Chương 8
Ý NGHĨA VÀ VAI TRÒ CỦA LỄ BÁI
Tại sao lại có các nghi thức lễ bái trong Phật Giáo? Người Phật Tử,
hay ít ra là đối với một Phật Tử Tây Phương thì có nên tránh các việc lễ bái
hay không ?
Sự suy tư và chiêm nghiệm trong Phật
Giáo là nhằm vào chủ đích giúp khơi động lòng từ bi, sự kính trọng và lòng biết
ơn, đấy cũng là những gì thật thiết yếu trong phép thiền định mà nhiều người (Tây Phương)
đều biết và thường xuyên mang ra luyện tập. Thế nhưng phần đông lại chẳng có
một chút kiến thức nào về vai trò của lễ bái trong Phật Giáo (tác giả muốn nói
là hầu hết các người Tây Phương theo Phật Giáo đều chú tâm vào việc luyện tập
thiền định và không chú ý tìm hiểu vai trò của lễ bái).
Càng coi thường việc lễ bái bao
nhiêu thì chúng ta lại càng mù tịt bấy nhiêu về giá trị của nó. Những ai từng đã
tham dự các buổi lễ lạc thì dường như thường hay có cảm giác rằng đấy là những thứ
giả tạo. Thế rồi chúng ta cứ ước mong sao cho Phật giáo bỏ
bớt đi những hình thức trừu tượng ấy.
Do đó chúng ta cũng nên tìm hiểu sâu
xa hơn về cái cảm tính e ngại trên đây hầu có thể hiểu được nó một cách tường
tận hơn.
Tại các quốc gia Tây Phương ngày nay
thì mối tương quan thiêng liêng đó (giữa lễ bái và tôn giáo) dần dần đã mất đi cái ý
nghĩa của nó (tại
Pháp hiện chỉ còn 4.50% dân chúng đến nhà thờ). Tuy thế cũng không
có nghĩa là trong thế giới Tây Phương mối dây thiêng liêng ấy đã hoàn toàn bị
cắt đứt. Các tác phẩm nghệ thuật cũng như các cảnh vật thiên nhiên vẫn còn gây được
nhiều tác động trong lòng một số người và điều ấy đã chứng tỏ một cách hùng hồn
là mối dây thiêng liêng trên đây không hề mất hẳn. Thật vậy chúng ta đều cảm
thấy là đôi khi mình cũng phải cần đến một vài phút giây thư giãn, tự do và cởi
mở nào đó trước thực tại – chẳng hạn như những lúc ngắm nhìn một tác phẩm hội
họa hay tản bộ trên bãi biển. Trong những giây phút ấy một cảm giác thanh thản dâng
tràn trong lòng mình.
Thế nhưng mối dây thiêng liêng đó
không còn phải là một thứ độc quyền của các tôn giáo nữa, và đối với phần đông
chúng ta thì đúng ra đấy chỉ là một cách mà các tôn giáo lợi dụng để tạo ảnh
hưởng và củng cố quyền lực, hơn là giúp cho con người tìm thấy cội nguồn của sự
sống. Do đó đối với chúng ta (người Tây Phương) các nghi thức lễ lạc đã trở
thành những thứ xiềng xích còn sót lại từ những thời đại xa xưa, mà ngày nay đã
hoàn toàn lỗi thời. Đấy là những gì được xem như mê tín dị đoan hay là những
thứ dụng cụ dùng để thống trị và cần phải được loại bỏ.
Thật ra thì xu hướng trên đây còn có
một lý do khác nữa.
Thời đại của chúng ta ngày nay không
còn tin vào các thứ nghi thức lễ bái, huyền thoại, các loại biểu tượng hay các
thứ biểu hiệu, mà chỉ nhìn vào tính cách minh bạch của sự thuần lý – dù không
hề ý thức được các khía cạnh cứng nhắc của sự minh bạch đó. Trong thời buổi này
chúng ta chỉ muốn gỡ bỏ các tấm màn u mê của huyền thoại và nhất mực cho rằng
nghi lễ chẳng có ích lợi gì cả. Đối với thế hệ chúng ta thì cái thế giới chỉ
biết tôn thờ sự hiệu quả này chỉ có thể trở nên toàn vẹn khi nào những ray rứt về
ý nghĩa của sự hiện hữu đã hoàn toàn bị loại bỏ, và tất cả mọi sinh hoạt đều nhất
loạt phải được đặt dưới sự chi phối của các tiêu chuẩn thiết lập bởi các nguyên
tắc hiệu quả.
Thế nhưng mục đích của các nghi thức
lễ bái lại là để mang con người trở về với cội nguồn của họ, nhằm cắt đứt mối
dây trần thế và xóa bỏ các thói tục thường tình – tức có nghĩa là những gì vô-hiệu-quả.
Nếu nhìn dưới khía cạnh đó thì bất cứ một hình thức lễ bái nào cũng đều giữ
được một chút thi vị trong từng khoảnh khắc thời gian nhằm giúp chúng ta tìm thấy
một chút ý nghĩa nào đó trong cuộc sống của mình và để mang lại cho sự sống ấy một
khía cạnh sâu sắc hơn.
Chính vì mục đích đó mà nhiều người
theo Phật Giáo đã tạo được cho mình một cuộc sống luôn hòa nhịp một cách thật hài
hòa với các nghi thức lễ bái, đôi khi các nghi thức ấy cũng chỉ là những gì
thật đơn giản (chẳng
hạn như thắp một nén hương lên bàn thờ Phật, hay đánh một tiếng chuông vào buổi
sáng). Trước hết đấy là cách giúp họ biết chú tâm hơn vào cái đẹp trong
con người họ và của thế giới này và để nối kết họ với cội nguồn của họ.
Thế nhưng nếu muốn tìm thấy cái ý
nghĩa sâu xa ấy của nghi lễ thì quả thật khá khó cho những người Tây Phương
chúng ta. Bởi vì không phải chỉ biết thực thi các nghi thức lễ bái là đủ mà còn
phải ý thức được ý nghĩa của chúng trong nếp sống thường nhật và hình dung ra
được cái ý nghĩa ấy trong từng giây phút một.
