QUYỂN TÁM
NĂM YẾU TỐ HÒA BÌNH CỦA PHẬT GIÁO
LỜI MỞ ĐẦU
Mỗi buổi sáng sớm thức dậy, ban mở vội tờ báo hàng ngày mà thằng bé
bán báo đã chùi qua khe cửa trong lúc bạn còn đang ngủ. Bạn hy vọng sẽ
tìm thấy những tin vui, mới lạ, phấn khởi... Nhưng bạn đã đọc thấy gì?
Một bà vợ của một sĩ quan cao cấp đã thuê người ta tạt a-xít vào một cô
vũ nữ trẻ đẹp, đã cướp chồng bà. Một đứa bé mới mười sáu tuổi, vì không
được yêu đã chém chết đứa em bảy tuổi của người yêu. Một ông già đã hãm
một em bé rồi cắt cổ vất xuống sông để phi tang. Một bọn cướp đã ném lựu
đạn vào một tiệm vàng trước khi rút lui, làm chết ba người và bị thương
nhiều người khác. Một bà kỹ sư giựt hụi trên một trăm triệu bị giải
tòa. Một thiếu nữ uống độc dược tự tử vì bị lường gạt cả tình lẫn tiền.
Một dân vệ sau khi nhậu đã xách súng bắn chơi... làm chết một em bé chăn
trâu. Hai ông sui gia chén tạc chén thù rất thân mật đến say rồi... vác
chai choảng vào đầu nhau gần chết... Bao nhiều là chuyện buồn trong
nước.
Bạn chán ngán, tìm mục tin tức quốc tế. Bạn không cần phải tìm lâu. Một
cái "tít" lớn chiếm luôn bốn cột báo đập vào mắt bạn: "Cút-Xếp dọa gọi
quân nhân trừ bị". Bên cạnh đó, có một cái "tít" khác cũng không kém đồ
sộ, báo tin: "Mỹ sẽ thả bom nguyên tử xuống đất Nga và sẽ san bằng các
đô thị, nếu Nga gây hấn trước". Và rải rác trên tờ báo, chỗ này: "Hội
nghị mười bốn nước ở Giơ-neo sắp tan vỡ". Chỗ kia: "Pháp thả bom xuống
Bi-déc làm nhiều người chết và bị thương". Chỗ nọ: "Đảo chánh lần thứ ba
ở Đại Hàn Dân quốc"... Thật là buồn! Đâu đâu cũng thấy những tin đe dọa
bất an, chiến tranh, chết chóc! Từ trong nước đến ngoài nước; đâu đâu
cũng chỉ nghe những tin dữ, cũng chỉ thấy những cảnh âm u đen tối, thảm
sầu; cũng chỉ ngửi thấy một mùi sát khí. Trời đất sáng tối nối tiếp xoay
vần, không thay đổi. Lòng người từ mấy vạn đời, vẫn chất chứa những nỗi
lo sợ, buồn giận, ghét ghen!
Sao cuộc đời chưa sáng rực lên nhĩ? Sao lòng người chưa trút hết những
ưu tư, và hân hoan ca hát nhỉ? Ai cũng mong mỏi thiết tha được sống yên
ổn mà không ai được yên ổn cả! Nước nào cũng mong được hòa bình, mà nước
nào cũng đang chuẩn bị chiến tranh và bị tố cáo là có ý gây hấn!
Hơn bao giờ hết, ngày nay cái họa diệt vong vì bom nguyên tử đang đe dọa
loài người một cách thường trực. Thế giới như đang sống trên một hầm
thuốc súng mà một tàn lửa nho nhỏ cũng có thể làm tung nổ bất cứ lúc
nào. Chúng ta hoặc đang ở trong những tòa nhà nguy nga đồ sộ, hay đang ở
trong những mái nhà tranh vách lá, đang lăn lộn giữa đô thị huy hoàng,
hay đang tắm mình mình trong bầu không khí trong trẻo ở đồng quê; chúng
ta hoặc ở trong hoàn cảnh này hoặc ở trong hoàn cảnh khác, tất cả mọi
người trên thế giới, đều bị ràng buộc trong một số phận đen tối như
nhau, là: nếu có một trận thế chiến thứ ba xảy ra, thì bất luận giàu
nghèo, sang hèn, trí ngu, Đông Tây, Nam Bắc, Nga hay Mỹ đều tan thành
tro bụi trong chốc lát vì những trái bom nguyên tử! Không nghĩ đến viễn
tượng hãi hùng của thế giới thì thôi, chứ nghĩ tới thì không thể nào lạc
quan được! Ánh điện mỗi ngày mỗi đẩy lui bóng đêm trên thế giới, nhưng
bóng tối trong lòng người mỗi ngày một dày thêm lên! Những ánh đèn màu
tắt đỏ, đỏ tắt trên các bảng hiệu, những điệu nhạc quay cuồng phát ra từ
những ống phóng thanh, từ những máy thâu thanh; những điệu nhảy múa
điên dại, quay cuồng trong các vũ trường, hộp đêm, phải chăng là những
liều thuốc hiệu nghiệm để thanh niên ngày nay tìm quên thực tại, mỗi khi
đêm đến trên trần gian và trong lòng họ?
Chúng ta phải công nhận, về vật chất, chúng ta được nhiều tiện nghi hơn
người xưa nhiều. Nhưng về tinh thần, chúng ta vẫn bị dày vò, đày đọa vì
bao nỗi đau khổ mà ông cha chúng ta trước kia đã là nạn nhân.
