Ý thức trong cộng đồng
Về mặt giáo dục thì phải lập ra các thư viện, tùy phương tiện mà có lớn nhỏ, thường xuyên tổ chức những buổi diễn giảng, thuyết trình, hội thảo về các vấn đề công ích, tổ chức các lớp học bình dân trí, khóa dạy nghề, các lớp Phật học để nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí và hoằng dương Phật pháp. Phải cải thiện các chương trình giảng dạy và hiện đại hóa các trường học các cấp. Mỗi địa phương nên mở một đại học cộng đồng.
Về mặt y tế thì phải quan tâm đến vấn đề phòng bệnh bằng cách cải thiện môi sinh và môi trường sống, từ nhà cửa đến đường sá phải sạch sẽ. Người Phật tử phải làm gương một tháng một lần, như trong ngày rằm tổ chức một ngày, trang nghiêm quốc độ bằng cách đi dọn rác, lượm rác, làm vệ sinh công cộng trong địa phương mình. Mỗi năm đến ngày Phật Đản, nên tổ chức phong trào trồng cây để bảo vệ môi sinh, làm xanh tươi môi trường sống. Người Phật tử cũng nên làm gương tổ chức các phong trào thể dục, thể thao, võ thuật. Người Phật tử nên vận đong thành lập một quỹ y tế như một hình thức bảo hiểm y tế tại địa phương để khi đau yếu, bệnh nhân có đủ phương tiện điều trị và không gây khó khăn tài chính cho gia đình.
Về mặt đạo đức thì nên xây dựng một ngôi chùa trang nghiêm, tích cực truyền bá Phật pháp. Chùa là điều thiện của làng, là phương thuốc căn bản để cảm hóa nhân tâm, diệt trừ tham, sân, si, ngăn ngừa nguồn gốc sinh ra tội lỗi và những kẻ phạm pháp. Khuyến khích con em tham gia tổ chức sinh hoạt thanh thiếu niên gia đình Phật tử và tạo một môi trường sống lành mạnh hướng thiện cho thanh thiếu niên. Đạo đức gắn liền với kinh tế, với sự ổn định cuộc sống, có đủ cơm ăn áo mặc, nên người Phật tử phải quan tâm đến vấn đề kinh tế, hướng dẫn bà con đi vào những hoạt động làm ăn hợp chánh pháp mà có hiệu quả kinh tế cao, cũng như lập ra quỹ tương trợ, từ thiện để giúp những gia đình đang gặp khó khăn trong cuộc sống.
Trong cuộc sống, bất kỳ một tổ chức, một cộng đồng nào cũng đều đòi hỏi mỗi người chúng ta phải có một ý thức chung, gọi là ý thức cộng đồng. Mỗi một con người trong xã hội đều phải có một ý thức sống cao trong cộng đồng, ý thức về tinh thần lẫn vật chất, hay nói cách khác là ý thức về đạo đức cũng như văn hóa. Là người Phật tử, chúng ta phải sống hòa mình trong cộng đồng, phải thể hiện sự chân thật đạo đức của một Phật tử thì mới cảm hóa được mọi người xung quanh ta trở thành một cộng đồng sống hoàn mỹ và tốt đẹp cho xã hội.