Nghiệp là một vấn đề hết sức quan trọng đối với tất cả chúng ta. Dù là Phật tử hay không phải Phật tử, các vị cũng biết nghiệp và bị nó chi phối, đây là định luật không ai thoát khỏi. Tuy nhiên là Phật tử, chúng ta hiểu và biết cách chuyển hóa nghiệp. Ban đầu từ những nghiệp không tốt chuyển thành nghiệp tốt. Tu lâu xa hơn thì đi đến dứt sạch nghiệp.
Vì sao nói nghiệp là định luật? Vì không chúng sanh nào thoát khỏi nghiệp riêng của mình hết. Như chúng ta đang mang nghiệp làm người. Trong sự sống những việc ăn mặc, làm việc, tiếp xúc, chúng ta bị nghiệp của mình chi phối. Nghiệp này chẳng những chi phối trọn đời chúng ta, mà còn trích trữ để chuẩn bị cho những đời kế tiếp nữa. Muốn giải quyết dứt điểm vấn đề quả thật khó khăn. Bởi nó liên hệ tới ba đời quá khứ hiện tại và tương lai. Trong kinh nhân quả nói: “Muốn biết tương lai của mình thế nào cứ nhìn thẳng vào hành động hiện tại”.
Nhìn vào một gia đình, chúng ta không thể kết luận vì sao họ lại có hoàn cảnh như thế. Theo tinh thần nhà Phật, sở dĩ hôm nay gia đình như vậy là do quá khứ các thành viên của gia đình đó đã tạo những nghiệp nhân xấu hoặc tốt thế nào đó, đời này có quả báo tương ứng. Nhìn vào hiện tại chúng ta có thể đoán định được gia đình đó sẽ có một tương lai thế nào. Nói nghiệp tức là nói tới hành động của chúng ta trong quá khứ, hiện tại dẫn tới vị lai. Nếu là hành động của mình thì chúng ta có quyền chuyển nó. Giả dụ đời ông nội mình làm ruộng, đến đời mình cũng làm ruộng, nhưng sang đời con cái mình, nó học hành thăng tiến nên hết làm ruộng. Nó bán ruộng để làm các xí nghiệp, áp dụng phương thức khoa học, tổ chức theo đời mới. Đó là chuyển nông nghiệp sang công nghiệp.
Nghiệp lực cũng vậy. Hành động của chúng ta trước đây xấu, bây giờ mình chuyển thành tốt. Nếu quyết tâm thì chuyển được. Ví dụ hồi trước quí vị không thể ăn chay, không thể đi chùa, không thể tụng kinh ngồi thiền, bây giờ có thể làm các việc công đức ấy. Ngày xưa thấy người đi xin quý vị không nhìn tới, bây giờ biết lấy tiền ra cho tùy theo khả năng của mình, sẵn sàng tham gia những việc từ thiện xã hội. Đó là chuyển nghiệp bất thiện sang nghiệp thiện. Đây là điều kiện thuận lợi cho chúng ta suy nghiệm tu tập. Bởi vì tu là sửa đổi, quán chuyển, loại bỏ những thứ không cần thiết, tích lũy công đức trí tuệ để đi tới mục đích cứu cánh là thanh tịnh giải thoát. Việc này ai cũng làm được, già trẻ luôn cả những người bệnh hoạn nhất cũng có thể tu tập được.