I.- NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY ĐAU KHỔ VÀ RỐI LOẠN
Những nguyên nhân của đau khổ và rốiloạn không ở đâu khác hơn là ở giữa lòng người:
1.- Lòng độc ác của chúng ta chất chứa từ muôn vạn đời, hình như không giảm bớt mà trái lại, càng tinh vi, tế nhị hơn:
Những sự đâm chém , giết chóc mỗi ngày mỗi nhiều. Chúng ta có đủ mọi khí
cụ để giết nhau, từ những khí cụ thô sơ như dao, búa, tên, nỏ, đến
những thứ giết người mau chóng tài tình nhất như súng đạn, hơi ngạt,
điện tử, vi trùng, bom A, bom H, ánh sáng...
Đối với thú vật, sự giết hại của loài người mỗi ngày mỗi tăng lên! Cứ
mỗi phút, trên thế giới có từng triệu sinh vật bị cắt cổ, nhổ lông, phân
thây, xẻ thịt... Nếu có thể dồn xương, chất thịt lại được một chỗ, thì
mỗi ngày chúng ta sẽ có mọt trái núi bằng xương, bằng thịt cao hơn núi
Điện Bà ở Tây Ninh; và nếu có thể dồn tất cả máu huyết của những sinh
vật bị giết mỗi ngày trên thế giới, thì chúng ta sẽ có một dòng sông máu
rộng bằng sông Hương, sông Đồng Nai. Nêu có thể nhìn được với Phật
nhãn, chắc chắn chúng ta sẽ thấy thế giới chúng ta đang sống đây là một
lò sát sanh lớn, trong ấy người ta đang làm đủ các thứ thịt, kể cả thịt
người nữa. Nhất là trong những giai đoạn có chiến tranh, thì thịt người
lại nhiều hơn thịt gì cả, và rất ế ẩm, vì không ai thèm mua đến.
Loài người chưa có thể gọi là văn minh được, vì loài người chưa biết quý
trọng sự sống là tác phẩm mỹ thuật đẹp đẽ, mầu nhiệm, tuyệt tác nhất
trong các tác phẩm mỹ thuật trên trần gian này. Lòng người còn độc ác,
nên không thương mến sự sống, còn thích giết chóc, và nhiều khi còn lấy
làm thích thú được sát hại, được dịp làm đau đớn sự sống.
Chúng ta thường nghe kể chuyện trong thời kỳ chiến tranh Việt Pháp vừa
qua, có những "hung thần", mỗi ngày không bắn giết được mọt vài người
thì ăn không ngon. Chúng ta không khỏi rùng mình ghê tởm khi nghe những
chuyện ấy. Nhưng nếu thú vật biết nói, chúng cũng thì thầm với nhau:
"Loài người, trong mỗi bữa ăn, nếu không chém giết ít ra là năm bảy mạng
anh em chúng mình thì họ ăn cũng không thấy ngon". Hầu hết chúng ta đối
với thú vật là những "hung thần" cả vậy!
Loài người đang còn đau khổ, xã hội đang còn bộ mặt xấu xa, cảnh đời
đang còn đen tối, vì chúng ta đang còn là những "hung thần" của sinh
vật, và đôi khi còn là "hung thần" của chính đồng loại chúng ta nữa.
2.- Nguyên nhân thứ hai của đau khổ là sự tham lam:
Chúng ta tham lam nhiều thứ: tham ăn, tham ngủ, tham danh, tham lợi,
tham sắc... Tham ăn, tham ngủ tất nhiên sanh ra nhiều tệ hại; nhưng
những tệ hại ấy chỉ hạn cuộc trong phạm vi của cá nhân ấy thôi. Tham
danh hại nhiều hơn, nhưng cũng chưa nguy hại bằng tham lợi và tham sắc.
Hai món tham sau này có một sức mạnh phá hoại gia đình và xã hội không nhỏ.
Chúng ta hãy nói trước đến sự tham lợi. Có phải không, từ xưa đến nay
loài người đều sống trong sự tranh chấp quyền lợi? Từ trong phạm vi nhỏ
hẹp như gia đình, xó, giềng, làng mạc, cho đến phạm vi rộng rãi như quốc
gia, xã hội, quốc tế, mọi người, mọi dân tộc đều chạy theo cái lợi. Vì
tranh nhau mọt trái cà, trái ổi mà hai người láng giềng phải dùng đến
quả thoi, cái đá. Vì tranh nhau mọt miếng vườn, sào ruộng mà hai gia
đình thù nhau, tìm cách hại nhau từ đời cha, đời con cho đến đời cháu!
Vì tranh nhau một con sông, mọt trái núi, một cửa biển, một mỏ dầu mà
dân lành hai nước đem nhau ra chiến trường, quyết một mất một còn? Và
cũng vì tranh nhau chiếm thuộc địa mà hai trận thế chiến rùng rợn đã xảy
ra và đã làm mồi cho tử thần gần trăm triệu sanh linh!
Nhất là trong giai đoạn hiện tại, quyền lợi ám ảnh con người một cách
khủng khiếp, khiến cho bất luận nghĩ một điều gì, nói một chuyện gì, hay
làm một việc gì, người ta cũng tự hỏi trước tiên: "Có lợi hay không?".
Người ta đo cái giá trị, cái khả năng của ọt con người với cái số lợi
tức mà người ấy kiếm được, với các ô tô, cái nhà lầu, cái gia tài mà
người ấy đã tạo ra.
Nhưng người ta đã tạo ra tài lợi bằng những phương tiện nào? Đó cũng là một vấn đề cần xét đến.
