Phật Học Với Các Môn Học Khác
Tất cả
các môn học đều có mục đích là hiểu biết. Hiểu biết để được thỏa mãn, và hơn
nữa, hiểu biết để hành động.
Con người, khi sanh ra, đã mang
theo những bất mãn và thắc mắc. Những bất mãn và thắc mắc ấy một khi chưa được
thanh toán, thì còn là nguyên do của muôn ngàn đau khổ.
Với một khối óc và một trái tim,
con người sinh hoạt khác hẳn loài vô tình. Bao nhiêu lo âu, giận ghét, bao
nhiêu thương yêu say đắm đã gây cho con người những cuộc khủng hoảng liên miên
về đời sống tình cảm. Thêm vào đó, những câu hỏi về giá trị cuộc sống được đặt
ra, cấp bách và khẩn thiết không khác gì vấn đề cơm áo. Nhìn những cảnh tượng
đau thương, nhìn những cuộc bể dâu thay đổi của kiếp sống, con người bàng hoàng
tự hỏi mình là ai, đâu là nguồn gốc của tất cả các hiện tượng, trước mình là ai
và sau mình sẽ có những gì. Vì sao muôn loài tồn tại, tồn tại để mà tương tàn
tương sát, tồn tại để chứng kiến bao nhiêu nỗi thảm sầu? Ý nghĩa của cuộc sống
là gì? Con người sẽ về đâu sau khi chết? Tất cả những câu hỏi ấy đến trong trí
óc chúng ta như những ngọn gió lốc bạo tàn. Con người làm sao có được hạnh phúc
trong trạng thái thắc mắc nghi ngờ đó của tâm tưởng?
Bao nhiêu bất mãn và thắc mắc
thì bấy nhiêu đau khổ. Người ta chỉ có thể có hạnh phúc được khi đã làm thỏa
mãn được những bất mãn và thắc mắc kia. Và như thế thì chỉ có cách là phải hiểu
biết.
Song có người bảo:”Sự hiểu
biết ấy, đối với đại đa số quần chúng, không cần thiết nào. Quần chúng ít thắc
mắc về những vấn đề siêu hình kia"
Nhưng ta thử hỏi: Quần chúng có
cần thắc mắc về vấn đề nhân sinh không? Hành động theo đường lối nào, làm sao
mà hành động để xây dựng được một đời sống xã hội hòa bình, hạnh phúc? Vấn đề
nhân sinh được giải quyết như thế nào? Không ai sống trong xã hội mà lại không
cần biết đến vấn đề đó. Bởi vì có những nhu cầu không thể thiếu được đối với
con người đang sống trong xã hội. Dù si ám đến đâu, tôi cũng có thể nhận được
rằng tôi cần cơm áo, nhà cửa, tôi cần đến những mối liên lạc giữa tôi với mọi
người trong xã hội. Mà muốn có một nhận thức về đường lối nhân sinh, tôi phải
có một nhận thức về sự sống, về vũ trụ. Tự-nhiên-giới và nhân-sự-giới có những
tương quan hết sức mật thiết, những liên lạc hết sức chặt chẽ, và con người
muốn thông hiểu nhân-sự-giới, trước tiên, phải có nhận thức rõ ràng về
tự-nhiên-giới.
Huống nữa vấn đề nhân sinh không
phải chỉ là vấn đề no cơm ấm áo. Con người muốn sinh hoạt cho ra người; nghĩa
là cuộc sống phải có văn hóa, có hướng đến Chân, Mỹ, Thiện. Và dù ta không có
những thắc mắc siêu hình, ta cũng phải giải quyết những vấn đề siêu hình, bởi
vì một nhận thức về nguyên lai và cứu cánh của vũ trụ bao giờ cũng là nền tảng
cho một nhận thức về đường lối nhân sinh.
Tóm lại, con người cần, rất cần
phải hiểu biết. Các môn học của con người là để cung cấp sự hiểu biết đó cho
loài người.
Môn học thường tự hào về mình
hơn hết là Khoa Học. Khoa học thường tự hào bằng cứ hoàn toàn vào thực
nghiệm và tìm hiểu được nhiều hiện tượng. Làm như không còn có môn học nào khác
biết căn cứ trên thực nghiệm để tìm hiểu được các hiện tượng nữa cả.
Khoa học chỉ có thể giải thích
những hiện tượng và những sự kiện xẩy ra trong sự tương quan giữa những hiện
tượng ấy. Ðối tượng của khoa học là những hiện tượng khách quan mà ai cũng có
thể đo lường và kiểm soát được ở mọi địa phương, mọi trường hợp. Cái biết
của khoa học là cái biết về những hiện tượng, cho nên cái nhìn của khoa học là
cái nhìn chi li; vì thế, khoa học tránh không trả lời những câu hỏi về ý nghĩa,
giá trị, và nguyên ủy cuộc đời. Khoa học không thể vượt ra ngoài những hiện
tượng cụ thể. Thật đúng như lời của nhà triết học Pierre Jean:”Cái thứ khoa học
biết thì biết nhiều mà hiểu thì không hiểu gì hết”(cette science qui sait tout
et ne comprend rien). Vì thế, cái khát khao hiểu biết tuyệt đối của con người
không thể nhờ khoa học giải đáp được.
