Vấn Ðề Giải Thoát Trong Ðạo Phật
Giải
thoát nghĩa là cởi mở những dây ràng buộc mình vào một hoàn cảnh đau khổ nghịch
ý.
Niết Bàn (Nirvana) của đạo Phật
không phải là một cõi thiên đàng như nhiều người lầm tưởng. Người ta
thường cho rằng tu học là cốt để được giải thoát khỏi cuộc đời nầy, và khi
chết, được đưa vào một thế giới đẹp đẽ, đầy đủ những lạc thú, không sợ một khổ
đau nào xâm chiếm. Thế giới đẹp đẽ ấy gọi là Cực Lạc, hoặc là Niết Bàn. Thật
không có gì lầm lạc hơn nữa.
Ðạo Phật chủ trương vạn vật vô
thường và vô ngã và vì thế, không bao giờ công nhận có một sự tồn tại bất biến
của một thế giới, dù thế giới ấy là thế giới Cực Lạc.
Cuộc sống là gì? Là một giòng biến
chuyển. Vì có biến chuyển nên mới có sinh diệt thành hoại: mà có sinh diệt
thành hoại tức là có thời gian. Ý niệm về thời gian không thể nào tách biệt
khỏi ý niệm biến chuyển: nếu không có biến chuyển, không có thời gian, thì sẽ
không có sự sống.
Ta thử tưởng tượng thời gian
ngừng hẳn lại, vạn vật im lìm, bất biến, bất động... Không thể nào có sự sống
được. Sự tồn tại im lìm nầy là một cái chết hoàn toàn. Giả sử Niết Bàn là một
cuộc sống đi nữa, thì cuộc sống nầy hẳn cũng không phải là một cuộc sống hạnh
phúc, vì đã là một cuộc sống, tất nhiên phải là một dòng biến chuyển, mà đã có
biến chuyển là có thành hoại, có sinh diệt, có đau khổ.
Nếu Niết Bàn không phải là một
cảnh giới, một cuộc sống, thì là gì?
Về vấn đề nầy, lắm nhà học giả
nghiên cứu chưa đến nơi đến chốn, đã vội kết luận rằng Niết Bàn là một trạng
thái diệt hoại, hư vô. Nói như thế, tuy họ tỏ ra đã hiểu Niết Bàn không
phải là một cảnh giới Cực Lạc, nhưng họ cũng lại tỏ ra rằng họ chưa hiểu Niết
Bàn là gì. Bảo Niết Bàn là diệt hoại, hư vô, lại bảo rằng Niết Bàn là một”trạng
thái”(état) thì có nghe được không?”Trạng thái”là gì? Tạm cho là tình trạng
đi. Nhưng tình trạng của cái gì? Có phải là của một cá vật nào đó không? Nếu
thế cái trạng thái nầy cũng luôn luôn chuyển biến, vì không có cá vật
nào mà không chuyển biến. Còn nếu là sự diệt hoại, sự hư vô, thì làm gì có
trạng thái mà gọi là trạng thái diệt hoại, hư vô.
Cho nên bảo rằng Niết Bàn là một
trạng thái thì không đúng. Chữ Niết Bàn vốn là do tiếng phạn Nirvana, có thể
dịch là diệt độ, là giải thoát. Cần có một câu giải thích để khỏi hiểu lầm.
Diệt độ không có nghĩa là một sự tiêu diệt hoàn toàn thành hư vô như các học
giả Tây Phương lầm tưởng. Diệt đây có nghĩa là sự chấm dứt của dòng nhân quả
nghiệp báo. Ðộ có nghĩa là qua khỏi dòng mê mờ để lên bờ giác ngộ giải thoát.
