Thiền học
Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn
Thích Thanh Từ
18/11/2554 10:24 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Cúi đầu đảnh lễ chư Phật khắp mười phương, các chúng Đại Bồ-Tát. Nay con soạn luận này sợ e không hợp tam Phật, xin cho con sám hối. Nếu hợp tâm Phật, trọn đem bố thí tất cả hữu tình, nguyện đời sau đều được thành Phật.

Vấn đáp

Hỏi: Phải tu pháp gì chóng được giải thoát?

Đáp: Chỉ có một môn đốn ngộ là chóng được giải thoát.

- Thế nào là đốn ngộ?

- Đốn là chóng trừ vọng niệm, ngộ là ngộ không chỗ được.

- Từ cái gì mà tu?

- Từ căn bổn mà tu

- Thế nào là từ căn bổn mà tu?

- Tâm là căn bổn.

- Làm sao biết tâm là căn bổn?

- Kinh Lăng Già nói “Tâm sanh thì các pháp sanh, tâm diệt thì các pháp diệt”. Kinh Duy Ma nói “Muốn được Tịnh-Độ phải tịnh tâm ấy, tùy tâm ấy tịnh là Phật độ tịnh”. Kinh Di Giáo nói “Chỉ kềm tâm một chỗ, không việc gì chẳng xong”. Kinh nói “Thánh nhơn cầu tâm chẳng cầu Phật, ngu nhơn cầu Phật chẳng cầu tâm, trí nhơn điều tâm chẳng điều thân, ngu nhơn điều thân chẳng điều tâm”. Kinh Phật Danh nói “Tội từ tâm sanh lại từ tâm diệt”. Thế nên biết, tất cả thiện ác đều do tâm mình, do đó nói tâm là căn bổn”.

Nếu người cầu giải thoát trước phải biết căn bổn. Nếu chẳng đạt được lý này luống uổng nhọc công. Từ nơi tướng bên ngoài mà cầu thật không thể được. Kinh Tiền Môn nói “Từ nơi tướng bên ngoài mà cầu, dù trảI qua nhiều kiếp trọn không thể thành. Từ giác quán (xét soi) bên trong mà tu, bằng khoảng một niệm liền chứng Bồ-Đề

- Tu căn bổn phải lấy pháp gì để tu?

- Chỉ tọa thiền, thiền định liền được. Kinh Thiền Môn nói “Cầu trí thánh của Phật cốt phải thiền định. Nếu không thiền định thì niệm tưởng xao động, phá hoại căn lành kia”.

- Thế nào là thiền? thế nào là định?

- Vọng niệm chẳng sanh là thiền. Ngồi thấy bổn tánh là định. Bổn tánh là tâm vô sanh của ông vậy. Định là đối cảnh tâm không sanh, tám gió thổi chẳng động. Tám gió là: LỢI, HẠI, VINH, NHỤC, KHEN, CHÊ, KHỔ, VUI. Nếu người định được như thế, tuy là phàm phu mà liền vào vị Phật. Vì sao? vì kinh Bồ-Tát giới có nói “Chúng sanh thọ giới Phật liền vào ngôi vị Phật”. Người được như thế gọi là giải thoát, cũng gọi đến bờ kia, hơn lục độ, vượt tam giới, là Bồ-Tát đại lực, là bậc Tôn vô Lượng Lực, là đại trượng phu. 

BÀI 2

Hỏi

- Tâm trụ chỗ nào là trụ?

Đáp

- Tâm trụ chỗ không trụ là trụ.

- Thế nào là chỗ không trụ?

- Chẳng trụ tất cả chỗ ấy là trụ chỗ không trụ.

- Thế nào là chẳng trụ tất cả chỗ?

- Chẳng trụ tất cả chỗ là: chẳng trụ nơi lành - dữ, có - không, trong – ngoài, chặng giữa, chẳng trụ không, chẳng trụ chẳng không, chẳng trụ định cũng chẳng trụ chẳng định. Chỉ cái chẳng trụ tất cả chỗ ấy là chỗ trụ. Người được như thế là tâm không trụ, tâm không trụ là tâm Phật.
- Tâm ấy giống vật gì?

