, trạng thái
thỏa thích tắm rửa và uống nước là Sukha.
Upekkha, Xã là một hình thức
vi tế của tâm bình thản, quân bình. Tâm sở này cũng đã tiềm ẩn trong
các tầng sơ thiền, nhị thiền và tam thiền nhưng đến tứ thiền thì
nổi bậc lên và trở thành vi tế đến mức cao độ. Đến đây chấm dứt
phần chú giải của người dịch.)
Chi thứ năm là Nhất Điểm Tâm
(Ekaggata), tâm gom vào một điểm duy nhất. Quý vị có thể ngạc nhiên
làm sao tâm có thể là “nhất điểm” trong khi còn có những chi thiền
khác cũng hiện diện trong một lúc. Đó là vì tất cả đều hợp nhất,
an trụ trên nền tảng vắng lặng. Hợp chung lại, cả năm chi thiền được
gọi chung là “định” (samadhi). Nó không phải trạng thái tâm mà ta có
hằng ngày, nó là những yếu tố của vắng lặng, các chi thiền. Có năm
đặc điểm ấy, nhưng nó không làm xáo trộn trạng thái vắng lặng căn bản.
Có chi Tầm, nhưng nó không khuấy động tâm. Sát, Phỉ, Lạc phát sanh
nhưng không làm xáo trộn tâm. Tâm là một, đồng nhất thể với các chi
thiền. Tầng vắng lặng đầu tiên là như vậy.
Chúng ta không cần đề cập đến
các tầng Thiền (Jhana) -- sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền
-- Hãy gọi nó là “ tâm an lạc ”. Vào lúc trở nên ngày càng vắng
lặng hơn, tâm không cần đến Tầm và Sát nữa mà chỉ còn Phỉ và Lạc.
Tại sao tâm loại bỏ Tầm và Sát? Đó là vì, khi tâm càng vi tế hơn
thì tác động của Tầm và Sát trở thành quá thô thiển để tồn tại
chung. Vào giai đoạn này, khi tâm loại bỏ Tầm và Sát, những cảm giác
phỉ lạc mạnh mẽ có thể phát sanh, nước mắt có thể tuôn chảy. Nhưng
khi trạng thái Định vững mạnh sâu sắc thêm, Phỉ cũng bị loại ra, chỉ
còn Lạc và Trụ, hay Nhất Điểm Tâm. Cuối cùng Lạc cũng bị loại bỏ
và tâm tiến đạt đến mức độ vi tế cao nhất. Chỉ còn Xã và Nhất Điểm
Tâm, tất cả những chi thiền khác đều bị loại. Tâm đứng yên, vững
chắc không chao động.
Một khi tâm đã an lạc thì điều
này có thể xảy đến. Quý vị không cần suy tư nhiều về nó, tự nó sẽ
đến. Đó là năng lực của tâm an lạc. Trong trạng thái nầy tâm không
nghe hôn trầm. Cả năm chướng ngại tinh thần cũng gọi là năm pháp
triền cái : tham dục, oán ghét, hôn trầm dã dượi, phóng dật lo âu và
hoài nghi đều tan biến.
Tuy nhiên, nếu năng lực tinh
thần vẫn chưa đủ mạnh và chú niệm còn yếu đôi khi một vài cảm xúc
sẽ lẫn xen vào. Tâm an lạc, nhưng trong sự tĩnh lặng dường như có một
trạng thái lu mờ. Mặc dầu vậy đó không phải là loại hôn trầm bình
thường, một vài cảm xúc sẽ biểu hiện - - có thể chúng ta nghe một
tiếng động hay thấy một vật, con chó hay gì khác. Nó không phải là
thật sự rõ ràng nhưng cũng không phải là một giấc mơ. Đó là vì năm
pháp triền cái không quân bình và còn yếu ớt.
Tâm có chiều hướng bày trò
phỉnh gạt bên trong những tầng vắng lặng. Những hình ảnh tưởng tượng
xuyên qua giác quan, đôi khi sẽ phát sanh khi tâm ở vào trạng thái này,
và khi hành giả không thể nói một cách chính xác những gì đã xảy
ra. “ Tôi có đang ngủ chăng? Không. Phải chăng đó là một giấc mơ? Không.
