Phật học cơ bản
Dẫn Lối Về Nguồn
Trà Giang Tử (Tỳ khưu Định Lực Samadhibàlo) Tăng Quang Tự, Huế (tái bản 2003)
16/08/2554 12:17 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 

[04]

GIẢI VỀ NIẾT BÀN

 


XIN CHO BIẾT Ý NGHĨA VỀ NIẾT BÀN?

NIẾT BÀN là mục tiêu chính yếu của PHẬT GIÁO. Là mục tiêu cuối cùng của người tu theo đạo Phật. Người ta vì sợ sự sống thống khổ bởi phiền não sanh ra, nên cố gắng tinh tấn tu hành để đến NIẾT BÀN, là nơi không còn phiền não, hay trừ tận tuyệt, hoặc dụi tắt được ba ngọn LỬA ĐỘC là THAM LAM, SÂN HẬN, và SI MÊ.

NIẾT BÀN LÀ THẾ NÀO?

NIẾT BÀN là một danh từ trừu tượng siêu thế, khó cho người thông hiểu một cách dễ dàng và cũng khó cho vị PHÁP SƯ hay GIẢNG SƯ hay một vị trí thức nào có thể giải thích một cách rõ rệt cho được.

NIẾT BÀN là nơi tuyệt đối, mà vạn vật trên thế gian này đều là vật tương đối, nên không thể đem so sánh ví dụ cho dễ hiểu được. Hơn nữa, NIẾT BÀN, cần phải hiểu cho bằng trí tuệ chứ không phải bằng tâm thức. Cũng như người nằm MỘNG không thể chỉ giấc MỘNG của mình cho người khác biết được. Cũng như chúng sanh là người bị ba loại ĐỘC là THAM, SÂN SI thiêu đốt. Nhờ uống các thứ THUỐC như Bố thí Trì giới, Tham thiền hay HÀNH theo BÁT CHÁNH ĐẠO. Khi uống THUỐC trúng căn bệnh, bệnh tức khỏi, khi bị ĐAU, khổ như thế nào, bây giờ MẠNH cảm thấy vui sướng ra làm sao, NIẾT BÀN cũng ví như thế ấy.

XIN ĐỊNH NGHĨA VÀ CHIẾT TỰ HAI CHỮ NIẾT BÀN?

NIẾT BÀN cũng có nhiều tên khác nhau như VIMUTTI "Giải Thoát" NIRODHA "Dụt Tắt" NIRVANA "BẮC PHẠN" NIBBÀNA "NAM PHẠN" mặc dù có nhiều TÊN, chung quy cũng chỉ có một ý nghĩa là DỤT TẮT PHIỀN NÃO không còn Khổ. NIBBÀNA, chia làm hai phần là NI và VÀNA. Ni có nghĩa là ra khỏi. Vàna là RỪNG. Muốn cho dễ đọc, dễ học, Phạn ngữ chữ VÀNA đổi thành BÀNA khi chữ B đứng sau NI, có thể thêm một chữ B nữa, nên khi nối lại thành NIBBÀNA, có nghĩa là RA KHỎI RỪNG.

Rừng đây, ý nói RỪNG PHIỀN NÃO, đầy đau khổ.

Phàm ở đời, người bị lạc trong rừng, thì có rất nhiều điều tai hại nguy hiểm như thú dữ, rắn độc, phi nhơn, hầm hố, gai góc v.v... khó ra khỏi được. Là nơi đáng lo sợ hốt hoảng, tối tăm kinh khủng. đây là nói rừng thường, chứ RỪNG PHIỀN NÃO của chúng sanh thì lại càng âm u và nhiều cảm bẩy cùng các thứ độc hại khác nữa.

Người bị lạc trong Rừng, còn tìm phương, kiếm kế ra được. Trái lại đi vào RỪNG PHIỀN NÃO, bị VÔ MINH che án, DỤC VỌNG kéo lôi, chúng sanh khó mà tìm phương giải thoát.

Vì vậy, NIẾT BÀN cũng có nghĩa là người đã thoát ra khỏi RỪNG, đã thoát khỏi phiền não trong tâm, vượt khỏi mọi sự kinh khủng, lo âu, tai hại trên.

NIẾT BÀN cũng có nghĩa là dụi tắt. Y nói phiền não là một thứ LỬA vô hình, rất nóng nảy, hằng thiêu đốt chúng sanh, nên chi chư vị Thanh Văn đệ tử Phật hằng cố ráng sức mình, dụi tắt ngọn lửa bên trong. Khi ngọn lửa dụi tắt rồi, tức là đã đến NIẾT BÀN, tức hết khổ.

CHO BIẾT TƯỚNG CỦA NIẾT BÀN?

NIẾT BÀN là nơi an tịnh tuyệt đối. Không thể giải bằng lời ví dụ được. Bằng sự việc được. Nhưng NIẾT BÀN có ba đặt điểm khác thường là.

- TRẠNG THÁI NIẾT BÀN có sự hoàn toàn thanh tịnh
- VỊ NIẾT BÀN có sự BẤT DIỆT là VỊ
- HIỆN TƯỢNG NIẾT BÀN không có giới hạn là HIỆN TƯỢNG.

Sở dĩ, người mà không thấu đáo hay đạt được QUẢ vị NIẾT BÀN thanh cao, bởi vì người còn chứa đựng nhiều phiền não là tham lam, sân hận, si mê, tà kiến, tạo ra nghiệp chướng thiện hay ác, nên mãi ở trong vòng phiền não, chịu sanh tử luân hồi mãi mãi. Khi dụi tắt được sự ngủ ngầm trong tâm không còn dư sót tức là đắc được NIẾT BÀN, ra khỏi RỪNG rồi vậy.

NIẾT BÀN CÓ MẤY LOẠI?

Theo KINH, NIẾT BÀN có ba loại:

- HỮU DƯ NIẾT BÀN
- VÔ DƯ NIẾT BÀN
- XÁ LỢI NIẾT BÀN

THẾ NÀO GỌI LÀ HỮU DƯ NIẾT BÀN?

Bậc HÀNH GIẢ tu hành tinh tấn, lóng lòng trong sạch đã dụi tắt được phiền não, đã đắt ĐẠO QUẢ A LA HÁN, nghĩa là đã hoàn toàn thanh tịnh, sáng suốt, nhưng còn mang xác thân NGŨ UẨN này còn chung đụng với mùi trần song không hề bị ô nhiễm bởi vị Trần nữa.

THẾ NÀO GỌI LÀ VÔ DƯ NIẾT BÀN?

Nghĩa là chư THÁNH đã đắt đạo QUẢ A LA HÁN, dụi tắt phiền não rồi, khi ấy cũng vừa hết tuổi thọ, xả bỏ tấm thân ngũ uẩn này để nhập vào cảnh giới thanh tịnh trường cửu an vui tuyệt đối ra khỏi vòng Tam Giới.

XÁ LỢI NIẾT BÀN LÀ NGHĨA LÀM SAO?

Đức Phật GOTAMA chúng ta, Ngài nguyện Xá Lợi hài cốt của Ngài lưu tồn lại trong tam giới (trời người, long cung) trong thời gian năm ngàn năm. Để cho chúng sanh lễ bái cúng dường cho có phước, tô bồi đức tin, tu hành cho bớt khổ. Sau thời gian 5.000 năm, tất cả Xá Lợi bất cứ ở đâu do năng lực của pháp thập độ sẽ tụ tập cả về Bồ Đề Đạo Tràng, thành một đức Phật như xưa. Ngài sẽ thuyết pháp trong vòng bảy ngày.

Sau đó, Xá Lợi sẽ tự nhiên tiêu hoại cùng như giáo pháp của Đấng Thiên Nhơn Sư không còn nữa.

 

 

TĂNG

TĂNG LÀ GÌ?

Phạn ngữ SANGHA hán âm TĂNG GIÀ là người đã nguyện cát ái ly gia, lìa xa ngôi nhà phàm nhơn thế tục sống cuộc đời không nhà cửa, không gia tài sự sản để cho tinh thần rảnh rang thoải mái, mà tu hành theo giáo lý của Phật tổ GOTAMA. Ăn theo Phật, ở theo Phật, mặc theo Phật. Hành trì giáo lý của đức Phật với ý nguyện "XÃ PHÚ CẦU BẦN, XÃ THÂN CẦU ĐẠO" hướng về mục đích tối thượng là chuyển mê, khai ngộ, ly khổ đắc lạc, ngõ hầu tự độ lấy mình và tùy duyên hóa độ quần sanh đến nơi an vui hết khổ.

TĂNG CÓ MẤY HẠNG VÀ KHÁC BIỆT RA SAO?

Tăng có hai là:

- BHIKKHU. Tỳ khưu
- SAMANERO. Sa di

VỀ GIỚI LUẬT giữa Tỳ khưu và Sa di đã giải rõ ở phần LUẬT " PHÁP BẢO" rồi. Xin xem lại cho rõ.

XIN CHO BIẾT TỲ KHƯU CÓ NGHĨA LÀ GÌ?

Phạn ngữ BHIKKHU Hán âm Tỳ khưu còn có ba nghĩa: 1. KHẤT SĨ; 2. BỐ MA; 3. PHẢ ÁC

KHẤT SĨ NGHĨA LÀ SAO?

KHẤT SĨ là người tu sĩ đi xin ăn. Xin các món tứ vật dụng của Tín Thí Đàn Na, để duy trì xác thân, để nuôi mạng sống, để hành đạo từ bi, tìm phương giải thoát, KHẤT SĨ còn có hai nghĩa.

- THƯỢNG KHẤT PHẬT PHÁP
- HẠ ĐÀN VIỆT KHẤT

THƯỢNG KHẤT PHẬT PHÁP LÀ THẾ NÀO?

Trước hết, bổn phận của người muốn xuất gia tu Phật, phải dọn mình cho trong sạch. Học hỏi GIÁO LÝ cho suốt thông, rồi đến trình bạch với vị Tỳ khưu cao hạ trưởng lão xin làm đệ tử xuất gia, tu theo phạm hạnh.

DỌN MÌNH CHO TRONG SẠCH Ý NGHĨA LÀM SAO?

- Phải là người không có bệnh truyền nhiễm (như lao, cùi, hủi)

- Phải là người có ngũ quan đầy đủ.

