Nhập thất
Sau kỳ thọ giáo với Ganden Tripa Rinpoché, mùa hè 87, tôi trở về Paris tiếp tục tham vấn với Guéshé Seunam. Tuy tôi đã thọ lễ Quán Ðảnh rồi nhưng Guéshé Seunam vẫn không chịu dạy tôi về Tantra. Sau này tôi mới biết là Guéshé chỉ thích dạy về Lam Rim (Con đường thứ lớp) thuộc Hiển Giáo. Do đó tôi ngừng học với Guéshé và tìm nơi tịnh tu. Tôi đã ghé đến Thiền Ðường Sakyamuni vùng Fontainebleau, ở bốn tháng tu Thiền Minh Sát trước khi đi Ấn Ðộ chiêm bái Phật tích. Sau ba tuần ở Ấn Ðộ, trở về Pháp tôi đến Niệm Phật Ðường Linh Sơn ở Poitiers xin tá túc ẩn tu. Nơi đây rất ít Phật tử, quang cảnh yên tĩnh, phía sau Niệm Phật Ðường có khu rừng nhỏ với lạch suối chảy ngang. Mỗi ngày tôi đi tản bộ ngắm trời, ngắm cỏ cây mây nước. Tịnh tu ở đây được bốn tháng, tôi ghé qua Tu Viện Nalanda thăm Guéshé Thegchog và các Sư Âu Mỹ một thời gian trước khi trở về nhập hạ và dự lễ khánh thành Ðại Tùng Lâm Linh Sơn. Trong ba tháng hạ, tôi được chỉ định làm Thống Sự. Nhờ làm Thống Sự nên tôi mới biết là việc cai quản Tăng chúng không phải là "nghề" của tôi. Ðại chúng khoảng 30 vị, đa số đều lớn tuổi, trung niên xuất gia, nên không phải dễ nói. Tôi nói ai nghe thì nghe, không nghe thì thôi. Ðạo Phật là Ðạo tự giác, đâu thể dùng quyền chức mà ép buộc kẻ khác phải nghe mình. "Nghề" của tôi có lẽ là nghề "đi đảo". Ðây là danh từ quý Thầy thường dùng để chỉ các Thầy tu không chịu ở yên một chỗ tu hành mà cứ đi đây đi đó.
Sau ba tháng hạ, tôi xin từ chức Thống Sự để trở về nghề cũ là nghề đi lang thang tìm Ðạo. Cuối năm 88, tôi ghé đến Dagpo Kagyu Ling để học một tuần về Dzogchen với Guendun Rinpoché. Từ trước đến nay tôi vẫn theo phái Guélugpa, đây là lần đầu tiên tôi đến với phái Kagyupa. Guendun Rinpoché tuổi trạc 70, xuất thân từ phái Kagyupa nhưng có học Ðạo với phái Nyingmapa. Ngài nổi tiếng đã nhập thất gần 30 năm và được Karmapa thứ 16 đặc phái sang truyền Ðạo ở Pháp. Trong tuần học Ðạo nơi đây, tôi nghe nói Guendun Rinpoché đang tuyển chọn đệ tử cho kỳ nhập thất ba năm sắp tới. Từ lâu vẫn muốn nhập thất tịnh tu nên tôi đã ghi danh và được Guendun Rinpoché chấp thuận. Sau khi được chấp thuận, chúng tôi phải lo đủ hai điều kiện:
1. Gom đủ tài chánh để đóng trong ba năm.
2. Học tiếng Tây Tạng cho rành, nếu không nói thạo thì cũng phải đọc được nhanh như người Tây Tạng. Vì trong ba năm tất cả nghi lễ đều viết bằng chữ Tây Tạng.
Về tài chánh, tôi may mắn có một số Phật tử chung nhau đóng góp cho tôi hàng tháng trong ba năm. Ở những Tu Viện nhập thất không có Phật tử ra vào nên không có tài chánh. Người tu phải đóng tiền ăn ở và tu học. Trong khi đó tu ở chùa Việt Nam thì được nuôi ăn ở và còn được Phật tử cúng dường.
Về tiếng Tây Tạng, tôi phải về Paris ghi danh ở Ðại Học INALCO Paris Dauphine để học với Dagpo Rinpoché trong hai năm.
Hè năm 89 tôi về ở Institut Karmapa, Nice, gần hai tháng để tập sự với Lama Khenpo Thubten. Ở đây tôi và hai vị nữa thay phiên nhau làm cơm cho Viện Trưởng Khenpo Thubten. Là một Tăng sĩ Việt Nam ăn chay mà phải làm cơm mặn kể cũng ngược đời. Có một lần, tôi thấy ngày nào Khenpo cũng ăn thịt, nên hôm đó tôi không làm thịt mà làm món trứng tráng cho ngài. Vào bữa ăn, không thấy thịt, Khenpo lẳng lặng đứng dậy mở tủ lạnh lấy thịt làm lấy một mình. Từ đó chúng tôi hiểu là ngày nào cũng phải có thịt cho ngài.