Đó không phải là một giấc mơ.” Những cảm giác tương tợ thường phát
sanh trong trạng thái vắng lặng; nhưng nếu tâm thật sự vắng lặng và
sáng tỏ chúng ta không hoài nghi những cảm giác hoặc những hình ảnh
tưởng tượng khác nhau đã phát sanh. Những thắc mắc như, “Tôi có phóng
tâm không? Tôi có ngủ không? Tôi có lạc lối không? không phát sanh, bởi
vì nó là những đặc điểm của cái tâm còn hoài nghi. “Tôi ngủ hay
thức?”… Đó, nó bị rối nùi! Đó là cái tâm bị lạc lối trong những
cảm giác. Giống như ánh trăng bị vầng mây che án. Ta vẫn còn thấy
mặt trăng nhưng nó bị mây án nên trở thành lu mờ, không phải như mặt
trăng đã vượt ra khỏi đám mây – trong sáng, rõ ràng và rạng ngời.
Khi tâm an lạc và kiên cố vững
chắc trong chú niệm và trong trạng thái tự hay biết, sẽ không còn
hoài nghi đối với những hiện tượng khác nhau mà mình gặp phải. Nó
sẽ thật sự vượt ra ngoài những chướng ngại tinh thần. Chúng ta sẽ
thấu hiểu rõ ràng tất cả những gì phát sanh đến tâm, đúng như chính
thật nó là vậy. Chúng ta không hoài nghi bởi vì tâm đã sáng ngời và
tỏ rạng. Cái tâm tiến đạt đến “định” (samadhi) là như vậy.
Tuy nhiên, vài người cảm thấy
khó mà nhập định (samadhi), bỏi vì việc này không thích hợp với
khuynh hướng tự nhiên của họ. Tâm có định, nhưng không đủ dũng mãnh
và không đủ kiên cố. Trong trường hợp này, có thể thành tựu an lạc
bằng cách dùng trí tuệ để quán chiếu và nhận thấy chân lý của sự
vật, giải quyết vấn đề như vậy. Đó là sử dụng trí tuệ thay vì năng
lực của định. Trong thực tế, không cần thiết phải ngồi thiền để đạt
đến trạng thái vắng lặng. Chỉ tự hỏi mình, “Ê! Cái gì vậy?” và
giải quyết vấn đề ngay tại đó! Người có trí tuệ là vậy. Có thể
không thật sự đạt đến tầng cao nhất của tâm định, mặc dầu vậy người
ấy cũng phát triển tâm an trụ đầy đủ để trau giồi trí tuệ. Cũng
giống như sự khác biệt giữa trồng lúa và trồng bắp. Để sinh sống,
người kia có thể tùy thuộc vào lúa nhiều hơn bắp. Pháp hành của
chúng ta cũng dường thế ấy, tùy thuộc nhiều hơn vào trí tuệ để
giải quyết vấn đề. Khi đã thấy chân lý, an lạc sẽ phát sanh.
Hai đường lối này không giống
nhau. Vài người có tuệ minh sát và trí tuệ dũng mãnh nhưng không có
nhiều tâm định. Khi ngồi xuống hành thiền họ không thấy nhiều an lạc.
Họ có khuynh hướng suy tư buông lung, quán tưởng điều nầy việc nọ, cho
đến khi tình cờ họ quán niệm về hạnh phúc và đau khổ và thấy chân
lý trong đó. Họ thiền về quán chiếu sự vật hơn là định tâm. Bất
luận giờ phút nào – trong khi đi, đứng, nằm hay ngồi – ta cũng có thể
chứng ngộ Giáo Pháp. Do nhận thấy, do từ bỏ, họ đạt đến an lạc thanh
bình. Họ thành tựu trạng thái an lạc bằng cách thấu hiểu chân lý
mà không chút hoài nghi, bởi vì tự chính họ đã nhận thấy.
Người khác có ít trí tuệ
nhưng tâm định rất dũng mãnh. Họ có thể nhập định một cách nhanh chóng
và thâm sâu, nhưng không có được nhiều trí tuệ. Họ không thể chụp bắt
được các ô nhiễm của họ, không phân biệt nó. Họ không thể giải quyết
vấn đề.
Nhưng, bất luận đường lối nào
đã chọn, ta phải loại bỏ suy tư lầm lạc và chỉ giữ lại chánh kiến.
