Đời sống
Chuyện đạo đời (Phần 1)
Tác giả: Thích Nhuận Thạnh
11/06/2553 00:03 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Anh đúng tôi sai
 
   Có hai nhà ở cạnh nhau, nhà bác Ba Thọ sống hòa thuận vui vẻ, nhà chú Năm Thao thì ba ngày một trận cãi nhau to, năm ngày một phen ầm ĩ, đến gà chó chẳng yên, không cái gì sống yên tĩnh. Một hôm, chú Năm Thao vì hiếu kỳ chạy sang nhà bác Ba Thọ hỏi thăm:
   - Vì sao nhà anh không nghe một tiếng cãi nhau, sống lại hòa mục vui vẻ vậy?
   - Vì người nhà tôi ai cũng nhận mình là người xấu, do đó mới nhẫn nại với nhau, an ổn vô sự. Còn nhà anh ai cũng cho mình là người tốt, do đó tranh luận không thôi, thường thường đánh nhau.
   - Đây là đạo lý gì?
   - Ví như trên bàn để một chén trà, có người vốn làm vỡ, chẳng những không chịu nhận lỗi, còn phùng mang trợn mắt mắng lớn:
   - Ai để chén trà ở đây?
   Người để chén trà cũng chẳng chịu thua cãi lại:
   - Tôi để đó thì sao? Tại anh vô ý làm vỡ nó chứ!

   Hai người chẳng nhường nhau, tự cho mình là người tốt, khư khư không bỏ, đương nhiên đánh mắng nhau. Ngược lại, người làm vỡ tách trà nếu như có thể nhỏ nhẹ nói:
    - Xin lỗi, tôi vụng về làm vỡ tách trà rồi!
   Đối phương nghe xong cũng lập tức đáp:
   - Điều này chẳng thể trách anh, đáng lý tôi không nên để tách trà ở đó!
   Hai bên đều nhận lỗi của mình, nhường nhịn lẫn nhau làm sao cãi vã được?

   Lời bàn 
   Nếu trong cuộc sống ai cũng có tuệ giác để có thể soi sáng và  dẹp bỏ bản ngã, biết hạ mình trước người khác để nói lời “xin lỗi, tôi lầm!”, có thể tự cho mình là xấu, thực hành hạnh nhẫn nhục, bỏ ra ngoài tai những lời chê khen của người khác, trừ khi những lời chê đó là đúng, thì nên theo đó mà sửa mình.

   Và có những phút giây chúng ta phải ngồi lại thiền quán để nhận biết những biến chuyển trong dòng tư tưởng và xả bỏ mọi thứ một cách hiểu biết có chánh niệm như một dòng nước chảy xuống liên tục và tiếp nối, để rồi ta có thể sẵn sàng nhường lại những hạnh phúc cho người khác nếu họ có nhu cầu, còn chỗ xấu có ảnh hưởng đến lợi ích của người khác làm cho họ không vui, không được hạnh phúc thì ta xin nhận lãnh. Thường khen người, tôn trọng người để học tập hạnh từ ái. Từ chỗ nhượng bộ, chịu thua mà có thể rèn luyện tâm tánh, dùi mài được ý chí lớn lao. Trải lòng thương với mọi người chung quanh làm rộng lớn tâm lượng của mình. Nếu mọi người đều thực hiện được như vậy thì nhất định là gia đình sẽ hạnh phúc và xã hội sẽ an vui.