- Phải là người không mắc nợ thế gian (như trốn xâu, lậu thuế, thâm lạm công quỹ v.v...)

- Phải là độc thân, nếu có gia đình phải được sự đồng ý chấp thuận của cha mẹ, vợ con v.v...

- Phải là người rảnh rỗi, không bân rộn dính mắc vì quân vụ hay công vụ.

Khi đầy đủ phận sự trên, tinh thần mới được thoải mái trong sạch, yên tâm mà HÀNH ĐẠO dễ dàng.

HỌC HỎI GIÁO LÝ CHO THÔNG SUỐT LÀ THẾ NÀO?

Bổn phận của người GIỚI TỬ, học hỏi cho thông suốt luật lệ của bậc XUẤT GIA, giới luật của vị SA DI, TỲ KHƯU, học hỏi về GIỚI ĐỊNH TUỆ cho thuần phục, quan niệm, suy xét, nghiên cứu về GIÁO LÝ cao siêu của đức PHẬT TỔ đã chuẩn hành.

XIN Y BÁT CHƠN TRUYỀN LÀ THẾ NÀO?

Khi đã thông suốt và thực hành đầy đủ PHẬN SỰ của người GIỚI TỬ, vị trưởng lão nhận thấy trình độ khả năng và đức hạnh đầy đủ, đồng ý cho làm lễ XUẤT GIA thọ trì QUY GIỚI và ban trao Y BÁT chơn truyền cho GIỚI TỬ, theo Luật lệ của đức Phật đã chuẩn hành.

LỄ BAN TRUYỀN Y BÁT CÓ ĐIỀU KIỆN GÌ KHÔNG?

Vị trưởng lão là THẦY TẾ ĐÔ phải có thâm niên MƯỜI HẠ trở lên, thì được thu nhận và ban truyền Y BÁT cho đệ tử. Nếu GIỚI TỬ xin tu SA DI, thì THẦY TẾ ĐỘ ban truyền cho cũng được.

Trái lại, khi GIỚI TỬ xin thọ CỤ TÚC GIỚI là Tỳ Khưu tu lên bậc cao luôn, thì lễ XUẤT GIA ban, truyền Y BÁT phải có đủ năm vị Tỳ khưu trở lên tham dự chứng minh, thì mới đúng LUẬT TĂNG SƯ, lễ XUẤT GIA mới thành tựu.

LỄ BAN TRUYỀN Y BÁT RA SAO?

Theo nghi thức "KHẨU TRUYỀN TÂM THỌ".

Trước nhất, GIỚI TỬ phải chân thành SÁM HỐI các tội lỗi lầm mình đã vô ý quên mình dễ duôi phạm phải trước Tăng. Xong rồi, trình bạch với thầy TẾ ĐÔ để xin thọ trì QUY GIỚI. Bổn phận của THẦY, sau khi xét hỏi những điều cần yếu, xong ban truyền Y BÁT cho đệ tử, nhắc nhở những lời GIÁO HUẤN theo như luật lệ của đức Phật đã chuẩn hành.

Lễ ban truyền Y BÁT xong, GIỚI TỬ đã cởi bỏ nếp sống thế nhơn, khoác trên mình bộ y, có tăng tướng trang nghiêm, nhận lãnh trách nhiệm Sứ giả của đấng TOÀN GIÁC thay mặt ba đời chư Phật, dạy dỗ quần sanh, và cũng được gọi là "PHƯỚC ĐIỀN VIÊN" của chư thiên và nhơn loại.

XIN CHO BIẾT Ý NGHĨA VỀ LÁ Y?

Theo lời Phật dạy:

- Người Tu sĩ sống cuộc đời đạm bạc, đi lượm vải dơ, vải bỏ, giặt sạch, khâu vá cho lành lặn tử tế, nhuộm màu vàng Cà Sa hoại sắc làm Y mà mặc để che thân thể, tránh muỗi mòng nắng gió, ngăn ngừa sự lạnh, sự nóng. Nhưng khi có thí chủ dâng cúng vải hoặc y đã may sẳn thì được thọ dụng. Y hình chữ nhật. Không có tay, không có cúc như áo quần người thế tục. Y lại có viền chung quanh, may thành điều khoản, khuôn khổ thước tấc ấn định. Y lại còn có ba thứ:

- UẤT ĐÀ LA TĂNG (y vai trái hay ngoại)
- AN ĐÀ HỘI (y nội hay trong)
- HỒNG SÁCH (y lót mồ hôi, ý như áo lót)

Tam y thì có thêm bộ Y TĂNG GIÀ LÊ (hai hay ba lớp vải) dành cho các TỲ KHƯU. Y màu VÀNG CASAVAK hay còn gọi là màu VÀNG hoại sắc .

XIN CHO BIẾT Ý NGHĨA VỀ MÀU CÀ SA HOẠI SẮC?

Đức Phật hằng khuyên dạy, người tu sĩ sống cuộc đời "THANH BẦN THEO CHÁNH MẠNG". Để che thân thể cho kín mình tử tế, các thầy Tỳ khưu đi lượm vải dơ, vải bỏ đem giặt cho sạch sẽ, khâu vá cho lành lặn, nhuộm một màu hoại sắc mà mặc. Y ấy là PHẤN TẢO Y hay TOÁI TẠP Y.

PHẤN TẢO LÀ NGHĨA THẾ NÀO?

Nghĩa là y làm ra do vải dính đồ dơ như bùn, đất, máu v.v...Ở xứ Ân Độ ngày xưa, khi có người chết, thân nhân lấy vải bao quấn tử thi. Đàn bà màu trắng, đàn ông màu hồng không có hòm vỏ (Quan tài) như bên ta. Đặt tử thi trên giường hay tấm ván. Họ khiêng vào rừng bỏ đó để cho chim, muông cắn xé ăn thịt....Khi Điểu thú ăn mổ, thì lớp vải quấn rơi ra, ba bốn ngày, họ đến lượm những xương tàn còn rơi rớt lại đem đi đốt, và hốt tro tàn xương sót đem về thờ. Vải bó tử thi dính đầy mủ máu bùn đất, rơi vãi đó đây. Thầy tỳ khưu đi lượm vải ấy, nấu nước sôi ngâm giặt cho sạch, khâu vá xong, nhuộm màu vàng hoại sắc mà mặc. Đức Phật hằng ngợi khen, vị Tỳ khưu nào có PHẤN TẢO Y hay còn được gọi là THIẾT GIÁP BÀO vậy.

TẠI SAO PHẤN TẢO Y CÒN GỌI THIẾT GIÁP BÀO?

Thế thường, một vị tướng ra trận, xông pha giữa chốn chiến trường muôn tên ngàn giáo, đạn bắn, thương đâm, nào gươm đao, mác v.v...mà có mặc THIẾT GIÁP BÀO thì sinh mạng sẽ được bảo đảm một phần lớn. Vị Tỳ khưu mặc PHẤN TẢO Y để đè nén phiền não, chiến thắng trận giặc lòng cũng như thế ấy

CHƯ TĂNG, ĐỆ TỬ PHẬT CÓ VỊ NÀO ĐẮP PHẤN TẢO Y?

Chư THÁNH TĂNG thì nhiều. Song có Ngài trưởng lão MÀHA KASAPPA (CA DIẾP) là người được đức Phật ban cho chính PHẤN TẢO Y của Ngài và Đại đức duy trì luôn khi.

CHƯ TĂNG CÓ PHẢI ĐẮP PHẤN TẢO Y CẢ KHÔNG?

Không. Luật định là như vậy. Để diệt lòng ham muốn, sống cuộc đời TRI TÚC theo phạm hạnh, song khi có thí chủ dâng cúng y hoặc vải, thì bậc xuất gia được phép thọ dụng.

HÌNH THỂ LÁ Y NHƯ THẾ NÀO?

Y hình chữ NHẬT. Không có tay, không có nút. Có bờ viền chung quanh như bờ ngăn của đám ruộng, có từng điều, từng khoản như bờ ngăn nước, từng khổ, từng miếng theo thước tất đã ấn định.

TẠI SAO Y LẠI CÓ VIỀN, CÓ KHOẢN CHI VẬY?

Y tượng trưng cho đám ruộng phước. Thế thường, người nông phu gieo vãi hạt giống trong đám ruộng để đến mùa thu hoạch hoa màu bông trái làm thực phẩm nuôi mạng sống. Y của chư Tăng, ví như đám ruộng để chư thiên và nhơn loại gieo hạt giống lành vào mà được hưởng quả phước thanh cao vậy.

Ngày xưa, khi Phật còn tại thế, lúc đức THẾ TÔN cùng đoàn đệ tử ngang qua xứ MA KIỆT GIÀ, đứng trên đồi nhìn xuống, thấy ruộng nương thứ lớp, đám thấp, đám cao, bờ bậc hẳn hoi. Đức Phật bèn gọi Đại đức ANANDA mà dạy rằng:

- Này ANANDA. Ruộng nương của xứ MA KIỆT GIÀ coi có thứ lớp ngăn nắp, ANANDA có thể lấy đó làm mẫu may y cho Tăng được không?

Đại đức ANANDA vâng theo lời Phật dạy, về cắt vải may y, y theo hình thể đám ruộng, dâng hầu lên đức THẾ TÔN, Ngài ngợi khen.

Vả lại để ngăn ngừa đạo tặc, thế thường khi vải đã cắt ra may lại, thành từng miếng to, nhỏ rồi thì kẻ trộm không muốn lấy làm gì, vì đã mất giá trị. đó cũng là nguyên nhân, phương cách cho chư TĂNG HÀNH ĐẠO dễ dàng, khỏi bận rộn tâm lo lắng cất giữ.

TAM Y cũng còn có ý nghĩa là cặp cánh của con chim PHƯỢNG HOÀNG hay còn gọi là LÁ CỜ LA HÁN vậy.

THẾ NÀO GỌI LÀ CẶP CÁNH CỦA CHIM PHƯỢNG HOÀNG?

Chim PHƯỢNG, chúa của các loài chim, có cặp CÁNH to rộng, vùng vẫy giữa không gian, bay đi đây, đó tự do thỏa thích. TAM Y đối với bậc XUẤT GIA cũng như thế đó. Có TAM Y QUẢ BÁT chơn truyền, người Tu sẽ rảnh rang công chuyện, không bận bịu việc đời, mà tự do tu hành hoặc tha phương HÀNH ĐẠO, tế độ quần sanh.

