Phật học cơ bản
Mai Vàng Ánh Đạo
H.T THÍCH NHẬT QUANG
07/06/2556 17:01 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ngày đầu xuân là ngày mang tin vui lớn nhất đến cho chúng ta, bởi vì ngày này đức Phật tương lai Đại từ tôn Di Lặc đản sinh. Nhân đây, chúng tôi nêu lên những giai đoạn mà người con Phật phải trải qua trên bước đường tu tập. Chúng ta biết không có vị Phật nào trong thời tu nhân mà chỉ nằm nghỉ, đi chơi, bách phố la cà khắp nơi, cuối cùng được thành Phật. Tất cả chư Phật đã thành, sẽ thành đều trải qua quá trình tu tập Phật đạo, siêng năng, tinh tấn bất thoái chuyển trong thời gian dài vô số kiếp. Các ngài đã sống trải, tu tập, phát nguyện, chịu tất cả sự khó khổ, gian nan nhất trên cuộc đời mới thành tựu Phật đạo. Thông thường chúng ta được học, trong vô số kiếp thứ nhất các ngài ở những vị Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, đó là bốn mươi cấp căn bản. Đến vô số kiếp thứ hai từ Sơ Địa cho tới Bát Địa Bồ-tát. Vô số kiếp thứ ba từ Bát Địa cho đến Thập Địa, Đẳng Giác, Diệu Giác thành Phật.

Ngày đầu xuân là ngày mang tin vui lớn nhất đến cho chúng ta, bởi vì ngày này đức Phật tương lai Đại từ tôn Di Lặc đản sinh. Nhân đây, chúng tôi nêu lên những giai đoạn mà người con Phật phải trải qua trên bước đường tu tập.

Chúng ta biết không có vị Phật nào trong thời tu nhân mà chỉ nằm nghỉ, đi chơi, bách phố la cà khắp nơi, cuối cùng được thành Phật. Tất cả chư Phật đã thành, sẽ thành đều trải qua quá trình tu tập Phật đạo, siêng năng, tinh tấn bất thoái chuyển trong thời gian dài vô số kiếp. Các ngài đã sống trải, tu tập, phát nguyện, chịu tất cả sự khó khổ, gian nan nhất trên cuộc đời mới thành tựu Phật đạo. Thông thường chúng ta được học, trong vô số kiếp thứ nhất các ngài ở những vị Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, đó là bốn mươi cấp căn bản. Đến vô số kiếp thứ hai từ Sơ Địa cho tới Bát Địa Bồ-tát. Vô số kiếp thứ ba từ Bát Địa cho đến Thập Địa, Đẳng Giác, Diệu Giác thành Phật.

Chúng ta bây giờ đang ở vô số kiếp thứ mấy, đã đi được bao nhiêu, tu tập ra sao? Không ai biết cả. Thỉnh thoảng có vị than tu hoài không thành Phật, dâng hương lễ Phật nói với Phật: “Bạch Ngài, con tu bao nhiêu năm rồi mà không thành Phật, cũng chẳng giác ngộ giải thoát. Những thứ bất như ý đầy dẫy, con làm sao giải tỏa được nó đây?” Như đã nói, chúng ta chưa biết mình ở vô số kiếp nào, trên quá trình từ nhân địa tới Phật đạo, do đó cần phải tự đả thông bằng đạo lý do chính mình thể nghiệm.

   Ở đây, chúng tôi nêu lên tám giai đoạn thể nghiệm để huynh đệ cùng chiêm nghiệm, chia sẻ trên bước đường tu học của chúng ta.

Tám giai đoạn đó thế này:

 

1. Trai giới thanh tịnh:

 

Chúng ta cùng nhau nghiệm xem trai giới của mình thanh tịnh chưa? Nếu chưa mà cứ than thở bạch Phật “tu hoài không xong” thì tự mình phải điều chỉnh lại. Hầu hết Phật tử đều đã thọ giới, ít nhất là năm giới. Qua năm giới ấy, mình nghiệm xem giữ được giới nào, hành trì có trang nghiêm hoàn chỉnh không, hay còn những giới chưa giữ được. Nếu còn một chút chưa giải quyết được thì là chúng ta chưa hoàn chỉnh bước thứ nhất. Bước thứ nhất chưa hoàn chỉnh mà nhảy qua bước thứ hai thì có khi phải quanh trở lại.

