GIẢI ĐỀ:
Luận nầy nói tục đế tức chân, là cảnh sở quán. Chữ VẬT là
chỉ VẠN PHÁP, hai chữ BẤT THIÊN là chẳng biến đổi, cũng có nghĩa chỉ ngay thể
tánh thật tướng của các pháp.
Phàm phu vọng thấy các pháp hình như có lưu động và biến
đổi; nếu lấy Bát Nhã mà quán thì liền thấy ngay thật tướng của các pháp ngay đó
thể tánh tịch diệt chơn thường, chẳng có chút tướng lưu động hay biến đổi, nên
nói chẳng có một pháp được động chuyển là vậy. Vì duyên sanh nên tánh không,
nên mỗi pháp ngay đó vốn không biến đổi, chẳng phải tướng biến đổi mà tánh
chẳng biến đổi (nghĩa là tánh với tướng chẳng khác).
Thấy được mỗi pháp không biến đổi, nên tức vật tức chân,
chân thì chẳng có một pháp nào dính dáng đến tình cảm, theo đó mà quán tục thì
tục tức chân vậy. Vì do toàn lý thành sự, sự sự đều chân, thì thật tướng của
các pháp ngay đó đều được hiển hiện rồi.
LƯỢC GIẢI
Tác giả căn cứ vào Kinh Duy Ma Cật và Pháp Hoa ngộ nhập
thật tướng, nên lấy bài Vật Bất Thiên làm tục đế, tức tục mà chân thì ý chỉ của
Bất Thiên rõ ràng trước mắt.
CHÁNH VĂN
Sự sanh tử luân hồi, mùa đông mùa hè thay phiên biến đổi,
hình như có vật lưu động, ấy là sự hiểu biết của người thường, nhưng tôi thì
nói chẳng phải vậy. Tại sao? Kinh Phóng Quang Bát Nhã có nói: "Các pháp
chẳng có khứ lai, chẳng có pháp nào động chuyển cả".
Cứu xét ý chỉ của bất động, đâu phải ngưng cái động để cầu
tịnh! Cần phải cầu tịnh nơi động, cầu tịnh ở nơi động thì dẫu cho động cách mấy
cũng là thường tịnh; chẳng ngưng động để cầu tịnh thì dẫu cho tịnh cách mấy
cũng chẳng lìa động. Vậy thì động và tịnh chưa từng có khác biệt mà người mê
hoặc cho là bất đồng, thành ra chân ngôn của bậc thánh bị kẹt không được hiển
bày bởi những người ham tranh biện, làm cho đạo Nhất Thừa chân tông bị chôn vùi
bởi những người ham chấp dị kiến, cho nên sự động tịnh đến chỗ cùng cực không
dễ gì nói cho người tin được vậy.
Tại sao? Vì nếu nói chân ngôn của bậc thánh thì nghịch với
thế tục, thuận theo thế tục thì phản bội chân ngôn. Phản bội chân ngôn nên mê
lầm không trở về tự tánh được; nghịch với thế tục nên lời nói lạt lẽo, chẳng có
mùi vị. Nếu là người thượng căn lợi trí, nghe xong tin liền; bậc trung căn thì
chưa phân biệt được chỗ có hay không; bậc hạ căn thì vỗ tay cười to mà bỏ đi.
Sự động tịnh đến chỗ cùng cực ở cạnh nơi người mà người chẳng biết được, như
thế có phải là tánh của vạn vật ư? Lòng tôi luôn luôn ray rứt, xót thương kẻ mê
lầm nên mới chỉ bày cái tâm ở trong động và tịnh hầu hiển bày lý bất nhị của
động tịnh, làm cho người mê chợt tỉnh, ra khỏi sự ràng buộc của động tịnh,
nhưng chẳng dám quyết đoán là thật đúng, nay chỉ thử luận bàn mà thôi.