Phải loại trừ tình trạng mơ hồ hổn loạn, chỉ giữ lại an lạc thanh
bình. Đằng nào chúng ta cũng chấm dứt cùng một nơi. Pháp hành có
hai mặt, vắng lặng và minh sát, nhưng cả hai cùng hợp chung thành
một. Không thể bỏ một trong hai. Nó phải cùng đi chung.
Cái gì “canh chừng” những yếu
tố khác nhau phát sanh trong lúc hành thiền là sati, niệm. Xuyên qua
pháp hành, niệm này là điều kiện có thể giúp cho các yếu tố khác
phát sanh. Niệm là sự sống. Bất cứ lúc nào không có niệm, khi ta để
tâm buông lung vọng động, thì dường như ta chết. Nếu không có niệm,
lời nói và hành động của ta không có ý nghĩa. Niệm ở đây chỉ là
sự hiện hữu của tâm. Niệm tạo nhân duyên cho trạng thái tự hay biết
và trí tuệ phát sanh. Nếu không có niệm thì bất cứ đức hạnh nào
mà ta trau giồi cũng sẽ không toàn hảo. Niệm là cái gì canh chừng
chúng ta trong khi đi, đứng, nằm, ngồi. Dầu trong những lúc mà chúng
ta không định, phải luôn luôn giữ chú niệm.
Bất luận gì ta làm, phải thận
trọng. Một ý thức hỗ thẹn phát sanh. Ta sẽ cảm nghe hỗ thẹn vì
việc mà ta làm đã tỏ ra là sai lầm. Khi tình trạng hỗ thẹn tăng
trưởng, sự chú tâm của ta cũng tăng trưởng. Khi sự chú tâm tăng
trưởng, trạng thái buông lung sẽ tan biến. Dầu ta không ngồi thiền
những yếu tố ấy sẽ hiện hữu trong tâm.
Điều ấy phát sanh bởi vì tâm
niệm của ta đã được trau giồi. Hãy phát triển chú niệm! Đó là yếu
tố canh chừng, trông nom công việc mà ta đang làm hoặc đã làm trong
quá khứ . Nó thật sự là hữu dụng. Chúng ta phải luôn luôn tự biết
mình. Nếu tự hiểu biết mình như thế ấy, những gì đúng đắn hay sai
lầm sẽ được phân biệt rành mạch, con đường sẽ trở nên tỏ rạng và
nguyên nhân sanh hỗ thẹn sẽ biến tan. Trí tuệ sẽ bừng dậy.
Chúng ta có thể gom chung pháp
hành lại trong ba điều tu học: giới, định và tuệ. Trầm tĩnh, tự
kiểm soát là giới. Kiên cố tâm vững chắc trong khuôn khổ của sự kiểm
soát ấy là định. Thấu hiểu trọn vẹn, tận tường và đầy đủ trong
mọi sinh hoạt là trí tuệ. Tóm tắt, pháp hành chỉ là giới, định và
tuệ, hoặc nói cách khác, là con đường. Không có đường lối nào khác.
Đức Phật ban truyền ba pháp tu
học : Giới, Định, Tuệ. Đó là con đường dẫn đến an lạc, là con đường
Giác Ngộ. Nhưng thật sự ba pháp ấy không phải là tinh hoa của Phật
Giáo. Nó chỉ là Con Đường. Đức Phật gọi là “Magga”, có nghĩa là
“Con Đường”. Tinh hoa của Phật Giáo là an lạc. Và trạng thái an lạc
này phát sanh từ sự thấu triệt thực tướng của vạn pháp. Nếu quán
chiếu tường tận và phân tách rành mạch ta có thể thấy rằng an lạc
không phải là hạnh phúc, cũng không phải là đau khổ. Đau khổ và hạnh
phúc đều không phải là chân lý.
Tâm của con người – cái tâm mà
Đức Phật kêu gọi chúng ta quán chiếu và thấu hiểu – là cái gì mà
ta chỉ có thể hiểu biết qua sinh hoạt của nó. Không có gì mà ta có
thể dùng để đo lường cái Tâm Nguyên Thủy thật sự, quả thật không có
gì mà ta có thể dùng để hiểu biết nó. Trong trạng thái thiên nhiên
tâm không chao động, không di chuyển. Khi hạnh phúc phát sanh tâm bị lạc
lối trong cảm xúc. Có sự di chuyển, tâm chao động. Khi tâm xúc động
như vậy, tình trạng bám níu vào niềm vui thích ấy phát sanh.
