MÃ TỔ NGỮ LỤC
(BÀI 1)
Tổ dạy chúng:
Các người hãy tin rằng tâm mình
là Phật. Tâm này là Phật.
Đại sư Đạt Ma từ Nam Thiên Trúc
đến Trung Hoa truyền pháp môn thượng thừa Nhất Tâm, khai ngộ cho các người. Sợ
rằng các người vì thức tâm vọng niệm điên đảo mà không tin pháp Nhất Tâm vốn có
sẵn nơi mình cho nên kinh Lăng Già nói “Phật dạy: Tâm là gốc, không cửa là cửa
pháp”.
Thế mới biết cầu pháp thì phải
đừng cầu chi cả. Ngoài tâm không còn Phật nào khác nữa, ngoài Phật không còn
tâm nào khác nữa. Không thủ xả tốt, xấu, không thiên chấp sạch, dơ, đạt đến cái
tính không của tội lỗi, niệm niệm đều bất khả đắc. Vì không có tự tính cho nên
ba cõi đều do tâm, sum la vạn tượng cũng chỉ một pháp mà ấn chứng trọn hết vậy.
Phàm thấy sắc là thấy tâm. Tâm
vốn chẳng tự nó là tâm, chính nhân sắc mà hiện. Các ông chỉ việc tùy thời mà ăn
nói thì chính đó là lý, là sự, tuyệt chẳng có chi ngăn ngại. Đạo quả Bồ-Đề cũng
chỉ như vậy mà thôi.
Cái sinh nơi tâm gọi là sắc.
Tính của sắc vốn là không, nên sinh mà không sinh vậy. Nếu hiểu được lẽ đó thì
có thể tùy thời mặc áo, ăn cơm, nuôi dưỡng thánh thai qua ngày qua buổi, chỉ
thế là xong. Hãy thọ trì giáo pháp của ta. Nghe kệ ta đây:
Tâm địa tùy thời nói
Bồ-Đề chỉ vậy yên
Sự, lý đều vô ngại
Đang sinh chính chẳng sinh.
Có ông tăng hỏi
- Tu đạo là gì?
Sư đáp
- Đạo chẳng do tu hay không
tu. Nếu nói tu mà đắc, tu mà thành thì cũng đồng với hàng Thanh Văn. Còn nếu
nói không tu thì có khác gì phàm phu?
Lại hỏi
- Phải hiểu như thế nào mới
đạt được đạo?
Sư nói
- Tự tính vốn đầy đủ. Chỉ
cần không bị thiện, ác ràng buộc thì gọi là tu đạo. Lấy thiện bỏ ác, quán không
nhập định đều là tạo tác. Còn nếu đeo đuổi mong cầu ở ngoại cảnh thì càng rời
xa lẽ đạo. Chỉ cần suốt cái tâm lượng của ba cõi chứ hễ có một niệm vọng tâm
thì đấy là căn cội sinh tử của ba cõi vậy. Chỉ cần dứt bặt mọi vọng niệm thì
trừ được căn cội sinh tử, tức là được quả báo Vô Thượng Pháp Vương. Từ vô lượng
kiếp đến nay, những vọng tưởng của phàm nhân như siểm nịnh, tà ngụy, ngạo mạn,
tự cao v v…hợp thành một thể. Kinh dạy “Vì lẽ các pháp hợp thành thân này, cho
nên khi khởi chỉ là pháp khởi, khi diệt chỉ là pháp diệt”. Khi pháp ấy khởi
đừng cho rằng mình khởi. Khi pháp ấy diệt đừng cho rằng mình diệt. niệm trước,
niệm sau, niệm giữa mọi niệm đừng để cho ràng buộc nhau. Khi mọi niệm đều tịch
diệt thì gọi là Hải Ân Tam Muội.
Tam muội này thâu nhiếp hết thảy các pháp. Như trăm ngàn dòng sông khác
nhau cùng chảy về biển thì đều gọi là nước biển. Và bấy giờ nếm một vị mà biết
hết mọi vị. An trụ vào biển lớn tức hợp hết mọi dòng, như tắm trong biển lớn
tức là dùng hết thảy mọi thứ nước.