Ý nghĩa của lễ bái
trong Phật Giáo
Lễ bái là một tổng hợp gồm một số hành
động biểu trưng cho một sự hài hòa giữa các hành vi, ngôn từ và sự chú tâm của
chúng ta. Trong sự hài hòa ấy mỗi cử chỉ đều phát lộ được sự thiết tha, một thể
dạng thật ý thức và trọn vẹn, và mỗi ngôn từ thì đều giữ được sự tinh khiết.
Chúng ta không thể bảo đấy là một thứ gì độc đáo, duy nhất hay biểu trưng cho
một sự thông minh nào cả – mà thật ra đấy chỉ đơn giản là những gì hiện hữu đúng
như thế.
Nếu muốn cho nghi thức lễ bái đạt
được ý nghĩa ấy thì nó phải đi đôi với một phép tu tập thật chính xác và trang nghiêm.
Thiền học Zen khai triển các phép nghi lễ đẹp một cách phi thường, thí dụ như
trà đạo chẳng hạn. Trà được đưa vào Nhật vào thế kỷ thứ XII và chỉ được xem như
là một dược thảo. Mãi bốn thế kỷ sau thì việc uống trà mới được một vị thiền sư
là Thiên Lợi Hưu (Rikyu) biến thành một nghệ thuật và một phép tu tập hẳn hoi,
bằng cách đưa ra một số nghi thức chính xác, và nhất là làm phát lộ được thi
tính trong các nghi thức ấy.
Đối với bất cứ một nghi thức lễ bái
nào, thân xác phải hòa nhập với từng ngôn từ khi thốt lên – có nghĩa là mỗi cử
chỉ phải phù hợp với từng lời nói. Tất cả đều hòa nhập với nhau để trở thành
một nếp sinh hoạt đồng nhất.
Sự suy tư và lý luận mang tính cách
phân tích sẽ tuyệt nhiên không còn cần đến nữa. Điều quan trọng hơn hết chính là
sự chính xác và nghiêm túc trong từng cử chỉ. Không cần phải tìm cách để sáng
tạo ra thêm một thứ gì nữa cả mà chỉ cần đơn giản thực thi những gì cần nên làm.
Do đó vai trò của nghi thức trước
hết là giúp chúng ta hòa nhập với một thứ quy củ nào đó nhằm giúp chúng ta biết đặt chân trên
mặt đất này và đồng thời kết nối với cái bao la của toàn thể vũ trụ, và giúp
cho tất cả mọi người chung quanh cũng được hưởng lây cái bầu không khí đó.
Đối với thế giới Tây Phương thì nghi
lễ không nhất thiết phải mang tính cách tôn giáo. Thí dụ như đi nghe một buổi
hòa nhạc cũng có thể giúp chúng ta nhận thấy được ý nghĩa sâu xa và đích thật của
nghi lễ là gì. Chúng ta bước vào nhà hát và ngồi xuống. Các nhạc công bước vào sau
và bắt đầu chơi nhạc. Tiếng nhạc mang lại cho chúng ta một sự thích thú nào đó.
Chúng ta có cảm giác như trút bỏ được những gì luôn đè nặng trong cuộc sống của
mình. Chúng ta vỗ tay thật nồng nhiệt để khen thưởng và cám ơn họ.
Lễ bái cũng có một chủ đích tương tự
như thế. Đấy là những gì thật đơn giản, không hề bắt chúng ta phải suy nghĩ rắc
rối, thế nhưng lại có thể giúp chúng ta tìm thấy được sự tự do luôn bị che lấp và
bị đè nặng bởi mọi thứ hiểm nguy và lo lắng, bởi sự mất mát và những nỗi kinh
hoàng trong cuộc sống.
Theo quan điểm của Phật Giáo thì mục
đích của lễ bái là nhằm giúp chúng ta đến gần hơn với Đức Phật, cái bầu không
gian ấy rộng mở và ấm áp biết bao, đấy chính là sự thật trong từng khoảnh khắc
mà chúng ta không mấy khi nhận thấy được. Phật Giáo là một tín ngưỡng vô thần vì
thế nên việc lễ bái dù cho có tạo ra được một sự cảm ứng trực tiếp và thật sự
nào với Đức Phật hay không thì cũng chẳng quan hệ gì cho lắm. Vì thế mỗi khi suy
tư về Đức Phật, về Chúa Giê-Xu hay chỉ là một cọng cỏ – thì điều quan trọng hơn
hết lại chính là tâm hồn mình, sự mở rộng của con tim và nhịp thở của chính
mình.
Vào thời kỳ khởi nguyên của Phật Giáo tại
Ấn Độ, các nghi thức lễ bái chủ yếu nhất chỉ liên quan đến các kiến trúc biểu
trưng cho tâm linh của Đức Phật gọi là stupa
(tức là các bảo
tháp). Bảo tháp được xây dựng khắp mọi nơi tại Á Châu. Nghi thức lễ
bái thì đơn giản chỉ là cách đi quanh các kiến trúc đó theo chiều kim đồng hồ. Bên
trong các kiến trúc ấy thường thì cũng chẳng có phòng ốc gì cả. Cách đi quanh các
bảo tháp thì gọi là diễn hành (circumambulation – diễn hành chung quanh một biểu tượng
mang tính cách tôn giáo). Cách bước đi thật trang nghiêm và sự chú
tâm vào từng động tác của cơ thể giúp mình hoà nhập với sự hiện diện của Đức
Phật. Việc đi chung quanh một kiến trúc – chẳng hạn như một bảo tháp trong
trường hợp trên đây và trục của bảo tháp là biểu tượng của sự nối kết giữa trời
và đất – chỉ là một hình thức tượng
trưng mang tính cách rất phổ quát, thí dụ như trường hợp các vị giáo sĩ (druide / druid)
trong các bộ tộc bán khai (của Âu Châu vào thời cổ đại) đi quanh các gốc
cây hay các con suối.