Có người đã tạo ra gia tài sự nghiệp với mồ hôi, nước mắt, với tài trí
của mình. Với những hạng người làm ăn lương thiện này, chúng ta thấy
không có gì đáng trách, trái lại, còn quý mến nữa là khác. Nhưng bên
cạnh những hạng người này, chung quanh những người này, còn có bao nhiêu
là người khác, vì quyền lợi làm mờ mắt, đã không từ khước một mưu mô
gì, phương tiện gì, một thủ đoạn gì để thu hút tài lợi về mình.
Trong phạm vi cá nhân đối với nhau, họ dùng mưu mô để lường gạt nhau,
dùng sức mạnh để khuynh loát nhau; họ bóp chẹt nhau trong cơn túng
thiếu, cho vay nặng lãi, cầm bán với giá rẻ mạt; họ tích trữ đầu cơ, làm
chợ đen, cân non đong thiếu, đổi xấu lấy tốt; họ bày cờ gian bạc lận,
gài bẫy những kẻ dại khờ. Và nếu không còn mưu chước gì khác, họ dám
trèo tường, khoét vách, mở rương cạy tủ, hay trắng trợn hơn nữa đón
đường chận ngõ bày trò cướp giật...
Trong phạm vi quốc tế, nước mạnh tìm cách khuynh loát nước yếu; hôm nay
họ xua quân xâm phạm biên giới, ngày mai đem máy bay xâm phạm không
phận; ngày kia chận bắt một ít tàu bè đánh cá hay thuyền buôn, hết đổ
thừa cho nước láng giềng nhỏ bé này những lỗi tày trời, đến vu cáo nước
nhược tiểu kia có những mưu mô vô cùng đen tối, với mục đích cuối cùng
là làm sao cho các nước khác phải nhượng cho mình một số quyền lợi, nếu
không phải là tất cả mọi quyền lợi!
3.- Lòng tham lợi đã gây ra bao sự xáo trộn, đảo điên cho cá nhân và
đoàn thể như thế đó. Nhưng lòng "tham sắc" cũng không kém thua nguy
hiểm:
Sắc đẹp có một tác dụng lớn lao trong sự sinh hoạt của loài người. Bạn
hãy đi một vòng trên đường phố Tự Do ở thủ đô chẳng hạn, thì bạn sẽ rõ.
Có phải không, quá nửa hàng hóa trưng bày trong các tủ kính hay bên
đường là để cung phụng cho ngừi đàn bà, cho phái đẹp. Này dép, này
"xắc", này gấm, này nhung, này khăn quàng, lược dắt, này nước hoa, này
phấn, này son, này vòng, này xuyến, này dây chuyền, này hoa tai, này
ngọc ngà, này kim cương hột xoàn... Hơn một nửa năng lực và hoạt động
của loài người, đã được đem ra để phụng sự cho cái đẹp! Và một điều vô
cùng mâu thuẫn là những vật không cần thiết, những xa xí phẩm nhất lại
là những thứ đắt tiền nhất. Loài người, cả phái mạnh lẫn phái yếu, đều
đã phụng sự sắc đẹp một cách tận tâm, tận lực, hơn một thứ gì khác ở
trên đời.
Nhưng ngược lại, sắc đẹp đã tàn phá cuộc đời nhiều hơn một độc dược nào hết, nhiều hơn một sức mạnh tàn phá nào hết.
Người xưa thường có câu thành ngữ: "Sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành".
Mới nghe thì tưởng như nói ngoa. Nhưng đó là một sự thật mà lịch sử đã
chứng minh. Bao nhiêu triều đại ngai vàng đã sụp đổ vì một mỹ nhân; bao
nhiêu thành trì, đất nước đã tiêu vong vì một tiếng khóc, một giọng
cười, hay cái liếc mắt của người ngọc! May thay trong cái thời đại dân
chủ này, một người đẹp dù là quốc sắc thiên hương đến bậc nào, cũng
không còn có thể tác oai tác quái như xưa được nữa. Tuy thế, ảnh hưởng
tai hại của họ trong quốc sách, trong chính trường vẫn không nhỏ.
Có người sẽ cãi rằng: "Sắc đẹp đâu phải là một tội lỗi? Tội lỗi là tại
lòng say hoa đắm sắc kia chứ!". Vâng, chúng tôi cũng định kết luận như
thế. Sắc đẹp chỉ là nguyên nhân phụ thuộc. Nguyên nhân chính là của sự
đổ vỡ, từ nhỏ đến lớn, từ cá nhân đến gia đình, xã hội đều tại lòng tham
sắc dục mà ra. Vì sắc dục mà hai người yêu trở lại đâm chém nhau; vì
sắc dục mà người mẹ đành đoạn thả trôi con theo dòng nước hay vất vào
bụi rậm cho kiến tha gà mổ; vì sắc dục mà chồng vợ xa nhau, cha con ly
tán, hạnh phúc gia đình tan vỡ; vì sắc dục mà sanh ra lường gạt, thụt
két, mang công mắc nợ; vì sắc dục mà sức khỏe hao mòn chết non, chết
yểu; vì sắc dục mà mang bệnh suốt đời và di hại cho con cháu về sau (năm
chục phần trăm những bệnh điên trên thế giới là gốc ở bệnh tình mà
ra).
4.- Một biến chứng khác của lòng tham lam là sự dối trá:
Sự tham lam đẻ ra không biết bao nhiêu là tánh xấu và để che dấu sự xấu xa ấy, người ta phải lừa phỉnh dối gạt với nhau.