TAM Y CÒN TƯỢNG TRƯNG CHO LÁ CỜ LA HÁN THẾ NÀO?

Phạn ngữ ARAHAM, hán âm A LA HÁN là bậc đã giải thoát, không còn phiền não, là bậc VÔ SANH, là bậc đã bẽ gãy bánh xe sanh tử luân hồi, là bậc đáng cho chúng sanh lễ bái, cúng dường. Chư Tăng có TAM Y là biểu tượng cho các đức tánh trong sạch, trọn lành kia, nên còn được gọi là NGỌN CỜ LA HÁN vậy.

QUẢ BÁT LÀ THẾ NÀO?

Bát là vật dụng bằng đá, bằng đất, hay bằng sắt để thọ dụng vật thực của chúng sanh cúng dường. BÁT là hình tròn, có nắp đậy.

Khi đức Phật THÀNH ĐẠO dưới cội cây BỒ ĐỀ, hai vị thương gia là BÁC LỆ CA và GIA LỆ PHÙ BA được chư thiên mách bảo, đem vật thực đến dâng cúng đấng ĐẠI GIÁC NGỘ. Phật quán xét, thấy ba đời chư Phật không hề đưa tay nhận lãnh trực tiếp vật thực của thí chủ.

Khi ấy, trời TỨ ĐẠI THIÊN VƯƠNG hiểu ý mới hiện ra dâng BÁT ĐÁ xin ngài dùng. Từ đó về sau, khắp đó đây "HOẰNG ĐẠO CỨU ĐỜI" với chiếc BÁT ĐÁ thanh đạm Ngài đã chu du phổ độ quần sanh với phẩm hạnh thanh cao "TRÌ BÌNH KHẤT THỰC", cứu khổ độ sanh.

TRÌ BÌNH CÓ NGHĨA NHƯ THẾ NÀO?

Như phần trên đã giải, sau khi được ban truyền QUY GIỚI, thọ phẩm hạnh thanh cao, có tăng tướng trang nghiêm gọi là "THƯỢNG KHẤT PHẬT PHÁP".

Khi đã có tăng tướng rồi, vị Tu sĩ sống đời thanh bần theo chánh mạng, ngày ngày mang bát xin ăn để nuôi mạng sống gọi là "HẠ ĐÀN VIỆT KHẤT".

Gọi "HẠ ĐÀN VIỆT KHẤT", là đi xin vật ăn miếng uống cùng bốn món vật dụng của tín thí đàn na. Cũng có nghĩa là xin tấm lòng tốt của chúng sanh vậy. Vì rằng, làm các nghề như ruộng nương rẫy bái, bán buôn, canh cải là việc làm của phàm nhơn thế tục. Một khi sinh hoạt làm lụng, thì tâm tư phải suy nghĩ, ưu tư lợi hại, lo được lo thua, phải toan tính thiệt hơn, lo còn, lo mất vì miếng ăn, sự sống, tâm phải bận rộn thì làm sao TU HÀNH cho thanh tịnh được?

Người TU SĨ dứt bỏ nếp sống thế nhơn, vui theo phạm hạnh "THANH BẦN THEO CHÁNH MẠNG" sống nhờ tấm lòng tốt của Tín Thí Đàn Na, không vui khi được, không buồn khi không, TRI TÚC qua ngày, tùy được, tùy có, để dành thì giờ quý báu mà học mà tu cho thoải mái. Vả lại đi TRÌ BÌNH cũng là PHÁP HÀNH của ba đời chư Phật vậy.

PHÁP HÀNH NGHĨA LÀ SAO?

Thì giờ của đức Phật khi còn tại thế. Nữa đêm, gần sáng, Ngài tham THIỀN, quán tưởng, rải lòng bác ái đến muôn vạn quần sanh và dùng TUỆ NHÃN để thấy ai là người hữu duyên nên tế độ

Sáng ra, Ngài ôm BÁT đi TRÌ BÌNH KHẤT THỰC, để tế độ quần sanh. Chư Tăng cũng noi theo tấm gương cao cả ấy. khi đi BÁT, đứng trước nhà, là gom tâm thanh tịnh, dùng điển từ ái, niệm KINH cầu nguyện cho gia chủ được mọi sự lành vui phúc lạc. Gia đình thấy không mời thỉnh, mà có bậc tu hành đến nhà cầu nguyện, cõi lòng hoan hỷ phát sanh, và tùy tiện trong nhà có vật thực gì chín sẵn (như cơm khoai, sắn, bắp, trái cây v.v...) đem dâng cúng. Như thế gọi là gieo hạt giống lành trong đám ruộng phước vậy.

NHÀ KHÔNG DÂNG CÚNG, KHÔNG CẦU NGUYỆN SAO?

TRÌ BÌNH nguyên tắc là phải đi từng nhà một. Không phân biệt giàu nghèo, sang hèn quân dân hay tôn giáo, màu da sắc tộc nào cả. Cầu nguyện vơí lòng từ ái, thí chủ dâng cúng cũng tốt, không cúng chả sao. Đó là phận sự của người xuất gia, chứ không phải đi xin ăn như mọi người khất cái đâu.

TRÌ BÌNH KHẤT THỰC CÒN CÓ Ý NGHĨA NÀO NỮA?

PHÁP HÀNH, rải lòng bác ái, cầu nguyện cho chúng sanh là mục đích chính. Ngoài ra, còn là phương pháp dạy dỗ uốn nắn tâm, diệt trừ phiền não, tập tành đức tánh nhẫn nại, nhịn nhục và thực hành NĂM PHÁP là cho mọi người kính mến.

THẾ NÀO GỌI LÀ DIỆT TRỪ PHIỀN NÃO NỘI TÂM?

Đi KHẤT THỰC có nhiều gian lao vất vả. Đầu đội trời, chân đạp đất, không kể nắng mưa, nóng lạnh... Lại nữa, có người không bố thí cúng dường thì thôi, lại còn buông lời thô lỗ cộc cằn, hoặc trêu chọc v.v...

ĐI BÁT có người quý trọng, lại cũng có lắm kẻ khinh khi. Có người không biết, hoặc có người tỏ lộ những hành vi bất nhã v.v...nếu HÀNH GIẢ thiếu đức TIN, không có lòng nhẫn nại là không thể đè nén diệt trừ phiền não nội tâm được, mà thối chuyển, ngao ngán ngã lòng, thì cũng khó mà thực hành cho được.

THỰC HÀNH NĂM PHÁP LÀM CHO NGƯỜI KÍNH MẾN LÀ SAO?

1. Phải có đức tin (tin nơi giáo lý cao siêu của Phật)
2. Biết hổ thẹn tội lỗi
3. Biết ghê sợ tội lỗi
4. Siêng năng dũng mãnh
5. Có nhiều trí tuệ.

Gương sáng của ba đời chư Phật là rải lòng từ bi thương xót mọi người, mọi loài mà hòa mình vào đại chúng "Ngày ngày mang bát xin ăn".

Quyết noi gương theo đấng TRỌN LÀNH, thì PHÁP- HÀNH, Pháp mà đức Phật hằng ngợi khen, người tu sĩ phải quyết tâm thực hành cho được:

Khi thọ dụng lễ vật của Tín Thí Đàn Na là đề mục cho người xuất gia quán niệm suy xét lấy thân mình, hành vi Phạm Hạnh của ta có xứng đáng được cho người lễ bái cúng dường chưa? Nếu thấy rõ tội lỗi trong sự dễ duôi giải đãi và ghê sợ tội lỗi, thì phải mau mau thức tỉnh, siêng năng tinh tấn tu hành cho khỏi phụ lòng hoài vọng của Tín Thí Đàn Na.

Khi đã tịnh tấn, nỗ lực thu thúc, học tập tham thiền, thì tâm thanh tịnh và phát sanh trí tuệ.

Trong KINH ANGUTTARA NIKÀYA DASAKA NIPATTA đức Phật dạy:

- Này các Thầy Tỳ khưu. Các người phải luôn luôn ghi nhớ 10 Điều QUÁN TƯỞNG:

1. HÀNH GIẢ luôn quán tưởng, Ta là người có hình thể khác hơn thế tục.
2. Sự hành đạo của ta phải khác hơn thế nữa.
3. Đời sống của ta phải nương nhờ nơi kẻ khác.
4. Ta có thể chê trách ta về giới luật không?
5. Chư đạo hữu có thể chê trách ta về giới luật?
6. Ta sẽ chia lìa nhơn vật thương yêu quý mến.
7. Ta có nghiệp là di sản của ta. Nghiệp là nơi sinh ra ta. Nghiệp là quyến thuộc của ta. Nghiệp là nơi nương nhờ của ta.
8. Ngày và đêm hằng qua mau, hiện giờ ta đang làm gì
9. Tri kiến giải thoát là pháp diệt trừ phiền não, ta đã có hay chưa?
10. Ta đã làm tròn phận sự và trau giồi phạm hạnh đúng theo lời Phật dạy hay chưa?

Đó là "MƯỜI ĐIỀU QUÁN TƯỞNG" mà bậc xuất gia tu hành phải quán tưởng luôn khi. Khi thực hiện đúng theo lời Phật dạy, trau giồi phẩm hạnh thanh cao, xứng đáng cho chúng sanh lễ bái cúng dường. Bằng trái lại thì sự tai hại cũng không sao lường được. Đã không đưa mình đến nơi an vui giải thoát lại còn bị sa đọa trong bốn đường ác đạo khổ đau.

TẠI SAO TU HÀNH KHÔNG CHÍNH ĐÁNG LẠI CÓ TAI HẠI?

Hãy nghe đức Phật dạy các thầy Tỳ khưu về năm hạng cướp vĩ đại. Năm hạng cướp ấy là gì?

- Này các thầy Tỳ khưu.

