Tám quyển sách quý
HT. Thích Thiện Hoa
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo
05/01/2556 14:22 (GMT+7) Kích cỡ chữ:
QUYỂN 3 NHÂN QUẢ, NGHIỆP, LUÂN HỒI
Đặt Vấn Đề Chương 1: Luật Nhân Quả Chương 2: Nghiệp Chương 3 Luân Hồi Chương 4 Giải Đáp Những Thắc Mắc Nghi Vấn
Mỗi tôn giáo đều có một giáo lý riêng,
để giải thích sự sống. Giáo lý ấy có khi hoàn toàn dựa trên đức tín
thuần túy, có khi dựa trên sự tưởng tượng hoang đường, có khi dựa trên
lòng ước mơ tha thiết của loài người.
Riêng về đạo Phật, giáo lý về sự sống đặt căn bản lên lý trí và thực nghiệm. Giáo lý ấy mệnh danh là Nhân Quả Luân Hồi.
Luật nhân quả không xa lạ gì đối với
những ai có một chút nhân xét và suy luận; luật nhân quả lại càng rất
gần gũi với giới khoa học. Nhờ tin chắc ở luật nhân quả mà nhà khoa học
khám phá ra biết bao nhiêu điều huyền bí của vũ trụ và phát minh được
những cái kỳ lạ cho cõi đời, nhưng nhà khoa học chỉ áp dụng luật nhân
quả trong phạm vi vật chất. Đức Phật đi xa hơn, chứng minh luật nhân quả
cả trong phạm vi tinh thần.
Nhà khoa học chỉ áp dụng luật nhân quả trong một khoảng thời gian nhất
định. Đức Phật đi xa hơn, chứng minh rằng luật nhân quả trong suốt thời
gian: quá khứ, hiện tại và tương lai. Luật nhân quả chứng minh qua thời
gian vô hạn định cả trong phạm vi tinh thần ấy, đức Phật gọi bằng một
cái tên riêng là "Luân hồi". Nói một cách khác, luân hồi là nhân quả
liên tục trong phạm vi tinh thần.
Đã tin nhân quả tất nhiên không thể phủ nhận luân hồi. Vì thế, ngày nay
trên thế giới, không phải chỉ có tín đồ Phật giáo mới tin lý nhân quả
luân hồi, mà các nhà thông thái Âu Mỹ cũng đã lãnh nạp giáo lý ấy. Trong
các báo chí và sách vở ở khắp năm châu, vấn đề nhân quảlLuân hồi đã
được đem ra nghiên cứu một cách đứng đắn và chân thành.
Ở Việt Nam, vấn đề này không xa lạ gì với độc giả, nhất là đối với độc
giả Phật tử, thì lại càng quen thuộc. Tuy thế vấn đề nhân quả luân hồi,
một vấn đề căn bản trong giáo lý nhà Phật, nói bao nhiêu cũng vẫn thấy
còn bổ ích.
Vì nhận thấy sự quan trọng của vấn đề này, nên Thượng tọa Thiện Hoa đã
soạn lại những bài giảng của Thượng tọa, sắp đặt lại thành hệ thống
trong tập sách này và lấy nhan đề chung là: "Nhân quả Luân hồi".
Đặc điểm của tập sách này là sự trình bày rất sáng sủa, phổ thông và khoa học.
Với đặc điểm trên, chúng tôi tin chắc rằng tập sác nhỏ này sẽ ổn định
được tinh thần những ai đang băn khoăn, thắc mắc về vấn đề sống chết, về
ý nghĩa của cuộc đời, và sẽ gây thêm lòng tin tưởng vững chắc cho hàng
Phật tử và giúp họ thêm hăng hái trong việc tu hành để chóng thoát khỏi
cảnh sanh tử luân hồi.
Với lòng tin tưởng ấy, chúng tôi hân hạnh xin giới thiệu tập sách nhỏ này với toàn thể qúy vị đọc giả thân mến.
Kính,
Hương Đạo (21-08-1960).
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong cõi mông lung, vô cùng vô tận
của trời đất, con người thật bé nhỏ, như một hòn sỏi, như một hạt cát;
trong cái vĩnh viễn không đầu không cuối của thời gian, con người xuất
hiện và mất đi nhanh như ánh sáng chợt đỏ, chợt tắt của con đom đóm, như
ánh sáng của một làn chớp. Nhưng khổ thay, con người bé nhỏ và chóng
tan biên ấy lại mang trong đầu óc những câu hỏi quá to lớn: "Ta từ đâu
đến đây? Ta đến đây để làm gì? Đến đây rồi ta sẽ chấm dứt cuộc hành
trình sau hơi thở cuối cùng ở đây, hay còn tiếp tục đi nữa? Đi đâu? Đi
hay về? Đi theo một con đường thẳng hay đường cong? Đi xuống hay đi
lên?". Quá khứ đã không hay; tương lai cũng sẽ không biết, còn hiện tại
thì quá ngắn ngủi phù du!
Và than ôi! ngay trong cái hiện tại ngắn ngủi ấy, cũng đã chứa đựng không biết bao nhiêu sự bất công, vô lý:
- Tại sao người ấy đẹp mà ta xấu? người kia
giàu mà ta nghèo? người ấy sướng mà ta khổ? Tại sao có người chết yểu,
có người sống lâu? có người thông minh có người ngu muội? có người hiền
lương, có kẻ ác độc?
- Tại sao và tại sao!
Bao nhiêu câu hỏi xoay tít trong đầu, như những cái chong chóng, gầm
thét kêu gào, đòi hỏi, làm cho người ta điên đầu, lộn não. Để chấm dứt
sự hoành hành của những câu hỏi ấy, có người đã tìm cách chấm dứt đời
mình với thuộc độc; có người lẫn tránh trong thuốc phiện, trong rượu
nồng dê béo, trong sóng mắt làn môi...
Đề cho khỏe não, có người tự bảo mọi sự mọi vật đều do ý Trời sắp đặt;
có người bảo là do một mãnh lực tiền định, có người bảo là sự may rủi
trớ trêu, không có nguyên do, luật lệ gì cả.
Nhưng những câu giải đáp gượng gạo trên, không làm thỏa mãn được những tâm hồn thiết tha muốn tìm hiểu sự thật:
Bảo rằng do ý một vị Thần sắp đặt thì ý vị thần ấy thật mâu thuẫn, phi
lý, độc tài. Xưa, đức Phật đã nói như sau đây, khi đề cập đến thần
Brahma:
"Người đã chứng kiến bao sự đau khổ ở trước mắt, tại sao không làm cho
chúng sanh được an vui? Nếu người ấy có nhiều thần lực, tại sao không
dùng thần lực để cứu độ chúng sanh? Tại sao những con sanh của người ấy
lại phải chịu lắm điều khổ sở? Tại sao người ấy không ban phước lành đến
cho con họ? Tại sao những xảo quyệt giả dối, mê lầm vẫn tồn tại mãi
mãi? Tại sao gian xảo càng ngày càng tăng tiến, còn chân lý và công bằng
lại phải lu mờ? Ta xem thần Brahma như một người vô cùng bất công đối
với kẻ bị sanh ra trong thế giới đầy dẫy nhơ bẩn, xấu xa này". (Kinh
Bhùcidatta Jataka).
Nếu bảo rằng mọi sự vật ở đời đều do một sức mạnh tiền định, chi phối
tất cả, thì thử hỏi sức mạnh ấy là sức mạnh gì? Của ai? Có sáng suốt hay
mù quáng? Nếu không giải đáp được những câu hỏi phụ thuộc ấy, mà cử
quyết đoán như thế, thì thật là quá nông nổi.
Còn nếu bảo rằng sự hiện hữu của cõi đời này, không do một nguyên nhân
gì cả, thì thật là vô cùng phi lý! vì chúng ta hãy nhìn chung quanh ta,
có một cái gì sanh ra mà không có nguyên nhân không?
Riêng nói về sanh mạng con người, có hai quan niệm thông thường, trái ngược nhau:
- Quan niệm chấp đoạn, cho rằng con người chỉ có một đời trong hiện tại,
trong khoảng một trăm năm; đến khi nhắm mắt xuôi tay, thân thể tan ra
tro bụi và kiến văn, tri giác cũng không còn gì hết. Chết là hết, là
hoàn toàn mất hẳn.
- Quan niệm chấp thường, cho rằng linh hồn bất tử: sau khi chết, thân
thể tan rã, nhưng linh hồn thường còn mãi mãi, sẽ lên cõi Thiên đường để
thọ hưởng vĩnh viễn những sự an vui khoái lạc (nếu trong đời hiện tại
ăn ở hiền lương) hay sẽ bị đoạ xuống địa ngục chịu khổ mãi mãi (nếu
trong đời hiện tại làm nhiều điều tội lỗi).
Hai quan niệm trên này đểu không đúng!
Chềt là mất hẳn! Sao lại mất hẳn được? Hãy nhìn chung quanh ta có cái gì
mất hẳn đâu? Một hạt cát, một mảy lông còn không thề mất hẳn được,
huống chi con người là một sinh vật có khả năng tri giác nhất trong
chúng sanh!
Nhưng bảo rằng linh hồn là thường còn, ở mãi trên thiên đường hay dưới
địa ngục cũng không đúng. Sự nhận xét thông thường cho chúng ta thấy
rằng, trong vũ trụ, không có một cái gì có thể vĩnh viễn và ở yên một
chỗ, mọi sự vật đểu biến đời và xê dịch. Vả lại, có gì bất công hơn là
chỉ vì những cái nhân đã gieo trong một đời hiện tại ngắn ngủi, mà phải
chịu cái quả vĩnh viễn tốt hay xấu trong tương lai.
Cho nên những loại giải đáp nói trên, đều không thể đứng vững được trước ánh sáng chân lý.
Những vần đề trên này, giáo lý nhà Phật đã giải đáp một cách rõ ràng,
khúc chiết, mạch lạc. Những lời giải đáp này không dựa vào oai lực của
thần quyền, không dựa vào những tín điều độc đoán, cũng không dựa vào
trí tưởng tượng mơ hồ, mà bằng cứ vào những nhận xét xác đáng trong hiện
cảnh, những cái tai nghe mắt thấy, những điều có thể chứng nghiệm được.
Đức Phật bao giờ cũng dựa trên thực tế để lập luận, vì thế, mặc dù
những lời dạy của Ngài đã nói ra trên hai ngàn năm trăm năm rồi, mà bây
giờ vẫn còn đúng đắn và vô cùng giá trị; có đủ năng lực làm thỏa mãn sự
khát khao hiểu biết của những ai băn khoăn đi tìm chân lý và ý nghĩa của
cuộc đời.
Trong tập sách nhỏ này, chúng tôi không có tham vọng giải đáp tất cả
những vấn đề trọng đại, hàm chứa trong những chữ "siêu hình", "vũ trụ
quan", "nhân sinh quan" v.v... chúng tôi chỉ xin trình bày cái kiếp sống
của con người, qua thời gian và không gian, những nguyên nhân và kết
quả đã tạo cho mỗi người một hoàn cảnh giống nhau hay khác nhau; đồng
thời chúng tôi sẽ giải đáp một số những thắc mắc có liên quan mật thiết
đến kiếp người.
Trong khi trình bày, chúng tôi sẽ giữ một thái độ hoàn toàn khách quan
và nêu lên những bằng chứng cụ thể, có thể nhận xét được rõ ràng, chứ
không dựa vào những tín điều độc đoán hay mượn uy lực của thần quyền đề
bắt độc giả phải cúi đầu tin theo.