- Tâm ấy chẳng phải xanh, vàng, đỏ, trắngchẳng phải dài, ngắn, tới, lui chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng sanh chẳng diệt, yên tịnh, thường lặng lẽ. Đó là hình tướng của bổn thân. Bổn thân tức thân Phật.

BÀI 3

Thân, tâm này lấy cái gì để thấy? lấy mắt thấy, lấy tai, mũi, thân, tâm v v… để thấy chăng?

- Cái thấy này không phải như các thứ đó.

- Đã không như các thứ thấy đó, là lấy cái gì thấy?

- Là tự tánh thấy! vì sao? vì tự tánh xưa nay trong sạch, yên tịnh, không lặng. Chính trong cái thể không lặng đó hay sanh cái thấy này.

- Cái thể không lặng ấy còn không thể có, thì cái thấy này từ đâu mà có?

- Ví như trong cái gương sáng tuy không có hình tượng, mà có thể thấy tất cả hình tượng. Vì sao? vì gương sáng không tâm. Người học đạo nếu tâm không có chỗ nhiễm thì vọng tâm chẳng sanh, tâm ngã sở diệt, tự nhiên được không lặng. Vì không lặng hay sanh cái thấy này.

Kinh Pháp Cú có nói “Trong cái cứu cánh không, rõ ràng dựng lập, ấy là thiện tri thức”.

Kinh Niết Bàn, trong phẩm Kim Cang thân nói “không thể thấy mà thấy rõ ràng. Không có biết mà không chẳng biết” là thế nào?

- Không thể thấy vì cái thấy của tự tánh không hình tướng, không thể có nên nói không thể thấy. Song cái thấy không thể được đó, thể nó yên tịnh lặng lẽ, không có tới lui, chẳng lìa dòng đời, mà dòng đời không lôi cuốn được nó, thản nhiên tự tại, tức là thấy rõ ràng.

Không có biết vì tự tánh không hình, vốn không phân biệt, nên nói Không có biết.

Không chẳng biết vì trong cái thể không phân biệt ấy có đầy đủ hằng sa diệu dụng. Nếu cần phân biệt tất cả thì không việc gì chẳng biết, nên nói Không chẳng biết.

Kệ Bát-Nhã nói “Bát –Nhã không biết, không việc gì chẳng biết, Bát-Nhã không thấy, không chỗ nào chẳng thấy”.

BÀI 4

Kinh nói “Chẳng thấy có, không là chơn giải thoát”. Thế nào là chẳng thấy có, không?

- Khi chứng được tâm thanh tịnh gọi là có, trong đó chẳng sinh cái tưởng được tâm thanh tịnh, gọi là chẳng thấy có.

Được cái tưởng không sanh không trụ, mà không khởi tưởng được không sanh không trụ gọi là chẳng thấy không.

Kinh Lăng Nghiêm nói “Biết thấy lập biết là gốc vô minh, biết thấy không thấy, đây là Niết Bàn, cũng gọi là giải thoát.

- Thế nào là không có chỗ thấy?

- Nếu thấy kẻ nam, người nữ và tất cả màu sắc, hình tượng mà ở trong đó không khởi tâm yêu, ghét thì cùng không thấy chẳng khác, ấy là không có chỗ thấy.

- Khi đôi tất cả màu sắc hình tượng thì gọi là thấy. Khi chẳng đối trước màu sắc, hình tượng cũng gọi là thấy chăng?

- Gọi thấy.

- Khi đối vật là có thấy, khi không đối vật làm sao có thấy?

- Nay nói có thấy, không luận đối vật cùng không đối vật. Vì sao? Vì tánh thấy thường hằng, khi có vật thì thấy vật, khi không vật thì thấy không. Thế nên biết vật tự có đi lại, tánh thấy không có đi lại, các căn (Tai mũi, lưỡI, thân …) cũng như vậy.

- Ngay khi thấy vật, trong cái thấy có vật chăng?

- Trong cái thấy chẳng lập vật.

- Ngay khi thấy không vật, trong cái thấy có không vật chăng?

