Chương 10
Tại sao Phật Giáo lại trở thành một tôn giáo Á Châu
và tại sao ngày nay lại đặt chân vào thế giới Tây Phương?
Tại sao và bằng cách nào
Phật Giáo đã phát
triển ra ngoài lãnh thổ Ấn độ
Phật Giáo được hình
thành tại Ấn Độ trong khung cảnh của một nền văn hóa Ấn-Âu, nghĩa
là có liên hệ ít nhiều đến thế giới Tây Phương. Tóm lại là đã không có một dấu
hiệu nào báo trước là Phật Giáo sẽ bành trướng riêng tại Á Châu. Thật thế Á Châu
là cả một thế giới hết sức xa lạ đối với Phật Giáo trên rất nhiều khía cạnh. Ấn
Độ và các quốc gia khác ở Á Châu hoàn toàn khác biệt nhau từ ngôn ngữ cho đến các
cơ cấu xã hội cũng như các loại biểu tượng và huyền thoại.
Thật vậy Phật Giáo đã bành
trướng trước nhất về phương Tây và đã phát triển sâu rộng ở A-phú-hãn và Ba Tư (ngày nay là I-ran)
và đã từng đặt chân đến xứ Tadjikistan (trong vùng cận đông, thuộc Liên Bang Xô Viết trước đây).
Toàn thể vùng này lúc bấy giờ được đặt dưới sự cai trị của A Lịch Sơn Đại Đế (Alexander
the Great) và do đó không tránh khỏi ít nhiều đã bị "Hy Lạp hóa". Tuy
số tài liệu còn lưu giữ được đến nay khá ít ỏi thế nhưng cũng đủ để cho thấy là
Phật Giáo đã từng tiếp xúc với nền văn hóa Hy Lạp. Các pho tượng Phật tìm thấy
trong vùng Gandhara (một đế quốc nằm giữa biên giới tây bắc A-phú-hãn và đông
Pakistan ngày nay) rất có thể là các pho tượng đầu tiên được tạc để
biểu trưng cho hình tướng Đức Phật. Các pho tượng này đều mang các đường nét tiêu
biểu của vị thần Apollo của Hy Lạp, và đấy là một trong những bằng chứng rõ rệt
nhất.
Phật Giáo cũng ảnh hưởng
đến cả xứ Ba Tư lúc đó là một xứ đang sùng đạo Mazdeism và sau đó là đạo
Zoroastrism (trước
Công nguyên xứ Ba Tư theo đạo Mazdeism, một tôn giáo độc thần thờ vị Trời tên là
Ahura Mazda sáng tạo ra trời và đất. Đến thế kỷ thứ I thì có một nhà tiên tri
tên là Zorathoustra đã cải tổ đạo này, và cũng kể từ đấy người ta gọi đạo này là
đạo Zoroastrism). Phật Giáo cũng đã ảnh hưởng thật sâu đậm đến cả lịch
sử của xứ này (các
bảo tàng viện quốc gia của I-ran, I-rắc và A-phú-hãn cũng như của Pakistan vẫn
còn lưu giữ được rất nhiều di tích Phật Giáo gồm các tác phẩm điêu khắc vô cùng
tinh xảo, thế nhưng rất tiếc là các biến động gần đây đã làm hư hại và mất mát
khá nhiều).
Sự bành trướng của Phật
Giáo vào thế giới Tây Phương đã bị các đạo quân xâm lược Hồi Giáo chận đứng một
cách đột ngột vào thế kỷ XII. Các đạo quân này đã tàn phá chùa chiền và triệt hạ
Phật Giáo Ấn Độ trong toàn vùng lãnh thổ này. Các đạo quân Hồi Giáo đã dựng lên
cả một bức tường kiên cố chia cắt hai thế giới: Đông Phương và Tây Phương, và do
đó cũng đã chận đứng sự phát triển của Phật Giáo về phương Tây kể từ thời bấy
giờ (từ thế kỷ
XII) cho đến thế kỷ XX. Mãi đến thế kỷ này thì Phật Giáo mới thật sự
bắt đầu trở lại với thế giới Tây Phương (bằng các con đường khác hơn với thế kỷ XII: trước hết là từ
phong trào thực dân mà người Tây Phương đã khám phá ra Phật Giáo vào thế kỷ XIX,
và gần đây hơn thì nhờ vào các nhà sư Tây Tạng lánh nạn sang Tây Phương sau khi
xứ sở của họ bị Trung Quốc xâm chiếm vào năm 1950).
(Ở phương đông thì) Phật Giáo lan dần
vào các nước Á Châu. Một nhánh bành trướng lên phía Bắc theo con đường tơ lụa xuyên
ngang các vùng lãnh thổ thuộc A-phú-hãn và sau cùng đã đến Trung Quốc, và tiếp
theo đó thì bành trướng sang Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nhiều nhánh khác mượn
con đường phía Nam để đến Tích lan vào thứ III trước kỷ nguyên và dần dần bành
trướng sang các nước xa hơn thuộc bán đảo Đông Dương.
Phật
Giáo đặt chân vào Trung Quốc là một trong những biến cố ngoạn mục hơn cả. Quả
thật không có một dấu hiệu nào có thể giúp tiên đoán trước được sự kiện đó. Hầu
hết các quan niệm cổ điển của Trung Quốc đều trái ngược hẳn lại với tinh thần giáo
lý của Phật Giáo.
Chọn cho mình một cuộc sống xa lìa
thế tục, quyết tâm không sinh con đẻ cái để nối dõi tông đường, cắt đứt mọi sự
ràng buộc với gia đình và làng mạc, không quan tâm đến xã hội mà chỉ biết chuyên
cần tu tập cho bản thân mình và đấy là lý tưởng của một nhà sư Phật Giáo (lý tưởng xuất gia
của Phật Giáo vào thời kỳ nguyên thủy) - thế nhưng đấy lại là tất cả
những gì thật nghịch lý và không thể hiểu nổi đối với tư tưởng Trung Quốc. Trong
khi đó thì tư tưởng Phật Giáo lại cho thấy rất gần với các cách suy nghĩ trừu
tượng và phức tạp dựa trên các nguyên lý lôgic tiêu biểu của văn hóa Ấn-Âu - và
đấy thì cũng lại là những gì trái ngược lại với tư tưởng Trung Quốc là chỉ quan
tâm đến kinh sách (tứ thư ngũ kinh của Nho Giáo) nêu lên các chuẩn mực đạo đức
phải noi theo. Người Trung Quốc sử dụng một loại ngôn ngữ tượng hình (Hán tự)
mang tính cách ẩn dụ (métaphorique / metaphorical) và gợi ý (allusif /
allusive) để nêu lên chiều sâu và ý nghĩa của các sự vật mà không mấy
quan tâm đến cách lý luận dựa vào sự chính xác (tác giả nêu lên một cách thật ngắn gọn nhưng
rất chính xác sự tương phản trên phương diện tư tưởng giữa hai nền văn hóa khác
nhau tức Ấn-Âu và Trung Quốc).
Trước các khó khăn đó Phật Giáo vẫn thành
công khi đặt chân vào lãnh thổ Trung Quốc để hòa đồng với Lão Giáo và Khổng Giáo.
Phật Giáo vừa thích ứng được với các cơ cấu xã hội sẵn có của Trung Quốc lại cũng
lại vừa giúp người Trung Quốc xét lại các nguyên lý tư duy của chính họ (nên hiểu rằng Phật
Giáo đã giải thoát phần nào nền luân lý "gò bó" và "chật hẹp"
của Khổng Giáo và đồng thời cũng đã giúp cho Lão Giáo thu nạp thêm một số khía
cạnh sâu sắc hơn trên phương diện triết học. Nhờ đó nền văn minh Trung Quốc đã
trở nên vô cùng phong phú. Thật thế đạo đức cứng nhắc của Khổng Giáo và các tư
tưởng "vô vi" ("không làm gì cả") của Lão giáo không đủ sức
để đưa nền văn minh Trung Quốc đến tột đỉnh vào thời nhà Đường cũng như các thời
đại về sau, như người ta thường hiểu sai. Quả thật chủ trương then chốt của Lão
Tử là "Vi vô vi nhi vô bất vi" - đại khái có nghĩa là "làm [hay]
không làm thì [tốt hơn] không [nên] làm" - quả hết sức trái ngược lại với lòng
quyết tâm tu tập của Phật giáo. Nền đạo đức của Khổng Tử nhằm tạo ra một trật tự
xã hội với hậu ý củng cố vương quyền cũng thật trái ngược với chủ trương từ bi
và giải thoát tất cả chúng sinh của Phật Giáo).