Vì tham ăn mà đứa bé đã ăn chùng, ăn vụng, và để che dấu lỗi lầm của
mình đã nói dối cha mẹ, tìm lý do này lý do khác, để biện minh cho sự
mất mát vật thực. Vì tham ngủ, người học sinh không thuộc bài, đã tìm cớ
này cớ khác để dối thầy giáo. Vì tham danh, người ta đã giả tạo những
bằng cấp này, bằng cấp kia, đã tự phong cho mình những chức tước này nọ,
không có trong thực tế. Vì tham lợi, nhà buôn đã lừa dối bạn hàng,
phỉnh gạt người mua. Vì tham sắc, người chồng đã lừa dối vợ, gạt gẫm
người yêu.
Chúng ta thấy đó, vì tham mà nảy sanh sự dối trá. Nhưng ngược lại, vì
dối trá mà lòng tham được che đậy, nên lại phát triển mạnh thêm. Dối trá
là cái màn phủ lên, che đậy tội lỗi, là cái bình phong hào nhoáng ngăn
dấu những hành động đen tối nguy hiểm cho đời sống chung..
Dối trá làm mất lòng tin, mà đã mất lòng tin thì không có một công cuộc
gì có thể thành tựu được trong xã hội. Đức Khổng Tử dạy rất đúng: "Nhân
vô bất tín lập".
Một sự nhận xét làm cho chúng ta không khỏi buồn rầu, lo ngại là trong
sự giao thiệp hàng ngày giữa cá nhân với cá nhân, hay nước này với nước
khác, lòng chân thành, ngay thật mỗi ngày một hiếm dần. Người ta nói một
đàng mà làm một ngả; nói có mà làm không, nói không mà làm có. Không ai
tin được ai. Người ta sống nơm nớp trong sự lo sợ bị lừa dối, phỉnh
gạt. Do đó, người ta luôn luôn giữ thế thủ, giữ miếng ngay cả đối với
những người thân, và nhiều khi, để khỏi bị lừa dối, người ta dở trò lừa
dối trước. Với một tâm trạng như thế, không có một tình cảm đẹp đẽ nào,
không có một mối thâm giao nào là không bị sự ngờ vực ung độc và giết
chết. Tóm một lời, quốc gia, xã hội cũng như gia đình, không thể yên ổn
hòa vui được, khi dối trá, lường gạt đang hoành hành.
5.- Một nguyên nhân khác của đau khổ và xấu xa, không kém phần quan
trọng, có lẽ còn quan trọng hơn cả những nguyên nhân đã kể trên, là
sự "si mê, ngu dốt":
Chính đức Phật, hiện than của trí huệ sáng suốt đã dạy: "Bất úy tham sân
khởi, duy khủng tự giác trì". (không sợ tham và sân khởi, chỉ sợ giác
ngộ chậm).
Thật thế, tánh xấu xa, ác độc nào cũng có thể sửa chữa, tiêu trừ được
cả, với một điều kiện tiên quyết là có sự sáng suốt hiểu biết hay dở,
phải trái, chánh tà. Người không có trí huệ thì khó lòng thoát khỏi cảnh
đen tối khổ đau. Người không có trí huệ như kẻ mù đi trong rừng rậm,
không thể nào thoát khỏi tai nạn sa hố, sụp hầm và làm mồi cho thú dữ.
Trong kinh, Phật thường ví dụ người ngu si như kẻ liếm mật trên lưỡi
dao, không thể nào tránh khỏi cái nạn bị đứt lưỡi. Thật là một ví dụ rất
cụ thể và linh động, nói lên được sự nguy hiểm của ngu si.
Người ta tàn ác, tham lam, giết người, cướp của, đắm mê sắc dục, lừa
đảo, dối gạt cũng vì ngu si, không nhận rõ được hậu quả tai hại của
những hành động tội lỗi của mình. Cho nên đức Phật thường dạy: "Ngu si
là gốc của muôn tội lỗi".
Một gia đình gồm những người ngu si, thì gia đình ấy là một khám đường,
một xã hội gồm những phần tử ngu si, thì xã hội ấy là một địa ngục...
Chúng ta có thể tìm thêm nhiều nguyên nhân gây đau khổ cho cá nhân, và
loạn lạc cho xã hội nữa, nhưng xét ra, những nguyên nhân chính không
ngoài những điều vừa nói ở các đoạn trên là: tánh độc ác, lòng tham lam
tài sắc, sự dối trá và ngu si.
Diệt trừ được những nguyên nhân trên, chắc chắn cuộc đời sẽ bớt khổ đau
và bớt loạn lạc nhiều lắm. Nhưng chúng ta phải công nhận rằng: diệt trừ
tận gốc các nguyên nhân trên không phải là dễ, vì chúng đã ăn sâu gốc rễ
trong lòng người từ muôn vạn đời rồi. Vả lại, xã hội loài người rất
phức tạp, trình độ không đồng đều, hoàn cảnh của mỗi người cũng không
giống nhau, khó có thể làm cho con người trở thành thân thiện, trong một
thời gian ngắn được.
Nhưng nói như thế, không có nghĩa là chúng ta đành khoanh tay chịu bất
lực trước sự hoành hành của những tánh xấu xa, đen tối đâu. Nếu chưa có
thể diệt trừ tận gốc chúng nó, thì ít ra chúng ta cũng phải có phương
pháp gì chận đứng chúng nó lại, không cho bành trướng ra nữa, để chúng
khỏi làm hại cho cá nhân và đoàn thể chứ!
Đứng trước vấn đề trọng đại trên, đạo Phật đã giải quyết như thế nào?
