Phật học cơ bản
Ðạo Phật Qua Nhận Thức Mới
Giáo Sư Thạc Ðức Do Nguyệt San Phật Học Louisville, KY - USA Tái Bản Lần Thứ Nhất, Năm 1998
17/08/2554 22:14 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Vấn Ðề Khổ Vui Trong Ðạo Phật

 

 

Trong bài thuyết pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển, đức Phật Thích Ca giảng giải giáo lý Tứ Ðế và có đề cập đến vấn đề khổ cùng phương pháp diệt khổ.

Danh từ ”Dukkham ariyasacca” thường được các nhà học giả dịch là ”Khổ Ðế", là”Chân lý về sự khổ”thành thử mọi người cứ an trí rằng đạo Phật chủ trương cuộc đời chỉ toàn là khổ đau.

Lối phiên dịch ấy không được chính xác lắm và đã làm cho nhiều người hiểu lầm. Bởi vì chỉ nhận chữ ”dukkha” với cái nghĩa hẹp của nó như thế, nên lắm kẻ cho đạo Phật là bi quan yếm thế.

Thực ra, đạo Phật không phải bi quan, cũng như không phải lạc quan. Ðạo Phật nhìn cuộc đời một cách khách quan, thực tại. Ðạo Phật không ru người trong giấc mơ thiên đường.

Ðạo Phật không phủ nhận những cái vui (lạc thọ) của cuộc đời, và trái lại, còn công nhận nhiều hình thức của cái vui vật chất hay tinh thần, quy định cho giới tại gia và cho cả giới xuất gia nữa. Nhưng những cái vui ấy, cũng như những cái khổ (khổ thọ) đều nằm gọn trong dukkha cả. Dù cho con người có thể đạt đến những trạng thái thiền định cao siêu khoái lạc ở tận”Không vô biên xứ thiên”hay”Thức vô biên xứ thiên”đi nữa, thì những cái lạc thọ siêu thoát ấy cũng vẫn còn nằm ở trong dukkha như thường, bởi vì con người chưa thoát được tam giới vô thường và hư giả.

Vậy bản ý của đức Phật khi dạy giáo lý Tứ Diệu Ðế không phải là mong cho con người trốn tránh khổ thọ để đi tìm lạc thọ. Khổ thọ và lạc thọ đều nằm trong dukkha. Giải thoát là giải thoát khỏi cái dukkha ấy, chứ không phải trốn khổ tìm vui một cách quá tầm thường.

Dukkha cũng có thể gọi là khổ, nếu ta hiểu chữ”khổ”không phải là khổ thọ. Và giải thoát cũng có thể được là vui nếu nếu ta hiểu chữ vui không phải là lạc thọ.

Ta lấy một câu chuyện là thí dụ cho dễ hiểu: Hai con gà đang cãi nhau về vuikhổ ở trong lòng. Chúng đàm luận về cái ngon, dỡ của những lúa ngô mà người ta đem tới cho chúng ăn, và cho rằng ăn ngô là vui, ăn thóc là khổ v.v... nhưng chúng không biết rằng một lát nữa chúng sẽ bị đem đi làm thịt.

Cái vui và cái khổ mà chúng ta đang bàn ấy chỉ là thứ”vui khổ trong lòng", một thứ vui khổ giả ảo, không đáng gọi là vui khổ. Vì sao? Chúng nó sắp bị ăn thịt; gọi là”vui, khổ”những cái mỏng manh chốc lát ở trong lòng thì có nghĩa lý gì? Vậy cái khổ mà chúng phải tránh, không thể chỉ là cái khổ nhỏ nhặt kia, mà là một cái khổ to lớn: cái khổ bị nhốt trong lồng và sắp bị đem làm thịt. Cái khổ này cũng như dukkha vậy, nghĩa là bao gồm những khổ thọ và lạc thọ giả ảo, nhất thời, xây dựng trên vô thường, vô ngã. Cái vui chân thật của hai con gà phải tìm đến, không thể chỉ là cái vui nhỏ nhặt trong lồng, mà là một cái vui to lớn: cái vui được sổ lồng và khỏi bị đem làm thịt. Cái vui này cũng như cái vui giải thoát vậy.