Đức Phật đã chỉ vạch Con
Đường và giáo truyền đầy đủ pháp hành để chúng ta tiến bước trên
đó, nhưng chúng ta không thực hành, hoặc chỉ thực hành bằng lời nói.
Tâm và lời nói của chúng ta không điều hợp với nhau. Chúng ta chỉ
lợi dưỡng trong cuộc đàm thoại rỗng không. Nhưng nền tảng của Phật Giáo
không phải là cái gì có thể luận bàn suông hay ước đoán. Nền tảng
thật sự của Phật Giáo là thấu hiểu trọn vẹn chân lý của thực tại.
Nếu đã thấu đạt chân lý ấy rồi thì không cần gì đến giáo huấn.
Còn nếu không thấu hiểu chân lý thì dầu có lắng nghe bao nhiêu lời
dạy vẫn không thật sự là nghe. Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy: “
Bậc Toàn Giác chỉ chỉ vạch con Đường ”. Ngài không thể thực hành cho
quý vị bởi vì chân lý là cái gì không thể diễn đạt bằng lời nói
mà làm cũng không thể biếu tặng cho ai.
Những lời dạy chỉ là những
câu chuyện ngụ ngôn và những thí dụ nhằm giúp cho tâm thấu hiểu chân
lý. Nếu không thấy chân lý ắt chúng ta phải đau khổ. Thí dụ như
chúng ta thường nói “sakhara”, pháp hữu vi, khi đề cập đến cơ thể vật
chất. Bất luận ai cũng có thể nói như vậy. Nhưng trong thực tế chúng
ta vẫn bị khó khăn, vì chúng ta không thấu hiểu chân lý của “các
pháp hữu vi”, và do đó, bám níu chặt chẽ vào. Vì không thấu đạt
trọn vẹn chân lý của thân nên chúng ta đau khổ.
Sau đây là một ví dụ. Buổi
sáng nọ, khi quý vị đang rảo bước trên đường để đến sở làm thì từ
lề bên kia có người la to, chưởi mắng quý vị thậm tệ. Vừa khi nghe
tiếng chưởi mình thì tâm quý vị liền biến đổi, không còn ở tình
trạng bình thường. Quý vị cảm nghe không thoải mái, tự thấy mình bị
xúc phạm và nổi giận. Người kia cứ đi quanh quẩn, đêm ngày chưởi
mắng quý vị. Khi nghe tiếng la chưởi thì quý vị tức giận. Chỉ đến
khi về đến nhà rồi quý vị vẫn còn cảm nghe sân hận, có ý muốn trả
đủa, muốn làm một điều gì để trả thù.
Vài ngày sau đó một người
khác đến gặp quý vị và nói, “Ông ơi! Người mà hôm nọ chưởi mắng ông
ngoài đường là một người mất trí, anh ta điên! Đã nhiều năm rồi anh
ta điên như vậy! Cứ đi ngoài đường chưởi mắng mọi người. Không ai màng
để ý đến những gì anh ta nói”. Được nghe giải thích như vậy thì quý
vị cảm thấy nhẹ nhàng. Bao nhiêu phiền giận và khó chịu mà quý vị
mang trong lòng từ mấy ngày qua hoàn toàn tan biến. Tại sao? Bởi vì
giờ đây quý vị đã thấu hiểu chân lý của vấn đề. Trước kia quý vị
không hiểu, nghĩ rằng người kia bình thường nên giận anh ta. Vì không
hiểu nên quý vị nổi giận. Vừa khi tìm ra chân lý thì mọi việc đều
thay đổi, “Ờ, người ấy điên! Điều này giải thích mọi việc!” Khi đã
thấu hiểu vấn đề quý vị cảm nghe thoải mái dễ chịu trở lại. Quý
vị đã tự mình thấu hiểu. Đã thấu hiểu, quý vị liền buông bỏ, không
chấp vào đó nữa. Nếu không hiểu biết ắt quý vị sẽ bám níu, dính
mắc ngay vào đó. Nghĩ rằng anh chàng chưởi mắng kia là bình thường
thì quý vị phát sân lên và có thể sát hại anh ta. Nhưng khi đã hiểu
được chân lý, biết rằng anh ta chỉ là người điên thì quý vị cảm nghe
thoải mái dễ chịu hơn nhiều. Thấu hiểu chân lý là như vậy.