Trên thức tế có vị tu hành cũng đàng hoàng, giới đức trang nghiêm, đạo hạnh đầy đủ, nhưng đùng một cái thiên hạ ngạc nhiên khi nghe vị ấy quay về thế tục. Dạng này do có những bước nhảy vượt, không cơ bản, không vững chắc, nên mới xảy ra như thế. Vì vậy người tu trước nhất phải hoàn chỉnh giai đoạn trai giới thanh tịnh. Chúng ta có thể kiểm nghiệm và biết được mình thanh tịnh hay chưa thanh tịnh. Thanh tịnh đến mức độ nào?

Về phía Phật tử cư sĩ, ít nhất quí vị thọ năm giới, ngoài ra còn thọ thêm mười giới Thập Thiện, có vị phát tâm thọ năm mươi tám giới Bồ-tát nữa. Tóm lại, trong hàng cư sĩ có ba cấp giới học. Cấp thứ nhất là năm giới căn bản, cấp thứ hai là giới Thập Thiện. Người giữ tròn mười giới Thập Thiện đời sau sẽ được sanh thiên, nếu giữ không tròn thì thay vì đi thẳng lên thiên giới, vị ấy né qua một bên lọt vào cõi A Tu La. Nghe nói thế giới A Tu La ai cũng ngán, vì nó lạ lùng lắm. A Tu La nữ rất hoàn chỉnh, còn A Tu La nam có khi mang đầu trâu mặt ngựa, nóng nảy dữ dằn. Do vậy họ thường hay gây chiến với chư thiên. Chúng ta học trong sử thấy ngài Long Thọ, Mã Minh, từ tuệ nhãn thấy đầu, tay, chân… từ đâu rơi xuống đầy máu me. Quí Ngài biết là do chúng A Tu La đánh nhau với mấy ông trời. Nói thế, không phải A Tu La không có phước. Phước họ gần như chư thiên, nhưng vì quá sân giận nên không bì lại cõi trời. Nên biết hậu quả của sân hận lớn lao vô cùng. Giống như một đóm lửa nhỏ chúng ta không dập tắt, nó sẽ cháy lan khắp. 

Trở lại vấn đề tu tập ở bước đầu là giới học. Khi quí thầy trao truyền giới cho quí Phật tử, thường hay nói: “Quí vị giữ được những điều giới đó là tu”. Giới học là pháp tu, Phật tử giữ được những điều giới đó là bảo toàn nhân cách. Giữ được giới quí vị khỏi sợ mai mốt nhắm mắt bị ma quỷ bắt. Giữ năm giới hoàn toàn là nhất định Phật tử sẽ sống an ổn, vui vẻ. Khi chết biết được đường đi, không sợ hãi hay nghi ngờ gì cả. Đó là ở cấp năm giới.

Nếu không trì giới, ở nhân gian đi xuống thì thời gian vô cùng. Các vị thánh nói cõi địa ngục một ngày một đêm bằng ở nhân gian một trăm năm. Tuy nhà Phật bảo mọi pháp đều giả hợp mà một trăm năm đâu phải là ngắn. Con người từ lúc mới sinh ra, lớn lên xinh đẹp khôn ngoan như thế, nhưng đến bảy tám mươi là đi hết nổi. Có khi mới bốn mươi, năm mươi tuổi cũng đi hết nổi rồi. Thời gian tuy không thật nhưng quả báo mình chịu đựng rất đáng kể, chứ không phải thường.

Các vị Phật tử tại gia đã thọ hoặc năm giới, mười giới, trong cấp độ này từng bước tu tập quí vị đã có thể nghiệm, có công phu. Từ đó quí vị nhận ra được hướng đi, chỗ đến của mình ra sao. Đặc biệt hơn, nếu vị nào phát tâm thọ năm mươi tám giới Bồ-tát, là Phật tử tại gia nhưng tư cách hành xử như một vị Bồ-tát. Đây là điều đáng quí, đáng khích lệ. Thế nên hàng Phật tử cần phải giữ gìn những thành tựu ban đầu như thế, để làm thềm thang tiến lên quả vị giải thoát cứu kính.