- Trong cái thấy chẳng lập không vật.

- Khi có tiếng là có nghe, khi không tiếng lại được nghe chăng?

- Cũng nghe

- Khi có tiếng là từ tiếng mà có nghe, khi không tiếng làm sao được nghe?

- Nay nói nghe chẳng luận có tiếng, không tiếng. Vì sao? Vì tánh nghe thường hằng. Khi có tiếng liền nghe, khi không tiếng cũng nghe.

- Người nghe như thế là ai?

- Là tánh nghe của mình, cũng gọi là người biết nghe.

BÀI 5

- Môn đốn ngộ này lấy gì làm Tông (chủ)? lấy gì làm Chỉ (hướng đến) lấy gì làm Thể? lấy gì làm Dụng?

- Lấy Vô Niệm làm Tông (Tâm không khởi niệm)

Lấy vọng tâm chẳng khởi làm Chỉ

Lấy thanh tịnh làm Thể

Lấy Trí làm Dụng

- Đã nói Vô niệm làm Tông chẳng biết vô niệm là vô niệm nào?

- Vô niệm là không tà niệm chớ chẳng phải không chánh niệm.

- Thế nào là tà niệm?

- Niệm có, niệm không là tà niệm, chẳng niệm có, không là niệm chánh. Niệm thiện, niệm ác là tà niệm, chẳng niệm thiện, ác là niệm. chánh. cho đến niệm khổ vui, sanh diệt, thủ xả oán thân, yêu ghét vv… là niệm tà. Chẳng niệm khổ vui, … yêu ghét … là niệm chánh.

- Thế nào là chánh niệm?

- Chánh niệm là chỉ niệm Bồ-Đề.

- Bồ-Đề có thể được chăng?

- Bồ-Đề không thể được.

- Đã không thể được làm sao chỉ niệm Bồ-Đề?

- Bồ-Đề chỉ là danh tự giả lập, thật không thể được, cũng không có trước sau. Chỉ cái không niệm ấy là chơn niệm. Bồ-Đề không có chỗ niệm. Không có chỗ niệm tức tất cả chỗ không tâm. Tất cả chỗ không tâm ấy là không có chỗ niệm.

- Những lối giải vô niệm như trên đều là tùy sự, phương tiện giả lập danh tự, vẫn đồng một thể không hai, không khác. Cốt biết: Tất cả chỗ không tâm tức là “Vô niệm”. Khi được vô niệm thì tự nhiên giải thoát.

BÀI 6

- Thế nào là hành hạnh Phật?

- Chẳng hành tất cả hạnh là hành hạnh Phật, cũng gọi là hạnh chánh, cũng gọi là hạnh thánh. Như trước đã nói, chẳng hành có không, yêu ghét, v v…ấy vậy. Đại Luật quyển 5, phẩm Bồ-Tát nói “Tất cả thánh nhơn chẳng hành hạnh chúng sanh. Chẳng hành hạnh chúng sanh, là hạnh thánh nhơn”.

- Thế nào là chánh kiến?

- Thấy mà không có chỗ thấy là chánh kiến.

- Thế nào là thấy mà không có chỗ thấy?

- Khi thấy tất cả sắc không khởi nhiễm trước. Không nhiễm trước thì không khởi tâm yêu, ghét. Ấy là thấy mà không có chỗ thấy. Nếu được thấy mà không có chỗ thấy, gọi là con mắt Phật, trọn không có con mắt nào khác. Nếu khi thấy sắc khởi yêu ghét, ấy gọi là có chỗ thấy. Có chỗ thấy là con mắt chúng sanh, trọn không có con mắt nào khác.

- Các căn khác cũng lại như thế.

- Nói lấy trí làm dụng, thế nào là trí?

- Biết hai tánh không tức là giải thoát. Biết hai tánh chẳng không thì không được giải thoát. Ấy gọi là trí,cũng gọi là rõ tà, chánh, cũng gọi là hiểu thể, dụng. Hai tánh không là Thể biết, hai tánh không là giải thoát. Lại không sanh nghi gọi là dụng. Nói hai tánh không là chẳng sanh tâm yêu ghét, lành dữ, có không vậy.