Kinh Đạo Hạnh Bát Nhã nói: "Các pháp vốn không có nơi
xuất phát, cũng không có chỗ để đến". Trung Quán Luận nói:
"Nhìn phương hướng của người đi thì biết hướng của họ
đi, nhưng người ấy không đến hướng ấy được". (Vì chẳng có phương hướng
thật để đến). Đó đều là ngay trong động mà hiển bày tịnh, nên chứng tỏ rõ ràng
là Vật Bất Thiên vậy. Người thường cho là động vì vật xưa không đến nay, nên
nói là động mà chẳng phải tịnh (mặt trẻ lúc xưa, nay biến thành già, có biến
đổi thì là động rồi, chẳng phải tịnh). Còn tôi cho là tịnh, cũng là vật xưa
không đến nay, nên nói tịnh mà chẳng động (theo tôi xem thì mặt trẻ trụ lúc
xưa, chưa từng dời đến nay, nên nói tịnh mà chẳng động). Người chấp động mà
chẳng tịnh vì nó chẳng đến (vì mặt trẻ chẳng đến, từ mặt trẻ biến thành già nên
cho là động).
Sự thật, tịnh mà chẳng động vì nó không đi (vì mặt trẻ ở
lúc xưa không đến nay cũng như mặt già hiện nay không đến xưa, nên gọi là
tịnh). Vậy thì hiện tượng chưa từng khác, nhưng sự thấy bất đồng (cùng lấy
"vật xưa không đến nay" mà thấy có sự động tịnh chẳng đồng).
Người mê lấy tình nghịch lý nên bị bế tắc, người ngộ thì
từ lý đạt sự nên được thông suốt. Nếu ngộ đạo chân thường thì đâu còn tướng nào
có thể chướng ngại được!
Tình thức của con người bị mê hoặc đã lâu, nên đối với
cảnh chân thật trước mắt mà chẳng biết, thật đáng thương xót! Đã biết vật xưa
chẳng đến nay mà lại nói vật nay có đi; vật xưa đã chẳng đến mà vật nay làm sao
đi được? Tại sao vậy? Tìm vật xưa ở nơi xưa, xưa chưa từng không; tìm vật xưa ở
nơi nay, nay chưa từng có. Nay chưa từng có thì rõ ràng là vật không đến; xưa
chưa từng không, nên biết vật chẳng đi.
Tôi nói vật xưa trụ nơi xưa, chẳng từ nay đến xưa; vật nay
trụ nơi nay, chẳng từ xưa mà đến nay. Nên Khổng Tử nói với Nhan Hồi rằng:
"Tôi với Hồi vừa bắt tay nhau thì sự bắt tay đã mất rồi, như thế thì rõ
ràng là vật không qua lại với nhau" (Tác giả mượn lời của Khổng Tử để chỉ
bày sự biến đổi mau lẹ đến cùng cực, mới thấy rõ ràng chỗ tỏ bày chân thật của
Vật Bất Thiên).
Kinh Lăng Già nói: "Tất cả pháp chẳng sanh, đó là nghĩa sát na, mới sanh
liền có diệt, chẳng vì kẻ ngu thuyết". Ngài Hiền Thủ giải rằng: "Vì
sát na lưu chuyển nên không có tự tánh, nếu vật có tự tánh thì vĩnh viển cố
định, không có sanh diệt biến đổi; vì không có tự tánh nên không sanh. Nếu
không sanh thì không lưu chuyển, vì thế người khế ngộ pháp vô sanh mới thấy
được nghĩa sát na".
Kinh Duy Ma Cật nói: "Bất sanh bất diệt là nghĩa vô
thường" (Tác giả đã ngộ thật tướng, mới được ngay trong pháp sanh diệt
biến đổi mà trực thấy sự chân thật của nghĩa "Bất Thiên", cho nên
mượn lời văn biến đổi lưu động mà sáng tỏ ý chỉ của "Bất Thiên", nếu
không phải người thông đạt ý nghĩa vô sanh thì rất khó mà tả được).
Đã không có một chút triệu chứng qua lại thì làm sao có
vật gì để lưu động biến đổi? Kỳ thật, về không gian thì vật không khứ lai, về
thời gian thì không có cổ kim. Cũng như trong chiêm bao thấy trải qua nhiều
năm, nhưng tỉnh giấc thì biết chỉ có chốc lát thôi. Nếu lấy việc chiêm bao để
quán các pháp thì thời vô cổ kim, pháp vô khứ lai đã rõ ràng trước mắt. Nếu tác
ý phân biệt thì liền lọt vào lưu chuyển, chổ này chẳng phải phàm tình có thể
đến được.
