Phật học cơ bản
Phật giáo & Nhân sinh
Tác giả: Thích Minh Đức
04/05/2553 22:34 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Phật giáo và nhân sinh (Phần I)
 
   1. LỜI NÓI ĐẦU
 
   Phật giáo không phải là tôn giáo, không phải là triết học mà nó vượt lên trên cả tôn giáo, triết học. Nói Phật  giáo là tôn giáo, đó chỉ là phương tiện mà thôi. Vậy Phật giáo vì sao không phải là tôn giáo?

   Đặc trưng của tôn giáo là giáo chủ, giáo nghĩa, giáo đoàn. Gần như tất cả các tôn giáo đều nói về có một đấng chúa tể, nhưng đức Phật Thích-ca Mâu-ni không nói về chúa tể. Phật không ép buộc chúng ta, Ngài cũng không bảo chúng ta hãy cứ tin đi, cũng không nói rằng chỉ có lòng tin thôi thì sẽ được sinh về thế giới Cực Lạc, Ngài cũng không nói rằng: Nếu không tin thì sẽ bị đọa vào địa ngục. Trong Phật giáo không có những điều như vậy.

   Phật giáo nói về duyên sinh, duyên diệt (tức sự hiện hữu của con người và thế giới do các yếu tố khác nhau, khi đủ điều kiện thì kết hợp lại mà thành và khi điều kiện đã hết thì tan rã…) và nghiệp lực đang dẫn dắt chúng ta. Chúng sinh tùy theo sự chiêu cảm của nghiệp lực mà có những sinh mạng, hình thái khác nhau. Nếu như chúng ta hiểu rõ được sự thật duyên khởi  thì chúng ta sẽ sống được một cuộc sống an lạc giải thoát, còn nếu như chúng ta không giác ngộ được sự thật duyên khởi của các pháp thì chúng ta sẽ phải luân chuyển mãi trong sinh tử. Đức Phật hoàn toàn không bảo chúng ta làm cái gì cho Ngài cả, mà chỉ muốn chúng ta hiểu rõ được chân tướng của cuộc đời, để chúng ta vượt qua được những đau khổ, phiền não, đạt đến cảnh sống an lạc hạnh phúc. Chỉ có thế mà thôi.

    2. NGHĨA THẬT của SINH MẠNG

   Nghĩa thật của sinh mạng là gì? Khi sinh chúng ta từ đâu đến? Chết rồi lại đi về đâu? Đây là một vấn đề hiện thực nhất.

   Người đời thường phê bình người xuất gia rằng: “Người xuất gia là người trốn tránh hiện thực”. Bây giờ tôi  xin hỏi mọi người: “Hiện thực được định nghĩa là gì? Quý vị biết rồi phải không?”. À, tôi biết rồi! Theo quý vị: hiện thực chính là “tiền” và “tiền”, càng nhiều tiền càng tốt và như vậy là thành tựu càng lớn. Đây chính là cái hiện thực hằng ngày mà chúng ta phải đối mặt?
Sự thật có phải như vậy không? Không phải! Hiện thực mà Phật giáo nói chính là “thực tại”, là tình huống, kinh nghiệm cuộc sống thực tế của quý vị mà từ xưa tới nay quý vị chưa từng suy nghĩ, chưa từng giác ngộ về nó.
Đức Phật nói về chân tướng hiện thực của cuộc đời là gì?

   Thứ nhất: “Cuộc đời là vô thường”. Mọi sự mọi vật đều luôn chuyển biến và thay đổi. Mạng sống của con người có thể kết thúc bất cứ lúc nào mà chúng ta không thể biết trước được. Nào là tai nạn xe cộ, máy bay, núi lửa, bão lụt… tất cả đều có thể làm cho con người chết một cách bất ngờ. Mỗi bước đi đều chứa đầy nguy hiểm. Mạng sống con người theo thời gian đang đi dần đến cái chết, thế nhưng có mấy ai trong chúng ta ý thức được điều đó không?

   Thứ hai: Tâm thức con người trong suốt 24 giờ luôn luôn biến đổi. Sáng cảm thấy vui vẻ, trưa lại u buồn, phiền não… Tối nay thì nói việc tốt, ngày mai lại đổi khác. Việc mình đã làm năm nay, sang năm lại quên mất… Đó chính là “Tâm vô thường”.

   Chân tướng của cuộc đời là: “Thế gian vô thường, nhân tâm vô thường”. Thế gian này không có cái gì là vĩnh hằng, bất biến. Thế nên các bạn nam, nữ khi nói đến tình yêu, đều nói một cách mơ hồ mà thôi. Người con trai thì luôn nói một cách tùy tiện rằng: “Anh sẽ mãi mãi yêu em”. Còn người con gái thì cũng tin một cách thích thú rằng: “Vâng, vâng, anh sẽ mãi mãi yêu em”. Quý vị có cho rằng anh ta có thể mãi mãi yêu và sống trọn đời với người bạn gái ấy không? Đến một ngày kia khi tuổi xuân đã đi qua, người con gái trở nên già hơn, xấu xí hơn thì cô ta đã bắt đầu cảm thấy đau khổ rồi đó.  Người con trai ấy bây giờ đã có người tình khác và thế là đau khổ trong gia đình lại càng lớn hơn. Câu nói ngày xưa “anh mãi mãi yêu em” chỉ là đầu môi chót lưỡi.

   Phật giáo đã sớm biết rõ điều này, đã nhận chân được cuộc đời vốn hư vọng, không có tự tánh. Nghĩa là chúng không có sự vĩnh hằng – tức là không tồn tại mãi mãi. Chúng ta cần phải hiểu rõ điều này đồng thời cần phải loại bỏ những ý kiến chủ quan của bản thân. Phải biết lắng nghe ý kiến của người khác, thì mới có khả năng hiểu rõ được cuộc sống một cách đích thực.

   Hôm nay, sau khi đến Singapore, khi đi trên xe, tôi có cảm giác Singapore là một quốc gia rất gần gũi thân thiết. Những công ty  truyền hình Đài Loan đã từng đến phỏng vấn ông Lý Hiển Long, qua sự đàm thoại đó mà tôi có được một ít hiểu biết về Singapore. Đó là toàn thế giới đều xưng tán thủ tướng Lý Quang Diệu, khen ngợi ngành ngân hàng của Singapore, vấn đề thông tin liên lacï, giao thông, trật tự trị an, môi trường… tất cả đều rất tốt. Vì thế, những người dân sống ở đây rất có phước báo. Không giống như tôi, một người Đài Loan, nghiệp chướng sâu dày, không có phước được sống ở đây, tôi chỉ đến đây giảng rồi về mà thôi. Singapore là một quốc gia rất tốt, quý vị nên tự hào về điều đó.

   Vì sao vậy? Một quốc gia cường thịnh thì nhất định phải có những công dân cường thịnh. Vì chính phủ và nhân dân cùng phối hợp mới hình thành được đất nước Singapore tốt đẹp này, cho nên công đức của mọi người cũng vô lượng.

   Tôi xem Singapore cũng như là quê hương của chính mình. Vì thế khi đến đây, tôi cảm thấy vô cùng thân thiết, nhất là ngày hôm nay có mấy vạn người ở trong pháp hội này, thật làm cho tôi vô cùng cảm động.

   Đề tài mà chúng tôi nói đến hôm nay là “Phật giáo với cuộc đời”.  
   Chủ đề này giảng hai ngày: hôm nay và ngày mai. Sang ngày thứ ba tôi sẽ giảng “Phật giáo với vấn đề luân hồi”. Chủ đề này Pháp sư Quảng Học đã đăng ký giúp chúng ta rồi. Chủ đề pháp sư đã đăng ký, tôi không dám không giảng, vì sợ sau này pháp sư không mời qua giảng nữa (mọi người đều cười).Nói vui một chút thôi!

   Chủ đề mà chúng ta nghiên cứu hôm nay là “Phật giáo với cuộc đời”.
   Tất cả ba tạng, mười hai bộ kinh đều nói đến hai vấn đề là vũ trụ và nhân sinh. Những điều mà đức Phật dạy chính là vì chúng sinh mà chỉ rõ chân tướng của vũ trụ và nhân sinh, và cũng dạy cho chúng ta phương pháp làm thế nào để đạt được niềm an vui chân thật trong cuộc sống.

   3. NHẬN RÕ VỀ CHÂN TƯỚNG CỦA SINH MẠNG
 
   Nhân sinh quan Phật giáo: Nói một cách đơn giản, đó là “Tất cả các hành động, tạo tác, truy cầu ở thế gian đều là khổ”. Quý vị phải biết, sinh mạng vốn vô thường, quý vị đừng chấp trước vào những cảm giác không thật của bản thân hay trong cuộc sống. Điều này có nghĩa: sinh mạng là do nhiều bộ phận, yếu tố kết cấu mà thành, mỗi bộ phận, yếu tố đó lại do nhiều yếu tố khác nữa cấu tạo nên. Nhưng mà mỗi bộ phận, yếu tố ấy lại biến đổi không ngừng. Tất cả vạn hữu ở thế gian này đều không thật, mà luôn luôn biến đổi.

   Nói một cách thực tế: giả sử hôm nay quý vị có một số tiền, rồi đến một ngày kia quý vị cũng sẽ tiêu hết. Hiện tại quý vị còn trẻ đẹp nhưng rồi đến một ngày nào đó quý vị sẽ già đi và đến lúc cũng phải chết. Cho dù một người có quyền lực lớn hay có làm vua đi nữa thì một ngày kia cũng không thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết. Thế nên, Phật giáo quan niệm đời người là “khổ”, bởi vì thế gian là biến hoại vô thường, không tồn tại mãi mãi.