Tại sao và bằng cách nào
ngày nay Phật Giáo lại đặt chân vào thế
giới Tây Phương ?
Quả thật đấy cũng lại là một sự kiện
khác không kém ngoạn mục so với biến cố trước đây khi Phật Giáo được truyền vào
Trung Quốc - mặc dù tư tưởng Tây Phương đã mang sẵn một vài đường nét khá gần với
văn hóa Ấn Độ (cách
suy nghĩ trừu tượng và lôgic) như tôi đã nêu lên trên đây (thật ra thì sự bành
trướng nhanh chóng và ngoạn mục của Phật Giáo tại Tây Phương còn do một số nguyên
nhân thuận lợi khác nữa: trước hết là sự sụp đổ của các truyền thống tín ngưỡng
lâu đời của họ và sau đó là sự tàn phá nặng nề của chủ nghĩa tư lợi và tính
toán của một nền văn minh vật chất).
Tính cách ngoạn mục đó không phải chỉ
vì Phật Giáo là một tín ngưỡng Đông Phương mà lại có thể thâm nhập được vào thế
giới Tây Phương, mà đúng hơn vì Phật Giáo là một tín ngưỡng nghìn năm đang tạo ra
một chỗ đứng trong một thế giới đã tự tàn phá các tín ngưỡng lâu đời của mình để
nêu cao chủ trương "tân tiến hóa". Nhiều nhà quan sát cũng như nhiều
nhà bình luận (tức
các triết gia, học giả, sử gia, nhà báo, các nhà xã hội học, v.v...)
và cả nhiều người Phật Giáo (Tây Phương) khác nữa cũng chỉ nhìn vào sự gặp gỡ
đó (giữa Phật
Giáo và thế giới Tây Phương) như là một sự kiện tự nhiên. Thế nhưng
thật ra thì đấy là một biến cố thật hết sức bất ngờ và đáng kinh ngạc (con số sách báo về
Phật Giáo xuất bản và phát hành mỗi tháng tại Tây Phương nhiều đến độ một người
dù có khả năng đọc nhanh cũng khó có thể đọc hết được).
Sự gặp gỡ đó sở dĩ đã xảy ra ấy là nhờ
vào một sự kiện mà rất ít người chú ý đến: đó là sự thắc mắc mang tính cách thật
căn bản của nhiều người Tây Phương về chính dòng lịch sử của họ và nhất là về số
phận đang chờ đợi tất cả nhân loại ngày nay (khi nhìn trở lại Á Châu, với dân tộc đông đảo nhất là Trung
Quốc và các dân tộc khác nữa, thì thử hỏi chúng ta có nhận thấy được là các dân
tộc ấy có thắc mắc gì về dòng lịch sử và số phận của dân tộc họ trong tương lai
hay không? Đấy là chưa nói đến bổn phận và trách nhiệm
của họ đối với vận mệnh của con người nói chung).
Phật Giáo không đến với thế giới Tây Phương như một trào lưu (hời hợt)
của các trào lưu tín ngưỡng khác - mà đấy là cả một giải pháp nhằm giải quyết sự
khủng hoảng cho cả thời đại chúng ta.
Sở dĩ Phật Giáo đã bắt rễ được vào mảnh
đất Tây Phương là vì Phật Giáo trước hết đã mang đến cho thế giới này một con
đường tâm linh có thể hiểu được (tức là hợp lý và thiết thực, có thể chấp nhận được)
đúng vào cái thời đại mà "Trời đã chết". Nietzsche (một triết gia người
Đức, 1844-1900) đã loan báo cho chúng ta biết về cái chết của Trời, thế
nhưng cái tin buồn ấy không chỉ có nghĩa là Trời không còn nữa mà đúng hơn là
Trời không còn đủ sức để làm nền móng cho tất cả mọi sự thật. Trước đây Trời đã
từng đứng ra bảo đảm cho bất cứ một sự thực nào. Một cội cây, một định lý (về toán học chẳng
hạn), sự hiện hữu của kẻ khác (đương nhiên chính mình thì đã là một tác phẩm của Trời, thế
nhưng các người khác dù cho họ có là thế nào đi nữa thì họ cũng vẫn là một sự
sáng tạo của Trời) - tất cả đều được bảo đảm bởi sự hiện diện của Trời.
Trời cũng là nền móng của mọi trật tự xã hội - làm vua thì lẽ tất nhiên là có sẵn
cái quyền thiêng liêng đó (do Trời ban) -, và Trời thì cũng là nền móng của
luân lý - vì đấy là cách biểu lộ ý chí của Trời. Ngày nay thế giới Tây Phương xem
tầm nhìn ấy chẳng khác gì như là một thứ ảo giác. Chỉ trích chủ thuyết hữu thần
(theism)
cũng là một khía cạnh chính yếu trong giáo lý Phật Giáo (Phật Giáo được hình thành trong một khung cảnh
tín ngưỡng hữu thần của nhiều tôn giáo khác tại Ấn Độ, trong số này và quan trọng
hơn hết là đạo Bà-la-môn. Phật Giáo không những bác bỏ khái niệm về một vị Trời
sáng tạo mà còn bác bỏ cả các khái niệm triết học cũng như các phép tu tập sẵn
có của các trào lưu tín ngưỡng thời bấy giờ và nhất là chống lại cả chủ trương
phân chia giai cấp xã hội của đạo Bà-la-môn). Thật ra thì Phật Giáo chỉ trích chủ thuyết hữu thần
bằng một cách khác hơn (so với triết gia Nietzsche), Phật Giáo cho rằng ý nghĩ về một vị
Trời đứng ra làm cơ sở cho hiện thực là một sự lầm lẫn vì đấy chỉ là một cách vật
thể hóa hiện thực
(to reify / biến một thứ gì đó mang tính cách trừu tượng trở thành một vật thể.
Nói cách khác là tìm hiểu hay nắm bắt một khái niệm xuyên qua hình tướng của một
vật thể: thí dụ biến "sự sáng tạo" trở thành một vị Trời mang hình tướng
cụ thể của một con người. "Khái niệm" ấy, hay "hành động" ấy,
hay "sự kiện" ấy tự nó đã là một sự sai lầm. Bởi vì Phật Giáo xem cách
"cụ thể hóa" hay "vật thể hóa" một khía cạnh nào đó của hiện
thực chỉ là cách tạo ra thêm ảo giác). Tóm lại là hai quan điểm trên
đây (Phật Giáo
và Nietzsche) mang một vài đường nét
tương đồng nào đó. Phật Giáo cho thấy cái chết của Trời (theo lời tuyên bố của Nietzsche) là một tin mừng (nên hiểu như là một sự giải thoát cho con
người).
Phật giáo rất chú trọng đến thiền định
vì phép luyện tập này sẽ có thể giúp chúng ta phát hiện ra một thể dạng của sự
thực tâm linh nào đó mà trước đây không hề hiển hiện ra với chúng ta (sự tỉnh thức hay
giác ngộ).
Cái thể dạng tâm linh ấy không hẳn là
một sự tin tưởng nơi Thượng Đế, giới hạn trong lãnh vực của một tôn giáo, mà
đúng hơn chính là sự quan tâm tìm cách vượt thoát khỏi mọi sự lầm lẫn và khổ đau,
và để ý thức được rằng mình không còn là trung tâm của tất cả mọi sự thật nữa (tức có nghĩa là loại
bỏ được cái ngã của mình), hầu giúp mình hòa nhập với sự nóng bỏng của
tình thương yêu.