Gió bão bay núi mà thường tịnh
Nước sông đổ gấp mà chẳng trôi
Bụi trần lăng xăng mà chẳng động
Trăng qua bầu trời mà chẳng đi.
Bốn câu kệ nầy đâu còn kỳ lạ gì nữa.
LƯỢC GIẢI
Tôi (Ngài Hám Sơn) lúc trẻ đọc Luận nầy đến bốn câu trên,
đối với nghĩa "Bất Thiên" khởi nghi tình trải qua nhiều năm.
Khi cùng Sư Diệu "kiết đông" ở Phù Bản, khắc lại
bản Luận này; lúc dò đến đoạn nầy, hoát nhiên tỉnh ngộ. Lòng mừng vô hạn, liền
đứng lên lễ Phật thì thấy thân mình không có tướng lễ xuống hay đứng lên, mở
cửa nhìn ra ngoài chợt thấy gió thổi, lá cây rơi lả tả mà lá nào cũng chẳng
động, mới tin câu "gió bão bay núi mà thường tịnh". Kế đó vào nhà cầu
để đi tiểu mà chẳng thấy tướng lưu chuyển của nước tiểu, thật là "nước
sông đổ gấp mà chẳng trôi".
Ngày xưa về sự nghi câu: "Thế gian tướng thường
trụ" của Kinh Pháp Hoa liền nhờ đây mà tan rã. Do đó mới biết ý chỉ của
Luận này thật vi tế sâu xa, nếu chẳng phải chân tham thật ngộ, muốn lấy cái tri
kiến mà tỏ bày, đều chẳng khỏi bị hoài nghi nhiều thêm nữa.
Về sự "động tịnh đến cùng cực" không dễ gì nói
cho người tin được, những lời ấy là muốn người lìa ngôn ngữ để hiểu ý, đừng
chấp theo ngôn ngữ mà đánh mất ý chỉ vậy.
CHÁNH VĂN
Bậc thánh có nói "Mạng người chóng mất, mau hơn nước
chảy", cho nên thừa Thanh Văn ngộ "Phi Thường" mà thành đạo,
Duyên Giác ngộ "duyên lìa" là "tức chân".
Nếu vạn pháp chẳng phải "vô thường" thì bậc
thánh nhị thừa tại sao do nghe "vô thường" mà chứng quả thánh? Tìm
lại lời nói của bậc thánh, thật là vi ẩn khó hiểu. Lời nói của bậc thánh dầu
nói vô thường mà ý muốn hiển bày chơn thường, cho nên vi ẩn khó hiểu. Hình như
động mà tịnh, như đi mà ở, chỉ có thể dùng thật trí mà hiểu biết, chớ không thể
theo sự tướng mà tìm cầu. Cho nên nói đi chẳng cần cho là đi, chỉ để phá cái tư
tưởng chấp "thường" của người phàm, nói ở khỏi cần cho là ở, chỉ để
phá cái chấp thật có đi của người mà thôi. Đâu phải nói đi mà có thể rời chỗ,
nói ở mà có thể ở lại được. Nên Kinh Thành Cụ Quang Minh nói: "Bồ Tát ở
trong chỗ chấp "thường" mà giảng giáo pháp "phi thường".
Đại Thừa Luận nói: "Các pháp không động, chẳng có chỗ khứ lai". Đó
đều là để dẫn dắt cho mười phương chúng sanh được thông đạt ý, hai lời trên chỉ
là một thôi, đâu phải do lời văn khác biệt mà có trái nghịch nhau.
LƯỢC GIẢI
Đoạn nầy giải thích lời của bậc thánh dù khác nhau mà ý
chỉ là một, cũng như hai pháp sanh tử và Niết Bàn, nghĩa đều là không cả. Kinh
Thành Cụ nói: "Bồ Tát ở trong chỗ phàm phu chấp thường mà nói vô thường để
phá chấp ấy, chẳng phải thật có tướng sanh tử; ý là muốn người ngay trong vô
thường mà ngộ "chân thường". Như Đại Thừa Luận nói: "Các pháp
trạm nhiên thường trụ chẳng động, vốn không khứ lai". Ý muốn cho người
ngay khi náo động mà ngộ "Bất Thiên", lời nói THƯỜNG và VÔ THƯỜNG đều
là tùy cơ để giáo hóa chúng sanh, lời tuy khác mà ý là một, đâu phải vì văn
khác mà đối chọi nhau, vậy thì người chấp theo ngôn ngữ để tranh biện, chẳng phải
là mê hoặc ư?