Cho nên Thanh Văn tuy ngộ mà
thật là mê, phàm phu tuy mê mà có thể ngộ. Thanh văn không biết rằng thánh tâm
vốn không dính dáng gì đến những vọng tưởng đo lường về địa vị, nhân quả, giai
cấp. Họ chỉ lo tu nhân, chứng quả an trụ vào cái không định. Trải qua ngàn vạn
kiếp như vậy, tuy gọi là đã ngộ, nhưng ngộ rồi chính đó lại là mê. Hàng Bồ-Tát
quán sát thực tại, thấy rằng địa ngục là khổ, nhưng đắm chìm vào không tịch thì
cũng không thấy được Phật tính. Nếu là hàng chúng sinh thượng căn, gặp được bậc
Thiện Tri Thức chỉ bảo cho mà lãnh hội được liền thì chẳng cần phải trải qua
giai cấp, địa vị, cũng có thể ngộ ngay được bản tâm mình, cho nên kinh dạy “Phàm
phu có tâm quay về mà Thanh Văn thì không có”.
Đối với mê thì nói là có ngộ.
Nay vốn đã không mê thì làm chi có chuyện ngộ? Hết thảy chúng sinh từ vô lượng
kiếp chưa hề rời khỏi tam muộI pháp tính. Ở trong tam muội mà mặc áo, ăn cơm,
nói năng, đối đáp. Sáu căn vận dụng, hết thẩy mọi hành động đều là pháp tính.
Không biết quay về nguồn, cứ
đeo danh, đuổi tướng thì mê tình vọng khởi gây nên mọi thứ khổ nghiệp. Chỉ cần
một niệm phản chiếu lại toàn thể bản tâm là xong. Các người ai nấy cứ lo chứng
đạt được bản tâm của chính mình, khỏi phải ghi nhớ lời ta.
Dù có nói ra hằng hà sa số lý
lẽ, tâm ấy cũng không thêm. Dù không nói được chi cả tâm ấy cũng không giảm.
Nói ra được cũng là cái tâm của các người, nói không được cũng là cái tâm của
các người. Cho nên trăm ngàn thứ thần thông quảng đại, phân thân, phóng hào
quang, mười tám phép biến gì gì cũng không bằng giải quyết cho xong cái đống
tro tàn của bản thân trước đã. Không thấm qua được đống tro tàn ấy là nói về sự
tu nhân chứng quả sai lầm của hàng thanh văn. Còn thấm qua được đống tro tàn ấy
là nói về cái đạo nghiệp thuần thục, tự tại của hàng Bồ-Tát.
Nếu nói ba tạng quyền giáo của
Như-Lai thì suốt hằng hà sa kiếp cũng không hết. lại càng như chồng chất thêm
khóa móc ràng buộc không bao giờ đoạn tuyệt được. Còn như nếu ngộ được thánh
tâm thì không còn chuyện gì phải lo nữa.
Các người đứng đã lâu, xin trân
trọng.
BÀI
GIẢNG 2
Mã Tổ sư
dạy chúng:
Đạo khỏi
phải tu, chỉ cần đừng ô nhiễm. Sao gọi là ô nhiễm? Mọi tâm niệm sinh tử, xu
hướng tạo tác đều là ô nhiễm. Nếu
muốn hiểu ngay đạo ấy là cái gì, thì cứ cái tâm bình thường là đạo. Thế nào là
tâm bình thường? Là tâm không tạo tác, không buông bắt, không đoạn diệt, không
thường hằng,không phàm không thánh vậy. Kinh dạy “Chẳng phải hạnh phàm phu,
chẳng phải hạnh thánh hiền, đó là hạnh Bồ-Tát ”. Cứ những cái đi, đứng, nằm,
ngồi, ứng cơ tiếp vật ngay đây đều là đạo cả.
Đạo tức
là pháp giới. cho đến hằng sa diệu dụng cũng không ngoài pháp giới. Nếu chẳng phải
vậy sao gọi là pháp môn tâm địa? sao gọi là ngọn đèn vô tận?
Hết thảy
các pháp đều là pháp của tâm. Hết thẩy mọi danh đều là danh của tâm. Vạn pháp
đều do tâm mà sinh. Tâm là căn cội của vạn pháp. Kinh dạy “Cái tâm đạt đến
nguồn gốc nên gọi là Sa môn”. (Dịch từ chữ Sramanah có nghĩa là dứt bặt tâm
niệm, là tĩnh lặng ý chí, là đơn giản, là tạo tác v v… là người xuất gia)
Danh và
nghĩa bình đẳng. Hết thẩy mọi pháp đều bình đẳng, thuần nhất, không hỗn tạp.
Trong giáo môn mà được tùy thời tự tại thì nếu lập pháp giới, thẩy đều là pháp giới.