Ðạo Phật chủ trương rằng sự sống của một chúng sinh là một dòng biến chuyển
liên tục theo đà nhân quả tiếp nối của ngũ uẩn. Ðộng cơ của dòng sống ấy là ham
muốn, là dục vọng. Còn ham muốn, còn dục vọng, là còn sự sống, còn luân hồi
sinh tử, cũng như còn dầu còn bấc thì đèn còn cháy vậy. Khi dục vọng tiêu diệt,
dòng biến chuyển của ngũ uẩn sẽ dừng lại và hết sinh diệt. Lúc bấy giờ Niết Bàn
hiển hiện. Niết Bàn là sự hiển hiện của bản thể sáng suốt mầu nhiệm, hoặc nói
cho khác hơn, là sự thể nhập vào bản thể vô biên trong sáng của một
chúng sinh giải thoát.
Niết Bàn có hai thứ: Niết Bàn
Hữu Dư Y và Niết Bàn Vô Dư Y.
Một chúng sinh được giải thoát,
song còn thân mạng và còn hoàn cảnh tồn tại: sinh hoạt với thân mạng ấy và hoàn
cảnh ấy mà vẫn an nhiên, giải thoát, vẫn không bị sự vật lung lạc, kéo lôi theo
đà lo sợ đau buồn. Như thế là Niết Bàn Hữu Dư Y. Khi thân mạng và hoàn cảnh hết
tồn tại, thì sự thể nhập bản thể được thực hiện: đấy là Vô Dư Y Niết Bàn, không
có sinh tử, không có khổ đau, vì Vô Dư Y Niết Bàn không phải là một cuộc sống
có sinh diệt. Vô Dư Y Niết Bàn là bản thể thường còn bất sinh bất diệt của vạn
loại hữu tình và vô tình, không thể dùng ngôn ngữ để hình dung, trí thức để
quan niệm.
Tuy nhiên từ Niết Bàn Vô Dư Y có
thể hiện ra diệu dụng mầu nhiệm. Hóa thân của các Ðức Phật, các vị Bồ Tát đều
là những biến hiện”tùy duyên”của các bậc giải thoát an trú trong
Vô Dư Y Niết Bàn. Ở quả vị Phật, có hai loại trí tuệ: một loại là Vô Phân Biệt
Trí, cùng với bản thể chân như an trú, không phân biệt đối tượng và chủ thể;
một loại là Sai Biệt Trí có khả năng nhận thức các hiện biến nhiệm mầu của bản
thể thường trú, tức là thế giới hiện tượng. Nhận thức như thế đó để hóa độ, để
hoàn thành bản nguyện độ sanh.
Thế giới hiện tượng là thế giới
diệu dụng biến hóa của thế giới bản thể. Nhưng vì vô minh che lấp, chúng sinh
nhìn thế giới ấy như một thế giới khổ đau, đen tối, vì đã đem ác nghiệp của
mình để hòa hợp vào đó, hoặc nói khác hơn, vì đã có một nhận thức sai lạc lấm
láp phần chủ quan đen tối. Mang một cặp kính ác nghiệp, chúng sinh nhìn thế
giới hiện tượng mầu nhiệm kia thành một thế giới đau thương và với ác nghiệp
mình, lăn lộn trong thế giới đau thương rất”chủ quan”ấy.
Các vị chứng ngộ xưa đã từng ca
ngợi trăng nước muôn hoa là những biểu hiện của bản thể, là vì họ đã lột bỏ
được cặp kính vô minh đó, và kinh Pháp Hoa cũng dạy rằng chim kêu hoa nở là
hiện tượng mầu nhiệm của bản thể, của”pháp thân”bất diệt:
Chư pháp
tùng bản lai,
Thường tự tịch diệt tướng.
Xuân đáo bách hoa khai,
Hoàng oanh đề liễu thượng
Dịch:
Các hiện
tượng xưa nay,
Bản tính thường vắng lặng.
Xuân đến trăm hoa mừng,
Oanh vàng ca liễu thắm.
