Chương 2.
Bất mãn và sân hận
THỰC
PHẨM CỦA SÂN HẬN
Nếu cuộc sống chỉ có nhu cầu vật
chất thì thật vô vị và tẻ nhạt. Đôi lúc, con người cần phải có nhu cầu vui chơi
giải trí như xem phim, nghe nhạc, đi du lịch, chơi thể thao, giao lưu bạn bè…
Như thế cũng chưa đủ vì con người vẫn cảm thấy trống vắng, bế tắc về tâm linh.
Thực phẩm của sân hận được tiêu thụ qua sự “ăn uống” từ các phương tiện giải
trí nghe, nhìn chứa quá nhiều sản phẩm thể hiện bạo động, giết chóc, đánh đập,
nguyền rủa, hận thù, ăn thua đủ, ứng xử giang hồ, không tương nhượng, ăn miếng
trả miếng... Các độc tố của lòng sân hận đầy dẫy trong phim ảnh, nhất là phim
bạo lực, chiến tranh, trừng phạt, trả thù, giết chóc.
Người xem phim thường có tâm lý
tạo liên minh, tức là thường đứng về một phe nào đó để ủng hộ, bàn cãi. Phe đối
lập bị thất bại, chết chóc thì hoan hô vui mừng. Làm vậy là đang gieo cộng
nghiệp ảnh hưởng xấu đến cuộc đời sau này.
Thời đại ngày nay, nếu không
khéo chọn lọc sẽ vô tình gieo nghiệp “tuỳ hỷ” đồng tình giết người mỗi ngày mà
không biết. Giết người theo kiểu a dua, đồng tình là cách giết người gián tiếp.
Chẳng hạn, khi nghe tin lính Iraq
bị lính Mỹ bắn chết, nếu là người thân với Mỹ thì hoan nghênh và cho cái chết
của lính Iraq
đáng đời vì Sadam Hussein là người rất độc ác. Do vậy, việc xóa bỏ chủ nghĩa
quân phiệt của ông là cần thiết. Việc làm đó giải phóng cho người dân vô tội.
Người quan niệm vậy là đang gieo cộng nghiệp giết người đối với dân Iraq. Do đó,
cơn sân hận của lính Iraq
bị chết có thể tương tác với mạng sống của người này ở kiếp sau. Gặp một người
lần đầu mà họ có ác cảm với mình trong khi mình có gương mặt trông dễ coi, sống
đàng hoàng, có tư cách là vì người đó đã từng bị mình gieo hạt giống cộng
nghiệp sát sinh thông qua xem phim ảnh.
Ngày nay, những trò chơi điện tử
như bắn súng, đặt mìn, giết người, thám tử tư… các đồ chơi vũ khí, giết người
khiến trẻ em thích thú. Các bậc phụ huynh phải lưu tâm đến các trò chơi này vì
nó chứa đầy hạt giống giết chóc, nuôi lớn lòng sân hận. Các phương tiện giải
trí này đang gieo rắc vào tâm hồn trẻ em những hạt giống rất nguy hiểm cho xã
hội. Hạt giống bạo lực thâm nhập vào đời sống con trẻ, đến lúc chúng không đồng
tình với ai thì có thể giết người, gây thương tổn… Phụ huynh hạn chế cho con, em
xem những bộ phim chiến tranh. Ngay cả người lớn khi xem phim thì đừng đứng về
phía này hay phía kia mà phải tâm niệm, trong chiến tra- nh, dù chính nghĩa hay
phi nghĩa thì hai bên đều là nạn nhân, những người đáng thương. Bởi vì, các
chiến sĩ đấu tranh cho lý tưởng, chủ nghĩa. Dĩ nhiên, có chủ nghĩa đúng, chủ
nghĩa sai nhưng hễ đấu tranh cho chủ nghĩa thì sự đấu tranh đó đặt trên nền
tảng của sân hận.
Khi xem các phim về chiến tranh,
có bên thắng bên thua. Bên mình ủng hộ mà chiến thắng thì hò hét reo vui, cổ
vũ, thậm chí quát mắng, đập bàn, đập ghế. Ngược lại, thì bị sân si, nóng giận,
bực tức. Lúc đó, chủng tử của sân hận sẽ lớn dần lên mà không hề kiểm soát
được. Nếu chưa đủ kỹ năng để chuyển hóa lòng sân hận thì khi xem phim nên đứng
trên tư thế trung lập, làm trọng tài, tư thế khách quan để có sự thương cảm đối
với cả hai bên.
Nhìn chung, người thích xem phim
bạo động thường gây gổ, đánh nhau vì hạt giống bạo động tác động xấu nhiều hơn
là tốt. Hạt giống này có thể trở thành những quả mìn nổ chậm. Khi chất xúc tác
và điều kiện thuận lợi hội đủ thì chúng gây bất hạnh cho bản thân và biến người
khác trở thành nạn nhân.
Phật tử tu theo pháp môn Tịnh Độ
hãy niệm danh hiệu Phật, thần chú vãng sanh để cầu nguyện cho người chết dù
thuộc phe phái nào trong cuộc chiến đều được nhẹ nhàng nơi cực lạc!
Hoặc khi ra đường, thấy án mạng
hay tai nạn giao thông mà nạn nhân tử vong thì cũng nên trải lòng từ bi, trợ
niệm cho người bất hạnh được siêu sanh. Có như vậy, hạt giống của lòng sân hận
mới bị đẩy ra ngoài, không có cơ hội phát khởi.
Nếu biết cách, ngoài việc ngưng
tiếp xúc các chương trình mang tính bạo động, người thưởng thức cần tiếp cận
với các loại hình giải trí tâm linh, góp phần tạo dựng và duy trì cuộc sống
hạnh phúc con người. Thực phẩm tâm linh làm tâm thái con người cân bằng hơn,
sống không bị rơi vào trạng thái giận dữ vô cớ.
Khi người tiêu thụ thực phẩm chỉ
sử dụng các loại thịt bò điên có nguồn gốc từ nước Anh thì các độc tố của bệnh
tật, giận dữ, độc tố của sự biến dạng tâm trong từng tế bào sẽ ảnh hưởng trực
hoặc gián tiếp đến sức khoẻ và tính tình. Khi tiêu thụ những thực phẩm này vào
cơ thể, ít nhiều cũng bị ảnh hưởng và chi phối. Đó là chưa nói đến những chứng
bệnh ở động vật có khả năng làm thay đổi gen, ảnh hưởng trực tiếp lên bộ não
của người tiêu thụ. Nếu ăn thịt động vật bị giết chết thật đau đớn là đã nạp
vào cơ thể loại thực phẩm có chứa độc tố của sân hận.
Câu thành ngữ “Ăn cơm Tàu, cưới
vợ Nhật, ở nhà Tây” hẳn không phải không có lý do. Ăn cơm Tàu rất ngon với
nhiều món chế biến cầu kỳ nhưng đôi lúc bất nhẫn. Trong bộ phim Kỳ quan Trung Quốc, giới thiệu về văn
hóa ẩm thực Trung Hoa có trình bày món ăn đặc sản của người Hoa như sau. Người
đầu bếp bắt con gà, nhổ sạch lông đùi, rửa sạch chân nó rồi đặt lên vĩ nướng có
phủ lồng xung quanh với độ nóng lên đến 300 độ C. Con gà bị phỏng và đau đớn
nên giãy giụa trên vĩ nướng, không thoát đi đâu được, nhảy dựng vài cái rồi
chết! Lúc đó, toàn bộ máu trên thân thể con gà dồn xuống đùi, làm đùi gà nở
bung thành huyết nửa chín nửa
sống. Khi con gà chết đau đớn
thì lòng sân hận của nó cũng tăng trưởng theo. Có thể cảm nhận được lòng sân
hận, đau đớn đó qua tiếng kêu thảm thiết, sự giãy giụa, đập cánh. Rất tiếc,
người chế biến thực phẩm và thực khách không hiểu được ngôn ngữ loài vật. Nếu
hiểu thì họ sẽ phát sợ trước những câu nói đầy căm phẫn như “tôi căm thù ông,
tôi muốn trả thù ông, tôi muốn giết ông…” của con vật bị giết. Hiểu được ngôn
ngữ thù hằn của vật bị giết, có lẽ thực khách sẽ không dám ăn thịt nữa.
Một món ăn cầu kỳ khác là sau
khi thực khách chọn con cá chép, người đầu bếp dùng dao bén lát vào thân nó
từng lát và bỏ vào chảo dầu đang sôi cho thịt vừa chín bên ngoài, mà con cá
phải không kịp chết, vẫn còn thoi thóp. Đó là người đầu bếp giỏi. Ngoài ra, còn
nhiều món ăn khác như lấy dao cắt ngang phần trên đầu của con khỉ đang sống,
rồi dùng muỗng ăn bộ óc của khỉ để mong trị được bệnh phong cùi, tăng cường trí
nhớ, hỗ trợ thận hay tim.
Các món ăn vừa nêu của người hết
sức tàn nhẫn đối với loài vật. Không đáng để gọi là “văn hoá ẩm thực” huống hồ
là “kỳ quan ẩm thực”. Văn hoá ẩm thực hiểu đúng nghĩa là không làm thương tổn
mạng sống loài vật. Theo học thuyết Duyên khởi của Phật giáo, khi ăn những thực
phẩm động vật là đã nuốt vào cơ thể những độc tố được tiết ra từ cơn sân hận
của con vật trước lúc chết.
Ngoài những ảnh hưởng của môi
trường, các công nghệ phóng thải chất độc, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm làm những
chứng bệnh dị dạng ngày càng phát sinh còn có vấn đề ẩm thực của con người.
Giết hại động, thực vật tạo ra mất cân bằng môi trường sinh thái, gây nỗi hận
thù trong tâm thức của động vật khiến thức ăn chứa đầy độc tố sân hận là điều
không thể phủ định.
Ở phương Tây vào ngày lễ Tạ ơn,
gà Tây bị giết hàng loạt. Loài gà này được nuôi theo phương pháp công nghiệp
trong chuồng trại. Con người sống trong tình trạng bị nhốt trong nhà cũng bị ức
chế tâm lý, cau có, bực bội, khó chịu nên có người bị bại liệt, thần kinh, điên
khùng. Loài gà công nghiệp được nuôi trong chuồng trại cũng thế, sống trong môi
trường tù túng, dễ bị cuồng quẩn. Ăn thịt loài vật bị biến dạng lòng sân si như
vậy, tâm lý con người cũng bị ảnh hưởng. Do đó, khi ăn thịt các loài động vật
thì tâm lý của thực khách sẽ bị ảnh hưởng và có thể trở nên hung dữ.