II.- NHỮNG PHƯƠNG THUỐC ĐỐI TRỊ CỦA ĐẠO PHẬT
Đức Phật có nhiều phương thức để đối trị những chứng bệnh nói trên.
Như chúng tôi đã trình bày ở phần trên, trình độ của chúng sinh rất phức
tạp, chứng bệnh nặng nhẹ cũng khác nhau, nên Phật đã chế ra đến tám vạn
bốn ngàn pháp môn để đối trị. Tuy pháp môn thì nhiều như thế, nhưng
chung quy có thể chia làm hai loại lớn: loại chữa bệnh tận gốc và loại
ngăn ngừa không cho phát ra.
Có những chứng bệnh kinh niên trầm trọng không thể trong một lúc mà chữa
tuyệt nọc được. Nếu nóng nảy muốn cho mau lành mà dùng thuốc quá mạnh,
thì sẽ nguy đến tánh mạng con bệnh. Cho nên, trước khi chữa tuyệt nọc,
người lương y giỏi phải dùng thứ thuốc tương đối nhẹ để ngăn chận bệnh,
không cho nó tiến thêm nữa.
Sự ngăn chận những tâm bệnh nói trên, đức Phật gọi là giới, hay những điều ngăn cấm.
1.- Để đối trị lòng ác độc, đức Phật ngăn cấm đệ tử không được giết hại:
Sự ngăn cấm này có tính cách tuyệt đối hay tương đối, tùy theo căn cơ và
sự phát nguyện của người đệ tử. Đối với những căn cơ ít độc ác, muốn
giữ hoàn toàn giới sát, thì họ phát nguyện không giết một sanh vật nào,
dù nhỏ bao nhiêu. Họ không giết thú vật để ăn thịt, họ cũng không giết
thú vật vì thù ghét, hay vì thú vui. Nghĩa là họ biết tôn trọng sự sống
của sinh vật khác cũng như tôn trọng sự sống của mình. Họ áp dụng tinh
thần bình đẳng tuyệt đối của chư Phật, xem mọi sự sống như nhau, không
lấy sự sống này phụng sự cho sự sống khác. Họ thi hành đúng theo lòng từ
bi tuyệt đối của chư Phật, xem mọi đau khổ của chúng sanh như sự đau
khổ của mình, thương xót chúng sanh như thương xót mình, không làm cho
chúng sanh đau khổ để mình khỏi khổ đau
Nhưng đối với những căn cơ chưa có thể hàng phục được lòng độc ác, thì
giới cấm sát chỉ áp dụng trong phạm vi tương đối, nghĩa là chỉ phát
nguyện không giết hại người.
Tuy thế, người Phật tử không thể viện lý do vì mình chỉ phát nguyện
không giết người, mà có thể mặc tình chém giết thú vật. Giới cấm này mục
đích là ngăn chận sự phát sinh của lòng độc ác. Nếu mình đã phát nguyện
giữ giới này mà cón lấy làm thú vị trong sự giết hại thú vật, như đi
săn bắn, đi câu v.v... thì lòng độc ác khó bị ngăn chận được. Vả lại
lòng độc ác đưa đến sự giết người không phải nảy sinh trong chốc lát, mà
do sự huân tập lâu ngày, mỗi khi một ít. Khi nghe tường thuật trên báo
chí một cậu học sinh đã chém chết chị dâu vì một câu nói nặng, hay một
anh cạo heo đã dùng dao bàn thọc vào bụng khách hàng sau một hồi cãi
lẫy. Có nhiều người lấy làm ngạc nhiên tự hỏi sao người ta có thể giết
người một cách dễ dàng, vì một vài câu nói như vật? Thật ra, những câu
cãi vả ấy chỉ là một nguyên nhân phụ, một cơ hội vô nghĩa, mà nguyên
nhân chính là lòng độc ác đã được huân tập, đã được nuôi dưỡng từ lâu
trong nhiều trường hợp trước. Đó chỉ là một giọt nước thêm vào ly nước
đã đầy làm cho nó tràn ra. Giọt nước sau cùng chỉ là một nguyên nhân
phụ, nguyên nhân chính là ly nước đã đầy quá rồi. Cậu học sinh nói trên
sở dĩ đã giết chị dâu một cách gần như vô nghĩa như thế, là do sự hung
bạo đã được dồn góp lâu ngày rồi. Chắc chắn, cậu thuộc vào hạng "lưu
manh", đã nhiều lần dùng khóa xe đạp, dùng bàn tay sắt, hay con dao chó
đánh lộn với những du đảng khác rồi. Cậu là hạng "dao búa" đã quen tay
đấm đá, quen nhìn thấy máu rơi thịt đổ, đã dễ phẩn nộ trong những trường
hợp bất như ý, nên đã trở thành một kẻ sát nhân giết chị dâu một cách
tự nhiên như thế.
Và anh thợ cạo heo kia cũng vậy. Sở dĩ anh đâm người khách hàng kia
không do dự là vì hằng ngày anh đã quen dùng dao đam vào họng heo, đã
quen róc da xẻ thịt quá nhiều rồi, nên bây giờ anh không "gớm" tay đâm
vào vào bụng người trong một cơn tức giận. Và nếu chúng ta đi tìm nguyên
nhân xa hơn nữa, chắc chắn chúng ta sẽ biết thêm được rằng thuở nhỏ,
anh cạo heo này, cũng như cậu học sinh kia, cũng đã thường hay bắt châu
chấu, giết thằn lằn, tìm thích thú trong sự bắn chim, câu cá... nghĩa là
đã quen với sự giết chóc sanh vật nhiều rồi, mà không được ai khuyên
răn, cản trở.