Dù đấy là những người không hề tin
vào bất cứ một thứ tôn giáo nào đi nữa thì họ vẫn có đủ khả năng để khám phá ra
được một sự thực nào đó qua tiếng réo gọi thật thiết tha vang vọng từ nơi sâu
thẳm trong con tim của họ. Họ đều có thể bước theo tiếng réo gọi đó. Ước vọng
mang anh hùng tính nhằm kiến tạo một thế giới công bằng hơn thì nào có phải là
một giấc mơ của trẻ con đâu (trẻ con thường mơ ước mình là một người "anh
hùng" thực hiện được những việc phi thường, thế nhưng lòng ước vọng góp phần
kiến tạo một thế giới công bằng và nhân bản hơn không phải là một ước mơ viễn
vông của một đứa bé). Tất cả chúng ta đều mang một trọng trách nào
đó trên địa cầu này vì thế trong từng khoảnh khắc chúng ta cũng nên cố gắng thực
hiện được một cái gì đó, hoặc ít ra thì cũng không nên khóc rống lên để vòi
vĩnh như một đứa trẻ con, và nhất là cũng đừng tạo ra thêm các niềm oán hận và những
nỗi khổ đau cho người khác.
Các vị thiền sư Zen bắt đầu đặt chân
đến thế giới Tây Phương từ thập niên 1950, và tiếp theo đó vào thập niên 1960
thì đến lượt các vị thầy thuộc Phật Giáo Tây Tạng. Họ tạo ra cả một luồng chấn
động thật mạnh, đến độ người ta có thể xem việc du nhập của Phật Giáo vào thế
giới Tây Phương ít ra cũng quan trọng tương đương như khi Âu Châu khám phá ra
thế giới Hy Lạp vào thời Phục Hưng (tức là vào các thế kỷ XV-XVI, thời kỳ mà người Âu Châu bắt
đầu biết đóng tàu lớn để khám phá thế giới và cũng là thời kỳ xảy ra nhiều biến
cải quan trọng trong các lãnh vực tôn giáo và văn hóa). Đấy cũng là
một cơ hội giúp chúng ta nhìn lại mọi sự vật dưới một khía cạnh mới mẻ hơn (tư tưởng Phật Giáo
có thể giúp cho người Tây Phương nhìn vào sự sống và thế giới này cũng như quá
khứ của họ qua một tầm nhìn khác hơn).
Theo ý nghĩa đó, tôi tin rằng khi quyết
tâm bước theo Phật Giáo thì nhất định đấy không phải là một cách biểu lộ sự hận
thù của mình đối với thế giới Tây Phương - dù rằng tình trạng này cũng rất thường
thấy xảy ra. Và ngược lại thì cũng không nên sáp nhập Phật Giáo vào thế giới Phương
Tây một cách đơn giản nhằm để biến nó thành một thứ gia tài riêng của chúng ta.
Phật Giáo giúp chúng ta quay về với cội
nguồn của chính mình và giúp chúng ta nhận ra được các mầm móng đưa đến sự diệt
vong. Và đấy cũng chính là cách mà Phật Giáo giúp chúng ta trở thành những con
người Tây Phương đích thật.
Tại sao Chögyam Trungpa đã giữ một vai
trò thật quan trọng trong
việc quảng bá Phật Giáo trong thế giới Tây Phương?
Chögyam Trungpa (1940-1987) là một vị
tiên phong thuộc tầm cỡ lớn đã đưa Phật Giáo vào thế giới Tây Phương.
Cuộc đời của ông là cả một pho tiểu
thuyết. Ông tu học đúng theo nghi thức cổ truyền trên đất nước Tây Tạng của ông,
thế nhưng rồi phải bỏ xứ để trốn sang Ấn Độ khi quê hương của ông bị người
Trung Quốc xâm chiến. Ở Ấn Độ ông học tiếng Anh, và vào năm 1963 thì nhờ đạt được
học bổng của trường Oxford nên ông đã rời Ấn Độ để sang Anh Quốc. Tại đại học
Oxford ông nghiên cứu về tất cả các tôn giáo dựa vào Kinh Thánh, cả triết học và
mỹ thuật, nhất là Nghệ Thuật Hiện Đại (modern Art). Ông là người Tây Tạng đầu
tiên được hấp thụ cả hai nền văn hóa khác nhau (văn hóa Tây Tạng và Anh Quốc), và ông
cũng đã chấp nhận sự hòa đồng ấy bằng một việc đầy ý nghĩa, ấy là chấp nhận để trở
thành một người dân Anh Quốc (nhập quốc tịch Anh). Sau đó thì ông thuyết giảng
và quảng bá Phật Giáo trong nhiều năm liền, thế nhưng ông cũng đã gặp phải quá nhiều
khó khăn.
Người ta chỉ thích được tu học với các
vị thầy đến từ xứ Tây Tạng xa xôi mà thôi (Chögyam Tungpa thì đã trở thành một người Anh như họ),
và đôi khi còn xem đấy là một dịp để tôn sùng họ - thế nhưng thật ra thì đấy chỉ
là cách để tự tách ra xa người thầy. Chögyam Trungpa cảm thấy mình đã thất bại.
Thế nhưng phải làm thế nào đây để vượt qua các khó khăn hầu có thể quảng bá tín
ngưỡng mà mình đã được thừa hưởng trực tiếp từ quê hương Tây Tạng của mình.
Trong lúc chưa biết phải xử trí như
thế nào thì Chögyam Trungpa lại gặp tai nạn giao thông và bị thương nặng, cánh
tay trái và cả chân trái của ông bị bại liệt. Thế nhưng biến cố đó lại bất ngờ
chuyển thành một dịp thuận lợi giúp ông tìm thấy cho mình một con đường: ông nhất
quyết sẽ đẩy xa hơn nữa những gì ông đã từng làm trước đó. Ông không tuân thủ các
lời nguyện của một người tỳ kheo nữa mà cởi bỏ manh áo cà-sa của người tu hành
và khước từ cả cương vị của một nhà sư. Ông cưới một phụ nữ trẻ người Anh, và
sau đó thì cả hai sang định cư ở Mỹ. Ông quyết định chọn một cuộc sống thật bình
dị như tất cả mọi người khác chung quanh hầu giúp mình có thể hành động một cách
phóng khoáng hơn. Mặc dù ông hoàn toàn ý thức được rằng tín ngưỡng của xứ Tây Tạng
thật hết sức tuyệt vời thế nhưng các cách điều hành chính trị và xã hội của xứ
sở ông (nói
chung là các tập quán xã hội) thì không thể nào đem xuất cảng sang Tây
Phương được, đấy chỉ là những gì có thể gây thêm chướng ngại cho việc hoằng Pháp
mà thôi (có
nghĩa là Chögyam Trungpa chọn một phương pháp hoằng Pháp khác hơn mọi người).
Ông quay sang sử dụng con tim của
mình để hàn huyên với con tim của người khác và đấy cũng là chính phương pháp mới
mà ông đã nghĩ ra để quảng bá Phật Giáo. Ông cũng đã sử dụng phương pháp này để
viết và các quyển sách của ông đã trở thành những quyển sách không thể thiếu sót
cho những ai muốn tìm hiểu Phật Giáo.
Đồng thời thì ông cũng phát hiện ra một
thứ nọc độc ngăn chận không cho người tu tập quán thấy được con đường đích thật:
ấy là "chủ nghĩa duy vật tâm linh" (hoặc có thể viết là "tâm linh duy vật chủ
nghĩa" / spiritual materialism). Sự khám phá này của ông thật vô
cùng quan trọng.