Nói về trai. Phật tử còn nhớ trong lễ quy y Tam Bảo, quí thầy dạy: “Ăn chay hay mặn gì cũng tu hết, giữ được năm giới là tu”, nhưng “Ăn chay phát triển được lòng nhân, gần gũi tâm từ bi, dễ đi đến thành tựu tâm đại từ đại bi”. Chúng ta là đệ tử Phật, bắt đầu quy y, tập sống theo đời sống của Phật, Bồ-tát thì đối với việc ăn chay cũng nên thực hành để nuôi dưỡng và phát triển tâm từ.

Nói về “trai” là nói đến chế độ ăn uống của người Phật tử. Điều này không bắt buộc ai cả, nhưng nếu quí vị có cách ăn uống tốt thì cũng hỗ trợ cho công phu tu nhiều lắm. Bước ban đầu chúng ta phải giữ giới thanh tịnh là dĩ nhiên rồi, nhưng trai thì có vị ăn chưa được. Lại có người không phải là Phật tử mà ăn chay trường. Hiện nay y học nghiên cứu thấy ăn chay ngừa được một số bệnh nan y, vì vậy trên thế giới người ta ăn chay nhiều lắm. Nếu Phật tử nào vừa giữ giới vừa ăn chay được thì có thể nói là hoàn chỉnh phần trai giới. Vị nào chỉ giữ giới mà chưa giữ trai thì chưa hoàn chỉnh được bước đầu. Như vậy con đường Phật đạo còn dài xa lắm.

 

2. Không thoái lui trên con đường Phật đạo:

 

Ở đây muốn nhấn mạnh không thoái lui tâm Bồ-đề. Tâm Bồ-đề là tâm cầu Phật đạo, cầu giác ngộ. Người Phật tử làm sao gầy dựng được bước đi căn bản luôn tiến, luôn vững, không vì bất cứ lý do gì thoái tâm Bồ-đề. Khi tâm Bồ-đề thoái rồi thì con đường Phật đạo xem như bị ngó lơ, mình quay lưng đi. Một khi ta đã ngó lơ, đã quay lưng thì không biết bao giờ mình mới chịu tìm, chịu nhận lại ông Phật thật sẵn có nơi mình. Vì vậy quí thầy hướng dẫn các Phật tử tu tập, luôn luôn quan tâm e ngại ở giai đoạn này. Có thể vì lý do bức xúc nào đó, Phật tử đi chùa một thời gian thấy chán nản, tu tập một thời gian thấy chán nản. Đó là biểu hiện của thoái tâm Bồ-đề. Một khi đã nản, đã quay lưng rồi, gầy dựng trở lại rất khó.

Trong sử học có nói về gia đình ông Cấp Cô Độc, là vị đại thí chủ của tăng đoàn thời đức Phật còn tại thế. Ông sẵn sàng đem tất cả kho báu của mình ra dâng hết cho Tam Bảo. Vì vậy Phật cần xây dựng chỗ nào, chư tăng cần làm việc gì, ông đều cung cấp hết. Bởi ông phát tâm như vậy nên trong gia đình cũng có một ít người không ưng, trong đó có bà giữ kho. Bà chuyên giữ kho, khi chư tăng cần cái gì, có giấy của trưởng giả, ngoài mặt bà không dám nói nặng nhưng trong bụng cằn nhằn “sao mấy sư cứ vòi vĩnh hoài vậy, không biết xấu hổ”. Thấy chư tăng từ xa là bà nghĩ không biết bữa nay mấy ông thầy tới làm gì nữa đây? Bà bực bội lắm.

Một hôm, đức Thế Tôn nghĩ bà nghiệp chướng sâu dày, ngài muốn độ nhưng biết bà lão không có duyên ngài. Khi thấy Phật đi đằng kia bà ngó chỗ khác. Phật biết thế nên hóa hiện ra nhiều thân, có mặt khắp mọi hướng. Nơi nào bà ngó đều có Phật đi tới, bà liền ngó xuống đất. Phật biết mình không có duyên với bà ta rồi, Ngài liền quán sát trong tăng đoàn, thấy có một người độ được bà. Đó là La Hầu La. Mỗi khi thấy ngài La Hầu La từ đằng xa là bà đứng dậy chạy ra đón mừng. Không gì lạ, bởi duyên trong nhiều đời bà đã từng là mẹ của ngài, nên còn hơi hướm tình thương thuở trước, do đó tôn giả La Hầu La là người độ bà.