Vấn đề khổ vui của con người cũng thế. Những khổ thọ và lạc thọ đều xây dựng trên sự vật vô thường vô ngã, cho nên đều gọi là dukkha. Ðạo Phật chủ trương phải giải thoát dukkha. Giải thoát dukkha tức là tìm đến cái vui hoàn toàn, cái vui không bao giờ sợ tan biến vì vô thường, cái vui khác hẳn những lạc thọ mong manh.

Ðã có một quan niệm như thế về dukkha, bây giờ ta mới tạm dùng chữ khổ để thay cho chữ dukkha, và xét về chữ khổ, chữ khổ gồm có những nghĩa vô thường vô ngã, hư ngụy và hổ tương đối kháng, chữ khổ bao gồm cả khổ thọlạc thọ.

Khổ (Dukkha) có ba hình trạng sau đây:

1. Khổ-khổ (dukkha - dukkha)
2. Hoại-khổ (viparinama - dukka) và
3. Hành-khổ (sankhara - dukkha).

Tất cả những khổ thọ của kiếp sống như sinh, già, bệnh, chết, ghét nhau mà bị gần nhau, yêu nhau mà bị xa nhau, ưa muốn mà không được toại nguyện...., tóm lại những đau khổ về thể xác và tâm linh đều được liệt vào loại khổ-khổ (Dukkha = khổ thọ).

Những cảm giác lạc thọ của đời sống không thể nào còn mãi được, vì thế đều rất vô thường. Trước sau, chúng cũng tan mất. Khi chúng tan mất thì phát sinh một khổ thọ. Vậy sự chuyển biến diệt hoại này, nguyên do của khổ-khổ, cũng nằm trong Dukkha và được liệt vào hạng hoại khổ (Dukkha = biến hoại).

Hình trạng thứ ba là hành khổ, quan hệ hơn nhiều. Ở đây, chúng ta phải tìm hiểu thế nào là một”chúng sinh", một”cá nhân", hay một”cái ta". Theo đạo Phật, cái mà con người gọi là”Cái Ta”(le moi) ấy, vốn là sự tổng hợp của năm uẩn (ngũ uẩn: les cinq khandhas). Phật dạy:

"Tóm lại, ngũ uẩn là khổ"
(Sankhittena pancupa danakkhandha dukkha).

Cần phải hiểu rằng: Ngũ uẩnkhổ (Dukkha) không phải là hai việc khác nhau. Chính ngũ uẩn là dukkha vậy. Uẩn có nghĩa là những yếu tố của sinh tử, ngăn che chân lý.

Uẩn thứ nhất là vật chất, gọi là sắc uẩn (Rupak - khandha). Trong sắc uẩn, có bốn yếu tố gọi là tứ đại chủng và những chuyển hóa vật do bốn yếu tố ấy cấu thành. Bốn yếu tố đó là:

- Yếu tố cứng (éléments de solidité)
- Yếu tố lưu động (éléments de fluidité)
- Yếu tố năng lực (énergie) và
- Yếu tố chuyển động (mobilité).

Trong đại tạng Trung Hoa, người ta thường gọi tạm là địa, thủy, hỏa, phong.

Trong những chuyển hóa vật (dérivés) của tứ đại chủng, ta thấy có: ngũ căn (năm cảm quan), ngũ trần (đối tượng của năm cảm quan ấy). Tóm lại, tất cả vật chất đều nằm trong sắc uẩn.

Uẩn thứ hai là cảm giác, gọi là thọ uẩn (vedanak - khandha). Thọ uẩn gồm những cảm giác vui (khoái lạc), khổ (đau khổ) và không vui không khổ (xã thọ), phát sinh do sự tiếp xúc giữa cảm quan và ngoại cảnh.

Uẩn thứ ba là tri giác, gọi là tưởng uẩn (sannak - khandha). Tưởng uẩn là những tri giác của con người khi giác quan và ý thức tiếp xúc ngoại cảnh.