Nếu lập chân như, thẩy đều là chân như. Nếu lập lý thì tất cả đều là lý. Nếu
lập sư, tất cả đều là sự. Nêu một mà nghìn theo. Lý sự không khác, thảy đều là
diệu dụng Không còn lẽ nào khác nữa. Tất cả đều là sự vận dụng của tâm.
Ví như
bóng trăng, càng có được bao nhiêu trăng thật thì càng không có bấy nhiêu dòng
nước. Càng có bao nhiêu tính nước thì càng không có bấy nhiêu sum la vạn tượng.
Càng có bao nhiêu hư không thì càng không có bấy nhiêu ngôn thuyết đạo lý, càng
có được bao nhiêu trí tuệ vô ngại thì càng không có bấy nhiêu các thứ được
thành lập.
Tất cả
đều do một tâm mà ra vậy. Tạo dựng lên cũng được, quét sạch đi cũng được. Tất
cả đều là Sa môn, đều là mình cả. chẳng rời cái chân thực mà có chỗ tạo lập. Chỗ
tạo lập chính là cái chân thực, đều là chính mình cả, nếu không thì là ai?
Hết thẩy
mọi pháp đều là Phật pháp. Các pháp tức là giải thoát.Giải thoát tức là chân
như. Các pháp không ngoài chân như. Đi, Đứng, nằm, ngồi đều là cái dụng bất tư
nghị, không đợi thời tiết. Kinh dạy: “Nơi nơi, chốn chốn đều có Phật”. Phật là
bậc năng nhân trí tuệ viên mãn, thông suốt mọi cơ tính, phá tan mọi lưới nghi
hoặc của chúng sinh, thoát khỏi mọi trói buộc hữu, vô. Phàm lẫn thánh đều dứt
sạch, nhân, pháp đều không. Chuyển pháp luân vô đẳng vượt ngoài số lượng, hành
động vô ngại, sự, lý đều thông. Như trời nổi mây, chợt có rồi không đâu còn dấu
vết, chẳng khác gì vẽ hình trên nước.
Không
sinh diệt là đại tịch diệt. Còn trong cảnh ràng buộc thì gọi là Như Lai tạng,
đã ra ngoài cảnh ràng buộc thì gọi là Thanh Tịnh Pháp Thân.Pháp thân vô cùng,
thể không tăng giảm, lớn được, nhỏ được, vuông được, tròn được ứng vật hiện
hình như trăng trong nước, vận dụng thao thao. Không lập gốc gác, không cùng
hữu vi, không trụ vô vi. Hữu vi là đồ dùng hàng ngày của vô vi. Không an trụ
nơi nương tựa nên nói như hư không không nơi nương tựa.
Nghĩa
sinh diệt và nghĩa chân như của tâm là như thế này:
Tâm chân
như ví như gương sáng chiếu ảnh. Gương ví như tâm, ảnh ví như pháp. Chấp trước
vào pháp thì dính mắc vào nhân duyên bên ngoài, đó là nghĩa sinh diệt. Không
chấp trước vào các pháp, đó là nghĩa chân như.
Hàng
thanh văn chỉ nghe thấy Phật tính. Hàng Bồ-Tát thì nhìn thấy Phật tính, đạt đến
cái không hai, gọi là tính bình đẳng.
Tính tuy
chẳng khác, dụng lại không đồng. Khi mê gọi đó là thức, khi ngộ gọi đó là trí.
Thuận lý là ngộ, theo sự là mê. Mê chỉ là mê cái bổn tâm của tự mình và ngộ
chính là ngộ cái bổn tính của tự mình mà thôi. Ngộ một lần là mãi mãi chẳng còn
mê. Như khi mặt trời mọc lên thì không cùng lẫn vớI bóng tối nữa. Mặt trời trí
tuệ mọc lên thì không cùng lẫn với bóng tối phiền não vậy.
Hiểu rõ
tâm cùng cảnh thì vọng tưởng tức không sinh. Vọng tưởng không sinh tức là pháp
nhẫn vô sinh.
Lẽ đó
vốn sẵn vậy, không vì tu đạo, ngồi thiền mà có. Không tu, không ngồi, đó là
thiền thanh tịnh của Như-Lai. Nay đã thấy rõ lẽ ấy, chỉ cần chân chính không
tạo nghiệp, tùy phận qua ngày, một y một nạp, đứng ngồi theo đó mà xông ướp giới
hạnh, chứa góp Tịnh-Nghiệp. Được như vậy lo gì chẳng thông?
Các người đứng đã lâu, xin trân trọng.