CHƯƠNG MỘT
LUẬT NHÂN QUẢ
I.- ĐỊNH NGHĨA
1.- Luật:
Có người cho rằng đã gọi là luật thì tất phải có một đấng thiêng liêng
nào, người nào, hay xã hội đặt ra. Quan niệm này có nghĩa hẹp hòi và
nông cạn. Luật ở đây là luật thiên nhiên, luật tự nhiên, nó bao trùm cả
vũ trụ, vạn vật, chớ không nằm trong phạm vi của loài người, hay trong
một xã hội nào. Người ta có thể khám phá ra luật ấy, chứ không thể đặt
ra luật ấy được. Đức Phật, mặc dù là một đấng giác ngộ, cũng không đặt
ra luật ấy, ngài chỉ là người đã dùng trí huệ sáng suốt của mình, để
vạch cho mọi người thấy rõ ràng cái luật nhân quả đang điều hành trong
vũ trụ mà thôi.
2.- Nhân quả:
Nhân là nguyên nhân, quả là kết quả. Nhân là cái hạt, quả là cái trái do
hạt ấy phát sinh. Nhân là năng lực phát động, quả là sự thành hình của
năng lực phát động ấy. Nhân quả là một định luật tất nhiên, có tương
quan mật thiết với nhau và chi phối tất cả mọi sự mọi vật.
II.- NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA LUẬT NHÂN QUẢ
1.- Nhân quả là một định luật nằm trong lý nhân duyên:
Nhân quả là một định luật, mới ngó thì rất giản dị, nhưng nếu càng đi
sâu vào sự vật để nghiên cứu thì lại càng thấy phức tạp, khó khăn. Trong
vũ trụ mọi sự vật không phải đơn thuần tách rời từng món, mà có liên
quan mật thiết với nhau, xoắn lấy nhau, đan lấy nhau ảnh hưởng lẫn nhau,
tương phản nhau, thừa tiếp nhau. Để nói đúng trạng thái chằng chịt giữa
sự vật, đạo Phật thường dùng danh từ "Nhân duyên", nghĩa là mọi sự, mọi
vật có ra là nhờ duyên với nhau, nương vào nhau, hay tương phản nhau mà
thành, chứ không có một cái nào đứng biệt lập được. Trong sự phức tạp
của sự vật ấy, tìm ra được cái nhân chánh của quả, hay cái quả chính của
nhân, không phải là việc dễ. Do đó mà nhiều người không quen suy nghĩ
tìm tòi sâu xa, sanh ra nghi ngờ thuyết "Nhân quả". Thí dụ: hạt lúa có
thể làm nhân cho những chẹn lúa vàng là quả trong mùa gặt sau, nếu người
ta đem gieo nó xuống đất; nhưng nó cũng có thể làm cho người ta no
bụng, biến thành máu thành thịt trong cơ thể và thành phân bón cho cây
cỏ, nếu chúng ta đem nấu nó để mà ăn. Như thế một nhân chính có thể
thành ra quả này hay quả khác, nếu những nhân phụ khác nhau: muốn hạt
lúa ở mùa này thành chẹn luá ở mùa sau, thì phải có đất, có nước, có ánh
sáng, có không khí, có thời gian, có nhân công; muốn nó thành máu huyết
thì phải nấu, phải ăn, phải có bộ máy tiêu hóa. Cho nên, khi nói nhân
quả là tách riêng sự vật ra khỏi cái chung cùng toàn thể của vũ trụ, lấy
một khía cạnh nào đó, để dễ quan sát, nghiên cứu, chứ muốn nói cho đúng
thì phải dùng hai chữ "Nhân Duyên". Cũng như một nhà khoa học, khi muốn
nghiên cứu một bộ phận nào trong cơ thể, khu biệt, cắt xén bộ phận ấy
ra khỏi cơ thể, để nghiên cứu cho dễ, chứ thật ra bộ phận ấy không phái
biệt lập, mà trái lại có liên quan mật thiết đến toàn cả cơ thể.
2.- Một nhân không thể sinh ra quả:
Như chúng ta đã thấy ở đoạn trên, sự vật trong vũ trụ này đều là sự tổ
hợp của nhiều nhân duyên. Cho nên không có một nhân nào có thề tự tác
thành kết quả được, nếu không có sự giúp đỡ của nhiều nhân khác. Nói
rằng hạt lúa sinh ra cây lúa, là nói một cách giản đị cho dễ hiểu, chứ
thật ra hạt lúa không thể sinh ra gì được cả; nếu để nó một mình giữa
khoảng trống không, thiếu không khí, ánh sáng, đất, nước, nhân công.
Cho nên, khi nghe ai tuyên bố rằng mọi vật do một nhân sinh ra, hay một
nhân có thể sinh ra vạn vật; ta có thể chắc chắn rằng người ấy nói sai.
3.- Nhân thế nào thì quả thế ấy:
Nếu ta muốn có quả cam thì ta phải ương hạt giống cam; nếu ta muốn có
hạt đậu thì ta phải gieo giống đậu. Không bao giờ ta trong cam mà lại
thấy đậu, hay trồng đậu mà lại được cam. Người học đàn thì biết đàn,
người học chữ thì biết chữ. Nói một cách khác nhân với quả bao giờ cũng
đồng một loại với nhau. Hễ nhân đổi thì quả cũng đổi. Nếu nhân đổi ít
thì quả cũng đổi ít, nếu nhân đổi nhiều thì quả cũng đổi nhiều.
Quả còn tùy thuộc ở những duyên phụ, mà trong đạo Phật gọi là tăng
thượng duyên hay trợ duyên. Thí dụ: Hạt lúa là nhân; đất, nước, không
khí, ánh sáng, nhân công, là trợ duyên. Nếu trồng lúa mà thiếu nước thì
hạt lúa bị lép. Khi chúng ta muốn có những trái cam thật to, chúng ta
hãy ghép cái mụt cây cam vào gốc cây bưởi. Vậy cái kết quả tốt đẹp là
những trái cam to lớn, nhiều nước ấy, không phải chỉ do cái mụt cam, mà
còn do gốc bưởi nữa. Cho nên khi chúng ta muốn có cái kết quả như thế
nào đó, thì phải hội cho đủ điểu kiện, nghĩa là cho đủ nhân duyên, thì
kết quả mới được như ý ta mong muốn. Có nhiều người muốn được kết quả
như thế này, nhưng lại không hội đủ nhân duyên như thế ấy, nên kết quả
đã sai khác với ý mong muốn của mình, và do đó, họ đâm ra nghi ngờ sự
đúng đắn của luật "Nhân quả".
4.- Trong nhân có quả, trong quả có nhân:
Chính trong nhân hiện tại đã có hàm chứa cái quả vị lai; cũng chính
trong quả hiện tại đã có hình bóng của nhân quá khứ. Một sự vật mà ta
gọi là nhân, là khi nó chưa biến chuyển, hình thành ra cái quả mà ta
quan niệm; một sự vật mà ta gọi là quả là khi nó biến chuyển hình thành
ra trạng thái mà ta đã quan niệm. Một vật đều có nhân và quả: đối với
quá khứ thì nó là quả, nhưng đối với tương lai thì nó là nhân. Nhân và
quả đắp đổi nhau, tiếp nối nhau không bao giờ dứt. Nhờ sự liên tục ấy,
mà trong một hoàn cảnh nào, người ta cũng có thể đoán biết quá khứ và
tương lai của một sự vật hay một người. Trong kinh thường nói: "Dục tri
tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị; yếu tri hậu thế quả, kim sanh tác
giả thị" (muốn biết cái nhân đời trước, thì cứ xem quả đời nay đương
thọ; muốn biết cái quả về sau thế nào thì cứ xét cái nhân đang tác động
trong hiện tại). Cũng như thấy trong kho lẫm, năm nay có chứa lúa (quả)
thì biết năm vừa qua có làm ruộng (nhân). Còn muốn biết sang năm trong
lẫm có lúa không (quả) thì cứ xem năm nay có làm ruộng hay không (nhân)
(trừ trường hợp bỏ tiền ra mua lúa non, thì không kể).
5.- Sự phát triển mau và chậm từ nhân đến quả:
Sự biến chuyền từ nhân đến quả có khi mau khi chậm, chứ không phải bao giờ cũng diễn tiến trong một thời gian đồng đều.
Có những nhân và quả xảy ra kế tiếp nhau, theo liền nhau, nhân vừa phát
khởi thì quả đã xuất hiện. Như khi ta vừa đánh xuống mặt trống (nhân)
thì tiếng trống liền phát ra (quả), hay khi hai luồng điện âm và dương
vừa gặp nhau, thì ánh sáng liền bừng lên.
Có khi nhân đã gây rồi, nhưng phải đợi một thời gian, quả mới hình
thành, như từ khi gieo hạt giống cho đến lúc gặt lúa, cần phải có một
thời gian ít nhất là bốn tháng.
Có khi từ nhân đến quả cách nhau từng chục năm, như đứa bé mới cắp sách
đi học cho đến ngày thành tài, phải qua một thời gian ít nhất là mười
năm.
Có khi cần đến một vài trăm năm, hay nhiều hơn nữa, quả mới xuất hiện,
chẳng hạn như từ ý niệm giành độc lập của một quốc gia đến khi thực hiện
được nền độc lập ấy, cần phải trải qua bao thế kỷ.
Vì lý do mau chậm trong sự phát hiện của các quả, chúng ta không nên
nóng nảy hấp tấp mà cho rằng cái luật nhân quả khônghoàn toàn đúng, khi
thấy có những cái nhân chưa phát sinh ra quả.
III.- PHÂN TÍCH HÀNH TƯỚNG CỦA NHÂN QUẢ TRONG THỰC TẾ
Như các đoạn trên đã nói, nhân quả chi phối tất cà vũ trụ vạn hữu, không
có một vật gì, sự gì, động vật hay thực vật, vật chất hay tinh thần,
thoát ra ngoài luật nhân quả được.
Đến đây, để có một quan niệm rõ ràng về luật nhân quả, chúng ta hãy tuần
tự phân tách hành tướng của nhân quả trong các chủng loại nằm trong vũ
trụ:
1.- Nhân quả trong những vật vô tri vô giác:
Nước bi lửa đốt thì nóng, bị gió thổi thì thành sóng, bị lạnh thì đông
lại. Nắng lâu ngày thì đại hạn, mưa nhiều thì lụt, gió nhiều thì sanh
bão.
2.- Nhân quả trong các loài thực vật:
Hạt cam thì sanh cây cam, cây cam thì sanh trái cam. Hạt ớt thì sanh cây
ớt, cây ớt thì sanh trái ớt. Nói một cách tống quát: giống ngọt thì
sanh quả ngọt, giống chua thì sanh quả chua, giống đắng thì sanh quả
đắng, giống nào thì sanh quả ấy.
3.- Nhân quả trong các loài động vật:
Loài chim sanh trứng; nếu ta gọi trứng là nhân, khi ấp nó thành con là quả; con chim ấy trở lại làm nhân, sanh ra trứng là quả.
Loài thú sanh con, con ấy là quả. Con thú lớn lên trở lại làm nhân, sanh ra con là quả.
4.- Nhân quả nơi con người:
a. Về phương diện vật chất: Thân tứ đại là do hấp thụ khí
huyết của cha mẹ, và do hoàn cảnh nuôi dưỡng. Vậy cha mẹ và hoàn cảnh là
nhân, người con trưởng thành là quả và cứ tiếp nối vậy mãi, nhân sanh
quả, quả sanh nhân không bao giờ dứt.
b. Về phương diện tinh thần: Những tư tưởng và hành vi trong
quá khứ tạo cho ta những tánh tình tốt hay xấu, một nếp sống tinh thần
trong hiện tại; tư tưởng và hành động quá khứ là nhân, tánh tình, nếp
sống tinh thần trong hiện tại là quả. Tánh tình và nếp sồng này làm nhân
để tạo ra những tư tưởng và hành động trong tương lai là quả.