   Thế nhưng, có nhiều người không hoàn toàn đồng ý đối với nhân sinh quan Phật giáo. Họ cho rằng: “Trước kia khi chưa biết Phật pháp, tôi sống rất vui vẻ. Mỗi ngày tôi có thể đi đánh cầu, ra quán uống rượu, đi chơi với bạn gái, đua ngựa, cá cược… rất là vui sướng. Từ khi học Phật rồi, hiểu được thế gian là khổ, thì làm việc gì cũng không có tinh thần, đến nỗi nhiều lúc không muốn làm gì cả”. Những kiểu quan niệm như thế này đều là sai lầm, đều hiểu sai về giáo lý Phật giáo.

   4. NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO
 
   Đối với cái “khổ” của thế gian, thái độ nhận thức và xử lý của Phật giáo có những điều sau đây:
   1. Trước hết là phải “biết khổ” – tức là biết thế gian là khổ, là vô thường.
   2. Thứ đến là phải biết “giải trừ khổ” – tức là biết sử dụng những phương pháp đúng đắn để giải trừ khổ.
   3. Thứ ba là “lìa khổ” – tức là từ thực tiễn và sự hiểu biết đúng đắn khiến ta rời xa những đau khổ, phiền não.
   4. Cuối cùng, nếu như quý vị là Bồ-tát thì phải “cứu khổ, cứu nạn”.
Vì thế, Phật giáo nói đến khổ chính là để quý vị hiểu biết, giải thoát chứ không phải là khiến quý vị trở thành tiêu cực, vứt bỏ.

Rất nhiều người đều đã hiểu sai vấn đề này, từ đó mê mờ không hiểu được chính bản thân. Quý vị đã không hiểu chính xác về bản thân, về cuộc sống thì vĩnh viễn loanh quanh mãi trong sự tăm tối của cuộc đời, mãi mãi không có phương pháp để diệt trừ những khổ đau đưa đến giải thoát.
Phật giáo nói về nhân sinh chính là muốn ta hiểu rõ về cuộc đời vậy.

   5. NHẬN THỨC RÕ VỀ KHỔ
 
   Đối với vũ trụ thì mọi tôn giáo trên thế giới đều có nói đến.
   Trong kinh điển mà đức Phật Thích-ca Mâu-ni thuyết giảng, quan niệm về vũ trụ có bao nhiêu? Có vô lượng vô biên, nghĩa là có rất nhiều thế giới khác nhau đang tồn tại chứ không phải chỉ có trái đất trong thái dương hệ mà chúng ta đang sống. Có bất khả tư, bất khả nghị vô lượng vô biên thế giới. Ngày nay, sau hơn 2000 năm, với sự phát triển của khoa học, đã chứng minh được trí tuệ vĩ đại của đức Phật.

   Những tôn giáo lớn có mặt trên thế giới, chưa một tôn giáo nào có thể chỉ rõ thời gian vô cùng và không gian vô tận mà vũ trụ này có được. Vũ trụ quan của họ đều hạn chế trong một không gian và thời gian nhất định. Chỉ có đức Phật mới nói cho mọi người biết rằng: vũ trụ này là vô lượng vô biên. Vũ trụ mà Phật giáo nói là rộng lớn vô biên, không gì là không có. Nhưng, vũ trụ không phải là chủ đề mà chúng ta nói đến, vấn đề chúng ta nói hôm nay là “Nhân sinh”.

   Chúng ta biết sự vĩ đại của sức mạnh tư tưởng, một người với tư tưởng sai lệch có thể dẫn dắt người khác đi sai phương hướng, một nhà lãnh đạo có tư tưởng đúng đắn sẽ đưa đất nước phát triển rất nhanh. Nếu như một người với tư tưởng đúng đắn, thì người ấy không cần phải đến những nhà hàng, khách sạn sang trọng, không cần phải đi đua ngựa, cũng không cần phải đầu tư vào thị trường, cũng không cần phải tranh đấu hơn thua với người khác mà họ cũng có được sự an lạc. Vì thế, đức Phật Thích-ca Mâu-ni nói: “Nếu một người giác ngộ được về cuộc đời thì tuy nằm trên đất cũng cảm thấy an lạc, còn người không hiểu rõ về cuộc đời thì tuy sống ở thiên đường cũng thấy chưa vừa lòng”. Quý vị hôm nay trong pháp hội này, đang đứng ở trong sân vận động, nghe giảng Phật pháp, vì thế quý vị cũng là những người an lạc nhất.

   7. CHÁNH TRI, CHÁNH KIẾN, CHÁNH TÍN 
 
   Nói một cách đơn giản, Phật giáo chính là sự hiểu biết rốt ráo về nhân sinh quan, là sự hiểu biết rốt ráo chứ không phải mơ hồ.

   Mỗi lần thuyết giảng, tôi đều nhấn mạnh đến ba điểm trọng yếu nhất của việc học Phật.  Đó là: Chánh tri, Chánh kiến và Chánh tín. Đơn cử quý vị đang ở đây mà nói, thì có một số người học Phật, khi đến chùa lễ Phật, đem theo hoa quả, thắp hương lạy Phật rồi cầu Phật gia hộ cho thân thể được mạnh khỏe, sự nghiệp thuận lợi, con cái học tập tốt, và còn mong Phật gia hộ cho mình trẻ mãi không già… Những người đó đã biến Phật giáo thành công ty bảo hiểm.

   Có người thì cho rằng, chỉ cần lạy Phật thôi, thì Phật sẽ bảo hộ cho mình. Đây là những quan niệm sai lầm một cách trầm trọng. Giả sử như bản thân tôi đây, tính nết rất xấu, hiện tại cũng đã học Phật, lễ lạy, nhưng nếu mỗi chút gì tôi cũng sinh lòng sân hận, trách mắng người khác, thì quý vị nói đi, với việc làm như vậy thì tai nạn có thể tiêu mất được không? Hay ví như quý vị, có người đi đến đâu cũng gây gổ với mọi người, phát ngôn luôn luôn chê bai người khác… những người như vậy thì những tai họa có thể tiêu mất được không?

   Trong kinh, đức Phật dạy: “Phật không thể cứu người, chỉ có người tự cứu lấy mình”. Đức Phật Thích-ca còn không cứu được chúng ta, chỉ có chúng ta hãy nương vào tự mình mà giác ngộ. Từ trong nội tâm phát sinh trí tuệ quán chiếu, thì ta mới thấu triệt được sự thật cuộc đời. Phải thấu triệt được cuộc đời thì mới có sự giác ngộ rốt ráo và chính đó sẽ khiến cho chúng ta thoát khỏi sự đau khổ, phiền não.

   Hôm nay, quý vị hiểu được rằng phải tôn trọng mọi người thì cho dù quý vị không lễ Phật đi nữa cũng diệt trừ được những tai họa.

   Có đúng vậy không? Chúng ta tôn trọng mọi người, tán thán mọi người, không đố kỵ, ghen ghét, như vậy thì trong 24 giờ của mỗi ngày, chúng ta đều sống trong trạng thái vui vẻ, vô cùng bình tĩnh và an lạc. Nếu như quý vị từ nay về sau không làm tổn thương đến mọi loài, không trộm cắp của người, không uống rượu, không bạo động, gây rối, không khinh khi mọi người thì cho dù quý vị không lễ Phật cũng sẽ được an ổn hạnh phúc.

   Vì thế, phải có sự hiểu biết chân chính, phải có nhận thức đúng đắn thì mới có được niềm tin chân thật, mới có thể gọi là đệ tử Phật. Hôm nay đến lễ Phật cúng dường với tâm thành, ý khẩn, không có tâm mưu cầu một cái gì cả. Tâm không toan tính mưu cầu, đó mới chính là chân chánh cúng dường.

   8. THẦN THÔNG CẢM ỨNG 
 
   Lại nữa, nhiều người sau khi học Phật, rất thích có được thần thông. Ví dụ có người nói: tôi tụng thần chú để mong thấy được Bồ-tát Quán Thế Âm. Những người ấy tự mình chưa từng học qua phương pháp tọa thiền, chưa có người chỉ dạy cho, chỉ nghe được mấy cuốn băng, hoặc là nhìn thấy người khác tọa thiền rồi cho rằng mình đã biết. Khi trở về liền bày tọa cụ, bồ đoàn ra ngồi thiền, rồi vội vã hỏi mọi người rằng: “Này các vị, thấy tôi ngồi có giống Bồ-tát Thế Quán Âm không? Hay là giống Bồ-tát Địa Tạng?”.

   Những người lập dị, chấp trước vào sự cảm ứng mà thực sự họ không hiểu được rằng: học Phật là một việc hết sức bình thường, tự nhiên. Thường thường, có nhiều người học được một chút thần thông, hoặc vài câu thần chú của Mật tông rồi niệm chú dựa vào ma quỷ. Chúng ta thường gặp những dạng người này. Tôi không nói là Mật tông không tốt, cũng không phải chê thần thông là xấu, nhưng mà phải biết rằng thần thông cũng không thể thắng được nghiệp lực, vì  thế chúng ta không nên mong cầu, chấp trước vào đó.

   Lúc sắp lâm chung, nghiệp chướng hiện tiền thì những thứ thần thông đó còn có chỗ dùng được sao! Vì vậy, chúng ta cần phải biết, học Phật, điều cốt yếu là học đạo giải thoát, xa lìa những phiền não, đau khổ mà không phải là cầu mong cho được thần thông hay là những điều kỳ lạ.

   Tu trì có sự cảm ứng đó là việc tự nhiên. Có người trì chú rất có cảm ứng, đó là vì tâm họ thanh tịnh. Nhưng có người sau khi có sự cảm ứng lại đắm trước, thế rồi vì đắm trước vào đó mà không chịu buông xả, gặp ai thì liền nói rằng: “Này, hôm qua tôi nằm mơ thấy Phật Tổ, anh có thấy không?”. “Không thấy!”. “Anh làm sao mà thấy được, bởi vì công lực của anh còn chưa đủ”. Thế rồi cười mọi người là tu chưa đủ mức độ. Tự mình có được một chút công phu thì lại tự cao tự đại. Tự đưa mình lên quá cao thì lập tức rơi xuống  ngay.