Mỗi khi người ta quán nhận được một
giá trị tâm linh dưới một khía cạnh nào đó dù theo bất cứ một chiều hướng nào,
với mục đích là để mong cầu đạt được một sự hiểu biết sâu rộng hơn (có thể hiểu là sự
giác ngộ) hay một sự thực hiện nào đó (đạt được sự giải thoát hay một thể dạng tâm
linh nào đó chẳng hạn...) thì Chögyam Trungpa đều nhận thấy theo chiều
hướng ấy và dưới khía cạnh ấy luôn tàng ẩn một mối nguy cơ mang lại một sự lừa
phỉnh thật nguy hiểm. Nếu chúng ta hướng vào một thứ gì đó mà chúng ta mong cầu
sẽ đạt được nó - thay vì sẵn sàng để xả bỏ nó - thì đấy sẽ chỉ là một cách khiến
làm gia tăng thêm sự khốn quẩn cho chúng ta. Thay vì gom góp tiền bạc để tậu một
chiếc xe thật sang trọng thì tốt hơn nên tìm đến với Phật Giáo (câu này là để giải
thích một cách đơn giản và cụ thể phần trình bày khá trừu tượng và bao quát
trong phần trên - đọc đến câu "tóm lược" này chúng ta cảm thấy nhẹ
nhõm vì các câu trình bày trước đó rất súc tích và khá khó để nắm bắt. Nếu
chúng ta hướng vào sự mong cầu đạt được một chủ đích nào đó, dù đấy là cõi cực
lạc, thiên đường, một sự hiểu biết siêu nhiên..., thì phía sau những thứ ấy đều
tàng ẩn một cách kín đáo một sự phỉnh gạt nào đó - imposture / lừa
phỉnh, mạo nhận, dối gạt, giả mạo) và Chögyam Trungpa gọi đấy là một
thứ "chủ nghĩa duy vật tâm linh". Thế nhưng tiếc thay lúc nào động cơ
thúc đẩy chúng ta thì cũng chỉ có vậy: tìm sự thoải mái (cõi cực lạc, thiên đường hay chiếc xe hơi thật
sang) và trốn tránh hiện thực (không hội nhập được với sự chuyển động của thực tại tức không
đến gần được với Phật Giáo). Thật thế chúng ta chưa sẵn sàng để mở rộng
con người của chính mình.
Chögyam Trungpa luôn hăng say thuyết
giảng và giải thích về chủ thuyết tâm linh duy vật của ông (tức tu tập hướng vào một chủ đích nhằm đạt được
một thứ gì đó - duy vật) và các thứ cạm bẫy của nó - đấy cũng là những
gì đã giúp cho Chögyam Trungpa trở thành một cây bút thật đáng nể: tương tự như
ông đang cầm trong tay một con dao giải phẫu để cắt sâu vào cái khối ung bướu làm
độc từ sự lầm lẫn của chúng ta (xin lưu ý là Fabrice Midal luôn tránh các thuật ngữ đặc thù
đôi khi khó thấu triệt của Phật Giáo: chữ lầm lẫn ở đây có thể hiểu là vô minh,
và phần trình bày trên đây cho thấy rõ ràng quan điểm của Chögyam Trungpa: tu tập
theo phương pháp duy vật tâm linh là một sự sai lầm).
Thời đại của chúng ta được đánh dấu
bởi khuynh hướng xét lại giá trị của những bộ mặt đại diện cho uy quyền, đấy là
những bộ mặt chỉ biết hướng vào chủ đích bào chữa tối đa cho mọi sự hung bạo độc
đoán. Chögyam Trungpa luôn bày tỏ sự tán đồng của mình đối với chủ trương vạch
mặt đó. Theo ông thì không có một thứ uy quyền nào, một giới luật đạo đức nào,
một học thuyết nào hay một triết lý nào có thể gọi là chánh đáng để có thể tạo
ra một tấm màn ngăn cách giữa chúng ta và thế giới được (tất cả mọi tiêu đề đều là giả tạo và lừa phỉnh
và không thể nào ngăn chận hay giới hạn được sự tự do của con người, và thật ra
thì con người cũng chỉ có thể tìm thấy được sự tự do tuyệt đối bằng con đường
thiền định để giúp mình hòa nhập với thế giới và thực tại - tóm lại là chỉ có
Phật Giáo mới có thể mang lại cho chúng ta một sự tự do đích thật, một sự tự do
mang ý nghĩa của sự giải thoát).
Chögyam Trungpa đặt chân lên đất Mỹ vào
năm 1970, và ông đã tìm đủ mọi phương cách ngày càng sáng tạo hơn để thuyết giảng
về Dharma (Đạo Pháp). Qua sự cố gắng đó và tương
tự như là một phép lạ, ông đã khám phá ra được những khó khăn chính yếu trong
việc hoằng Pháp trong thế giới Tây Phương và các khó khăn này thì nhiều người lại
không để ý đến (Chögym
Trungpa rất bén nhạy và sâu sắc và ông đã tìm được một phương pháp mang những
người Tây Phương đến gần hơn với Đạo Pháp qua các ngành nghệ thuật).
Ông tìm mọi cách để kết thân với các
thi sĩ, nghệ sĩ, các nhà tư tưởng thuộc thời đại của ông và ông cũng đã thiết lập
được một trường dạy kịch nghệ và một Viện Đại Học Phật Giáo đầu tiên cho toàn
thể thế giới Tây Phương. Trong suốt cuộc đời mình không lúc nào ông lại không
nghĩ đến việc nêu lên quan điểm của ông là nếu thiết lập được tín ngưỡng Phật
Giáo tại Tây Phương thì đấy chính là cách duy nhất để giữ được sự trung thực đối
với tinh thần giáo lý của Đức Phật (câu viết này của ông Fabrice Midal nêu lên quan điểm của
Chögyam Trungpa đáng cho tất cả chúng ta phải suy nghĩ và để nhìn lại chính
chúng ta và thực trạng của Phật Giáo tại một vài nước Á Châu. Theo Chögyam
Trungpa thì Phật Giáo chỉ có thể trở thành một tín ngưỡng tinh khiết và trung thực
được trong thế giới Tây Phương mà thôi. Thật thế ở Á Châu tuy Phật Giáo đã bám
rễ từ hàng ngàn năm, thế nhưng đôi khi trong một vài quốc gia Phật Giáo lại cho
thấy có chiều hướng trở thành một chiêu bài chính trị, một kế hoạch kinh tế hay
chỉ đơn giản là một phương kế sinh nhai. Chính những thứ này đã khiến cho Phật
Giáo trong các quốc gia đó lắm khi có vẻ như bị sa lầy và chỉ còn giữ được một ít
màu mè giả tạo. Trong khi đó vừa mới đặt chân đến thế giới Tây Phương chưa đầy
một thế kỷ mà Phật Giáo đã cho thấy có nhiều dấu hiệu "hồi sinh" với
tất cả sự tinh khiết và trong sáng của nó - ít nhất là theo quan điểm của
Chögyam Trungpa).
Tại sao lại phải thiết lập
một tín ngưỡng
Phật Giáo đặc thù cho Tây Phương?
Nếu không cố gắng tìm hiểu minh bạch
mảnh đất quê hương của chính chúng ta thì chúng ta cũng sẽ không thể nào quán
thấy được sự tinh khiết nguyên sinh ẩn chứa trong những lời giảng huấn của Đức
Phật được. Nói một cách khác thì giáo huấn của Đức Phật cũng có thể ví như một
hạt giống cho ra một cội cây và những quả ngọt thật mầu nhiệm có thể giúp chữa
khỏi tất cả mọi khổ đau.
Chúng ta phải đem hạt giống ấy để
gieo vào ngôi vườn của mình để giúp nó nẩy mầm và trở thành một gốc cây lớn. Chúng
ta không nên chỉ biết say mê hạt giống và quên đi mảnh đất của chính mình - nếu
không thì sẽ chẳng có gì nẩy mầm trên mảnh đất đó được (một hình thức Phật Giáo "ngoại lai"
và "vay mượn" sẽ tự cô lập và tự tách rời ra khỏi cộng đồng xã hội và
sẽ không thể nào bắt rễ thật sâu vào một nền văn hóa khác được). Chúng
ta có thể chiêm ngưỡng và ngắm nghía cái hạt giống đó, viết ra vô số những tập
luận giải về cái hạt giống đó: thế nhưng sớm muộn gì thì cái hạt giống ấy cũng
sẽ chết khô và chúng ta cũng sẽ chẳng bao giờ tận hưởng được những quả ngọt. Nếu
chúng ta không biết quan tâm đến lịch sử của dân tộc chúng ta thì Phật Giáo cũng
sẽ trở thành những gì thật xa vời với chúng ta. Thật thế có một số người Tây Phương
đã biến thành người Nhật hay người Tây Tạng và đôi khi còn Tây Tạng hơn cả người
Tây Tạng nữa (các
người Tây Phương tu tập theo Thiền Học Zen thì mặc áo cà-sa màu đen hay màu trà
may theo kiểu của các thiền sư Nhật, lễ bái cũng giữ đúng theo các nghi thức
trong các thiền viện ở Nhật; nhang đèn, chuông mõ cũng mua từ bên Nhật. Các người
tu theo Phật Giáo Tây Tạng thì cũng lập bàn thờ Phật đúng theo các nghi thức Tây
Tạng, mặc áo cà-sa màu nâu đỏ...). Trong khi đó thì một số đông người
Tây Tạng (hiện đang
lưu vong tại tây Phương) thì lại chỉ muốn được trở thành người Tây
Phương và được thụ hưởng sự tiện nghi của thế giới Tây Phương. Thật ra thì phần
đông những người Tây Phương chúng ta (tu tập theo Phật Giáo) thường không hội đủ điều
kiện để thực hiện được cách tu tập như thế, chẳng qua vì chúng ta có gia đình,
nghề nghiệp, bổn phận..., chúng ta không thể rứt bỏ tất cả được để sống trong một
tu viện như ở Nhật hay trong một ngôi chùa như ở Nepal.