Phương diện tinh thần này, hay nói theo danh từ nhà Phật, phương diện
nội tâm, là phần quan trọng. Vậy chúng ta phải đặc biệt chú ý đến hành
tướng của nó.
5.- Nhân quả của tư tưởng và hành vi không tốt:
• Tham: Thấy tiền của người nổi lòng tham lam, sanh
ra trộm cắp, hoặc giết hại người là nhân; bị chủ đánh đập hoặc chém
giết, phải mang tàn tật, hay bị nhà chức trách bắt giam trong khám
đường, chịu những điều tra tấn đau khố là quả.
• Sân: Người quá nóng giận đánh đập vợ con phá hạị
nhà cửa, chém giết người không gớm tay là nhân; khi hết giận, đau đớn
nhìn thấy vợ con bịnh hoạn, nhà cửa tiêu tan, luật pháp trừng trị phải
chịu nhiều điều khổ cực, là quả.
• Si mê: Người say mê sắc dục, liễu ngõ hoa tường
không còn biết sự hay dở, phải trái, đó là nhân. Làm cho gia đình lủng
củng, thân thể suy nhược, trí tuệ u ám, là quả.
• Nghi ngờ: Suốt đời cứ nghi ngờ việc này đến việc
khác, ai nói gì cũng không tin, ai làm gì cũng không theo đó là nhân.
Kết cuộc không làm nên được việc gì cả, đến khi lâm chung, buông xuôi
hai bàn tay trắng, đó là quả.
• Kiêu mạn: Tự cho mình là hơn cả, khinh bỉ mọi
người, chà đạp nhân phẩm người chung quanh, là nhân; bị người ghét bỏ,
xa lánh, sống một đời lẻ loi, cô độc là quả.
• Nghiện rượu trà: Chung nhau tiền bạc ăn nhậu cho
thỏa thuê là nhân, đến lúc say sưa, chén bát ngổn ngang, ghế bàn nghiêng
ngã, nhiều khi rầy rà chém giết nhau, làm nhiều điều tội lỗi, phải bị
phạt vạ và tù tội là quả.
• Say mê cờ bạc: Thấy tiền bạc của người muốn hốt về
mình, đắm đuối quanh năm suốt tháng theo con bài lá bạc, là nhân; đến
lúc của hết, nhà tan, nợ nần vây kéo, thiếu trước hụt sau, là quả.
6.- Nhân quả của tư tưởng và hành vi tốt:
Như trên chúng ta đã thấy, những tư tưởng hành vi xấu xa, tạo cho con
người những hậu quả đen tối, nhục nhã, khổ đau như thế nào, thì những tư
tưởng và hành vi đẹp đẽ tạo cho con người những hậu quả sáng lạn, vinh
quang và an vui cũng như thế ấy.
Người không có tánh tham lam, bỏn xẻn thì tất không bị tiền của trói
buộc, tất được thảnh thơi. Người không nóng giận, tất được sống trong
cảnh hiền hòa, gia đình êm ấm; người không si mê theo sắc dục, tất được
gia đình kính nể, vợ con quí chuộng, trí tuệ sáng suốt, thân thể tráng
kiện; người không hay ngờ vực, có đức tin, thì hăng hái trong công việc,
được người chung quanh tin cậy và dễ thành tựu trong đường đời; người
không kiêu ngạo thì được bạn bè quí chuộng, niềm nỡ tiếp đón, tận tâm
giúp đỡ khi mình gặp tai biến. Người không rượu chè, cờ bạc thì không
đến nỗi túng thiếu, bà con quen biết kính nể yêu vì... Những điều trên
này, tưởng không cần phải nói nhiều, quí độc giả cũng thừa biết. Hằng
ngày, quanh chúng ta, những cảnh tượng nhân và quả ấy diễn ra không
ngớt. Mở một tờ báo hằng ngày ra, chúng ta thấy ngay những bài học nhân
quả: trước vành móng ngựa kẻ này bị hai năm tù vì tội ăn trộm; kẻ kia
giết người cướp của bị lên máy chém; kẻ nọ say mê cờ bạc thụt két bị
tịch biên gia sản; cô kia ngoại tình bị chồng chém v.v...
Nói một cách tổng quát, về phương diện vật chất cũng như tinh thần,
người ta gieo thứ gì thì gặt thứ ấy. Người Pháp có câu: "Mỗi người là
con đẻ của công nghiệp mình" (chacun est le fils de son oeuvre).
IV.- LỢI ÍCH DO SỰ HIỂU BIẾT LUẬT NHÂN QUẢ ĐEM LẠI CHO CHÚNG TA
Khi chúng ta đã biết rõ luật Nhân quả, nhưng nếu chúng ta không đem nó
ra ứng dụng trong đời sống của chúng ta, thì sự hiểu biết ấy trở thành
vô ích. Cho nên chúng ta đã hiểu rõ luật nhân quả thì phải cố gắng thật
hành cho được bài học ấy trong mọi trường hợp. Nếu chúng ta biết đem
luật nhân quả làm một phương châm hành động và suy luận, thì chúng ta sẽ
thuộc lượm được rất nhiều lợi ích:
1.- Luật nhân quả tránh cho ta những mê tín dị đoan, những tin tưởng sai lầm vào thần quyền:
Luật nhân quả cho chúng ta thấy được thực trạng của sự vật, không có gì
là mơ hồ, bí hiểm. Nó vén lên tất cả những cái màn đen tối, phĩnh phờ
của mê tín, dị đoan đang bao trùm sự vật. Nó cũng phủ nhận luôn cái
thuyết chủ trương vạn vật do một vị Thần sinh ra và có uy quyền thưởng
phạt muôn loài. Do đó, người hiểu rõ luật nhân quả sẽ không đặt sai lòng
tin tưởng của mình, sẽ không cầu xin một cách vô ích, không ỷ lại thần
quyền, không lo sợ, hoang mang.
2.- Luật nhân quả đem lại lòng tin tưởng vào chính con người:
Khi đã biết cuộc đời là do nghiệp nhân của chính mình tạo ra, mình là
người thợ tự xây dựng đời mình, mình là kẻ sáng tạo, mà không tin tưởng ở
mình thì còn tin tưởng ở ai nữa? Lòng tự tin ấy là một sức mạnh vô cùng
quí báu, làm cho con người dám hoạt động, dám hy sinh, hăng hái làm
điều tốt, vì những hành động tốt đẹp ấy, họ biết sẽ là những cái nhân
quí báu đem lại những kết quả đẹp đẽ.
3.- Luật nhân quả làm cho chúng ta không chán nản, không trách móc:
Người hay chán nản, hay trách móc, là vì đã đặt sai lòng tin của mình,
là vì đã có thói quen ỷ lại ở kẻ khác, là vì đã hướng ngoại. Nhưng khi
đã biết mình là động lực chính, là nguyên nhân chính của mọi thất bại
hay thành công, thì còn chán nản trách móc ai nữa? Đã biết mình là quan
trọng như thế chỉ còn lo tự sửa mình, thôi gieo nhân xấu để khỏi phải
gặt quả xấu, thôi tạo giống ác để khỏi mang quả ác.
V.- MỘT THÁI ĐỘ CẦN THIẾT TRONG KHI ÁP DỤNG LUẬT NHÂN QUẢ: NGHĨ ĐẾN QUẢ TRƯỚC KHI GÂY NHÂN
Chúng ta đã thấy rõ những ích lợi do sự hiểu biết luật nhân quả đem lại
cho mỗi chúng ta. Đến đây chúng tôi muốn dành riêng một đoạn, để nhấn
mạnh vào một điểm vô cùng quan trọng, mà nếu chúng ta biết triệt để khai
thác trong khi áp dụng luật nhân quả, thì lợi ích sẽ vô cùng rộng lớn.
Đó là trong mọi hành động của chúng ta, bao giờ cũng nên nghĩ đến quả,
mà trồng nhân. Những người không nghĩ đến quả mà cứ gieo nhân bừa bãi,
thì thế nào cũng gặt nhiều tai họa, gây tạo cho mình những điều phiền
phức, có khi làm ung độc cả cuộc đời, cả sự sống. Chỉ có những người
nông nỗi, liều lĩnh mới không nghĩ đến ngày mai, mới sống qua ngày. Chứ
những người sáng suốt làm việc có kế hoạch khôn ngoan, thì bao giờ cũng
nhắm cái đích, rồi mới đi tới, hình dung rõ ràng cái quả rồi mới trồng
nhân.
Câu chuyện sau đây có thể chứng minh một cách hùng hồn ý nghĩa nói trên:
Xưa có một vị hiền giả nêu ở giữa chợ một tấm bảng như sau:
"Ai chịu trả một ngàn lượng vàng,
Tôi sẽ bán cho một bài học".
Tấm bảng treo đã nhiều ngày mà không
ai thèm hỏi đến. Một hôm, một vị vua, nhân đi dạo chơi ngang qua chợ,
trông thấy, động tánh hiếu kỳ, mới đến chỗ hiền giả, lấy một ngàn lượng
vàng, hỏi mua bài học ấy.
Sau khi nhận đủ số vàng, nhà hiền triết đưa bài học ra. Bài học vỏn vẹn
chỉ có một câu giản dị như sau: "Phàm làm việc gì, trước phải xét kết
quả của nó về sau:.
Các quan tùy tùng thấy vậy, xầm xì với nhau: "Nhà vua bị gạt! Một câu nói như thế, có hay ho gì đâu mà phải mua đến một ngàn lượng vàng?"
Trong lúc đó, nhà vua cũng phân vân, không hiểu bài học giản dị ấy, tại sao lại đắt giá đến thế?
Khi về cung, nhà vua cứ suy nghĩ mãi về câu nói ấy. Trong lúc ấy như mọi
đêm khác, trong cung đều có mở yến tiệc linh đình, cung phi mỹ nữ ca
hát suốt đêm, để nhà vua mặc tình vui chơi với tửu sắc. Nhưng hôm nay,
vì bị bài học của nhà hiền triết ám ảnh, bắt vua suy nghĩ:
"Nếu ta say mê tửu sắc mãi như thế này, thì kết quả sẽ ra sao? Thân
thể sẽ suy nhược tinh thần tiều tụy và mau chết, việc triều đình phế bỏ,
rồi sẽ đi đến chỗ mất nước, dân chúng trở thành nô lệ cho ngoại bang,
đời đời nhục nhã và khổ đau! ..."
Nhận thấy rõ cái kết quả xấu xa nghuy hiểm của tửu sắc như thế, vua liền
truyền lịnh dẹp ngay yến tiệc, ca hát, và bd từ đó vua lo chỉnh đốn lại
nước nhà, sửa sang binh bị...
Hai năm sau, một nước láng giềng đem binh đến cướp nước, nhà vua nhờ sớm
giác ngộ, lo xây dựng cho nước được hùng cường, nên đã đuổi lui được
quân giặc. Bấy giờ nhà vua mới tự bảo: "Bài học của nhà Hiền triết quý giá lắm! Một ngàn lượng vàng còn rẻ".
Nhà vua bèn ra lịnh chép bài học ấy, dán khắp tất cả mọi nơi, cho đến mâm cơm, chén nước cũng truyền khắc vào.
Một hôm có người trong hoàng thân muốn tiếm đoạt ngôi vua, nên thuê quan
Ngự y một số tiền lớn để thừa lúc vua đau, tráo dâng thuốc độc. Lãnh
tiền xong, quan Ngự y sau khi chế thuốc độc xong, lén rót vào chén, định
dâng lên vua uống, nhưng khi nhìn thấy mấy chữ khắc trong chén:
"Phàm làm việc gì, trước phải xét kết quả của nó về sau".
