Phật học cơ bản
Phật giáo & Nhân sinh
Tác giả: Thích Minh Đức
04/05/2553 22:34 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Lời kết
 
   Trên đây là nội dung tác phẩm đã được trình bày xong, phần còn lại người dịch chỉ xin nêu tóm tắt lại một vài điểm chính yếu của nội dung. 

   Tâm thức thường ngày của chúng ta không bao giờ được trọn vẹn trong sạch, không có lúc nào mình không thấy tham lam, ganh tỵ, giận hờn… lúc nào mình cũng đeo níu, giữ chặt một cái gì đó, lúc nào cũng rất dễõ sân hận, bực tức; thường hay ngu si tối tăm, điên dại, có lúc lại ghen ghét, đố kỵ với sự thành đạt của người khác, ít khi mình vui sướng hồn nhiên trọn vẹn khi nhìn thấy sự hạnh phúc sung sướng của người.

   Chính cái tâm thức thường ngày và thường tình ấy sẽ dẫn dắt mình đầu thai vào ba con đường xấu: địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh
 
   Những cõi bị đầu thai này có sẵn trước mắt, chúng luôn hiện hữu chứ không phải là điều bày đặt ra để dọa người đời.

   Tất nhiên, sáu nẻo luân hồi đều do tâm tạo ra, như người chiêm bao nhìn thấy đủ ác mộng, hoặc cảnh đẹp trong mộng. Những sự việc, những cảnh sắc, những hình ảnh trong mộng không có thực, nhưng mộng là có thực. Chỉ khi nào tâm thức chúng ta đạt tới trạng thái thanh tịnh, trống rỗng, trong suốt, không chướng ngại và biết hết được mọi sự, tức là vừa trong sáng, vừa trống rỗng, vừa vô ngại, vừa thông đạt tất cả mọi sự, thì khi ấy thế giới khổ đau sẽ trở thành Cực Lạc, sự hiện hữu của bản thân, mọi hành vi xuất xử của ta đều mang đến những hòa bình, an lạc, hạnh phúc cho mọi người. Vì thế, người học Phật không phải là học triết lý suông, học để tăng thêm phần tri thức. Học Phật là học phương pháp chuyển hóa những tham lam, sân hận, si mê, ganh ghét, tranh đua thành trí tuệ và lòng thương.

   Trí tuệ và lòng thương (từ bi) mới có khả năng làm cho thế giới đầy dẫy những đau khổ này trở nên an lạc, hạnh phúc. Cuộc đời con người chỉ có ý nghĩa thật sự mỗi khi mình được sống thường trực với sự thanh thản, vững chãi của tâm thức. Người học Phật chân chánh không bao giờ bị lay động trước tám cơn gió chướng của thế gian.

    Tám cơn gió đó là:
   1. Vui sướng khi được ca tụng.
   2. Đau đớn khi bị mắng chửi.
   3. Vui sướng khi được lợi lộc, tài sản.
   4. Đau khổ khi bị mất lợi lộc, tài sản.
   5. Vui sướng khi được nổi tiếng, thành công.
   6. Đau khổ khi bị thất bại hay vô danh.
   7. Vui sướng khi được tiện nghi thoải mái
   8. Đau đớn khi bị mất tiện nghi.

   Dù cho ta có tài cao, học rộng bao nhiêu đi nữa, hay là trọn đời sống xuất gia tu học mà để tám ngọn gió trên làm lay động thì cuộc đời xuất gia như vậy cũng không có lợi ích. Thế nên, người học Phật phải luôn luôn ghi nhớ “Nhược năng chuyển vật, tức đồng Như Lai” (kinh Lăng Nghiêm). Và trong cuộc sống thường ngày, trên con đường tìm về hạnh phúc chân, thiện, mỹ, chúng tôi luôn cố gắng thực hiện:

   1. Quyết tâm thành tựu sự hạnh phúc cao lớn nhất cho tất cả mọi người.
(Điều này còn hơn cả viên ngọc Như Ý). Tôi sẽ thường trực liên tục thương quý mọi chúng sinh.
   2. Khi chung đụng với người khác, tôi sẽ coi mình như người thấp hèn nhất.
Và trong tận đáy lòng sâu thẳm của tôi, lưu luyến thương quý những người khác, coi họ như tối thượng, hàng đầu.
   3. Luôn xem xét sự lưu chuyển liên tục của tâm thức tôi trong tất cả mọi hành động.
   Mỗi lúc một cơn đau đớn buồn phiền, tâm thức phát dậy gây hại cho chính tôi và cho kẻ khác, đối mặt nhìn thẳng nỗi buồn phiền ấy, tôi liền tránh bỏ, đẩy nó lui đi.
   4. Khi chạm mặt với một người có tâm địa ác độc – người bị sai khiến, điều động bởi những điều ác hại, bạo tàn và bởi những nỗi khổ đau phiền não, tôi sẽ quý thương người ấy – người thực khó thấy, giống như mình tìm được một kho tàng quý báu.
   5. Khi những kẻ khác, vì ghen ghét, đố kỵ, đối đãi tệ bạc với tôi, sỉ nhục, lăng mạ, chửi rủa tôi đủ điều, tôi sẽ chấp nhận những lời nặng nề của họ và trao tặng sự đắc thắng cho họ.
   6. Khi có một người mà tôi giúp đỡ tận tình và đặt hy vọng lớn lao vào người ấy, song chính người ấy lại mang tới cho tôi bao nhiêu tai hại khủng khiếp, tôi sẽ xem người ấy như một người bạn tâm linh cao tột của tôi, như một bậc thầy, một bậc thiện tri thức đúng nghĩa.
   7. Nói gọn lại, tôi sẽ tặng lợi ích và hạnh phúc trọn vẹn cho tất cả những mẫu thân trong cuộc đời này và trong cả sự luân lưu liên tục tương lai. Và, một cách kín đáo, tôi xin nhận lãnh cho bản thân tất cả những tai hại và khốn khổ của tất cả những người mẹ tôi.
   8. Hơn nữa, vì không nhiễm dơ bởi tám cơn gió loạn của thế gian (được và mất, danh thơm và tiếng xấu, khen và chê, sướng và khổ), và vì nhìn thấy tất cả những hiện tượng đều là huyễn hoặc, tôi mới thoát khỏi sự chấp trước đeo níu và được giải thoát hẳn khỏi sự nô lệ ràng buộc của trần gian” (Phạm Công Thiện – Tinh túy trong sáng của Đạo lý Phật giáo – Viên thông xuất bản 1998).

   Tóm lại, Phật giáo chỉ có lợi ích trong cuộc sống đối với những ai chuyên tâm nghiên cứu học hỏi và hành trì những lời Phật dạy vào trong cuộc sống thường ngày của chính mình để thanh lọc, chuyển hóa tâm, như Nguyễn Du nói:
“… Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

   Vậy chúng ta hãy cùng nhau dùng “Tâm” để xây dựng Tịnh độ ở tại thế gian, ngay trong cuộc đời này, chính là chân chính học Phật và đó cũng đúng nghĩa “Phật giáo với cuộc đời”.