   Người không có “chánh tri, chánh kiến” (sự hiểu biết chân chánh) mà lại ham truy cầu thần thông thì rất dễ rơi vào ma đạo. Vì thế, không nên dựa vào thần thông, không nên dựa vào việc kỳ lạ, cổ quái. Học Phật là học những sự bình dị, chân thật. Như thế, chúng ta học Phật trước hết phải có “chánh tri, chánh kiến”.

   9. PHẬT và THẦN
 
   Ngoài ra, có rất nhiều người xem Thần, Phật lẫn lộn với nhau, không phân biệt rõ ràng.

   Tôi mới đến Singapore, khi quý vị đưa tôi đến đây, tôi thấy bên đường có cái miếu “Hầu Tề Thiên”. Con đường đó là con đường nào tôi không rõ, bởi vì quý vị đưa tôi đến đây, dù tôi không biết đường, hay có nhắm mắt, quý vị cũng sẽ đưa tôi đến được.

   Tôn giáo ở Singapore thì tôi không được rõ lắm, nhưng ở Đài Loan có rất nhiều người không phân biệt rõ Thần và Phật. Như vậy mà muốn hiểu được về cuộc đời thì làm sao hiểu được. Không hiểu được Phật với Thần thì làm sao mà biết được “Phật giáo với cuộc đời”. Vậy làm sao có được sự hiểu biết chân chánh!

   Thần là gì? Ví như nói “Quan Công, Văn Thiên Tường, Tam Thái Tử, Mã Tổ (một vị thần trong tín ngưỡng dân gian Trung Quốc, không phải là ngài Mã Tổ Đạo Nhất của Thiền tông), Ngọc Hoàng Đại Đế, v.v…”, tất cả đều là Thần. Định nghĩa về Thần đối với truyền thống Trung Quốc chính là người “tận trung báo quốc”, có nhiều cống hiến to lớn cho quốc gia dân tộc. Sau khi chết, mọi người lại tô vẽ thêm cho người đó một vài điều thần bí, kỳ lạ. Mỗi đời lại tô vẽ thêm một ít, lâu dần biến thành Thần. Nhưng trên thực tế, chúng ta nói Quan Công, thì đó là Quan Công trong Tam quốc diễn nghĩa; hay Ngọc Hoàng Đại Đế, thì tất cả cũng đều còn trong sáu nẻo luân hồi.

   10. LỤC ĐẠO LUÂN HỒI
 
   Lục đạo luân hồi là gì? Nói một cách đơn giản, đó là còn bị sự chi phối của thời gian và không gian.

   Con người, vì chịu sự chi phối của thời gian nên phải trải qua sự sinh, già, bệnh, chết, không thể giải thoát khỏi phiền não khổ đau. Vì  bị sự trói buộc của không gian nên không có được thần thông tự tại, phải nương trên đất mà đi, không được phi hành tự do. Vì sao vậy? Bởi vì con người chưa giải thoát được sự trói buộc, hạn chế của không gian và thời gian.

   Thời gian và không gian chính là “đệ lục thức” tức “phân biệt thức”, và “đệ thất thức” tức là sự chấp trước. Nhân vì chúng ta có quan niệm thời gian quá ư mạnh mẽ, không gian thì rất kiên cố, vì thế chúng ta mãi mãi là phàm phu bị  trói buộc trong sáu nẻo luân hồi.

   Mục đích lớn nhất của việc học Phật chính là giải thoát sinh tử. Nhân vì chúng ta có sinh, nên có tử.

   Ngày trước có vị thiền sư, mới 8 tuổi mà đã rất thông minh. Có một lần, mọi người đang bàn chuyện hôn nhân. Trong lễ hôn nhân thì được ca hát, đương nhiên là không phải hát những bài về Tam bảo. Người ta sẽ hát bài “Dạ Lai Hương” mà không hát bài “A-di-đà Phật”. Họ cho rằng niệm Phật A-di-đà là để đưa tiễn người quá cố, không thể hát được.

   Vị thiền sư lúc đó chỉ mới 8 tuổi, nhìn thấy trong tiệc cưới, đang lúc mọi người cao hứng nhất, liền dùng một cành tre, lấy một cái đầu lâu khô của người chết cắm vào, rồi đem đặt ở trước cửa và nói: “Cung hỷ, cung hỷ!”. Việc làm này đối với chúng sinh mà nói thì đó là một việc vô cùng xấu, là một điều không may. Tại sao đang lúc mọi người làm lễ cưới mà lại có cái đầu lâu như vậy? Vị chủ hôn đi ra định đánh người làm cái việc quái gở kia thì thấy đó là một chú bé, bèn nói với anh “tiểu quỷ” này rằng:
   - Chú mày tại sao lại làm một trò chơi quái ác như vậy?
   - Các vị cưới thêm một người thì sẽ thêm một ngưới chết chứ sao – Chú bé trả lời.

   Quý vị xem, chú bé đó có thông minh không? Đây chính là nói rõ: có sinh ắt phải có tử. Sinh với tử chỉ trong một niệm, người ngộ đạo thì lập tức thấu triệt được lẽ thường đó của cuộc đời, người không ngộ đạo thì luôn luôn mê mờ trọn kiếp. Chúng ta phải biết: điểm cuối của sinh mạng này là điểm khởi đầu của  sinh mạng khác mà không phải là hết. Vì thế, thân thể ta sẽ hủy hoại nhưng thần thức vẫn tồn tại, Phật giáo không nói đến linh hồn.

   11. PHẬT và THƯỢNG ĐẾ
 
   Có một tín đồ Cơ Đốc Giáo hỏi tôi: “Thượng Đế của chúng tôi cai quản cả thiên đường và địa ngục, xin hỏi pháp sư: đức Phật của quý vị cai quản bao nhiêu?”.

   Tôi nói: “Bác nhầm rồi, bác cho rằng đức Phật Thích-ca Mâu-ni đang làm nhà chính trị phải không? Như vậy thì không đúng. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni là một nhà giáo dục”.

   Đức Phật Thích-ca Mâu-ni nói: “Ta là Phật đã thành, đã được giải thoát, các ngươi hiện còn chưa được giải thoát. Nếu một ngày nào đó các ngươi có được sự hiểu biết trọn vẹn  thì lúc ấy các người cũng giống như ta vậy, bình đẳng không có gì sai khác cả”. Vì thế nên nói “tâm, Phật, chúng sinh”, cả ba không có gì sai khác (tâm, Phật, chúng sinh tam vô sai biệt).

   Thần là phàm phu ở thế gian, còn luân hồi trong lục đạo, chưa giải thoát được. Phật Đà  thì đã vượt thoát sinh tử luân hồi, siêu việt cả thời gian, không gian, là bậc Thánh giác ngộ tột cùng, không giống với phàm phu. Vì vậy, học Phật nhất định phải biết rõ rằng: đức Phật là một nhà giáo dục. Ngài tự thân đã chứng ngộ đến cảnh giới giác ngộ, giải thoát, sau đó Ngài đem cảnh giới, pháp môn tu hành ấy chỉ dạy cho chúng ta, và chúng ta chỉ cần nương theo pháp môn đó mà tu tập thì chúng ta sẽ thành Phật. Vì thế, Phật và chúng sinh bình đẳng. Chúng ta ai ai cũng có khả năng thành Phật. Nhưng nếu như quý vị tin vào Chúa thì có hy vọng mình được làm Thượng Đế không? Hay là vĩnh viễn quý vị chỉ có thể làm người hầu cận của Thượng Đế? Điều này nhất định là bác hiểu rõ hơn tôi có phải không? Do đó, quý vị tin vào Phật hay tin vào Chúa thì tùy ở quý vị!
 
   12. PHẬT GIÁO LÀ TIÊU CỰC? BI QUAN?

   Có người phê bình Phật giáo là tiêu cực, mê tín. Bây giờ tôi xin hỏi quý vị: “Định nghĩa tiêu cực là gì?”. Thật đơn giản thôi, tiêu cực chính là không tích cực, làm bất cứ việc gì cũng giữ trạng thái thăng bằng. Vì thế, có ai chê trách quý vị rằng: người học Phật tuy là từ bi thật nhưng rất là tiêu cực thì quý vị cũng không cần phải nổi giận làm gì. Đúng! Phật giáo là “tiêu cực”, nhưng chỉ “tiêu cực”ø đối với những việc cần phải tiêu cực. Ví như có người gọi chúng ta đi giết người, đốt nhà, bắt cóc người, tham nhũng, bạo loạn… đương nhiên đối với việc đó chúng ta rất là tiêu cực. Có đúng không? Loại tiêu cực này là tốt nhất đó! Vì thế, nói Phật giáo  đồ rất tiêu cực, điều này hoàn toàn đúng. Chúng ta đối với việc giết người, cướp của, tham nhũng, đốt nhà… rất là tiêu cực.

   Nhưng đối với việc độ sinh, chúng ta rất tích cực. Hôm nay tôi đến Singapore, tôi rất tích cực thuyết giảng Phật pháp, hướng dẫn mọi người, có đúng vậy không? Quý vị hôm nay có thể nghe Phật pháp cũng là vì các nguyện lực rất tích cực và thực tiễn của tôi, và quý vị cũng có các nguyện lực của mình, nhân đó mà có duyên gặp gỡ và có pháp hội này. Vì thế, nói tiêu cực phải nói hai góc độ, nói tích cực  cũng có hai góc độ. Có nhiều người nói tích cực, đối với những việc giết người, đốt nhà… đương nhiên họ cũng rất tích cực. Còn đối với chúng ta, những người tu hành, người khác có chê ta là tiêu cực, chúng ta cũng hoàn toàn chấp nhận.