Quan Ngự y sực tỉnh và suy nghĩ: "Tội thí vua này, nếu bị phát giác ra, sẽ bị tru di tam tộc, chứ không phải tầm thường".
Quan Ngự y sau khi xét kết quả việc làm của mình gớm ghê như thế, nên
đã đổ chén thuốc và thú tội với nhà vua. Nhà vua thấy quan Ngự y đã biết
ăn năn hối cải như thế, nên rộng lòng ân xá và còn ban cho một số tiền
bạc to tát nữa. Nhờ bài học này, nước nhà khỏi mất, dân tộc khỏi làm nô
lệ cho ngoại bang, nhà vua khỏi chết, nên vua cho bài học này là vật báu
vô giá.
Vậy chúng ta cũng nên đem bài học này áp dụng vào mọi công việc hằng
ngày của chúng ta. Khi chúng ta ham mê cờ bạc, nên nhớ cái kết quả của
nó sẽ là vong gia bại sản, thiếu trước hụt sau, nợ nần đòi hỏi. Khi lăm
le muốn gần tửu sắc, hãy xét đến kết quả của nó sẽ làm thân thể hao mòn,
đa mang tật bệnh, danh giá chôn vùi. Khi nóng giận muốn làm hại người,
nên xét cái kết quả của nó về sau là "oan oan tương báo", hại người tất
sẽ bị người hại lại. Khi móng niệm tham lam tiền bạc của cải của người,
nên xét kết quả về sau là tù tội gông xiềng v.v...
Tóm lại, nếu chúng ta biết đem bài học nhân quả này mà áp dụng trong tất
cả mọi công việc làm hằng ngày của đời mình, thì chúng ta sẽ thấy tánh
tình và hành vi của chúng ta mỗi ngày cải tiến, các việc sái quấy sẽ
giảm bớt, và từ địa vị người vượt lên địa vị thánh, hiền, không phải là
điều không làm được.
CHƯƠNG HAI
NGHIỆP
Ngày xưa có một gã thanh niên, uất ức trước trạng huống bất công giữa loài người, muốn tìm cho ra chân lý, nên đã đến hỏi Phật:
- Bạch đức Thế Tôn! Đâu là nguyên nhân, là nguồn gốc của sự bất công
giữa chúng sinh? Tại sao có kẻ chết yểu, có người sống lâu, có kẻ khỏe
mạnh, có người tàn tật, có người đẹp đẽ, có kẻ cô độc, có người đông
con, có kẻ nghèo khó, có người giàu sang, có kẻ sanh trong gia đình đê
tiện, có người sanh trong dòng dõi quí phái, có kẻ ngu muội, có người
khôn ngoan?
Đúc Phật đã trả lời vắn tắt, nhưng đầy ý nghĩa như sau:
- Mỗi chúng sinh đều có những hành vi riêng; những hành vi ấy làm
món quà gia bảo, làm vật di truyền, làm người bạn chí thân, làm chỗ
nương tựa của họ. Chính những hành vi ấy là cái nghiệp đã làm cho chúng
sinh khác nhau trong cảnh trạng dị đồng vậy.
Kinh Atthasâlissi lại dạy rõ hơn:
"Do nơi sự khác nhau trong nghiệp mà có những sự khác nhau trong
chúng sinh, kẻ sanh ra trong gia đình quyền quý, người sanh ra trong gia
đình đê tiện, kẻ sanh ra trong sự nguyền rủa, người sanh ra trong sự
tôn trọng, kẻ sanh ra được hưởng hp, người sanh ra phải chịu khổ sở".
Như vậy thì mọi việc xảy ra cho mọi người là do nghiệp cả. Nhưng nghiệp là cái gì mà quan trọng đến thế?
I.- ĐỊNH NGHĨA
Chữ nghiệp là do dịch nghĩa chữ Karma trong tiếng Phạn hay chữ Kamma
trong tiếng Pali ra. Dịch âm là Kiết ma. Nghiệp nghĩa là hành động, việc
làm của thân, khẩu, ý. Khi chúng ta nghĩ một điều gì, nói một câu gì,
làm một việc gì, lành hay dữ, xấu hay tốt, nhỏ nhặt hay to lớn, mà có ý
thức, đều gọi là nghiệp. Những việc làm vô ý thức không phải là nghiệp.
Đức Phật dạy: "Này các thầy Tỳ kheo, Như Lai nói rằng tác ý là nghiệp".
Tác ý bắt nguồn sâu xa trong vô minh và ái dục, còn vô minh, còn ái
dục, còn ham muốn, thì mọi hành động, lời nói, tư tưởng đều là nghiệp.
Những hành động, lời nói, tư tưởng của chư Phật, chư Bồ tát không gọi là
nghiệp, vì các ngài đã giác ngộ, không còn bị vướng mắc trong màn vô
minh và lưới ái dục.
II.- SỰ HÌNH THÀNH CỦA NGHIỆP
Trong đoạn nói về luật Nhân quả, chúng ta đã thấy về phương diện vật
chất cũng như tinh thần, hễ có nhân thì thế nào cũng có quả, và quả lại
làm nhân để tạo thành quả khác. Nhân quả đấp đổi cho nhau và tiếp nối
mãi không dứt. Trong phạm vi con người khi mới tạo ra hành động nào bất
luận bằng thân, khẩu, hay ý thì hành động ấy gọi là nghiệp nhân. Vang
bóng ảnh hưởng của nghiệp nhân ấy, được gieo vào trong ruộng tiềm thức,
và trưởng thành dần. Khi nó có đủ cơ duyên, vang bóng, ảnh hưởng ấy kết
thành quả (nghĩa là phát lộ ra bằng hành động thân, khẩu, ý khác), thì
gọi là nghiệp quả. Vang bóng ảnh hưởng của nghiệp quả này, được gieo vào
tiềm thức để làm nghiệp nhân cho nghiệp quả về sau. Ruộng tiềm thức
chất chứa, nuôi dưỡng tất cả những hạt nhân và quả ấy, và trở thành
ruộng thiện, nếu những nghiệp nhân và quả của người hành động đều thiện;
trở thành ruộng ác, nếu nghiệp nhân và quả của người ấy đều ác; hay trở
thành ruộng nửa thiện nửa ác, nếu những nghiệp nhân và quả của người ấy
có thiện có ác. Cũng như khi chúng ta dùng một thửa ruộng để trồng đậu
thì chúng ta có một đám ruộng toàn đậu; khi ta trồng bắp thì ta có một
thửa ruộng bắp; còn nếu chúng ta vừa trồng cả đậu lẫn bắp thì ta có đám
ruộng bắp đậu lẫn lộn.
Một thí dụ khác: Mỗi nhà họa sĩ đều có một tấm gỗ để thử màu, trộn màu.
Mỗi khi tô màu gì lên bức tranh, thì họa sĩ lấy màu để trộn hay thử
trước trên tấm gỗ ấy. Nếu họa sĩ có một tánh tình nồng nhiệt thích màu
đỏ nhiều hơn các màu khác, thì tấm gỗ ấy lâu ngày trở thành màu đỏ, nếu
họa sĩ có tánh tình hiền dịu, thích màu xanh hơn các màu khác, thì tấm
gỗ ấy, nổi bật lên màu xanh. Những bức tranh thì họa sĩ đã bán cho người
khác, nhưng tấm gỗ thì luôn luôn còn lại bên mình họa sĩ và khi chỉ
nhìn vào tấm gỗ ấy, người ta có thể đoán biết họa sĩ đã vẽ trong những
bức tranh màu gì. Cũng như hành động, lời nói tư tưởng của ta đã tản mát
trong không gian tan biến trong thời gian, mà ảnh hưởng, vang bóng của
chúng còn lại trong tiềm thức, tạo cho ta một cá tính riêng biệt hoặc
hiền hoặc dữ, hoặc siêng hoặc nhác ... Và khi nhận thấy cá tính của ta,
người tinh ý có thể đoán biết được đại khái tánh cách những hành động
của ta trong quá khứ, cũng như trong tương lai.
Ông Lương Khải Siêu, một học giả Trung Quốc, khi bàn về cái nghiệp, có làm một thí dụ rất có ý nghĩa như sau:
"Hình tướng cứu cánh của nghiệp lực là thế nào? Quí vị không nghe câu
chuyện những nhà uống trà chuyên môn sao? Cái bình trà càng cũ càng
ngon, nếu cái bình trà ấy xưa nay vẫn chế trà ngon. Vì sao vậy? Là vì
mỗi khi pha trà thì trong bình trà có một sự thay đổi, tuy mỗi khi uống
xong, bình súc sạch sẽ chẳng còn thấy gì, nhưng thật ra có một phần chất
trà thấm vào bình, lần thứ hai bỏ trà mới vào, chất trà lần trước đã
thấm vào bình lại tác dụng ra làm cho trà mới ngon hơn, cứ thế lần thứ
ba, thứ tư cho đến trăm ngàn lần, lần nào chất trà cũ cũng tác dụng ra,
chất trà mới thấm thêm vào càng lâu càng nhiều. Lúc bấy giờ, không cần
bỏ trà, chỉ chế nước sôi, (chẳng qua được một lần) cũng vẫn có mùi vị
uống được. Dùng nha phiến cũng thế, người nghiện thích dùng dọc tẩu cũ
là vì đã thấm thuốc nhiều. Chất trà thấm vào bình, chất thuốc thấm trong
dọc tẩu, theo danh từ Phật giáo có thể gọi nó là trà nghiệp, yên
nghiệp. Tuy nhiên đem thí dụ như thế không được hoàn toàn đúng là vì một
đằng thuốc phiện, trà là vô sanh mạng, một đằng người có sanh mạng; dù
sao đứng về phương diện hình tướng của nghiệp, cũng tương tợ được vài
phần (lược khảo Phật giáo Ấn Độ, bản dịch của Thích Nguyên Hồng).
III.- SỨC MẠNH VÀ SỰ TỒN TẠI CỦA NGHIỆP
Nghiệp lực không có hình tướng, không ai có thể trông thấy được, nhưng
nó có một tác dụng vô cùng mãnh liệt. Như điện lực, tuy không trông thấy
được hình dáng ở đâu và như thế nào, nhưng khi đã đủ điều kiện thì nó
phát sinh ra nào ánh sáng, nào sức nóng, nào hơi lạnh, nào sức mạnh
v.v... nghiệp lực thúc đẩy người này thích hoàn cảnh này, người kia
thích hoàn cảnh khác. Nó là nòng cốt của mọi tư tưởng lời nói, mọi việc
làm. Chúng ta thường thấy có những người quen thói đánh bạc, nhiều lần
thua lỗ, vợ con khóc lóc, bạn bè khuyên bảo, đã quyết tâm xa con bài lá
bạc nhiều lần, thế mà mỗi khi làm gì, cũng không quên được sòng bạc, đi
đâu rồi cũng nhắm hướng như Kim chung, Đại thế giới mà đến! Người ta bảo
rằng người ấy có nghiệp đánh bạc. Những người nghiện thuốc phiện, rưọu,
gái cũng có cái nghiệp riêng của họ cả. Càng đi sâu vào một con đường
nào, thì cái nghiệp do con đường ấy huân tập càng nặng nề, mãnh liệt
chừng nấy.
Nghiệp không phải chỉ có sức mạnh mà còn tồn tại dai dẳng, không bao giờ
chấm dứt, nếu chưa giác ngộ. Điều này cũng rất dễ hiểu: Có nghiệp nhân
thì tất có nghiệp quả, nghiệp quả khi đã phát hiện thì lại làm nhân cho
nghiệp quả sau, cứ xoay vần như thế mãi, như một bánh xe lăn xuống dốc,
sức đẩy của vòng thứ nhất làm nhân cho vòng lăn thứ hai, sức đẩy của
vòng lăn thứ hai làm nhân cho vòng lăn thứ ba, và cứ tiếp tục như thế
mãi cho đến bao giờ hết dốc mới dừng nghỉ.
