Ðạo Gì?
Ðọc đến đây bạn có thấy tôi còn là một Thầy tu Phật Giáo chánh tông nữa không hay là đã bị nhiễm nhiều thứ "ngoại đạo"? Nhiễm như vậy là tốt hay xấu?
Tôi xuất thân từ Ðại Thừa, tu tập thiền Tiểu Thừa, sau theo Kim cang thừa và bây giờ tôi đang theo "Ðạo gì"? Ðạo gì vì cho nó tên gì cũng được, cái đó không quan trọng. Quan trọng ở chỗ tôi có sống thực được với chính mình hay không, có vượt qua được những khái niệm chấp trước nhị biên của tôn giáo hay không?
Theo "Ðạo gì" thì không có gì tốt hay xấu, chỉ có những kinh nghiệm khổ đau hay sung sướng để tiến hóa. Có người cần kinh nghiệm khổ đau để trưởng thành, có người cần kinh nghiệm sung sướng để nghỉ xả hơi trên quãng đường luân hồi bất tận.
Ðạo Chúa phát xuất từ nước Do Thái, nhưng ngày nay dân Do Thái đâu có theo Ðạo Chúa mà theo Ðạo Do Thái (Judaisme). Ðạo Phật bắt nguồn từ Ấn Ðộ nhưng hiện nay đa số dân Ấn theo Ấn Ðộ Giáo (Hindouisme) chỉ có khoảng ba phần trăm theo Phật Giáo. Như vậy Ðạo nào hay nhất?
Nhiều năm về trước, khi mới ra làm giảng sư tôi hăng say biện luận cho Ðạo Phật là Ðạo hay nhất. Ðó chỉ vì tôi chưa được học về những Ðạo khác. Gần đây, sau khi ra thất được đọc quyển "Hành trình về phương Ðông" do Nguyên Phong dịch, tôi như bừng tỉnh sung sướng thấy được những chân trời mới. Thấy chân lý không phải là sở hữu của riêng một tôn giáo nào. Chẳng cần tham vọng nói đến chân lý, tôi chỉ muốn tập sống với thương yêu, hiểu biết, thông cảm và tha thứ.
Sau đây tôi xin trích dịch một bài trong báo Prema số 28 nói về "Ðạo hay nhất" của Sathya Sai Baba, một đạo sư Ấn Ðộ hiện đại.
Thuở xưa có một ông vua hiền đức, cai trị công bằng, dân chúng trong nước sống thanh bình. Một hôm, dưới sự đề nghị của cận thần tả hữu, vua triệu tập tất cả trưởng lão tôn túc của các tôn giáo trong nước. Khi tất cả có mặt đầy đủ, vua nói:
- Thưa các vị giáo chủ, hôm nay ta mời các vị tới đây bàn luận vì ta muốn chọn một Ðạo trong các Ðạo để tôn lên làm quốc giáo. Ta đặt niềm tin nơi các vị, với sự minh triết xin các vị hội thảo bàn luận với nhau để tìm cho ta một Ðạo nào hay nhất, đáng được hưởng ân phúc của hoàng gia. Ðạo nào cũng được miễn sao mọi người đều đồng ý kính phục, không ai có thể bắt bẻ hay chối cãi.
Trải qua nhiều năm mà vua vẫn chưa được trả lời, bởi vì ai cũng cho Ðạo của mình là hay nhất, nhưng người khác lại không chịu. Cứ thế mà tranh luận giằng co từ năm này sang năm khác. Rồi một hôm, có một hiền giả du phương ghé qua nước của nhà vua nọ. Sau khi nghe chuyện nhà vua tìm một Ðạo hay nhất mà chưa ra, bèn đến xin yết kiến nhà vua:
- Tâu bệ hạ, tôi có thể chỉ cho bệ hạ một Ðạo hay nhất mà không ai có thể bắt bẻ hay chối cãi được.
Vua nghe qua rất đỗi vui mừng vì hy vọng của mình sắp được toại nguyện sau bao năm dài trông đợi.
- Thật vậy sao! Xin hiền giả hãy nói cho ta nghe ngay lập tức. Ta đã chờ giờ phút này quá lâu rồi!
- Xin bệ hạ kiên nhẫn một chút. Tôi sẽ tiết lộ cho bệ hạ tên của Ðạo này ở một nơi thật yên tĩnh vắng vẻ. Ðúng trưa mai xin hẹn bệ hạ ở bờ sông Hằng, chúng ta sẽ vượt sông qua bờ bên kia và ở đó tôi sẽ nói cho bệ hạ biết tên của Ðạo này.
Sang ngày mai, đúng hẹn, vua và vị hiền giả gặp nhau tại bờ sông Hằng. Vua ra lệnh cho một chiếc thuyền đến gần để chở hai người sang bờ bên kia. Khi chiếc thuyền đến gần, vua sửa soạn bước lên thì hiền giả chặn lại, nói rằng ông ta muốn khám xét lại chiếc thuyền coi có tốt và bảo đảm không.
- Chiếc thuyền này không được vì có một miếng ván bị nứt ở dưới đáy, nước có thể tràn vào. Hiền giả thưa.
Vua lại gọi chiếc thuyền khác đến. Sau khi khám xét, vị hiền giả tìm thấy vài miếng ván bên hông thuyền hơi lỏng vì thiếu đinh. Nhà vua lại gọi một chiếc khác đến. Sau khi khám xét kỹ càng, hiền giả lại từ chối vì lý do nước sơn của thuyền đã bị tróc.
Cứ như thế, vua gọi hết chiếc thuyền này đến chiếc thuyền khác, chiếc nào hiền giả cũng moi ra được khuyết điểm. Dần dần nhà vua mất kiên nhẫn, chiều đã qua, hoàng hôn sắp đến. Sau cùng vua không nhịn được nữa:
- Thưa hiền giả! Từ trưa tới bây giờ, ta đã gọi biết bao nhiêu chiếc thuyền, chiếc nào ngài cũng từ chối hết. Xin hỏi ngài, thuyền tróc sơn một chút hoặc thiếu vài ba cái đinh thì đã có sao? Nó vẫn có thể đưa mình qua sông được kia mà! Sao ngài lại để ý đến những khuyết điểm nhỏ nhặt như vậy.
Lúc bấy giờ vị hiền giả nhìn vua mỉm cười nói:
- Bệ hạ đã tự mình nhận thấy rằng dù có vài ba khuyết điểm nhưng tất cả những chiếc thuyền kia đều có thể đưa mình qua sông được. Cũng thế, tất cả Ðạo trong nước của bệ hạ đều giống như những chiếc thuyền kia. Ðạo nào cũng có thể đưa bệ hạ đến sự thể nhập với Thượng đế. Ði tìm khuyết điểm của nhiều Ðạo khác nhau là một điều vô ích, thiếu sáng suốt. Bệ hạ hãy trở về lo việc triều đình, tiếp tục lấy đức trị dân và hãy bình đẳng kính trọng các Ðạo giáo xem Ðạo nào cũng như Ðạo của chính mình vậy.
Nghe xong, vua liền phục xuống chân vị hiền giả đảnh lễ. Và khi ngẩng lên, vua sung sướng cảm thấy mình thực sự thấm nhuần sự minh triết.
--- o0o ---