Trong thế gian này có một đảng cướp vĩ đại, chúng hằng có ức niệm rằng không biết bao giờ ta có hằng trăm, hàng ngàn người theo hầu hạ ta, bảo vệ ta, dâng các món tứ vật dụng hằng ngày cho ta? Ta sẽ đi khắp thôn xã tổng tỉnh, tự ta cướp bóc, tự ta chặt đầu người, tự ta phóng hỏa hay bảo kẻ khác phóng hỏa. Tướng cướp có hàng trăm, hàng ngàn người tùy tùng rồi vào kinh thành cướp phá, như thế nào? Cũng như có hạng Tỳ khưu trong pháp Luật của NHƯ LAI là người có lòng ham muốn đê tiện như vầy.

- Không biết bao giờ ta có hàng trăm, hàng ngàn đệ tử đoanh vây theo hầu hạ ta, dâng cúng, cung cấp món ăn vật uống, rồi đi đến làng tổng quận tỉnh và kinh đô, hàng xuất gia, kẻ cư sĩ phải kính nể cúng dường, nhưng giới hạnh thì lôi thôi, lòng đầy tham dục, thì đó là hạng cướp thứ nhất vậy.

THẾ NÀO LÀ HẠNG CƯỚP THỨ NHÌ?

Đức Phật dạy rằng: - Này các thầy Tỳ khưu. Có nhóm Tỳ khưu đê tiện trong pháp luật này, lợi dụng lòng tin của tín đồ nuôi mạng mình bằng cách tà mạng như (cho bùa, làm phép, chữa bệnh, bốc thuốc v.v...) Giới hạnh không trang nghiêm, sai quấy giới luật hằng theo phá hoại các hạng tu hành chơn chánh đúng theo GIỚI LUẬT của NHƯ LAI đã giáo truyền. Đây là hạng cướp thứ nhì.

THẾ NÀO LÀ HẠNG CƯỚP THỨ BA?

Đức Phật dạy rằng: - Này các thầy Tỳ khưu. Có nhóm Tỳ khưu đê tiện, học xong KINH LUẬT của NHƯ LAI đã giáo truyền, lại tự cao, tự đại coi thường kinh bỉ các bậc trưởng lão, này các thầy Tỳ khưu đây là hạng cướp thứ ba.

HẠNG CƯỚP THỨ TƯ LÀ THẾ NÀO?

Đức Thế Tôn có dạy:

- Này các thầy Tỳ khưu. Có nhóm Tỳ khưu đê tiện trong Giáo Pháp này, giúp đỡ tín đồ bằng động sản của Tăng như giường mùng, mền chiếu v.v... và đồ bất động sản như đất chùa hay chùa cho người thế tục, với mong cầu lợi lộc riêng tư, thì đây là hạng cướp thứ tư.

Và Đức Thế Tôn giải tiếp:

- Này các thầy Tỳ khưu. Có nhóm Tỳ khưu đê tịên trong pháp luật này, tự khoe mình đắc Pháp của bậc cao nhơn mà chính mình không có, với mưu cầu lợi lộc, thì gọi là hạng cướp thứ năm vậy.

Năm hạng cướp vừa kể trên đây, là những kẻ cướp hung tợn nguy hại, ác độc hơn cả những hạng cướp nào trên thế gian này đến cõi Phạm Thiên. Vì sao?

Vì các thầy Tỳ khưu ăn cướp, vật thực của Tín Thí Đàn Na bằng cách cúng dường, rồi còn lôi kéo hướng dẫn tín đồ theo đường mê tín dị đoan, để cầu mong lợi lộc cho mình, bằng cách bàn môn tà đạo thì nó còn tai hại hơn chặt đầu người, phóng hỏa đốt người nữa.

Bởi vậy cho nên, đức Phật cũng hằng khuyên dạy: - Này các thầy Tỳ khưu. Thà các người ngồi ôm, nằm ôm vào đống lửa đang cháy hừng hực, còn hơn các người ngồi ôm, nằm ôm các hàng công chúa, tiểu thư, con gái các hàng quý tộc vua chúa giàu sang xinh đẹp, có bàn tay bàn chân dịu đỏ như son, vì rằng ôm lửa, nằm vào lửa nó chỉ phỏng da, cháy trán hay thiêu đốt mạng căn của các người một đời, một kiếp thôi.

Trái lại, lợi dụng hình thức phạm hạnh mà làm điều xằng bậy, trược hạnh xấu xa, nó sẽ thiêu đốt huệ căn của các người trong vô lượng kiếp và bị khổ thời gian rất lâu dài, vì khi chết, sanh vào ác đạo thời gian vô tận.

Tóm lại, KHẤT SĨ là HẠNH NGUYỆN quý báu cao cả của ba đời chư Phật, mà các bậc XUẤT GIA là người thay mặt để nêu cao tấm GƯƠNG cao đẹp cho quần sanh với đầy đủ phẩm hạnh trang nghiêm, thì đó là một cách bảo vệ và hoằng dương CHÁNH GIÁO cao thượng, thiết thực.

XIN CHO BIẾT Ý NGHĨA VỀ BỐ MA?

BỐ MA có ý nói là sợ MA. Xa lìa Ma. Đè nén diệt trừ Ma. Ma đây còn được chia làm năm loại:

1. PHIỀN NÃO MA. Ám chỉ thói hư tật xấu do TAM ĐỘC là THAM SÂN và SI sinh ra lo âu, buồn giận v.v...

2. TỬ THẦN MA. Ám chỉ về sự chết của chúng sanh.

3. THIÊN MA. Một hạng Chư Thiên chuyên đi khuyến hóa chúng sanh làm việc ác, ngăn cản việc thiện, sự tấn hóa tu hành. Hạng chư Thiên này ở cung trời DẠ MA, một bên thiện, một bên ác.

4. NGŨ UẨN MA. Ám chỉ về sắc thọ tưởng hành thức. Ngũ UẨN này kết hợp làm cho chúng sanh chịu bao thống khổ, lo âu, sầu muộn v.v...

5. THIỆN ÁC MA. Thiện đây, ám chỉ THIỆN HỮU LẬU, nghĩa là nó sợi dây trói cột chúng sanh trong vòng TAM GIỚI, không cho thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi khi làm Trời, khi làm Người, khi làm Thú v.v...

THIỆN HỮU LẬU LÀ THẾ NÀO?

HỮU LẬU THIỆN gồm có:

- Một trong cõi người.
- Sáu trong cõi dục giới
- Mười sáu trong cõi sắc
- Bốn trong cõi Vô Sắc

Cộng chung tất cả là 26 từng. Tuy ở trong 26 từng ấy, có nhiều sự lạc thú thanh nhàn do theo nhân phước đã tạo theo bảo trợ, nhưng đến khi hết phước, hết tuổi thọ vẫn còn phải chết, phải bị tái sanh, loanh quanh trong vòng TAM GIỚI, do đó gọi là LOKKA KUSALA "THẾ GIAN THIỆN".

CHO BIẾT Ý NGHĨA VỀ TAM GIỚI?

Nếu kể TAM GIỚI, phải tính luôn cả bốn ĐƯỜNG ÁC nữa đó là:

1. Địa ngục
2. Ngạ quỷ
3. Súc sanh
4. A tu La

Đều phải chịu mọi điều thống khổ, lo âu, sợ sệt. Kể đến cõi người. Tuy sanh làm người, song cũng có thể chia làm năm hạng như sau:

1. Người như chư thiên.
2. Người như người.
3. Người như súc sanh.
4. Người như ngạ quỷ.
5. Người như địa ngục.

NGƯỜI NHƯ CHƯ THIÊN LÀ THẾ NÀO?

Chư Thiên là hạng chúng sanh đã làm được nhiều việc LÀNH như bố thí, tham thiền. Do nhờ phước báu ấy bảo trợ như món ăn, vật uống các món tứ vật dụng tự nhiên mà có, đi lại dễ dàng, có hào quang xinh đẹp, sáng ngời rực rỡ, ở trong những bảo điện nguy nga tráng lệ, có nhiều kẻ hầu, người hạ v.v...Hạng người như chư thiên cũng như thế ấy, tuy làm người mà có quyền cao tước trọng, nhà cửa khang trang, giàu sang phúc túc, sắc thân xinh tốt, đầy đủ sự an vui lạc thú hơn mọi người.

NGƯỜI NHƯ NGƯỜI LÀ THẾ NÀO?

Hạng chúng sanh có lục căn đầy đủ. Các món tứ vật dụng do công sức làm ra cũng vừa phải lẽ, túc y túc thực, có trí tuệ nhận biết chơn lý, thấy được nhơn quả, biết lành, biết dữ, phải, trái v.v...

NGƯỜI NHƯ SÚC SANH LÀ THẾ NÀO?

Chúng sanh này mang lông, đội sừng, hai chân, bốn chân, nhiều chân hoặc không chân v.v... ví như trâu, bò, heo, chó...hằng ngày làm công việc nặng nề cực nhọc dãi nắng, dầm mưa lại còn bị hành hạ đánh đập trói lôi, xiềng xích, khi chết còn bị phanh thây xẻ thịt biết bao tủi hổ, nhọc nhằn, đau khổ v.v...

Cũng như thế ấy, tuy mang thân người nhưng thiếu phước tạo gây, nên văn dốt, võ nhác, tối tăm ngu độn sanh vào gia đình nghèo đói cơ hàn, cơm không đủ no, áo không đủ ấm, phải làm những công việc nặng nề cực nhọc đổ mồ hôi nuôi mạng sống, bị người sai khiến đày đọa, lại còn bị người rẻ rúng khinh khi.

HẠNG NGƯỜI NHƯ NGẠ QUỶ LÀ THẾ NÀO?

PETA dịch là "QUỶ ĐÓI" bụng đói, miệng khát nhe nanh, ăn toàn mủ máu hôi tanh. Chịu đói, lạnh, do nhân xấu xa bần tiện keo kiệt bủn xỉn nhất là lòng tham lam quá độ, mong mỏi cướp giựt của người khác do nhân ác đã gieo. Có hạng người tuy mang thân người mà phải mang tật nguyền bệnh hoạn, nghèo đói, ăn không được, uống không thông, cơn bệnh hành hạ đau nhứt ngày đêm, rên la, than khóc cũng như thế ấy.

NGƯỜI NHƯ ĐỊA NGỤC LÀ THẾ NÀO?