Ðứng về phương diện nhân sinh,”khoa
học mà không có lương tri thì chỉ tổ phá hoại tâm hồn", nền văn minh
vật chất, con đẻ của khoa học, đã tiến đến chỗ cùng cực với một sức phá hoại
ghê gớm: cái biết của khoa học ở đây lại cũng không phải là cái có thể giải
quyết được một cách căn bản vấn đề nhân sinh.
Tâm lý học và xã
hội học có thể đi xa hơn. Cái biết của tâm lý học và của xã hội học có thể
vượt khỏi cái biết hiện thời và hiện xứ của khoa học, có thể khám phá ra nguyên
do của nhiều sự kiện tâm lý, xã hội. Tuy nhiên, đứng về phương diện tuyệt đối,
tâm lý học và xã hội học vẫn không có cao vọng giải quyết được những thắc mắc
siêu hình, và đứng về phương diện nhân sinh, các môn học nầy cũng chưa có thể
định được giá trị và tiêu chuẩn cho các hiện tượng tâm lý, xã hội.
Triết học có một
cái nhìn tổng quát hơn, rộng rãi hơn. Triết học chủ trương giải quyết những vấn
đề siêu hình, và nương vào những giải quyết ấy, thiết lập những đường lối nhân
sinh phù hợp. Triết học muốn tìm đến bản thể và chân tướng của vũ trụ vạn hữu,
chủ trương hoặc nhất nguyên, hoặc đa nguyên, hoặc vô nguyên... Tuy bước đầu
cũng có căn cứ trên thực nghiệm đấy, nhưng dần dần lìa xa thực nghiệm để đi sâu
vào những biên giới siêu hình xa thẳm. Những lối giải đáp của triết học thật
táo bạo và cố nhiên là không thể kiểm sát được bằng thực nghiệm. Từ xưa đến
nay, biết bao nhiêu triết gia, biết bao nhiêu lý thuyết chủ trương không giống
nhau, và ta nào biết được đâu là chân lý. Cái mà hôm qua người ta gọi là chân
lý, hôm nay đã không còn là chân lý nữa rồi. Cái mà hôm nay mọi người cho là
chân lý, ngày mai hẳn lại có thể là sai lạc. Lý trí con người khổ sở vô cùng
trong khi đi tìm chân lý, và đến bây giờ con người lại đâm ra nghi ngờ không
biết rằng lý trí mình có thể có khả năng đạt đến chân lý hay không? Sự ghi ngờ
đó quả đã tố cáo sự kém hèn của cái tri thức nhân loại. Cái biết của triết học
đã bâng quơ như thế thì làm sao hướng dẫn được nhân sinh một cách vững vàng
chắc chắn?
Nương vào đâu để có chỗ an tâm
lập mạng? Con người chỉ còn biết vào tôn giáo...
Tôn Giáo phần
nhiều được thành lập trên đức Tin, bác bỏ hẳn phần lý trí. Ở trong địa hạt nầy,
con người phải đặt hết sự Tin tưởng vào một đấng thần minh, sống đúng theo
những giáo điều định sẵn để chờ một ngày giải thoát. Con người ở đây được yên
ổn hơn, nhưng thương thay, không dám nghĩ, và làm một điều gì mình cho là đúng
mà ngược lại với những giáo điều cố định. Triết học thì thuần Hiểu, mà tôn giáo
lại là thuần Tin - Cái biết ở đây không còn có cánh để có thể mong bay xa được
nữa.
Ðạo Phật, như trong bài trước
chúng tôi đã nói, bao gồm cả khoa học, tâm lý học, xã hội học, triết học và tôn
giáo. Không có một vấn đề nào thuộc siêu hình, một vấn đề nào thuộc nhân sinh
mà đạo Phật không đề cập đến. Tuy đạo Phật không đề cập đến tất cả những chi
tiết của các môn học kia, song ta có thể tìm ở đạo Phật những nguyên tắc tổng
quát giải thích được mọi vấn đề.
Ðạo Phật lấy sự sống làm căn bản
và chủ trương giải thoát con người khỏi tình trạng sinh hoạt đau khổ, nên chi
những giải quyết của Phật giáo rất là thực tiễn.
Về các hiện tượng, đạo Phật
không chủ trương tìm hiểu cho cặn kẽ. Bởi vì sự tìm hiểu đó không có lợi ích gì
cho sự tiến bộ trên đường giải thoát. Ðức Phật dạy lý nhân quả, lý nhân duyên
tương-quan tương-thành để chỉ bày con đường diễn biến thành hoại của muôn vật.