Nghiệp cũng nằm trong luật nhân quả và bị chi phối của luật nhân quả.
Trong chương một, chúng ta đã biết thời gian từ khi nhân phát sinh đến
khi quả hình thành, có khi nhanh, khi chậm, thì thời gian từ nghiệp nhân
đến nghiệp quả cũng có khi mau khi chậm, có khi chỉ trong một đời, cũng
có khi hai đời, có khi nhiều đời. Nhưng dù chậm hay mau, đã gây nghiệp
thì thế nào cũng chịu quả báo. Khế kinh có dạy: "giả sử trăm nghìn kiếp,
nghiệp nhân đã làm cũng không mất, khi nhân duyên hội ngộ, thì quả báo
đến".
IV.- CÁC LOẠI NGHIỆP
Đứng về phương diện thời gian, kinh "Nhân quả" có chia các nghiệp như sau:
1. Thuận hiện nghiệp: Đời nay tạo nghiệp, đời sau thọ quả.
2. Thuận sinh nghiệp: Đời nay tạo nghiệp, đời sau chịu quả.
3. Thuận hậu nghiệp: Đời nay tạo nghiệp, cách mấy đời sau mới chịu quả.
4. Thuận bát định nghiệp: Nghiệp quả xảy đến không nhất định thời
nào, có khi trong đời này, có khi đời sau, có khi nhiều đời sau.
Đứng về phương tiện tính chất, trong các kinh thường phân loại các nghiệp như sau:
a.- Tích lũy nghiệp:
Là những nghiệp tạo tác trong nhiều đời trước chất chứa lại.
b.- Tập quán nghiệp:
Là những nghiệp tạo trong đời hiện tại, luôn luôn tiếp diễn, nên thành thói quen, thành tập quán, thành nếp sống riêng biệt.
c.- Cực trọng nghiệp:
Là những nghiệp quan trọng có năng lực tác động mãnh liệt hơn cả các
nghiệp khác và chi phối tất cả. Nó phát hiện nghiệp quả ngay trong đời
hiện tại, hay trong đời kế tiếp. Nó có thể là kết quả của những hành vi
tốt đẹp nhất như hành vi của kẻ tu hành chân chính, nó cũng có thể là
kết quả của những hành vi xấu xa, vô đạo nhất như tội ngũ nghịch: giết
cha, giết mẹ, giết A la hán, làm hại Phật và chia rẽ Tăng chúng.
d.- Cận tử nghiệp:
Là những nghiệp lực gần lúc lâm chung, cũng rất mãnh liệt và chi phối rất nhiều trong sự đi đầu thai.
Đứng về phương diện nặng nhẹ, lớn nhỏ của các nghiệp, thì trong các kinh
cũng chia chẻ một cách rất khoa học và hợp lý. Không phải rằng hành
động nào có hình thức giống nhau thì nghiệp nhân và nghiệp quả đều giống
nhau. Sự khinh trọng, lớn nhỏ của quả báo đều có căn cứ nơi ý để thành
lập. Kinh Ưu Bà Tắc, trong khi nói về sự nặng, nhẹ, lớn nhỏ của nghiệp
nhân và nghiệp quả, có phân chia làm bốn trường hợp:
- Việc nặng mà ý nhẹ: như khi quăng đá để dọa người, mà lỡ tay giết phải người.
- Việc nhẹ mà ý nặng: như khi thấy một tượng đá, tưởng là kẻ
thù của mình, nắm dao đến đâm, kết quả của việc làm vì tượng đá bị sứt
mẻ, nhưng ý thì nặng là muốn giết người.
- Việc và ý đều nhẹ: như vì không thích một người nào, nên dùng lời để châm biếm người ấy.
- Việc và ý đều nặng: như vì thù, cố ý giết người và đã giết thật.
Cũng trong kinh Ưu Bà Tắc, có sự phân chia tội báo nặng nhẹ thành tám loại như sau:
(1) Phương tiện nặng nhưng căn bản và thành dĩ nhẹ: như lấy dao dọa
người, chẳng may động đến họ, họ bị thương. Phương tiện (cầm dao) thì
nặng, nhưng căn bản (dọa người, chứ không phải ác ý) thì nhẹ và thành dĩ
(bị thương) cũng nhẹ.
(2) Căn bản nặng, nhưng phương tiện và thành dĩ nhẹ: như muốn giết
người, nhưng chỉ lấy đá ném và vì thế, họ chỉ bị thương thôi. Căn bản
(muốn giết) thì nặng, nhưng phương tiện (lấy đá ném) và thành dĩ (vết
thương) đều nhẹ.
(3) Thành dĩ nặng, nhưng căn bản và phương tiện nhẹ: như ném đá chơi,
chẳng may vỡ sọ người ta. Thành dĩ (vỡ sọ) nặng mà căn bản (chơi) và
phương tiện (ném đá) đều nhẹ.
(4) Phương tiện và căn bản nặng, thành dĩ nhẹ: như muốn giết người, chém
một nhát mạnh vào yết hầu, nhưng người ấy chỉ bị thương xoàng thôi.
Phương tiện (cầm dao chém) và căn bản (muốn giết người) đều nặng, nhưng
thành dĩ (vết thương xoàng) nhẹ.
(5) Phương tiện và thành dĩ nặng, căn bản nhẹ: như vô ý để xe cán người
chết. Phương tiện (xe cán) và thành dĩ (người chết) đều nặng, nhưng căn
bản (vô ý) thì nhẹ.
(6) Căn bản và thành dĩ nặng, nhưng phương tiện nhẹ: như ác ý nói láo,
đến nỗi kẻ kia phải bị tù tội. Căn bản (ác ý) và thành dĩ (tù tội) đều
nặng, nhưng phương tiện (nói láo) thì nhẹ.
(7) Căn bản, thành dĩ và phương tiện đều nặng: Muốn giết người và đã
dùng dao chém người đến chết. Căn bản (muốn giết người) thành dĩ (người
chết) và phương tiện (chém) đều nặng.
(8) Căn bản, thành dĩ và phương tiện đều nhẹ: như giả giết bằng cách quơ
dao làm người kia sợ trong chốc lát. Căn bản (giả giết) thành dĩ (làm
sợ hãi) và phát triển (quơ dao) đều nhẹ.
Sự phân chia rõ ràng trên đây đủ cho chúng ta thấy được sự sai khác nặng
nhẹ của nghiệp nhân và quả. Theo đó, chúng ta có thể kết luận rằng sự
khinh trọng của nghiệp báo đều dựa căn bản ở ý. Và như thế, chúng ta
đừng lấy làm lạ tự hỏi tại sao hai người cùng làm một việc giống nhau mà
thọ quả báo lại khác nhau, hành động giống nhau là bên ngoài, chứ tác ý
ở bên trong làm sao chúng ta biết được? Vì thế, chúng ta không nên nhìn
bên ngoài mà phê phán được.
V.- KHÔNG NÊN LẦM TƯỞNG NGHIỆP LÀ HỒN
Có người nghĩ rằng nghiệp chi phối tất cả đời sống con người, nghiệp là
chủ động, nghiệp tồn tại mãi mãi, thì nghiệp chẳng khác gì linh hồn bất
tử. Đó là một quan niệm sai lầm. Đạo Phật không bao giờ công nhận có
linh hồn bất tử. Đạo Phật đã chủ trương mọi sự mọi vật, đều vô thường,
thì không lý nào lại công nhận có một linh hồn vĩnh viễn trưòng tồn, bất
biến.
Theo đạo Phật con người là một sự tổ hợp của năm nhóm (ngũ uẩn) vật chất
và tinh thần: sắc (xác thân), và thọ, tưởng, hành, thức (tinh thần).
Năm nhóm này biến đổi từng phút từng giây như một dòng nước. Khi mệnh
chung, những nhóm ấy tan rã, nhưng kết quả của những hành động về thân,
khẩu, ý của người ấy vẫn còn tác động.
Cái còn lại đó là nghiệp. Cái nghiệp này chất chứa những ước vọng thầm
kín, nhưng mãnh liệt nhất của con người, là sự tham sống và sự luyến ái.
Nên biết một kẻ tự tử, cũng không phải là đã hết muốn sống. Họ không
muốn sống cái đời họ đang sống nên họ muốn chấm dứt nó để sống một đời
sống khác tốt đẹp hơn. Và như thế, động lực của sự tự tử vẫn là do lòng
tham sống mãnh liệt hơn. Lòng tham sống và ái dục là những nguyên nhân
chính của những hành động của con người lúc sống, thì khi chết, cái kết
quả của những hành động ấy vẫn là lòng tham sống và ái dục. Do lòng tham
sống và ái dục ấy, nên khi lâm chung, nghiệp lực rời bỏ thân các này và
đi tìm một thân xác khác gá vào để thỏa mãn những ước vọng tham dục của
mình. Đó là nguyên nhân của kiếp sau. Như thế, không cần có một linh
hồn bất biến mới có đời sau. Sự nối tiếp từ đời này sang đời khác là do ở
nghiệp cả. Nghiệp là động lực chính của dòng sinh mạng nối tiếp từ kiếp
này sang kiếp khác, cũng như gió là nguyên nhân làm cho sóng dậy và
tiếp nối từ làn này sang làn khác. Bao giờ còn gió nghiệp thì còn sóng
đời. Gió nghiệp dừng nghỉ thì biển đời sẽ thanh tịnh. Và khi ấy sẽ không
còn sống chết, đầy vơi gì cả.
VI.- HÀNH TƯỚNG CỦA NGHIỆP LỰC TRONG KHI ĐI ĐẦU THAI
Sau khi một thân mạng đã trút hơi thở cuối cùng, nghiệp lực rời bỏ thân
mạng ấy để đi tìm một thân mạng khác gá vào. Dắt dẫn bởi ái dục, nó đi
tìm những cuộc giao phối giữa nam nữ. Nghiệp nhân quá khứ như thế nào
thì nó đi tìm hoàn cảnh thích hợp với nghiệp nhân như thế ấy. Hoàn cảnh
ấy đạo Phật gọi là y báo. Y báo có thể sáng sủa hay tối tăm, an vui hay
buồn thảm, thanh tịnh hay ô uế ... tùy sự lựa chọn thích hợp của nghiệp
quá khứ. Như luồng điện phát ra ở đài phát thanh ngắn hay dài, bao nhiêu
thước tấc thì nó sẽ tìm máy thu thanh vặn đúng thước tấc ấy để vào. Chỉ
có khác là luồng điện có thể vào một lúc nhiều máy thu thanh, còn
nghiệp lực thì chỉ đi dầu thai ở một nơi mà thôi. Một cái thai đậu được
phải đủ ba yếu tố: tinh trùng của cha, trứng của mẹ, thần thức và nghiệp
lực.
Thiếu một trong ba yếu tố ấy, thai không thành, Khi thai dã thành là một
đời mới bắt đầu. Nói là mới, nhưng thật ra cái đời sau này vẫn còn mang
những mầm giống của nghiệp nhân quá khứ. Những nghiệp nhân này cứ tuần
tự theo với thời gian và tùy hoàn cảnh mà phát triển dần. Những nghiệp
nhân nào vì chưa đủ trợ duyên để phát hiện ra nghiệp quả trong đời này,
thì có thể phát sinh trong một đời sau nếu hội đủ nhân duyên.
Trên đây, chúng tôi chỉ nói riêng về cái hành tướng của nghiệp lực trong khi đi đầu thai ở cảnh giới người.
Nhưng một nghiệp lực không phải chỉ quanh quẩn trong cảnh giới người, mà
có thể đi tìm một cảnh giới khác trong sáu cảnh giới mà đạo Phật thường
nói đến, là: Thiên, Nhân, A tu la, Ngạ Quỷ, Súc sinh và Địa ngục.
