Tình thương
Như đã nói ở vài trang trước, sau một thời gian đi tu, tim tôi hình như khô cằn lại. Dù hai chữ từ bi tôi vẫn thường đọc, thường nhớ nhưng nó chỉ là khái niệm tri thức. Tôi đã quán chiếu nhiều về tình thương ngay từ lúc còn ở Trung học. Tôi thấy những đôi nam nữ yêu nhau đắm đuối nhưng không lâu bền. Do đó mặc dù tôi cũng có bạn gái hồi còn học lớp 10 (đệ tam) nhưng không dám yêu hết mình vì nếu yêu thật nhiều mà lỡ người kia bỏ mình thì sao? Chắc chắn sẽ khổ nhiều. Thôi thì đành yêu nửa chừng, lỡ người kia có bỏ thì mình cũng chỉ khổ phân nửa thôi.
Lên Ðại Học, tôi thấy các cô gái Việt Nam con nhà nho giáo, thấm nhuần quan niệm môn đăng hộ đối, đi chơi với bạn trai chỉ tìm những người có bằng cấp bác sĩ, kỹ sư... Như thế đâu còn tình nghĩa gì nữa! Nếu cố gượng yêu nhau thì đó là một thứ tình yêu điều kiện, tiếng Pháp gọi là amour conditionnel. Tôi yêu anh vì anh có bằng bác sĩ, kỹ sư, vì anh sẽ thỏa mãn những ước muốn của tôi. Thêm quan niệm cổ hủ của nho giáo, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, trai gái cưới nhau vì tiền, vì danh, vì lợi, đâu phải vì tình. Những cuộc hôn nhân như vậy, dùng lý trí tính toán hơn thiệt, bóp chết con tim đâu còn cơ hội cho tình thương hồn nhiên phát triển.
Ngẫm thấy tình thương không có thật, con người sống với nhau chỉ vì ích kỷ lợi mình, nên tôi không thương nữa, nếu có thì chỉ còn thương hại mà thôi.
Ðến khi vào Ðạo tôi được học hai chữ từ bi. Từ là ban vui, bi là cứu khổ. Có nhiều Thầy muốn đề cao Ðạo Phật, dạy rằng từ bi bao la rộng lớn hơn chữ bác ái của Ðạo Chúa, vì bác ái chỉ là lòng thương người thôi, không cứu khổ rốt ráo như Ðạo Phật.
Nhưng phải có thương thì mới ban vui cứu khổ được chứ! Cha mẹ có thương con thì mới mua đồ chơi cho con vui, thấy con buồn khóc thì âu yếm dỗ dành.
Nếu tôi không thương bạn mà bị bắt phải ban vui cho bạn thì hơi khó làm. Nếu có làm chăng nữa thì đó là sự ban vui cưỡng ép, đâu phải phát xuất từ tấm lòng (quả tim). Nhiều lúc tôi rất ghét bạn nhưng cũng phải đối xử từ bi, vì nếu không người ta sẽ bảo rằng tôi không phải là người tu hành. Như thế là từ bi bất đắc dĩ.
Dịch từ bi là ban vui cứu khổ nghe xuôi tai và đơn giản nhưng làm mất ý nghĩa của tình thương .
Từ bi thường đi cùng với hỷ xả. Từ bi hỷ xả là bốn đức tính cao đẹp mà danh từ Ðạo Phật gọi là Tứ Vô Lượng Tâm. Tiếng sanskrit là Brahma-Vihara, có nghĩa là nơi ở của Phạm thiên, hoặc Apramana là vô lượng.
Từ (maitri): tình thương yêu.
Bi (karuna): lòng thương xót.
Hỷ (mudita): mừng lây với cái vui của kẻ khác.
Xả (upeksha): bình đẳng đối với mọi người dù thân hay thù.
Tại sao gọi là vô lượng? Bởi vì chúng sinh vô lượng nên bốn đức tính này cần phải tỏa đến khắp chúng sinh. Không phải chỉ thương yêu vài người thân trong gia đình bạn bè quyến thuộc mà phải thương yêu tất cả chúng sinh. Không phải chỉ thương xót một nhóm người hay một quốc gia mà phải thương xót tất cả mọi loài trên trái đất.
Trên lý thuyết thì bao la như thế, nhưng thực tế nhiều khi một người tôi còn không thương nổi làm sao thương hết chúng sinh. Người đầu tiên mà tôi cần thương yêu đó chính là bản thân tôi. Nếu tôi không biết thương yêu tôi thì làm sao tôi có thể thương yêu kẻ khác được? Thương tôi ở đây không phải là thương cái ngã (égo) của tôi, mà là thương hết toàn thân tâm tôi (tout mon être). Không nên lầm lẫn giữa cái ngã (égo) và con người (être). Thí dụ tôi chỉ cao 1m50, so với người khác thì hơi lùn thấp nên tôi phải đi giầy cao gót để người ta khỏi thấy tôi lùn. Cái ngã của tôi muốn thấy tôi cao 1m60, nhưng con người thật của tôi chỉ cao 1m50. Khi mang gót cao soi gương, tôi thấy tôi đẹp hơn và tôi yêu tôi hơn, đó là tôi đang yêu cái ngã của tôi. Khi bỏ giầy gót ra, nhìn gương thấy mình lùn nên tôi không yêu con người của tôi nữa. Nếu tôi biết thương tôi thì tôi đón nhận tất cả cao thấp, đẹp xấu, đó gọi là bình đẳng. Có nhiều người chỉ thích người khác khen mình đẹp tốt, đạo đức, không thích nghe nói đến tính hư tật xấu của mình. Ðó là ái ngã, yêu cái ngã của mình. Ngã là một khái niệm, ý niệm về cái ta không đúng với sự thật.