Do tội sát sanh hại mạng người thú không chút xót thương. Làm những điều tội lỗi xấu xa như đâm thuê chém mướn, hoặc phạm ngũ nghịch đại trọng tội, hoặc làm đồ tể để nuôi mạng sống v.v...Chúng sanh nầy chết đi thọ sanh vào cảnh giới địa ngục lãnh chịu hình phạt bị chém đầu, tra tấn, bị mổ bụng, lôi gan, đập xương, róc thịt, ăn hòn sắt nóng, uống nước đồng sôi, sống đi chết lại ngàn lần, lửa cháy hỏa hào, ngày đêm thiêu đốt không ngừng nghỉ v.v...

Tuy mạng thân người, có một hạng người làm những sai trái, phạm vào phép nước, luật vua, tạo tác những tội ác, gây tai hại cho nhiều người, phạm vào luật lệ quốc gia, mà phải lãnh chịu cảnh tra tấn, tù đày, bị hành hạ đánh đập ngày đêm cũng như thế ấy.

Nói chung, lấy cảnh người, mà suy niệm cho kỹ, cũng đã tượng trưng cho bốn đường ác, cõi người và cảnh giới Chư Thiên một phần rồi vậy.

CHO BIẾT VỀ CÕI TRỜI DỤC GIỚI?

Có sáu cảnh giới như sau:

1. TỨ ĐẠI THIÊN VƯƠNG

Từng trời thấp nhất trong các từng trời do bốn vị Thiên Vương cai quản.

- Vua KUVERA - TRÌ QUỐC Thiên vương.
- Vua DHATARATTHA - TÁNG HƯƠNG Thiên Vương
- Vua VIRUPAKKHA - QUẢNG MỤC Thiên Vương
- Vua VIRULHAKA - ĐA VĂN Thiên Vương.

Có tuổi Thọ là 500 tuổi như ý, bằng 9 triệu rưỡi cõi người. Vì rằng, một ngày, một đêm ở cõi trời bằng 50 năm ở cõi thế. Cũng như một ngày một đêm ở dương thế là bằng vạn tử, vạn sanh ở khổ cảnh.

2. ĐAO LỢI THIÊN

Cũng còn gọi là cảnh TAM THẬP TAM THIÊN, có 33 vị THIÊN VƯƠNG cai quản, do đức Trời ĐẾ THÍCH làm Chủ. Nơi có tuổi THỌ là 1.000 tuổi NHƯ Ý, bằng 36 triệu rưỡi cõi người.

3. DẠ MA THIÊN

Còn gọi là cảnh DIỆT KHỔ . Có tuổi THỌ 2.000 năm bằng 144 triệu tuổi cõi người.

4. ĐÂU XUẤT ĐÀ THIÊN.

Cảnh giới khoái lạc. Nơi an nghĩ của các vị Bồ tát sau khi thực hành tròn đủ MƯỜI PHÁP THẬP ĐỘ. Có tuổi THỌ 4.000 năm, bằng 576 triệu tuổi cõi người.

5. HÓA LẠC THIÊN.

Cảnh giới của những vị trời ở trong những cung điện đẹp đẽ, to lớn. Có tuổi THỌ 8.000 năm NHƯ Ý, so với tuổi người là 2.304 triệu năm.

6. THA HÓA TỰ TẠI THIÊN

Cảnh giới của những vị trời có khả năng tạo ra những vị trời khác để phục vụ cho mình. Có tuổi THỌ 16.000 tuổi NHƯ Ý. Bằng 9.126 triệu năm của người.

Chư Thiên trong sáu cõi Dục Giới trên cũng có hình thể, nhưng vật chất, (sắc) của các vị ấy tế nhị, rất tế nhị hơn sắc của cõi người nhiều. Vì thế mắt thường, người không thấy được. Tất cả những vị ấy, đều phải chết, mặc dù trên vài phương diện, như hình thể nơi ở, vật thực thì được sung mãn hơn cảnh người nhiều.

Về trí tuệ, các vị ấy thường không hơn người. Chư Thiên trong cõi DỤC GIỚI đều hóa sanh, bỗng nhiên xuất hiện dưới hình thức một thanh niên hay thanh nữ lối 16 tuổi, đó là cảnh giới có nhiều khoái lạc tạm bợ.

Bốn cảnh khổ, cảnh người và sáu cảnh trời đều nằm trong DỤC GIỚI cả.

CHO BIẾT VỀ CẢNH TRỜI SẮC GIỚI?

SẮC GIỚI còn chia ra bốn cảnh tương ứng với trình độ THIỀN mà HÀNH GIẢ đã đắc.

SƠ THIỀN CÓ BA LÀ:

1. PHẠM CHÚNG THIỀN. - Cảnh giới các vị trời tùy tùng cho các vị Phạm Thiên. Thọ 1/3 kiếp trái đất.

2. PHẠM PHỤ THIỀN. - Cảnh giới của những vị Phụ Thiên thân cận các vị Phạm thiên. Thọ 1/2 kiếp.

3. ĐẠI PHẠM THIỀN. - Cảnh giới của các vị đại PHẠM THIỀN có nhiều hạnh phúc, đẹp đẽ và tuổi thọ nhiều hơn các PHẠM THIÊN khác là một kiếp trái đất, nhờ phước báu đã tạo, do công phu THIỀN ĐỊNH.

NHỊ THIỀN CÓ BA LÀ.

4. THIỂU QUANG THIÊN. - Cảnh giới của những vị Phạm Thiên có ít hào quang. Thọ 2 kiếp trái đất.

5. VÔ LƯỢNG QUANG THIÊN.- Cảnh giới của những vị Phạm Thiên có ánh sáng vô cùng. Thọ 4 kiếp trái đất.

6. QUANG ÂM THIÊN. - Cảnh giới của những vị Phạm Thiên có hào quang rực rỡ. Thọ 8 kiếp trái đất.

TAM THIỀN CÓ BA LÀ

7. THIỂU TỊNH THIÊN. - Cảnh giới của những vị Phạm Thiên có hào quang nhỏ, tuổi thọ 16 kiếp trái đất.

8. VÔ LƯỢNG QUANG THIÊN. - Cảnh giới của những vị Phạm Thiên có hào quang vững chắc không xao động. Tuổi thọ 32 kiếp trái đất.

9. BIẾN TỊNH THIÊN. - Cảnh giới của những vị Phạm Thiên có hào quang vững chắc không xao động. Tuổi thọ 64 kiếp trái đất.

TỨ THIỀN CÓ BẢY LÀ

10. QUẢNG QUẢ THIÊN. - Cảnh giới của những vị Phạm Thiên hưởng quả rộng lớn. Tuổi thọ 500 kiếp.

11. VÔ TƯỞNG THIÊN. - Cảnh giới của những vị Phạm Thiên không có Tâm. Tuổi thọ 500 kiếp trái Đất.

12. VÔ PHIỀN THIÊN. - Cảnh giới của những vị Phạm Thiên hoàn toàn tinh khiết trường cửu có tuổi thọ 1.000 kiếp trái đất

13. VÔ NHIỆT THIÊN. - Cảnh giới của những vị Phạm Thiên hoàn toàn thanh tịnh. Tuổi thọ 2.000 kiếp.

14. THIỆN HIỆN THIÊN. - Cảnh giới của những vị phạm thiên hoàn toàn đẹp đẽ. Thọ 4.000 kiếp trái đất.

15. THIỆN KIẾN THIÊN. - Cảnh giới của những vị Phạm Thiên hoàn toàn quang đãng. Thọ 8.000 kiếp trái đất.

16. VÔ THIỂU THIÊN. - Cảnh giới của những vị Phạm Thiên tối thượng. Tuổi thọ 16.000 kiếp trái đất.

BỐN CẢNH TRỜI VÔ SẮC GIỚI LÀ THẾ NÀO?

1. KHÔNG VÔ BIÊN XỨ THIÊN.

Cảnh giới có quan niệm Không gian vô cùng vô tận có tuổi thọ hai muôn kiếp trái đất.

2. THỨC VÔ BIÊN XỨ THIÊN

Cảnh giới có quan niệm rằng "THỨC vô cùng tận" có tuổi thọ là tám muôn kiếp trái đất.

3. VÔ SỞ HỮU XỨ THIÊN

Cảnh giới có quan niệm rằng không không vô cùng tận có tuổi thọ mười sáu muôn kiếp đất.

4. PHI TƯỞNG PHI PHI TƯỞNG THIÊN

Cảnh giới có quan niệm rằng không có Trí giác cũng không có Trí giác. Có tuổi thọ tám muôn bốn ngàn kiếp trái đất. Cũng nên ghi rằng "không có giống nam cũng như không có giống nữ trong những cảnh SẮC GIỚI và VÔ SẮC GIỚI". -- (Cộng tất cả 31 từng trong TAM GIỚI). Y theo BẢN DỊCH của Hòa Thượng Tỳ Khưu KIM QUANG.

Tóm lại, từ hạng chúng sanh đê tiện khổ cực Nhất (nhứt nhựt, nhứt Dạ vạn Tử vạn sanh) cho đến hạng chúng sanh sống với tuổi thọ 84 ngàn đại kiếp, nhưng đến khi hết phước, hết tuổi thọ, lại cũng phải tái sanh, còn phải chịu chi phối dưới định luật vô thường.

Cho nên, bậc Xuất Gia là phải cố gắng diệt trừ phiền não để thoát ra khỏi vòng TAM GIỚI, ra khỏi LƯỚI của MA VƯƠNG, đến cảnh NIẾT BÀN cho xứng danh là BỐ MA đó vậy.

Nên ghi nhận rằng, đức Phật không nhắm truyền bá một lý thuyết về vũ trụ. Dù những cảnh giới trên có hay không, điều ấy không ảnh hưởng gì đến cho giáo lý của Ngài. Không ai bị bắt buộc phải tin một điều gì, nếu điều ấy không thích hợp với sự suy luận của mình. Nhưng nếu bác bỏ tất cả những gì mà lý tưởng hữu hạn của ta không thể quán niệm được, thì điều ấy cũng không phải hoàn toàn chánh đáng. Muốn tỏ hơn, xin tìm xem nơi quyển "ĐỨC PHẬT VÀ PHẬT PHÁP" của giảng sư NARÀDA đã xuất bản.

XIN CHO BIẾT Ý NGHĨA VỀ PHẢ ÁC?

