Xây dựng gia đình hạnh phúc
Người Phật tử chân chính phải biết xây dựng gia đình nhỏ bé của mình bằng giáo lý của Phật dạy, vì những gì mà đức Phật dạy không ngoài mục đích là cải hóa thân tâm, đưa địa vị chúng ta từ thấp hèn lên cao thượng, từ si mê trở thành trí tuệ… Căn bản của đạo Phật là tình thương rộng lớn và trí tuệ bao la. Do đó, người Phật tử phải biết áp dụng phương pháp từ bi, trí tuệ và hỷ xả vào gia đình, tất nhiên gia đình hẳn sẽ ấm cúng, hạnh phúc.
Đã nói đến từ bi thì không có giận hờn. Trong gia đình, vợ chồng, con cái, anh chị em không có giận hờn với nhau, quả là một gia đình ấm cúng, hạnh phúc. Muốn xây dựng được một gia đình hạnh phúc, thì điều cần nhất là mỗi thành viên trong gia đình phải có một sự hiểu và thông cảm cho nhau. Một gia đình hạnh phúc là một gia đình có sự kính nhường, tôn trọng, biết quan tâm và lo lắng đến nhau. Như con biết quan tâm đến cha mẹ, anh biết quan tâm đến em… Ví dụ, chúng ta hỏi cha mẹ hôm nay ăn có ngon không, ngủ có yên giấc không… Đó là một món quà vô giá mà cha mẹ vô cùng sung sướng, và họ sẽ rất vui khi thấy con cháu biết quan tâm, chăm sóc đến mình. Còn đối với vợ chồng thì cũng rat cần sự quan tâm đến nhau. Như vợ quan tâm đến chồng sau những lúc chồng đi làm về mệt mỏi, vợ chạy ra đón chồng kèm theo một lời hỏi thăm như hôm nay anh có mệt lắm không? Anh uống ly nước chanh cho khỏe!… thế thì bao nhiêu mệt nhọc đều tan biến mất. Ngược lại, chồng đối với vợ cũng phải quan tâm chia sẻ khó nhọc, thì đó là một gia đình hạnh phúc, yên vui. Xây dựng một gia đình hạnh phúc không phải là chúng ta có đầy đủ vật chất, mà điều chính yếu là chúng ta cần phải có sự yêu thương và hiểu biết về nhau, biết sang sớt và chia sẻ cho nhau niềm vui và nỗi khổ. Bằng tâm lượng bao dung rộng lớn, chắc chắn chúng ta sẽ có một gia đình hạnh phúc. Chúng ta phải biết tha thứ cho nhau những lỗi lầm vụn vặt trong gia đình và tìm cách giáo dục tế nhị bằng ánh sáng từ bi và trí tuệ của Phật dạy.
Khởi đầu của việc xây dựng một gia đình Phật hóa là chính mình phải hiểu rõ, hiểu đúng Phật pháp, sống an lạc và có lợi lạc cho những thành viên khác trong gia đình. Giáo lý mầu nhiệm và một đời sống gương mẫu cần phải đi đôi với nhau để cảm hóa những người khác trong nhà và xây dựng gia đình ta thành một tăng thân nhỏ, một cõi Tịnh độ nhỏ. Một gia đình gương mẫu theo đạo Phật cũng nên sinh hoạt theo nguyên tắc Lục hòa, kính trên nhường dưới, cũng là nguyên tắc đặt nền tảng trên sự bình đẳng, dân chủ và tự giác.