   Lại còn có người phê bình Phật giáo, chê bai Phật giáo, nói Phật giáo chúng ta là bi quan nhất. Này quý vị, vậy thì Phật giáo chúng ta có bi quan không? Đúng! Phật giáo là “bi quan”, nhưng là “bi ai quan”. “Bi ai quan” khác với “bi quan”, quý vị nên biết rõ điều đó.

   Quý vị hãy nhớ xem, chúng ta thường niệm “Nam Mô Đại Bi… gì?”, “Quán Thế Âm”. Vậy định nghĩa của “bi” là gì? Định nghĩa của “từ” là gì? “Từ” chính là “dữ lạc”, tức là đem niềm vui đến cho mọi người; “bi” chính là “bạt khổ”, tức là trừ bỏ hết những đau khổ. Vì vậy mà chúng ta mới niệm: “Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát”. Bi quan của Phật giáo chính là giúp chúng sinh dứt trừ hết những đau khổ, thế nhưng mọi người thường không hiểu rõ điều đó.

   Tôi nhớ khi còn đang học đại học, những người bạn đồng học đều đi tham dự vũ hội, khiêu vũ, nhảy đầm. Tôi cũng đi, nhưng mang theo xâu tràng hạt, không giống mọi người. Họ khiêu vũ còn tôi thì lần một hạt, niệm một câu A-di-đà Phật, lần hai hạt niệm hai câu A-di-đà Phật. Như vậy, đến vũ trường mà vẫn niệm Phật được.

   Những người bạn ấy thường hỏi tôi: “Anh còn trẻ như vậy, mà sao lại giống ông cụ non thế, nhìn dáng giống như người sắp chết vậy?”.

   Thế là họ phê bình người học Phật, họ tự cho rằng những hiểu biết của mình là rất đúng. Họ nói: những người trẻ tuổi mà tin Phật thì rất đáng thương. Nhưng rốt cuộc là tôi đáng thương hay họ đáng thương? Điều đó khó nói quá! 

   Thế rồi tôi nghĩ: mình làm gì thì trong lòng mình biết rất rõ. Nhưng người khác cười mình thì tự trong tâm họ lại không biết. Đây là trạng thái không giống nhau. Vì thế, quý vị Phật tử, nếu có người nào phê bình quý vị là tiêu cực thì quý vị đáp rằng “đúng”; có người khác nói “Phật giáo là bi quan thì quý vị cũng nói “đúng”, chính là tôi muốn giúp chúng ta dứt trừ tất cả những đau khổ để được an lạc. “Bi quan”, không sai nhưng là “bi ai quan”, chúng ta cần phân biệt rõ ràng.
 
   13. BUÔNG XẢ? VỨT BỎ?

   Tôi đã từng gặp một phụ nữ, bà sinh được ba người con. Có một hôm, bà chạy đến giảng đường tìm gặp tôi, vừa thấy mặt tôi liền khóc to lên. Ôi chao! Tiếng khóc thật là dữ dội, phần lớn phụ nữ đều như vậy cả!  À! Quí cô ở đây thì sao? Quý vị là người Singapore, chắc là không giống như vậy. Tôi nói phụ nữ là phụ nữ Đài Loan. Xin lỗi chưa kịp nói rõ! nếu để chậm một chút chắc là bị quý vị đánh chết không có đường về luôn!

   Người phụ nữ đó vừa khóc vừa nói: “Sư phụ ơi! chồng con ngoại tình (ra bên ngoài cặp bồ với người khác gọi là ngoại tình). Chúng con có ba đứa con, xưa nay rất là đầm ấm, bây giờ ông ta có vợ bé, con muốn giống như sư phụ, buông bỏ tất cả để xuất gia. Sự phụ thấy thế nào?”. 

   Tôi trả lời: “Chị nói sai rồi”. Đó không  phải là “buông bỏ” mà là “vứt bỏ”. Vứt bỏ chính là không làm hết trách nhiệm của mình. Chị có   chồng, có con, chị phải cần nuôi con cái khôn lớn, phải làm hết trách nhiệm của người mẹ, đó mới  đúng với tinh thần “Phật pháp”.

   “Tuyệt đối đức Phật Thích-ca Mâu-ni chưa từng dạy một người có ba đứa con, gặp một chút trắc trở thì bỏ con mình, không lo chăm sóc để mà đi xuất gia”.

   “Suy nghĩ cho kĩ một chút, chị có giống nguyện lực của đức Phật không, không có phải không?”.

   Sở dĩ mọi người ở đời đều cho rằng cạo đầu là buông bỏ, sai rồi! Dầu cho có cạo đầu mà phiền não trong tâm không dứt trừ được thì cũng như không mà thôi. Vì thế mới nói: “Cạo đầu thì dễ, mà làm cho tâm yên tịnh thì rất khó”. Phải dứt trừ tham, sân, si, ganh ghét, giận dữ, bất mãn mới tính đến chuyện buông xả. Đối với việc gì cũng đều đem ý thức chủ quan của mình yêu cầu người khác, làm xấu người khác, bôi nhọ hình tượng của người khác, hiểu sai cách nghĩ của người khác, hạng người như vậy thì buông xả không được.

   14. CHÂN LÝ của PHẬT PHÁP
 
   Chúng ta học Phật phải có sự hiểu biết chân chánh thì quý vị mới không bị lầm đường. Nếu không thì khi gặp người biểu diễn một chút thần thông quý vị sẽ mê mờ chuyển hướng, hay họ giở trò mê hoặc một chút thì quý vị sẽ cho đó là Phật, Bồ-tát.

   Phật giáo không dựa vào những thứ đó. Phật giáo muốn mọi người đem chân lý ứng dụng vào trong cuộc sống, vì thế mới nói “sinh hoạt Phật pháp hóa, Phật pháp sinh hoạt hóa”, chính là những việc thiết thực trong cuộc sống.

   Chân lý mà đức Phật Thích-ca Mâu-ni dạy chính là ở trong bản thân của chúng ta, không có xa rời chúng ta một bước. Quý vị tùy theo mỗi lúc, mỗi nơi có thể đem chân lý mà đức Phật đã dạy áp dụng liên tục vào chính nơi cuộc sống của bản thân mình. Phật pháp như vậy mới là vĩ đại. Phật pháp không thể rời xa cuộc đời, rời xa cuộc sống hiện thực mà nói Phật pháp là điều không thể thực hiện được, không phù hợp với thực tại. Sự vĩ đại của Phật pháp chính là ở tại cuộc sống hiện thực, giải quyết những khó khăn trong hiện thực và vượt qua những khó khăn đó.

   Nếu như quý vị hỏi tôi rằng: “Sư phụ! Thầy nói cho con biết, dùng một câu hoặc danh từ đơn giản nhất để diễn tả Phật giáo, thì câu đó như thế nào?”.
Thật đơn giản thôi! Có thể dùng câu “vừa hiện thực lại vừa siêu việt, vừa siêu việt lại vừa hiện thực”. Đây chính là tinh thần Phật giáo.

   Cái gì là “vừa hiện thực vừa siêu việt?”. Chúng ta thường đứng trước những vấn đề, những khó khăn xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, thế nhưng chúng ta thường chưa đủ nhận thức và trí tuệ để xử lý một sự việc, làm cho chúng ta suốt đêm không ngủ, đau khổ không dứt. Khi muốn hại người thì tự mình đã chịu khổ trướ rồi, trong khi họ chưa bị gì mà mình đã phải vào bệnh viện.

   Con người thường không (chưa) vạch ra cho mình một con đường chân chính. Vì thế, Phật giáo muốn bạn đối với hiện thực mà lại vượt lên hiện thực. Nghĩa là chúng ta hãy đối mặt với sự thật đang diễn ra trong cuộc sống để giải quyết nó. Con người khi đã giải quyết được công việc trong hiện tại thì đó là vượt lên hiện tại. Vì thế vượt lên hiện thực này thì cũng chính là đang đứng trên hiện thực ấy. Cho nên nói: “Vượt lên hiện thực mà lại là hiện thực”. Đây chính là tinh thần căn bản của Phật giáo.

   15. NIỀM VUI TRONG CUỘC SỐNG
 
   Hôm nay, chúng ta nói “Phật giáo với cuộc đời”. Hiện tại đang nói cuộc đời. Kỳ thật, trong ba tạng và mười hai bộ kinh đều nói về cuộc đời, nhưng có một vài điều nhất định phải làm sáng tỏ. Tôi sẽ nói ra đây để mọi người được rõ. Quý vị nên nhớ kỹ trong tâm để sau này quý vị không phải nói cho người khác nữa. Đó là: nếu như quý vị phát tâm đến đây vì hiếu kỳ để xem tôi cao bao nhiêu, có đẹp không! Thật hay giả, nam hay nữ… thì quý vị sẽ không hiểu được những gì tôi thuyết giảng. Như vậy, tuy có đến mà so với những người không đến có gì sai khác đâu?

   *Hai nguyên tắc làm giảm bớt những phiền não.

   Nên làm thế nào để sống được an lạc trong cuộc đời?

   Thứ nhất: Quý vị phải nên có tấm lòng khoan dung, độ lượng đối với mọi người, mọi loài. Trong cuộc đời, thời gian mà người ta bỏ ra để quấy rầy, tổn hại, phỉ báng, phê bình người khác lại nhiều hơn thời gian yên tĩnh để tự hiểu về mình. Mỗi ngày, vừa mở mắt ra là chúng ta đã thấy sai lầm của người khác, vừa mở miệng là đã nói đến lỗi của tha nhân. Con người luôn luôn là một động vật phiền não, từ sáng tới tối  cứ như vậy, đến già, chết vẫn không giác ngộ.