Lâu lâu tôi phải trở lại Dagpo Kagyu Ling để nhận lãnh những giáo lý sửa soạn cho sự nhập thất như: Tcheu, Dorjé Pamo, Mahakala...
Hè năm 90 chúng tôi phải có mặt ở Kundreul Ling để xây thất. Ðó là những dãy nhà gồm 8 đến 10 phòng. Công việc xây cất bắt đầu từ tháng 8 và kết thúc vào đầu tháng 2 năm 91. Chúng tôi chính thức nhập thất vào cuối tháng 2.
Ở chùa Việt Nam mang tiếng là Ðại Ðức nên Phật tử đâu có cho tôi vào bếp làm cơm và cũng đâu có ai bắt tôi làm công quả. Vào chùa Tây Tạng thì tôi không còn là một Ðại Ðức nữa mà giống như bao đệ tử Âu Mỹ khác. Trong mùa hè tôi được cởi trần mặc quần xà loỏng, khiêng gạch, vác đá, đẩy xi măng, xây tường, leo mái nhà, đóng cột, lắp ngói, v.v...
Sau đây là chương trình tu học ba năm của chúng tôi:
1. Năm thứ nhất:
- Ngeundro (pháp dự bị tu tập) gồm lễ lạy, tụng chú Kim Cang Tát Ðỏa 100 chủng tự, Cúng dường Mạn Ðà La, Bổn Sư Du Già. Mỗi thứ 100.000 lần. Muốn biết chi tiết xin tìm đọc quyển "Ðại Thủ Ấn".
- Lodjong, Karmapkshi, Shiné, Milarépa, Gampopa, Lhaktong.
2. Năm thứ hai:
- Mikyeu Dorjé, Dorjé Pamo (Vajravarahi)
3. Năm thứ ba:
- Sáu pháp Du Già của Naropa gồm: Tumo, Gyulus, Eussel, Milam, Powa, Bardo Thödol.
- Tsoklé, Dreulkar.
Những danh từ Tây Tạng ở đây được viết theo kiểu phiên âm, không đúng với chính tả.
Tất cả đều là những pháp môn Tây Tạng, không có pháp tương đương mà người Việt thường biết nên tôi không nói chi tiết. Riêng có Shiné và Lhaktong thì tương đương với chỉ quán của Thiền. Shiné (Samatha): chỉ; Lhaktong (Vipassana): quán.
Riêng sáu pháp Yoga của Naropa tôi rất thích vì nó hấp dẫn và đặc biệt. Tumo tiếng Anh dịch là Inner Fire, tạm dịch là Nội Hỏa. Gyulus (Illusory body) huyễn thân, Eussel (Clear Light) Thanh Quang, Milam (Dream Yoga) Thùy Miên Du Già, Powa (Consciousness transference) Chuyển thần thức, Bardo Thödol (Intermediate state liberation) Giải thoát Trung ấm thân.
Ở đây xin nói sơ qua đặc tính của sáu pháp tu này.
1. Tumo: Nội Hỏa.
Có người dịch là lửa tam muội. Chữ tam muội (samadhi) nghe hơi kêu một chút. Xưa kia các vị A La Hán trước khi nhập Niết Bàn thường thị hiện 16 phép thần thông rồi sau cùng dùng lửa tam muội tự đốt cháy thân mình. Tumo không giống như vậy.
Ở Tây Tạng, những hành giả Du Già (Yogi) thường ẩn tu nơi rừng sâu núi thẳm để tránh những cặp mắt tò mò và sự quấy rầy của thường dân. Tây Tạng núi tuyết quanh năm, khí hậu băng giá, do đó những Yogi cần phải có sức khỏe hơn người và nhất là sức chịu lạnh mới có thể ngồi yên tu hành trong hang núi tuyết. Nếu không được vậy thì phải an phận tu hành trong các Tu Viện, có đầy đủ tiện nghi ấm cúng hơn. Tumo là pháp tu phối hợp với hít thở của Yoga, Tây Tạng gọi là Boum Chen (hít thở bình) nhằm làm khơi dậy luồng hỏa hầu nằm ở luân xa thứ 2, dưới rốn độ bốn ngón tay. Ðạo Sư nổi tiếng về Tumo là Milarépa, Nhị Tổ của phái Kagyupa. Ông ta phải tốn 12 năm tu luyện trên dãy Tuyết Sơn mới thành tựu pháp môn này. Người chứng đắc môn này được gọi là Répa (người áo vải), có thể cởi trần ngồi suốt đêm trên tuyết mà không thấy lạnh. Muốn biết về Milarépa xin tìm đọc quyển "Milarépa, con người siêu việt" do Ðỗ Ðình Ðồng dịch.