Ngày nay, công nghệ ăn chay của
Đài Loan phát triển, đã chế biến ra thực phẩm chay giống như thức ăn mặn. Khi
ăn những món chay giả mặn nếu không giữ được chánh niệm thì miệng ăn chay mà
tâm ăn mặn. Do đó, giá trị của lòng từ bi khó có thể được phát triển trong tình
huống này. Như thế, việc ăn chay mất hết ý nghĩa của lòng từ bi.
Khi chưa tiếp xúc với văn hoá ẩm
thực chay ở các chùa Bắc tông, nhiều người từng ăn món thịt gà, thịt vịt, cá…
chay giả mặn. Dù thực phẩm là chay nhưng vẫn tạo chất xúc tác cho hạt giống sát
sinh còn tiềm ẩn trong tàng thức liên tưởng đến thịt, cá thật nên sự sát sinh
tâm tưởng vẫn diễn ra. Do đó, không nên ăn chay như vậy vì đó chính là đang
gieo trồng hạt giống xấu vào tâm, tàn phá lòng từ bi của Phật tử.
BẤT
MÃN VÀ SÂN HẬN
Đề tài này gợi lên hai vấn đề:
Thái độ tâm lý bất mãn và cách xử lý sân hận. Bất mãn và sân hận tương tác lẫn
nhau. Có trường hợp vì bất mãn nên có thái độ sân hận với người xung quanh, sân
hận tạo ra bất mãn. Sân hận và bất mãn nuôi lớn nhau. Mỗi khi tâm lý bất mãn
xuất hiện, lòng sân hận có cơ hội phát triển và ngược lại. Quan hệ hai chiều
giữa sân hận và bất mãn làm cho con người luôn sống trong trạng thái
bị thiêu đốt. Tình huống đó,
nhiều người chọn giải pháp thiếu sáng suốt là trút cơn giận dữ lên người thân
hay bạn hữu.
Đức Phật dạy, muốn vượt khỏi sự
bất mãn và sân hận, trước hết phải nhận diện được bản chất của sân hận và bất
mãn do đâu mà có. Từ đó, mới có hướng giải quyết sáng suốt và hiệu quả. Đây
chính là nhu cầu rất cần thiết cho mọi người, dù bất cứ tầng lớp nào trong xã
hội cũng đều có bất mãn và sân hận ở nhiều cấp độ khác nhau. Vì vậy, nắm vững
được bản chất tác hại của bất mãn và sân hận thì có thể giúp vượt lên các hệ
luỵ và không biến mình thành nạn nhân của khổ đau.
Một khảo cứu của Mỹ nói về phản
ứng từ trường trong loài thực vật. Các nhà khoa học chọn hai cây cùng chủng loại
và cho từng đợt người đi ngang qua. Họ lần lượt đo sóng từ phát ra từ hai cây
này rồi giải mã sóng từ trường sau tương tác. Kết quả cho thấy, cây cũng biểu
hiện sự hoan hỷ hoặc không thân thiện.
Sau đó, các nhà nghiên cứu cho
hai người thanh niên, một người cầm dao, một người cầm búa chặt vào hai cây.
Một người chặt vào một chỗ cho cây đổ, người kia chặt bằm túi bụi làm cây bị
thương tổn, chảy mủ đủ kiểu rồi mới cho ngã xuống. Tín hiệu của máy đo dòng
điện từ trường phát ra từ hai cây hoàn toàn khác nhau. Cây bị chặt liền một chỗ
biểu đạt các sóng từ trường như thể hiện sự không hài lòng đối với người đã
chặt và nó mất đi sự sống. Cây bị bằm chặt nhiều hơn thì mức độ phản ứng gấp ba
lần cây kia.
Khi cả hai cây bị chặt ngã,
người ta cho đoàn người và hai thủ phạm đã chặt cây đi ngang qua. Những người
không chặt cây thì sóng điện từ phát ra bình thường. Lạ lùng thay, người tàn
phá cây đi ngang qua thì sóng từ trường phát ra mãnh liệt, y hệt thời điểm cây
bị chặt ngã.
Kết luận rút ra từ nghiên cứu
trên là bản chất của các loài động vật, thực vật đều hướng đến sự sống và sợ
hãi cái chết. Vì vậy, mọi loài luôn muốn được bình an, được thọ mạng, thậm chí
muốn trường sinh bất tử.
Khi lòng sân hận bị kích hoạt
bằng sự bất mãn thì sẽ biểu đạt cường độ ứng với tình huống tạo ra nó. Phản ứng
bất mãn dẫn đến sân hận có thể chảy đổ và xuất hiện bất cứ lúc nào khi nghịch
cảnh có mặt, hoặc khi các cản lực ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp tới tính
mạng.
Phản ứng bất mãn dẫn đến sân hận
ở con người rất mãnh liệt. Đối với người nóng tính hoặc khó chịu, sự bất mãn có
thể bộc phát bất cứ lúc nào và người thân thương của họ có thể trở thành nạn
nhân. Khi có các xúc tác của lòng bất mãn trước các biến cố cuộc đời như thua
lỗ trong việc làm ăn, thất nghiệp, mất của bị lừa gạt, chán nản trước nhân tình
thế thái... thì tâm lý bất mãn phát sinh và kéo theo sân hận như bóng không rời
hình.
Có thể nhận dạng và phân định
diễn biến của thái độ bất mãn bằng cách, đặt nó theo ba chiều kích. Thứ nhất,
nhận dạng bản chất thực tại của tâm lý bất mãn là gì? Thứ hai, phải tìm nguyên
nhân tại sao bất mãn, nguyên nhân gần hay xa... đã khiến bị cau có, bực dọc.
Cuối cùng là con đường để tháo gỡ, vượt lên trạng thái tâm lý bất mãn, không
dẫn đến sự sân hận gây ra khổ đau giữa mình và người khác.
Học thuyết Tứ diệu đế của đạo
Phật được đặt ra trên hai quy trình nhân quả, như một thực tại để đối đầu và
không cho phép trốn chạy. Đức Phật dạy, cuộc đời này chứa tất cả 8 phạm trù của
khổ đau:
Trước nhất là sanh, khi lọt lòng
mẹ, khổ đau được biểu hiện qua tiếng khóc, do sự thay đổi không khí, môi
trường,
nhiệt độ trong và ngoài cơ thể
của người mẹ.
Thứ hai là già, con người phát
triển trải qua nhiều giai đoạn, các chất vật lý, sinh lý như xương, răng, tóc…
trong cơ thể bị lão hóa. Khả năng nhận định, đánh giá của con người cũng bị
chậm đi.
Thứ ba, bấy giờ bệnh tật bắt đầu
xuất hiện và đó là thực tại khổ đau. Không ai thích cái khổ của bệnh hoạn nhưng
phải đối đầu với nó.
Thứ tư, bệnh dẫn đến hệ quả là
chết. Trong cuộc đời, con người có thể yểu thọ, trung thọ, thượng thọ, đại
thượng thọ hay đại đại thượng thọ... nhưng cuối cùng đều phải chết. Chết là
chấm dứt hoạt động của các bộ phận quan trọng của cơ thể, chẳng hạn như tim,
não, lục phủ ngũ tạng. Tất cả những trạng thái đó đều mang đến đau khổ.
Thứ năm là ái biệt ly khổ: tình
thâm huyết thống khi chết phải chia ly, dù thương yêu nhau cách mấy thì chết
cũng phải chia lìa.
Thứ sáu, đức Phật dạy, có những
trạng thái khác đau khổ hơn và không thể nhìn thấy rõ ràng mặt mũi. Đó là thái
độ mong cầu nhưng không thực hiện được (cầu bất đắc), những mong muốn trong
cuộc đời đều diễn ra ngược lại hoặc muốn 10 chỉ được 2,3,5. Cho nên, cảm thấy
bất mãn và dẫn đến khổ đau.
Thứ bảy, trạng thái tâm lý nguy
hiểm hơn là tình huống phải sống chung với những người không hợp (oán tắng
hội), hoặc phải đối đầu với những sự kiện, vấn đề nào đó ngược lại với sở
thích, lý tưởng của mình. Từ đó dẫn đến cau có bực dọc.
Thứ tám là ngũ ấm xí thạnh khổ:
tức là thân chúng ta gồm có 5 phạm trù: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc gồm tứ
đại: đất, nước, gió, lửa. Chỉ cần tứ đại này không được bình thường, cơ thể
nóng hay lạnh cũng đủ làm cho con người đau khổ tột cùng. Chưa kể đến thọ là
những cảm thọ, thọ nhận cho cơ thể;
tưởng là tư tưởng suy nghĩ lung
tung; hành là những động tác di chuyển của cơ thể; thức là sự nhận biết. Nếu 5
ấm này mà không hòa hợp thì nỗi khổ niềm đau sẽ rất nhiều.
Hai trạng thái tâm lý: cầu bất
đắc và oán tắng hội tạo ra bất mãn rất nguy hiểm. Phật dạy, phải nhận dạng được
bản chất của nó và không dừng lại tại đấy, bởi vì đó mới chỉ là bước đầu, quy
trình của sự trị liệu.
Bước hai, đức Phật dạy, phải tìm
ra nguyên nhân thông qua công thức của Tứ diệu đế là lòng tham ái, sân hận, si
mê, không vị tha, không từ-bi-hỷ-xả… Trong những tình huống cụ thể, có những
bất hạnh bắt nguồn từ bất mãn dẫn đến sân hận và phải tìm nguyên nhân bất mãn
là gì? Khi nào vạch mặt chỉ tên được nguyên nhân thì có thể giải quyết vấn đề
khổ đau được khoảng 60%, bằng không, sẽ chết trước khi phát hiện ra nguyên
nhân. Chỉ tên “bất mãn” đang hiện hữu thì có thể khống chế được phản ứng của
sân hận. Nghiên cứu về bản chất và tác hại của bất mãn sẽ giúp chuyển hoá sân
hận từ suy nghĩ đến lời nói, việc làm và cách giao tế ứng xử trong đời sống.
Đức Phật dạy, con người có thể
bị trôi lăn trong sinh tử luân hồi từ nhiều kiếp là do không tìm được nguyên
nhân khổ đau.
Khác với các tôn giáo, đạo Phật
vạch mặt chỉ tên các thực trạng khổ đau không phải để bi quan, yếm thế, mà để
đối diện với nó, khắc phục nguyên nhân tạo ra nó và có giải pháp thoát ly.