   Quý vị muốn có một cuộc sống vui vẻ hạnh phúc thì nhất định quý vị phải có lòng khoan dung tha thứ đối với tất cả mọi người.

   Tất cả chúng ta đây, mọi người đều chưa phải là Thánh nhân. Vậy thì trong chúng ta, nhất định còn có người là người nóng nảy, có người là người lòng đầy sự thù hận, có người là người đố kỵ, có đúng không? Này các vị, trong đây ai là người từ xưa đến nay chưa từng nóng giận, xin đưa tay lên xem nào? Không có ai cả sao? Trừ phi là bị bệnh thần kinh phải không? Mọi người ai cũng đã từng nổi giận, bây giờ tôi xin nói với quý vị: làm sao sống trọn một ngày vui vẻ? Đó là phải khoan dung, tha thứ cho mọi người, đừng nên nhìn vào khuyết điểm của người khác mà nên nhìn vào khuyết điểm của bản thân.

   Tôi xin lấy ví dụ: giống như ở trong một công ty, năng lực của người khác hơn mình, mình đố kỵ người ta. Vậy là trong tâm của mình đã đau khổ rồi.
Quý vị Phật tử! Quý vị xem một người như vậy khổ nhiều không? Người sống như vậy thì tự mình khổ hay là người khác khổ?

   Chúng ta đố kỵ người, căm ghét người mà mọi người lại không biết, như vậy mình đúng là bị bệnh tâm thần. Nhưng rồi về sau, vào một  ngày kia tự mình chịu không được nữa, bèn nói với người mà mình căm ghét rằng: “Tôi đang căm ghét anh, anh có biết không?”. Người kia liền nói: “Tôi không biết gì cả”. Như thế, không phải là đáng thương lắm sao?

   Thưa quý vị! Trên thế giới chỉ có từ bi mới đủ năng lực giải trừ mọi thống khổ. Quý vị nhất định phải buông xả, phải có lòng tha thứ bao dung đối với mọi người.

   Thưa quý vị, khoan dung, độ lượng cho mọi người thì nhất định sẽ sống được an lạc trong từng ngày. Hôm nay, quý vị đến nghe giảng buổi pháp thoại này giá trị hai mươi vạn đồng Singapore đó, về nhà thì sẽ ngủ được một giấc an lành. Vậy thì quý vị có thể nói “tôi trước đây rất hận anh, hôm nay nghe sư phụ thuyết giảng, tôi không còn hận anh nữa rồi, cho dù kiếp trước tôi có nợ anh đi nữa thì anh cũng bỏ qua nghe? Vậy là OK được rồi”. Trong Pháp Bảo Đàn kinh có dạy: “Người ta lỗi, mình đừng có lỗi”. Lục Tổ Huệ Năng chính là muốn dạy chúng ta như vầy: người khác làm đúng hay sai thì chúng ta cũng không thể đáp trảù đúng hay sai như họ được, mà phải làm theo nguyên tắc: “Tha thứ đối với tất cả chúng sinh”. Đây là bước đầu tiên của việc học Phật. Làm được như vậy thì  quý vị mới không bị đau khổ phiền não.

   Kỳ thực, chúng ta không phải chỉ vì mọi người mới có lòng khoan dung độ lượng, mà còn vì muốn cho bản thân hưởng được sự an tĩnh nội tại, hiểu được đầy đủ về cái vui chân thật của sự thanh lọc tâm mình. Vì thế, quý vị nhất định phải bao dung độ lượng đối với mọi người, như thế thì trí huệ của chúng ta sẽ từ từ phát ra, tâm địa cũng sẽ dần dần rộng rãi và sáng lên.

   Thứ hai: Thay đổi bản thân hơn là thay đổi tha nhân. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni có dạy: “Chiến thắng trăm vạn đại quân, cũng không gọi là vĩ đại, chiến thắng được bản thân mình mới là người vĩ đại nhất trên thế giới”. Nói một cách  đơn giản là: công việc chính yếu của sự học Phật chính là làm thay đổi bản thân sao cho ngày càng tốt hơn, hoàn thiện hơn.

   Chúng ta hãy nhìn xem trong xã hội ngày nay, cha mẹ vì ý kiến không hợp mà cãi vã nhau, anh em chỉ vì một việc nhỏ mà chia rẽ nhau, bằng hữu thì đối với các sự việc có những quan điểm bất đồng mà khởi ra tranh chấp, giữa đồng sự đấu tranh, tranh giành quyền lợi lẫn nhau, tất cả là vì sao vậy? Quý vị có nghĩ căn bệnh đó có nguồn gốc ở đâu không? Chúng ta phải tìm ra biện pháp để giải quyết tận gốc rễ chứ!

   Chúng ta lại càng phải suy nghĩ sâu thêm một chút, cho dù là người đồng sự cùng công ty, bằng hữu thân thiết, bạn học thâm tình, khi mới gặp nhau, mọi người rất dễ dung hợp, thế mà về sau lại làm cho nhau đau khổ. Vì sao vậy? Có thể tìm được căn nguyên của vấn đề không? Đứng trước vấn đề hiện thực này, cần phải tìm ra đáp án!

   Nhân vì con người cần phải sống, con người luôn luôn hoạt động, phải làm việc, ăn cơm. Thế thì đứng trước những vấn đề tranh chấp thường xảy ra hằng ngày làm sao giải quyết? Tôi cho rằng, điều thiết yếu chính là: “Chuyển hóa bản thân hơn là chuyển hóa tha nhân”.

   Ví dụ đơn cử quý vị ở đây mà nói: giữa vợ chồng mà ông chồng suốt ngày cứ bê tha rượu chè, trai gái, làm cho vợ phải đau khổ tận tâm can, ngày nào cũng khóc, đêm đêm thì lại phòng không gối chiết chờ đợi chồng về, đợi đến khi đồng hồ chỉ đến hai, ba giờ sáng chồng mới trở về. Như thế thì cái khổ càng lớn thêm lên. Nếu chưa từng gặp được Phật pháp thì có lẽ người vợ sẽ tự sát, bởi vì cô ta không buông xả được, chưa thay đổi được quan niệm trong cuộc sống.

   Nếu học Phật pháp thì có thể chuyển đổi được quan niệm ấy. Hôm nay anh không về thì tôi cũng tìm được niềm vui ở tự thân. Dù sao thì cuộc sống của tôi vẫn diễn ra hằng ngày, cho nên không làm thay đổi được anh thì tôi tự thay đổi bản thân mình, vì mỗi lần nói ra thì cũng chỉ cãi vã ầm ĩ mà thôi. Vì thế, tự thay đổi bản thân mình thì sẽ mau chấm dứt mọi tranh đấu; đạt được an vui trong cuộc sống.

   Giữa đồng sự với đồng sự cũng như vậy, người này người kia làm việc với nhau lâu ngày, thì sẽ hiểu nhau, cũng hiểu được những cái tật của nhau. Ví như nói người này rất là tham lam, lúc nào cũng chỉ muốn chiếm đoạt những tiện nghi của người khác. Anh ta mua được cái gì thì lại lén lút ăn ở bên ngoài. Còn tôi mua được cái gì thì đem về, anh ta phát hiện thế là lập tức bị lấy đi ngay. Anh ta mua trái cây thì chỉ một mình lén lút ăn, còn tôi mua trái cây về thì anh ta nhất định phải lấy ăn mới được… tất cả việc gì cũng vì một mình bản thân anh ta thôi.

   Những loại người như vậy ở đời rất nhiều. Ở Đài Loan cũng rất nhiều, không biết ở Singapore có không, chắc là không? Hạng người này trình độ rất thấp, chúng ta không cần phải tranh cãi với họ làm gì? Nếu  gặp hạng người này, tôi khuyên quý vị nên thay đổi bản thân. Những hạng người này là hạng phàm phu, khó làm cho họ hiểu được, thay đổi được. Vì thế, chúng ta không cần phải nói đến chuyện kiến thức với họ. Cho nên, cần khoan dung độ lượng người khác, thay đổi bản thân, tha thứ bao dung với mọi người thì tự mình sẽ được an vui.

* Ba điều cần thiết làm tăng niềm vui

   Đức Phật Thích-ca Mâu-ni nói: con người thường tạo 10 loại nghiệp ác. Trong đó thân có 3 loại: một là sát sinh (gồm giết người và giết loài vật, chúng sinh); hai là trộm cắp, tức là lấy trộm tài vật của người và ba là tà dâm, tức là thường quan hệ bất chính với người không có hôn thú với mình. Ngoài thân ra, miệng thì sao? Miệng thì có 4 loại nghiệp ác: Một là nói dối, hai là nói hai lưỡi, ba là nói lời thô ác và bốn là nói lời thêu dệt. Lại còn ý? Ý có 3 là tham lam, sân hận và si mê.

   Trong 10 loại ác nghiệp này, quan trọng nhất là khẩu nghiệp. Cái miệng của chúng ta ngày nào cũng tạo nghiệp, luôn gieo rắc chuyện thị phi, tung tin bịa đặt. Để giữ gìn danh dự, quyền lực của bản thân, tự mình đã không tiếc dùng những lời nói không thật gieo rắc khắp nơi làm hại chúng sinh.
Kính thưa quý vị Phật tử! Quý vị hãy tự xét lại lương tâm của mình từ nhỏ đến lớn, đã từng vì trả thù, vì tham một chút tiện nghi, hoặc là vì chút danh lợi mà đã nói dối, bôi đen làm hại người khác không? Vì thế, điểm thứ hai mà tôi phải nói với quý vị là: quý vị phải làm cách nào hằng ngày thì quý vị mới gặt hái được những niềm vui trong cuộc sống?