Ở đây trên con đường Phật đạo dài lâu, chúng ta từng bước gầy dựng, quan tâm gìn giữ làm sao tâm Bồ-đề của mình vững chắc, không để thoái tâm. Cố gắng gìn giữ thì những sự kiện phát sinh trong giai đoạn tu tập không làm gì được chúng ta. Phải biết nuôi dưỡng tâm Bồ-đề, vì đó chính là bảo vệ tánh giác của mình. Đức Phật không bao giờ chấp nhận những ai bữa nay hứng lên ngồi thiền bỏ ăn, ngồi suốt đêm suốt ngày. Làm được hai ba ngày, sau đó thấy mệt bỏ luôn. Tu kiểu một nắng mười mưa như vậy nhất định không bao giờ thành công cho được.

Con đường Phật đạo liên tục dài lâu, chịu đựng gan dạ và phải một bề tiến thẳng mới đến nơi đến chốn được. Thành ra ở bước thứ hai, chúng ta phải bảo vệ được tâm Bồ-đề. Nghĩa là từ hồi chúng ta mới bén duyên đến với đạo, chưa hiểu biết gì về đạo, rồi từ từ học Phật, phát tâm tu hành, nuôi dưỡng dần dần cho tới khi chúng ta hiểu đạo, áp dụng tu tập. Chúng ta giữ cho được liên tục, không để bất cứ lý do gì làm hỏng đi. Chủng tánh Bồ-đề mà bị hư thối rồi thì không làm sao gầy dựng lại được. Luôn luôn với tâm thành khẩn, hướng tiến, biết rõ con đường dài lên dốc ngược, chúng ta phải gắng gỗ mà đi, đi mãi. Như thế không tính thời gian, gặp khó khăn chi cũng cứ tiến thẳng, nhất định sẽ thành công.

 

3. Phát đại nguyện rộng lớn:

 

Người tu hành nào cũng phát đại nguyện hết. Trong thời khóa chúng ta tu tập hằng ngày có mười hai lời nguyện, đó là những đại nguyện. Tại sao gọi là đại nguyện? Vì đó là những lời nguyện tỉnh táo sáng suốt để thành tựu Phật đạo. Chúng ta không nguyện được bao nhiêu vàng, bao nhiêu tài sản, không nguyện có thân tướng như trời như vua, mà nguyện tâm Bồ-đề được kiên cố, nguyện tất cả những vị thiện hữu tri thức trong mười phương vì lòng thương tưởng mà hỗ trợ cho mình thành tựu được đại nguyện. Chúng ta cũng biết những vị đó đang tiến hoặc tiến trước mình một khoảng trên con đường tu tập Phật đạo, họ chưa xong việc. Do vậy có thể họ cũng không cho mình được gì cả. Song ta chỉ mong họ có điều kiện hỗ trợ mình, giống như hai người bạn cùng làm ăn với nhau. Một người bị hoàn cảnh suy sụp, công việc làm ăn thất bại, tài sản tiêu hết. Một người có điều kiện phát huy được trở thành giàu có vô cùng. Bây giờ người bạn thân đã bị khánh kiệt không mong người kia đem cho mình tài sản, mà chỉ mượn thôi, khi gầy dựng sự nghiệp được sẽ trả lại.

Cũng thế, người đệ tử Phật hiểu biết một cách cụ thể, sống vững với tinh thần Phật lý căn bản là mình chỉ nương nhờ tạm thôi. Ở đây thiện hữu tri thức hỗ trợ cho những lời nguyện của mình. Chúng ta chưa thành Phật nhưng phát nguyện thành Phật, chưa độ chúng sanh nhưng phát nguyện khi giác ngộ sẽ độ hết chúng sanh. Tôn giả A Nan khi nhận ra được yếu chỉ rồi, ngài phát nguyện trước đức Thế Tôn: “Con nguyện độ tất cả chúng sinh được thành Phật rồi con thành mới thành Phật. Nguyện Phật chứng minh và hỗ trợ cho con thực hiện được lời nguyện này”. Đây là cách phát đại nguyện của chư vị Bồ-tát.