PHẢ ÁC hay còn được gọi là PHẢN ÁC. Chư Tăng là những người đã nguyện"CÁI ÁI LY GIA, XÃ PHÚ CẦU BẦN, XÃ THÂN CẦU ĐẠO" với mục đích duy nhất là giải thoát ra khỏi vòng TAM GIỚI KHỔ.

Khi đã có TĂNG TƯỚNG trang nghiêm, học hỏi và thực hành GIỚI LUẬT để PHẢN ÁC TÙNG THIỆN, phản giả quy chơn, phản tà quy chánh, bỏ mê về ngộ, xa khổ về vui, đó là nhiệm vụ tối cần, là mục tiêu tối thượng của người CẦU ĐẠO GIẢI THOÁT vậy.

ĐI TRÌ BÌNH SAO GỌI NUÔI MÌNH THEO CHÁNH MẠNG?

Đức THẾ TÔN hằng khuyên dạy chư Tăng, hằng ngày phải đi TRÌ BÌNH KHẤT THỰC để CỨU KHỔ ĐỘ SANH. Để đem lại sự an vui cho mọi người, mọi loài, mọi giới để chúng sanh có điều kiện gieo duyên làm phước trong CHÁNH PHÁP, vãi hạt giống lành trong đám ruộng phước (do lòng bi mẫn) là nuôi mình theo CHÁNH MẠNG.

Mỗi ngày chỉ ăn một bữa (ngọ thời) tùy được, tùy có, không khen cũng không chê, không mừng cũng không vui hay lo lắng, hoặc ao ước đòi hỏi theo nhục dục cá nhơn. Hằng luôn quán niệm bốn món vật dụng để cố gắng tinh tấn tu hành (đó là Tự Độ lấy mình) gọi là CHÁNH MẠNG vậy.

NUÔI MÌNH THEO TÀ MẠNG LÀ THẾ NÀO?

Người xuất gia sống cuộc đời không chơn chánh, đức Phật gọi là NESANA " TÀ MẠNG" có 21 điều.

1. VELU DÀNAM - Cho người thế tre.
2. PATTA DÀNAM - Cho người thế lá
3. PASSA DÀNAM - Cho người thế bông hoa
4. PHÀLA DÀNAM - Cho người thế trái.
5. DANTAKATTHA DÀNAM - Cho người tăm xỉa răng
6. MUKHODAKA DÀNAM - Cho nước rửa mặt
7. DINNÀNA DÀNAM - Cho xà phòng tắm giặt
8. CUNNA DÀNAM - Cho phấn bột thoa mình
9. MATIKA DÀNAM - Cho đất sét
10. VÀTUKAMYYÀTÀ - Hạ mình nói lời tôn kính người tại gia
11. MUGGASÀPATA - Nói những lời thêu dệt
12. PÀRIGHATYATÀ - Giữ con cho người thế
13. JANGHAPPESANIYÀ - Làm thuê cho người thế
14. VEJJAKAMMA - Làm thầy thuốc chữa bệnh
15. DÙTAKAMMA - Làm tống thư văn cho người
16. PAHIGANANAM - Ngoài việc đi thơ, còn đem chuyện người này mách lại người kia.
17. PINDIPPÀTIPPINDIKÀ - Đem vật thực mà mình khất thực cho người ăn trước, rồi mới khất thực ăn sau.
18. DÀNIPADÀNAM - Cho đi, cho lại, nghĩa là người thế cho vật này, xuất gia cho vật nọ, gọi là thù tạc.
19. VUTTHUVIJJÀ - Làm thầy địa lý, chỉ nơi chôn cất, phâm kim, đặt huyệt.
20. HAKKHITTAVIJJÀ - Coi sao hạn, nghĩa là coi bói toán rồi cúng cho người.
21. ANGIVIJJÀ - Coi tướng số, đoán tử vi tốt xấu.

Đó là 21 ĐIỀU TÀ MẠNG không chính đáng của vị Tỳ khưu, mà các hàng thiện trí thức chê bai.

LÀM THẦY ĐỊA, CÚNG SAO HẠN SAO GỌI LÀ TÀ MẠNG?

Theo LUẬT NHƠN QUẢ LIÊN QUAN, làm lành hưởng quả vui, làm dữ mang quả khổ, đúng như NHO GIÁO có câu "CHỦNG QUẢ ĐẮC QUẢ, CHỦNG ĐẬU ĐẮC ĐẬU" có nghĩa là trồng DƯA thì được DƯA, tỉa ĐẬU thì hái ĐẬU.

Đức Phật khuyên dạy:

- Chính ta là tạo hóa của ta. Thiên đàng do ta tạo. Địa ngục cũng chính ta gây. Phước hay tội đều do ta cả. Gọi là "TỰ TÁC TỰ THỌ". Ngoài ta ra, không có một vị Thần linh toàn năng toàn trí nào, có thể ban phước hay rước họa cho ai được cả.

Như vậy, làm thầy địa lý, cúng sao hạn, coi tướng số, đoán tử vi, vẽ bùa chú, trừ tà, ếm quỷ là hành vi của hạng người không chơn chánh. Lợi dụng vào lòng tin yếu kém của tín đồ để đưa họ vào con đường mê tín dị đoan tin tưởng nơi đấng thần quyền tha lực, chỉ biết cầu khẩn van xin nơi một đấng thiêng liêng huyền bí, mà không chịu TỰ TU TỰ ĐỘ, đó là nhân đưa CHÁNH PHÁP đến chỗ lu mờ suy yếu, há không phải là TÀ MẠNG sao?

Dẫn chứng ví dụ cho dễ hiểu. Có một nhóm người hung ác dữ tợn kia, chuyên đi cướp của, giết người, đốt xóm, phá làng, làm những điều xấu xa tội lỗi. Khi bị quân binh đánh dẹp, bắt bỏ vào ngục thất, để đưa ra tòa, kêu án mà lãnh chịu hình phạt tù đày hoặc tử hình theo như cái tội mà họ đã gây ra tạo ra.

Rồi trong khi ấy vợ, con quyến thuộc của nhóm người nói trên, đem vàng bạc châu báu lo lót hối lộ cho vị quan tòa thanh liêm chánh trực để xin giảm án hay ân xá, tha bổng cho các tội nhơn có được không?

Chắc chắn là không được như thế nào, thì việc cúng vàng mã, hình nộm, tướng rơm v.v...chỉ là việc làm của hạng người mê tín dị đoan mà thôi.

Vã lại, xét cho kỹ, người dương thế dùng loại tiền gì?

Người cõi âm dùng tiền tệ gì? Luật lệ nào cho phép oan hồn uổng tử nhận lãnh tiêu pha? Vả lại đã có lòng cho, sao lại đem đi đốt ráo cả vậy?

Nói họ thần thông phép tắc để nhận, sao họ không biến hóa ra mà dùng, lại hốt tro tàn đem về làm gì. Họ thụ hưởng được hồi nào? Chẳng qua là khi mua vàng mã (với giá khá đắt) số tiền chui vào rương, vào tủ của số người sản xuất đó. Nước Việt Nam ta hơn một ngàn năm bị đô hộ dưới sự cai trị của người phương Bắc, phong tục tập quán, lễ nghi phong hóa một phần lớn do người phương Bắc bày vẽ. Vàng mã cũng do mấy chú Tài phiệt đặt bày.

Để tiêu thu các món hàng trên, nên họ dựng lên câu chuyện "ĐƯỜNG VƯƠNG LÝ THẾ DÂN DU ĐỊA PHỦ" các oan hồn uổng tử khóc lóc xin tiền, thiếu bạc v.v...

Câu chuyện thật hoang đường, thế nhơn vốn nhẹ, nghe bùi tai là tin ngay chứ không chiu suy xét cho kỹ, nhất là ở đời có hạng người tham lam ích kỷ, cho vay cắt cổ, tham nhũng ô lại, làm những việc độc ác, vơ vét tận xương tủy của dân lành, miễn sao cho vừa lòng ích kỷ cá nhơn. Đã thế lại còn lo sợ cho tương lai sau khi chết, lo mua sắm gửi gắm kho vàng, kho bạc dưới diêm vương, để sau khi chết xuống có sẵn mà tiêu xài, hối lộ Diêm vương, Quỷ sứ, mong những vị này thu nhận của hối lộ, mà giảm khinh hình phạt cho v.v...

Đem sự việc trên mà suy luận. Người Việt Nam ta dùng tiền ngân hàng Việt Nam. Người Anh dùng Anh kim, người Mỹ dùng Đô-la, người Pháp dùng Frăng v.v...Vậy đố ai biết Diêm Vương dùng thứ tiền tệ chi? Một miếng giấy súc, quệt một chút kim nhũ hay ngân nhũ. Hoặc khắc bản gỗ để in tiền xưa, rồi đốt cho người cõi âm dùng, thì đúng là một việc quá ư khôi hài, và không khéo ta lại khinh thường vong hồn người quá cố.

Nói rộng ra, các nước theo Phật giáo chơn chánh như Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan v.v...hay các nước văn minh như Âu, Mỹ, người ta không cúng vàng đốt mã, chắc họ hàng, thân quyến của họ nghèo túng lắm.

Nếu họ đói, nghèo sẽ sanh tâm trộm cướp. Bên Việt Nam ta có nhiều vàng kho, bạc nén tích trữ để dành, họ sẽ tràn qua xâm lăng, cướp giật, thì chắc chắn họ hàng nhà ta liệu có giữ nổi cùng không? Chắc cũng phải lo sợ mất mát, thì khổ lắm chứ chơi sao? sống đã khổ vì giữ của, chết cũng không an tâm vì lắm của, nhiều vàng.

Đó là luận lý LÝ NHƠN QUẢ mà nói cho cùng, chứ khi chúng sanh chết, phải đi thọ sanh theo duyên nghiệp của mình khi sanh tiền gây tạo chứ đâu có phải nằm đó mà chờ sự thế thẩm văn xin, cúng cấp đâu?

Tóm lại, người TU SĨ XUẤT GIA mong vượt ra khỏi vòng TAM GIỚI KHỔ, phải tìm sự lợi ích cho mình và sự lợi ích cho quần sanh bằng CHÁNH MẠNG, và tránh xa NĂM ĐIỀU TỘI LỖI mà đức Phật hằng khuyên răn nhắc nhở.