Theo
dòng lịch sử các nghi thức lễ bái ngày càng trở nên phức tạp hơn, và các nghi
thức đó thì được dựa vào các thói tục sẵn có của người Ấn khi hầu tiếp một vị thượng
khách. Lời mời được chuyển đến vị thượng khách nhằm tỏ bày niềm hân hoan của
mình nếu được người này viếng thăm, sau đó là cách hầu tiếp người này, việc tặng
quà hoặc thông thường hơn thì mời một bữa cơm, sau hết là đưa tiễn người này
với tất cả sự tôn kính tương xứng với cấp bậc của người ấy. Cũng thế thay vì
tiếp rước một nhân vật nào đó thì chúng ta mở rộng tâm hồn mình để đón nhận Đức
Phật – xem Đức Phật như một vị khách quý. Chúng ta lập bàn thờ, đặt lên một bát
nước ướp hoa thơm và một ít lễ vật. Sau đó thì chúng ta cũng có thể xướng lên
những lời tán tụng Đức Phật. Đấy là cách tạo ra một bầu không gian mở rộng và mang
lại những phút giây biểu dương cho một sự sinh động nào đó.
Thật
hết sức đáng tiếc là chúng ta thường quên rằng lễ lạc và các nghi thức lễ bái
cũng có thể giúp giải thoát được tâm thức mình, mà nghĩ rằng chỉ có phép thiền
định và sự học hỏi (Đạo Pháp) mới có thể thực hiện được việc ấy. Dù
sao thì nếu chỉ biết thực thi nghi lễ như một thói quen mà không ý thức được ý
nghĩa là gì thì cũng chỉ hoài công mà thôi. Khi nào hội nhập được với nghi lễ và
hiểu được đấy là gì thì khi đó nghi lễ mới có thể trở thành một sự trợ lực lớn
lao được.
Mỗi
khi đứng ra thuyết giảng thì không mấy khi tôi quan tâm đến việc thực thi các
nghi thức lễ bái đúng theo truyền thống (tức các nghi thức tụng niệm trước khi thuyết giảng, và cũng
xin mạn phép ghi chú thêm là tác giả tu tập theo Phật Giáo Tây Tạng và rất tích
cực trong việc hoằng Pháp, và ông cũng là chủ tịch và sáng lập viên của một
hiệp hội Phật Giáo) mà chỉ nhất thiết chú trọng và đề cập đến việc
thực hành thiền định. Đấy là cách đơn giản ngồi xuống và không cần đến một hình
thức màu mè nào khác. Không để cho bất cứ một thứ gì trở nên dư thừa. Chỉ cần
hội nhập trực tiếp với cái thể dạng trần trụi nhất nơi con người của chính mình
– và cả với những gì đang kềm kẹp nó và giam hãm nó. Có nghĩa là chỉ cần đón nhận
cái đẹp hiển hiện ra trong hiện tại.
Thế
nhưng ngoài những lúc phải giảng dạy ra thì lúc nào tôi cũng để cho các nghi
thức lễ bái chi phối nếp sống của tôi qua từng hành động của tôi. Thiết nghĩ đôi
khi chúng ta cũng nên thực thi lễ bái, thế nhưng phải luôn chú tâm làm phát lộ
được ý nghĩa của nó và để sống với nó một cách hoàn toàn ý thức.
Tại sao nên lập bàn
thờ Phật ?
Một trong các lý do chính yếu khiến
chúng ta không thích việc lễ bái và không lập bàn thờ Phật là ý nghĩ cho rằng
vật chất không liên hệ gì với tâm linh.
Phật Giáo không hề chủ trương phân
biệt giữa vật chất và tinh thần, giữa thân xác và tâm thức mà chỉ khuyên chúng
ta phải loại bỏ mọi sự bám víu và các thứ gò bó khác, và luôn phải mở rộng con
tim của mình. Nào có gì khác lại có thể tỏ ra thiết thực hơn thế được ! Tuy
nhiên điều ấy chỉ có thể thực hiện qua những kinh nghiệm cảm nhận trong cuộc sống
thường nhật mà thôi (có nghĩa là cần đến sự chi phối của các nghi thức lễ bái trong
cuộc sống của mình).
Tất cả chúng ta đều cất giữ trong
nhà một vài tấm ảnh của cha mẹ hay con cái mình, một vài cái lọ con con kỷ niệm
các chuyến du lịch trước đây của mình. Thật thế tâm trí chúng ta nào có đủ sức
để ghi nhớ hết được hình ảnh của những người thân yêu và các kỷ niệm của những
chuyến du ngoạn trước đây. Phải chăng vì thế mà chúng ta thường hay trang trí
nhà cửa với các vật gợi lại cho mình các kỷ niệm xưa ?
Các vật ấy giữ một vai trò rất lớn
trong cuộc sống của mỗi người trong chúng ta. Lắm khi chúng ta đã phải dồn hết
tâm trí mình vào việc chọn lựa các vật thân thiết nhất với mình.
Thế thì tại sao chúng ta lại không
biết ghép thêm vào cuộc sống của mình một chút gì đó mang tính cách thiêng
liêng hơn như thế ? Chẳng hạn như một vài vật có thể nhắc nhở chúng ta tưởng nhớ
đến Đức Phật ? (tác giả muốn ám chỉ nên lập một bàn thờ Phật hay bày một
pho tượng Phật trong nhà).
Cúng dường cũng là một cách để bày
tỏ sự quý mến của mình đối với Đấng Giác Ngộ, nói lên mối quan tâm của mình luôn
phải nhớ đến Đức Phật.
Tuy nhiên vẫn có thể xảy ra một mối
hiểm nguy nào đó mà Phật Giáo không phải là đương nhiên có thể tránh khỏi được
: đấy là cách làm biến dạng cái khía cạnh thi vị trên đây khiến nó trở thành một mớ quy tắc cứng
nhắc, và nếu lỡ mà vi phạm vào đấy thì phải gánh chịu những điều « bất
hạnh ». Đấy chỉ là một thứ đạo đức dựa vào các tiêu chuẩn mang tính cách
bổn phận và mê tín. Cúng dường Đức Phật không phải là cách giúp mình tránh khỏi
những gì bất hạnh, hay là để chứng tỏ mình là một Phật Tử gương mẫu, mà đúng
hơn đấy là hành động giúp mình mở rộng con tim và tâm thức của chính mình.