 

BÀI 7   

Môn này từ đâu mà vào?

- Từ Bố Thí mà vào

- Phật nói sáu pháp Ba-La-Mật là hạnh của Bồ-Tát, tại sao ở đây chỉ nói riêng bố thí thì đâu thể đầy đủ mà được vào?

- Người mê không biết năm độ kia (trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ) đều nhơn bố thí mà sanh. Chỉ tu bố thí thì sáu pháp đều đầy đủ.

- Bố thí vật gì?

- Bố thí là bỏ hai tánh

- Thế nào là bỏ hai tánh?

- Bố thí là bỏ tánh thiện, ác, Bố thí là bỏ tánh yêu ghét, có không, tánh không chẳng không, tánh định chẳng định, tánh tịnh, bất tịnh. Tất cả đều bỏ hết thì được hai tánh không. Nếu khi được hai tánh không cũng chẳng được khởi tưởng hai tánh không, cũng chẳng khởi nghĩ tưởng có bố thí, tức là chân thật hành bố thí Ba-La-Mật, cũng gọi là muôn duyên đều bặt. Muôn duyên đều bặt tức là tất cả pháp tánh không vậy. Pháp tánh không là tất cả chỗ không tâm. Nếu khi được tất cả chỗ không tâm là không một tướng có thể được. Vì sao? Vì tự tánh không nên không một tướng có thể được. Không một tướng có thể được là thực tướng. Thực tướng là tướng Như-Lai diệu sắc thân. Kinh Kim Cang nói “Lìa tất cả tướng là chư Phật“.

- Phật nói sáu Ba-La-Mật tại sao nay chỉ nói một cho là đầy đủ, xin nói nguyên nhân một gồm đủ sáu pháp?

- Kinh Tư Ích nói “Nếu Bồ-Tát bỏ tất cả phiền não gọi là bố thí Ba-La-Mật. Nơi các pháp không có chỗ dính mắc gọi là trì giới Ba-La-Mật. Nơi các pháp không có chỗ xâm phạm gọi là nhẫn nhục Ba-La-Mật Nơi các pháp lìa tướng gọi là tinh tấn Ba-La-Mật Nơi các pháp không có chỗ trụ gọi là thiền định Ba-La-Mật. Nơi các pháp không lý luận gọi là trí tuệ Ba-La-Mật”. Đó gọi là sáu pháp. Nay nói sáu pháp này chẳng khác, vì tóm lược: Pháp thứ nhất là bỏ, thứ hai là không khởi, thứ ba là không niệm, thứ tư là lìa tướng, thứ năm là không trụ, thứ sáu là không lý luận. Sáu pháp như thế tùy việc phương tiện tạm đạt tên, chớ đến chỗ diệu lý thì không hai, không khác. Chỉ biết một bỏ thì tất cả đều bỏ, không khởi thì tất cả đều không khởi. Trên đường mê lầm không khế hội ắt cho có sai khác. Người ngu mắc kẹt trong pháp số, nên trôi lăn mãi trong sinh tử. Bảo cho các người học đạo chỉ tu pháp bố thí là tròn đầy muôn pháp, huống là năm pháp mà chẳng đủ sao? 

 

BÀI 8

- Tam học đẳng dụng, Cái gì là tam học? thế nào là đẳng dụng?

- Tam học là giới, định, huệ

- Nghĩa giới, định, huệ thế nào?

- Thanh tịnh không nhiễm là giới. Biết tâm chẳng động, đối cảnh vắng lặng là định. Khi biết tâm chẳng động mà chẳng sanh tưởng chẳng động, khi biết tâm thanh tịnh mà chẳng sanh tưởng thanh tịnh, cho đến thiện ác đều hay phân biệt, mà ở trong ấy không nhiễm, được tự tại, ấy gọi là huệ.

Nếu khi biết thể của giới, định, huệ đều không thể được thì không phân biệt, là đồng một thể, ấy gọi là tam học đẳng dụng.

 

BÀI 9

- Nếu khi tâm trụ tịnh, chẳng phải chấp tịnh sao?