Chính vì vậy, đức Phật kết luận
rằng: “Trong suốt 49 năm hoằng pháp Như Lai chỉ nói hai vấn đề chính, còn bao
nhiêu kinh điển chỉ phục vụ cho hai vấn đề đó thôi. Thứ nhất là vạch mặt chỉ
tên khổ đau, thứ hai chỉ con đường giải quyết khổ đau”. Con đường giải quyết
khổ đau
được đức Phật dạy rất nhiều
trong kinh điển, sau này, chư Tổ phát huy thành những pháp môn như Tịnh Độ,
Thiền, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Tam Luận tông… để giải quyết vấn đề khổ đau của
nhân loại.
Có rất nhiều loại hình bất mãn:
cuộc đời, chính trị, giáo dục, văn hóa, kinh tế... Nói chung, trong cuộc đời có
bao nhiêu vấn đề thì bất mãn cũng xuất hiện bấy nhiêu. Đôi lúc, diễn ra ở mức
độ nguy hiểm hơn so với sự kiện dẫn đến bất mãn đó.
Trước nhất, bất mãn về thời
cuộc. Đây là vấn đề nóng, có thể đụng chạm đến nỗi khổ đau của con người trong
quá khứ, những cái mà con người từng có trước nhưng hiện tại không còn. Tất cả
những trạng thái bất mãn về thời cuộc làm cho con người có thể bị điên, mất
phương hướng, không còn lối thoát. Có nhiều cách thức biểu hiện khác nhau, nói
theo nhà Phật, nó đều là gốc rễ, là liên minh của sân hận, khổ đau.
Triều đại Trung Hoa có một ông
vua rất hà khắc với dân chúng, đến độ ai cũng than oán, thất vọng. Người dân
kháng cự bằng nhiều cách khác nhau, người biểu tình, kẻ chống đối, người Công
giáo cầu nguyện cho chế độ này bị sụp đổ. Tất cả nạn nhân đều mong muốn được
hòa bình, hạnh phúc. Nhưng có bà lão rất lạ, chỗ nào cầu nguyện cho chế độ sụp
đổ thì bà có mặt và cầu nguyện cho vua cai trị được lâu dài khiến nhiều người
rất ngạc nhiên. Người ta bảo bà là người ủng hộ chế độ, là cánh tay nối dài của
chế độ. Trước khi kết án bà, tất cả những người cầu nguyện hỏi:
Bà hãy giải thích lý do tại sao
lại cầu nguyện cho ông vua này cai trị lâu dài?
Bà trả lời đơn giản:
Liệu những người kế nghiệp có
tốt hơn ông vua này không, hay còn tệ hơn nữa? Hiện tại, vẫn còn không khí để
thở, cơm ăn, quần áo mặc, chưa
đến nỗi mất đi sự sống nên tôi tiếp tục cầu nguyện cho ông cai trị, còn hơn để
một ông vua hà khắc hơn thì cuộc đời càng thêm khổ.
Câu chuyện cho thấy hai thái độ
bất mãn khác nhau, người cầu nguyện cho chế độ sụp đổ là thái độ bất mãn cùng
cực. Nó đứng trên lập trường chính trị, ý thức hệ. Quan niệm cuộc sống, những
người phát xuất từ tấm lòng thương yêu đối với đồng loại đang khổ đau, nên họ
muốn chế độ hà khắc không còn cơ hội gây đau khổ cho người khác.
Thái độ bất mãn của bà cụ cũng
vậy, bà rất bất mãn đồng thời mất hết tất cả niềm tin về cuộc đời, không còn hy
vọng có thể huy hoàng, hạnh phúc hơn.
Khi tìm hiểu, được biết bà đã
từng mất chồng trên chiến trường, mất con, bà trở thành độc thân và chính quyền
không hề quan tâm. Nghĩa là, không có sự đền ơn đáp nghĩa đối với chiến sĩ bỏ
mạng ở sa trường cho tự do hạnh phúc, độc lập của dân tộc. Vậy mà bà vẫn không
than oán và hy vọng trong chiều kích đó còn có cái gì để bà sống, hơn chế độ
khác có thể sẽ xấu hơn. Phản ứng bất mãn trường hợp này là kết quả của cái nhìn
trong hoàn cảnh khó khăn đến độ người ta mất hết niềm tin về sự thay đổi,
chuyển hóa. Nên tốt nhất là chấp nhận duy trì tình trạng đó, miễn còn sống
được, có thể hạnh phúc được từ những cái rơi rớt của khổ đau.
Hai trường hợp đều là trạng thái
bất mãn, dẫn đến sân hận giống nhau. Một sân hận tại sao phải để cho chế độ đó
được tồn tại, một sân hận tại sao phải tạo cơ hội cho một chế độ khác xấu hơn
chế độ này được tồn tại. Cả hai chế độ đều là những cách thức dẫn đến khuynh
hướng không được an vui trong tâm thức. Về phương diện chính trị, con người dấn
thân vào quân sự, chính trị khó có thể chấp nhận quan điểm giải quyết vấn đề như
vậy, bởi họ nỗ lực phấn đấu
vươn lên tìm chất liệu cuộc sống
an vui, hạnh phúc cho cuộc đời. Họ không chấp nhận ngồi im, giống bà già chỉ lo
cầu nguyện cho một chế độ xấu hơn không có mặt ở tương lai, và chấp nhận chế độ
đang hà khắc tiếp tục tồn tại.
Cái nhìn của nhà Phật là mọi sự
vật hiện tượng, chủ nghĩa, học thuyết trong cuộc đời đều được vận hành theo quy
luật vô thường, nghĩa là không có sự tồn tại lâu dài.
Triều đại vàng son nhất của nhà
Trần và Lý là nhờ Phật giáo cũng chỉ tồn tại 400 năm trong lịch sử Việt Nam. Triều đại
nhà Tần tồn tại khoảng thời gian nhất định, triều đại nhà Tống được xem là có
lịch sử cai trị lâu nhất ở Trung Hoa cũng chỉ tồn tại 61 đời. Cho nên, mọi thứ
trong cuộc đời này đều phải thay đổi.
Là người con Phật, phải tin vào
quy luật vận hành của cuộc đời, quy luật biến thiên không bao giờ tồn tại vĩnh
viễn. Nó bất biến ở tư thế nó đang có. Do vậy, khổ đau được chuyển hóa, bất
hạnh được tháo gỡ và có thể sống trong hạnh phúc. Cho nên, đừng đánh mất niềm
tin về cơ hội. Hạnh phúc sẽ đến nếu biết tận dụng. Cách thức biến niềm hy vọng
trở thành hiện thực của người Phật tử hoàn toàn khác với người thế tục, vì
chiều kích giải quyết vấn đề nhà Phật không giống các tôn giáo khác.
Nhà Phật dạy, con người phải
biết buông xả, học hạnh kiên nhẫn, giữ thái độ không sợ hãi, trau dồi đức tính
tốt để xây dựng hạnh phúc trong cuộc đời. Nếu lâm vào hoàn cảnh bất hạnh, vẫn
có nhiều cách thức giải quyết vấn đề, miễn nó mang lại an lạc cho đời sống nội
tại, tăng trưởng chiều kích tâm linh và phát huy sự tiến triển của con người là
một giải pháp tốt. Với điều kiện, hướng đi, con đường lựa chọn đó không ảnh
hưởng, không làm người khác đau khổ, không được thiết lập trên vùng sinh tử của
con người.
Bằng không, sự bất mãn và sân
hận này sẽ tạo ra bất mãn và sân hận ở mức độ lớn hơn, nhiều hơn và nguy hại
hơn.
ÁM
ẢNH VỀ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ
Cách đây mấy chục năm, khi phong
trào phân biệt chủng tộc diễn ra trên đất nước Hoa Kỳ, khiến nhiều người bị
chết. Sự phân biệt ý thức hệ đã làm cho Hợp chủng Hoa Kỳ bị tai tiếng khắp thế
giới.
Người da đen bị phân biệt đối
xử, da trắng được ăn trên ngồi trước nhưng luật pháp chống lại chuyện này. Luật
pháp bảo vệ quyền bình đẳng của con người, do đó, trong đời sống vẫn có sự xung
đột, khủng bố lẫn nhau.
Có lần, một giáo sư trẻ nghiên
cứu về vấn đề phân biệt chủng tộc, ngồi cạnh người da đen trên một chuyến xe
buýt. Anh ta thích ngồi kế cửa sổ để nhìn cảnh trí qua các dãy phố… Bỗng dưng,
trước mặt anh có một người khách vừa đứng lên đi xuống, anh giáo sư đứng dậy
lên ghế đó ngồi, anh da đen ngồi kế bên rất bực tức:
“Tại sao anh khinh khi tôi? Tại
sao anh phân biệt đối xử với tôi?” Anh ta vung tay đánh thật mạnh làm anh giáo
sư trẻ bị
chảy máu mũi.
Đó là câu chuyện có thật được
nêu trên báo chí, nói về bản chất của những cuộc bạo loạn giữa màu da, sắc tộc
trên đất nước Hoa Kỳ. Câu chuyện nói lên được giải pháp rất hay ở chỗ, anh giáo
sư không sân hận. Là người nghiên cứu về sự phân biệt chủng tộc, mâu thuẫn nội
tại giữa dân da trắng và da đen ở châu Phi nên anh ta cảm thông được nội kết
của những người da đen đối với những người da trắng. Mặc cảm tự ti về phân biệt
đối xử có thể làm con người hiểu lầm và dẫn đến sự nổi loạn bất cứ lúc nào. Với
hiểu biết vậy, anh giáo sư không phản ứng đối lập và nếu có phản ứng kháng
cự, chưa chắc anh giáo sư đánh
thắng anh da đen. Bởi vì, về phương diện cấu trúc vật lý của cơ thể sinh học,
người da đen phải mạnh hơn người da trắng, da đỏ, da vàng. Khi người Mỹ mới đến
Việt Nam,
họ dễ bị bệnh, qua Ấn Độ họ cũng vậy, qua Somali họ lại càng dễ bị bệnh hơn nữa
vì kháng thể yếu, đi tới đâu cũng dễ bị nhiễm vi trùng.
Anh giáo sư không kháng cự không
phải vì nghĩ đến việc thắng thua, mà anh nhìn thấy được trong hành động phản
kháng của anh da đen bắt nguồn từ khổ đau. Có thể bắt nguồn trong hoàn cảnh
người da đen này đã từng có người vợ bị phân biệt đối xử, người con bị phân
biệt đối xử mất việc làm, thất nghiệp, và bản thân anh da đen đó cũng bị phân
biệt đối xử như vậy. Cho nên, anh ta có sự hiểu lầm, việc đứng lên của người da
trắng trong trường hợp này là khinh khi, không muốn ngồi chung với người da
đen. Nhưng thật ra, anh da trắng này chỉ với lý do đơn giản là ngồi ở bên cửa
sổ, mà vị trí ghế trên đó vừa có người đứng dậy.