Tuy nhiên quyết tâm chuyển nghiệp hay không đó mới là điều chủ yếu của mỗi chúng ta. Thành ra trong kinh nói: “Chính chúng ta phải lãnh phần trách nhiệm về những hành động của mình trong quá khứ, để bây giờ gặt hái sự an vui hay đau khổ trong hiện tại. Chính ta tạo thiên đàn cho ta, cũng chính ta tạo địa ngục cho ta. Ta là người xây dựng tương lai của mình.” Cho nên muốn hoán chuyển nghiệp hay không là tự mình. Nghiệp của mình thì mình chịu, nên thể trông chờ, ỷ lại ai giải quyết thay thế mình. Như trong gia đình, mỗi người con đều có phương thức làm ăn, cha mẹ chia của đầy đủ, đứa nào siêng năng giỏi giang thì thành công, đứa nào lười biếng nhác nhúa thì thất bại. Những đứa con sáng suốt biết làm ăn, tạo được tài sản là do cần cù, khéo léo, có phương pháp, có trách nhiệm thì chúng sẽ xây dựng được sự nghiệp. Những đứa con ỷ lại cha mẹ, mong mỏi người khác giúp đỡ, cứ như thế thì không làm được gì cả. Tinh thần của đạo Phật không chấp nhận người như vậy. Tạo thiên đường cũng mình, mà thành địa ngục cũng mình, chớ không ai khác. Sự giúp đỡ lo lắng của cha mẹ, sự bảo bọc của người thân có một giới hạn nào thôi. Nếu chúng ta nhận định chính xác như vậy, thì trong đời sống không ỷ lại, không buông trôi. Vì ta biết rõ sự an lạc tốt đẹp từ công sức khả năng của mình gầy dựng nên. Người tu hành không thể ngồi đó cầu đức Phật hoặc Bồ Tát đến xoa đầu an ủi hứa sẽ rước lên Niết-bàn. Chúng ta biết rằng tu được hay không là do mình, tốt đẹp hay không cũng do mình. Đức Phật chỉ là bậc đạo sư, mỗi chúng ta tự thực hành. Dân quê hay nói: Ông tu ông đắc, bà tu bà đắc, không tu không đắc.
Quí vị thử nghiệm xem từ đâu có người yểu, người thọ, người bệnh người mạnh, người xấu người đẹp.… Có người làm gì cũng không ai làm theo, nói gì cũng không ai nghe theo. Nhưng có hạng người làm gì cũng có người làm theo, nói gì cũng có người nghe theo? Hoặc khi quí vị buồn khổ quá, tự hỏi không biết do đâu mình lại khổ đau như vậy v.v... Đây là những vấn đề trong kinh nhân quả, Phật tử có hiểu mới áp dụng Phật pháp vào đời sống, từ đó hết khổ được vui.
Trong kinh dạy: “Tất cả chúng sanh đều mang theo nghiệp của chính mình như một di sản, như vật di truyền, như người chí thân, như chỗ nương tựa. Chình vì nghiệp riêng của mỗi người mỗi khác nên mới có cảnh dị đồng giữa chúng sanh.” Như thế mỗi người đều có nghiệp riêng không ai giống ai hết. Quý vị thấy chúng ta bao nhiêu người là bấy nhiêu nét, không ai giống ai hết, kể cả anh em sinh đôi cũng không thể hoàn toàn giống nhau y hệt. Như cha con ruột, con giống cha cũng giống điểm nào thôi, còn rất nhiều điểm không giống. Bởi lẽ không giống nên dân quê nói: “Sanh con há dễ sanh long”. Sanh con được chớ không sanh được lòng con. Nói thế nghĩa là con có những diểm không giống cha mẹ.
Người cả đời sát sinh như thợ săn, hằng ngày sống trong sự giết chóc và gây nghiệp thương tích không chút xót thương đối với chúng sanh. Người này nếu tái sanh làm người thì không sống lâu, tức là yểu mệnh. Đối với mạng sống chúng sanh họ không chút thương yêu, bàn tay luôn luôn làm việc sát hại nên kết quả họ tái sinh làm người thì mạng sống họ ngắn ngủi, bệnh hoạn liên miên. Biết như vậy rồi Phật tử không bao giờ hiếu sát, đó là tu. Quý vị đừng nghĩ rằng phải xuất gia như quý thầy, ăn chay giữ một hai trăm điều giới mới gọi là tu. Không phải! Đó là hình thức, là phương tiện giúp cho người tu hoàn bị tư cách của mình. Người xuất gia mặc áo Phật phải giữ những điều giới cho hợp với tư cách của người xuất gia, còn việc tu thì y cứ trên tâm chuyển hóa, sửa đổi tu tập của mỗi người, không lập cước theo hình thức bên ngoài. Phật tử biết người chết yểu là do có tính hiếu sát, thì bây giờ không gây nhân đó nữa. Trong mọi sinh hoạt quí vị luôn nghĩ nhớ thương tưởng sinh mạng chúng sanh, tránh gây thương tổn cho chúng. Nếu làm được như vậy là tu.