   Thứ nhất: “Không nghe chuyện thị phi”. Tai của chúng ta là để nghe Phật pháp chứ không phải là nghe chuyện thị phi. Bởi vì “thị” và “phi” là đối lập nhau, là tương đối. Quý vị nghe một bên là không chính xác. Ví dụ khi  đang nghe lời nói của người này, thì qua lăng kính chủ quan của ý thức người ấy tất sẽ nói xấu, chê bai người kia, và như thế tất cả những lời nói xấu xa đều được tuôn ra cả. Vì thế, nếu chúng ta chưa đủ trí tuệ, chỉ nghe lời nói từ một phía thì sẽ bị che mắt (bị lầm), không thấy được chân tướng của sự thật. Như vậy, không những nghe không chính xác mà còn đem lại sự sai lầm nói với người khác nữa.

   Thứ hai: “Không nói chuyện thị phi”, và thứ ba là “không loan truyền chuyện thị phi”.  Đối với chúng ta, nghe chuyện thị phi là không tốt, nói chuyện thị phi là không có lợi ích, truyền bá việc xấu của mọi người đối với chúng ta chẳng có cái gì tốt cả.

   Người bình thường ở thế gian còn phải biết “ẩn ác dương thiện”, huống gì một người học Phật. Người học Phật cần phải liễu thoát sinh tư,û thành Phật, thành Thánh Hiền. Nếu như ngày nào cũng nói chuyện thị phi của người khác, thì quý vị nói đi, người như vậy có thể thành Phật được không? Người ấy sẽ thành ma!  Ma hay Phật là chính do chúng ta quyết định.

   Vì thế nói, 3 điều căn bản của sự tu hành là: “không nghe chuyện thị phi, không nói chuyện thị phi, không loan truyền chuyện thị phi”. Hy vọng quý vị sẽ nhớ kỹ điều này. Tóm lại, thị phi không giúp được gì cho sự tu hành cả, quý vị không nên lo lắng chuyện mọi người đẹp như thế nào, xấu như thế nào, chỉ nên xét xem bản thân mình tốt, xấu ra sao? Đây mới chính là việc trọng yếu nhất.

   Quý vị phải xét mình đã được chưa, để cho mình có một chút thoải mái, an vui trong cuộc sống hằng ngày. Tại sao suốt ngày đi lo việc người khác? Thật là ngu si! Giống như tôi đây, không xen vào việc của người khác, tôi chỉ cảm hóa người mà thôi, tôi độ được quý vị thì độ, mà độ không được thì tôi sẽ độ tôi trước.

   Cần phải nhớ kỹ! Đừng vì khuyết điểm của người khác mà để ảnh hưởng đến nội tâm của quý vị. Cuộc sống của ta xưa nay vốn rất tự tại, giải thoát, rất an vui, nhưng vì chúng ta quá quan tâm đến chuyện tốt xấu, thiện, ác, thị, phi, cao, thấpï của người khác mà tự mình chuốc khổ vào thân.

   Các đại đức bên Thiền tông nói: “Thế gian toàn chuốc lấy những chuyện không đâu, phong trần làm sao vướng bận được con người, mà chỉ có con người tự tạo lấy khó khăn mà thôi!”. Chúng ta thường chấp thủ những “khách trần phiền não” ở bên ngoài, làm nhiễm ô tự tánh thanh tịnh, an lạc của chính mình. Mọi người thường không quan tâm đến nội tâm của chính mình, mà luôn để ý đến ngoại cảnh, thị phi của người khác, tự mình  khuấy động tâm mình.

   Như vậy, giữ gìn tâm an lạc, đầy đủ đức tánh từ bi, tâm vô quái ngại, như như bất động là bài học quan trọng nhất của người học Phật, giống như “núi xanh vốn bất động, mây trắng cứ lại qua”. Khi tất cả nhân duyên, sự tướng xuất hiện trước mắt, ta đều có khả năng quán chiếu các pháp vốn như huyễn, như hóa, như mây bay gió thoảng, không khởi tâm động niệm, thế là ta giữ gìn được cái tâm như như bất động, an lạc của chính  mình. Nhớ lại một chút lòng từ bi của bản thân là làm cho tự mình được thêm một ít niềm vui, chẳng có việc gì mà phải “hồ tư loạn tưởng”, không việc gì mà phải tự tìm phiền não. Đây cũng là một điều trọng yếu. Trong sinh hoạt, nếu tâm ta luôn luôn có đầy đủ sự an lạc thanh tịnh, thì dù gặp bất kỳ cảnh ngộ nào ta cũng cảm thấy tự nhiên, an vui trong đó.

   Vì thế, tôi có thể nói với quý vị một câu triết học danh ngôn, quý vị nhất định phải nhớ kỹ: “Người không hiểu được cuộc sống, thì cuộc sống đối với người đó chính là một sự trừng phạt”, hay nói rõ hơn: “Người không hiểu rõ được cuộc sống một cách chân chánh thì cuộc sống đối với người đó là một sự trừng phạt”. Bởi vì mỗi ngày người ấy phải trải qua quá nhiều đau khổ, luôn luôn tự dày vò, làm khổ bản thân. Vì thế, đừng bao giờ để cho những sai lầm của người khác trừng phạt bản thân mình, đừng để cho ý thức mình suy nghĩ mông lung. Quý vị phải sống hằng ngày trong an lạc, thì quý vị mới hiểu được lời giảng của tôi.

   16. CHUYÊN GIỮA KHỔNG TỬ VÀ NHAN HỒI
 
   Tôi xin kể một điển cố “không loan truyền thị phi, không nói thị phi” cho quý vị nghe.

   Nhan Hồi là một vị đệ tử lớn của Khổng Tử. Có một lần, lúc Nhan Uyên (tên gọi khác của Nhan Hồi) đang nấu cháo, bất ngờ ở trên trần nhà rơi xuống một vật dơ vào trong nồi.

   Nhan Uyên bèn dùng cái muỗng múc vật dơ ra, vì trên vật đó có dính mấy hột cháo, Nhan Uyên tiếc nên gở mấy hột cháo để ăn, vừa lúc ấy Khổng Tử ở phía sau nhìn thấy. Khổng Tử lòng không vui nói với Tử Lộ: “Anh Nhan Uyên này nấu cháo, tôi làm sư phụ còn chưa ăn, thế tại làm sao anh ta lại ăn trước”.

  Tính cách của Tử Lộ rất nóng nảy, như nước sôi vậy. Vì thế, khi nghe Khổng Tử nói, Tử Lộ trong lòng rất tức giận, anh ta liền đi gặp Nhan Uyên hỏi cho ra lẽ. Gặp Nhan Uyên, Tử Lộ bèn hỏi: “Này Nhan Hồi, anh nấu cháo cho Thầy tại sao anh lại ăn trước hả?”.

   Nhan Hồi bèn nói với Tử Lộ: “Thật là oan quá, tôi sợ Thầy ăn không được ngon. Nhân vì có vật ở trên trần rơi vào trong cháo nên trước hết, tôi vớt cái vật đó ra, sau đó mới lấy mấy hột cháo ở trên vật đó mà ăn vì sợ lãng phí đó mà, không phải là tôi ăn trước đâu!”.

   Tử Lộ hiểu ra bèn trở về thưa với Khổng Tử. Khổng Tử sau khi hiểu rồi, bèn kêu đệ tử tập hợp lại. Khổng Tử nói với mọi người rằng: “Các trò hãy nhìn xem, ta – Khổng Khâu này tận mắt mình nhìn thấy sự việc mà còn không chính xác, huống gì là những điều chỉ nghe người này người khác nói lại, hay là những việc nghe ở bên đường, những việc thị phi nghe được, như vậy làm sao mà chính xác?”.

   Con người, vốn có quyền hằng ngày sống được an vui, thế mà lại không được hưởng trọn sự an vui đó, chính là vì tự mình đi làm những việc bao đồng trong thiên hạ. Chúng ta không muốn tha thứ, khoan dung, độ lượng đối với người khác, mỗi ngày chỉ muốn thay đổi,  làm thay đổi người mà ngược lại không muốn tự thay đổi mình. Chúng ta muốn hiểu người khác mà lại không hiểu bản thân. Hằng ngày, chúng ta cứ chất chứa phiền não làm cho bản thân bị sự thiếu hiểu biết dắt dẫn tạo ra vô lượng đau khổ, Phật giáo gọi đó là bị “vô minh” làm cho điên đảo, đánh mất sự an lạc của nội tâm. Kỳ thật, “chúng ta vốn có rất nhiều an vui nhưng chỉ vì quý vị không chịu thỏa mãn những gì đã có”.  Nếu như quý vị chấp nhận, thì  những điều tôi vừa nói xong quý vị có thể vận dụng ngay, trong quý vị ai chưa được an vui thì nhất định  sẽ được rất nhiều an vui.

   Báo chí của Singapore thì tôi không biết, bây giờ tôi chỉ nói đến báo và tạp chí của Đài Loan. Báo chí của Đài Loan ít nhất cũng có đến 30 loại, hôm nay tôi đến Singapore chỉ thấy có một tờ  báo. Tại Đài Loan, có Trung Quốc thời báo, Liên hợp báo, Tự lập báo, Kinh tế nhật báo, Dân chúng nhật báo .v.v… tổng hợp có khoảng hai ba chục loại báo. Báo chí của Đài Loan trước đây, những sự việc mà báo đăng phần lớn có thể tin tưởng được, bây giờ thì đạo đức của người làm báo có vấn đề, văn phong thì trau chuốt, ký  giả thì tự mình cũng không làm rõ ràng được vấn đề mà ngược lại, còn kéo dài sự luận bàn. Vì thế, Đài Loan có rất nhiều nhân vật chính trị, nhân vật cấp bộ trưởng, thường thường muốn giải thích với quần chúng: “Tôi không có nói như vậy.” Thực tại này đang rất là phiền hà.