Chẳng hạn như khi ta tặng một món quà
cho một người bạn thì đấy cũng có nghĩa là lòng thiện cảm của mình đối với bạn
phải quan trọng hơn là giá trị của món quà. Chúng ta tìm thấy một sự vui thích
nào đó qua cử chỉ hiến dâng. Cũng thế, hành động cúng dường mang nhiều ý nghĩa
nội tâm hơn là giá trị của vật hiến dâng – cái ý nghĩa nội tâm ấy biểu trưng
cho lòng biết ơn, sự tự tin và lòng kính mến của mình.
Tai sao chúng ta nên
cúng dường các ảnh tượng biểu thị Đức Phật ?
Câu trả lời thật hết sức đơn giản,
đấy là vì chúng ta thường hay quên bẵng đi sự hiện diện của Đức Phật, của tình
thương yêu và sự trìu mến. Chính vì thế mà chúng ta cần phải phát lộ một hành động
thiết thực nào đó giúp chúng ta hội nhập với cái bầu không gian rộng mở ấy.
Tuy nhiên sau đây là cách giải thích
thông thường hơn. Nhiều học phái chủ trương nếu muốn đạt được Giác Ngộ thì một
mặt phải khai mở tâm thức mình (trí tuệ) và con tim mình (từ bi) và một mặt thì phải tạo ra các
cảnh huống thuận lợi (đạo đức). Đấy là sự kết hợp giữa trí tuệ và đạo
đức. Thiền định và học hỏi (Đạo Pháp) giúp chúng ta đạt được khía cạnh thứ
nhất (trí tuệ).
Hành động sẽ mang lại khía cạnh thứ hai (đạo đức). Cử chỉ dâng lên Đức Phật một cánh hoa
dù chỉ mang tính cách tượng trưng đi nữa thế nhưng đấy chính là cách tốt nhất
để gợi lên sự hiện diện của Đức Phật.
Khía cạnh thứ nhất (trí tuệ)
mang tính cách tối thượng, khía cạnh thứ hai (đạo đức) mang tính cách tương đối.
Phật Giáo chủ trương hai khía cạnh ấy luôn phải đi đôi với nhau.
Tất cả các nghi lễ
đó có phải là những hình thức tôn thờ hình tượng hay không ?
Các tôn giáo dựa vào Kinh Thánh đánh
giá Phật Giáo như là một tôn giáo tôn thờ hình tượng.
Thế nhưng tôn thờ hình tượng là
gì ? Đấy là cách làm cho sự tuyệt đối ngưng đọng lại trong các hình tượng giúp
chúng ta chế ngự được nó và tiếp cận được nó, và đồng thời cảm nhận được một
tình thương yêu buộc mình vào các hình tượng ấy. Đối với các tôn giáo dựa vào Kinh
Thánh thì đấy là cách giúp đạt được sự hiện thực của Trời vượt lên trên tất cả
các hình thức biểu thị của con người.
Tuy nhiên Phật giáo cũng nhất thiết đối
nghịch lại một cách triệt để đối với bất cứ một hình thức tôn thờ hình tượng
nào. Thật thế, cũng giống như các tôn giáo khác dựa vào Kinh Thánh, Phật Giáo cũng
bác bỏ cách làm cho sự tuyệt đối phải bị khô cứng, thế nhưng Phật Giáo lại sử
dụng một phương cách khác hơn. Chẳng những Phật Giáo bác bỏ bất cứ một hình
thức xác định nào về một sự tuyệt đối
bất động sau khi đã thu nhỏ để biến nó trở thành những hình tượng biểu thị, mà
hơn nữa Phật Giáo còn xem đấy là những gì sai lầm và ảo giác. Đối với Phật
Giáo, khái niệm về một vị Trời mang hình tướng con người là một cách thu hẹp sự
tuyệt đối, một hình thức tôn thờ hình tượng. Và dù cho Phật Giáo có chủ trương
tôn vinh hình tượng đi nữa, thì Phật
Giáo cũng ý thức được rằng đấy chỉ là cách giúp tiếp nhận được một cách cụ thể kinh
nghiệm cảm nhận của chính mình đối với Đức Phật, tức là những gì không thể mô
tả được bằng ngôn từ.
Chủ trương một tín ngưỡng Phật Giáo
tinh khiết, hoàn toàn duy lý và phi-lễ-bái chỉ là một chuyện giả tưởng của thế
giới Tây Phương. Nếu nghĩ rằng cần phải thanh lọc để loại bỏ ra khỏi cuộc đời
của Đức Phật tất cả những gì mang tính cách huyền thoại để viết lại một tiểu sử
duy lý hơn, thì đấy sẽ là cách loại bỏ ra khỏi Phật Giáo tính cách phức tạp của
các kinh sách giáo lý, và đấy cũng chính là cách không nhìn thấy được tầm quan
trọng của các nghi thức lễ bái trong việc tu tập. Đấy là cách làm khô cạn dòng
máu của Phật Giáo.
Tại sao lễ bái lại
rất giống với thi phú ?
Tại Trung Quốc dưới thời nhà Đường (518-907),
người ta thấy phát sinh một khuynh hướng xem cảm hứng trong thi phú và trực
giác phát sinh từ kinh nghiệm cảm nhận của một người hành thiền rất gần với
nhau. Thi hào Li Tche-yi trong một bức thư viết cho bạn có một câu như
sau : « Không có sự khác biệt nào giữa con đường của Đức Phật và thi
phú ; sự giác ngộ nơi đầu ngọn bút lông cũng chẳng khác gì với sự Giác Ngộ
của Đức Phật ».