Đến đây, chúng ta thấy mở ra trước mắt chúng ta một vấn đề rộng rãi bao
quát hơn. Đó là vấn đề luân hồi, mà chúng tôi xin trình bày ở chương
sau.
CHƯƠNG BA
LUÂN HỒI
I.- ĐỊNH NGHĨA
Luân hồi dịch ở tiếng Phạn là Samsara
(lưu chuyển). Theo chữ Hán thì luân là bánh xe, hồi là xoay tròn. Hình
ảnh bánh xe quay tròn là một hình ảnh rất rõ ràng mà Phật đã dùng để
hình dung sự xoay chuyển lên xuống của chúng sinh trong sáu cõi (lục
đạo) và sự tiếp nối sinh tử, tử sinh không cùng tận trong sáu cõi ấy.
Luân hồi hay Samsara là một danh từ, một hình ảnh do Phật đặt ra, nhưng
cái nội dung của nó là một sự thật, một trạng thái có thật trong cõi
đời, có thể chứng nghiệm được, chứ không phải là một lý thuyết xây dựng
trong không tưởng. Khi chúng ta đã chứng nghiệm được luật nhân quả trong
vũ trụ, thì chúng ta cũng phải công nhận sự luân hồi, luân hồi chẳng
qua là nhân quả liên tục, nhưng vì khi nó biến, khi hiện, khi lên, khi
xuống, khi mất, khi còn, khi thay hình đổi dạng, nên chúng ta tưởng như
gián đoạn và không ảnh hưởng chi phối lẫn nhau.
II.- DẪN CHỨNG SỰ LUÂN HỒI TRONG MỌI SỰ VẬT
Trong vũ trụ, tất cả sự vật, từ vật nhỏ như hạt bụi, đến vật lớn như quả địa cầu, không vật nào chẳng luân hồi.
1.- Đất luân hồi:
Như cái bình bông đang ở trước mặt chúng ta đây, trước
nó là đất, người thợ gốm đem nó nhồi nặn làm thành cái bình. Trải qua
một thời gian, cái bình sẽ bị bể nát, tan thành cát bụi và trở về lại
trạng thái đất cát. Đất cát này làm thức ăn cho cây cỏ, cây cỏ hoặc tàn
lụi sau một thời gian để trở thành phân bón hay đất cát, hoặc làm thực
phẩm cho động vật. Động vật ăn cây cỏ này vào hoặc bài tiết ngay ra
ngoài để thành phân, thành đất hoặc biến thành máu huyết da thịt, để một
ngày kia thân thể động vật già yếu, sẽ tan rã thành đất cát lại. Bao
nhiêu lần thay hình đổi dạng, vì nhân duyên này hoặc nhân duyên khác,
nhưng đất cát, nó cũng lại trở thành đất cát sau một thời gian, sau một
vòng luân chuyển dài hay ngắn.
2.- Nước luân hồi:
Nước ở biển bị sức nóng mặt trời bốc thành hơi, hơi bay lên không, gặp
hơi lạnh biến thành mây, mây nhiều tụ lại rơi xuống thành mưa, mưa chảy
xuống ao hồ, hoặc gặp hơi lạnh quá, đông lại thành băng thành giá. Băng
giá gặp hơi nóng mặt trời tan ra nước trở lại. Từ vô thỉ đến nay, nước
thay đổi trạng thái biết bao nhiêu lần, xoay vần mãi mãi như vậy, nhưng
nước vẫn là nước. Hiện tượng của nước thì biến đổi vô cùng, nhưng bản
thể của nước thì không bao giờ mất. Nó chỉ luân hồi mà thôi.
3.- Gió luân hồi:
Gió là sự luân chuyển của không khí. Không khí bị sức nóng mặt trời bốc
cháy, dãn ra, bốc lên cao làm thành những khoảng trống, để bù vào khoảng
trống ấy, không khí ở các nơi khác chạy tới điền vào, gây thành luồng
gió. Không khí xê dịch chậm thì gió nhỏ, không khí xê dịch nhanh thì gió
lớn, xê dịch nhanh nữa thì thành bão. Gió có khi hiu hiu, khi thoang
thoảng, khi hây hẩy, khi ào ào, khi cuồn cuộn, nhưng bản chất của nó bao
giờ cũng là sự rung dộng của không khí.
4.- Lửa luân hồi:
Lửa là một sức nóng làm cháy được vật. Khi đủ nhân duyên thì sức nóng
phát ra lửa. Chẳng hạn hai thanh củi trong trạng thái bình thường thì
chúng ta chẳng thấy sức nóng ở đâu cả, nhưng khi chà xát vào nhau một
hồi thì lửa liền bật lên. Ngọn lửa này có thể đốt cháy hai thanh củi này
một phần hóa thành trong than, một phần biến thành thán khí. những cây
khác dùng rễ mình để thu hút tro than, và dùng lá để thu hút thán khí,
chất chứa lại sức nóng để một ngày kia, gặp đủ nhân duyên lại bừng cháy
lên. Như thế sức nóng bao giờ cũng có sẵn, nhưng khi thì nó ở trạng thái
tiềm phục, khi thì ở trạng thái hiện thành lửa. Mắt chúng ta chỉ thấy
khi nó phát hiện và chỉ khi ấy mới cho là nó có, còn khi nó ở trạng thái
tiềm phục thì ta bảo là nó không có. Thật ra thì nó chỉ luân hồi qua
những trạng thái khác nhau, chứ không phải dứt đoạn hay mất hẳn.
5.- Cảnh giới luân hồi:
Trong kinh Phật thường chép: "Thế giới nhiều như cát sông Hằng". Thật
thế, ban đêm chúng ta nhìn lên trời, thấy hằng hà sa số tinh tú. Mỗi
tinh tú là một thế giới, và mỗi thế giới ấy đều không thoát ra ngoài
định luật chung là thành, trụ, hoại, không. Mỗi phút giây nào cũng có
những sự sanh diệt của thế giới. Thế giới này tan đi, thì một thế khác
nhóm lên, như một làn sóng mất đi, thì một làn sóng khác nổi lên, làm
nhân quả, tiếp nối nhau, luân hồi không bao giờ dứt.
6.- Thân người luân hồi:
Thân người, hay thân thú vật cũng thế, xét cho cùng thì cũng do tứ đại
mà có là: đất, nước, gió, lửa. Những chất cứng dẻo như da, thịt, gân,
xương là thuộc về đất; những chất đượm ướt như máu, mỡ, mồ hôi, nước mắt
là thuộc về nước; hơi thở ra vào, trái tim nhảy, phổi hô hấp, tay chân
cử động là thuộc về gió; hơi nóng trong người là thuộc về lửa. Như trên
chúng ta đã thấy, tứ đại đều luân hồi, thì thân người do tứ đại mà có,
cũng phải luân hồi theo. Khi thân này chết và đến lúc tan rã, thì chất
cứng dẻo trả về cho đất, chất đượm ướt trả về cho nước, hơi nóng trả về
cho lửa, hơi thở và sự cử động trả về cho gió. Rồi bốn chất này tùy theo
nhân duyên chung hợp lại, làm thành cây cỏ hay thân người khác. Người
đến khi chết, bốn chất đó cũng trở về bản thể cũ của chúng. Khi thành
thân người, lúc làm thân súc sinh, năm nay tụ họp ở đây, sang năm đã dời
nơi khác, không phải thường còn, cũng không phải mất hẳn mà là luân
hồi.
Nhà học giả có tiếng của Trung Quốc là ông Lương Khải Siêu trong khi
nghiên cứu về Phật giáo Ấn Độ, ông có nói: "... Con người luôn luôn,
trong từng phút từng giây, đều ở trong luân hồi, bất quá hoặc mau hoặc
chậm. Chậm thì gọi là sanh diệt, hoặc biến dị, còn mau thì gọi là luân
hồi (luân hồi chẳng qua cũng là một hình thức trong các loại biến dị).
Xem như xác thân chúng ta, biến hóa không ngừng, không đầy một tuần cũng
có thể hóa ra đất đai, bụi bặm bên đường".
7.- Tinh thần luân hồi:
Con người không phải chỉ gồm có tứ đại. Ngoài tứ đại còn có phần tâm
linh nữa, hay nói một cách tổng quát hơn, còn có tinh thần. Đó là gồm
tất cả những thứ mà đạo Phật gọi là: thọ, tưởng, hành, thức.
Phần thể xác gồm tứ đại chỉ là phần mà đạo Phật gọi là sắc. Sắc đã không
tiêu diệt mà chỉ biến hóa luân hồi, thì tâm hay tinh thần cũng không
tiêu diệt mà chỉ biến chuyển, xoay vần mà thôi.
Như trong chương II đã nói, tất cả những hành động của thân tâm tạo
thành cho mỗi chúng ta một cái nghiệp. Cái nghiệp ấy biến dịch, xoay vần
mãi, khi đội lốt này, khi mang hình dáng khác, khi rời cảnh giới này,
khi vào cảnh giới khác, quay lộn, trôi lăn trong lục đạo (sáu đường),
mãi mãi cho đến ngày nào được giác ngộ mới thôi.
Những sự lên xuống, trôi lăn, xoay vần của nghiệp trong ba cõi, sáu
đường ấy không phải tình cờ, ngẫu nhiên, may rủi, vô lý, mà trái lại, nó
chìu theo, khuôn theo một cái luật chung, đó là luật nhân quả.
Dưới đây chúng ta sẽ đề cập đến vấn đề ấy một cách rõ ràng hơn.
III.- LUÂN HỒI THEO NHÂN QUẢ
Có thể nói một cách chắc chắn rằng, chúng ta lúc sinh tiền tạo nhân gì,
thì khi chết rồi, nghiệp lực dắt dẫn tinh thần đến chỗ đó thọ quả báo
không sai. Nếu tạo nhân tốt, thì luân hồi đến cảnh giới giàu sang, thân
người tốt đẹp. Còn tạo nhân tội ác thì luân hồi đến cảnh giới nghèo hèn,
thân hình xấu xa, đen đúa, hoặc tàn tật, khi thăng khi giáng, lúc bỗng
lúc trầm...
Sanh ở một cảnh nào, không phải sẽ ở luôn cảnh giới ấy. Nhân có hạn thì
quả cũng có chừng. Như người nắm trái banh liệng lên hư không, khi trái
banh đi hết cái sức của nó, tất sẽ rơi xuống đất lại. Chúng sinh ở cõi
trời, hay cõi súc sanh, địa ngục cũng thế, hễ nghiệp quả hết thì nghiệp
nhân bắt đầu trở lại. Trong khi hưởng quả tốt, nếu không gấp rút tiếp
tục gây nhân lành thì đời sau chắc sẽ không còn ở trong cảnh giới tốt
đẹp nữa. Cho nên vấn đề chính là phải luôn luôn cố gắng vượt lên mình,
nếu muốn mình được vươn lên cao hơn cảnh giới hiện tại. Một điều mà
chúng ta không bao giờ nên quên là: mỗi chúng sinh là một tay thợ tự xây
dựng đời mình trong quá khứ, hiện tại, và tương lai.
Dưới đây là những cảnh giới mà một chúng sinh có thể bị hay được nhập vào tùy theo nghiệp nhân mà mình đã tạo.
IV- NHÂN QUẢ LUÂN HỒI TRONG SÁU CÕI PHÀM
1.- Địa ngục:
Tạo nhân sân hận, độc ác làm nhiều điều tội lỗi vừa hại mình vừa hại người, phải luân hồi vào địa ngục, chịu đủ điều khổ sở.
