Phật học cơ bản
Ðạo Gì?
Thích Trí Siêu (Pháp quốc, 1996) Kinh nghiệm hồi ký sau nhiều năm học đạo với Ðại Thừa, Nguyên Thủy và Kim Cang Thừa Tây Tạng.
03/04/2554 16:09 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tông phái Tây Tạng

Các tông phái Phật Giáo Tây Tạng có rất nhiều, nhưng tựu chung không ngoài bốn phái chính: Nyingmapa, Kagyupa, Sakyapa, và Guélugpa.

1. Nyingmapa.

"Nyingma " có nghĩa là cổ, cũ; "pa" nghĩa là người theo phái. Nyingmapa được dịch là phái Cổ Mật. Khoảng thế kỷ thứ 8, vua Tây Tạng Trisong Détsen để ý đến Ðạo Phật nên đã mời hai vị Sư Ấn là Shantaraksita và Padmasambhava sang truyền giáo. Ðặc biệt trong hai vị thì Padmasambhava (Liên Hoa Sinh) nổi tiếng là bậc đại học giả của phái "Kim Cang Thừa" (Vajrayana) Ấn Ðộ. Theo lời truyền tụng, chính vị Sư này đã dùng thần thông và bùa phép để hàng phục ma quái và bọn phù thủy bản xứ (thuộc Ðạo Bön), từ đó vua và toàn dân đều quy phục theo Phật Giáo. Dân Tây Tạng gọi ngài là Guru Rinpoché (vị Ðạo Sư quý báu), và thờ ngài là Sơ Tổ của phái Nyingmapa.

Kể từ thế kỷ thứ 11, danh từ Nyingmapa (Cổ Mật) mới được áp dụng để phân biệt các trường phái mới xuất hiện sau thời kỳ pháp nạn dưới triều vua Langdarma. Nhà vua này nghe lời dèm pha của Ðạo Bön, ra lệnh tiêu diệt Phật Giáo, phá chùa, giết Tăng. Hơn hai năm sau, có một vị Sư tên Palgyi Dorjé lẻn vào cung ám sát vua rồi trốn đi mất. Nhờ đó Phật Giáo không bị tiêu diệt hoàn toàn.

Những người tu theo phái này không bắt buộc phải xuất gia cạo tóc, phần đông là cư sĩ, có gia đình vợ con. Cha làm trụ trì, khi chết truyền lại cho con, nếu không có con thì truyền lại cho đệ tử. Việc truyền thừa không được hệ thống hoá một cách rõ ràng. Do đó, những vị nào tu hành đạo cao đức trọng thì được xem hoặc tôn lên làm trưởng giáo phái.

Cách đây mấy năm vị trưởng giáo phái là Dujom Rinpoché rồi đến Dilgo Khyentsé Rinpoché. Hiện nay ở Âu Mỹ có hai vị Lama nổi tiếng thuộc phái này đang hoằng pháp đó là Tarthang Tulku Rinpoché và Sogyal Rinpoché.

Về pháp tu, tinh túy của phái này là Dzogchen (Maha Ati) dịch là Ðại Thành Tựu. Giáo lý của Dzogchen, theo tôi thấy, có rất nhiều nét giống Thiền Tông Trung Hoa.

2. Kagyupa.

Ka có nghĩa là khẩu, cái miệng; Gyu là giòng truyền. Kagyupa được dịch là phái Truyền Khẩu. Sơ Tổ của phái nầy là Tilopa, đạo sư Du Già (Yogi) người Ấn, nhị Tổ là Naropa. Khoảng thế kỷ 11, Marpa người Tây Tạng sang Ấn thọ giáo với Naropa rồi trở về xứ, truyền lại cho Milarépa. Bốn vị Tổ đầu đều là cư sĩ, trong đó có hai vị rất nổi tiếng : Naropa và Milarépa.