Khi nào vẫn còn là một thứ tín ngưỡng
ngoại lai thì khi đó Phật Giáo dù có chứng tỏ là sẽ mang lại một sự lợi ích, cũng sẽ chẳng
bao giờ thật sự giúp ích chúng ta một cách thiết thực được. Trong trường hợp ấy
thì tu tập Phật Giáo cũng sẽ chẳng khác gì như học một thứ ngoại ngữ: dù cho có
thể nói được ngoại ngữ ấy đi nữa thế nhưng chẳng bao giờ nó có thể tạo ra được một
sự xúc động nào trong lòng chúng ta như khi chúng ta sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của
chính mình. Tu tập Phật Giáo dưới một hình thức ngoại lai như thế sẽ là một
cách ngăn chận không cho Phật Giáo bắt rễ trong lòng chúng ta, và cũng sẽ không
giúp cho chúng ta biến cải lấy chính mình được. Phật Giáo trong trường hợp ấy cũng
sẽ chỉ là một chiếc áo khoác ngoài và cũng chỉ giữ được một lúc nào đó trên người
mà thôi. Một hình thức Phật Giáo như thế sẽ không thể nào biểu trưng cho nguồn
sinh khí của chính sự sống được.
Người đại diện tiêu biểu nhất cho chủ
trương ấy là Chögyam Trungpa và tôi cũng đã dựa vào chủ trương này để thành lập
hiệp hội Prajna và Phila. Tiếng Phạn Prajna có nghĩa là sự trong sáng của trí
thông minh (tức là
Trí Tuệ, một từ gốc Hán-Việt có vẻ quen thuộc hơn với người đọc. Và cũng xin mạn
phép nhắc lại là tác giả thường cố tránh không dùng các thuật ngữ Phật Giáo
quen thuộc và cũng không đồng ý với cách dịch của một số học giả khác, và do đó
ông cũng đã tự dịch các các thuật tiếng Phạn, Pali, Tây tạng... khi viết. Chữ
Prajna thông thường được dịch sang các ngôn ngữ Tây Phương là Sagesse hay
Wisdom, đấy là một cách dịch hoàn toàn gượng ép và rất sai), là nhãn quan của Đức Phật, hay còn gọi là quả mang lại từ sự tu tập. Đấy là cách
giúp chúng ta không bị sa lầy trong cái ngã của mình để có thể quán nhận được mọi
sự vật đúng với sự hiện hữu của chúng. Phila
là một thuật ngữ trong tiếng Hy Lạp, thật vậy ngôn ngữ Hy Lạp đã bắt rễ rất sâu
vào mảnh đất quê hương của chúng ta. Phila
có nghĩa là tình thân thiện, nếu hiểu theo ý nghĩa rộng hơn thì đấy là lòng nhân
ái ngập tràn phúc hạnh.
Tuy nhiên và dù sao đi nữa thì cũng không
được phép vơ đũa cả nắm, tức không được lầm lẫn giữa những lời giảng huấn của Đức
Phật với các cách phát biểu của người Hy lạp - đấy cũng chính là sự lầm lẫn của
không biết bao nhiêu tín ngưỡng khác trong lịch sử (tức là các tín ngưỡng độc thần của Tây
Phương). Tóm lại là phải ý thức được cội nguồn đó (tức ngôn ngữ Hy Lạp)
hầu có thể giữ được một vị thế độc lập nào đó đối với nó nhằm để giúp chúng ta
có thể tìm thấy được những từ riêng biệt trong chính ngôn ngữ của chúng ta, những
từ đó không thuộc vào ngôn ngữ Hy Lạp và cũng không thuộc vào các ngôn ngữ khác
của Phương Đông. Chúng ta phải sáng chế ra các thuật ngữ sao cho thật thích
nghi ngay trong những bước đầu chập chững này (khi nhìn lại Phật Giáo Việt Nam chúng ta
không khỏi nhận thấy đầy rẫy những thuật ngữ ngoại lai gồm các từ Hán Việt của
một thời đại xa xưa, chẳng hạn như các từ vô minh, vô thường, vô ngã, duyên khởi,
hỷ xả, diệu đế, bát nhã, chính kiến, tà kiến, vô sắc, chánh đạo, ngũ giới, tam
giới, dục giới, sắc giới v.v. và v.v... Các thế hệ ngày nay không còn hiểu được
ý nghĩa của các từ ấy là gì nữa. Một Phật Giáo tách rời khỏi sự sinh hoạt của một
xã hội đương thời thì sớm muộn cũng sẽ bị đào thải. Một hình thức Phật Giáo già
nua vay mượn với những bước chân khập khễnh sẽ khó lòng tiến xa được. Fabrice
Midal đã nhìn thấy ngay vấn đề này khi Phật Giáo Tây Phương mới chập chững với những
bước đầu tiên, ông cảnh giác các học giả khác không nên sử dụng các ngữ tự mang
nguồn gốc Hy Lạp phản ảnh một triết lý thật xa vời với tư tưởng Phật Giáo để
nói lên giáo lý của Đức Phật).
Phụ LụcTôi muốn
được tu tập Phật Pháp,Tôi muốn
bước theo con đường của Đức Phật,Vậy tôi cần
phải làm gì?
Có cần phải dấn thân (xuất gia) hay không?
Ý nghĩ bước theo một con đường tu tập
tâm linh (xuất
gia) lắm khi cũng khiến cho chúng ta phải sợ hãi. Chúng ta e ngại là
rồi đây sẽ đánh mất sự tự do "của mình" và quyền quyết định cuộc đời "của
mình".
Nguyên nhân của sự e ngại ấy chẳng
qua một phần cũng là do chúng ta quá mơ tưởng đấy thôi (mơ tưởng rằng mình đang được hưởng sự "tự
do" - ít nhất là đối với người Tây Phương - và chủ động được "vận mạng"
của chính mình. Trong câu trên đây tác giả đặt các chữ "của mình"
trong hai dấu ngoặc kép, đấy là cách cho biết rằng chẳng có thứ gì là "của
mình" cả, từ sự tự do cho đến quyền quyết định cuộc đời "của
mình". Mạng lưới kinh tế, quảng cáo và bàn tay của những người làm chính trị
đã tạo cho chúng ta cái ảo giác của sự tự do và quyền chủ động cuộc sống
"của mình" đấy thôi). Thật ra thì tất cả chúng ta đang bị bủa
vây trong một mạng lưới chiến lược do các nhóm tài phiệt khổng lồ, các tổ chức quảng
cáo cũng như bàn tay của các chính trị gia giăng ra để kiềm tỏa và chi phối chúng
ta. Trước đây chúng ta có bao giờ nghĩ đến việc tranh đấu để đòi hỏi tự do với
một mức độ căng thẳng như ngày nay đâu? - thật thế trước đây nào có mấy khi chúng
ta lại bị đẩy vào một tình trạng đồng nhất hóa thật cực đoan như hiện nay. Từ đầu
này đến đầu kia của địa cầu, con người ngày càng có xu hướng tiêu thụ cùng một
loại thực phẩm, ăn uống trong các đường dây nhà hàng được tổ chức giống nhau, ăn
mặc cũng giống nhau, nghe cùng một thứ âm nhạc, truyền hình thì trình chiếu các
thứ phim bộ sản xuất hàng loạt bằng phương pháp kỹ nghệ (các xu hướng tiêu thụ và cách sinh hoạt rập
khuôn ấy là do quảng cáo tạo ra và phía sau lưng của quảng cáo là bàn tay của
các nhóm tài phiệt khổng lồ, và nơi bàn tay của các nhóm tại phiệt ấy thì lại
hình như có một sợi dây lòng thòng do một bàn tay khác của những người làm
chính trị buộc vào, hay cũng có thể là ngược lại. Sống trong một xã hội thật đơn
sơ của hơn hai mươi lăm thế kỷ trước thế mà Đức Phật đã chọn cho mình một sự tự
do nào đó với chiếc bình bát trong hai tay và một manh áo cà-sa trên người. Sự
tự do trên thân xác đó là để giúp Ngài tìm thấy một sự tự do cao rộng hơn, tuyệt
đối hơn và đích thật hơn trong tâm thức của mình. Bước chân vào một ngôi chùa là
để tìm thấy cho mình một sự tự do nào đó, ngồi vào một chiếc xe sang trọng là cách
đánh mất sự tự do ấy).