Cho nên chúng ta đừng nên bắt chước một số người hời hợt, thường chê
cười đạo Phật quá "lý tưởng", quá "yếm thế". quá "không tưởng" vì đã
khuyên loài người đừng giết hại sinh vật. Có không giết hại sanh vật mới
khỏi giết hại người. Đạo Phật sở dĩ được gọi là đạo hòa bình và đã thức
hiện được một phần nào lòng từ bi của đức Phật, chính là ở giới bất sát
này.
Chúng ta hãy nên thương xót lấy loài vật, đừng tàn nhẫn với chúng, để
tập đừng tàn nhẫn với người. Khi chúng ta còn cần đến thịt cá, chúng ta
đừng tự bào chữa rằng: "Vật dưỡng nhơn", mà tự bảo rằng: "Ta còn thèm
thịt cá, nên ta còn phải giết thú vật, ta giết chúng nhưng ta vẫn thương
xót chúng, như là những kẻ đã hy sinh cho loài người.
Đức Khổng Tử, mặc dù còn ăn thịt, nhưng đã nói một câu bộc lộ được lòng
nhân đức của ngài, và làm cho chúng ta vô cùng cảm phục: "Văn kỳ thinh,
bất nhẫn thực kỳ nhục; kiến kỳ sinh, bất nhẫn kiến kỳ tử" (Nghe tiếng
kêu là của con vật, không nỡ ăn thịt nó; thấy nó sống, không đành thấy
nó chết).
Bây giờ đứng về phương diện xã hội mà xét, chúng ta sẽ thấy nếu nhân
loại áp dụng được lời răn dạy này của đức Phật, thì cõi đời này sẽ vơi
đi biết bao nhiêu là máu đào lệ nóng, sẽ bớt đi biết bao là lời than
tiếng khóc, sẽ dập tắt được bao nhiêu là ngọn lửa căm thù đang nung nấu
trong lòng người, bao nhiêu là ngọn lửa chiến tranh đang thiếu đốt công
trình vĩ đại của nhân loại. Thật đúng như Tổ xưa đã dạy:
Nhất thiết chúng sanh vô sát nghiệp,
Thập phương hà xứ động đao binh.
Gia gia, hộ hộ đồng tu thiện,
Thiên hạ hà sầu bất thái bình.
Nghĩa là:
Hết thảy chúng sanh không nghiệp giết,
Mười phương nào có nỗi đao binh.
Mỗi nhà, mỗi chốn đều tu thiện,
Lo gì thiên hạ chẳng thái bình.
2.- Bây giờ chúng ta hãy nói đến phương thuốc đức Phật dạy trừ tham lợi:
Tất nhiên ở đây, trong giai đoạn đầu, đức Phật chỉ dạy ngăn ngừa sự tham
lợi một cách bất chính, phi nhân, phi nghĩa mà thôi. Như chúng ta đã
thấy ở đoạn trước, lòng tham lợi bất chính biến thể ra nhiều hình thức.
Có hình thức trắng trợn, lộ liễu trực tiếp dùng võ lực giựt ngang của
người, hay đào ngạch cạy cửa nhà người để trộm cắp. Có hình thức che
đậy, gián tiếp dùng mưu kế thâm độc để lấy của người, như cho vay nặng
lãi, tích trữ đầu cơ, cân non đong thiếu, ăn hối lộ v.v...
Nhưng dù hình thức nào, hễ lấy của người một cách phi nghĩa, đức Phật
đều gọi là trộm cướp cả, và ngăn cấm đệ tử của ngài không được phạm
đến.
Lời răn dạy này dựa trên tinh thần từ bi và công bằng.
Khi bị mất tiền bạc hay một vật gì quý báu, ta đau khổ thế nào, thì khi
ta lấy của ai một vật gì, họ cũng đau khổ như thế. Ta không muốn đau
khổ, thì lòng từ bi và công bằng cũng bắt buộc ta đừng làm cho kẻ khác
phải đau khổ vì ta.
Một xã hội không có trộm cướp, bóc lột nhau mới có thể gọi là một xã hội
văn minh. Trái lại, một xã hội, dù cơ khí tiến bộ đến đâu, dù đầy đủ
tiện nghi đến đâu, dù khoa học phát triển đến đâu, mà người ta còn dựa
trên mưu mô quỷ quyệt, trên sự khuynh loát, bóc lột nhau, trên sự lường
gạt, cướp bóc nhau để làm giàu có, thì xã hội ấy vẫn còn là dã man, mọi
rợ.
3.- Phương thuốc thứ ba của đức Phật nhằm vào sự ngăn ngừa bệnh tham sắc:
Căn bệnh này, như chúng ta đã thấy ở đoạn trước, cũng không kém phần nguy hại, nhất là khi nó biến chứng bệnh tà dâm.
Tà dâm tức là sự tham dục phi lễ, phi pháp. Phật dạy người xuất gia ly
dục phải dứt hẳn dâm dục, còn người tại gia thì không được tà dục. Khi
vợ chồng có cưới hỏi đủ lễ gọi là chánh; ngoài ra, lén lút lang chạ, làm
việc phi pháp thì gọi là tà. Nhưng nếu vợ chồng chính thức đi nữa, mà
ăn nằm không phải chỗ, gần gũi nhau không chừng mực, thì cũng thuộc về
tà dâm cả. Đó là nói về mặt thô thiển. Nói về mặt vi tế, thì phàm sự
phóng tâm đắm sắc, nghĩ ngợi bất chính, chơi bời lả lơi, cũng đều thuộc
về loại tà dâm cả (Phật Học Phổ Thông khóa thứ nhất).