Uẩn thứ tư là sự suy tư tác động của tâm lý, gọi là hành uẩn (sankharak - khandha). Ðó là những hoạt động tâm lý của con người, có thể là thiện, là ác, và có thể tạo nên nghiệp nhân, nghiệp quả. Ví dụ như sự giận dữ, sự tham muốn, sự kiêu căng, sự tin tưởng, sự quyết định... Có tất cả 51”Hành”như vậy, mà duy thức học gọi là”Tâm sở”(propriétés mentales).

Uẩn thứ năm là tác dụng nhận biết, tri thức, gọi là thức uẩn (vinnanak - khandha). Thức uẩn là tác dụng phân biệt, hiểu biết, chấp ngã, duy trì ảnh hưởng, kinh nghiệm, và duy trì sinh mạng.

Giải nghĩa về ngũ uẩn như thế là giải nghĩa một cách rất sơ lược. Vậy thì cái”Ta”được cấu tạo nên do năm”uẩn”ấy. Năm uẩn đều vô thường, chuyển biến, sinh diệt biến di trong từng giây phút. Vạn vật nối tiếp nhau để sinh diệt, không có thực thể (substantiatité). Vậy không có gì đáng gọi là”Ta”trường tại và bất biến cả.

Ai cũng phải công nhận rằng trong năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành và thức không có uẩn nào gọi được là”Ta”cả. Nhưng khi năm uẩn ấy, gồm có hai phần vật chất (sắc pháp) và tinh thần (tâm pháp) - tương quan, tương duyên, tác động và hòa hợp lẫn nhau thành như một cá thể sinh lý tâm lý, ta liền có ý tưởng về một cái”TA”trường tồn bất biến ấy chẳng qua chỉ là một sự mê lầm cố chấp mà Duy thức học gọi là”Ngã si”và”Ngã kiến".

Năm uẩn kia chính là bản thân của Dukkha, của khổ, và ở đây, ngũ uẩn được gọi là hành khổ (Dukkha = ngũ uẩn vô ngã).

Lời giải thích về khổ đế này chẳng khác gì lối biện giải về giáo lý vô thường vô ngã. Lý vô thường vô ngã là một lý rất thực, đúng với những xét nghiệm của mọi người. Không phải vì thấy vạn vật là vô thường vô ngã mà tất cả những người Phật tử đều sinh ra buồn rầu chán nản. Trái lại. Một Phật tử có được nhận thức và chứng nghiệm được lý vô thường vô ngã, là một người sung sướng nhất đời. Người ấy sẽ nhìn cuộc đời với đôi mắt bình tĩnh, an lạc. Sự thành hoại, sinh diệt của vạn vật không lay chuyển được tâm hồn người, không làm cho người phải đau khổ, lo lắng, bồn chồn, băn khoăn, thắc mắc. Ðức Phật và các vị đệ tử chứng ngộ thường có một nét mặt trầm tĩnh, tươi vui, an lạc. Nụ cười bất diệt của các pho tượng ngày xưa đã nói lên được những cái vui an nhiên giải thoát ấy.

Trên phương diện nhân sinh, đạo Phật không dạy người chỉ rời bỏ khổ thọ mà đi tìm lạc thọ, nhất là thứ lạc thọ do dục vọng gây nên. Cũng không phải đạo Phật chủ trương rằng lạc thọ cũng chỉ là khổ thọ. Ðạo Phật chỉ dạy con người diệt trừ những nguyên nhân gây nên khổ thọ. Những khoái lạc dục vọng cũng là nguyên nhân gây nên khổ thọ.

Diệt dục vọng, thêm từ bi để làm vơi bớt đau khổ của kiếp sống. Nhưng mục đích cao cả của đạo Phật phải là được giải thoát, nghĩa là chứng nghiệm được lý vô thường vô ngã, thoát ra ngoài những ràng buộc và lung lạc của sự vật đang thành hoại biến dị và nhìn những thành hoại ấy với một tâm trạng an lạc, hồn nhiên.