Bước sang thời đại nhà Tống (960-1279),
chủ trương nêu cao tầm quan trọng của mối tương quan trên đây (giữa thi phú và những cảm nhận khi hành thiền)
đã đạt được một cấp bậc thật cao, và chủ trương này cũng đã được truyền sang
Nhật Bản vào thế kỷ XII. Thiền học Zen dựa vào một số phương pháp thật uyên bác
đã nâng những gì mà chúng ta gọi là « thi phú » lên một vị thế thật
quan trọng. Theo chủ trương đó thi phú không những chỉ là một sự «thực
hiện » hay một sự « sáng tạo » mà còn là con đường giúp bước vào
sự tĩnh lặng. Hầu hết các hành động của con người đều có thể hướng vào con
đường mang lại sự hoàn thiện, hay là một phép tu tập giúp cho tâm thức bừng
tỉnh dậy trong ta nhằm giúp nó trực thoại với chính nó, tương tự như vô-hình cất
lên tiếng hát với vô-hình.
Thiền học Zen sáng tạo ra một con
đường, hay đúng hơn là một thứ nghi lễ nhằm hướng dẫn hầu hết các hành động của
con người : chẳng hạn như cắm một cành hoa vào bình hay rót một tách trà.
Thật thế, trà đạo là một phương tiện đơn giản thế nhưng đã nêu lên được thế nào
là đạo đức Phật Giáo. Sự chú tâm vào cách sử dụng các dụng cụ (pha trà)
và vào từng cử chỉ sẽ làm phát lộ được mối tương quan với toàn thế giới, và đồng
thời thì toàn thể thế giới cũng tiếp tay để ca ngợi sự tương quan ấy (ý thức được sự
tương quan với toàn thể thế giới là một phương tiện giúp phát lộ lòng từ bi).
Người hầu trà chú tâm vào việc pha
trà thế nhưng cùng lúc cũng hoà đồng nhịp thở và các động tác của mình với nhịp
thở và động tác của các vị khách đang ngồi trước mặt. Nguời hầu trà dùng một
chiếc khăn lụa để lau chiếc lọ sứ đựng trà và cái thìa múc trà bằng tre. Chính
xác trong từng cử động một. Sau đó thì dùng một cái gáo nhỏ bằng tre để múc
nước sôi trong ấm và rót vào một cái bát. Nước trong bát được dùng để rửa một túm
chổi tre và sau khi rửa xong thì túm chổi tre cũng được kiểm tra lại cẩn thận.
Nước trong bát được đổ đi và bát thì được lau sạch bằng một chiếc khăn ẩm bằng chỉ
gai.
Tiếng nước sủi tăm trong ấm reo lên khe
khẽ. Người hầu trà cho bột trà vào bát (trà đạo sử dụng trà đã xay nhuyễn thành bột),
rót nước nóng vào, dùng túm chổi tre để khuấy cho tan đều, sau đó lại thêm vào
một ít nước nữa, lại tiếp tục khuấy đều và sau khi khuấy xong thì mời người
khách thứ nhất.
Thoạt nhìn thì nghi lễ ấy có vẻ thật
đơn giản và tự nhiên, thế nhưng thật ra thì lại vô cùng tinh tế và phải mất nhiều
năm để học hỏi và thực tập. Mỗi giai đoạn của phép trà đạo đều được quy định
một cách thật tỉ mỉ : bắt đầu là việc chuẩn bị và mời khách, tiếp theo thì
người hầu trà pha trà với các động tác thật chính xác, sau cùng là các vị khách
lần lượt thay nhau thưởng thức. Không để cho bất cứ một sơ hở nhỏ nhoi nào có
thể xảy ra một cách bất ngờ. Sự chuyển động của toàn thân và cả các cử động của
từng ngón tay tất cả đều nhịp nhàng như một vũ điệu! Đồng thời tỏa ra một bầu không
khí làm hiển lộ một sự tự nhiên thật nghiêm khắc và trang trọng.
Cái bầu không khí đó sẽ khiến cho
người khách thưởng thức trà có cảm tưởng là mình đang trải qua một khoảnh khắc nào
đó vượt ra khỏi mọi kích thước của thời gian, hay nói đúng hơn thì đấy cũng là
một cách hội nhập với cái thời gian thật tinh khiết mà nơi đó những gì sâu xa
nhất của sự sống đang ngự trị. Thật thế nghi thức trà đạo giúp mình hòa nhập
với người khác và với cả thiên nhiên.
Đấy cũng là nơi ngự trị của những gì
quan trọng và mầu nhiệm nhất của lòng từ bi Phật Giáo. Cái lòng từ bi đó ẩn nấp
phía sau những động tác thật kín đáo, đấy là sự quan tâm đến từng chi tiết thật
nhỏ bé nhằm tạo ra một bối cảnh thuận lợi giúp biến cải con tim mình ăn nhịp
với từng động tác. Và đấy cũng chính là ý nghĩa đích thật của các nghi thức lễ
bái.
Chúng ta có nên
bày ra thêm các nghi thức mới hay không ?
Các nghi thức lễ bái dù là do các vị
thầy Tây Tạng hay các vị thiền sư Zen thực thi thì cũng đều là các nghi thức lễ
bái đích thật của Phật Giáo, thế nhưng đồng thời thì các nghi thức ấy cũng chịu
ảnh hưởng nặng nề từ các nền văn hóa và các thần linh địa phương. Tuy rằng các
thói tục lễ bái ấy là những gì hoàn toàn xa lạ đối với người Tây Phương thế
nhưng họ vẫn cứ mang ra để thực thi. Tất nhiên là việc thực thi ấy không mang
lại nhiều lợi ích cho họ, lý do cũng dễ hiểu vì đấy không phải là những gì đã
từng ăn sâu vào ngôn ngữ, phong cách cũng như lịch sử của họ (người dịch cũng
xin mạn phép góp thêm một chút thiển ý. Quả đúng là người Phật Giáo Tây Phương tùy
theo học phái của mình có thể tụng niệm bằng tiếng Nhật, tiếng Tây Tạng, tiếng Pa-li...
và ăn mặc theo các nhà sư Nhật Bản, Tây Tạng hay Theravada... Tuy rằng các nghi
thức ấy dù không phản ảnh ngôn ngữ, phong cách và lịch sử của họ, thế nhưng cũng giúp họ hội nhập được với nguồn gốc và lịch
sử nói chung của Phật Giáo. Xin đơn cử một bằng chứng khá cụ thể là trước đây
hội Thiền Học Zen của Pháp dịch bài Tâm Kinh ra tiếng Pháp để trì tụng,
thế nhưng sau đó không lâu thì lại quyết
định quay lại tụng niệm bài kinh này bằng tiếng Nhật, bởi vì cách trì tụng bằng
tiếng Pháp hình như không mang lại hiệu quả như mong muốn).