Cảm tính về sự tự do không mấy khi còn
giữ được đúng với ý nghĩa đích thật của sự tự do nữa.
Đối với Phật Giáo thì sự tự do trước
hết phải là sự giải thoát khỏi guồng máy tư duy của chính mình (tác ý chi phối bởi
nghiệp) và loại bỏ được các thái độ hành xử quen thuộc sẵn có của mình
(hành động và
ngôn từ điều khiển bởi tác ý). Do đó nếu không bước theo con đường tu
tập thì không thể nào có thể tự giải thoát cho mình được.
Trên một bình diện nào đó thì việc
bước vào con đường không phải là không gặp các khó khăn thật sự. Quyết tâm luyện
tập thiền định nào có giống như việc ghi danh theo học một khóa thể dục hay là đi
nghỉ mát trong một vùng núi vào dịp cuối tuần đâu. Chúng ta đương nhiên cảm thấy
việc quyết định bước vào con đường tu tập sẽ nhất định đòi hỏi chúng ta một sự dấn thân thật sự nào đó. Tôi vẫn còn nhớ
rõ trường hợp của riêng tôi, thật thế trước khi quyết định tìm đến một ngôi thiền
viện thì chính tôi cũng đã từng do dự rất nhiều, tôi có cảm giác hình như đấy là
một lời mời được dành riêng cho tôi và riêng tôi thì tôi cũng nghĩ rằng rồi đây
cái quyết định ấy biết đâu cũng sẽ có thể biến cải được cả sự hiện hữu của chính
tôi sau này.
Phật Giáo là một con đường nhắm vào
chủ đích giúp chúng ta khám phá ra sự tỉnh thức trong hiện tại để hội nhập vào
tâm điểm của hiện thực. Phật Giáo là cả một sự thử thách thật sâu xa, nào có phải
là một thứ gì đó hời hợt chỉ có tính cách bề ngoài đâu.
Sự dấn thân phải phát xuất từ nơi sâu
kín của con người chúng ta, từ những ước vọng thâm sâu nhất
của chúng ta. Sự dấn thân đó chỉ có thể thực hiện được khi nào chúng ta nhận thấy
có một thứ gì đó đang tàn phá sự sống của chính mình và làm mất đi cả sự bao la
của bầu không gian tràn đầy thi tính và cả những kích thước vô tận của hiện thực,
và khiến cho chúng ta cũng không còn giữ được nguyên vẹn con tim của mình nữa (đau buồn).
Tất cả những thứ ấy sẽ thúc dục chúng ta nên hướng vào những gì cao rộng hơn của
tình thương yêu.
Chỉ khi nào hội đủ can đảm để nhìn nhận
một cách thành thật là những gì xảy ra trong đời mình không được hoàn hảo cho lắm,
và chỉ khi ấy thì sự quyết tâm tu tập mới có thể phát sinh được. Có một cái gì
đó trắc trở và chúng ta thì không còn muốn cứ tiếp tục sống như thế nữa, tức là
cứ nhởn nhơ làm như chẳng có gì xảy ra. Chỉ khi nào đã ý thức được thực trạng
đó thì khi ấy sự dấn thân của mình mới có thể mang đầy đủ ý nghĩa của niềm ước vọng
sâu xa nhất của mình, tức là muốn quay về với con người đích thật của chính mình.
Thiếu sự quyết tâm ấy thì nhất định chúng ta sẽ chẳng làm được gì cả. Hoặc là chúng
ta chỉ biết theo dõi các chương trình Phật Giáo trên truyền hình để mà mơ ước,
hoặc là ghi danh tham dự hết khóa tu học này đến khóa tu học khác thế thôi, và trên
thực tế thì chẳng bước được một bước nào đáng kể cả.
Có cần phải nhờ đến một vị thầy
để giúp
chúng ta bước theo con đường của Đức Phật hay không?
Sự giúp đỡ của một người thầy thật cần
thiết. Người thầy giúp chúng ta tiếp cận một cách cụ thể, sinh động và thực tế
nhất với giáo huấn của Đức Phật. Qua sự tiếp xúc với một người thầy chúng ta sẽ
không còn quán thấy Đức Phật như một huyền thoại nữa mà đấy sẽ là một kinh nghiệm
cảm nhận đích thật, và những kinh nghiệm ấy thì tất cả mọi người đều có thể cảm
nhận được.
Ngược lại nếu không có một người thầy
hướng dẫn thì dù cho có cố gắng tu tập cách mấy đi nữa thì hình như chúng ta vẫn
cứ cảm thấy còn thiếu một cái gì đó trong các kinh nghiệm cảm nhận của mình, và
cũng sẽ rất khó cho chúng ta hoàn toàn vững tin vào những cảm nhận ấy (người thầy là một
"cơ sở cụ thể" để chúng ta nhìn vào và để trông thấy Phật).
Nhờ
những gì mà người thầy chỉ dạy chúng ta chúng ta sẽ nắm bắt được cội nguồn giáo
lý mênh mông của Phật Giáo. Chúng ta sẽ không còn cảm thấy là mình đang đứng
trước một thư viện khổng lồ nữa mà đã nắm được trong tay chiếc chìa khóa để giúp
mình bước vào. Người thầy là hiện thân của một sự hiểu biết mạch lạc về Đạo Pháp
do chính vị ấy đã phát huy được qua kinh nghiệm của mình trên đường tu tập.
Hơn nữa người thầy phải luôn tìm
cách đối thoại với từng người, và phải giảng giải như thế nào để có thể hồi đáp
được sự mong đợi của mỗi người, của chính bạn, của cá nhân bạn - Dharma (Đạo Pháp)
qua sự hiện diện mang tính cách cá nhân đó của một người thầy sẽ trở nên cụ thể
và sinh động hơn.
Dù sao thì cũng phải giữ một sự thận
trọng nào đó, phải tránh các thứ ước mơ và ảo tưởng khi nhìn vào người thầy, đấy
là những gì dễ khiến cho chúng ta bị lạc hướng. Người thầy không phải là một
ngôi sao màn ảnh mà bạn phải tôn sùng như một thần tượng. Sử dụng sự mê hoặc không
phải là một cách hành xử đúng đắn, thế nhưng đấy lại là những gì thường thấy xảy
ra trong chốn chùa chiền. Vị thầy uy nghi trên bục giảng và thật khó để đến gần.
Bạn đến chùa là để thán phục vị thầy không phải là để tiếp xúc với vị ấy. Con
đường đó không phải là con đường của Dharma
(Đạo Pháp) mà chỉ là con đường của chính trị.
Một trong các ảo tưởng thường thấy xảy
ra trong thế giới Tây Phương là khi đã là thầy thì tất nhiên là đã đạt được
giác ngộ. Càng ít dịp để tiếp xúc với người thầy thì bạn lại càng dễ tạo ra cho
mình nhiều hình ảnh tưởng tượng về vị ấy. Một người thầy càng có vẻ xa lạ, càng
tỏ ra cách biệt với bạn thì mọi thứ ảo tưởng của bạn về sự giác ngộ của vị ấy lại
càng dễ để phát sinh ra hơn.
