Giáo dục
Nếp Sống Đạo
Tác giả: Thích Nhuận Thạnh
24/11/2554 12:03 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đạo và đời
Đạo và cuộc sống hằng ngày nếu được hòa hợp tự nhiên và trọn vẹn giữa thân và tâm thì cuộc đời này, người ta sẽ sống tràn đầy hỷ lạc và có nhiều hạnh phúc lớn. Chúng ta đều biết tâm ta là con vượn chuyền cành và ý là con ngựa rong chơi ngoài đồng nội. Từ đó mà những vọng tưởng phiền não như vui buồn, thương ghét, oán giận, đến tham lam, bỏn xẻn tỵ hiềm, có khi những ý tưởng đó đến và đi trong khoảnh khắc nhẹ như một cơn gió thoảng hay chỉ là một giấc mộng mà thôi.

Phần lớn sự suy nghĩ của chúng ta chạy theo Lục trần và tư tưởng dẫn chúng ta đi đâu thì chúng ta đi đó. Nếu chúng ta không được sung sướng, thoải mái, thì chúng ta phiền muộn, tức giận, chán ghét và khổ đau. Có khi nào ta mơ ước có được một phút thảnh thơi, thanh tịnh để cuộc sống có được niềm vui hay không? Bởi vậy, nỗi khổ và niềm đau cứ chiếm trọn trái tim và không có cơ hội để ta phóng thích những niềm đau đó. Đạo Phật dạy chúng ta hãy sống với sự “thiểu dục tri túc”, nghĩa là chúng ta phải thấy đủ và biết đủ trong mỗi công việc và những gì hiện có hằng ngày, đừng để cho sự ham muốn lôi cuốn. Vì cuộc đời là giả tạm vô thường, mới ngày hôm qua có người rất cao trên cương vị giàu sang quyền quý nhưng hôm nay lại rơi vào vòng tù tội kiềm tỏa, mới vinh hoa đó rồi nhọc nhằn đó, mới vui đó rồi buồn đó. Ngồi ngẫm lại những gì còn mất chỉ như một cơn gió nhẹ thoảng hay chỉ là một giấc chiêm bao.

Vì vậy mà đức Phật dạy chúng ta hãy xả bỏ tất cả một cách có hiểu biết. Có như vậy chúng ta mới không bị vọng niệm dẫn dắt ta lạc vào vòng lẩn quẩn của phiền não khổ đau, tâm hồn ta sẽ trong sáng thoải mái, linh động, không gợn một vết nhơ. Tham, sân, si sẽ không còn có cơ hội nảy mầm và phát triển trong mảnh đất tâm thức của chúng ta, từ đó cuộc sống của chúng ta mới thật sự có an lạc và giải thoát.