Đó là một vài góc cạnh liên hệ
đến bất mãn và sân hận, liên hệ đến ý thức hệ chính trị, quân sự giữa nước này
với nước khác, chủ nghĩa này với chủ nghĩa kia.
Cảm giác bị phân biệt đối xử có
thể tạo thành sự bất mãn lớn. Đến nơi bị mọi người nhìn chằm chằm, với ý phê
bình, chỉ trích, bỗng dưng cảm thấy bẽn lẽn, sợ hãi. Ví dụ, khi người Việt Nam đến nơi nào
đó đã từng có người Việt ăn cắp và để lại ấn tượng không tốt cho người dân địa
phương. Rồi nghe kể lại câu chuyện thì bỗng dưng cảm thấy áy náy, vì cách kể đó
là phân biệt đối xử. Lẽ ra không nên kể, bởi cách ngoại giao tối thiểu, “mía sâu
có đốt, nhà dột có nơi”, đâu phải người Việt Nam nào cũng vậy. Rất nhiều người
Việt Nam
nhân từ, đạo đức, bỏ cả công việc để làm công tác từ thiện xã hội
không phân biệt đối tượng, tôn
giáo, màu da chủng tộc. Tại sao không nhớ tới những người cao đẹp đó mà chỉ nhớ
đến người phạm tội, và tội phạm thì lúc nào cũng có. Tình trạng tội phạm từ
những người homeless diễn ra ở Mỹ cũng không thua kém gì những nước nghèo trên
thế giới.
Một Phật tử tại đây kể về tình
trạng của những người homeless ở Mỹ rất nhiều, bất hạnh có, lười biếng có,
thích thay đổi môi trường sống để cảm nghiệm cuộc đời như thế nào cũng có...
nhiều nguyên nhân. Nhiều người homeless trở thành tội phạm nên nhà tù của Mỹ
nhiều không thua kém số nhà tù ở các nước chậm phát triển. Tội phạm trong những
nhà tù của Mỹ nguy hiểm hơn tội phạm ở những nước nghèo, vì họ có súng, có đủ
phương tiện gây án. Do đó, tội lỗi tạo ra chồng chất, đó cũng là một loại hình
bất mãn.
Ngoài ra, có những loại bất mãn
bắt nguồn từ điều kiện ngoại tại, từ hoàn cảnh môi trường mà con người sinh
sống. Ví dụ, một người đến công sở làm việc nhưng bỗng bị kẹt xe
3 giờ, tới sở liền bị quở trách.
Bất mãn bị kẹt xe làm người ta khó chịu, ngồi đứng không yên, bực tức chửi
thề... Trong những trường hợp như vậy, nhà Phật dạy phải tập hít thở. Dù bực
dọc, cũng không tiến thêm được bước nào, nên tốt hơn hết, tập phương pháp thiền
lái xe như Thiền sư Nhất Hạnh đã dạy, hoặc có thể quán niệm hít thở theo 16
pháp quán niệm đức Phật đã dạy.
Muốn khắc phục, mỗi ngày phải
thức dậy sớm hơn 1 hoặc 2 giờ để đến công sở, như vậy có thể giải quyết được
công việc và không bị ách tắc bởi kẹt xe. Mỗi nghịch cảnh đều có giải pháp nếu
biết cách nhìn, cái nhìn của người Phật tử chúng ta có thể giải quyết vấn đề
rất êm đẹp.
Trong những tình huống như vậy, nhà
Phật dạy, hãy nhìn lại, hãy đặt tấm gương nhân quả trước mặt xem rằng mình và
tấm gương thích hợp hay không?
Xem phản ứng đó có mang lại hạnh phúc hay chỉ mang lại khổ đau cho mình và
những người khác? Nếu câu trả lời là mang lại khổ đau nghĩa là đi sai đường lạc
lối, ngược lại, nếu phản ứng mang lại hạnh phúc thì biết đó là điều cần phát
huy.
Trong bất kỳ khổ đau nào, nhà
Phật cũng dạy cách suy nghĩ đến giải pháp thích ứng, miễn là chịu khó suy nghĩ.
Nếu không kiên nhẫn thì vĩnh viễn không có được hạnh phúc!
Đừng trút đổ cơn giận một cách
vô ích. Nếu muốn phóng thích nó thì phải chuyển hóa một cách an toàn. Giống như
trong nhà có rác, phải bỏ vào sọt để xưởng rác xử lý, không thể quẳng vào trong
túi của người thân hay nồi cơm, chén nước gây ra nguy hiểm. Phải khôn ngoan
phóng thích vào nơi rất an toàn, bằng không, cả mình và người thân đều chịu bất
hạnh.
Chúng tôi đã chia sẻ một vài góc
cạnh nói lên tính cách liên hệ mật thiết giữa bất mãn và sân hận. Con người cần
phải nhận thức, đối đầu với nó để khắc phục vượt qua. Làm được vậy, có thể biến
năng lực của bất mãn và sân hận thành chất liệu xây dựng. Trên cơ sở đó, mới
thiết lập tình thương và xây dựng nền hoà bình thế giới. Có như vậy, không lo
gì đến hoàn cảnh bức bách hay điều kiện khó khăn không như ý. Tất cả đều có thể
trở thành hoa sen của sự sống, nguồn hạnh phúc cuộc đời và đó là những gì đức
Phật dạy. Các vị Bồ tát cũng đã làm thành công, thánh tăng, cư sĩ, Phật tử lỗi
lạc cũng đã làm thành công. Phải tin, nếu có những hoàn cảnh bất mãn như vậy mà
tìm thì cũng sẽ có cách chuyển hóa. Từ đó, có được hạnh phúc, nếu phóng thích
bực dọc không đúng chỗ sẽ dẫn đến sự hủy diệt!
BẤT
MÃN VỀ THỜI CUỘC
Khuất Nguyên, vị quan Tam quân
Đại phu trong lịch sử Trung Hoa, là người bất khuất, liêm chính, một lòng
dấn thân phục vụ đại nghĩa. Vậy
mà ông có rất nhiều kẻ thù, bởi vì những người thấp kém, yếu hèn luôn chơi trò
sàm tấu để tạo mâu thuẫn, ngăn cách giữa ông và triều chính nên ông đã mất đi
niềm tin của vua. Vua sợ để Khuất Nguyên tồn tại thì sẽ thành người nổi loạn,
lật đổ triều chính và thay thế vị trí lãnh đạo của mình nên đã cắt chức ông.
Khuất Nguyên buồn rầu đi thất tha, thất thểu ngoài đường, bất mãn vì nhiệt
huyết của mình không có cơ hội gieo trồng, cống hiến. Ông gặp nhiều hoàn cảnh
cũng như mình và thường cùng bàn về chuyện khổ đau trong quá khứ để tìm ra kế
sách khắc phục. Nhưng đó chỉ là ước mơ, lý tưởng thuần túy và kết quả rất xa
vời.
Một hôm, Khuất Nguyên gặp ông
lão chăn bò nghèo khó nhưng có trình độ kiến thức về cuộc đời rất thâm sâu.
Kiến thức này không liên hệ đến kiến thức học đường, mà bắt nguồn từ nhận thức
bằng kinh nghiệm trong cuộc sống. Dù ông lão chăn bò không có vốn kiến thức học
đường nhưng là người có nhiều điều để người ta có thể học được. Nhìn Khuất
Nguyên thất tha thất thểu, ông lão hỏi:
Có phải là quan Tam quân Đại phu
đó không? Khuất Nguyên nói: Vâng, tôi đây!
Tại sao ông lại tiều tụy đến
thế?
Khuất Nguyên trả lời: Đời đục
cả, một mình tôi trong. Đời say cả, một mình ta tỉnh. Trong hoàn cảnh đục và
say như vậy, tôi không còn mảnh đất để sống. Nếu sống, tôi sẽ say và đục theo
người khác. Cho nên tốt nhất, tôi trở thành con voi độc hành trong rừng sâu,
đại bàng tung cánh, phượng hoàng không bao giờ đồng hành với những gì hèn hạ
thấp kém, hối lộ, móc ngoặc, đút lót… Tôi có thể chấp nhận cái nghèo, bất hạnh
nhưng không thể chấp nhận giàu sang phú quý bằng những cách phi đạo đức, vô
lương tâm.
Ông lão thở dài và nói một câu
như lời an ủi, triết lý, chủ nghĩa hành động mà nhà Phật gọi là tùy duyên:
“Nếu đời đục cả thì tại sao ông
không nương vào cái đục đó để tồn tại và tồn tại bằng lương tri. Nếu đời say
cả, tại sao ông không dấn thân vào đám quần say đó để trở thành một con người
tỉnh thức”.
Cuối cùng, khuynh hướng hai bên
khác nhau, Khuất Nguyên vẫn đi theo con đường của mình còn ông lão vẫn đi theo
con đường của ông lão. Trước khi chia tay, ông lão phát biểu một câu rất hay:
“Sông Tương nước đục chảy ra thì ta lội xuống để mà rửa chân. Sông Tương nước
chảy trong veo thì ta lội xuống rửa cái lèo mũ ta”.
Phải tùy duyên bất biến trong những
hoàn cảnh bất như ý thì mới có thể sống trong cuộc đời này. Cuộc đời được ví
như dòng sông với chức năng là chuyện giao tế ứng xử, đối tác làm ăn... Dĩ
nhiên, phải có những trở ngại nhưng nếu biết tận dụng hoàn cảnh thì cũng như
nước đục và trong mà ta sử dụng, không hề bỏ phí bất cứ trường hợp nào. Tận
dụng được hoàn cảnh mình đang sống, nhất là trong chế độ chủ nghĩa phương Tây
hiện đại, tất cả mọi thứ đều được recycle. Có thể tái tạo bằng cách đưa vào máy
lọc dưới điều kiện của nhiệt, máy móc, hóa chất… để trở thành nước trong và
uống được. Thậm chí, nước biển cũng có thể trở thành nước ngọt thông qua sự hỗ
trợ của máy móc hiện đại.
Công cụ hiện đại gợi lên phương
pháp ứng xử trong mọi tình huống. Đừng bao giờ đánh mất bản chất, nếu mất thì
sẽ chạy theo duyên thay vì tùy duyên. Tức là, nương theo duyên để giữ được bản
chất, như thế mới đạt đến đỉnh cao của sự đóng góp và phục vụ. Dù nước đục hay
trong, chức năng của nước vẫn là nước. Đó là triết lý ứng thế của đạo Phật.