Người đã chứng ngộ Giáo pháp
cũng có những kinh nghiệm tương tợ. Khi tham, sân và si tan biến, nó
cũng tan biến cùng thế ấy. Ngày nào còn chưa hiểu biết tường tận
chúng ta nghĩ, “ Ta có thể làm gì được bây giờ? Tham và sân của ta
đã quá nhiều”. Đó là không thấu hiểu rõ ràng. Cũng như khi ta nghĩ
rằng anh chàng điên kia là người tỉnh trí. Khi cuối cùng, đã thấy rõ
anh ta là người điên thì bao nhiêu âu lo đều tan biến. Không ai có thể
chỉ cho quý vị. Chỉ khi nào tự tâm quý vị nhận thức rõ ràng nó
mới có thể bưng tận gốc rễ tham, sân và không còn bám níu.
Đối với thân này mà chúng ta gọi là pháp hữu vi (sankhara) cũng vậy.
Mặc dầu Đức Bổn Sư đã giải thích rành mạch rằng không có một thực
thể hay một chúng sanh thật sự có thực chất, chúng ta vẫn còn chưa
chấp nhận và vẫn còn ngoan cố bám chắc vào nó. Nếu thân có thể
nói, hằng ngày nó sẽ thì thầm với ta rằng. Ông không phải là chủ
của tôi, ông biết không? Tôi không thuộc quyền sở hữu của ông đâu. Trong
thực tế, nó vẫn luôn luôn nói với ta như vậy, nhưng đó là ngôn ngữ
của Giáo Pháp nên ta không thể lãnh hội. Thí dụ như mắt, tai, mũi,
lưỡi và thân này luôn luôn biến đổi nhưng nào có xin phép ta bao giờ!
Đôi khi chúng ta đau bụng hay nhức đầu. Có lần nào cơ thể này xin
phép ta trước không? Nó chỉ diễn tiến theo con đường thiên nhiên của
nó. Điều này nói lên rằng thân này không để cho ai làm chủ nó. Nó
không có chủ. Đức Phật mô tả nó như một vật rỗng không.
Chúng ta không thông hiểu Giáo
Pháp và do đó không thông hiểu các pháp hữu vi ấy. Ta nhận nó là
chính ta, là sở hữu của ta, hay của ai khác. Đó là nguyên nhân tạo
nên luyến ái. Ta trìu mến, bám sát, níu chắc vào nó (Thủ). Khi thủ
phát sanh thì Hữu, sự trở thành, liền đi theo. Một khi Hữu phát sanh
ắt có Sanh. Có sanh tức có Lão, có Bệnh, có Tử . . . và toàn thể
khối đau khổ phát sanh. Đó là Paticcasamuppada, chuỗi dài những vòng
khoen của Thập Nhị Nhân Duyên. Chúng ta nói Vô Minh tạo duyên cho Hành
phát sanh, rồi cả hai tạo duyên cho Thức v.v … Tất cả những điều ấy
chỉ đơn giản là những diễn biến trong tâm. Khi xúc chạm với điều gì
mà ta không ưa thích, nếu không có chú niệm thì Vô Minh ở ngay tại
đó. Đau Khổ tức khắc phát sanh. Tuy nhiên, tâm vượt xuyên qua những
biến đổi ấy nhanh chóng đến độ ta không theo dõi kịp. Cũng giống như
khi ta rơi từ ngọn cây xuống đất. Sự thật là từ ngọn xuống đất ta va
chạm bao nhiêu cành to và bao nhiêu các nhánh nhỏ; nhưng ta không thể
đếm, không thể nhớ hết những cành nhánh ấy. Chỉ hụt tay, rồi từ
trên cao rơi xuống, phịt!”.