Sự ngăn cấm sắc dục nhằm mục đích giữ gìn hạnh phúc cho cá nhân và gia
đình. Phật dạy: "Người ôm lòng ái dục cũng như kẻ cầm đuốc đi ngược gió,
quyết bị nạn cháy tay" (Kinh Tứ Thập Nhị Chương). Thật vậy, người đắm
say sắc dục, nếu không lâm bệnh nguy kịch, thì cũng sẽ chết yểu vì sự
hoang chơi quá độ của mình, nếu không đau đớn khổ sở đến nỗi liều thân
hủy mạng vì sự phụ rẫy của người yêu, thì cũng khó thoát khỏi được mũi
dao, làn đạn của kẻ tình địch phủ phàng.
Nếu người đàn ông hay đàn bà đã có gia đình rồi mà còn đi lang chạ, thì
hạnh phúc gia đình thế nào cũng phải tan rã. Hoặc người vợ phải ôm tủi
nuốt hờn, hoặc người chồng phải đau khổ vì nhục nhã; hoặc nếu không thể
chịu đựng được nhau, thì vợ chồng phải chia rẽ, con cái bơ vơ, theo cha
thì bỏ mẹ, theo mẹ thì mất cha!
Cho nên tà dâm, mê đắm sắc dục là một mối nguy hại lớn nhất của hạnh
phúc gia đình. Nếu giữ được giới tà dâm, sẽ có những lợi ích thiết thực
sau đây:
- Sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) đều được toàn vẹn.
- Trọn đời được người kính trọng.
- Đoạn trừ hết cả phiền lụy quấy nhiễu,
- Cuộc tình duyên trọn đời không ai dám xâm phạm.
Về phương diện đoàn thể, một xã hội gồm những phần tử đoan chính,
không đắm mê sắc dục, không hoang dâm, thì những điều thương luân bại
lý, những cảnh thù hiềm chém giết sẽ không xảy ra, vợ chồng con cái sẽ
sống hòa thuận an vui trong gia đình, bạn bè trọn niềm chung thủy.
4.- Phương thuốc thứ tư của đức Phật là ngăn ngừa sự dối trá, một tệ đoan gây tai hại không nhỏ cho cá nhân và xã hội:
Dối trá có bốn hình thức:
- Nói dối hay nói láo: Là nói không thật, chuyện có nói không, chuyện
không nói có; việc phải nói trái, việc trái nói phải; điều nghe nói
không nghe, điều không nghe nói nghe; hoặc giả trước mặt khen dồi, sau
lưng chê mạt; hay khi ưa thì dịu ngọt thơm tho, khi gét lại đắng cay
chua chát. Tóm lại, ý nghĩ, lời nói và việc làm trước sau mâu thuẫn, bất
nhất, đều gọi là nói dối cả.
- Nói thêu dệt: Là việc ít xít cho nhiều, làm cho người nghe nổi sân
hận, là trau tria lời nói, chuốt ngót giọng hay, lên hơi xuống giọng cho
êm tai mát dạ để cám dỗ người nghe, làm cho người ta say mê đắm nhiễn,
cũng có khi là nói biếm, nói băm, nói châm chích, làm cho người nghe
phải khổ sở. Tóm lại, bao nhiêu lời nói không đúng nghĩa chân thật, thêm
bớt cho đến văn chương phù phiếm, bóng bẩy làm cho người nghe phải loạn
tâm rối trí, sanh phiền não, đều gọi là nói thêu dệt cả.
- Nói lưỡi hai chiều: Hay nôm na hơn là nói "đòn xóc nhọn hai đầu"
nghĩa là đến chỗ này thì về hùa với bên này, để nói xấu bên kia; đến bên
kia thì về hùa với bên ấy, để nói xấu bên này, làm cho bạn bè đang thân
nhau trở lại chống nhau, kẻ ân người nghĩa chống đối nhau, oán thù
nhau.
- Nói lời hung ác: Là nói những tiếng thô tục, cộc cằn, chửi rủa làm cho người nghe phải đau khổ, buồn rầu, sợ hãi.
Đoạn định nghĩa về sự dối trá trên, chúng tôi đã trích trong tập
"Phật Học Phổ Thông khóa I", cũng đã cho chúng ta thấy được hình thức
phức tạp, muôn mặt của sự dối trá, và sự tai hại, nguy hiểm của nó.
Đức Phật đã nhận thấy rõ cái tầm phá hoại lớn lao của dối trá đời sống
tập đoàn, nên ngài đã ngăn cấm không cho đệ tử của ngài sử dụng cái khí
giới tai hại ấy.
Có người bảo rằng: "Sống trong xã hội ngày nay mà thành thật, ngay thẳng
quá thì không thể làm ăn được và dễ bị người ta lừa phỉnh". Do cái quan
niệm sai lầm ấy, mà không ai thành thật với ai cả; ai cũng tìm cách để
lừa dối người khác. Và cuối cùng xã hội là một trường nói dối, lừa đảo
nhau, không ai còn tin ai được nữa.
Mỗi người sống với một lớp sơn bên ngoài, với một cái mặt nạ, với những
lời nói không phát ra tự thâm tâm của mình, những cử chỉ điệu bộ mượn
chát, chẳng khác gì những kịch sĩ trên sân khấu!