Naropa xuất thân là Viện Trưởng Tu Viện Nalanda, rất tinh thông Phật Pháp. Nhưng một hôm có một bà lão đến hỏi ngài :

- Bạch Thầy, Thầy hay đọc những kinh sách kia, vậy Thầy có hiểu nghĩa không ?

Naropa đáp : - Hiểu.

- Vậy Thầy đã chứng nghiệm được những điều đó chưa?

Tới đây Naropa lúng túng, thú thật rằng chưa.

Bà lão nói :- Thầy hãy nên đi tìm Tilopa, em tôi, hắn có thể giúp Thầy chứng nghiệm những điều đó.

Thế là Naropa liền từ bỏ chức Viện Trưởng, ra đi tìm Tilopa để thọ giáo. Sau 12 lần bị Tilopa thử thách cam go, Naropa đã đạt Ðạo và trở thành một trong 84 vị Ðạo sư nổi tiếng đắc đạo của Ấn Ðộ.

Sau này các pháp Yoga Tây Tạng đều bắt nguồn từ sáu pháp Du Già (Yoga) của Naropa.

Milarépa là một nhân vật nổi tiếng nhất của xứ Tây Tạng, trong dân gian sau này, già trẻ lớn bé, không ai mà không biết chuyện của Milarépa. Cuộc đời Milarépa là một chuỗi dài cay đắng, nhưng cuối cùng lại kết thúc một cách rất vẻ vang.

Thuở nhỏ, sau khi cha mất, gia đình Milarépa còn lại mẹ và em gái. Thấy cháu còn nhỏ và bà chị yếu đuối, cặp vợ chồng dì dượng đã ra tay cướp đoạt gia tài, nhà cửa, ruộng đất và hành hạ mẹ con Milarépa. Oán hận ngập đầu, mẹ của Milarépa bắt con phải trốn đi học đạo bùa phép để sau này trở về trả thù.

Milarépa vâng lời mẹ ra đi, sau khi học xử dụng bùa phép thành công, trở về trả thù, ra tay giết chết một lúc hơn 30 mạng người. Sau vụ này Milarépa hối hận, lương tâm cắn rứt, bỏ ra đi một lần nữa, nhưng lần này ra đi tầm Ðạo giải thoát, trước là tẩy rửa tội lỗi, sau là cầu thoát khỏi sinh tử luân hồi. Milarépa đến tìm Marpa để cầu Ðạo. Sau sáu năm bị thử thách, mắng chưởi, hất hủi, Milarépa đã được Marpa truyền dạy toàn bộ giáo pháp và trở nên người kế thừa của Marpa. Sau khi lãnh thọ giáo pháp, Milarépa từ giã Thầy, một mình lang thang lên dãy Tuyết Sơn, ẩn tu trong các hang động, sống cuộc đời du sĩ khổ hạnh. Sau 12 năm, Milarépa hoàn toàn chứng ngộ, và theo truyền thuyết Tây Tạng, Milarépa đã thi triển rất nhiều thần thông để hàng phục Ðạo Bön và hóa độ đệ tử.

Milarépa có rất nhiều đệ tử nhưng người được kế thừa là Gampopa, một Tăng sĩ xuất thân từ phái Kadampa. Kể từ Gampopa, giới luật được thiết lập rõ ràng, và các vị kế thừa sau đều là Tăng sĩ. Nối tiếp Gampopa là Dusum Khyenpa tức Karmapa I, vị này trước khi chết đã dặn dò chi tiết cho đệ tử đi tìm hậu thân tái sinh của mình, và cứ thế từ đời này sang đời khác, vị Karmapa hiện nay là hậu thân thứ 17.

Ở Âu Mỹ, phái Kagyupa có nhiều Trung tâm hơn cả. Những vị Lama có công hoằng pháp thuộc phái này gồm : Chögyam Trungpa Rinpoché, Kalou Rinpoché, Shamar Rinpoché, Chimé Rinpoché...