NĂM ĐIỀU TỘI LỖI ẤY NHƯ THẾ NÀO?

Nuôi mình bằng cách không chơn chính PÀMADHAMMA

"Pháp TỘI LỖI" có năm điều:

1. KURANÀ. Nói dối. Có ý muốn cho người cúng dường mình, nên làm ra vẻ ta đây là người không ham muốn vật tốt đẹp. Hoặc nói xa, nói gần, có ý cho ta là hạnh kiểm thanh cao. Hoặc làm bằng cách hành động trong bốn oai nghi, làm bộ như mình là bậc cao nhơn không màn thế sự, ra khỏi phiền não.

2. LAPANÀ. Sự giả dối bằng lời nói, là có ý dùng lời khoe khoang, hoặc có ý nói cho người mời thỉnh hoặc dâng cúng cho mình.

3. NEMITATÀ. Tỏ vẻ cho người biết rằng: Ta đây ưa muốn cần thiết vật ấy. Bằng cách nói đà, hỏi ướm để xin, hoặc làm bộ như không biết, không từng thấy hỏi dọ xem để người cúng dường. Hoặc làm thể như y bị rách rưới, thiếu thốn v.v...để người dâng cúng cho ta, bằng cách hành động hay nói mà không biết thẹn

4. NIPPESIKATÀ. Nói dịu ngọt, là dùng lời nói nịnh bợ hoặc khích bác cho thiện tín vì chạm tự ái hay tội nghiệp mà dâng cúng.

5. LABHENA LÀBHANNIJJGIMSANATÀ. Tìm Lợi Lộc bằng cách đưa của mình được nơi này ra cho nơi khác để lấy mồi câu lợi.

Đây là những hành động rất đê tiện của người xuất gia, tham lam danh lợi, có ý như người cho vay lấy lãi nói chung, ngưới xuất gia mà sống với NĂM PHÁP TỘI LỖI và 21 ĐIỀU TÀ MẠNG cùng TÁM PHÁP BẤT CHÁNH, gọi là thầy Tỳ khưu nuôi mạng không chơn chánh.

TÁM PHÁP BẤT CHÁNH LÀ THẾ NÀO?

1. Đoán rằng năm nay trời mưa nhiều tốt.
2. Đoán rằng năm nay trời hạn hán, mất mùa
3. Đoán rằng năm nay lúa gạo đầy đủ
4. Đoán rằng năm nay thiếu lúa gạo đói kém
5. Đoán rằng có sự thái bình
6. Đoán rằng có thiên tai như bão lụt
7. Đoán rằng có bệnh hoạn như dịch hạch phát sanh.
8. Đoán rằng không có bệnh tật chi.

Nói chung, TÁM ĐIỀU DỰ ĐOÁN trên làm cho đệ tử tín đồ hoang mang, lo sợ, không còn đức tin nơi TỰ LỰC mà chỉ biết van xin cầu khẩn nơi một sự ban ân, giáng phước che chở hộ trì cũng là nhân đưa đến sự mê tín dị đoan, trông nhờ nơi THA LỰC THẦN QUYỀN vậy.

BẬC XUẤT GIA TU HÀNH THEO CHÁNH MẠNG CÓ QUẢ GÌ?

Còn là Phàm. Còn phải tu theo GIỚI ĐỊNH HUỆ để diệt trừ TAM ĐỘC là THAM SÂN SI. Bậc xuất gia tu hành theo CHÁNH MẠNG có TRẠNG THÁI, PHẬN SỰ, và QUẢ của CHÁNH MẠNG theo hộ trì luôn khi.

THẾ NÀO GỌI LÀ TRẠNG THÁI?

LAKKHANA, dịch là"TRẠNG THÁI". CHÁNH MẠNG có nghĩa làm cho trong sạch, có nghĩa là không lẫn lộn ở đời, khác hẳn thế nhơn phàm tục, đáng kính trọng theo như luật của đức Phật đã giáo truyền.

THẾ NÀO GỌI LÀ PHẬN SỰ?

KICCA dịch là phận sự là có tánh cách hành động nuôi mạng chơn chánh, là vật đưa người ra khỏi khổ. Ý nói chánh mạng của bậc xuất gia là tuyệt đối tri túc không tham danh lợi, đó là nhân để diệt lòng ham muốn đây là lý do giải thoát khỏi khổ.

THẾ NÀO GỌI LÀ QUẢ?

PHÀLA dịch là "QUẢ" CHÁNH MẠNG có tánh cách dứt bỏ hay dứt sự nuôi mạng không chơn chánh đó là QUẢ. CHÁNH MẠNG thuộc về THÂN và KHẨU, nên thuộc về LUẬT hay còn gọi là GIỚI. Trong TẠNG KINH, đoạn về Tỳ khưu giữ mình trong sạch theo CHÁNH MẠNG có TÁM điều AN VUI như vầy.

1. Không bận rộn về việc giữ gìn của cải.
2. Tìm vật thực vô tội, là không phải hành nghề gì làm ra tiền, hầu mua sắm thức ăn, nên không TÀ MẠNG.
3. Thọ vật thực đã chín sẳn (do Thí chủ dâng cúng).
4. Không bị làm khó dễ bởi chính phủ, nghĩa là không bị xâu thuế.
5. Không có sự ưa mến, quyến luyến về vật dụng cần như người đời nào xe cộ, nhà cửa v.v...
6. Không sợ bị kẻ trộm cướp lấy của.
7. Không có sự quan hệ gì với quan quyền vua chúa.
8. Không đi nơi nào cũng không bị ai gạn hỏi ngăn đón lôi thôi.

TẠI SAO ĐẾN CHÙA LỄ PHẬT, PHẢI LẠY CHƯ TĂNG?

LỄ PHẬT là tôn kính ân đức ba đời chư Phật. Còn đảnh lễ chư Tăng là lạy cái Y cái Bát, cái Hạnh kiểm trang nghiêm, đức lành, tánh tốt của chư Tăng, người thay mặt ba đời chư Phật để dạy dỗ quần sanh, chứ đâu phải lạy nhục thể 32 thế trược của ông xoài ông ổi đâu?

Vả lại, một khi đảnh lễ như vậy, cũng là cách nhắc khéo chư Tăng, là sự động viên khuyến thỉnh chư Tăng tu hành theo Phạm hạnh.

NHẮC KHÉO CHƯ TĂNG LÀ NGHĨA LÀM SAO?

Cũng như khi THỌ THỰC của thí chủ, vị Xuất gia phải luôn luôn quán tưởng, nhắc nhở mình phải như vầy:

- Thí chủ đâu có phải là cha ta, mẹ ta, thân bằng quyến thuộc của ta. Sở dĩ họ dâng cúng TỨ SỰ cần thiết đến ta là để cho ta duy trì mạng Sống, mà tu hành theo PHẠM HẠNH, ngõ hầu tế độ quần sanh. Rồi lấy đó làm đề mục tu hành cho tinh tấn hơn lên.

- Cũng như thế ấy, khi Thiện tín đãnh lễ ông SƯ, mười ngón tay chấp lại, tượng trưng cho 10 đóa Hoa lòng dâng cúng đến TAM BẢO, mà ta là người Đại diện đã xứng đáng nhận lãnh vinh dự ấy chưa? Nếu chưa, thì phải làm sao đây? Phải cố gắng hành đạo cách nầy đây?

- Trái lại, khi Thiện tín đãnh lễ, ông Sư, tâm lấy làm thoả thích mừng vui vì tự cao, tự đại, mà tu hành thì dãi đãi, làm biếng dễ duôi, thì đó là mười ngọn giáo nhọn, đâm xoi xỉa xói dày xéo thân ta đó vậy. Lửa đốt ta, chứ có phải đáng vui, đáng thích, đáng hãnh diện đâu?

TẠI SAO KHI THIỆN TÍN ĐÃNH LỄ ÔNG SƯ LÀM THINH?

Bà đời chư Phật không bao giờ cúi đầu hay chấp tay chào xá một chúng sanh nào. Chư Tăng, đại diện ba đời chư Phật cũng làm như thế ấy. Làm thinh là có ý mặc tưởng, cầu chúc cho thiện tín được mọi sự an lành, mà cũng là để suy xét đạo hạnh của mình một cách nghiêm chỉnh vậy.

CÓ CHỖ DẠY "CHƯ TĂNG LÀ LỬA" Ý NGHĨA THẾ NÀO?

LỬA, nếu ta biết xử dụng, sẽ sưởi ấm, nấu chín vật thực, làm đuốc soi đường và nhiều việc lợi ích khác. Trái lại, không biết dùng lửa cho đúng cách, chính nó sẽ thiêu đốt, cháy phỏng muôn phần đau khổ.

Chư Tăng cũng vậy. Hết lòng cung kính thờ phụng nghe lời giáo huấn của các Ngài, rồi cố gắng HÀNH theo thì được mọi sự lợi ích an vui trong đời này cho đến vô lượng kiếp vị lai. Trái lại, khinh thường rẻ rúng chư Tăng, thì sự quả báo chẳng lành cũng sẽ đến với ta như thế ấy.

TĂNG CÓ MẤY BẬC, XIN CHO BIẾT?

TĂNG có hai là THÁNH TĂNG và PHÀM TĂNG. THÁNH TĂNG là những bậc tu hành tinh tấn, dứt trừ phiền não và đã đến THÁNH VỨC, là đạt đến BỐN ĐẠO, BỐN ĐẠO và một NIẾT BÀN.

BỐN ĐẠO, BỐN QUẢ LÀ THẾ NÀO?

- TU ĐÀ HOÀN ĐẠO - TU ĐÀ HOÀN QUẢ
- TƯ ĐÀ HÀM ĐẠO - TƯ ĐÀ HÀM QUẢ
- A NA HÀM ĐẠO - A NA HÀM QUẢ
- A LA HÁN ĐẠO - A LA HÁN QUẢ

Bốn bậc THÁNH trên lại còn chia ra THÁNH HỮU LẬU và THÁNH VÔ LẬU.

THÁNH HỮU LẬU là bậc mới nhập dòng THÁNH VỨC, đè nén phiền não được một phần, chưa dứt hẳn được nên còn phải bị TÁI SANH LUÂN HỒI như TU ĐÀ HOÀN TƯ ĐÀ HÀM và A NA HÀM.