Theo tôi thì phải bày ra các nghi lễ
khác hơn, ăn sâu hơn vào nền văn hóa sẵn có của người Tây Phương và phù hợp hơn
với bối cảnh sinh sống của họ (ý kiến nay cũng khá đúng vì các vị tu hành theo thiền học
Zen, Phật Giáo Tây Tạng, Tích Lan, Trung
Quốc... tụng niệm bằng các ngôn ngữ khác nhau, cách ăn mặc và
các nghi thức lễ bái cũng có phần khác nhau, thế nhưng cũng có nhiều nét rất
gần nhau. Do đó nếu người Tây phương thật sự muốn tìm cho mình các nghi thức lễ
bái phù hợp với văn hóa và lịch sử của mình thì nhất thiết là một việc nên làm,
thế nhưng cũng không phải là một việc dễ. Người ta thường thấy tác giả Fabrice
Midal mặc áo sơ-mi và áo vét màu đen, đeo cà-vạt hình lá cờ Phật Giáo, trên ngực
áo thì cái một cái trâm hình chiếc lá bồ-đề, đầu thì cạo nhẵn thín. Có phải chăng
đấy là cách mà ông muốn nêu lên hình ảnh tiêu biểu của một nhà sư Tây Phương ?
– ghi chú thêm của người dịch). Cũng xin mạn phép được nhắc lại rằng
chủ đích sâu xa của nghi lễ là giúp tạo ra một sự hòa nhập giữa thân xác, các kinh
nghiệm cảm nhận cũng như các xúc cảm của mình với sự hiện diện của Đức Phật,
nhằm giúp mình vượt lên trên các mối tương quan mang tính cách hoàn toàn
« trí óc » đối với thế giới này. Tóm lại là quả thật hết sức khó cho
chúng ta (tức
người Tây Phương) phải học theo các nghi thức lễ bái thực thi ở Trung Quốc hay Campuchea từ những
thời đại xa xưa.
Tất nhiên không phải là quá khó cho
người Tây Phương học hỏi và thực hành các nghi thức trà đạo hay các nghi lễ thụ
giới tan-tra của người Tây Tạng. Tất cả các nghi thức ấy đều thật hết sức tuyệt
vời, tuy nhiên chỉ có một số ít người Tây Phương có thể theo kịp. Chính vì thế
sẽ rất khó để có thể giúp cho Phật Giáo trở nên sinh động và khởi sắc trong
lòng mọi người ở khắp nơi.
Phải chăng đã có
nhiều buổi lễ long trọng từng đưọc tổ chức nhằm đánh dấu các biến cố trọng đại
trong cuộc đời của mỗi người hay chăng ?
Dân tộc nào cũng có những nghi thức
lễ lạc cầu kỳ mang ít nhiều ý nghĩa liên quan đến cuộc sống. Các nghi thức lễ
lạc ấy là nhằm đánh dấu các biến cố trọng đại trong mỗi kiếp người : chẳng hạn
như lúc sinh, sự chuyển tiếp từ giai đoạn trẻ thơ sang tuổi thiếu thời (người Do Thái tổ
chức các nghi lễ để đánh dấu sự chuyển tiếp hay « trưởng thành » này,
tức là lúc đứa trẻ được 13 tuổi đối với con trai và 12 tuổi đối với con gái),
ngày thành hôn hay khi chết.
Chúng ta sẽ không sống một cách thật
sự nếu như các biến cố xảy ra trong cuộc đời mình chẳng còn mang một ý nghĩa nào
nữa. Có rất nhiều người lúc bình thường thì thờ ơ với tôn giáo thế nhưng vẫn
quay về với tôn giáo mỗi khi xảy ra các biến cố trọng đại trong đời mình. Kể cả
đối với những người vô thần cực đoan nhất thì đôi khi người ta vẫn thấy họ tổ
chức hôn lễ tại nhà thờ hoặc xin làm thánh lễ vào các dịp ma chay (tác giả nói đến
những gì xảy ra trong các xã hội Tây Phương, thế nhưng thực trạng đó thật phổ
quát và có thể xảy ra trong bất cứ một xã hội nào hay một quốc gia nào).
Chúng ta luôn cần đến các hành động,
các ngôn từ và cử chỉ giúp chúng ta hòa nhập với một mớ biểu tượng hầu giúp
chúng ta tìm thấy một sự trợ lực nào đó. Phật Giáo luôn khuyên chúng ta nên chọn
cho mình những biểu tượng nào thích nghi nhất trong từng cảnh huống. Chính vì thế
nên lúc nào tôi cũng sẵn sàng và luôn tìm thấy một niềm hân hoan khi đứng ra
làm chủ lễ các cuộc hôn phối và tôi luôn xem đấy như là một dịp để làm hiển lộ những
gì đích thật trong tình yêu thương.
Ngày nay người ta thường xem cái
chết như là một biến cố mang tính cách hung bạo, một sự thất bại trong cuộc
sống. Thế nhưng các nghi lễ đánh dấu sự xa lìa giữa chúng ta và người quá vãng
hình như không còn giữ được như trước nữa. Nhiều nhà xã hội học và tâm lý học rất
quan tâm đến các vấn đề khó khăn sinh ra từ sự thờ ơ đó. Việc loại bỏ các nghi
lễ là một cách chối bỏ tầm quan trọng của sự xa lìa do cái chết gây ra và cả nhu
cầu ước mong tìm thấy cho mình một sự an ủi tâm linh luôn hiện hữu trong lòng
mỗi con người. Phật Giáo là một tín ngưỡng có thể giúp chúng ta giải quyết được
những khó khăn này.
