Giáo dục
Nếp Sống Đạo
Tác giả: Thích Nhuận Thạnh
24/11/2554 12:03 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Cuộc sống hằng ngày
 
Lục Tổ Huệ Năng có dạy:

“Trăm năm ba vạn sáu ngàn ngày

Gắng công suy xét nguyên lai là gì”.

Một ngày so ra chẳng là bao với cuộc sống của chúng ta, nó lại chẳng thể so sánh với số kiếp vô lượng và số kiếp A-tăng-kỳ mà chúng ta đã trải qua trong luân hồi sinh tử. Tuy nhiên, một ngày mà ta biết tu là một ngày ta đã gần với Phật, một ngày ta quay lại soi sáng chính mình để trả lời câu hỏi của Tổ Huệ Năng. Hiện tại ta là ai? Từ đâu đến. Và sau khi chết ta về đâu?

Khi nghĩ về những câu hỏi lớn đó, ta sẽ buông bỏ những điều xấu ác và thực hành những điều thiện để quay trở về với bản tính chân thật vốn có của mình. Trong mỗi phút giây, nếu tâm ta không khởi lên những vọng niệm xấu ác, thì giây phút đó ta đã có một niệm tu. Tuy nhiên, chúng ta phải xác định rõ mục đích của mình. Tu để làm gì? Khi ta xác định rõ được mục đích, thì mục đích ấy sẽ là động lực thúc đẩy tâm hồn ta chuyển hóa một cách nhanh chóng. Còn nếu không xác định rõ con đường mà mình sẽ đến, thì sẽ dễ dàng bỏ cuộc. Bởi vì những ngoại cảnh và nghịch duyên tác động vào chúng ta làm cho ta dễ bị thối thất tâm Bồ-đề. Những chướng ngại đó nằm ngay trong tâm, làm cho chúng ta phải khổ đau phiền não. Không khổ về cái mắt cũng khổ về cái tai, không khổ về cái tai thì cũng khổ về cái lưỡi. Không khổ về cái lưỡi thì cũng có thể khổ về cái thân, cái ý. Những thứ khổ này làm cho chúng ta trôi lăn trong vòng luân hồi lẩn quẩn. Khổ vì ta còn vướng tiếng, lưỡi còn vướng vị ngon, miệng còn thích thị phi, ác khẩu, ý còn chạy rong như con ngựa hoang nơi đồng nội, như vượn chuyền cành.

Giáo pháp của đức Phật mênh mông và sâu thẳm, chúng ta phải học và thực tập từ thấp đến cao. Chúng ta nên tu tập những giáo pháp nào phù hợp với căn tính và những lời dạy nào mà chúng ta cảm thấy hợp duyên và có thể tu ngay bây giờ. Hãy tu tiến từng bước chậm và chắc để giáo pháp của đức Phật thấm sâu vào trong tâm thức chúng ta.