THÁNH VÔ LẬU là bậc đã diệt tận gốc rễ của phiền não, đã trong sạch được cả THÂN KHẨU Ý không cò TÁI SANH LUÂN HỒI lại nữa như A LA HÁN.

THẾ NÀO GỌI LÀ THÁNH TU ĐÀ HOÀN?

TU ĐÀ HOÀN hay còn gọi là "DỰ LƯU" có nghĩa là bậc sửa sọan vào Dòng THÁNH VỨC do sự tinh tấn tu hành. Bậc này, dứt được ba sợi dây kiết sử là THÂN KIẾN HOÀI NGHI và GIỚI CẤM THỦ. Là bậc thấp nhất trong hàng TỨ THÁNH. Bậc này còn phải tái sanh luân hồi, nhưng không quá bảy kiếp và nhất là không còn bị sa đọa và bốn đường DỮ. Bậc này còn được gọi là THẤT LAI.

THẾ NÀO GỌI LÀ THÁNH TƯ ĐÀ HÀM?

TƯ ĐÀ HÀM hay còn được gọi"NHẤT LAI" hay NHẬP LƯU có nghĩa là đã chánh thức nhập vào dòng THÁNH rồi. Chư vị này diệt tận được ba sợi dây KIẾT SỬ và THÂN KIẾN HOÀI NGHI và GIỚI CẤM THỦ, song THAM và SÂN đã nhẹ được một phần lớn. Bậc này chỉ phải TÁI SANH một kiếp nữa mà thôi.

THẾ NÀO GỌI LÀ THÁNH A NA HÀM?

A NA HÀM hay còn gọi được gọi là BẤT LAI, nghĩa là không còn bị luân hồi nữa. Vì bậc THÁNH này đã dứt trừ được THƯỢNG PHẦN KIẾT SỬ và Thân kiến, Hoài nghi, Giới cẩm thủ, Tham lam và Sân hận. Đắc QUẢ này, chư THÁNH thọ sanh vào cung Trời ĐÂU XUẤT ĐÀ để tu hành thêm và chờ ngày đắc QUẢ A LA HÁN.

THẾ NÀO GỌI LÀ THÁNH A LA HÁN?

A LA HÁN có danh hiệu VÔ SANH, nghĩa là không còn sanh tử luân hồi lại nữa. Vì bậc THÁNH này đã dứt sạch MƯỜI SỢI DÂY KIẾT SỬ trói cột chúng sanh là Thân kiến, Hoài nghi, Giới cẩm thủ, Tham lam, Sân hận, Ái sắc, Ái vô sắc, Phóng dật, Tự phụ và Vô minh. Bậc này đã hoàn toàn giải thoát ra khỏi vòng TAM GIỚI, nên được gọi là THÁNH VÔ LẬU.

THÁNH TĂNG CÓ HẠNG THIỆN LAI TỲ KHƯU LÀ THẾ NÀO?

EHI BHIKKHU, dịch THIỆN LAI TỲ KHƯU là bậc đã đào tạo được rất nhiều TIỀN THIỆN DUYÊN từ Vô lượng kiếp. Nhất là cúng dường bố thí dạo cạo, Y BÁT đến chư Phật TOÀN GIÁC, ĐỘC GIÁC và THINH VĂN đệ tử Phật, cững như chư PHÀM TĂNG. Do nhân lành trên, nên khi có một đức Phật ra đời, được nghe PHÁP của Ngài, phát tâm hoan hỷ mừng vui, xin xuất gia tu theo CHÁNH ĐẠO.

Khi ấy, đức Phật dạy. "Hãy lại đây, vị THIỆN LAI Tỳ khưu". Khi lời vàng vừa dứt, tự nhiên tóc, râu rụng sạch, quần áo cân đai sẽ biến mất, mà có đầy đủ TAM Y QUẢ BÁT như một vị Tỳ khưu đã tu lâu rồi vậy. Đó là do nhờ phước theo bảo trợ. Chư Tăng này được gọi là EHI BHIKKHU hay THIỆN LAI TỲ KHƯU, tu theo lối ứng hoá.

PHÀM TĂNG LÀ THẾ NÀO?

Là người đã nguyện hy sinh, xã bỏ đời sống phàm nhơn thế tục, thọ trì phẩm hạnh thanh cao, thay mặt ba đời chư Phật, cố gắng tinh tấn tu hành theo TAM HỌC là giới định huệ để diệt trừ TAM ĐỘC là tham sân và si, mong ngày đắc thành ĐẠO QUẢ theo gương các bậc đàn anh là chư THÁNH THINH VĂN vậy.

BÂY GIỜ CÒN CÓ THÁNH TĂNG ĐẮC QUẢ KHÔNG?

Trong TẠNG KINH có ghi"CHÁNH GIÁO CÒN, ĐẠO QUẢ CÒN". Đúng như vậy, tu hành cho chín chắn, đúng theo lời đức Phật dạy, thì chắc chắn sẽ đắc ĐẠO QUẢ không sai bất luận là xuất gia hay tại gia, song hạng xuất gia thì tâm nhẹ nhàng rảnh rỗi hơn hàng tại gia, vì còn bị vướn bận bao nhiêu sự trói cột ở đời.

Sở dĩ bây giờ có ít Thánh Tăng, là vì chúng sanh phước mỏng, nghiệp dày vả lại sự hành chưa hoàn toàn đúng theo lời Phật dạy. Tinh thần bị phiền não, trần cấu, ô nhiễm quá nhiều.

Và nói một cách khác, nếu có THÁNH NHƠN đắc QUẢ đi nữa, thì chính tự vị ấy biết, cũng như các vị đồng quả biết chả lẽ đắc QUẢ rồi, các Ngài đem khoe khoang ĐẠO QUẢ cho mọi người biết sao?

DO ĐÂU, PHÀM NHƠN KHÔNG BIẾT THÁNH NHƠN ĐẮC QUẢ?

Lấy một ví dụ cho dễ hiểu. Ví như có một đứa trẻ học lớp Tư. Nó chỉ biết đọc, biết viết, tính toán chút ít.

Trình độ hiểu biết của nó chỉ ở trong phạm vi lớp Tư mà thôi. Nghe người kia đậu bằng bác sĩ hay kỹ sư, nó cũng chỉ nghe như vậy thôi, chứ thật ra, nó làm sao hiểu biết được tầm kiến thức của vị bác sĩ hay kỹ sư như thế nào?

Chúng ta cũng như thế ấy. Màn VÔ MINH bao đời che án, DANH VỌNG lắm kiếp kéo lôi, mãi say mê quay cuồng với tài tình danh lợi, lấy giả làm thiệt, lấy không làm có, lấy dơ làm sạch, lấy khổ làm vui...thì làm sao thấy biết được sự thanh tịnh, vắng lặng an vui tự tại của chư THÁNH cho được?

NẾU KHÔNG THẤY, BIẾT LÀM SAO TIN TƯỞNG ĐỂ TU?

Lại cần xét ví dụ trên, chả lẽ như đứa trẻ học lớp tư kia, không biết được tầm kiến thức bao la của vị Bác sĩ hay Kỹ sư rồi cho là không có trình độ Bác sĩ hay Kỹ sư sao?

Muốn có bằng cấp bác sĩ hay kỹ sư người học trò phải chuyên cần, phải cố công trì chí, không xao lãng chăm chú học hỏi, rồi thời gian không lâu, cũng sẽ đạt đến trình độ bác sĩ hay kỹ sư được.

Cũng như chúng ta, là những người mong mỏi tìm đạo giải thoát, tìm cho ra con đường thoát khổ về vui thì việc trứơc nhất là cố gắng tinh tấn dứt bỏ tánh hư, nết xấu, đào tạo, việc lành.

Như trì trai, giữ giới, tham THIỀN, quán tưởng, đè nén phiền não, bớt dục vọng thèm khát cá nhơn, trau giồi tâm cho thanh tịnh thì NIẾT BÀN đâu xa.

TẠI SAO TRONG TĂNG LỮ, VỊ SƯ GIÀ LẠY VỊ SƯ TRẺ?

Đảnh lễ là để tỏ lòng cung kính Phẩm hạnh thanh cao, công hạnh tu hành, phạm hạnh giải thoát, chứ đâu có phải lạy 32 thế trược của vị ấy.

Tuy có Tăng tướng như nhau, song NHO GIÁO có câu "THẮNG NHỨT TUẾ VI NHƠN HUYNH"...có nghĩa là hơn một tuổi thì làm anh. Ơ đây, thấy vị sư già đảnh lễ vị sư trẻ, là chấp Sự mà quên Lý rồi. Tuy trẻ nhưng công hạnh cao hơn, tuổi hạ lớn hơn, thọ cụ túc giới trước hơn thì vị tuy già mà mới tu hoặc nhỏ hạ hơn phải đảnh lễ là việc dễ hiểu vậy thôi.

Đức Phật có dạy:

- Hai người cùng tu một ngày, một tháng, hoặc một buổi, song người nào THỌ GIỚI trước là Sư Huynh. Em phải tôn trọng, kính bái anh, vì như trong gia đình, người em phải kính trọng anh đó vậy.

TẠI SAO CHA MẸ ÔNG SƯ CŨNG PHẢI ĐẢNH LỄ SƯ, CON MÌNH?

Như trên đã giải, đảnh lễ là tôn trọng, kính bái Y BÁT chơn truyền của ba đời chư Phật, đảnh lễ chư Thánh và Phàm Tăng mà ông Sư là người đại diện, chứ đâu có đảnh lễ một cá nhơn người nào đâu? Vả lại, đảnh lễ thì có Phước, không thì thôi, chứ ông Sư đâu có bắt buộc. Sự tín ngưỡng, tôn trọng phát xuất tự đáy lòng mới cao quý, chứ ngoài hình tướng thị lạy lục, mà trong tâm thì hoài nghi, bực bội, buồn phiền...thì sao gọi là phước.

Tóm lại, chư TĂNG tuy còn là PHÀM, nhưng các ngài thay mặt ba đời chư Phật, chư THÁNH TĂNG, thì làm sao cho phẩm hạnh thanh cao, giới đức trong sạch, cho xứng đáng là PHƯỚC ĐIỀN VIÊN của chư thiên và NHƠN LOẠI.