Không biết ông lão chăn bò nọ có hiểu được tinh thần của nhà Phật hay không
nhưng cách ông khuyên Khuất Nguyên rất gần với đạo Phật.
Trong cuộc đời, có rất nhiều
hình thái bất mãn được thể hiện theo hai khuynh hướng:
Khuynh hướng thứ nhất, bất mãn
dẫn đến nổi loạn không liên minh hợp tác và bất mãn này sẽ kéo theo sự sân hận,
đổ vỡ giữa người với người. Khuynh hướng thứ hai là đứng trên tinh thần của nhà
Phật. Từ bất mãn tạo thành năng lực xây dựng, đóng góp vì thấy cuộc đời hiện
tại không như ý nên cần phải dấn thân nhiều hơn, hy sinh nhiều hơn để làm được
nhiều kỳ công cho xã hội. Bằng không, sẽ bị rơi vào trạng thái ứng xử giống như
bao nhiêu phàm tình khác không thuộc về chất liệu của Phật giáo.
Ngày nay, người Trung Hoa tưởng
niệm vị quan trung thần, can trường, nghĩa khí Khuất Nguyên bằng ngày tết Đoan
Ngọ, tức là tết mùng 5 tháng 5 âm lịch. Khuất Nguyên qua đời do bệnh bất mãn
dẫn đến tự tử tại sông Tiền Đường. Ông nghĩ, thà chết trong trạng thái trong
sạch, không say hơn là sống mà say và bia vị ngàn đời sẽ ghi lại để người ta
tưởng nhớ.
Phản ứng chọn cái chết trong
trạng thái bất mãn là thái độ không khôn ngoan. Sự trong sạch đáng tán thán,
nghĩa khí không bị say đáng ca ngợi. Nhưng giải quyết để duy trì cái không say,
không bị đục đó bằng con đường tự tử là cách không còn lối thoát, hướng giải
quyết vấn đề có thể để lại những vết hằn của sân hận dẫn đến khổ đau từ kiếp
này sang kiếp khác. Nhà Phật dạy, đừng chịu thua khổ đau, đừng buông tay trước
nghịch cảnh. Phải bình tĩnh sáng suốt vươn lên, để xử lý vấn đề trong mọi hoàn
cảnh, đừng bao giờ chọn một giải pháp không lối thoát. Những giải pháp tự tử dù
với lý do nào đi nữa đều là kết quả của bất mãn, tất cả có thể trở thành động
lực rất lớn để tiến thủ trong cuộc đời.
ĐÈ
NÉN SỰ BỰC TỨC
Trường hợp của Trưng Trắc và
Trưng Nhị cũng liên hệ đến vấn đề chính trị. Hai chị em cầm cờ khởi nghĩa kháng
chiến chống giặc Nam Hán, cách đây mấy ngàn năm. Trưng Trắc là người rất điềm
tĩnh, Trưng Nhị được mô tả là người rất cương quyết, khẳng khái giống Trương
Phi. Do vì nóng tính nên ít nhiều cũng háo thắng, muốn thể hiện mình có thể làm
được tất cả.
Khi Thái thú Tô Định đến thử tài
xem người Việt Nam
có đủ cường khí, bất khuất để làm cuộc khởi nghĩa hay không. Ông ta ra lệnh
thách đố bắn cung. Lúc đó, Trưng Trắc nhắn giọng, “Hễ bắn thì phải trúng”, giúp
em gái là Trưng Nhị hiểu được dụng ý là đừng bao giờ thi thố tài năng thật sự
để kẻ thù không ngờ rằng mình có tiềm lực lớn. Rõ ràng, đó là phản ứng hoàn
toàn bất mãn nhưng bất mãn này được tích tụ thành một năng lực, thành một bệ
phóng và thành lực đẩy rất lớn để rèn binh dưỡng khí. Cuối cùng, cuộc khởi
nghĩa diễn ra thành công. Thái thú Tô Định bị chết dưới gươm của Trưng Trắc và
Trưng Nhị. Trường hợp bất mãn này đã nuôi lớn lòng yêu nước, tạo ra chất liệu
tình thương và vượt tới đỉnh cao của sự đóng góp. Dĩ nhiên, theo tinh thần nhà
Phật, khi dấn thân làm công việc quân sự, chiến sự thì phải chấp nhận giá trị
nhân quả, phải đối đầu trong hiện tại và tương lai.
Tại sao có những vị tướng cầm
gươm, cầm súng giết giặc mà tuổi thọ của họ đến 80, 90 nhưng một số người lại
yểu thọ, chỉ được 20, 30 tuổi dầu họ cùng gieo chung nghiệp là cầm súng giết
người? Con người phải chấp nhận sự thật, tất cả những chiến sĩ đều được nuôi
dưỡng hai thái độ ở trên chiến trường, hoặc giết người khác chết hoặc bị người
khác giết chết. Cho nên khi đối đầu với kẻ thù, con người có khuynh hướng muốn
giết đối phương càng sớm càng tốt, giết
thế nào để người ta không phản
kháng, không chống cự và không có dịp trả thù trong tương lai.
Đức Phật dạy, sự khác biệt tuổi
thọ trong trường hợp này ở thái độ giết người. Nếu một chiến sĩ cầm súng giết
giặc bằng thái độ hận thù vì cha, người thân bị kẻ thù giết nên phải trả đũa,
máu trả bằng máu. Bấy giờ, không còn là hành động yêu nước mặc dù dưới bình
phong của chủ nghĩa yêu nước, nhưng trở thành hành động sân hận. Do đó, nghiệp
lực rất lớn, phải chịu nhân quả sát nghiệp, vì vậy, những người này bị yểu thọ.
Trong khi đó, những người yêu nước thật sự sẽ có được chất liệu của tình thương
khi nhìn kẻ thù bằng con mắt trí tuệ, không thấy giặc là kẻ thù, không thấy
người khác ý thức hệ là kẻ thù, mà thấy hành động vô minh, thái độ si mê, sự
thôn tính nước khác là kẻ thù. Như vậy, kẻ thù không phải là người khác ý thức
hệ mà chính là những hành động bất thiện.
Đức Phật dạy, nhìn kẻ thù trong
hành động sát phải kéo theo tình thương, để người kia không có cơ hội gieo
nghiệp xấu, bắn người kia là để những người còn lại không bị nạn khổ đau do
hành động vô minh gây ra. Như vậy, cùng mang nghiệp sát nhưng cộng theo đó là
tình thương, tinh thần từ bi, thái độ dũng mãnh bất khuất không sợ hãi. Lúc bấy
giờ, vẫn phải chấp nhận nghiệp sát nhưng là hạt giống đóng góp, phục vụ. Hai
cách này song tồn. Nhờ đó, hành động sát nghiệp trong trường hợp này không phải
là hệ quả của bất mãn và sân hận, mà là những giá trị đóng góp cao hơn và sẽ
thọ mạng lâu dài, chỉ đơn thuần cầm súng bằng lòng sân hận, trả thù.
Nghiên cứu về trạng thái bất mãn
liên hệ đến hoàn cảnh con người đang sống giúp ta vượt qua sân hận. Ai cũng
biết, Trần Quốc Tuấn là vị tướng tài đời Trần. Đóng góp của ông không chỉ nằm ở
cuộc khởi nghĩa chống giặc Nguyên Mông, mà còn ở tinh thần yêu nước rất hùng
mạnh, thể hiện sâu sắc trong bài
Hịch Tướng Sĩ bằng tất cả tâm
huyết và lòng trung thành với quốc gia. Ông rất bất mãn với triều chính, những
vị quan chỉ lo ăn chơi, đá gà, hưởng thụ… không nghĩ đến nạn của dân tộc. Đọc
từng câu, từng lời, từng chữ, từng ý của Hịch Tướng Sĩ sẽ thấy gan ruột Trần
Quốc Tuấn phơi bày trong đó. Như vậy cũng là bất mãn về thời cuộc, xã hội,
chính trị nhưng nó tạo ra thành quả xây dựng thay vì thành quả đổ nát. Có thể
làm con người bực tức dẫn đến phá phách, nhưng bất mãn dưới góc độ của người có
tuệ giác thì dẫn đến giá trị đóng góp rất nhiều. Những giá trị đóng góp đó
chính là cách thức biểu hiện tâm huyết, dấn thân phục vụ cuộc sống. Trước những
hoàn cảnh như vậy, người tại gia có điều kiện thử nghiệm cuộc đời bằng bất mãn
của chính mình. Phải soi xét xem bất mãn đó dẫn đến sân hận đối đầu hay thái độ
tìm kiếm những chất liệu xây dựng, tìm đến tương lai sáng đẹp hơn, tốt đẹp hơn
cho mình và đồng loại.
KHI
THƯỢNG ĐẾ NỔI GIẬN
Trong kinh thánh của Do Thái và
Cơ Đốc giáo có kể câu chuyện bất mãn của đức Chúa. Dĩ nhiên, đây là câu chuyện
tạo ra những tranh luận và cách lý giải của câu chuyện làm người ta khó chịu
rất nhiều. Kinh thánh nói về nguồn gốc rất kỳ lạ của cây sung, tại sao trái sần
sùi, vỏ khó coi và không thể ăn được mặc dầu trái rất sum suê. Người Trung Hoa
đã trồng cây sung ở trước nhà và nghĩ rằng sẽ sung túc, phú quý giàu sang, ai
hiếm muộn con, mà trồng cây sung sẽ có con đầy đàn, người nào chăn nuôi thì sẽ
có cơ hội phát triển rất nhiều. Phong tục tập quán sai lầm là như vậy.
Một hôm, đức Chúa và các tông đồ
của Ngài đi trên một sa mạc, không có nước, không có lương thực, khát và đói đã
làm mọi người bất mãn cau có. Đi rất xa, cả thầy trò đức Chúa hoàn toàn mỏi
mệt, ngã quỵ trước cây sung. Mùa hè,
cây sung không có trái, trong
khi Chúa và tất cả tùy tùng hy vọng đến được cây là có trái để ăn và thoát khỏi
cơn đói. Nhưng sự thật diễn ra đã làm họ rất bất mãn vì cây sung không có một
quả nào. Đứng trước sự kiện đó, Chúa đã phán cây sung: “Ta phán cho dòng họ nhà
ngươi từ đây cho đến đời đời kiếp kiếp về sau, không ai có thể ăn được trái cây
nhà ngươi sinh ra”. Vừa dứt lời, bỗng dưng cây sung bị biến dạng, lá sần sùi
nổi cộm có hột giống da cóc, vỏ thân cây cũng tương tự. Ngày đầu sau lời phán
quyết đó, tất cả các trái sung đều sần sùi và không ai ăn được cả.