- Khi được trụ tịnh mà chẳng khởi tưởng trụ tịnh, ấy là không chấp tịnh.

- Khi tâm trụ không, chẳng phải chấp không sao?

- Nếu khởi tưởng không, gọi là chấp không.

- Khi tâm trụ chỗ không trụ, chẳng phải chấp chỗ không trụ sao?

- Chỉ khởi tưởng không là không có chỗ chấp. Nếu ông muôn thấu rõ, hiểu được tâm không có chỗ trụ, thì khi ngồi ngay thẳng chỉ biết tâm, chớ suy nghĩ tất cả vật, tất cả thiện ác chớ suy nghĩ. Việc quá khứ đã đi rồi, chớ suy nghĩ thì tâm quá khứ tự bặt, gọi là không việc quá khứ. Việc vị lai chưa đến, chớ mong cầu thì tâm vị lai tự bặt, gọi là không việc vị lai. Việc hiện tại đã hiện tại, đối tất cả việc chỉ biết không chấp, không chấp là chẳng khởi tâm yêu ghét, thì tâm hiện tại tự bặt, gọi là không việc hiện tại. Không nhiếp thuộc ba thời cũng gọi là không ba thời. Nếu khi tâm khởi đi thì chớ theo đi, tâm đi tự bặt. Nếu khi tâm khởi đứng cũng chớ theo đứng, tâm đứng tự bặt. Ấy là tâm không trụ, là trụ chỗ không trụ vậy. Nếu tự biết rõ ràng khi trụ nơi trụ, chỉ chớ trụ, cũng không có chỗ trụ, cũng chẳng không chỗ trụ.

- Nếu tự biết rõ ràng tâm chẳng trụ tất cả chỗ, gọi là rõ ràng thấy được bổn tâm, cũng gọi là rõ ràng thấy tánh vậy. Chỉ cái tâm chẳng trụ tất cả chỗ ấy tức là tâm Phật. cũng gọi là tâm giải thoát, tâm Bồ-Đề, tâm vô sanh, sắc tánh không.

- Kinh nói “Chứng vô sanh pháp nhẫn “là đó vậy.

- Nếu khi ông chưa được như thế phải cố gắng! Cố gắng! cần dụng công thêm, khi công thành thì tự hội. Nói hội là tất cả chỗ không tâm ấy là hội. Nói không tâm là không tâm giả, chẳng chơn thực. Tâm giả là tâm yêu ghét. Tâm chơn thực là tâm không yêu ghét. Chỉ không tâm yêu ghét thì hai tánh không. Hai tánh không thì tự nhiên giải thoát. 

 

BÀI 10

- Chỉ lúc ngồi thiền dụng công. Khi đi có được dụng công chăng?

- Nay nói dụng công, chẳng riêng khi ngồi, cho đến đi đứng ngồi nằm, làm công việc, trong tất cả thời đều thường dụng công không gián đoạn, ấy gọi là thường trụ.

- Kinh Phương Quảng nói: có Năm tướng Pháp Thân là:

1)- Thật tướng Pháp Thân

2)- Công đức Pháp Thân

3)- Pháp tánh Pháp Thân

4)- Ứng hóa Pháp Thân

5)- Hư không Pháp Thân

Ngay nơi thân mình, cái gì là năm thứ Pháp Thân?

- Biết tâm chẳng hoại là Thật Tướng Pháp Thân

Biết tâm bao gồm vạn tượng là Công Đức pháp Thân

Biết tâm không tâm là Pháp Tánh Pháp Thân

Tùy căn cơ ứng nói là Ứng Hóa Pháp Thân

Biết tâm không hình không thể là Hư Không Pháp Thân.

Nếu người thấu rõ nghĩa này là biết không chứng. Người không chứng, không đắc là chứng Phật Pháp Pháp Thân.