Vậy bản thể của các hiện tượng
vốn là chân như sáng suốt, không sinh diệt, là Niết Bàn. Vậy Niết Bàn là qua bờ
bên kia, là giải thoát, là chấm dứt sinh tử. Nhưng chỉ là chấm dứt sự sinh tử
mà chủ thể sinh tử là bị động. Một chúng sinh giải thoát, có Niết Bàn, có thể
an nhiên sinh hoạt trong sinh tử mà vẫn không thấy có sinh tử, khổ đau, vẫn có
trong tay một khả năng mầu nhiệm, tự do sinh diệt, tự do an trụ, tự do Niết
Bàn. Khả năng ấy, đạo Phật gọi là khả năng tùy duyên hóa độ, là khả năng”tự
tại", một trong bốn đức của Niết Bàn: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Tự Tại là ngã
vậy.
Ở đây cũng cần giải thích chữ
Phật.
Phật là gì? Phật là một bậc có
khả năng viên mãn để có thể giác ngộ cho mình và cho người. Các vị Bồ Tát cũng
có khả năng ấy nhưng chưa được viên mãn như Phật, nên chưa có thể gọi là”giác
hạnh viên mãn".
Phật là một hóa hiện viên mãn
nhất, tốt đẹp nhất, và xứng đáng nhất cho bản thể sáng suốt. Vì là một hóa
hiện, một biểu hiện, nên”các đức Phật", đều là những hóa thân của Phật,
chứ chưa hẳn là Phật. Hóa thân (như cá nhân đức Thích Ca) thì có sinh có diệt,
chứ pháp thân, tức là Phật, thì luôn luôn bất diệt bất sinh. Cũng như các lớp
sóng có lên có xuống, có thành có hoại, chứ bản thể của các lớp sóng là nước
thì chẳng lên xuống, thành vỡ bao giờ.
Vậy một chúng sinh thành Phật
tức là thể nhập vào bản thể vô biên, hoàn toàn sáng suốt. Và từ bản thể sáng
suốt ấy, từ Niết Bàn ấy, có thể hoàn toàn tự do tự tại để hóa thân, sinh hoạt,
trôi nổi trong sự sinh tử biến hoại của thế giới hiện tượng mà vẫn an nghiên
giải thoát, không bao giờ bị lôi cuốn theo nghiệp lực như vô lượng chúng sinh.
Ðến đây, ta mới hiểu được câu kinh mầu nhiệm nầy mà mọi người đều truyền tụng”Niết
Bàn tức là sinh tử, sinh tử tức là Niết Bàn". Quả thực, Niết Bàn không tồn
tại ngoài sinh tử, và chính trong sinh tử, các đức Phật đã tìm thấy Niết Bàn.
Ðể chấm dứt bài nầy, ta hãy đọc
đoạn thâm thúy sau đây trong kinh Phạm Võng:
"Chân tướng của mọi hiện
tượng là bất sinh bất diệt, không thường cũng không đoạn, không sinh tử, không
Niết Bàn. Kẻ ngu si sợ hư không mà muốn đi trốn thì dù bỏ hư không mà chạy cũng
không thể nào thoát được hư không. Kẻ đi tìm hư không dù có chạy khắp đông tây
nam bắc cũng không tìm thấy hư không. Nhưng kẻ ấy chỉ biết cái Danh của
hư không mà không phân biệt được cái Thực của hư không.
Nay có kẻ muốn tìm Niết Bàn,
thường qua lại trong Niết Bàn mà không biết đó là Niết Bàn, chỉ thấy toàn là
sinh tử phiền não: kẻ ấy chỉ biết cái Danh của Niết Bàn mà không biết
cái Thực của Niết Bàn vậy".
Cho nên, ta không thể bảo Niết
Bàn có ngoài sinh tử cũng không thể bảo rằng giải thoát tức là lìa bỏ đời hiện
tại. Chính trong hiện tại, con người phải tìm ra Niết Bàn: con người vẫn có thể
giải thoát mà không rời thế gian sinh diệt.