Bất mãn trong kinh thánh của đức
Chúa đã tạo ra khổ đau cho cuộc đời ở chỗ, là mình không ăn được thì phá khiến
người khác cũng không bao giờ ăn được. Bất mãn đó là sự độc tài mang tính hủy
diệt dẫn đến nhiều khổ đau khác. Nếu là người nhân từ bác ái thì không ăn được
phần đó nhưng mong trong cuộc đời có người ăn được và hoan hỷ với người may mắn
hơn. Bấy giờ, sự bất mãn đó là cơ hội, là đầu mối của tình thương.
Nhà Phật dạy, phải có chất liệu
của lòng tùy hỷ, phải hoan hỷ với những nghịch cảnh, và phải cám ơn những
nghịch cảnh bởi nó là cơ hội thử lửa lương tâm. Lửa đó có thể nung đốt
2000 độ C, liệu có chịu đựng
được? Hay đến lúc đó cũng bạo loạn và trở thành những kẻ cuồng tín giống
Taliban, Akeda, Osama Bin Laden… nguy hiểm cho cuộc đời. Những người đó đều bất
mãn, bất mãn với chính phủ, liên minh, ý thức hệ tôn giáo của Mỹ. Họ bất mãn đủ
thứ dẫn đến phá hoại, khủng bố nỗi khổ, niềm đau làm tổn hại cuộc sống. Bất mãn
đó cần phải được loại trừ ra khỏi mảnh đất tâm của con người, bằng không, cả
mình và người có thể trở thành mắt xích khổ đau, kéo dài từ kiếp này đến kiếp
khác. Sinh ra, gặp nhau là sân hận, đối đầu, loại trừ một mất một còn…
Bất mãn trong trường hợp của đức
Chúa là bất mãn khó có thể chấp nhận. Bởi vì, khát nước quá có thể cau có, đói
bụng quá có thể bực dọc nhưng đừng cho phép những người khác lâm vào cảnh trạng
không còn một trái sung nào để ăn. Bất mãn để tạo thành sự sống thì tốt, bằng
không, nó có thể trở thành khổ nguy cho cuộc đời.
Liên hệ từ trạng thái bất mãn
của đức Phật, thấy khác rất nhiều. Đức Phật được sinh ra và nuôi nấng trong
truyền thống giáo dục của Bà La Môn giáo, truyền thống tầng cấp xã hội. Con
người không có cơ hội vùng vẫy thoát khỏi mạng lưới dày đặc của Phạm Thiên.
Sinh ra trong hoàn cảnh định chế, làm người ta sợ hãi, không dám cưỡng lại,
không dám cách tân. Chỉ những người dũng khí, từ bi, tuệ giác lớn mới có thể đi
ngược lại với truyền thống mấy ngàn năm lịch sử của Ấn Độ giáo.
Đức Phật hoàn toàn bất mãn với
triều đại của Ấn Độ giáo, Ngài hoàn toàn bất mãn với hạnh phúc của một thái tử,
của người ăn trên ngồi trước. Cho nên, Ngài từ bỏ tất cả để trở thành nhà đạo
sĩ rày đây, mai đó trên mọi nẻo cuộc đời. Để nói rằng, hạnh phúc trong cuộc đời
không phải nằm ở tài sản, sự nghiệp, nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con ngoan… mà
chính là ở thái độ ứng xử trước mọi hoàn cảnh của con người. Đức Phật có hạnh
phúc rất lớn, vượt lên trên hạnh phúc thông thường của cuộc đời, dầu Ngài không
có tài sản gì khi dấn thân tìm chân lý.
Trong truyền thống Ấn Độ giáo,
ba nhân vật để lại nhiều ấn tượng là đức Phật Thích Ca, đức Mahavihara -sáng
chủ đạo Kỳ Na giáo và Ramakisna - sáng chủ Ấn Độ giáo. Ba vị này đều là thái tử
thuộc dòng quyền quý nhưng không chấp nhận truyền thống hiện tại nên trở thành
đạo sĩ, những người thoát tục và có rất nhiều đối tượng quần chúng theo học.
Vấn đề cần đặt ra, nếu như đức
Phật Thích Ca không xuất thân từ thái tử thì chưa chắc chân lý đức Phật nói làm
người ta tin. Bởi vì, chiều kích tôn giáo của Ấn Độ không bao giờ coi trọng
người ở giai cấp thấp, dù người đó có nói chân lý thì chân lý đó cũng bị xem là
tà thuyết.
Cho nên, các đức Phật thường ra
đời với tư cách là thái tử. Đức Phật trong tương lai hoặc các đức Phật khác
cũng ra đời với tư cách là thái tử nếu các Ngài thị hiện ở đất nước Ấn Độ. Do
định chế tôn giáo của Ấn Độ không cho phép tin theo người thuộc giai cấp thấp
hơn giai cấp đang có. Ngoại trừ một số nhà cải cách tôn giáo xuất hiện có đóng
góp quá lớn, đến độ giá trị tâm linh và đạo đức của họ làm cho người ta quên đi
những người giai cấp thấp kém hơn.
Đạo Phật tiếp nhận rất nhiều
người thuộc nhiều giai cấp thấp. Dù hoàng thân quốc thích mới đi tu vẫn phải
đảnh lễ, vẫn phải học hỏi ở những người có giai cấp thấp nhưng tâm linh, đạo
đức cao, đó là truyền thống rất mới trong đạo Phật. Bất mãn như thế, đức Phật
đã tạo ra cuộc đời rất lịch sử. Suốt
49 năm hoằng pháp của Ngài đều
là dược liệu để chữa những căn bệnh bất mãn thời cuộc, giai cấp và bất mãn của
Ngài trở thành những giọt cam lồ làm cuộc đời được tươi mát!
Từ những sự kiện trên, bất mãn
chính là một nhu cầu rất lớn. Không nên hài lòng với những định chế đang có,
những hoàn cảnh hiện tại. Như thế, mới có cơ hội vươn lên. Giá trị đó được đặt
trên nền tảng của bất mãn, tạo thành năng lực dấn thân, cống hiến nhiều hơn.
Nếu một vị Bồ tát không bất mãn với nỗi khổ đau của chúng sinh ở địa ngục thì
vĩnh viễn không bao giờ phát nguyện vào địa ngục cứu chúng sinh. Phật dạy, đừng
bao giờ xa lánh những kẻ trong địa ngục. Những vị Bồ tát, Thánh Tăng luôn gần
gũi những người như vậy để chuyển hóa. Xa lìa họ thì sẽ không có cơ hội được
tỉnh thức, chỉ điểm. Sai lầm đó
có thể được nhân lớn làm cho chiều kích của khổ đau gia tăng mãnh liệt.
IM
LẶNG SẤM SÉT
Biến dạng khác của việc đè nén
cơn giận được thể hiện qua sự im lặng đáng sợ. Pháp Phật có một mặc định khi
trưng cầu dân chủ trong đời sống cộng đồng tu sĩ là, dành quyền ưu tiên cho
người có ý kiến khác. Mặc nhiên không có ý kiến được hiểu là đã đồng tình với ý
kiến tập thể. Nhà Phật tận dụng sự im lặng vì làm cho đời sống nội tâm phong
phú. Nếu nói thì phải đúng lúc, nội dung lời nói phải có ý nghĩa. Lời nói mang
lại khổ đau, bất an cho người khác thì vô ích và không nên nói. Tuy nhiên, cũng
có sự im lặng rất nguy hiểm, tạo nên bầu không khí ngột ngạt và cắt đứt sự
truyền thông. Chẳng hạn, hai người thương nhau nhưng mới giận hờn chút ít mà có
người đã lỡ nói những lời khiến đối phương không hài lòng. Kết quả, dù hai
người gặp nhau mỗi ngày, đi làm cùng đường, chung cơ quan, chung nhà, ăn chung
mâm, ngủ chung phòng nhưng hai người vẫn im lặng, không ai chịu nói ra vấn đề
để giải quyết. Đó là sự im lặng sấm sét, khi nổ ra thì nhà tan cửa nát!
Tôi từng tư vấn cho nhiều đôi vợ
chồng như vậy. Có cặp, người chồng là tài xế của công ty du lịch, vợ là giáo
viên. Hai vợ chồng đã sống chung tám năm mà không nói chuyện với nhau. Hai
người có mặc ước, đi dự đám cưới, ăn tiệc thì vẫn đi chung, vẫn trao đổi tâm sự
như không hề có chuyện gì xảy ra. Nhưng khi về nhà thì chuyện ai nấy làm, không
cần nói chuyện với nhau nữa. Họ sống theo cách, xa nhau thì không chịu nổi mà
gần nhau lại khó chịu vô cùng. Tôi góp ý rằng, nếu im lặng để dẫn đến sự hòa
giải, vợ chồng thông cảm, hiểu được nguồn gốc của vấn đề thì nên im lặng. Còn
im lặng mà ngày càng tạo hố sâu ngăn cách thì thật không nên. Hai người đã đóng
kịch được với người ngoài, tại sao không sống thật như thế trong gia đình để có
hạnh phúc thật sự?
Không nên vì bảo vệ sĩ diện mà
sống giả hạnh phúc trước mặt mọi người. Giá trị của hạnh phúc không nằm trong
sĩ diện. Hạnh phúc có mặt khi sống chân thật với nhau. Tuy hai người họ uống
chung dòng nước nhưng không thấy vị ngọt. Một người có cảm giác cay còn người
kia có cảm giác đắng. Một người có cảm giác nhạt nhẽo và một người có cảm giác
mặn chát. Đó là sự im lặng đáng sợ và nguy hiểm! Ấy thế, gia đình họ được bầu
chọn là gia đình hạnh phúc lý tưởng và là cặp vợ chồng có đời sống lý tưởng vì
bên ngoài, trước mặt mọi người, họ biểu hiện sự hiểu và yêu nhau. Thực tế, họ
là đôi vợ chồng bất hạnh! Vì sĩ diện và bản ngã, cả hai buộc phải diễn tuồng
nhập vai nhưng lại không sống thật với bản thân mỗi người. Thật tội nghiệp làm
sao!