Phật Giáo là một tín ngưỡng phi giáo
điều do đó có thể giúp cho nhiều quốc gia khác nhau sáng tạo ra thêm các nghi
thức lễ bái mới.
Phật Giáo đồng thời cũng mang các khía
cạnh phi-tôn-giáo và do đó có thể giúp chúng ta nhìn thấy được những gì thiết
thực dễ dàng hơn : đấy là cách gợi lên các động tác và biểu tượng (tức có nghĩa các
nghi thức lễ bái) nói lên được một cách cụ thể ý nghĩa của thực tại và
niềm hân hoan trong sự hiện hữu của mình vào những giây phút hiện tại đang xảy
ra.
Phật giáo cũng nhất thiết chủ trương
vô thần, và chính vì thế mà mỗi khoảnh khắc cũng sẽ đúng thật là như thế, không
cần phải ghép thêm cho nó một ý nghĩa ngoại lai nào khác (hiện thực là như thế không cần đến bàn tay
của một đấng Tối Cao nào cả). Nghi thức lễ bái chỉ nhằm làm hiển lộ sự
thật trong từng bối cảnh khác nhau.
Vài lời ghi chú
của người dịch
Phật Giáo Đại thừa đưa ra nhiều nghi
thức lễ bái đôi khi khá cầu kỳ và Phật Giáo Nguyên Thủy cũng có nhiều nghi lễ dù
bề ngoài có vẻ đơn giản thế nhưng thực ra cũng không kém phần trang trọng và nghiêm
túc. Trong khi đó thì một số người Phật Giáo Tây Phương lại có khuynh hướng muốn
biến Phật Giáo trở thành một « tín ngưỡng » hoàn toàn khoa học, thực
dụng và duy lý. Đại diện cho khuynh hướng này là một vị thiền sư và học giả Phật
Giáo lỗi lạc là Stephan Batchelor, và khuynh hướng này của ông cũng hiện đang gây
ra nhiều tranh cãi tại Tây Phương.
Sở dĩ nêu lên sự kiện trên đây là vì
một vài học giả Phương Tây thường hay ghép chung một cách sai lầm khuynh hướng
trên đây của Stephan Batchelor với chủ trương tu tập của một vị đại sư và tư tưởng
gia Phật Giáo thuộc tầm cỡ lớn của Thái Lan là Buddhadasa Bhikkhu (1906-1993).
Stephan Batchelor chủ trương biến cải Phật Giáo để thích nghi với khuynh hướng duy lý trong các xã hội Phương Tây,
trong khi đó thì Buddhadasa Bhikkhu một mặt vẫn tôn trọng phần giáo lý tinh khiết
của Phật Giáo và một mặt thì chỉ nêu lên và triển khai những khía cạnh nào thật
thiết thực giúp người tu tập hướng thẳng vào giác ngộ. Chủ trương này có thể nhận
thấy khá rõ nét qua một tác phẩm rất nổi tiếng của ông mang tựa đề là « Quyển Sách cho Nhân Loại ».
Dù sao thì các nghi thức lễ bái hiểu
theo nghĩa rộng, cũng thật hết sức cần thiết cho bất cứ một tín ngưỡng nào, đấy
là nguồn sinh lực của tôn giáo nói chung. Đối với trường hợp của Phật Giáo thì dù
đấy là Đại Thừa hay Nguyên Thủy thì cũng đều có những nghi thức lễ lạc mang các
ý nghĩa thật gần nhau. Thật vậy, nếu một người Phật Tử Đại Thừa viếng thăm một nước
Phật Giáo Nguyên Thủy chẳng hạn như Miến Điện, Thái Lan hay Tích Lan thì cũng rất
có thể là sẽ không cảm thấy một chút xa lạ nào cả.
Riêng tại Việt Nam thì lại thường xảy
ra một sự « pha lẫn » thật lạ lùng và đầy thú vị, rất nhiều
Phật Tử Đại Thừa đến chiêm bái các ngôi chùa Nguyên Thủy, họ thắp hương và lễ bái
cũng chẳng khác gì như khi họ đến với một ngôi chùa Đại Thừa, và nguợc lại thì
các Phật tử Nguyên Thủy cũng thường xuyên tham gia vào các dịp lễ lạc của Đại
Thừa.
Nếu người Phật tử Nguyên Thủy chú tâm
vào việc thực thi các nghi thức lễ bái thật tinh khiết giúp mang lại cho mình một
nội tâm trong suốt thì người Phật tử Đại Thừa lại chăm lo và quan tâm đến từng
chi tiết thật nhỏ phản ảnh qua từng động tác và ngôn từ của mình nhằm giúp cho các
xúc cảm từ bi và một sức mạnh nội tâm thật phi thường trỗi dậy và tràn ngập con
tim của mình.
Thiết
nghĩ cũng nên nêu lên một vài nhận xét về thiền học Zen mà trên đây tác giả cũng
đã trình bày một vài nét về ý nghĩa của trà đạo. Thật thế, thiền học Zen dù bề
ngoài chủ trương sự đơn sơ và tinh khiết thế nhưng thật ra thì đã sáng tạo ra vô
số những quy tắc và nghi thức lễ bái thật chính xác, quy củ và vô cùng tinh tế.