Đức Phật trong thời tu nhân hành Bồ-tát đạo, có một khoảng ngài rơi vào địa ngục, thấy nhiều tội nhân bị hành hạ khổ sở vô cùng. Quỷ sứ bắt họ kéo chiếc xe bằng sắt rất nặng, bọn chúng đứng trên xe đâm chém vào người tội nhân. Hoặc cho tội nhân đội vòng lửa xoay trên đầu. Nghe tiếng rên la, kêu gào đau đớn thống khổ của họ, Ngài thương quá nên phát nguyện: “Tôi nguyện thay tất cả nỗi khổ này cho chúng sinh, nguyện từ nay về sau đứng ai gầy dựng nhân xấu để rơi vào địa ngục chịu muôn vàn sự thống khổ như thế này. Ngài  vừa phát nguyện như vậy đó thì những chiếc xe sắt rớt ra hết, và bỗng nhiên ngài thấy mình bay lên hư không. Nhờ tâm từ bi mở ra, ngài phát nguyện thay khổ cho tất cả chúng sanh, nguyện mười phương các bậc hiền thánh hộ trì giúp cho chúng sanh hết mê lầm, không gây tạo những nghiệp nhân bất hảo, để đừng bị đọa vào địa ngục, nên ngài ra khỏi chốn lửa dữ.

Ở đây nói phát đại nguyện là như vậy, tức là phát tâm  giác. Phát được tâm giác rồi thì tất cả cửa mở ra. Chúng ta hễ phát tâm được thì mình vui vẻ, trong lòng cởi mở. Ngược nếu nếu chấp chặt thí sẽ bị mất hết. Như người sợ kẻ trộm, làm rào dậu, chuông điện đủ thứ, càng sợ nó càng tìm vô lấy của. Cuối cùng mỗi nghiệp theo nghiệp mà trôi lăn. Khi học Phật pháp rồi chúng ta thấy con người khó cưỡng lại được nghiệp của mình, chớ không phải họ không biết.

Nói tới đây tôi nhớ hồi nhỏ lúc tôi ở chùa Vạn Đức. Vùng đó hồi xưa có nhóm bụi đời dữ dằn lắm. Tên chúa đảng có sở thích là ban đêm muốn ăn cháo gà, nên đàn em đêm nào cũng kiếm gà về nấu cho anh ta ăn. Đàn em kiếm riết rồi sợ quá, vì người ta bảo vệ gà rất kỹ, cuối cùng đích thân hắn đi. Bữa đó thấy ảnh chết, tôi đi ngang cũng không dám ngó nữa. Người nuôi gà giăng điện trên bờ rào, ảnh vừa nhảy vô nằm vắt ngang trên đó bị điện giựt chết. Họ lôi ra để ngoài đường từ sáng cho tới chiều, cả gia đình của anh đi ngang cũng không dám nhận. Thiên hạ phỉ nhổ, chê cười. Thật ra, không phải anh không biết điện giật sẽ chết, nhưng do cái nghiệp nó sai khiến dẫn đi như vậy.

Nói tóm lại phát đại nguyện là mở lòng ra, phát tâm giác, cầu giải trừ tất cả nghiệp tập, tu hành cho tới viên thành Phật đạo.

 

4. Tâm từ bình đẳng:

 

Lòng thương trải rộng bình đẳng không phân biệt thân sơ. Muốn có được tâm từ bình đẳng quả thực rất gian nan. Trong cuộc sống có những trường hợp, những con người vừa gặp tự nhiên mình thương. Có người mình phải phân tích, phải phát tâm lắm mới thương nổi. Bây giờ làm sao quí vị thương được kẻ vừa lấy trộm đồ trong nhà mình, điều này khó lắm. Nội mình đang đi đây, rủi họ đụng mà không xin lỗi, có vẻ kênh kênh là mình muốn đập rồi, chứ ở đó mà nói thương. Nhưng trong tinh thần Phật dạy chúng ta phải thương được, xóa được, bình đẳng được với những người như thế.

Muốn thực hành điều này, chúng ta phải nhớ lời Phật dạy là tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tất cả đều là Phật sẽ thành. Như vậy sẽ không có ông Phật nào giận ông Phật nào hết. Mình giận là không phải Phật rồi. Ta đâu nỡ lòng nào phủ nhận mình không phải là Phật. Do vậy nên dù sự cố xảy ra làm sao, chúng ta cũng cố gắng hành trì chỗ này. Không giận một vị Phật tương lai nào cả, đó là giữ được tâm bình đẳng giữa Phật Phật với nhau.