Cũng có sự im lặng được thể hiện
bằng cách biệt vô âm tín, tức là không nói không rằng, không hành động gì cả mà
chọn giải pháp, “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế
thôi”. Theo Phật giáo, nếu hai vợ chồng ly thân hoặc ly dị trong trường hợp
lòng sân hận chưa tháo gỡ thì khi tái sinh sẽ gặp nhau như hai kẻ thù chứ không
phải hai người bạn. Vì thế, trước khi chia tay nên tháo gỡ nội kết, trở thành
bạn bè của nhau. Làm vậy thì khi gặp nhau có thể nở được nụ cười, vẫy tay chào,
hỏi thăm sức khoẻ nhau. Bằng không, nỗi oan khiên oán trái sẽ kéo dài từ đời
này sang đời khác.
Sự im lặng còn dẫn đến thái độ
tự cô lập bản thân, việc này thường xảy ra ở phương Tây. Ví dụ, trong gia đình
chỉ có hai thành viên. Chẳng may, một người giận hờn thì có khuynh hướng tự cô
lập mình trong phòng riêng, đóng cửa, không muốn giữ truyền thông với người còn
lại. Và, người này không có quyền làm phiền vì luật pháp phương Tây bảo vệ
quyền tự do cá nhân. Tình trạng cắt đứt truyền thông kéo dài trong trường hợp
tự cô lập sẽ dẫn đến phá vỡ hạnh phúc!
Đối với gia đình có cha mẹ bất
hòa, thường gây gổ đánh đập lẫn nhau thì con cái có khuynh hướng vào phòng
riêng đóng chặt cửa hoặc trốn ra sân vườn, ra ngoài ngắm cảnh thiên nhiên, giao
du với bạn bè để khỏi chứng kiến cảnh tượng không hay ấy.
Nhiều người bất hạnh quá nên có
thái độ hận đời. Chẳng hạn, nhà thơ Hoàng Trung Thông từng phát biểu: “Kiếp sau
xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Vì bất lực trước cuộc
đời, nhân tình thế thái. Nhiều người không thể chấp nhận được điều đó nên lòng
sân hận trỗi dậy quá lớn, dẫn đến thái độ hận cả cuộc đời, không còn muốn làm
người nữa, thà làm cây xanh để không chứng kiến “đường trần gian đầy ải thương
đau, ai chưa qua chưa phải là người”.
Khi có vấn đề và mâu thuẫn trong
mối quan hệ đối tác giữa quốc gia với quốc gia, dẫn đến chiến tranh lạnh, cắt
đứt quan hệ, cô lập kinh tế, tạo phe liên minh này không quan hệ đối tác với
phe khác. Những cuộc chiến tranh lạnh như thế thường đặt trên nền tảng ý thức
hệ của các chủ nghĩa, tôn giáo, liên minh quyền lợi kinh tế... Như vậy, vì lòng
sân hận mà đẩy người khác vào chỗ chết. Sân hận này tạo ra hàm oan rất lớn,
chắc chắn tạo nghiệp nhân quả xấu về sau.
Thái độ bất mãn có thể dẫn đến
sự dấn thân trong cuộc đời. Con người có thể bất mãn với chính mình hoặc chính
sách nào đó… nhưng đừng phóng thích sự bất mãn đó bằng cơn tức giận, mà phải
thể hiện nó bằng chất liệu của sự xây dựng. Nếu thỏa mãn với tất cả những gì
đang có sẽ không bao giờ tiến xa hơn được. Nhà Phật gọi đó là tâm lý âm tính,
một phủ định về sự tiến thủ, sự phát triển và thành tựu. Từ đó, nhân lớn bản
ngã, cho rằng mình là số một, là trục xoay
của những thành công. Cuối cùng,
ngủ quên trên chiến thắng và kết quả sẽ bị bỏ ngoài mặt, trở thành tụt hậu.
Khi nào đạt được trạng thái bất
thối chuyển, nghĩa là không bao giờ bị lui sụt trong đạo đức, luôn tinh tấn về
chùa tụng kinh, niệm Phật, bái sám, làm phước, tu thiện... Dù hoàn cảnh khó
khăn đến đâu cũng không thối chí, luôn dốc hết tâm lực làm lợi ích tha nhân.
Bấy giờ mới có thể gọi là biến cơ hội bất mãn thành động lực dấn thân mang tinh
thần Bồ tát. Bằng không, sẽ trở thành rất nguy hiểm, tương lai của ta có thể bị
đánh mất, đôi khi còn mang lại khổ đau, ngạt thở cho những người thân trong gia
đình và cả chính mình. Vì vậy, nhận diện bất mãn là một nghệ thuật rất lớn, nếu
biết áp dụng đúng cách sẽ hành đạo rất hay.
Một trạng thái tâm lý khác cũng
dẫn đến sự bất mãn như nghĩ mình là nạn nhân, nạn nhân của oan ức, thái độ phân
biệt đối xử, mối quan hệ giữa bản thân và người khác... Tất cả những thái độ
trên sẽ dẫn đến bất mãn, khiến không thể chấp nhận được và cảm thấy khó chịu,
muốn tìm mọi cách phóng thích. Nhưng nếu không khéo, cảm giác bị ức chế có thể
trở thành quả bom nổ bất cứ lúc nào trong tâm. Thay vì phải thể hiện tình thân
với mọi người thì lại trút cơn giận lên người thân và người thân trở thành nạn
nhân của cơn giận đó.
Hận thù là yếu tố dẫn đến đổ vỡ,
tranh chấp về ý thức hệ chính trị, kinh tế, quân sự hay bất cứ vấn đề tranh
chấp nào thuộc về quan hệ giữa hai bên trở lên. Khi tìm hiểu về phương thức
giải phóng cơn giận, con người sẽ thấy sự thanh bình, niềm an vui tĩnh tại
trong tâm hồn và giúp người khác thiết lập được nhịp cầu cảm thông nhẹ nhàng,
an lạc, thảnh thơi, vững chãi và lâu dài! Có vậy, mới phát khởi lòng từ bi đối
với người, các loài động vật, ngay cả môi trường sống.
ĐỪNG
ÔM GIỮ CƠN GIẬN
Có câu chuyện đề cập đến giá trị
tình cờ của lòng sân hận, kể về anh bán mũ dưới gốc cây. Giữa trưa, không có
khách mua hàng, trời lại nắng như đổ lửa, anh lấy chiếc mũ che mặt và ngủ một
giấc say sưa. Khi giựt mình thức dậy, anh ngạc nhiên vì tất cả mũ mất hết. Nhìn
qua nhìn lại không thấy ai đùa cả. Quá chán nản, anh ngồi phệch xuống đất, tựa
lưng vào gốc cây nhìn lên cao. Bất chợt, anh thấy đàn khỉ cũng lấy mũ che mặt
và nằm ngủ trên những cành cây. Lúc đó, anh bán mũ vừa mừng vừa tức. Mừng vì
không bị mất cắp mũ, tức giận vì bị đàn khỉ phá phách, nghịch ngợm. Anh quát
tháo nhưng không có cách nào lấy lại những chiếc mũ, anh ta lấy đá ném thì bị
cả đàn khỉ ném lại những cành nhánh khô và quả làm anh bị nhiều thương tích.
Càng giận dữ, anh càng la hét, khua tay khua chân thì đàn khỉ càng khọt khẹt
nhái lại các động tác của anh. Thất vọng, anh ném mạnh chiếc mũ của mình xuống
đất, đàn khỉ cũng bắt chước làm theo. Thế là những chiếc mũ trở lại với anh.
Câu chuyện cung cấp ý niệm về
tính hiệu quả tình cờ của lòng sân hận. Quả thật, đôi khi có những tình huống
không dụng tâm cố ý lại có kết quả tốt, còn những tình huống cố tâm suy nghĩ mà
các giải pháp đều bị bế tắc. Như vậy, trường hợp của anh bán mũ có thể giúp
giải quyết vấn đề bế tắc trong mối quan hệ tình người hay không? Nội dung câu
chuyện cho thấy, dù là phản ứng tình cờ nhưng đó không phải là giải pháp. Bởi
vì, anh ta không thành công, vẫn còn vướng mắc nỗi sân hận trong lòng khi nhặt
những chiếc mũ và tiếp tục đem bán. Suốt ngày hôm đó, anh cứ bực bội, khó chịu
vì buôn bán ế ẩm. Tối đến, mãi trằn trọc khó ngủ, cộng thêm sự phá phách lúc
sáng của đàn khỉ, cảm giác khó chịu càng tăng. Anh cứ nhớ về ngày bán mũ không
may mắn đó. Càng nghĩ, càng khiến hạt giống sân hận trỗi dậy trong lòng,
những hạt giống xấu ấy cứ lặp đi
lặp lại một cách vô thức.
Như vậy, khi ôm giữ cơn giận và
không có giải pháp trị liệu, sẽ rơi vào tình trạng bế tắc như anh chàng bán mũ.
Tất cả những phản ứng của tâm lúc ấy đều là những phản ứng tức thời, nông nổi
nhưng để lại nhiều hệ quả bực tức, cau có, khó chịu trong tâm tưởng và làm ảnh
hưởng tới sức khỏe.
Sự kiện ngày 11/09/2001 là nỗi
đau làm con người bất mãn và phải phóng thích bằng cách này cách kia. Lúc đó,
người Mỹ treo lá cờ có khẩu hiệu “We Never Forget” và tuyên thệ với nhau,
“Chúng tôi sẽ không bao giờ quên ngày khổ đau lịch sử này”.
Một thời gian sau, chúng tôi đến
vị trí thảm hoạ của toà tháp đôi tại New York, thật may, những bức tranh của sự
đổ nát, tàn phá chết chóc không còn trưng bày nữa. Tất cả được thay đổi bằng
những bức tranh rất đẹp thể hiện nét rạng rỡ về hai tòa nhà Thương mại Quốc tế
Mỹ, được chụp từ nhiều góc độ. Những hình ảnh đó làm con người tạm quên đi khổ
đau trong quá khứ, theo tinh thần nhà Phật là:
“Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước hẹn. Quá khứ đã qua rồi,
tương lai lại chưa đến Chỉ có pháp hiện tại, chính quán pháp ở đây Không động
không lung lay, vì thế nên tu học Không một ai biết trước, cái chết đến lúc nào
Do vậy hãy chánh tâm, sống từng
phút hiện tại”.
Đó là giá trị tinh thần ứng xử
mà đức Phật đã dạy. Không hồi ức về quá khứ, vì nó chỉ gây thêm bất mãn, sân
hận, trả đũa và nuôi lớn hận thù. Khi nhớ về quá khứ đẹp, đôi lúc dẫn đến thái
độ nuối tiếc và tạo thành năng lượng triệt tiêu những giá trị hiện tại. Nhà
Phật dạy, đừng hồi ức về quá khứ dù đẹp hay xấu, dù hạnh phúc hay khổ đau. Thế
mới có cơ hội thăng hoa trong cuộc sống.