Thí
dụ sau đây nêu lên sự diễn tiến của một buổi hành thiền cũng sẽ có thể nói lên được
sự tinh tế đó. Trườc khi bước vào thiền đường thì người hành thiền phải cởi dép
và xếp thật ngay ngắn và thứ tự nơi bậc thềm ở cửa thiền đường, mũi của đôi dép
hướng ra phía ngoài. Khi ôm tọa cụ để bước vào bên trong thì phải bước bằng chân
trái, và ngay sau đó thì hướng nhìn lên bàn thờ Phật và vái lạy trước khi tìm một
chỗ để ngồi xuống. Khi đã bước vào bên trong thì phải giữ yên lặng và không còn
được phép nói một lời nào nữa. Không được đi tréo ngang phòng thiền, hoặc đi ngang
trước bàn thờ Phật mà phải giữ hướng đi thẳng, nếu muốn đổi hướng thì phải xoay
mình theo một góc 90 độ và lại tiếp tục đi thẳng, nếu cần thì lại đổi hướng cho
đến khi nào tìm được chỗ ngồi. Đến nơi ngồi thì đặt tọa cụ xuống, chiếc quai bằng
vải của tọa cụ phải hướng ra phía trước. Trước khi ngồi thì xoay người và hướng
vào bàn thờ Phật vái lạy, sau đó thì vái lạy chỗ mình sắp ngồi và vén áo cà-sa
thật gọn và ngồi lên tọa cụ. Phải chú ý so thật thẳng với các người ngồi cùng một
hàng với mình, và giữ một khoảng cách đối với bức tường trước mặt đúng như những
người khác. Nếu phải ngồi vào hàng thứ hai thì không được ngồi sau lưng người
ngồi ở hàng phía trước mà phải ngồi đúng vào khoảng cách giữa hai người trước mặt...
Trong
khi hành thiền thì nơi bốn góc thiền đường có bốn vị thiền sư ngồi đối mặt với
các người hành thiền để « canh chừng », tay thì cầm một cái chuông nhỏ.
Nếu có vị nào tâm không yên hoặc bị xao lãng thì thể dạng dao động ấy sẽ phản ảnh
ngay trên tư thế ngồi, chẳng hạn như ngồi không yên, thường xuyên sửa tư thế, lưng
không được thẳng hoặc hai vai bỗng nhiên xệ xuống,.., và các dấu hiệu đó không
sao tránh khỏi sự quan sát của vị thiền sư phụ trách việc canh chừng, và vị này
liền đánh một tiếng chuông thật khẽ để cảnh giác và để kéo người hành thiền trở
về với thể dạng chú tâm. Vị thiền sư chủ trì thì ngồi trên một cái bục thấp,
hướng vào bàn thờ Phật trong tư thế nhập định. Vị này thỉnh thoảng cũng có thể
cất lời để nêu lên một công án hay giảng một vài câu kinh ngắn với một giọng
nói thật thấp, chậm rãi và thật êm ả.
Tóm
lại nếu người hành thiền không nắm vững được ý nghĩa của các nghi thức trên đây
thì rất có thể sẽ nghĩ rằng đấy là những quy tắc quá đỗi nghiêm túc, khắt khe
và câu nệ. Thế nhưng khi đã ý thức được chủ đích sâu xa của các nghi thức ấy thì
người hành thiền cũng sẽ hiểu rằng sự trang trọng và nghiêm túc đó lại chính là
một phương tiện giúp mình quên đi cái ngã của chính mình và để hòa nhập với cái
bầu không gian vắng lặng, trang nghiêm và ấm áp đang tỏa rộng chung quanh, một
bầu không gian thật sâu xa và tinh khiết, vượt ra khỏi không gian và thời gian,
cắt đứt các mối dây trói buộc mình với thế giới trần tục.
Sau khoảng một giờ (hay một tuần
nhang) thì buổi hành thiền tạm thời dừng lại, mọi người đứng lên nối đuôi nhau hành
thiền.Việc hành thiền cũng được quy định bởi nhiều quy tắc thật nghiêm nhặt
không kém gì so với những điều quy định cho tư thế ngồi.
Sau khi phần hành thiền chấm dứt thì
mỗi người lại lần lượt quay về vị trí của mình để tiếp tục thiền định và lần này
thì cũng kéo dài khoảng một giờ. Buổi hành thiền chấm dứt bằng ba tiếng chuông
của vị sư chủ trì, và tiếp theo đó là chín hồi trống thật mạnh kéo người hành
thiền trở về với hiện thực chung quanh. Mọi người xoay lưng lại, hướng vào nhau
và đọc kinh theo nhịp mõ. Sau đó thì tất cả đứng lên hướng vào nhau vái lại và
quỳ mọp xuống để lạy nhau ba lần. Sau cùng thì mỗi người ôm tọa cụ của mình nối
đuôi nhau chậm rãi bước ra khỏi thiền đường. Khi gần đến cửa thì xoay người lại
hướng vào bàn thờ Phật để vái lạy một lần chót. Trước khi bước ra thì lại có một
vị thiền sư đứng sẵn bên cạnh cửa, tay cầm một cái chuông nhỏ vừa đánh nhẹ một
tiếng vừa vái lạy mình và mình cũng phải vái lạy lại để trả lễ. Khi bước ra khỏi
cửa thì phải bước bằng chân phải...
Trên
đây là tóm luợc diễn tiến tiêu biểu của một buổi hành thiền theo học phái Zen, một
vài chi tiết có thể thay đổi tùy theo các chi phái hay các vị chủ trì. Tóm lại
chỉ cần nhìn vào khía cạnh « duy lý » và « thực dụng » của
các nghi thức trên đây thì chúng ta cũng có thể nhận thấy được đấy là một cách
biểu dương sức sống của một tín nguỡng, sức mạnh của lòng quyết tâm nơi mỗi cá
thể, và tất cả đều liên hệ mật thiết đến sự tồn vong của một tôn giáo. Thật thế
nếu một tôn giáo không còn đủ sức bảo tồn và duy trì các nghi thức lễ bái của mình
thì cũng sẽ mai một mà thôi. Nếu ý thức được một cách sâu xa hơn như thế thì cũng
có thể hiểu được các nghi thức lễ bái chính là một trong các « phương tiện
thiện xảo » (upaya) giúp chúng
ta bước theo Con Đường một cách vững chắc hơn. Nói cách khác thì đấy là hiện thân
của giáo lý hoặc cũng có thể khẳng định đấy chính là hóa thân (nirmanakaya) của Đấng Như Lai.