CHÁNH VĂN
Cho nên nói thường mà chẳng trụ, nói đi mà "Bất
Thiên". Chứng vô vi mà không bỏ vạn hạnh, nên thường mà chẳng trụ; ở nơi
sanh tử mà chẳng lìa Niết Bàn, nên đi mà "Bất Thiên". Vì "Bất
Thiên" nên dù thấy có tướng đi mà thường tịnh, vì chẳng trụ nên dù thấy
tướng tịnh mà thường đi. Tịnh mà thường đi nên đi mà "Bất Thiên", đi
mà thường tịnh nên tịnh mà chẳng trụ vậy. Sự giấu núi của Trang Tử (1) và sự
"đến bờ sông" của Khổng Tử (2)là vậy, đó đều là cảm thấy sự đi khó
trụ, đâu phải nói thấy đi mà có đi. Cho nên, người quán được tâm của bậc thánh
thì chẳng đồng với sự thấy của người thường. Tại sao? Người thường cho là: già
trẻ cùng một cơ thể, đến trăm tuổi cũng chỉ là một bản chất, ngày tháng trôi
qua, hình thể theo từng thời gian biến đổi mà chẳng biết. cho nên ông Phạn Chí
lúc tuổi trẻ xuất gia, đầu bạc trở về, người lối xóm thấy hỏi:"Người xưa
kia còn sống sao? "Phạn Chí đáp: "Tôi giống người xưa mà chẳng phải người
xưa ấy! " Người lối xóm ngạc nhiên cho lời ông ấy nói sai. Cũng như lời
văn trên nói "giấu núi ở nơi vũng nước, người có sức mạnh vác đi mà kẻ mê
chẳng biết". Đó là chỉ việc giống như người lối xóm của Phạn Chí.
GHI CHÚ:
(1) Trang Tử nói:"Giấu núi, tàng sơn, nơi vũng nước
cho đó là vững chắc, nhưng người có sức mạnh có thể vác đi được mà kẻ mê chẳng
biết, nếu giấu thiên hạ nơi thiên hạ thì không còn chỗ nào mà dời đi
được". Ý nói người chưa quên hình thể để hợp với đạo thì dù cho ẩn giấu
nơi núi rừng mà hình thể bị tạo hóa âm thầm biến đổi mà kẻ mê chẳng biết, vì có
giấu thì có mất. Nếu hình thể với đạo đã hợp làm một rồi thì không có chỗ giấu,
không giấu thì không mất, cũng như giấu thiên hạ nơi thiên hạ thì chẳng thể mất
được vậy. Đó là ý của Trang Tử.
(2) Trong luận ngữ, Khổng Tử ở trên bờ sông nói: "
Nước chảy qua mau như thế chẳng lìa ngày đêm", là lời tán thán đạo-thể như
nước sông chảy chẳng ngừng. Đó là ý của Khổng Tử. Tác giả lấy lời văn trên dẫn
chứng sự "Bất Thiên", ý nói kẻ mê chẳng biết, dù "Thiên" mà
"Bất Thiên", nói chẳng lìa ngày đêm thì dẫu cho đi mà chẳng đi. Nên
Luận nầy giải thích rằng hai lời nói trên chỉ cảm thấy đi mà khó trụ, chẳng phải
nói đi mà thật có đi, cho nên nói: dù thấy "Thiên" mà ý thật
"Bất Thiên", và cảnh cáo rằng: người quán được tâm của bậc thánh,
chẳng nên theo thường tình chấp ngôn hại nghĩa thì mới phải.
LƯỢC GIẢI
Tác giả lấy việc của Phạn Chí để giải thích dù
"Thiên" mà "Bất Thiên" để sáng tỏ cái nghĩa kẻ mê chẳng
biết. Người lối xóm của Phạn Chí nói " người xưa còn sống đây" là lấy
cái mặt trẻ khi xưa cho là người mặt già hiện nay. Phạn Chí đáp: " Tôi
giống người xưa mà chẳng phải người xưa", ý là nói mặt trẻ tự trụ khi xưa
mà chẳng đến nay, đâu có thể lấy mặt già hiện nay mà đi đến khi xưa được ư? Đây
là nghĩa của "Bất Thiên" rõ ràng, nhưng người lối xóm chẳng biết, nên
ngạc nhiên cho là nói sai, ý muốn chỉ rõ ra: kẻ mê chẳng biết vậy.