2. Gyulus: Huyễn thân.
Trong pháp môn này hành giả quán chiếu thân mình như huyễn, không có thật, như bóng trong gương. Sau đó quán chiếu thân thể kẻ khác cũng vậy, rồi đến cảnh vật xung quanh. Người chứng đắc môn này có thể tàng hình hoặc hóa hiện ra nhiều thân cùng một lúc. Nếu chưa chứng đắc thì cũng giúp hành giả dễ giải thoát trong cảnh giới Trung Ấm.
3. Eussel: Thanh Quang.
Pháp môn này liên quan đến sự chết. Theo Tây Tạng thì có lục đại: địa, thủy, hỏa, phong, không, thức. Khi chết, địa đại tan rã trước rồi đến thủy đại và các đại khác tuần tự tan rã sau. Khi thức đại tan rã thì trước mắt người chết hiện ra một cảnh giới ánh sáng, gọi là Thanh Quang. Người tu Mật Tông cần phải nhận ngay ra ánh sáng này và hoà nhập vào nó thì tức khắc giải thoát sinh tử luân hồi. Người thường không biết tiến trình tan rã của lục đại và cũng không nhận ra ánh sáng nên rơi vào cảnh Trung ấm, bị lôi cuốn theo nghiệp mà tái sinh. Pháp tu Eussel liên quan mật thiết với Tumo vì cần phải quán tưởng nhiều về Tsa, Lung, Tiglé. Tsa tiếng Phạn là Nadi, là các đường kinh mạch của thân vi tế. Theo Mật Tông con người có hai thân: thân thô kệch là thân tứ đại mắt thường thấy được, thân vi tế là thân cấu tạo bởi các đường kinh (Nadi) và luân xa (chakras) mắt thường không thấy được, chỉ những người có thần nhãn (clairvoyance) mới nhìn thấy. Lung tiếng Phạn là Prana, luồng nguyên khí hay sinh khí chạy trong Nadi để nuôi thân vi tế. Tiglé, tiếng Phạn là Bindu, có nghĩa giọt nước, nước ở đây không phải là nước lã hay nước uống mà là nước tâm. Theo Mật Tông, tâm không phải hoàn toàn vô hình tướng mà nó có thể cô đọng lại thành một giọt nước di động trong các đường kinh Nadi.
Giáo lý về Tsa, Lung, Tiglé là trọng tâm của Mật Tông và nhất là của sáu pháp Du Già Naropa.
4. Milam: Thùy miên Du Già.
Pháp tu này, hành giả tập đi vào giấc ngủ một cách ý thức và ngay trong giấc mơ vẫn làm chủ được mình. Thành tựu pháp môn này, trong giấc ngủ, hành giả có thể đi khắp cảnh giới, viếng các cõi Tịnh Ðộ, học Ðạo với chư Phật Bồ Tát. Nếu chưa thành tựu thì khi chết cũng giúp cho hành giả tự chủ trong cảnh Trung ấm.
5. Powa: Chuyển thần thức.
Ở đây hành giả tập tống thần thức của mình lên trên đỉnh đầu để khi chết thần thức về thẳng cõi Tịnh Ðộ của Phật Di Ðà hoặc của chư Phật khác, khỏi phải trải qua cảnh Trung ấm (Bardo). Pháp này cũng dùng đến cách hít thở Boum-chen và quán tưởng Tsa, Lung, Tiglé. Tuy vậy tương đối dễ thành tựu hơn bốn pháp trước.
6. Bardo Thödol: Giải thoát Trung ấm thân.
Bardo có nghĩa là khoảng giữa (của sự chết và tái sinh). Thö là nghe, dol là giải thoát. Bardo Thödol là sự giải thoát trong cảnh Trung ấm qua sự nghe. Nói đơn giản, đó là sự tiếp độ người chết, đặc biệt của Tây Tạng. Pháp này không cần tu tập gì cả, chỉ cần học và nghe qua nhiều lần. Ðến khi chết, chỉ cần người quen hoặc chư Tăng đến đọc bộ Bardo Thödol khiến thần thức kẻ chết nhớ lại và làm theo lời chỉ dẫn thì có thể giải thoát về cõi Tịnh Ðộ.
Về Bardo Thödol, tiếng Việt dịch là Tử Thư Tây Tạng, bạn có thể tìm đọc quyển "Bên kia cửa tử" do Trần Ngọc Anh dịch hoặc quyển "Trở về từ cõi sáng" của Nguyên Phong.
Mặc dù được tu học với Phật Giáo Tây Tạng, nhưng bây giờ tôi không còn tiếp tục những pháp môn này nữa. Nếu thích, bạn có thể tìm đến các Trung Tâm Tây Tạng hỏi Ðạo các vị Lạt Ma. Tùy theo căn cơ và nghiệp duyên, bạn sẽ tìm được một người xứng đáng là Thầy của bạn, đó gọi là trò nào Thầy nấy.