Người luôn luôn thận trọng không hề xúc phạm đến đời sống của kẻ khác, sống xa guơm đao giáo mác và các loại khí giới. Lấy lòng từ ái đối xử đối với tất cả chúng sanh, người này tái sanh được trường thọ. Trái lại với người yểu thọ là người sống luôn luôn thận trọng không hề xúc phạm đến mạng sống của chúng sanh. Trong giới sát, Phật tử cố gắng giữ được bao nhiêu hay bấy nhiêu, quan trọng là tuyệt đối không được giết người. Kế đến là mạng sống của những con vật lớn trâu bò, những con vật mình nuôi. Ngoài ra Phật tử luôn có lòng trắc ẩn không nở làm hại những con vật yếu đuối cô thế hơn mình. Nếu quí vị hoán chuyển hướng sinh hoạt như vậy là biết tu, kết quả là sẽ được trường thọ. Phương pháp đức Phật hướng dẫn chúng ta tu rất khoa học, không có gì huyền bí cả. Phật không dạy thần thánh đến ban tuổi thọ cho mình, do tự ta thôi. Vì vậy Phật tử không ỷ lại, không trông đợi vào thế lực khác. Muốn yểu thọ hay trường thọ đều tự mình, không ai có thể được.
Lại nữa, kẻ độc ác luôn tìm cách hại người, dùng gươm đao đối xử với người… Kẻ này nếu tái sanh làm người, thân thể ương yếu bệnh hoạn”. Quý vị thấy ai thân thể ương yếu, luôn bệnh tật không có sức khỏe v.v... thì biết người này gây nhân tác hại đến chúng sanh. Phật tử không muốn thân thể yếu đuối bệnh hoạn mà bây giờ phải mang thân bệnh hoạn thì biết hồi trước mình gây những nghiệp nhân ác, như dùng gậy gộc, đấm đá, đao gươm sát hại chúng sanh. Cho nên bây giờ mang báo nghiệp như thế. Biết như vậy chúng ta ăn năn chừa bỏ không gây nhân đó nữa, tức là biết hoán chuyển nghiệp, biết tu.
Người nào không làm tổn thương người khác, đủ đức tánh hiền lương nhu hòa, khi tái sinh có thân thể khỏe mạnh. Điều này rõ ràng hợp với đạo lý dân gian. Chữ “nhu” là mềm diệu, chữ “hòa” là hòa hợp. Người lúc nào cũng mềm diệu hòa hợp, thương tất cả mọi người, không gây tổn hại ai, người đó hiện tại được quả báo tốt và đảm bảo tương lai có thân thể khỏe mạnh cường tráng. Người thô lỗ, cọc cằn, luôn giận dữ, chửi mắng nguyền rủa người khác, khi tái sanh mang thân xấu xí. Chúng ta không ai muốn mình xấu xí nhưng cứ chửi mắng cọc cằn, giận dữ với người thì làm sao xinh đẹp được. Cho dù quý vị dùng son phấn hoặc phương tiện văn minh sửa sắc đẹp tới đâu, nó cũng chỉ bên ngoài thôi, không phải là cái thật thì không thể bền lâu được. Muốn tráng kiện đẹp đẽ như Phật, Bồ Tát thì phải tu sửa trong tâm, chớ không phải sửa bên ngoài. Như kẻ thô lỗ cọc cằn, hay nguyền rủa chủi mắng người khác, bây giờ sửa lại không thô lỗ cọc cằn nữa mới được dáng vẻ xinh xắn dễ nhìn, dễ coi.
Khi giận lên muốn chửi mắng người ta, mình hiện tướng thô lỗ cọc cằn, như vậy lâu ngày quen theo tướng đó nên rất xấu xí khó coi. Như tôi nghe nói tài tử đóng vai Tề-thiên được huấn luyện thật lâu mới làm được hành động của con khỉ, tới chừng hết đóng phim, tay anh ta vẫn cứ khều khều, mặt nhăn nhăn. Nói chuyện một hồi tự nhiên anh lấy tay móc móc mặt nhăn nhăn y như khỉ đột. Chúng ta cũng vậy, nếu cứ để những bực tức hiện ra tướng xấu hoài, coi chừng mai mốt mặt mày xấu xí, không sửa được.