CHÁNH VĂN
Như Lai vì tình chấp của chúng sanh nên dùng lời phương
tiện để đánh thức người mê hoặc, dùng chân tâm của bất nhị để tỏ ra nhiều lời
giáo hóa khác biệt chẳng phải một. Dù lời nói trái nhau mà chẳng có thể cho là
khác biệt, chỉ có bậc thánh mới nói được những lời như thế. Tóm lại, lời bậc
thánh có khác mà tâm chẳng khác. Chư Phật ra đời vốn chẳng có pháp để thuyết,
nhân vì tình chấp của chúng sanh nên tùy theo căn cơ của chúng sanh mà thiết
lập lời nói phương tiện để phá cái chấp ấy. Lời giáo hóa của Phật mặc dù trái
nhau mà tâm thật chẳng có khác, đoạn trên nói vi ẩn khó hiểu là vậy.
Lại nói về chân thì có tên gọi là "Bất Thiên",
còn dẫn dắt về tục thì có thuyết gọi là "Lưu Động", như vậy, dù có
nói ra muôn ngàn đường lối khác nhau cũng chỉ để qui về đồng với một mà thôi.
LƯỢC GIẢI
Đoạn này giải thích cái nghĩa trái nhau mà chẳng khác. Nói
về phần chân thì gọi là Bất-thiên, mà ý ở nơi giáo hóa thế tục ; nói về phần
tục thì có thuyết Lưu động mà ý ở nơi trở về chân tâm, cho nên muôn ngàn đường
lối khác nhau mà chẳng có thể cho là khác biệt vậy.
CHÁNH VĂN
Người chấp văn tự thì khi nghe nói "Bất Thiên"
cho rằng việc xưa không đến nay, nghe "Lưu Động" thì cho rằng việc
nay có đến xưa. Đã nói cổ, kim, thì cổ tự trụ nơi cổ, kim tự trụ nơi kim; mà
tại sao còn muốn dời kim đến cổ vậy?
Cho nên, nói trụ chẳng cần trụ, cổ kim thường tồn vì nó
bất động; nói đi chẳng cần đi, vì cổ chẳng đến kim thì kim cũng chẳng đến cổ,
không đến cho nên chẳng qua lại nơi cổ kim, bất động cho nên các tánh (tướng
trẻ và tướng già) trụ nơi một thời. Vậy thì lời văn khác biệt của các Kinh, học
thuyết sai biệt của Bách Gia, nếu đã hội ngộ thì làm sao còn bị những lời văn
sai biệt mê hoặc được?
Cho nên người ta cho là ở thì tôi nói là đi, người ta nói
là đi thì tôi cho là ở; dù cho đi, ở khác nhau nhưng ý nghĩa chỉ là một mà
thôi. Do đó, Lão Tử nói: "Lời chánh nói ra giống như lời phản, ai mà tin
cho nổi, song lời ấy cũng có lý do vậy".
LƯỢC GIẢI
Đoạn này hiển bày mê, ngộ cùng một nguồn gốc. Người cho là
"ở" vì do vọng tâm chấp thường; chấp thường thì lọt vào vô thường,
nên tôi nói "đi" để phá cái chấp ấy, ý ở nơi vô trụ, chẳng phải nói
thật có đi; người cho có "đi" là chấp sanh tử vô thường thì tôi nói
"ở" để phá cái chấp ấy; ý ở nơi vốn không có sanh tử để chấp, chẳng phải
nói "ở" mà thật có ở lại. Vậy thì hai lời "đi" và
"ở" chỉ là lời phá chấp, để hiển bày đạo nhất chân thường trụ thôi, nên
lời khác mà ý một. Cũng như Lão Tử nói: "Lời chánh nói ra giống như lời
phản, ai mà tin nổi, song lời ấy cũng có lý do vậy". Lời ấy chỉ rõ mê, ngộ
không ngoài nhất chân; thị phi vốn chẳng phải hai, nếu chánh kiến hiện tiền thì
chẳng tùy theo bề mặt của lời nói để hiểu nghĩa vậy.