Trong kinh Pháp Hoa có một phẩm ghi lại hình ảnh tu tập và hoằng hóa của Bồ-tát Thường Bất Khinh. “Thường” là lúc nào cũng như vậy, “Bất Khinh” là chẳng dám xem thường ai hết. Phương pháp giáo hóa của ngài là đi đâu, gặp ai từ xa bất luận tăng ni hay đạo tục, ngài đều chấp tay bái bái nói lớn: “Tôi không dám khinh các ngài, các ngài là Phật sẽ thành”. Bài thuyết pháp và hành động của ngài lúc nào cũng như thế. Bài thuyết pháp ấy nhắc cho chúng ta nhớ mình là Phật sẽ thành, tức chúng ta có dòng họ, có chủng tử Phật. Phát huy tinh thần tu tập Bồ-tát đạo của các Phật tử là như thế.

Phát đại nguyện, phát Bồ-tát tâm, gầy dựng tinh thần bình đẳng triệt để, là bắt đầu bước những bước khó rồi. Cho nên nói con đường tu tập Bồ-tát hạnh đi đến viên thành Phật đạo là con đường dài lâu, kiếp số vô lượng vô biên. Đức Thế Tôn đã cho chúng ta biết ngài trải qua những giai đoạn như thế trong ba a tăng kỳ kiếp. Vì vậy cần phải lập chí thật vững chắc, siêng năng tinh cần, không tính hạn lượng, chỉ một tâm hướng đến việc tu tập mà thôi.  

 

5. Hạ thấp mình để cầu học Phật pháp:

 

Khi tu hành, chúng ta được sự hướng dẫn của chư tăng, quí thầy thường dạy, người Phật tử gặp chư Tăng Ni và các bạn đạo của mình, phải chấp tay chào: “A Di Đà Phật”. Gặp nhau thưa anh thưa chị là phép tắc ngoài đời. Vì có anh chị thì có hoặc là anh chị họ nội, hoặc anh chị họ ngoại. Rồi anh chị bên họ nội gần gũi hơn anh chị bên họ ngoại hoặc ngược lại v.v… phân biệt nhiều chừng nào thì phiền não phát sinh chừng nấy. Trong đạo không như thế, gặp nhau người lớn người nhỏ, người quen người không quen đều là bà con hết, vì tất cả đều là Phật sẽ thành hết, nên chấp tay xá chào: “A Di Đà Phật”. Bây giờ chúng ta tu Bồ-tát đạo để viên thành Phật đạo thì nhất cử nhất động gì cũng đều hướng về Phật đạo.

Cho nên ở giai đoạn thứ năm phải hạ mình xuống học đạo. Tất cả mọi công phu, việc làm trong đạo, không thể nghe sơ qua mà làm được, phải học, phải có thầy. Chúng ta luôn được hướng dẫn, hun đúc tinh thần tu tập trong một môi trường, một điều kiện nhất định. Quí Phật tử thấy chư Tăng Ni xuất gia như chúng tôi, được hun đúc trong một thiền viện để nuôi dưỡng phát huy tinh thần cầu đạo giác ngộ giải thoát. Bởi vì việc này khó chứ không phải dễ, không phải nói là làm được. Có khi nói được, nói rất hay mà làm không được, cho nên phải được khép trong một cái khung, để từng bước chúng ta làm cho được. Vì thế người vào đạo bước ban đầu phải khiêm nhường, hạ thấp xuống để học, dù cho bản thân mình là hạng người nào.

Chúng ta đọc kinh, thấy các vị Bồ-tát học đạo nơi những người thị hiện loài súc sanh. Bồ-tát học đạo với chồn, cáo, hổ chẳng hạn. Bởi vì có khi các loài súc sanh ấy là lớp thị hiện của Bồ-tát để thử tâm người học đạo. Trong kinh Phật nói giáo pháp của đức Thế Tôn không phân biệt chủng tộc, giai cấp. Đức Phật thị hiện ra đời để phá giai cấp, nhất là bốn giai cấp đè nặng trên vai người Ấn Độ. Trong đó giai cấp Thủ Đà la là giai cấp thấp nhất, bị đè bẹp, bị bóc lột, phải làm nô lệ cho cho các giai cấp trên từ đời này sang đời khác, không thể cất đầu lên được. Trong giáo đoàn của đức Phật có những vị A La Hán, gốc tích từ dòng nô lệ, như trưởng lão U Ba Li, vị Thánh đệ tử hành luật bậc nhất.

