Kết luận
Đọc đến đây
ta tự hỏi, chỉ có mỗi một việc bố thí thôi mà sao tác giả lại viết ra dài dòng
quá vậy? Ta nên thông cảm cho tác giả vì những lý do đã nêu ra ở phần đầu quyển
sách. Tác giả bất đắc dĩ phải nói ra dài dòng vì lâu nay ta đã coi thường hạnh
bố thí, từ chỗ coi thường ta đi đến chỗ hiểu sai lầm, từ chỗ sai lầm ta đã làm
liên lụy đến uy tín Tam Bảo. Trong khi đó thì Bố thí là một hạnh rất quý, là
hạnh của các vĩ nhân, của Bồ Tát, của Phật. Tuy nhiên, sau khi đọc xong nếu ta
không thể nhớ hết có bao nhiêu loại bố thí, phải bố thí, kiểu nào cho đúng thì
ta có thể tóm tắt lại đơn giản ba điều: phát nguyện, ý thức và hồi hướng. Trước
khi bố thí ta đứng ngay lại, nhắm mắt phát nguyện, không phải đi đâu mà vội, vì
việc bố thí cũng quan trọng như việc tụng Kinh vậy. Phát nguyện xong rồi ta bố
thí, trong lúc bố thí ta phải chăm chú cẩn thận xem đối tượng của ta (người
nhận) cũng như một vị Bồ Tát hay một ân nhân vậy. Sau khi bố thí xong ta nhắm
mắt lại một phút để hồi hướng công đức bố thí cho sự giải thoát sinh tử, hoặc
vãng sanh Cực Lạc (nếu ta tu Tịnh Độ) hoặc cho quả vị Phật (nếu ta là Bồ Tát).
Việc phát nguyện và hồi hướng
rất là quan trọng. Ta hãy để ý xem, cứ sau mỗi thời Kinh ở chùa cũng như bất cứ
ở đâu đều có một bài hồi hướng ngắn. Nhưng vì đọc quen quá, giống như ăn cơm
bữa nên ta chả cần để ý làm chi cho mệt.
Tóm lại chúng ta cần bố thí
nhiều, biết bố thí, tập bố thí trong sạch, vì Bố thí (bao gồm: cho, tặng, biếu,
dâng, cúng dường) là một hành động đẹp đẽ nhất mà con người có thể cho con
người, và bố thí cũng là nền tảng rất quan trọng mà người hành Bồ Tát đạo không
thể thiếu sót được.
Sau cùng, nếu ta gặp những Phật
tử mới quy y Tam Bảo chưa biết bố thí làm sao, thì ta hãy vui lòng hướng dẫn và
khuyên nhủ họ, còn nếu ta gặp những Phật tử đã đi chùa lâu năm mà quên, lơ là
hay không còn nhớ cách Bố thí đúng đắn thì ta hãy thực hiện Pháp thí bằng cách
đưa cho họ xem tập sách này, đó là ta đã góp phần xây dựng lại đạo Phật vậy.
Hắc Vân
Lộ,
Mùa đông
năm Đinh Mão 1988
Thích
Trí Siêu