Nếu có chứng, có đắc, cho là chứng được, ấy là người tà kiến, tăng thượng mạn, gọi là ngoại đạo.
Vì cớ sao? Kinh Duy Ma Cật nói “Xá LợI Phất hỏi  Thiên Nữ: Ngươi đã được pháp gì, chứng pháp gì mà được như thế? Thiên Nữ đáp: Tôi không được, không chứng mớI được như thế.Nếu có được, có chứng thì ở trong Phật Pháp là người tăng thượng mạn”.
 

 

BÀI 11

- Kinh nói đẳng giác, diệu giác. Thế nào là Đẳng giác? Thế nào là Diệu giác?

- Tức sắc tức không gọi là đẳng giác. Vì hai tánh không gọi là Diệu giác. Lại nữa, không giác, không không giác gọi là Diệu giác.

- Đẳng giác cùng Diệu giác là khác hay chẳng khác?

- Vì tùy sự phương tiện giả lập hai tên, chớ bản thể là một không hai không khác, cho đến tất cả pháp đều như vậy cả.

- Kinh Kim Cang nói “Không pháp có thể thuyết gọi là thuyết pháp” nghĩa đó như thế nào?

- Thể của Bát Nhã cứu cánh thanh tịnh, không một vật có thể được ấy gọi là “không pháp có thể thuyết “Ngay trong thể không tịch của Bát Nhã, đầy đủ diệu dụng như hằng sa, tức là không việc gì chẳng biết “Ấy gọi là thuyết pháp”. Cho nên nói “Không pháp có thể thuyết, ấy gọi là thuyết pháp”.

- Kinh nói “Có người thiện nam, thiện nữ đọc tụng kinh này, nếu bị người khinh chê là người ấy vì tội nghiệp đời trước, lẽ ra phải sa vào đường ác, do đời nay bị người khinh chê nên tội nghiệp đời trước liền tiêu diệt, sẽ được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác” nghĩa đó như thế nào?
- Như có người chưa gặp Đại Thiên Tri Thức, chỉ tạo nghiệp ác, bổn tâm thanh tịnh bị ba độc vô minh che lấp, không thể lộ bầy, cho nên nói “bị người khinh chê”. Người đời này bị khinh chê, liền hôm nay phát tâm cầu Phật đạo khiến vô minh diệt hết, ba độc chẳng sinh thì bổn tâm sáng suốt, lại không loạn niệm, các ác hằng dứt sạch. Đời này bị người khinh chê, liền đó vô minh diệt hết, loạn niệm chẳng sinh thì tự nhiên giải thoát nên nói “Sẽ được Bồ-Đề”. Chính khi phát tâm gọi là đời này, chẳng phải cách đời.

Kinh lại nói “Như Lai có ngũ nhãn” thế là sao?

- Thấy sắc thanh tịnh gọi là nhục nhãn, thấy thể thanh tịnh gọi là thiên nhãn, đối các cảnh sắc cho đến thiện ác đều hay phân biệt vi tế, không có nhiễm trước, ở trong ấy được tự tại, gọi là huệ nhãn. Thấy không có chỗ thấy gọi là pháp nhãn.Không thấy, không không thấy gọi là Phật nhãn.
- Lại kinh nói “Đại thừa, Tối Thượng thừa” nghĩa ấy thế nào?

- Đại thừa là Bồ-Tát thừa, Tối Thượng thừa là Phật thừa.

- Tu thế nào để được thừa này?

- Người tu Bồ-Tát tức là Đại Thừa. Chứng Bồ-Tát thừa rồi, lại không khởi quán, đến chỗ không tu, yên tịnh thường lặng lẽ, chẳng thêm chẳng bớt, gọi là Tối Thượng thừa, tức là Phật thừa.

 

BÀI 12

- Kinh Niết Bàn nói “Định nhiều huệ ít chẳng lìa vô minh, định ít huệ nhiều thêm lớn tà kiến, định huệ đồng gọi là giải thoát “. Nghĩa đó thế nào?

- đối tất cả thiện ác đều phân biệt là huệ; đối với cái bị phân biệt chẳng khởi yêu ghét, chẳng nhiễm trước nó là định; đây là định huệ đồng dùng vậy.

- Không bàn, không nói gọi là định, chính khi bàn nói được gọi là định chăng?