Có lần đức Thế Tôn trên đường hoằng hóa, gặp một vị trong giai cấp Thủ đà la. Thường những người giai cấp này có cái chuông gắn nơi chân, họ đi đâu chuông kêu keng keng, báo động những dòng tộc quý phái biết có bọn Thủ đà la ở gần nên tránh đi, vì gặp là xui lắm. Người này đang gánh phân, nghe nói có đức Thế Tôn ở trước, ông sợ quá tìm cách tránh. Đức Phật quán sát thấy người này hữu duyên, có thể hóa độ được, nên ngài thị hiện khắp mọi ngỏ ngách. Ông tránh chỗ nào cũng gặp Phật hết. Cuối cùng đức Thế Tôn nhiếp phục, độ vị Thủ Đà La này thành Tỳ-kheo và chẳng bao lâu vị ấy chứng Thánh quả. Sự việc này khiến vua Ba Tư Nặc rất bất mãn. Bởi vì vua là đệ tử Phật, mỗi lần lên hầu chuyện Phật, thưa hỏi Phật pháp, nhà vua đảnh lễ đức Thế Tôn và tất cả các vị thánh A La Hán, trong đó có ông Thủ đà la này.

Chịu hết nổi, vua nhất định tìm đức Thế Tôn, trình bày cho ra lẽ: Muốn giáo đoàn cao quý tốt đẹp, vì sao Như Lai lại nhận những người như thế vào trong tăng đoàn? Hôm ấy ông đến, đức Thế Tôn đang nghỉ trưa, cửa đã đóng. Có một vị tỳ-kheo ngồi bên ngoài, ông tới chấp tay thưa: “Bạch thầy, làm ơn cho tôi vào gặp đức Thế Tôn”. Vị Tỳ-kheo nói bây giờ là buổi trưa, chư tăng chỉ tịnh, đức Thế Tôn đang nghỉ ngơi. Vua nói: “Không, tôi là đệ tử đặc biệt của Phật, tôi đến giờ nào Phật cũng cho gặp hết. Phiền ngài hoan hỷ trình lại đức Thế Tôn là có vua Ba Tư Nặc tới yết kiến Như Lai”. Vị tỳ-kheo thấy không ngăn được, ngang cổng tinh xá có một cục đá to, ngài dụng thần lực đi xuyên qua cục đá ấy, vào trong không cần mở cửa. Vua thấy nể quá, thầy giữ cửa của đức Phật mà có thần thông như thế, nên không dám khinh suất giáo đoàn. Sau khi Tôn giả ấy vào thưa với đức Phật, Thế Tôn hoan hỷ cho vua vào.

Gặp Phật nhà vua đảnh lễ, lời đầu tiên của vua là: “Kính bạch đức Thế Tôn, tôn giả giữ cửa hôm nay là tôn giả nào mà có thần lực đặc biệt như thế?”. Đức Phật cười nói: “Đó là người hôm nọ gánh phân trong dòng Thủ đà la hạ tiện đó, nay đã xuất gia đã thành thánh quả rồI”. Nghe xong lời này, nhà vua phá tan tâm đố kỵ, cố chấp về giai cấp của mình.

Cho nên trên bước đường tu học, chúng ta phải hạ tâm xuống học hỏi với tất cả mọi người.

6. Tâm từ bi nhẫn nhục:

 

Tâm từ của chúng ta có chứ không phải không, nhưng nó giới hạn lắm. Tiền thân đức Thế Tôn tu nhân bố thí, ngài phát nguyện bố thí con mắt. Nhưng từ sáng tới chiều không có người đến xin, Bồ-tát rất buồn. Khi có người tới xin ngài rất hoan hỷ, người xin chưa kịp hỏi, ngài đã móc mắt cho rồi. Người kia cầm lên nói: “Tôi xin con mắt phải, ngài cho con mắt trái, đâu có dùng được”. Nói xong, kẻ ấy ném con mắt của đức Phật xuống đất. Nếu lúc đó tâm từ bi vô ngã vị tha không phát triển thì sân hận nổi lên. Song Bồ-tát tu hạnh bố thí Ba la mật, chẳng những không sân giận mà còn vui vẻ móc con mắt còn lại cho nốt. Chỉ có tâm từ bi, bình đẳng mới thành tựu được như thế.