2.- Ngạ quỉ:
Tạo nhơn tham lam, bỏn xẻn, không biết bố thí giúp đỡ người. Trái lại,
còn mưu sâu kế độc, để cướp đoạt của người, sau khi chết luân hồi làm
ngạ quỉ.
3.- Súc sinh:
Tạo nhân si mê, sa đọa, theo thất tình lục dục, tửu, tài, sắc, khí, không xét hay dở, tốt xấu, chết trồi luân hồi làm súc sinh.
4.- A tu la:
Gặp việc nhân nghĩa thì làm, gặp việc sái quấy cũng không tránh, vừa
cang trực, mà cũng vừa độc ác. Mặc dù có làm những điều phước thiện,
nhưng tánh tình hung hăng nóng nảy vẫn còn, lại thêm tà kiến, si mê, tin
theo tà giáo. Tạo nhân như vậy, kết quả sẽ luân hồi làm A tu la, gặp
vui sướng cũng có mà buồn khổ cũng nhiều.
5.- Loài người:
a. Biết giữ gìn lòng nhân từ, không sát nhân hại vật, không làm những điều đau khổ cho người.
b. Không tham lam trộm cướp tiền của, từ vật lớn như ngọc, ngà, châu báu đến vật nhỏ như cây kim, sợi chỉ.
c. Không trêu hoa ghẹo nguyệt, dâm loạn vợ con, phá hoại gia cang của người.
d. Không nói lời dối trá, xảo quyệt, thêm bớt, đâm thọc, không nói lời cộc cằn, thô tục.
e. Không rượu trà say sưa, không làm những điều lầm lỗi. Tu nhân ngũ
giới như vậy, đời sau sẽ luân hồi trở lại làm người, cao quý hơn muôn
vật
6.- Cõi trời:
Bỏ mười điều ác: không sát sinh, hại vật, không trộm cướp, tà dâm, không
nói lời đâm thọc, hung ác, dối trá, thêu dệt, không tham dục, giận hờn
và si mê. Trái lại, còn làm mười điều lành là: phóng sinh, bố thí, giữ
hạnh trinh tiết, nói lời chắc chắn, đúng lý và nhu hòa, trau giồi đức hỷ
xả, từ bi và trí huệ. Tu nhơn thập thiện như vậy, thì sau khi chết được
sanh lên cõi trời, nhưng nên nhớ cõi trời này cũng còn ở trong vòng
phàm tục, chịu cảnh sinh tử Luân hồi.
Muốn thoát ra ngoài cảnh sinh tử luân hồi và đến bốn cõi thánh thì phải tu nhân giải thoát.
CHƯƠNG BỐN
GIẢI ĐÁP NHỮNG THẮC MẮC NGHI VẤN VỀ VẤN ĐỀ NHÂN QUẢ LUÂN HỒI
Từ trước đến nay, chúng tôi chỉ trình bày những điểm chính của giáo lý
Nhân quả Luân hồi, mà không đi sâu vào chi tiết, và để sự trình bày được
rõ ràng, có mạch lạc, chúng tôi đã tạm gác lại tất cả những thắc mắc,
nghi vấn có thể hiện ra nhiều lần trong đầu óc quý vị, khi đọc các đoạn
trước. Đến đây, sau khi trình bày xong xuôi những nét chính của giáo lý
Nhân quả Luân hồi, chúng tôi xin lần lượt giái đáp những thắc mắc, hay
nghi vấn trong vấn đề này:
1.- Có người hỏi rằng: Nhân quả là một luật tự nhiên rất
công bằng đứng đắn, sao có người cả đời hiền từ, mà lại gặp lắm tai nạn,
khổ sở, trái lại những người hung ác sao lại vẫn an lành?
Đáp: - Chắc quý vị chưa quên trong chương nói về
nghiệp, chúng tôi đã trình bày rằng xét về thời gian, nghiệp có chia ra
làm ba thứ:
a. Hiện báo: Quả báo hiện tiền, như mình đánh người, bị người đánh ngay; hay ăn cơm thì no, uống nước liền đỡ khát.
b. Sanh báo: Đời nay tạo nhân, qua đời sau mới thọ quả báo,
như làm một tội ác gì, ngay khi ấy không ai biết mà bắt, đến lâu sau
việc ấy mới tiết lộ và người làm ác mới đền tội.
c. Hậu báo: Đời nay tạo nhân, mà các mấy đời sau mới chịu
quả báo, Như ngài Ngộ Đạt quốc sư, đời trước làm quan tên là Viên Án, vì
giết Triệu Thố, mà đến mười đời sau mới chịu quả báo.
Vậy nếu có người trong đời hiện tại, làm việc hung ác, mà được an lành
là do kiếp trước họ tạo nhân hiền từ, còn cái nhân hung ác mới tạo trong
đời hiện tại, thì trong tương lai hay qua đời sau, họ sẽ chịu quả báo.
Cũng như người năm nay ăn chơi, không làm gì hết mà vẫn no đủ, là nhờ
năm rồi họ có làm, có tiền của để dành vậy. Cái nhân ăn chơi, không làm
năm nay thì sang năm họ sẽ chịu quả đói rách.
Còn người dữ đời nay hiền từ, làm các điều phước thiện mà vẫn gặp tai
nạn, khổ sở là do đời trước, họ tạo những nhân không tốt. Cái nhân hiền
từ đời nay, qua đời sau họ sẽ hưởng quả vui. Cũng như có người tuy năm
nay siêng năng làm ruộng, mà vẫn thiếu hụt là vì nhân ăn chơi năm vừa
rồi. Cái nhân siêng năng năm nay, sang năm họ sẽ hưởng quả sung túc. Do
đó, cổ nhân có nói:
Thiện ác đáo đầu chung hữu báo,
Chỉ tranh lai tảo dữ lai trì.
(Nghĩa là: Việc lành hay việc dữ đều có quả báo, chỉ khác nhau đến sớm hay muộn mà thôi).
2.- Có người hỏi: Người đã có phước mới được giàu sang, vậy
tại sao trong số người giàu sang ấy vẫn có người ngu si, chết yểu, hoặc
đui, điếc, ngọng, lịu v.v... (ngu, si, ám, ả, gia hà phú). Trái lại,
người vô phước mới nghèo nàn, vậy sao trong số những người này, vẫn có
người thông minh, đẹp đẽ, trường thọ v.v... (trí huệ, thông minh khước
thọ bần).
Đáp:
- Người đời nay giàu có là trước tạo nhân giàu có, nhưng họ chỉ tạo nhân
giàu có mà không tạo các nhân khác như trường thọ, trí tuệ v.v... nên
đời nay họ chỉ giàu mà thôi, chứ không sống lâu, không thông minh v.v...
Trái lại, có người kiếp trước chỉ tạo nhơn trường thọ, trí tuệ mà không
tạo nhân giàu có, nên kiếp này được hưởng quả trường thọ và trí tuệ mà
không hưởng được quả giàu có. Nhân nào mình có tạo mới có quả ấy, còn
nhân nào mình không tạo thì làm sao có quả được? Nên trong kinh nhân quả
có nói: "Nhân quả báo ứng như ảnh tùy hình" (nhân quả trả nhau, như
bóng theo hình. Hình ngay thì bóng thẳng, hình vạy thì bóng cong).
3.- Có người hỏi: Theo luật nhân quả thì ai làm nấy chịu,
cha làm tội con không thể thay thế được; con làm tội, cha không thể thay
thế được. Sao thấy có những việc: cha làm con phải chịu liên can, con
làm cha phải chịu ảnh hưởng?
Đáp:
- Trong kinh Phật dạy nhân quả Nghiệp báo có hai thứ: biệt nghiệp và cộng nghiệp.
a. Biệt nghiệp: Là nghiệp báo riêng của mỗi chúng sinh, như
mình có học nhiều thì mình biết nhiều, mình ăn thì mình no, mình siêng
năng thì mình dễ thành công, mình nhác lười thì mình thất bại.
b. Cộng nghiệp: Là nghiệp báo chung cho nhiều chúng sanh
cùng sống trong một hoàn cảnh. Như người Việt Nam sống trên mãnh đất chữ
S này, trong giai đoạn chiến tranh Việt - Pháp vừa qua, thì giàu, dù
nghèo, dù trí thức, dù bình dân đều chịu ảnh hưởng chung của chiến
tranh; như sanh ở một nưóc tiền tiến thì mọi người đều được hưởng một
đời sống vật chất đầy đủ hơn ở một xứ bán khai. Đã chung sanh trong một
gia đình, một xứ sở hay một dân tộc, cố nhiên cái nghiệp quả phải có
liên can với nhau. Sách có nói: "Nhứt nhơn tác phước, vạn thọ hương"
(một người làm phước, ngàn người đều được ảnh hưởng; một cây trổ hoa,
muôn cây chung quanh đều được thơm lây).
4.- Có người hỏi: Đã gọi là cộng nghiệp thì tất nhiên phải
chịu những nghiệp quả giống nhau, đã sinh trong một hoàn cảnh thì tất
chịu chung một ảnh hưởng, mặc dù có biệt nghiệp, nhưng những biệt nghiệp
ấy dù sao cũng chỉ có tính cách sai biệt tiểu tiết mà thôi (đại đồng,
tiểu dị). Vậy tại sao trong đời, thấy có những người sống chung trong
một hoàn cảnh mà lại trái hẳn nhau. Thí dụ như: có người hiền lành lại
sanh trong một gia đình hung ác, có người hung ác lại sanh trong gia
đình hiền lương?
Đáp:
Trong đoạn phân loại về các thứ nghiệp, đã nói rằng có bốn loại nghiệp là:
- Tích lũy nghiệp.
- Tập quán nghiệp.
- Cực trọng nghiệp.
- Cận tử nghiệp.
Trong các loại nghiệp ấy, cực trọng nghiệp có tác động mạnh mẽ nhất sau
khi chết. Nếu khi sống, cá nhân nào đó tạo nhân cực trọng nghiệp về loại
thiện, như triệt để áp dụng những phương pháp tu hành có hiệu quả như
tứ đế, thập nhị nhân duyên ... thì sau khi chết, được hưởng kết quả tốt
đẹp vô cùng. Trái lại, như giết cha mẹ, sát hại người tu hành v.v... thì
khi chết phải đọa vào địa ngục vô gián. Nhưng cực trọng nghiệp không
phải người nào cũng có: nếu không tạo nhân cực trọng, như không tu hành
hay không phạm tội ngũ nghịch thì tất nhiên không có nghiệp cực trọng.
Trong trường hợp không có cực trọng nghiệp, thì cận tử nghiệp (nghiệp
lực khi lâm chung) là cái nghiệp có một tác động mạnh mẽ trong vấn đề
dắt dẫn đi đầu thai. Trong nhiều trường hợp, thì cận tử nghiệp và tích
lũy nghiệp, tập quán nghiệp cùng đồng một tính chất giống nhau, nghĩa là
trong những đời trước và đời hiện tại có gây những việc thiện và khi
lâm chung, cũng có những hành động hay ý nghĩ việc thiện, hay trái lại,
trong nhiều đời trước và hiện tại có tạo những nhân ác và khi lâm chung
cũng làm hay nghĩ đến những việc ác. Trong trường hợp này, thì cận tử
nghiệp sẽ dắt dẫn đi đầu thai một cách tự nhiên, đến một hoàn cảnh thích
hợp với cả ba thứ nghiệp là tích lũy nghiệp, tập quán và cận tử nghiệp.
Chẳng hạn như một người, trong đời quá khứ đã tạo những nhân hiền lành
thì sau khi chết, đầu thai vào một gia đình cũng hiền lành và những
người ở trong gia đình ấy cũng không có trái ngược nhau.