- Nay nói định, chẳng luận nói cùng chẳng nói, vẫn thường định. Vì sao? Vì dùng tánh định nên khi nói năng phân biệt cũng là định. Nếu khi dùng tâm KHÔNG để quán sắc, thì lúc quán sắc cũng không, nếu khi chẳng quán sắc, chẳng nói, chẳng phân biệt cũng KHÔNG. Cho đến thấy nghe hiểu biết cũng thế.Vì cớ sao? Vì tự tánh KHÔNG thì tất cả chỗ đều KHÔNG. Đã không thì không chấp, không chấp là đồng dùng. Bởi Bồ-Tát thường dùng pháp đẳng không (cả thẩy đều không) như thế nên đến được cứu cánh. Cho nên nói định huệ đồng gọi là giải thoát.

Tôi lại nói ví dụ để hiển bày, khiến ông dứt được nghi. Ví như gương sáng, khi chiếu soi hình tượng, ánh sáng của gương có động chăng? – Chẳng động. TạI sao? Vì gương sáng dùng vô tình chiếu soi nên khi chiếu chẳng động, khi chẳng chiếu cũng chẳng động. Bởi trong vô tình không có động cũng không có chẳng động.

Lại như ánh sáng mặt trờI khi chiếu thế gian. Ánh sáng có động không? - chẳng động. Nếu khi chẳng chiếu có động không? – chẳng động, vì sao? Vì ánh sáng kia vô tình, dùng ánh sáng vô tình chiếu soi cho nên chẳng động, chẳng chiếu cũng chẳng động. Chiếu là huệ, chẳng động là định.
Nếu Bồ-Tát dùng phép định huệ đồng tu ấy thời được Vô Thượng Chính Giác. Cho nên nói “Định huệ đẳng dụng tức là giải thoát”. Nói vô tình tức là không phàm tình chẳng phải không thánh tình.

- Thế nào là phàm tình? Thế nào là thánh tình?

- Nếu khởi hai tánh (có – không, yêu – ghét) tức là phàm tình. Hai tánh không tức là thánh tình. 

 

BÀI 13

Kinh nói “bặt đường nói năng, dứt chỗ tâm nghĩ “(ngôn ngữ đoạn đạo,tâm hành xứ diệt) nghĩa đó thế nào?

- Dùng lời để hiển bày nghĩa, được nghĩa phải bặt lời. Nghĩa tức là KHÔNG, KHÔNG tức là ĐẠO, ĐẠO thì bặt lời nên nói “Bặt đường nói năng”.

Được nghĩa thực tế (thực tại) thì chẳng khởi quán; vì chẳng khởi quán nên vô sanh; vì vô sanh nên tất cả tánh sắc đều không; vì tánh sắc không nên muôn duyên đều dứt. Muôn duyên đều dứt ấy là “Dứt chỗ tâm nghĩ”. 

NHƯ NHƯ là thế nào?

- Như như là nghĩa chẳng động. Tâm chơn như nên gọi là như như. Thế nên biết: chư Phật quá khứ hành hạnh này được thành đạo, Phật hiện tại hành hạnh này cũng được thành đạo, Phật vị lai hành hạnh này cũng được thành đạo. Ba đời chư Phật chỗ tu và chứng đạo không khác nên nói “Như Như”. Kinh Duy Ma nói “Chư Phật cũng như,Di Lạc cũng Như, cho đến tất cả chúng sinh thảy đều như”. Vì sao? Vì Phật tánh chẳng dứt bởi có tánh vậy.

Tức sắc- tức không, Tức phàm – tức thánh có phải đốn ngộ chăng?

- Phải

- Thế nào là tức sắc- tức không, tức phàm – tức thánh?

- Tâm có nhiễm tức sắc, tâm không nhiễm tức không. Tâm có nhiễm tức phàm, tâm không nhiễm tức thánh.

Lại nữa: Chơn không mà diệu hữu là tức sắc, sắc không có thật tức không. Nay nói không là tánh sắc tự không, chẳng phải sắc diệt rồi mới không. Nói sắc là tánh không tự có sắc, không phải sắc hay làm sắc.