Cuộc đời đã bị vô minh che lấp bản tánh chân thật, làm cho loài người đã
điên đảo khổ đau, lại còn bị sự lừa đảo dối gạt, bưng bít sự thật nữa,
thì không biết đến bao giờ loài người mới tìm thấy được sự an vui, thanh
tịnh.
Cho nên ngăn cấm sự dối trá là một điều cần thiết, để nhân loại lần hồi
tìm hiểu biết nhau hơn, để cõi đời không còn là một chợ đời gồm những kẻ
buôn dối bán trá nữa.
5.- Phương thuốc thứ năm mà đức Phật dùng để ngăn ngừa bệnh si mê, cuồng loạn:
Là sự cấm tuyệt đệ tử của ngài ăn uống những thức ăn có chất làm rối
loạn trí óc. Tất nhiên ở đây chỉ mới ngăn ngừa không cho si mê thêm, chứ
chưa phải là trừ tuyệt được si mê. Muốn trừ tuyệt si mê, cần phải tu
học nhiều hơn nữa. Nhưng đối với những kẻ sơ cơ, ngăn chận không cho sự
si mê cuồng loạn khuấy phá cuộc đời thêm nữa, cũng đã quý lắm rồi.
Trong các thức ăn uống làm rối loạn trí óc, rượu là thứ nguy hiểm nhất.
Những tai hại do rượu gây ra cho nhân loại không thể nói hết. Những cuộc
cãi vã đánh lộn phần nhiều đều có hơi rượu pha vào; các cuộc chém giết,
các tai nạn xe cộ đa số có bóng dáng của ma men. Những đứa con khẳn
khiu, khờ khạo, mất trí, điên cuồng phần nhiều là nạn nhân của tửu thần.
Trừ rượu là trừ được một phần lớn những nguyên nhân gây rối loạn cho chính mình, cho gia đình và xã hội.
Về phương diện cá nhân, người không uống rượu tránh được nhiều điều hại
như: không mất tiền của, ít mang bệnh tật, không sinh lòng ác độc, ít
nóng giận, trí tuệ tăng trưởng, tuổi thọ cao...
Về phương diện đoàn thể, mọt gia đình không có người rượu chè, thì gia
đình được an vui, con cái ít bệnh tật ngu đần, một xã hôi không có người
nghiệm rượu, thì xã hội ấy được hòa bình, nói giống được hùng cường.
PHẦN TỔNG KẾT
Năm phương thuốc trên này, không nói, chắc bạn cũng biết đó là "Ngũ
giới", năm điều răn cấm của đức Phật đối với hàng Phật tử tại gia. Nó
không có gì cao siêu huyền bí. So sánh với đạo Nho, thì nó chẳng khác
"Ngũ thường":
- Không sát sinh chính là Nhân.
- Không trộm cướp chính là Nghĩa.
- Không tàm dâm chính là Lễ.
- Không uống rượu chính là Trí.
- Không nói dối chính là Tín.
Nhưng Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín không được minh định một cách rõ ràng
dứt khoát, khẳng định như ngũ giới. Ngũ giới có thể áp dụng chung cho
tất cả mọi người; chứ ngũ thường chỉ riêng có kẻ sĩ, người quân tử mới
hiểu rõ và làm được.
Ngũ giới, mặc dù là những giáo điều của đức Phật đối với đệ tử của ngài,
nhưng vẫn có thể đem ra áp dụng chug cho tất cả mọi người, mọi tầng
lớp, mọi dân tộc, mọi quốc gia trên thế giới.
Chúng ta có thể ước ao rằng: nếu toàn thể nhân loại đều áp dụng ngũ
giới, thì bộ mặt của thế giới này hoàn toàn thay đổi một cách vô cùng
tốt đẹp.
1.- Mọi cuộc chém giết sẽ không diễn ra hàng ngày, máu sẽ không đổ, thịt
không rơi; nhân loại sẽ không xô đẩy nhau vào lò sát sanh của chiến
tranh.
2.- Không ai lo sự bị mất mát, cướp giật của cải; vật để rơi không ai
lấy, ban đêm cửa không cần đóng, tiền bạc không cần thu dấu... Lao tù
không cần phải xây dựng, vì không có tù nhân trộm cướp và thế giới các
nước không còn xâm lăng lẫn nhua.
3.- Những cảnh tượng dâm dật, cưỡng hiếp, những cuộc ghen tương, chép
giết nhau giữa tình địch không xảy ra. Chồng vợ sống với nhau trong lễ
nghĩa, chung thủy; con cái được sum vầy trong gia đình với cha mẹ, anh
em.
4.- Những cảnh dối trá, lường gạt không diễn ra hàng ngày. Từ trong gia
đình ra đến xã hội, từ những cuộc hùn hạp nho nhỏ cho đến những công ty
lớn lao, ở đâu người ta cũng tin cậy nhau, trung thành với nhau. Những
tình cảm chân thật được phát lộ, mọi lòng dạ được cởi mở, hòa vui.
5.- Những cảnh tượng tàn phá rùng rợn, bỉ ổi do ma men khuấy động sẽ
được chấm dứt. Loài người sẽ hoạt động trong sự yên vui bình tĩnh của
tâm hồn, trong sự sáng suốt của trí tuệ.
Một thế giới đẹp đẽ như thế, cũng có thể gọi được là "thế giới hoàng kim" lắm phải không các bạn?
Vậy chúng ta, mọi người, còn đợi gì nữa mà không thi hành ngũ giới, "năm yếu tố hòa bình của Phật giáo".
Viết xong ngày rằm tháng bảy,
năm Tân Sửu (1961)
Hoằng Pháp.
- HẾT -