Nhưng có một vài trường hợp mà cận tử nghiệp không đồng một tính chất
với tích lũy nghiệp và tập quán nghiệp, chẳng hạn như một người trong
đời quá khứ và hiện tại phần nhiều đều gieo nhân lành, đều có nhiều hành
động thiện, nhưng khi lâm chung, vì một lý do nào đó, có những ý nghĩ,
hành động bất thiện, nghĩa là tạo một cận tử nghiệp bất thiện, như tham
đắm, giận dữ v.v... thì cận tử nghiệp này sẽ dắt dẫn đến một hoàn cảnh
bất thiện, như sanh vào một gia đình tham đắm, hay giận dữ v.v...
Nhưng nghiệp chính của người này là thiện thì trong đời sau này, người ấy sẽ hưởng quả thiện, mặc dù sống trong gia đình ác.
Hay trái lại, tích lũy và tập quán nghiệp của người ấy là ác, nhưng khi
lâm chung, người ấy biết ăn năn hối cải, tha thiết nghĩ đến điều thiện
và nhờ những người chung quanh hộ niệm chú nguyện cho, nên tạo ra một
cận tử nghiệp thiện. Nghiệp này sẽ dắt dẫn đầu thai vào một gia đình
thiện. Nhưng nghiệp chính của người này trong quá khứ là ác, cho nên sau
ít lâu sống trong gia đình ác ấy, các nghiệp quả ác lại xuất hiện. Do
đó mới có những trường hợp cha mẹ ác có con thiện, hay cha mẹ thiện có
con ác.
5.- Có người hỏi: Nếu có luân hồi thì khi chết rồi, một
người chỉ sanh ra một người thôi, tại sao trên thế giới này, khi mới
khai thiên lập địa chưa có người, mà cứ mỗi ngày nhân loại mỗi thêm
đông? Vậy do đâu mà có nhiều người thế?
Đáp:
- Trong đoạn luân hồi, chúng tôi đã nói: chúng sinh luân hồi
trong trong sáu cảnh giới là: thiên, nhân, a tu la, ngạ quỉ, súc sinh,
địa ngục. Chúng sinh ở cảnh giới này có thể đầu thai qua cảnh giới khác,
đắp đổi cho nhau, khi lên khi xuống, chứ không phải chỉ có người mới
đầu thai làm người mà thôi. Những loài thú có những tâm trạng giống
người có thể đầu thai làm người được, cũng như những người có tâm trạng
lang sói sẽ trở thành sói lang.
Hơn nữa, trong đoạn trước, chúng tôi cũng có nói rằng trong các kinh
Phật dạy: thế giới trong vũ trụ này nhiều như cát sông Hằng, chứ đâu
phải chỉ một quả đất này là trung tâm điểm của vũ trụ và có người? Các
nhà bác học cũng công nhận mỗi ngôi sao là một thế giới. Trong hằng hà
sa số thế giới ấy, cũng có biết bao nhiêu là thế giới có hoàn cảnh giống
như quả đất nhỏ bé chúng ta đang ở đây! Thế giới đã nhiều như thế, thì
nhân loại đâu phải ít? Tại sao chúng ta không thể tin được rằng thế nào
cũng có sự luân chuyển, sự lưu thông, sự trao đổi về phương diện tinh
thần, về cái nghiệp giữa thế giới này với thế giới khác? Mỗi một thế
giới sắp hoại thì chúng sinh ở thế giới ấy tản cư, mỗi thế giới đã
thành, thì chúng sinh ở các thế giới đồng cảnh chung quanh tựu đến.
Trong kinh Địa Tạng có nói:
"Thử giới hoại thời, hoàn ký tha phương ... (thế giới này hoại, thì gởi
qua thế giới khác, thế giới khác hoại lại gởi đến thế giới khác nữa ...)
Thí dụ như dân chúng ở các thành phố lớn nhiều hay ít là do người ở các
nơi tụ đến hay tản đi. Trong thế giới hiện này nhân loại nhiều hay ít
cũng như vậy.
Đứng về phương diện tổng thể mà nói, thì không có mất còn, sạch nhớp,
thêm bớt, đầy vơi (bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất
giảm). Chỉ vì chúng ta có quan niệm hẹp hòi, chia cắt, khu biệt, đóng
khung trong một cảnh giới nên mới thấy loài này, loài khác, thế giới
này, thế giới khác hoàn toàn cách biệt nhau.
6.- Có người hỏi: Người và thú vật hoàn toàn khác nhau, làm
sao người có thể tái sanh thành thú vật và thú vật thành người được?
Đáp: Người ta thường có quan niệm sai lầm rằng, người có linh hồn người,
thú vật có hồn thú vật. Linh hồn người hay hồn thú, tuy người ta chưa
hề thấy bao giờ, nhưng người ta tưởng tượng hễ linh hồn người thì có
bóng dáng như người, hễ hồn chó, mèo thì có bóng dáng như chó mèo, và
bất biến, dù chết hay sống, vì tưởng tượng như thế nên người không thể
công nhận rằng: chết rồi linh hồn người lại chui vào thân hình chó, mèo,
chẳng hạn, và hồn chó mèo lại nằm lốt thân hình người.
Thật ra, nghiệp không phải là linh hồn (như đã nói ở đoạn trước) mà là
một năng lực có nhuốm tính chất những hành động của mỗi chúng sinh. Vì
tính chất riêng biệt ấy mà nghiệp lực nhập vào một hình thức này hay một
hình thức khác do cái luật hấp dẫn "đồng sanh tương ứng, đồng khí tương
cầu".
“Thay vì nói người kia trở thành thú hay trái lại, thú kia trở thành
người, đúng hơn nói rằng: nghiệp lực phát hiện dưới hình thể người hay
dưới hình thể thú”. (Narada Maka Thera).
Có hai người đạo sĩ: một người tên "Bun-na" (Punna) tu khổ hạnh theo lối
sống của loài bò, một người tên "Xơ-ni-da" (Seniya) tu khổ hạnh theo
lối sống của loài chó, hai người này đến hỏi đức Phật về kiếp vị lai của
họ. Đức Phật trả lời:
"Trong đời này, một gã kia thực hành trọn vẹn không thối chuyển những
thói quen, những tâm trạng những tính cách của chó, gã ấy đã sống theo
thói thường của chó, sau khi chết sẽ tái sanh trong loài chó".
Đức Phật cũng giải thích như trên rằng: kẻ nào tu khổ hạnh theo bò, cũng sẽ tái sanh trong loài bò.
Thí dụ trên chứng minh một cách hùng hồn: nghiệp lực có thể dắt dẫn đi đầu thai bất luận trong loại nào, cảnh giới nào.
Không cần phải đợi đến đời vị lai, phải trải qua kiếp này đến kiếp khác,
ngay chính trong tâm niệm, trong từng hoàn cảnh của cuộc đời hiện tại,
con người cũng trải qua trạng thái của sáu loài: khi con người sanh lòng
giận dữ chém giết, thì cảnh A tu la hiện khởi; khi con người ung dung
tự tại sống trong nhung lụa huy hoàng thì cảnh giới thiên đàng hiện
khởi; khi con người sống trong cảnh chiến tranh bom đạn, trong cảnh kềm
kẹp giam cầm, tra khảo dã man, nào bị treo ngược, nào bị đổ nước sôi
v.v... thì đó là cảnh giới địa ngục.
Ngay trong loài người, nếu xét về phần vật chất thì có nhiều người sống
một cuộc đời đế vương sáng lạn như ở cõi thiên đàng; có người lại sống
chui rúc trong hang trong hố, ăn lông ở lỗ như thú vật. Xét về phần tinh
thần, thì có người thông minh tài trí, đức hạnh như thánh nhân; có kẻ
tâm địa lại tối tăm, độc ác, xấu xa như lang sói. Nếu đã tin có nghiệp
lực thì hạng người nói trên tất sẽ dắt dẫn đến cõi thiên, và nghiệp lực
của hạng dưới tất phải đầu thai trong loài thú vật.
Chúng tôi đã giải đáp một số nghi vấn, thắc mắc thông thường trong khi
đề cập đến vấn đề Nhân quả Luân hồi. Chúng tôi biết còn nhiều thắc mắc,
nghi vấn khác, nhưng chúng tôi xin gác lại, vì chúng không được phổ
thông và có tính cách bác học, chuyên môn như vấn đề nguyên nhân đầu
tiên của nghiệp, vấn đề trách nhiệm về phương diện đạo đức, vấn đề so
sánh giữa thuyết tiền định, mệnh và nghiệp báo khác nhau như thế nào
v.v...
Chúng tôi không muốn kéo dài thêm nữa, phạm vi có chừng hạn của sách
loại phổ thông này. Và đến đây, chúng tôi tưởng đã đến lúc nói vài lời
tạm biệt cùng quí vị độc giả thân mến.
VÀI LỜI TẠM BIỆT
Thưa quí vị độc giả!
Vấn đề nhân quả luân hồi là một vấn đề vô cùng quan trọng, không những
đối với người Phật tử mà cả đến những ai đang băn khoăn thắc mắc trước
bao vấn đề mà cuộc sống đã đặt ra, như: Chúng ta từ đâu lại và sẽ đi về
đâu? động lực của sự sống là gì? Ai là chủ nhân của đời mình? Tại sao có
những hoàn cảnh trái ngược nhau trong xã hội? Ta có thể giải thoát khỏi
cảnh giới tối tăm này để đến một cảnh giới đẹp đẽ khác không? Và nếu
được, thì bằng phương tiện gì?
Những vấn đề trên, mọi người đều nên biết. Nhưng một khi đã biết rồi,
chúng ta không nên tự cho là đã thỏa mãn trí tò mò mà yên lòng xếp sách
lại. Cái biết suông ấy không có lợi ích thiết thực gì cho ta cả. Không
biết thì phải tìm biết, khi đã biết rồi thì phải hành động đúng theo sự
hiểu biết ấy.
Giáo lý nhân quả luân hồi đem lại cho chúng ta một niềm phấn khởi mạnh
mẽ vô cùng, đó là tự kiến tạo lấy đời mình. Trong bao nhiêu kiếp luân
hồi, mỗi chúng ta là tay thợ tự xây dựng lấy địa vị của mình mà không
hay. Do sự mê mờ ấy, chúng ta đã làm hại đời của chúng ta bằng cách
buông xuôi tay, trao gởi niềm tin vào những đấng thiêng liêng tưởng
tượng, hay rên xiết, khóc than trách móc định mệnh khắc nghiệt đã trói
buộc đời mình.
Giờ đây, chúng ta đã biết chính mỗi chúng ta đã tự tay trói buộc chúng
ta trong cảnh sinh tử luân hồi. Chúng ta đã tự trói buộc chúng ta, thì
cũng chỉ có chúng ta là có thể cởi mở cho chúng ta mà thôi. Đức Phật là
đấng sáng suốt đã chỉ dạy cho chúng ta những phương pháp tự cởi trói.
Vậy chúng ta còn chờ đợi gì, còn luyến tiếc gì mà không chịu bắt tay làm
ngay cử chỉ mở trói ấy? Chung quanh chúng ta đã có nhiều vị thầy hướng
dẫn bước đầu của chúng ta, đã có những người bạn đồng hành đang tinh
tấn, hăng hái ngày đêm làm cái công việc tự cởi mở ấy, hay nói theo danh
từ nhà Phật, làm công việc giải thoát ấy.
Bạn còn chờ đợi gì?
Nếu bạn đã là Phật tử, bạn hãy tinh tấn nữa lên! Nếu bạn chưa là Phật
tử, bạn hãy gấp rút gia nhập vào đạo quân giải phóng hiện đang có mặt
khắp năm châu, đạo quân giải phóng đang theo dấu chân Phật để diệt trừ
vô minh đem lại hạnh phúc chân thật cho mình và cho người.
Xin kính chào bạn.
|
|