   Không biết ở Singapore có bệnh này không? Bởi vì, một người học Phật không nên vì xem báo chí mà cho rằng đó là sự thật cả, bất kỳ việc gì cũng phải trải qua sự kiểm chứng.  Báo chí Đài Loan mà có đăng một tin gì mới, thì sẽ có người hỏi rằng: “Có thật không đó?”, “có hình ảnh hay không có hình ảnh?”. Một số tờ báo, tạp chí không được sự tín nhiệm, đồng thời có một số sự việc thật, giả chưa rõ, lại làm cho trở thành thị phi không phân biệt được, thật hay giả cũng đều làm không rõ ràng. Vì thế mà nói rằng: tốt nhất là đừng để hấp thụ những ảnh hưởng ở bên ngoài, làm ảnh hưởng nội tâm thanh tịnh của chúng ta. Chúng ta nhất định phải có trí tuệ, khi xem báo chí và phải biết rằng báo chí chỉ có giá trị  tham khảo thôi, đừng nên để hấp thụ những ảnh hưởng không tốt ở trong đó.
 
    17. ĐI BÓI TOÁN, ĐOÁN SỐ PHẬN hay CHẤP NHẬN CUỘC SỐNG?
 
   Tiếp theo là nói đến “Chấp nhận cuộc sống”. Ở Đài Loan có rất nhiều người thích xem bói, đoán số phận, không biết người Singapore có người đoán số mạng hay không? Đối với Phật giáo, nói đoán số mạng là phạm giới. Không luận là xuất gia hay tại gia, hễ ai mà xem bói, đoán số mạng là phạm giới, trừ phi là dùng việc đoán số để có thể độ người thì mới không phạm.

   Rất nhiều người thích về bói toán, đoán số mạng. Tôi biết về đoán số, cũng hiểu Phật pháp. Tôi biết nếu nói với người khác một ít về đoán số thì người ta thích lắm. Nếu muốn nói và đoán vận mạng cho mọi người, tốt nhất nên nói những điều tốt, không nên nói những điều xấu. Nói điều xấu sẽ khiến cho người ta tối ngủ không yên. Có người khi xem cho người khác thì thích nói: “Này, tháng 07, tháng 08 phải cẩn thận xe cộ, bạn sẽ chết ở sân bay Singapore đó!”, và người kia trong lòng luôn luôn lo lắng, bây giờ mới tháng 05 mà phải lo đến tháng 07 rồi. Sự thật có chết không thì còn chưa biết, nhưng hiện tại thì đã lo lắng không yên. Vì thế, tôi nói là người học Phật phải chấp nhận cuộc sống, đừng có tin vào đoán vận mạng”.

   Thế nào là “chấp nhận cuộc sống?”. Đó chính là đối với sự thật không thể thay đổi được thì chúng ta phải tiếp nhận.

   Có lần, có một phụ nữ khoảng 48 tuổi mang hai đứa con đến tìm tôi, một đứa thì chậm phát triển, một đứa thì bị bệnh thần kinh. Cô ta tìm tôi để làm gì quý vị biết không? Đó là muốn nhờ tôi làm phép gia trì cho hai đứa nhỏ. Cô ta chưa hiểu được những điều căn bản của Phật pháp. Nếu như những đứa trẻ kém phát triển và bị bệnh thần kinh mà tôi có thể làm cho lành thì ngày nay tôi có thể làm nghề đó và đã kiếm được rất nhiều tiền rồi.

   Cô ta chưa hiểu được những điều căn bản của Phật giáo nên cho rằng người xuất gia có khả năng gia trì làm cho những đứa trẻ chậm phát triển và bị bệnh thần kinh trở thành người bình thường. Tôi nói với cô ta không thể làm được, cô ta rất đau khổ. Cô ta nói với tôi rằng: “Con đời này không làm một việc gì tội lỗi, mà sao sinh hai đứa con, đứa thì bị bệnh thần kinh, đứa lại chậm phát triển!”.

   Tôi bèn nói với chị ấy rằng: “Ai cũng không muốn con của chị bệnh như vậy cả. Chúng nó bị như thế đối với quốc gia, xã hội là một tổn thất. Còn đối với chị là một gánh nặng, một sự đau khổ. Nhưng chị không thể cho rằng lạy Phật thì Phật sẽ làm cho đứa trẻ lành bệnh thần kinh, đứa trẻ chậm phát triển trở thành thông minh. Đây là điều không thể làm được”.

   Cô ta nói: “Thưa Thầy, con rất siêng năng lễ Phật, niệm chú Đại Bi, nhưng đều không có công hiệu, con khổ quá!”.

   Tôi nói: “Quan niệm như vậy là không đúng! Ngày nay, chị gặp phải sự thật thế này thì chị đành phải chấp nhận. Đối với sự thật không thể thay đổi này, chị chỉ có cách là đành chấp nhận hiện thực mà thôi!”.

   Rất nhiều người không học Phật, nên không bằng lòng chấp nhận sự thật. Ví dụ như: một người đàn ông cưới về một người vợ, người vợ thì rất tệ, không chịu giặt áo quần, rửa chén bát, chỉ có biết đánh con cái, la lối suốt ngày, lại còn hay ghen bóng ghen gió. Người chồng nói chuyện với một bà lão đã 70 tuổi, cô ta cũng ghen. Nếu như cưới phải người vợ như thế mà người chồng không chấp nhận hiện thực của mình thì rất là khổ. Để thay đổi cô ta thì người chồng phải đánh, nhưng càng đánh cô ta càng làm dữ hơn. Cuối cùng, cô ta duỗi tay duổi chân nằm liều ra đó.

   Vì thế, nói chấp nhậân hiện tại chính là nói “đối với những sự thật mà ta không thể thay đổi được thì tốt nhất là hãy chấp nhận nó đi!”.

   Quý vị Phật tử, tôi nói câu này hy vọng quý vị có thể tham khảo! Cũng là một câu cách ngôn mà quý vị cần ghi nhớ bên mình: “Bài xích không bằng tiếp nhậân, đó gọi là chấp nhận sự thật”.

   Sự thật là việc không may đã xảy ra mà  chúng ta bài xích nó, trốn tránh nó, làm như vậy không bằng hãy tiếp nhận nó.

   18. BỆNH TẬT
 
   Từ nhỏ, sức khỏe tôi đã không tốt, một năm 365 ngày, ngày nào cũng uống thuốc, không một ngày nào nghỉ uống cả. Trước đây, tôi cũng đã uống rất nhiều loại tây dược, nhưng đến bây giờ cứ uống thuốc tây vào là bị ói và ói liên tục. Thế là đành phải  uống thuốc bắc.

   Có một vị Phật tử hỏi tôi rằng: “Bạch Tuệ Luật pháp sư, Thầy thuyết pháp một lần độ cả mấy vạn người, công đức lớn như thế mà cũng bị bệnh, cũng bị ói mửa sao?”.

   “Ôi! Tại sao lại hỏi như vậy? Nôn mửa là trạng thái thường thấy ở bệnh nhân thì lại có quan hệ gì với việc thuyết pháp độ sinh! Con người, có thân thì nhất định phải chịu khổ vì thân. Nếu như sau khi học Phật, sau khi niệm Phật mà không bị bệnh, cũng không bị cảm, tụng kinh mà trong nhà có thể tiêu trừ hết những tai nạn nguy hiểm, thì tất cả bệnh viện ở Singapore này phải đóng cửa hết rồi, cũng không cần phải uống thuốc, châm cứu làm gì nữa. Đây đã là một sự ngộ nhận, ngộ nhận về chân lý của Phật giáo”.

   Sở dĩ nói “chấp nhận hiện thực” chính là tiếp nhận sự thật bất khả kháng. Chúng ta phải vui vẻ mà tiếp nhận. Khi chúng ta vui vẻ tiếp nhận sự thật thì chúng ta sẽ cảm thấy được thoải mái, an vui hơn. Tuy nói tôi độ được rất nhiều người nhưng sự thật thì không có chúng sinh nào có thể độ cả. Tôi cũng không cho rằng là mình đang độ chúng sinh. Tuy cơ thể tôi có nhiều bệnh nhưng tôi vẫn tiếp nhận sự thật này. Sức khỏe không tốt là do kiếp trước mình đã tạo nghiệp, nay phải thọ quả báo. Nếu như quả báo đã đến mà chúng ta lại than phiền thì càng khổ hơn nữa. Vì thế, quý vị cần phải học điều này: chấp nhận số mạng của mình.

   Chấp nhận số mạng thì cuộc sống sẽ bớt được rất nhiều đau khổ, không phải than oán, cuộc đời không có việc oan uổng. Nhân như thế nào thì quả sẽ như thế đó, không có việc nào là oan uổng cả.

   Trong cuộc sống, mỗi một con người có  hình dáng, trí tuệ, năng lực kinh tế không giống nhau, hình thái sinh hoạt cũng khác nhau. Vì sao vậy? Đó là do vì nhân quả tạo tác của mỗi người một khác. Vì thế, hy vọng mọi người phải hiểu rõ được cuộc sống chân thật mà không phải đi bói khoa, xem tướng, đoán vận mạng.

   19. BUÔNG XẢ QUAN NIỆM VỀ SỰ ĐƯỢC MẤT
 
   Chúng ta phải làm thế nào để đạt được hạnh phúc, đó chính là phải buông bỏ quan niệm được mất. Thật vậy, phải xả bỏ quan niệm được mất. Hôm nay, quý vị có được bất kỳ một vật gì thì trước hết đừng nên mừng vội, vì rằng đến một ngày nó sẽ mất đi; hôm nay mà quý vị mất một vật gì thì có một ngày nó cũng sẽ có lại thôi. Đây là sự thật ở cuộc đời, nghĩa là: không có một cái gì tồn tại vĩnh viễn. Do vậy, chúng ta cần phải buông bỏ quan niệm về sự được mất, nghĩa là khi được một cái gì chúng ta cũng không nên mừng vội và khi mất một cái gì chúng ta cũng không nên quá đau buồn. Người xưa đã nói trong họa có phúc, trong phúc có họa; và nếu là họa thì có trốn cũng không khỏi, còn nếu là phúc thì không cầu cũng tới.

