TRIỆU LUẬN LƯỢC GIẢI
ĐỜI NHÀ MINH, SA MÔN HÁM SƠN
THÍCH ĐỨC THANH Ở KHUÔNG SƠN LƯỢC GIẢI
GIẢI ĐỀ:
Triệu là tên tác giả, gọi là Tăng Triệu, (383-414), người
thời ấy tôn xưng là Triệu Công, sách này lấy tên người làm tên Luận, nên gọi là
Triệu Luận.
Ngài là đệ tử bậc thượng thủ của Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma
La Thập; tham học với Pháp Sư đã lâu, thâm nhập thật tướng, theo Pháp Sư dịch
Kinh ở Dịch Tràng. Lúc ấy Kinh Phật từ Ấn Độ sang Trung Hoa rất ít, đại nghĩa
cứu cánh chưa được thông suốt; người thời bấy giờ chuộng lời hư vô của Lão
Trang, mà bậc Sa Môn Thích Tử phần nhiều cũng lấy lời hư vô để giảng giải nghĩa
lý của Phật, lại tự lập tôn phái; như Đạo Hằng thì lập Tâm Vô Luận, Đạo Lâm lập
Tức Sắc Du Huyền Luận, Trúc Pháp Thái lập Bổn Vô Luận, đều ham thích lời hư vô,
đọa vào tướng đoạn diệt.
Ngài xét đại đạo chưa được sáng tỏ nên soạn bốn Luận nầy
để phá tà chấp của những luận trên, đó là ý của Ngài lập luận. chữ
"luận" là giả thiết chủ khách, phân tách lý luận để hiển bày chính
lý, để phá tan tà chấp vậy.
HẬU TẦN THÍCH TĂNG TRIỆU
Ở TRƯỜNG AN SÁNG TÁC
GIẢI ĐỀ:
Phù Kiên lập quốc ở Quang Trung, quốc hiệu là Đại Tần, sau
bị Diêu Trường cướp ngôi, quốc hiệu cũng gọi là Tần, nên sử lấy hai chữ tiền,
hậu để phân biệt. Diêu Trường chết, con là Diêu Hưng kế vị, thỉnh Pháp Sư Cưu
Ma La Thập về nước dịch kinh, Ngài Tăng Triệu ở cùng thời ấy nên gọi là Hậu
Tần.
Theo tiểu sử của Ngài rằng: Pháp Sư Tăng Triệu là người ở
xứ Kinh Triệu, thuở bé nhà nghèo làm nghề viết mướn nên được xem hết các sách
Chư Tử, Bá Gia, có chí ham thích hư huyền, thường lấy lời Lảo Trang làm tâm
yếu. Sau lại than rằng: "Tốt thì tốt lắm, nhưng còn trụ nơi hư vô, chưa
được cứu cánh". Kế đó được xem Kinh Duy Ma Cật, rất hoan hỷ lãnh thọ, nói
rằng:
"Nay mới biết được chỗ về". Nhân đó phát tâm xuất gia, làm bậc Sa
Môn, lúc ấy tuổi hai mươi, tiếng tăm chấn động khắp nơi.
Khi Pháp Sư La Thập còn ở Cô Tàng, Ngài tìm đến để y chỉ,
Pháp Sư nói chuyện với Ngài, kinh ngạc rằng: "Ngài là long tượng ở trong
Phật Pháp". Đến khi trở về Quang Trung, giúp Pháp Sư La Thập khán định
Kinh Luận, học giả bốn phương tấp nập tìm đến, đặt ra đủ thứ vấn nạn. Ngài giải
đáp dễ dàng, đều vượt ra ngoài ý tưởng của mọi người.
Ngài soạn bài Bát Nhã Vô Tri Luận, Pháp Sư La Thập xem rồi
nói: "Kiến giải ta không hơn ông, nên kính trọng nhau vậy". Bài Luận
ấy truyền đến Lư Sơn, Lưu Di Dân đưa cho Ngài Huệ Viễn (Sơ Tổ của Tịnh Độ) xem,
được Ngài tán thán rằng: "Xưa nay chưa từng có". Lại soạn các Luận
kia, đều tinh vi cứu cánh; Vua Tần càng kính trọng những tác phẩm ấy, cho
truyền khắp trong nước và ngoài nước.
Ngài tịch lúc ba mươi hai tuổi, người đương thời đều than
tiếc.