Cho nên trong giới hạnh tu Bồ-tát đạo để đi đến Phật đạo khó khăn vô cùng, chúng ta thành tựu được mới viên thành Phật đạo. Từ bi nhẫn nhục mà không thấy có mình, có người mới có thể đạt ba la mật. Người tu phải đầy đủ dũng lực, trí lực khả dĩ thực hành hạnh này tới nơi tới chốn. Bằng ngược lại, yếu đuối hoặc không có trí tuệ thì không thể thực hành hạnh từ bi nhẫn nhục một cách rốt ráo được.

 

7. Tinh tấn giải thoát:

 

Tinh tấn trên con đường giải thoát, cuối cùng làm được tất cả việc khó làm, bỏ được tất cả việc khó bỏ. Hai chặng này là hai chặng viên mãn nhất.

Có những việc làm chúng ta thể hiện được tinh thần Bồ-tát, nhưng tâm Bồ-tát chưa hoàn toàn viên mãn. Do vậy nên mình chỉ làm trong một chừng mực nào thôi. Bây giờ chúng ta phải mở rộng biên cương ấy ra, xóa hết mê ngộ mới viên thành Phật đạo. Như trời trưa nắng gắt, gánh nặng đường xa, muốn đi đến nơi thì những gì trong gánh phải bỏ hết, cuối cùng cái gánh cũng bỏ luôn. Thân này, hoàn cảnh này, sự sống này, tất cả sự kiện chúng ta loại bỏ hết.

Hòa thượng thường dạy, thân này không thật, hoàn cảnh không thật, các pháp không thật, tâm của mình cũng không thật nữa. Do vậy mình vững vàng bỏ tất cả những cái không thật đó, để sống với tánh giác của mình. Mỗi người chúng ta đều có sẵn tính giác. Ai khéo thực hiện Bồ-tát đạo là phải loại bỏ hết những gì không phải tánh giác để nhận lại sống lại với cái chân thật ấy. Tuy chúng ta có tánh giác nhưng từ lâu quay lưng, bỏ quên nên bây giờ vọng tưởng phiền não bu bám che mờ tánh giác. Bây giờ muốn tánh giác hiển lộ thì phải giạt những thứ tạp nhiễm ra. Hy vọng trên bước đường tu tập, chư huynh đệ nắm vững, hiểu biết lộ trình như vậy để bước từng bước thật vững.

 

8. Khắc phục hoàn toàn tất cả những khổ đau, được an vui giải thoát:

 

Khi chúng ta đã thực hành trọn vẹn bảy bước trước là có thể bước sang bước thứ tám. Nhờ nhận và sống lại được với tánh giác chân thật có sẵn nơi mình, chúng ta không còn mê muội, không còn phiền não, do đó cũng không còn khổ đau. Nghĩa là tới giai đọan này hành giả hoàn toàn khắc phục tất cả khổ đau, được an vui giải thoát. Bước thứ tám là đi đến kết quả viên mãn. Chúng ta tự giác, giác tha đầy đủ công đức  thì mới thành tựu Phật đạo.

Nhân ngày đầu xuân, kỷ niệm Bồ-tát Di Lặc là vị Bồ-tát hoan hỷ, không còn chấp thủ, tất cả người con Phật chúng ta nhất tâm hướng về ngài, kính lễ ngài và nhớ lại gương hạnh của ngài, phát nguyện thực hiện cho được gương hạnh đó, thực hiện cho được tâm bình đẳng, từ bi trí tuệ, đi từ từ bước đầu giới hạnh thanh tịnh cho đến bước cuối cùng là bỏ được tất cả những gì khó bỏ để được giải thoát an vui vĩnh viễn.

Kính chúc những người con Phật chúng ta luôn tỉnh sáng, thực hiện trọn vẹn nguyện lành của mình, tu tập cho đến viên mãn Phật đạo.

 

thientongvietnam.net