Giáo dục
Nếp Sống Đạo
Tác giả: Thích Nhuận Thạnh
24/11/2554 12:03 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Cái đẹp tự thân và cái đẹp bên ngoài
Sắc là một trong năm món Ngũ dục lạc, nó chi phối đời sống của con người rất mạnh. Nhan sắc thường thể hiện bên ngoài nên thường đập vào mắt ta, tạo cho chúng ta sự yêu thích và ham muốn. Sự cuốn hút của nhan sắc rất mãnh liệt làm nhiều lúc con người ta phải lệ thuộc vào no có khi phải bán rẽ chính ta để có được nó. Thông thường, ta thích thân cận cái gì đẹp và xa lìa cái xấu, song người ta lại không nghĩ rằng khi tưởng về cái đẹp hay xấu thì nó chỉ là một cảm xúc tạm bợ, sự yêu thích cái đẹp rồi cuối cùng cũng sẽ đi đến chán ghét và phiền muộn. Vui thích trong cái đẹp của thế gian sẽ luôn mang đến cho chúng ta sự trói buộc và gắn liền với đau khổ. Thực tế, lịch sử loài người đã chứng minh cho ta thấy rõ ràng rằng, bao nhiêu triều đại vua chúa sụp đổ tan tành cũng vì ham mê sắc đẹp, nên người xưa có câu:

“Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách

Sắc bất ba đào dị nịch nhân”.

Ý muốn nói là mưa không có tính chất kiềm tỏa, nhưng nó có thể giữ chân chúng ta; sắc không có sóng gió bão bùng như biển cả mà nó có khả năng giết chết nhiều người và làm sụp đổ nhiều triều đại. Như vậy, đủ thấy sắc đẹp thường là một món thuốc độc ghê gớm, nó không chỉ có thể giết một người mà còn gây tai ương đến cho nhiều người. Cũng vì say đắm vào sắc nên chúng ta cứ mãi luân hồi vào ra ba cõi không lúc nào dừng, nên mới nói có sắc nên mới có sinh và tử.

“Có sinh có tử luân hồi

Không sinh không tử lấy đâu luân hồi”.

Nếu chúng ta ý thức được rằng cái đẹp hình thức bên ngoài chỉ là phù du giả tạm, không bền chắc và có tác hại trên con đường tu tập của mình thì chúng ta đừng bám víu vào chúng, mà nên quay về với cái đẹp bên trong của mình. Nhờ vậy, chúng ta mới thật sự sống trong chánh niệm và không còn bị đau khổ vì cái đẹp bên ngoài chi phối đời sống của chúng ta.