Về pháp tu, tinh túy của phái này là Mahamudra (Ðại Thủ Ấn) và sáu Yoga của Naropa (Naro-cheudrug). Giáo lý Mahamudra tương tựa lối tu Chỉ Quán, thường được giảng dạy trước công chúng; riêng sáu Yoga của Naropa được giữ gìn cẩn mật, chỉ được truyền dạy trong những khóa tu nhập thất ba năm.

Ở những chương sau tôi sẽ có dịp nói thêm về sáu Yoga của Naropa.

3- Sakyapa

Phái nầy bắt nguồn từ Tu Viện Sakya, tiếng Tây Tạng có nghĩa là đất xám, được xây vào năm 1073, ở miền nam Tây Tạng. Những vị trụ trì đều thuộc một gia đình họ Khön. Giáo lý của phái này nằm trọn trong bộ Lamdré (Con đường và Ðạo quả). Năm vị Tổ đầu tiên của phái nầy là Sachen Kunga Nyingpo, hai người con trai là Sonam Tsemo, Dragpa Gyatsen, cháu là Sakya Pandita, chắt là Chögyal Phagpa. Cả năm vị này đều được xem là hoá thân của Văn Thù Sư Lợi. Trong năm vị nầy, nổi tiếng hơn hết là Sakya Pandita. Ông ta thông thạo tất cả các bộ môn đời cũng như Ðạo. Các trước tác và dịch thuật từ tiếng Sanskrit của ông vang tận Ấn Ðộ và Mông Cổ. Vua Mông Cổ lúc bấy giờ là Kubilai (cháu của Thành Cát Tư Hãn) mến phục và mời ông sang làm Quốc sư. Nhờ đặc ân của Vương triều Mông Cổ nên phái Sakyapa đã có một ảnh hưởng rất lớn về tôn giáo lẫn chính trị trên toàn quốc trong hai thế kỷ 13 và 14. Sau này chính Tsongkhapa Sáng Tổ của phái Guélugpa cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều của phái này.

Phái này hiện nay ở Âu Mỹ không được bành trướng lắm.

4. Guélugpa

Guélugpa tiếng Tây Tạng có nghĩa là đạo đức. Phái này còn có tên khác là Hoàng Mạo (mũ vàng). Sáng Tổ là Tsongkhapa (1357-1419) lúc đầu học Hiển Giáo theo trường Kadampa, sau tu theo Mật Giáo. Vì thấy Mật Giáo Tây Tạng lúc bấy giờ đi vào trụy lạc nên ngài đưa hết năng lực vào sự nghiệp vận động cải cách Phật Giáo, lập lại một hệ thống tổ chức mới. Tuy cũng là Mật Giáo nhưng lấy giới luật làm trọng nên gọi là Hoàng Mạo Phái khác với những phái cũ gọi là Hồng Mạo Phái. Giáo lý căn bản của phái này nằm trong bộ Lam Rim (con đường thứ lớp) và Nga Rim (Mật Giáo thứ lớp).

Tsongkhapa có hai đệ tử lớn, Dharma Rinchen và Gendun Drup. Dharma Rinchen kế thừa pháp đăng của Hoàng Mạo Phái. Còn Gedun Drup năm 1439 được lên làm vua, nắm quyền cai trị quốc dân và là Sơ Tổ của Ðạt Lai Lạt Ma (Dalai Lama). Sau mỗi đời, Dalai Lama tái sinh trở về ngôi vị quốc vương và pháp vương. Ðức Dalai Lama hiện nay là đời thứ 14 tên là Tenzin Gyatso, người được lãnh giải Nobel hoà bình năm 1989.