Thật ra thì cũng chẳng có gì là rắc
rối lắm. Một người thầy đích thật là một người mà ngôn từ khi thốt ra có thể mang
bạn đến gần với giáo huấn của Đức Phật. Nguyên nhân khiến không thể đến gần được
với một vị-thầy-siêu-sao chính là vì sự ngưỡng mộ của bạn đối với vị ấy đã được
thành hình dựa vào sự cách biệt giữa tính cách vĩ đại của vị ấy và sự tầm thường
của bạn. Một người thầy đích thật thì lúc nào cũng chỉ nghĩ đến là phải làm cách
nào để có thể giúp bạn tìm thấy được sự vĩ đại của chính bạn. Vị ấy giảng dạy cho
bạn chính là để giúp bạn nhận thấy được là Dharma
(Đạo Pháp) đang hiện hữu trong lòng đôi bàn
tay của bạn. Đức Phật cũng chẳng ở đâu
khác hơn là trong con tim của chính bạn.
Thế nhưng một vị thầy chỉ có thể giúp
bạn khi nào bạn biết mở rộng lòng mình để đón nhận vị ấy và thừa nhận vị ấy là
một người thầy.
Nếu bạn nghĩ rằng người giảng dạy cho
bạn chỉ là một người dốt nát thì bạn cũng sẽ nhận được những lời giáo huấn của một
người ngu đần.
Nếu bạn cho rằng vị giảng huấn cho bạn
là một người hiểu xa biết rộng thì bạn cũng sẽ nhận được sự truyền thụ của một
người uyên bác.
Nếu bạn nghĩ rằng người thầy chính là
người đã mở ra cho bạn cách cửa của Dharma
(Đạo Pháp)
thì bạn cũng sẽ đón nhận được giáo huấn của chính Đức Phật. Điều ấy thật hiển
nhiên.
Người thầy trước hết phải là người biết
hướng dẫn bạn trong việc tu tập và giúp bạn tìm hiểu kinh sách dựa vào sự hiểu
biết cũng như các kinh nghiệm của người ấy. Tóm lại đấy là cách mà người thầy vạch
ra cho bạn một con đường đúng đắn.
Ở một cấp bậc cao thâm hơn thì người
thầy sẽ giúp bạn biết mở rộng con tim của mình. Khi nhìn vào thái độ hành xử luôn
trung thực của người thầy đối với Dharma
(Đạo Pháp)
thì bạn cũng sẽ phát lộ được sự trìu mến và tình thương yêu mà trước đây bạn chỉ
biết nhốt chặt chúng trong đáy lòng mình. Người thầy luôn khuyến khích bạn phải
bạo dạn và tự tin. Lòng trân quý Dharma (Đạo Pháp) của người thầy có khả năng lan tỏa
sang người khác. Lòng trân quý đó sẽ biến cải được bạn.
Chỉ khi nào xảy ra sự gặp gỡ với tư
cách hoàn toàn cá nhân giữa hai con người với nhau (giữa người thầy và người đệ tử với một sự
riêng tư và bình đẳng nào đó) thì khi ấy người thầy mới có thể mang
đầy đủ ý nghĩa của một người thầy. Đấy là một sự gặp gỡ của tình yêu thương. Một
con tim hòa nhập với một con tim.
Nếu muốn biết là mình đã tìm thấy đúng
vị thầy của mình hay không thì chỉ cần nêu lên một vài câu hỏi thật đơn giản. Mỗi
khi được ở bên cạnh vị ấy thì đấy có phải là thêm một dịp khiến cho bạn cảm thấy
mình muốn bước theo vết chân của Đức Phật hay không, tức có nghĩa là bạn có cảm
thấy mình muốn được trau dồi thêm khả năng chú tâm của mình để quán thấy hiện
thực với một ý nghĩa cao rộng hơn hay không? Những lời giảng dạy của vị ấy có
giúp bạn tìm thấy sự tự tin nơi phẩm giá của chính bạn hay không? Vị ấy có chỉ
dạy cho bạn con đường thiền định hay không? Vị ấy có hàn huyên với bạn một cách
ngay thật và không tìm cách ẩn náu phía sau cái vẻ đạo mạo của mình hay không?
Vị ấy có tận tình giúp bạn kết nối với một dòng truyền thụ nào hay không? Vị ấy
có đủ sức để trả lời "không" với tất cả sự dịu dàng nhưng đầy quả quyết
nhằm để giúp bạn biết tự vấn lấy mình hay không?
Đấy là các câu hỏi sẽ giúp bạn tìm
thấy được một người thầy.
Lắm khi cần phải để ra một thời gian
dài để tìm được một vị thầy mà mình có thể đặt hết lòng tin. Dù cho mất thì giờ
thì cũng vẫn hay hơn. Không thể nào hấp tấp được. Thế nhưng một khi sự tin tưởng
đã phát động trong lòng mình thì khi đó nhất thiết phải hỏi người thầy cho thật
rõ ràng là có sẵn sàng chấp nhận bạn làm đệ tử của vị ấy hay không? Nếu vị ấy
chấp nhận thì khi đó sự tương kết mới có thể xảy ra được. Sự tương kết đó tuy đơn
giản nhưng mang đầy xúc động.
Nếu thật sự bạn muốn tìm cho mình một
vị thầy thì phải loại bỏ ngay mọi ý nghĩ là vị ấy phải như thế này hay là như thế
kia. Hãy đặt hết lòng tin nơi con tim của bạn và cứ để cho nó hướng dẫn bạn.
Khi nào đã gặp được người thầy thì cứ bước theo vị ấy.
Sự tương kết đó phải được xây dựng
trên sự kính trọng và tình thương yêu. Kính trọng người thầy là cách giúp bạn biết
giữ gìn Dharma (Đạo Pháp) như là tiếng réo gọi mầu
nhiệm của vô-ngã (biết
kính trọng người thầy là một cách quên đi cái ngã của chính mình để có thể đến
gần hơn với Đạo Pháp). Yêu quý người thầy là cách đặt tình yêu thương
vào một vị trí ngày càng cao hơn. Nếu cần thì cứ để cho con tim hướng dẫn bạn.
Tình thương yêu và sự kính trọng đó là một nguồn năng lực tuyệt vời giúp bạn có
thể đi thật xa trên con đường.
Nếu bạn được một người nào đó thật
siêu việt giảng dạy cho bạn thì biết đâu bạn cũng sẽ dễ bị choáng ngợp bởi vị ấy.
Và đấy cũng sẽ là những gì có thể khiến cho bạn dễ bị thối chí bởi vì bạn có thể
cảm thấy mình không sao theo kịp vị ấy được.
Đối với Dharma thì khác hẳn. Bạn tiếp nhận những lời giáo huấn của một vị
thầy thì đấy cũng chỉ là cách mà vị ấy truyền đạt lại những gì mà vị ấy đã tiếp
nhận được từ trước. Đấy cũng chính là cách giúp bạn kết nối với một dòng truyền
thụ mà chính Đức Phật là người khởi xướng. Dù cho người thầy có xuất chúng đến
đâu đi nữa thì vị ấy cũng chỉ truyền đạt lại những lời giáo huấn không phải là do
chính mình sáng tạo ra. Vị ấy chỉ giúp bạn nối kết với một thứ gì đó vượt cao
hơn cả vị ấy. Sự kính trọng của bạn đối với vị thầy chẳng những không hề khiến
cho bạn bị bóp ngạt (những lời giảng huấn của người thầy không phải là một sự áp
đặt của người thầy mà đấy là giáo huấn của Đức Phật vượt lên trên cả người thầy)
mà đúng hơn là chỉ nhằm giải thoát cho bạn - và sự kính trọng ấy đôi khi cũng
được gọi là lòng mộ đạo. Cũng giống như trường hợp của bạn, người thầy cũng được
thúc đẩy bởi sự kính trọng và tình yêu thương đối với Đức Phật. Và Đức Phật thì
trước đây cũng từng là một chúng sinh phục vụ cho chúng sinh.
Phải tu tập ở đâu?
Và phải làm thế nào
để tìm được một tu viện thích hợp với mình?