Tại sao? Người tìm cổ nơi kim, nói nó chẳng ở, tôi thì tìm
kim nơi cổ, biết nó chẳng đi. Kim nếu đến cổ, cổ phải có kim, cổ nếu đến kim,
kim phải có cổ. Kim mà không cổ thì biết chẳng đến, cổ mà không kim thì biết
chẳng đi. Nếu cổ không đến kim, kim cũng không đến cổ, cổ kim chẳng đến với
nhau thì các tánh trụ nơi một thời, vậy đâu còn vật gì để cho khứ lai nữa?
Do đó, người ngộ lý "Bất Thiên" nơi vi ẩn, dù
cho tứ thời biến đổi mau lẹ như gió bay điện chớp, cũng là bất động như như.
Cho nên công đức của Như Lai trải qua muôn đời mà hạnh lợi
tha thường tồn, đạo pháp thông đến trăm kiếp mà hạnh tự lợi càng kiên cố vĩnh
viễn. Như thế, dù muôn đời, trăm kiếp, hình như thời gian biến đổi mà hai hạnh
tự lợi và lợi tha đều bất hủ, đó là thật tướng của "Bất Thiên" vậy.
CHÁNH VĂN
Bưng đất đắp thành núi phải nhờ ky đất đầu tiên, cũng như
đi đến nơi ngàn dặm phải nhờ bước đầu. Nên công đức đã thành bậc thánh mà vạn
hạnh viên mãn chẳng khác với sơ tâm, phát tâm và cứu cánh hai sự chẳng khác, từ
nhân đến quả mà hạnh hạnh bất thiên. Duy Ma Cật nói:" Nghiệp sở tác cũng
chẳng quên, chẳng quên tức là bất hủ". Thiện ác đều như vậy, quả thật
chứng tỏ công hạnh và sự nghiệp bất hủ.
Công nghiệp bất hủ nên dù ở xưa mà chẳng biến đổi; chẳng
biến đổi là "Bất Thiên", bất thiên thì thật tướng trạm nhiên rõ ràng;
cho nên Kinh nói "Ba thứ tai nạn lớn của hoại kiếp (thủy tai, hỏa tai,
phong tai) cùng khắp pháp giới mà hạnh nghiệp trạm nhiên chẳng động, chẳng
hoại". Như thế cái nghĩa "cực thiên" là "cực bất
thiên" thì lời ấy đáng tin lắm!
Tại sao? Quả chẳng cùng nhân, mà vì nhân thành quả; vì
nhân thành quả, nhân xưa chẳng mất; quả chẳng cùng nhân, nhân chẳng đến nay;
chẳng mất, chẳng đến thì ý chỉ của "Bất Thiên" rõ ràng, đâu còn mê
lầm chỗ đi, ở mà do dự giữa động tịnh vậy.
Như thế, trời đất đảo lộn chớ cho là không tịnh, bão lụt
khắp trời chớ cho là có động; nếu khế ngộ được "tức vật tức chân" thì
trước mắt đều là thật tướng thường trụ, tất cả vạn pháp chẳng mảy may có thể
động chuyển; như vậy chẳng cần tìm cầu nơi xa mà ngay đó biết được vậy.
LƯỢC GIẢI
Tôi (Hám Sơn) xem quyển Chánh Pháp Nhãn Tạng, Hòa Thượng
Phật Giám thị chúng, kể công án "Tăng hỏi Triệu Châu: Thế nào là nghĩa
"Bất Thiên". Triệu Châu dùng hai tay làm thế như nước chảy thì Tăng
đó tỉnh ngộ". Còn một công án khác: " Tăng hỏi Pháp Nhãn: chẳng chấp
lấy tướng, như như bất động, thế nào là chẳng chấp lấy tướng, thấy chỗ bất động
vậy? Pháp Nhãn đáp: Mặt trời mọc ở phương đông, lặn ở phương tây. Tăng đó cũng
tỉnh ngộ".
Nếu mà thấy được chỗ nầy mới biết rằng: gió bão
bay núi mà thường tịnh, nước sông đổ gấp mà chẳng trôi. Nếu không thì chẳng khỏi
bị chê là nhiều chuyện.