5. Danh Xưng

a/ Lama

Chữ Lama bắt nguồn từ tiếng Phạn Guru có nghĩa là đạo sư. Nói đơn giản Lama (Lạt Ma) có nghĩa là Thầy. Không phải người xuất gia nào thọ Tỳ Kheo cũng được gọi là Lama. Người xuất gia dù là Sa Di (Guétsul) hay Tỳ Kheo (Guélong) đều được gọi chung là Trapa (nhà Sư). Tiếng Lama được dành riêng cho những vị Sư có học thức, có khả năng hướng dẫn đệ tử tu hành, những vị trụ trì, Guéshé hoặc Khenpo.

Một vị Lama tu hành chứng đắc thì được giáo hội hoặc các trưởng lão phong cho chức Rinpoché, có nghĩa là đại quý báu.

Ngày nay danh từ Lama hơi bị lạm dụng, có lẽ vì lịch sự hay kính trọng các Sư Tây Tạng nên người ta gọi chung tất cả là Lama, bất kể trình độ tâm linh hay chứng đắc của vị đó.

Nếu chỉ xuất gia thọ giới thôi thì không được xem là Lama mà là Trapa. Muốn trở thành Lama thì phải trải qua nhiều năm tốt nghiệp về Phật Học. Riêng phái Kagyupa, người tu phải nhập thất ba năm, sau đó mới được gọi là Lama.

b/ Guéshé

Chữ Guéshé bắt nguồn từ chữ Phạn Kalyanamitra, có nghĩa là thiện tri thức. Riêng phái Guélugpa, danh xưng Guéshé rất có giá trị vì đó là bằng Phật Học cao nhất tương đương với tiến sĩ. Người muốn đậu bằng này phải học ở một trong ba trường lớn: Ganden, Drépung, Séra. Thời gian học từ 10 đến 20 năm tùy căn cơ. Ðậu bằng Guéshé rất khó vì phải thi tuyển, hàng năm mỗi trường chỉ cho đậu vài người giỏi nhất mà thôi. Ðức Dalai Lama thứ 14 cũng là một vị Guéshé.

c/ Khenpo

Chữ này bắt nguồn từ chữ Phạn Acarya, tiếng Hán dịch âm là A-xà-Lê, có nghĩa là giáo thọ, Thầy dạy học, dạy giáo lý. Danh xưng này được dùng nhiều trong phái Kagyupa. Những vị Lama sau này di cư sang Ấn Ðộ tốt nghiệp bằng Acarya ở Ðại học Ấn, trở về Tu Viện được làm trụ trì, thường được gọi là Khenpo.

d/ Tulku

Bắt nguồn từ chữ Phạn Sambhogakaya, có nghĩa là hoá thân. Những vị Lama tu hành chứng đắc, sau khi chết tái sinh lại và đệ tử tìm ra đưa về Tu Viện thì được gọi là Tulku. Những vị Lama lớn như Karmapa, Dalai Lama, Panchen Lama v.v... đều là Tulku.

Thường những vị Tulku, sau khi được đệ tử tìm ra đều phải học lại theo một chương trình rất nghiêm khắc ở các Phật Học Viện để sau này trở về lãnh lại chức vị trụ trì hoặc Tu Viện Trưởng.

Nếu một vị Tulku mà không học lại hoặc không có bằng cấp nào thì chức Tulku cũng không có giá trị gì mấy.

Tất cả những danh xưng Lama, Guéshé, Khenpo, Rinpoché, Tulku, một khi được gọi là kể như thuộc sở hữu trọn đời. Dù là xuất gia hay cư sĩ, dù còn tu hay hết tu, danh xưng giáo phẩm vẫn giữ nguyên. Trong những danh xưng trên, Rinpoché có giá trị nhất về phương diện tâm linh tu chứng. Về học thức thì Guéshé là cao nhất.

Một vị Lama có thể vừa là Tulku, Guéshé và Rinpoché như Dalai Lama chẳng hạn. Nhưng một khi được gọi là Rinpoché rồi thì những danh xưng kia không đáng kể nữa. Dân Tây Tạng không gọi Dalai Lama mà gọi ngài là Gyalwa Rinpoché.