Tôi là một Thầy tu, tôi cho rằng tôi đạo đức, thông hiểu kinh điển, tu hành thanh tịnh, v.v... Ðó là tôi đang đúc kết một cái Ta (ngã) về tôi, cái Ta này tôi chỉ muốn thấy nó đẹp tốt và tôi từ chối ngoảnh mặt làm ngơ với những phần xấu dở trong tôi. Như vậy tôi đâu có biết thương toàn thể con người của tôi. Nếu tôi chỉ thấy mình là người đạo đức thông kinh điển thì tôi đâu cần tu hành làm gì nữa và cái ngã của tôi sẽ thấy tôi xứng đáng làm Thầy thiên hạ. Nếu tôi không thấy không thương những phần xấu dở trong tôi thì tôi cần gì phải tu nữa vì tu là sửa tánh hư tật xấu. Chính những phần xấu dở trong tôi, niềm đau nỗi khổ của tôi mới cần tình thương, cần được chuyển hóa và cứu độ. Nếu tôi không biết thương yêu những phần này mà chỉ thích ngắm nghía yêu mến cái ngã tốt đẹp của tôi thì còn gì là từ bi nữa?
Trước khi nói đến từ bi cứu độ chúng sinh, ta cần phải xét lại xem ta đã biết thương chính con người của ta chưa? Hay là ta chỉ biết thương cái ngã, thương những khái niệm về ngã. Cái ngã của tôi muốn tôi có một ngôi chùa to nhất nên tôi phải hăng say vận động, tích cực gom góp tài chánh, quên ăn bỏ ngủ đến khi nào xong ngôi chùa mới hài lòng. Như thế tôi đâu có biết thương thân tâm của tôi cần ăn ngủ điều độ, tôi chỉ lo phục vụ cho cái ngã của tôi thôi.
Trở về Tứ Vô Lượng Tâm, tuy có bốn nhưng chỉ cần một là đủ, đó là tình thương (maitri). Có thương thì đương nhiên sẽ có xót. Bạn thương con bạn thì khi nó khổ chắc chắn bạn sẽ xót xa tìm cách cứu giúp nó. Có thương thì mới có sự thông cảm, có thông cảm thì mới có thể chia mừng được với người khác. Bạn thương con bạn, khi thấy nó thi đậu bạn cũng mừng lây. Có thương thì mới có thể đối xử bình đẳng được. Bởi vậy chỉ cần làm sao khơi dậy và làm tăng trưởng tình thương thì ba đức tính kia sẽ đầy đủ.
Nhưng làm sao khơi dậy tình thương? Tôn giáo nào cũng rao giảng tình thương, nhưng sao con người vẫn chưa biết thương yêu nhau? Không những thế mà lại còn nhân danh tôn giáo để chém giết nhau.
Tôn giáo dạy người ta tình thương để phục vụ tôn giáo, dạy tình thương với những giáo điều. Những vị giáo chủ ra đời để phục vụ chúng sinh, lấy tình thương cảm hóa con người, nhưng đệ tử nối tiếp đời sau không có khả năng thương yêu rộng lớn như các ngài nên bắt buộc phải hệ thống hóa giáo lý và vô tình dần dần đóng khung tình thương. Nếu thương Phật thương Chúa thì phải làm thế này thế nọ, phải hy sinh tánh mạng bảo vệ tôn giáo, nhiều khi sùng tín quá khích sẵn sàng chém giết vì tôn giáo.
Tôn giáo ra đời để phục vụ tình thương chứ không phải lấy tình thương để phục vụ tôn giáo.
Tình thương không thể tìm thấy trong những buổi lễ cầu kinh, trong sự nghiên cứu kinh điển hay nghe giảng giáo lý mà tìm thấy ngay trong sự sống, trong sự tiếp xúc hằng ngày. Tình thương cần được biểu lộ và thể nghiệm qua ba cửa: thân, khẩu, ý và phát xuất từ tấm lòng (quả tim) chứ không phải từ trí óc.
Tình thương mà tôi muốn nói ở đây không phải là thứ tình yêu nam nữ, tình bạn hoặc tình thương cha mẹ con cái. Ðương nhiên những thứ tình kia cũng là một thứ tình khá đẹp, một phần nhỏ của tình thương và là một đề tài bất tận cho những thi sĩ, văn sĩ và nhạc sĩ.
Tôi có thể nói quanh nói quẩn về tình thương nhưng tốt hơn hết bạn hãy theo tôi vào một công viên hoặc một khu rừng, một cánh đồng rồi bạn hãy nằm úp mặt xuống đất, dang hai tay ra như đang ôm quả đất và nói thầm với quả đất rằng bạn thương quả đất, biết ơn và cảm ơn quả đất. Sau đó bạn đứng dậy đi tìm một cây nào khá to lớn, cành lá sum sê, và bạn hãy dang hai tay ôm thân cây vào lòng, hít thở nhẹ nhàng lắng nghe tiếng nói của cây. Nếu tâm bạn lắng và cây kia cảm nhận được tình thương của bạn nó sẽ trả lời.
Nếu tim bạn đang khô héo vì bị loài người vô tình hất hủi từ khước, bạn hãy hướng tình thương của bạn đến thiên nhiên đi. Thiên nhiên và vũ trụ rất cần tình thương của bạn. Tình thương vô điều kiện (amour inconditionnel). Bạn hãy thương cỏ, thương cây, thương mây, thương gió đi. Tình thương là một năng lượng cần được lưu chuyển và trao đổi. Xin nhớ tình thương không phải là một khái niệm mà là một kinh nghiệm.