   Cuộc đời thường có rất nhiều việc mà chúng ta không biết làm thế nào cả. Ví dụ, người con trai bị mất người yêu, anh ta vô cùng đau khổ chỉ muốn chết thôi, hoặc thắt cổ, hoặc uống thuốc ngủ, hoặc tự sát hoặc uống thuốc độc. Ở Đài Loan rất nhiều người uống thuốc độc tự sát. Những người ấy vì họ không hiểu được rằng: có một số sự việc chúng ta làm nhưng không hẳn lúc nào cũng thành công cả. Giống như nhiều tay đại gia ở Đài Loan rất thích chơi cờ bạc, đam mê cờ bạc một cách điên cuồng, nhưng có mấy ai thành công nhờ cờ bạc đâu? Có một người rất hiếm khi trúng lớn, sau đó anh ta mua vé số trúng được hơn 400 vạn. Khi đi lãnh tiền về, gặp bốn người tay cầm  binh khí chận anh ta lại, bảo anh ta bỏ bao tiền xuống. Vấn đề trị an bấy giờ của Đài Loan đã đến lúc báo động đỏ, nghiêm trọng lắm rồi.

   Có một hôm, bộ trưởng nội chính Hứa Thủy Đức đến thăm tôi. Ông ta hy vọng có thể nhờ vào lực lượng tôn giáo để cải thiện được những phong tục, thị hiếu của xã hội, dùng lý nhân quả để khuyến khích mọi người làm việc thiện. Kỳ thật, vấn đề trị an ở Singapore tốt như thế này, nếu có thể làm cho mọi người hiểu biết thêm về lý nhân quả của Phật giáo thì càng tốt hơn nữa, vì như vậy sẽ làm cho đất nước xã hội Singapore đã tốt lại càng tốt hơn.

   Sau khi đã ý thức được về nhân quả thì mọi người sẽ không dám phạm tội. Ví dụ như quý vị đánh tôi, bảo tôi đi bắt cóc tống tiền, thì dù có chết tôi cũng không dám làm; bảo tôi đi giết người, tôi cũng sẽ không đi, bởi vì tôi có ý thức về giới luật.

   Ở trên chúng ta vừa nói đến người trúng số. Khi vào ngân hàng lãnh tiền, gặp bốn tên cướp bảo anh ta bỏ 400 vạn xuống. Anh ấy đã từng là lính thủy quân lục chiến, sức khỏe rất tốt, tuy nhiên đối phương có tới bốn người lại có cả binh khí, còn anh ta thì không có một tấc sắt trong tay, nhưng vì là người đã học quyền thuật, lúc ấy anh ta liền xuất thủ, kết quả là hai trong bốn người bị anh ta đánh chết nhưng anh ta cũng bị đâm hơn hai mươi nhát dao, sau đó vì bị máu ra nhiều, cứu không kịp, anh ta cũng lìa đời.

   Chúng ta có giả thiết: giá như không trúng số thì có lẽ anh ta sẽ không bị chết như vậy. Nhân vì phát tài bất ngờ mà thân thể phải thọ thương rồi cuối cùng phải chết. Vì thế tôi nói: quý vị Phật tử “có tiền, không có tiền, cũng đều cố gắng học Phật”. Như vậy, chúng ta phải buông bỏ cái ý niệm về sự được mất. Có tiền cũng không hẳn đã tốt, có người yêu cũng không hẳn là may, có quyền lực cũng không nhất định là hay, mà có lúc còn bị họa sát thân nữa là khác… những điều này thật là khó nói! Cứ sống bình dị qua ngày, có phải là an lạc hơn không?
 
   20. MỘT CÂU CHUYỆN TÌNH
 
   Tiếp theo tôi xin kể về một chuyện của tôi trước đây, đó là thời kỳ đau khổ nhất của tôi. Lúc đó tôi đang học Cao trung năm thứ 3, có quen với một người bạn gái. Tuy tôi thấp như thế này mà cũng có một thiên tình sử về tình yêu lãng mạn. Giờ đây thì tôi đã xuất gia rồi, nhưng không phải vì thất tình mà xuất gia, đây là điểm cần phải nói rõ.

   Người con gái mà tôi quen khi học năm thứ 3 Cao trung là người em con dì học cùng lớp. Lúc đó, tôi học ở trung học Kiến Quốc Đài Bắc, đó là một trường danh tiếng, điểm số để vào trường rất là cao, trong mấy vạn thí sinh dự thi mới chọn được mấy ngàn, thật là rất khó thi đậu. Khi đó tôi dạy cô ta học toán, thế rồi tình cảm phát sinh luôn.

   Sau đó mẹ của cô ta không đồng ý, bà ta nói với con gái: “Con quen với người con trai này, anh ta tuy đẹp trai nhưng thấp quá. Lại nữa, con nhìn thử coi, sắc mặt anh ta như vậy chắc thọ không đến 30 tuổi”!
Thế mà bây giờ tôi đã 38 tuổi rồi đó!

   Lúc ấy, do sự phản đối của mẹ cô ta, nên thời gian chúng tôi gặp nhau không nhiều, không lâu sau thì xa nhau. Thế nhưng, vì đó là tình yêu đầu tiên trong đời, nên nó sâu đậm lắm, cho nên khi chia tay, thật vô cùng đau khổ. Đâu có giống bây giờ lớn rồi, sẽ không còn bị say tình nữa. Bây giờ đã hiểu rõ và rất rõ nữa là khác! Lúc đó chưa biết Phật pháp, lại cũng không hiểu được cách sống là thế nào. Hằng ngày, cứ đọc thư và hình ảnh của cô ta, nó cứ luôn luôn chiếm lấy tâm hồn tôi, vừa nghe tiếng chuông điện thoại reo thì liền nghĩ có phải nàng ấy không? Rất là khẩn trương. Về sau, người ta không yêu mình nữa, thì tôi cũng đành quyết định chia tay. Sự thật là cô ta nói lời chia tay trước và đương nhiên tôi đành chấp nhận.

   Quý vị không biết sự đau khổ của loại tình cảm đó đâu! Muốn quên nhưng thực sự rất khó, không đơn giản chút nào cả. Người chưa bị lửa tình thiêu đốt thì cũng không biết được sự lợi hại của nó thế nào.

   Rõ ràng, biết mình với người ta không còn duyên nữa, phải quên đi thế mà quên không được.

   Sau đó thì tôi đi đến cái cầu lớn ở Đài Bắc, muốn nhảy xuống cầu tự tử. Nhảy xuống một cái là mọi chuyện giải quyết xong cả, mà được giải thoát nữa! Nhưng nhìn lại thấy cây cầu cao quá, không dám nhảy! Thế là càng đau khổ, chết mà cũng muốn tìm một cách chết cho êm xuôi! Lúc ấy tôi xuống khỏi cầu, đi men theo bên sông, càng đi càng cảm thấy đau khổ. Suy đi nghĩ lại, thôi thì cứ nhảy xuống uống nước một cái mà chết cho rồi. Lúc đó là mùa đông, nước dưới sông rất lạnh, tôi lại nghĩ, nếu bây giờ nhảy xuống lỡ mà không chết thì thật là phiền phức. Chết liền thì không nói, lỡ nó không chết mà bị cảm lạnh phải uống thứ thuốc “Hắc can tiêu” thì thật là phiền lắm. Thế rồi nghĩ đi nghĩ lại, thôi không tự tử nữa vì trong nhà còn có mẹ. Ôi chà, cứ ôm ấp sự suy nghĩ vớ vẫn đó thật là đau khổ vô cùng.

   Sau đó, tôi đọc được cuốn sách “Hy vọng của người thanh niên” do một vị tiến sĩ người Mỹ viết. Cuốn sách đó rất hay và tôi xem đó là cuốn sách gối đầu giường. Lúc ấy còn chưa tiếp xúc với Phật giáo, nếu như khi đó mà đã được tiếp xúc, học hỏi Phật pháp thì vấn đề đã đơn giản hơn nhiều. Giả như cô ta muốn chia tay, thì tôi lập tức chia tay liền. Bởi vì như vậy thì tôi càng có nhiều thời gian để tụng kinh, và cô ta cũng không thể làm khó tôi nữa. Trong lúc tôi đau khổ nhất, lại đọc được cuốn sách đó nên tôi mới vượt qua được đau khổ. Trong sách đó có viết: “Thời gian rồi cũng sẽ qua!”, nghĩa là nói thời gian rồi cũng dần dần trôi mất, đau khổ rồi cũng sẽ phôi phai.

   Giả thiết như hôm nay tôi gặp một cô nào đó, kết hôn với cô ta thì có lẽ cũng bắt đầu cãi nhau liền bây giờ. Điều đó là đúng thôi. Bởi vì quý vị nhìn thấy, tất cả những cái gì gọi là đẹp thì nó cũng ngắn ngủi, không chân thật. Đến ngày nào đó cô ta đi thẩm mỹ viện, làm tóc, sửa sang đủ thứ cả, như thế có phải là phiền phức lắm không? Đài Loan trước đây có rất nhiều ngôi sao ca nhạc, điện ảnh đều như vậy, đều rất khổ vì vấn đề da mặt. Vì thế, tôi phải nói với quý vị: nếu khi quý vị gặp việc gì đau khổ nhất thì quý vị phải chấp nhận sự thật, và phải nói với mình một cách rõ ràng rằng: “Thời gian rồi cũng sẽ phôi phai!”.
Cảm ơn tất cả quý vị!