Người thanh tao nhã nhặn, dù bị chửi mắng cũng không oán giận, tìm cách trả thù. Chúng ta thấy Phật, Bồ Tát không khi nào bị người ta chửi mà tìm cách chửi lại. Điều này giúp chúng ta thêm một kinh nghiệm, khi ra đường thấy ai tự xưng mình là Phật, Bồ Tát, khi ấy có người mắng chửi họ, họ chửi lại thì ta biết đây không phải Phật, Bồ-tát thật rồi. Phật, Bồ Tát thật không khi nào có tâm mạ nhục, ác độc, trả thù chúng sanh. Thật ra người ta chửi mình mà mình không giận là cả một vấn đề. Người ta nói xấu mà mình bình yên tươi cười, không có tâm giận tức, muốn trả thù là việc làm của Phật, Bồ Tát rồi. Cho nên phải là người có công phu mới thực hành được như vậy.
Người có tánh đố kị, thèm thuồng ham muốn lợi danh của người khác, không biết tôn kính người đáng kính, luôn chứa chấp lòng ganh tị. Khi tái sanh, người này không có ảnh hưởng, nói gì không ai nghe, làm gì không ai theo. Huynh đệ muốn nói gì cũng có người nhất trí theo mình, trước nhất không nên mang bệnh tật đố, ham muốn lợi danh của người khác. Bởi vì trong lòng mình không còn bệnh tật, tâm đố kị, ganh ghét đó là đã loại nhân xấu ra. Tinh thần tu học trong đạo Phật rõ ràng như vậy. Cho nên Phật, Bồ Tát thật không bao giờ hiện tướng cho chúng ta dễ nhận đâu. Có khi các ngài hiện ra những dáng dấp mình không lường nổi. Bởi không lường nổi nên ta dễ sai phạm. Người biết tu vượt qua cửa ải này dễ dàng không khó, người không biết tu không vượt qua được.
Như ở Trung Hoa sách sử ghi lại Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Di lặc, Bồ Tát Quán Thế Âm thị hiện ra hình thức trong lớp ăn mày ăn xin dơ bẩn bần tiện, nếu là người thật tu thì không có niệm chê bai, phỉ báng các ngài. Chúng ta nhìn lại mình còn những tật tham lam, tật đố, ganh ghét, gặp người không sẵn sàng ủng hộ chúng ta lại buồn. Từ buồn sanh ra nghi kị, có những sự kiện làm mất đi tình cảm xóm làng, bà con, nên chúng ta phải bỏ thói xấu ấy. Bỏ thói xấu nghĩa là chuyển hóa nghiệp vậy.
Muốn tu tiến quý vị phải có sự nhẫn chịu, đó là sức mạnh. Bình tỉnh sáng suốt nuôi dưỡng sức mạnh, gầy dựng công phu tới khi nào được hoàn chỉnh. Chúng ta thường bị vọng tưởng lăng xăng, điên đảo kéo lôi, mở con mắt ra là bị chúng kéo đi từ sáng tới trưa, từ trưa tới chiều, từ chiều tới tối. Cho tới nhớ lại đã quá muộn. Thế nên phải hàm dưỡng công phu thật liên tục, bền lâu, hy vọng có đủ sức mạnh chiến thăng với nghiệp lực, với vọng tưởng.
Nếu người giàu lòng quảng đại, tính ưa bố thí, biết phục thiện không kiêu hãnh, trọng người đáng kính, người lễ độ như thế kết quả sẽ được quyền quý, có học thức, có địa vị. Người chịu gần gũi người có trí tuệ, tìm hiểu học hành nhất định sống tốt hơn những người không có học. Phật tử muốn hiểu đạo lý cho đúng, ít ra phải đọc sách, nghe chư Tăng thuyết pháp. Không khi nào tự dưng chúng ta hiểu, hay chỉ nghe người chung quanh nói lan man mà có thể hiểu đúng đắn được. Phật bảo người đến với đạo Phật hãy nghe, suy ngẫm hiểu cho chính chắn rồi hãy tin. Đừng bao giờ vội vàng tin càng. Có thế chúng ta mới trở thành người Phật tử hiểu biết đạo lý, có kinh nghiệm hành trì, có cái nhìn sâu sắc. Ứng dụng đạo lý Phật dạy vào đời sống, quí vị sẽ ảnh hưởng tốt đến xã hội. Xã hội Việt Nam chúng ta đang cần được xây dựng lại nền tảng đạo đức. Vì dân tộc đã trải qua một thời kỳ nhiễu nhương, bây giờ cần những điều hay lẽ phải để xây dựng con người tốt, gia đình tốt, xóm làng tốt, xã hội tốt.