Các tu viện thì thật đa dạng thế
nhưng con người (tức
các nhà sư nơi tu viện) thì cũng chỉ là những con người, có thể đôi
khi họ còn tỏ ra vụng về nữa, và biết đâu họ cũng có thể đã đánh mất cả sự nối kết
với cội nguồn (tức
giáo lý Phật Giáo). Dù cho các thể chế tôn giáo có đứng ra để chứng
nhận tước vị của họ đi nữa thế nhưng không có gì bảo đảm cho sự xứng đáng mà họ
đang được thừa hưởng.
Ngay cả Phật Giáo Tây Tạng đôi khi cũng
quay lưng lại với di sản ngàn năm và cả ngọn đuốc sáng ngời do các vị đại sư tiên
phong đã trao lại, chẳng hạn như các vị đại sư Kalou Rinpoché, Dilgo Kyentsé,
Lama Guendune, Lama Yéshé, Chögyam Trungpa (một số nhà sư thật lỗi lạc có những tư tưởng thật cấp tiến
thế nhưng vẫn bị một số đệ tử thủ cựu sau này chê trách). Một vài đệ
tử của các vị ấy đã quên mất đi bài học của những người cha mình để lại (chữ
"cha" trong câu trên đây có thể hiểu theo quan niệm của người Á Đông về
người thầy: thầy ngang hàng với cha, đấy là "đấng từ phụ", gọi tắt là
"sư phụ"), đấy là chưa kể đến các trường hợp còn phản bội lại
cả thầy mình nữa. Lắm khi trông thấy việc truyền giáo bị bóp méo đã khiến cho tôi
phải bật khóc nức nở (một người Tây Phương bật khóc khi nhìn thấy một vài vị thầy
Tây Tạng thuyết giảng không trung thực. Còn phần chúng ta thì sao? Chúng ta nên
cười hay nên khóc khi trông thấy Phật Giáo bị biến thành một công cụ để mưu đồ,
một chiêu bài để lợi dụng, một phương kế để sinh nhai?).
Chính Thiền Học Zen cũng đã từng gặp
những khó khăn thật trầm trọng. Học phái này (tại Tây Phương) đã lầm lẫn giữa thứ
bậc trong hàng giáo phẩm được quy định ở Nhật với sự quán triệt về giáo huấn của
Đức Phật - mặc dù Taisen Deshimaru tại Pháp và Shunryu Suzuki tại Hoa Kỳ đã từng
cảnh giác về sự sai lầm này (đây là hai vị thiền sư người Nhật đã mang thiền học Zen vào
Âu Châu và Hoa Kỳ). Cả hai vị này đã từng giải thích là nếu được
phong làm thầy - tức là một vị shiho
- thì đấy chỉ có nghĩa là một người được cầm trên tay một mảnh bằng do hàng giáo
phẩm cấp phát chứng nhận là mình có hạnh kiểm tốt thế thôi, cái mảnh bằng ấy không
hề biểu trưng cho một thành quả tu tập nào cả.
Tuy nhiên cũng có rất nhiều trung
tâm Phật Giáo giảng dạy về thiền định có thể giúp bạn tu học về giáo huấn của Đức
Phật trong những điều kiện thật tốt, kể cả có thể giúp cho từng người thực hiện
được những ước vọng của riêng mình (có nghĩa là xuất gia). Nơi các trung tâm đó nhờ
có đông đảo các Phật tử làm công quả, và nhất là nhờ vào sự cố gắng và nhiệt tình
của tăng đoàn cũng như sự tận tụy của các vị thầy, bạn sẽ có dịp thu đạt được nhiều
kinh nghiệm học hỏi quý giá, được tra cứu các cách kinh sách thật tuyệt vời, và
nhất là được thực hành việc tu tập.
Tôi chỉ có một lời khuyên duy nhất:
phải thật cảnh giác, phải xét đoán với tất cả sự thận trọng tu viện mà bạn muốn
xin vào để tu học. Bạn đang bước một bước thật tuyệt diệu, và do đó cũng không
nên bước mà không suy nghĩ, phải xét đoán thật cẩn thận bối cảnh trước mặt và
gia tăng gấp đôi sự cảnh giác. Nhận định thật minh bạch bao giờ cũng tốt hơn.
Đấy chẳng phải là một bài học của chính
Đức Phật để chúng ta nhìn vào hay sao? (Đức Phật đã gặp nhiều vị thầy và đã tu tập khổ hạnh nhiều
năm nhưng không có kết quả).
Không nên để xảy ra như thế.
Đối với riêng tôi thì bước theo con
đường Phật Giáo là một dịp may mà tôi cho là đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Trong
lòng tôi luôn dâng trào niềm biết ơn sâu xa và vô tận đối với các vị thầy của tôi.
Ngày còn nhỏ tôi đã phải trải qua nhiều đau thương thật cay nghiệt, và tôi đã từng
phải xa lìa tất cả. Lúc ấy nào tôi có ngờ trước là cuộc đời lại có thể tuyệt vời
đến như thế này đâu. Nếu biết nhìn cuộc sống xuyên qua Dharma (Đạo Pháp) thì tất cả mọi sự không những sẽ trở nên
hoàn hảo và thấm đượm một màu hồng, và không những mình được sống trong sự thanh
thản và phúc hạnh, mà còn hơn thế nữa là bất cứ một cảnh huống nào xảy ra thì cũng
đều trở thành những dịp may để giúp mình tự biến cải lấy mình và giúp mình quán
nhận được hiện thực ngày càng sâu sắc hơn (đây là một khía cạnh thật đặc thù của Phật Giáo Tan-tra: dù
là nghịch cảnh thì đấy cũng vẫn là một dịp may giúp mình tu tập nhằm biến cải
chính mình và giúp cho cuộc sống của chính mình ngày càng trở nên tươi đẹp hơn).
Bước theo vết chân của Đức Phật, cuộc sống của mình sẽ biến thành một cuộc phiêu
lưu tràn đầy một sức sống thật cô đọng và sâu xa không có gì có thể so sánh được.
Thật giản dị: vì đấy là cuộc sống của chính bạn (chúng ta sống thế nhưng sự sống ấy thật ra chỉ
là sự vận hành của nghiệp lực lôi kéo bởi sự trói buộc của các hiện tượng đang
chuyển động chung quanh. Bước theo vết
chân của Đức Phật là cách giúp mình quay về với chính mình để sống thật với chính
mình).
Liên
lạc với tác giả: fmidal@club-internet.frTrang web của tác giả: www.fabrice-midal.org
MỤC LỤC:
Lời Tựa (của Tác Giả Fabrice Midal)
Vài lời giới thiệu của người dịch
Chương 1 Người Phật tử ngày nay trong thế giới Tây Phương
Chương 2 Thiền định là gì?
Chương 3 Đức Phật và Giới Luật Phật Giáo
Chương 4 Tìm hiểu hình ảnh Đức Phật
Chương 5 Giáo Huấn của Đức Phật
Chương 6 Các học phái Phật Giáo
Chương 7 Các khái Niệm chủ yếu trong Phật Giáo
Chương 8 Ý nghĩa và vai trò của lễ bái
Chương 9 Mười lời khuyên để giúp cho chúng ta biết sống và bước theo vết chân của Đức Phật
Chương 10 Tại sao Phật Giáo lại trở thành một tôn giáo Á Châu và tại sao ngày nay lại đặt chân vào thế giới Tây Phương?
VÀI NÉT VỀ TÁC GỈA / DỊCH GỈA
Tác
giả/ dịch giả Nguyễn Đức Tiến, bút hiệu: Hoang Phong, Tiến sĩ Khoa
học, sinh năm 1939, là hội viên Hội Thiền Học Quốc tế AZI (Association Zen
Internationale), cựu Giảng sư Đại học Khoa Học Saigon, và cựu Địa chất gia và
Kỹ sư tầm khỏa công ty dầu khí TOTAL. Ông về hưu năm 1999, và hiện định cư tại
Pháp quốc.
Trong
những năm gần đây, ông đã dành toàn thời gian, công sức nghiên cứu và chuyển
ngữ kinh sách Phật giáo của các vị cao tăng Phật giáo Tây Tạng, góp phần hoằng
dương Phật pháp, mang lại lợi ích cho chúng sinh.
|