Pháp Thập Nhị Nhân Duyên cũng
cùng thế ấy. Nếu phân chia như trong kinh điển thì ta nói rằng Vô Minh
tạo duyên cho Hành phát sanh, Hành tạo duyên cho Thức phát sanh, Thức
tạo duyên cho Danh-Sắc phát sanh, Danh-Sắc tạo duyên cho Lục Căn phát
sanh, Lục Căn tạo duyên cho Xúc phát sanh, Xúc tạo duyên cho Thọ phát
sanh, Thọ tạo duyên cho Ái phát sanh, Ái tạo duyên cho Thủ phát sanh,
Thủ tạo duyên cho Hữu phát sanh, Hữu tạo duyên cho Sanh, Sanh tạo duyên
cho Lão, Bệnh, Tử và tất cả những hình thức sầu muộn. Nhưng trong
thực tế khi quý vị xúc chạm với điều gì mình không ưa thích tức
khắc có đau khổ! Cảm giác đau khổ ấy thật sự là hậu quả của toàn
thể những vòng khoen của thập nhị nhân duyên. Đó là tại sao Đức Bổn
Sư kêu gọi hàng môn đệ nên quán chiếu và thấu đạt trọn vẹn tâm mình.
Khi bước chân vào đời con người
không có danh tánh – sanh ra rồi mới được đặt tên. Đó là quy ước.
Chúng ta đặt tên, cho mỗi người một danh tánh, để tiện việc kêu gọi
nhau. Kinh điển cũng vậy. Chúng ta phân chia sự vật và dán nhãn hiệu
lên để tiện việc nghiên cứu sự vật. Tất cả mọi sự vật chỉ giản dị
là những pháp hữu vi, sankhara. (Lời người dịch: Danh từ sankhara,
pháp hữu vi, là cái gì được sanh ra do điều kiện và tồn tại do điều
kiện. Phải có gì trước đó tạo duyên mới hiện hữu, rồi có gì tạo
duyên mới tồn tại. Khi hết nhân duyên thì hoại diệt. Trong thực tế
tất cả sự vật trên thế gian, dầu tinh thần hay vật chất, đều là
pháp hữu vi). Bản chất cơ bản của vạn pháp chỉ là những sự vật
phát sanh và hiện hữu do nhân duyên. Đức Phật dạy rằng nó là Vô
Thường, Khổ và Vô Ngã. Nó không ổn định, thường còn. Chúng ta không
hiểu biết như vậy một cách chắc chắn. Kiến thức của ta không vững
vàng. Do đó chúng ta mang nặng Tà Kiến. Tà Kiến đây là chấp rằng
pháp hữu vi là chính ta, ta là pháp hữu vi, hoặc chấp hạnh phúc và
đau khổ là chính ta, ta là hạnh phúc và đau khổ. Nhận thức như vậy
là không hiểu biết trọn vẹn và rõ ràng bản chất thật sự của vạn
pháp. Chân lý là chúng ta không thể cưỡng bách các sự vật ấy theo
đúng ý muốn của mình. Nó chỉ theo con đường của Thiên Nhiên.
Sau đây là một thí dụ đơn giản. Như quý vị ra giữa một xa lộ nhộn
nhịp xe cộ và ngồi ngay tại đó trong khi những chiếc xe lớn, xe nhỏ
chạy trờ tới đâm thẳng vào quý vị. Quý vị không thể tức giận xe cộ
và quát to, “Chớ có chạy đến đây! Đừng chạy lại đây!”. Đó là một xa
lộ. Quý vị không thể nói vậy với họ! Vậy thì quý vị phải làm gì?
Phải vào lề đường để tránh xe. Xa lộ là nơi để cho xe cộ chạy, nếu
muốn không có xe trên đường ắt quý vị phải đau khổ.
Với các pháp hữu vi, cũng
cùng thế ấy. Chúng ta nói rằng nó quấy rầy. Như lúc mình ngồi
thiền mà có tiếng động, ta nghĩ rằng, “Ồ, tiếng động này quấy rầy
ta quá!” Nếu hiểu rằng tiếng động quấy rầy ta thì ta sẽ đau khổ vì
nó. Quán chiếu vào sâu hơn nữa ta sẽ thấy rằng chính ta đi ra ngoài
và quấy rầy tiếng động! Tiếng động chỉ giản dị là tiếng động.