Người Phật tử cần thấy nguyên tắc tương duyên ấy mà quán sát, tu tập xây dựng.
Một quan niệm tương-quan tương-duyên chẳng hạn có thể làm cơ sở cho một nguyên
tắc tổ chức xã hội, một nguyên tắc giáo dục hợp lý, và là một nguyên do phá tan
những cố chấp mê mờ sẵn có của chúng ta. Trong kinh Bách dụ, đức Phật Thích Ca
có thuật câu chuyện: Một người bị tên độc, khi thấy người ta bảo rút mũi tên
ra, thì ngăn lại, bảo:”Khoan, để tôi hỏi xem ai bắn mũi tên nầy, người đó
tên họ là chi, ở xứ nào, và thuốc độc nầy lấy ở đâu, công hiệu ra sao đã.”Nếu
dần dà tìm hiểu cho hết từng ấy thứ thì thuốc độc đã thấm vào làm cho người ấy
chết rồi. Cho nên việc quan hệ là phải nhổ ngay mũi tên và rửa thuốc. Cái biết
kia chẳng quan hệ chi. Ðức Phật chỉ dạy những cái biết cần thiết để cho con
người thoát khổ thôi. Mà những cái biết Phật dạy là những cái biết lớn lao, không
phải là những cái biết lặt vặt.
Cái biết nào là cái biết lớn
lao?
Cái biết về sự sinh tử và giải
thoát.
Với một trí tuệ giác ngộ, đức
Phật đã đạt đến chân lý tuyệt đối. Nhưng chân lý tuyệt đối ấy phải do mỗi người
tự chứng ngộ. Chân lý kia không thể giải bày trên ngôn ngữ văn tự được, vì
những thứ nầy có một giá trị thật kém cỏi. Nếu Phật có giải bày thì cũng chỉ
giải bày được bóng dáng của chân lý và những phương tiện để đi đến chân lý mà
thôi. Sự chỉ bày ấy có căn cứ trên sự giác ngộ thấu đạt, chứ không phải chỉ là
những suy luận siêu hình vẩn vơ như ở triết học. Giáo lý viên giác và duy
nghiệp của Phật dạy chẳng hạn, có thể thuyết minh được nguyên ủy của vũ trụ
nhân loại và vạch được con đường đi cho nhân loại. Giáo lý duy thức trình bày
cặn kẽ những hành tướng và tác dụng của tâm lý con người, chính xác, rành rẽ và
sâu xa gấp mấy mươi lần tâm lý học thực nghiệm. Và còn nguyên tắc tổ chức xã
hội nào hợp lý và làm thỏa mãn chúng ta hơn là nguyên tắc”tự biến cọng biến”của
giáo lý duy nghiệp? Con người nương vào giáo lý Phật dạy để tìm hiểu, để thực
hành, cải tạo bản thân mình và xã hội mình, để được giải thoát và giác ngộ.
Nhưng con người không bị bắt buộc phải tin theo giáo lý ấy một cách mù quáng.
Phật dạy:”Ðừng vội tin tưởng một điều gì dù điều đó là do một vị truyền giáo
chỉ dạy. Phải suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi tin, và khi tin rồi phải cương quyết
thực hành để đi đến kết quả”(kinh Kalama).
Nhờ tìm hiểu, thực hành, chứng
đạt, con người có thể cởi mở được tất cả những nghi nan, thắc mắc. Từ một quan
niệm chính xác - quan niệm duy nghiệp - về vũ trụ và con người, Phật tử đi đến
một quan niệm hợp lý về sự sống. Người ta tìm thấy ở đạo Phật sự thỏa mãn về lý
trí, về tình cảm. Con người ở đây không bị đè nén, gò ép, con người ở đây không
còn bị thắc mắc nghi nan. Con người ở đây có thể tìm được chỗ an tâm lập mạng.
Cái biết của bậc giác ngộ là”cái
biết cùng khắp, chân chính và cao tột”(vô thượng chính biến tri giác). Lời
dạy của bậc giác ngộ gọi là giáo pháp. Phật tử tìm hiểu, chứng nghiệm chân lý
chỉ bày trong giáo pháp ấy để có thể đi đến cái biết cao tột chân chính kia mà
phá tan mọi thắc mắc. Lòng tin ở đây được lý trí kiểm sát, và cái Tri đi
đến cứu cánh một lần với cái Hành.
Ðó là nói về phương diện khát
khao chân lý. Còn về phương diện nhân sinh, giáo lý bày giải nguyên tắc tổ chức
sinh hoạt xã hội, và những phương pháp đào luyện nên một nhân sách siêu việt,
chỉ bày một nếp sống hướng thiện, giải thoát.
Kho tàng kinh điển còn đó, chúng
ta sẽ dần dần tìm học và sẽ thấy rằng cái biết của Phật quả là một cái
biết rộng lớn và cao đẹp vô song.