Người Mỹ theo Tin Lành nhưng
cách ứng xử rất gần với đạo Phật, họ không giữ lại hình ảnh khổ đau, tang tóc.
Ở các nghĩa trang trên đất nước Mỹ, nhất là những nghĩa trang mới thường có
vườn hồng rất thơ mộng, không giống những nghĩa trang các nước khác.
Đó là chân lý đức Phật dạy cần
phải nhớ, đừng cường điệu hóa sự sinh ly tử biệt, chết chóc, tang thương. Vì nó
chỉ làm con người có ấn tượng không tốt về cuộc đời, đôi khi dẫn đến thái độ
sống tiêu cực, chán nản, thất vọng. Cho nên, nền văn hóa Mỹ trong một chiều
kích phát triển nào đó rất gần với nhà Phật. Từ cách trải rộng tình thương
thông qua các hoạt động từ thiện xã hội, chăm sóc người cùi hủi, phục vụ người
già… rất giống tinh thần nhà Phật. Là Phật tử, nên tự hào về điều đó, cần phát
huy nhiều hơn nữa để hoạt động từ thiện, quên mình trong những chế độ an sinh
xã hội như các nước tư bản tiên tiến trên thế giới.
BẢN
NGÃ ĐỘC TÔN
Nguyên nhân sâu xa khác có gốc
rễ từ sự va chạm bản ngã giữa mình và người. Bản ngã là kẻ thù của chính mình
và nhân loại, bởi bản ngã luôn giành vị trí độc tôn, không muốn người bằng hoặc
hơn mình, cũng không muốn họ được người khác quý trọng thương yêu. Trừ khi tu
tập theo đạo Phật, có đức tính tuỳ hỷ với người và tâm giảm hành hoạt của bản
ngã thì mới dễ dàng chấp nhận sự đa dạng, khác biệt của cuộc đời và con người.
Nếu không, cứ mỗi lần thấy người khác đụng đến tự ngã là sẽ kháng cự, chống
đối. Như thế, lòng sân hận không bao giờ vơi đi được. Thái độ bảo vệ bản ngã
làm con người trở nên cực đoan, độc đoán, chuyên quyền và loại trừ nhau.
Trong Tam Quốc Chí, Từ Thứ là quân sư của Lưu
Bị trước khi Lưu Bị gặp Khổng Minh, vì ông là người văn võ song toàn, chí tình
chí nghĩa. Tào Tháo rất lo sợ biết Từ Thứ thờ mẹ chí hiếu nên lập kế lừa gạt để
ông bỏ nghĩa đặng hiếu. Kết quả là Từ Thứ nghĩa, hiếu đều mất và trở thành
người thất chí, lỡ một kiếp người. Đó là cách hại người thật thâm độc. Hoặc như
Chu Du và Khổng Minh đã dùng kế liên hoàn, xích toàn bộ chiến thuyền của Tào
Tháo lại với nhau để đánh hỏa công. Chu Du bị bệnh, Khổng Minh đến bắt mạch và
viết ra 16 chữ khiến Chu Du xem xong giật mình, nghĩ Khổng Minh quả là thần
thánh. Chu Du liền bật ngồi dậy, cùng bàn cách vời gió đông về đốt trụi 83 vạn
quân Tào, làm nên trận Xích Bích nổi tiếng. Vậy mà Chu Du cũng từng đau khổ,
gào thét vì lòng ganh tị “Trời đã sinh Du, sao còn sinh Lượng làm chi vậy?!”
Hoặc như Hitler căm thù dân Do
Thái chỉ vì họ thông minh hơn. Nếu để dân Do Thái tồn tại thì chủ nghĩa phát
xít của Hitler không bao giờ bành trướng được ở châu Âu hoặc lan rộng khắp thế
giới. Hitler giận dữ vì bản ngã, sự độc tôn của ông bị va chạm và thách đố.
Muốn bá chủ toàn cầu nên Hitler nỗ lực tiêu diệt họ.
Theo quan điểm nhà Phật, tất cả
đều là nhân duyên tương tác. Nếu sống theo quan điểm đó thì tránh khỏi sự va
chạm bản ngã. Có thể quan niệm mình là giẻ lau cho người khác sử dụng, là cái
ly cho người khác dùng uống nước, là máy điều hòa không khí cho người khác cảm
thấy dễ chịu. Thực tập suy nghĩ như vậy thì không còn thấy mình là trục xoay
của vũ trụ. Vì thế, sự va chạm, xung đột với người khác không hiện hữu, nếu xảy
ra cũng giảm đi rất nhiều.
Nguyên nhân sân hận nguy hại hơn
nữa là nghĩ mình bị thương tổn vì bị mất tài sản, của cải vật chất. Hoặc nghĩ
sĩ diện, cảm xúc, danh vọng, địa vị chức tước bị thương tổn, xúc phạm bằng lời
nói cay đắng, đâm thọc của người khác nên lòng sân hận có dịp tồn tại và phát
triển. Ví dụ, khi bị chiếm đoạt phi pháp, bị phá hoại những vật mà mình quý
trọng, thương tổn do cố ý hay vô
ý bị tai nạn giao thông. Như vậy, thương tổn tài sản và thân thể làm con người
mất sự bình an. Lúc đó, tâm trạng có cảm giác bị thương tổn xuất hiện như lò
lửa đang thiêu đốt.
Phật dạy, “Một đốm lửa sân có
thể đốt tan muôn mẫu rừng công đức” hay “Một niệm sân hận nổi lên thì trăm ngàn
muôn ức cửa nghiệp chướng đều mở ra”. Nghĩa là, trong cơn sân hận, con người
mất kiểm soát tâm nên có thể có các hành động giết người, làm việc phi pháp,
phá hoại luân thường đạo lý. Hậu quả của cơn giận khó có thể đo lường trước
được.
Tất cả những nguyên nhân trên
làm tâm bị thương tổn. Để bảo vệ sự thương tổn của chính mình, con người nuôi
lớn cơn giận lúc nào không hay và biện hộ đó là đúng, cần thiết vì liên quan
đến giá trị, danh dự. Trong khi đó Phật dạy, hãy quán bản ngã không có thực thể
vì bản ngã là một cản lực lớn cho việc tiến tu đạo hạnh. Phải quán vô ngã để
không bao giờ cảm thấy bị xúc phạm. Nếu người khác nói đúng thì tiếp thu và sửa
sai, không đúng thì ghi nhận là tiêu chí xây dựng trong tương lai. Ứng xử thế
mới thoát khỏi những cơn giận dữ, dù nó được thể hiện bằng hình thức bộc lộ hay
tiềm tàng sâu thẳm trong tâm thức. Theo nhà Phật, để chấm dứt cơn giận, không
nên đè nén, ức chế tâm lý.
Có câu chuyện kể về người đàn
ông đang bế đứa bé khoảng bảy tháng tuổi. Đứa bé khóc thét, anh vừa vỗ về vừa
đi đi lại lại trước một cửa hàng. Hình ảnh của anh khiến một phụ nữ đi ngang
qua chạnh lòng, dừng lại chia sẻ. Thường khi trẻ em khóc thì người gần gũi chăm
sóc, lo lắng và thương yêu vỗ về là người nữ như bà, mẹ, dì, chị hay bảo mẫu
của đứa trẻ. Ở đây, hình ảnh dễ thương là một người đàn ông. Trong hoàn cảnh
phải giữ con trẻ thì người cha ít chịu khó, ít bày tỏ tình thương lại hay lớn
tiếng, hăm doạ hoặc đánh đòn để nó khiếp sợ mà im lặng, còn anh này lại vỗ về
thương yêu! Anh ta dỗ dành đứa bé, “Tuấn ơi, ráng đi, cố chịu đựng một chút
nữa!”
Người phụ nữ đi đường tỏ vẻ cảm
thông, khen ngợi tình cảm, đức tính chịu thương chịu khó của anh ta. Chị ân cần
hỏi: “Thằng bé tên Tuấn!? Gương mặt nó kháu khỉnh quá, chắc chắn sau này cũng
khôi ngô tuấn tú và trở thành người cha tốt như anh.
Người đàn ông ngước nhìn, đáp:
“Tuấn là tên tôi, tôi đang tự an ủi mình để gắng giữ bình tĩnh. Nếu không, tôi
đã bạt tai nó rồi”.
Câu trả lời của ông ta làm chị
sửng sốt vì trái với suy nghĩ của mọi người đang có mặt! Ông đang ức chế và đè
nén sự bực bội.
Không biết giải phóng cơn giận
có phương pháp để hoá giải nỗi đau thì khi gặp bế tắc thường giữ ức chế, đè
nén, chịu đựng sân hận, đến khi không chịu đựng được nữa thì bộc lộ một cách
thô kệch. Sự đè nén sân hận giống quả bong bóng bơm quá căng nên dễ dàng nổ
tung. Muốn giải phóng sân hận thì không nên đè nén, ức chế tâm lý. Dùng cưỡng
lực ức chế tâm lý sân hận là sai lầm, nó như con dao hai lưỡi, rất nguy hiểm!
Nói cách khác, đè nén cơn giận không những phản tác dụng mà còn nuôi lớn sân
hận hơn.
Khi cơn giận xuất hiện dưới hình
thức bị đè nén sẽ làm biến dạng tâm lý con người thành bệnh trầm cảm, lãnh cảm
hoặc có thái độ bất cần, trở nên gàn dở, ưa chọc tức, ương ngạnh, ngoan cố, khó
chịu. Thái độ bất cần có thể biến dạng theo nhiều cách khác nhau. Có thể sống
theo cách, “cha chung không ai khóc,” “chùa chung không ai lo,” “đèn nhà ai nấy
tỏ,” “cuộc đời ra sao thì ra,” hay dễ dàng đình công, bỏ việc mà không cần giải
thích. Hoặc khi được yêu cầu giải thích thì có thái độ gàn dở, không giải thích
lý do. Nếu buộc phải nói thì lẩn tránh vấn
đề hoặc trả lời vô thưởng vô
phạt, không đâu vào đâu. Tất cả thái độ ứng xử đó đều phát xuất từ lòng sân
hận.
Chắc
chắn người sống với thái độ bất cần khó tìm được an vui và hạnh phúc. Hơn nữa,
những người chung quanh cũng bị vạ lây bởi sự thay đổi bất thường, sáng nắng
chiều mưa, không có lập trường, bản lĩnh, tư cách, không có đức tính để người
khác nương tựa hay học hỏi. Người như vậy sẽ trở nên thụ động, cầu an, bi quan
yếm thế nên khó có lối thoát trong ách nạn, gian truân.