Thông hiểu như vậy thì không có gì hơn nữa. Hãy để nó là vậy. Hãy
nhận thức rằng âm thanh là một việc, ta là một việc khác. Người mà
thấy rằng âm thanh đến để khuấy nhiễu mình là người không tự thấy
mình. Người ấy thật sự không tự thấy mình! Một khi đã tự thấy mình
ắt quý vị sẽ thoải mái dễ chịu. Âm thanh chỉ là âm thanh, tại sao
quý vị phải chạy đi đâu để nắm bắt nó lại? Quý vị thấy rằng trong
thực tế chính quý vị đã đi ra ngoài để khuấy rầy âm thanh. Đó là
thật sự hiểu biết chân lý. Quý vị thấy được cả hai phía, và nhờ
thấy hai bề quý vị an lạc. Nếu chỉ thấy một bề ắt có đau khổ. Khi
thấy hai phía quý vị theo con đường ở khoảng giữa, Trung Đạo. Đó là
pháp hành chân chánh, là chánh pháp. Điều đó được gọi là làm cho
sự hiểu biết của mình được ngay thẳng.
Cùng một thế ấy, bản chất
của tất cả các pháp hữu vi là vô thường và phải biến đổi. Nhưng
chúng ta khát khao bám níu, cố nắm cho được. Chúng ta mang nó đi đầu
này đầu nọ và luôn luôn thèm muốn. Chúng ta muốn nó là thật. Chúng
ta muốn tìm sự thật trong những sự vật không thật! Bất luận khi nào
có ai nhận thức như vậy và bám níu vào các pháp hữu vi, tự đồng
hóa với nó, chấp rằng nó là mình, mình là nó, người ấy tất nhiên
phải đau khổ. Đức Phật dạy ta hãy quán tưởng vào sự việc này.
Muốn thực hành Giáo Pháp không
cần phải là tỳ khưu, sa di hoặc một cư sĩ tại gia mà cần làm cho sự
hiểu biết của mình được chân chánh, ngay thẳng. Hiểu biết chân chánh,
chúng ta sẽ thành đạt an lạc thanh bình. Dầu xuất gia hay không, mọi
người đều có cơ may để thực hành Giáo Pháp, để quán niệm Giáo
Pháp. Tất cả chúng ta đều quán niệm như nhau. Nếu chúng ta thành đạt
an lạc, tất cả đều là một thứ an lạc. Tất cả cùng đi trên một Con
Đường, cùng theo một pháp hành.
Đức Phật không có sự phân chia
nào giữa hàng cư sĩ và các bậc xuất gia. Ngài dạy tất cả mọi
người pháp hành để thấu triệt chân lý của các pháp hữu vi, sankhara.
Đã thông hiểu chân lý ấy ta sẽ buông bỏ, để cho tất cả trôi qua như
nước lăn trôi trên lá sen. Đã thông hiểu chân lý ấy ắt không còn “Hữu”
và “Sanh”. Vì sao không còn sanh nữa? Hiện tượng sanh không còn cách
nào để xảy diễn vì ta đã thấu triệt đầy đủ chân lý của các pháp
hữu vi. Đã thông hiểu chân lý ấy một cách toàn vẹn ắt có an lạc.
Có hay không cũng vậy. Lợi lạc và mất mát là một. Đức Phật dạy ta
nên hiểu như vậy. Đó là an lạc. An lạc vượt ra khỏi hạnh phúc, đau
khổ, vui thích và sầu muộn.
Chúng ta phải thấy rằng không
có lý do gì để được sanh. Sanh ra cách nào? Sanh ra trong niềm vui! Khi
đạt được điều ưa thích thì ta vui mừng. Nếu không luyến ái, không bám
níu vào niềm vui ấy ắt không còn tái sanh. Chính sự bám níu được
gọi là sanh. Không có “Thủ” ắt không có “Sanh”. Như vậy, nếu đạt được
gì, ta không sanh (vào trạng thái thỏa thích vui mừng). Nếu mất gì,
ta không sanh (vào phiền muộn). Đó là vô sanh và bất diệt. Cả hai sanh
và tử đều bắt nguồn và đặt nền tảng trên “Ái” và “Thủ”, lòng khát
khao ham muốn và luyến ái cố bám vào các pháp hữu vi.
Do đó Đức Phật dạy, “Như Lai không còn
trở thành (Hữu) nữa, đời sống thánh thiện đã chấm dứt, đây là kiếp
sống cuối cùng của Như Lai”. Đó! Ngài đã thông hiểu trạng thái vô
sanh và bất diệt! Đó là điều mà Đức Bổn Sư không ngớt kêu gọi hàng
môn đệ nên thấu hiểu. Đó là pháp hành chân chánh. Nếu quý vị không
đạt đến đó, nếu quý vị không đạt đến Trung Đạo, ắt quý vị chưa
vượt qua khỏi đau khổ.