Tùy theo hoàn cảnh, điều kiện của mỗi gia đình, Phật tử áp dụng đạo lý Phật dạy vào đời sống để trở thành người công dân Việt Nam mẫu mực. Có tu, có thực hành tức là có sửa, nhất định sẽ có kết quả tốt. Quí vị khỏi cầu nguyện cúng vái cho xã hội tốt, xóm làng tốt, con người tốt mà chỉ cần mỗi thành viên sống tốt là tất cả đều được cải thiện tốt. Việc cầu nguyện không mang lại kết quả thiết thực, nếu chúng ta không hành động thiết thực. Thành ra người Phật tử phải là người hành động thiết thực. Muốn là một công dân tốt thì phải làm tròn bổn phận, nghĩa vụ cá nhân mình đối với cộng đồng, sắp xếp mối tương giao trong gia đình và xã hội nhu hòa, vững bền trong tinh thần tỉnh sáng, đầy đủ đạo đức.
Cuộc sống nói cho cùng có là bao lâu! Phật tử lớn lên lập gia đình lây quây một thời gian rồi già, bệnh, chết. Điều này không ai chạy trốn thoát, mọi người đều phải đi chung một con đường như thế. Chúng ta là người con Phật, không thể nào ngồi đợi già, bệnh, chết ập đến mà phải chuẩn bị. Tu tập, gầy dựng một cái già, bệnh, chết có ý nghĩa đúng với tinh thần đạo Phật. Người hiểu Phật pháp rồi sẽ thấy nhẹ nhàng khi thân này bệnh, vẫn vui vẻ trong sinh hoạt thường nhật. Có áp dụng Phật pháp quý vị mới cảm nhận được sự có mặt của mình trong xã hội là có ý nghĩa. Không phải ta sinh ra rồi mai mốt chết đi, mọi người đều quên lãng. Sự hiện diện của mỗi người chúng ta không bị nghiệp xấu thúc bách, kéo lôi mà mình chuyển hóa tu tập tạo những nghiệp tốt. Như vậy ngày mình từ giả cuộc đời ra đi cũng có giá trị.
Quý vị thấy không khi nào một người cha người mẹ xứng đáng mất đi mà trong gia đình không có người khóc. Chẳng những người trong gia đình mà những người chung quanh cũng ngậm ngùi tiếc thương. Ai cũng thấy dường như mất đi một cái gì quý giá nên tự nhiên cảm xúc. Ngược lại, bình thường mình như cọp beo, người ta nghe mình chết, họ nói đáng đời ông đó. Nếu ta để lại cho đời ác cảm như thế thì cuộc đời mình còn ý nghĩa gì nữa. Chúng ta là Phật tử, không phải đều tốt hết, cũng có cái tốt cũng có cái chưa tốt. Do đó theo lời dạy của Phật chúng ta cố gắng tu tập chuyển hóa cho được tốt đẹp hoàn thiện. Quí thầy cố gắng làm, cố gắng tu rồi hướng dẫn Phật tử cùng hiểu, cùng sửa đổi tập nghiệp xấu để hiện tại chúng ta là người tốt, đảm bảo tương lai cũng được tốt đẹp. Sự hiện hữu của chúng ta như thế mới có giá trị.
Chúng tôi hy vọng đạo Phật sẽ giúp cho tất cả chúng ta chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc, mỗi người Phật tử sẽ là một vị Phật tương lai, độ mình và độ người vượt qua dòng thác tử sanh. Muốn thế chúc quí vị tu tập tốt, có kết quả thiết thực trong đời sống hiện tại cũng như vị lai.