Giáo dục
Nếp Sống Đạo
Tác giả: Thích Nhuận Thạnh
24/11/2554 12:03 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nếp sống tâm Linh
Trong đời sống, ai cũng sinh ra và lớn lên trong một ngôi nhà, ai cũng ao uớc làm sao để xây dựng nó cho đẹp đẽ, kiên cố và vững chắc. Tuy nhiên, xét cho cùng thì đó cũng chỉ là hình tướng và vật thể của ngôi nhà thế tục. Ngôi nhà tâm linh không như ngôi nhà bình thường mà ta có thể dùng mắt để có thể nhìn thấy được. Ngôi nhà này không được xây dựng bởi vật chất mà bởi tuệ giác và sự tu tập, quán chiếu soi rọi vào từng sự việc và hành động của từng phút giây hiện tại mà ta sống bởi chính tâm thức của mình.

Sống ở cõi đời thì có thể nghèo tiền nghèo bạc chớ đừng nên nghèo đói về nếp sống tâm linh, nghèo đói về tâm linh là một sự mất gốc, không có sự truyền thống với gia đình tâm linh tổ tiên thì thật là nguy hiểm. Không riêng gì người Việt Nam chúng ta, mà mọi người trên thế giới này điều cần có một ngôi nhà tâm linh vì nó là món ăn tinh thần không thể thiếu được của mọi người, nó là chỗ cho tâm ta quay về nương tựa sau những cơn sóng gió của cuộc đời.

“Quay về nương tựa hải đảo tự thân

Chánh niệm là Phật soi sáng xa gần”.

Những chất liệu để xây dựng ngôi nhà thế tục là xi măng, sắt, thì những chất liệu giúp cho ta xây dựng vững chắc nền móng của căn nhà tâm linh là Giới, Định và Tuệ. Đối với hàng Cư sĩ tại gia, Phật dạy Ngũ giới. Thọ trì Ngũ giới là một trong những phương thức tạo nên đời sống an lành là không có kẻ thù nghịch.

Không trộm cắp: Người trộm cắp luôn luôn lo sợ bị truy tố trước pháp luật và chính lòng họ cũng thường bị ray rức, ân hận. Trái lại, người biết tri túc, biết nuôi mạng chân chính không bao giờ phải lo sợ như thế. Không lo sợ thì đời sống thêm tươi vui.

Không tà hạnh: Trong một gia đình, nếu vợ chồng hòa thuận, tin yêu. Chồng giữ đúng bổn phận làm chồng, vợ biết lo tròn bổn phận của vợ, không đứng núi này trông núi nọ và chung lo xây dựng gia đình, thì đó chính là một gia đình đầm ấm. Những điều trên giúp cho thân trong sạch hay nói cách khác là để kiểm soát hành động hằng ngày của mình.

Không nói dối: Là để rèn đức thành tín chân thật. Người chân thật và thành tín được mọi người tín nhiệm, tin tưởng. Dĩ nhiên, trong công việc giao tiếp hằng ngày, ai cũng muốn được tín nhiệm, tin tưởng vì đó là yếu tố thành công trên cuộc đời.

Không uống rượu và các chất gây say: Không những Phật giáo mà nhiều tôn giáo khác cũng chỉ dạy tín đồ không nên uống rượu. Vì người say sưa tự hạ phẩm cách của mình. Hơn nữa, theo y học, rượu làm cho mạch máu không co giãn được, dễ bị chứng lưu huyết làm thần kinh ở não cũng bị ảnh hưởng, làm giảm trí nhớ.

Vậy, chúng ta giữ giới chính là để xây dựng một cuộc sống lành mạnh từ thể chất đến tinh thần, chớ không phải vì yếm thế, chán đời. Những chất liệu này nó còn vững chắc hơn cả bê tông, cốt sắt. Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu là những chất liệu tinh bảo giúp cho ta làm lành lánh ác. Những điều này là tài sản quý báu, có thể giúp chúng ta xây dựng tốt ngôi nhà tâm linh của mình.

Đời sống đã khổ bởi sự móc xích dây chuyền của khổ, nghiệp và phiền não. Vậy tại sao chúng ta không noi theo gương đức hạnh của đức Phật mà xây dựng tường vách cho ngôi nhà tâm linh của chính mình bằng những sinh hoạt trong tuệ giác của thiền quán. Khi tâm ta thanh tịnh thì không lo gì. Lúc đó, chắc chắn chúng ta sẽ có tuệ giác của tâm linh dẫn đường để vượt qua những cơn giông tố của cuộc sống.