Thiền học
Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn
Thích Thanh Từ
18/11/2554 10:24 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

BÀI 23

Nếu người chẳng chịu hàng phục tâm, chỉ y cứ vào văn nghĩa mà cho là chứng ngộ thì không thể có. Người chấp như thế dối mình, dối người, mình và người đều phải đọa. Phải cố gắng! Cố gắng! xét nét kỹ càng. Chi cần VIỆC ĐẾN CHẲNG NHẬN, TẤT CẢ CHỖ KHÔNG TÂM, người được như thế liền vào Niết Bàn, chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn, cũng gọi là pháp môn Bất Nhị, cũng gọi Vô Tránh, cũng gọi Nhất Hạnh Tam Muội. Vì cớ sao? Vì cứu cánh thanh tịnh, không ngã, không nhơn, chẳng khởi thương ghét, là hai tánh không, là không có chỗ thấy, tức là hoàn tất cái Chơn Như vô đắc.        

Quyển luận này chẳng truyền cho người không tin, chỉ truyền cho người đồng kiến đồng hạnh. Phải xem xét người đối trước có tâm thành tín, kham lãnh thọ, không lui sụt, người như thế mớI nên vì họ mà nói, chỉ dạy khiến cho họ được ngộ. Tôi làm quyển luận này là vì người hữu duyên, chẳng phải cầu danh lợi.

Chư Phật nói ra ngàn kinh, muôn luận chỉ vì chúng sanh mê muội, tâm hạnh chẳng đồng, tùy chỗ tà chấp của họ mà nói pháp đối trị nên có sai biệt. Nếu luận về lý giải thoát cứu cánh chỉ là “VIỆC ĐẾN CHẲNG NHẬN, TẤT CẢ CHỖ KHÔNG TÂM”. Hằng lặng lẽ như không, cứu canh thanh tịnh tự nhiên giải thoát.

Ông nếu cầu hư danh miệng nói chơn như mà tâm tợ khỉ vượn, tức là lời nói, việc làm trái nhau, gọi là dối mình, sẽ sa vào đường ác. Chớ cầu cái khoái lạc hư danh nhất thời, mà chẳng biết nhiều kiếp phải chịu họa ương. Cố gắng! Cố gắng! Chúng sanh phải tự độ, Phật không thể độ được. Nếu Phật hay độ chúng sanh, thì chư Phật đời quá khứ số nhiều như cát bụi, lẽ ra tất cả chúng sanh đều được độ hết. Vì sao chúng ta đến ngày nay vẫn còn trôi lăn trong sanh tử, không được thành Phật? Thế nên biết chúng sanh phải tự độ, Phật không thể độ được. Cố gắng! cố gắng! Tự mình lo tu hành, chớ ỷ lại vào sức Phật khác. Kinh nói “Phàm người cầu pháp, chẳng đến Phật cầu”.

BÀI 24

HỎI: Ở đời sau có những nhóm tạp học làm sao ở chung?

- Chỉ hòa ánh sáng kia, chẳng đồng nghiệp kia. Đồng chỗ chẳng đồng ở. Kinh nói “Tùy Lưu mà tánh thường vậy”. Người học đạo cần yếu phải nghĩ “Mình vì đại sự nhơn duyên, việc giải thoát, thảy đều chẳng dám khinh người chưa học, kính người mình học như Phật, chẳng đề cao đức mình, chẳng đố kỵ điều hay của người, tự xét nét hạnh của mình, chẳng dòm dỏ lỗi của người” thì ở tất cả chỗ đều không bị chướng ngại, tự nhiên được khoái lạc. 

KỆ RẰNG

Nhẫn nhục đạo thứ nhất

Trước phải trừ ngã, nhơn

Việc đến không thọ nhận

Là thân chơn Bồ - Đề.

Kinh Kim Cang nói “Bồ-Tát không ngã pháp, Như Lai gọi là Bồ-Tát chơn thật”. lại nói “Chẳng thủ lại chẳng xả, hằng đoạn được sinh tử, tất cả chỗ không tâm, gọi là con chư Phật”. Kinh Niết Bàn nói “Như Lai chứng Niết Bàn hằng đoạn dứt sanh tử“.

KỆ RẰNG

Nay ta ý thật rất tốt

Khi người chê mắng chẳng buồn

Không lời chẳng nói phải quấy

Niết Bàn sanh tử đồng đường

Hiểu thấu bổn tông nhà mình

Vẫn là không có xanh, đen

Tất cả vọng tưởng phân biệt

Vả biết người đời chẳng rõ.

Gởi lời phàm phu đời sau

Dẹp hết trong tâm rơm cỏ

Nay ta ý rất thênh thang

Chẳng nói, không việc, tâm an

Thong dong tự tại, giải thoát

Đông tây dời đổi dễ dàng

Trọn ngày không nói lặng yên

Niệm niệm hướng lý nghĩ xét.

Tự nhiên tiêu dao thấy đạo

Sanh tử quyết chẳng liên quan

Nay ta ý thật lạ kỳ

Chẳng đến trên đời lắng dối

Vinh hoa thảy là giả tạm

Áo rách cơm hẩm đủ no

Đi đường gặp người biếng nói

Người đời đều gọi ta ngu

Ngoài hiện ngu ngơ ám độn

Trong tâm sáng tợ lưu ly

Thầm hợp La Hầu mật hạnh

Chẳng phải phàm phu kham biết.

BÀI 25

HỎI: Kinh Duy Ma nói “Muốn được Tịnh Độ phải tịnh tâm ấy ”, thế nào là tịnh tâm?

- Dùng cái tịnh cứu cánh làm tịnh

- Thế nào là dùng cái tịnh cứu cánh làm tịnh?

- Không tịnh cũng không không tịnh là tịnh cứu cánh.

- Thế nào là không tịnh cũng không không tịnh?

- Tất cả chỗ không tâm là tịnh, khi được tịnh mà chẳng khởi tưởng tịnh gọi là không tịnh. Khi được không tịnh cũng không được khởi tưởng không tịnh, gọi là không không tịnh. 

HỎI: Người tu hành lấy gì làm chứng?

- Lấy cái chứng cứu cánh làm chứng

- Thế nào là cái chứng cứu cánh?

- Không chứng cũng không không chứng, gọi là chứng cứu cánh.

- Thế nào là không chứng và không không chứng?

- Ở ngoài không nhiễm sắc thanh v v… bên trong không nhiễm khởi vọng niệm, được như thế gọi là chứng. Khi chứng mà không khởi tưởng chứng gọi là không chứng. Khi được không chứng cũng không khởi tưởng không chứng gọi là không không chứng.

HỎI: Thế nào là giải thoát?

- Không tâm giải thoát cũng không không tâm giải thoát gọi là chơn giải thoát. Kinh nói “Pháp còn phải xả huống chi phi pháp” Pháp là có, phi pháp là không, chỉ chẳng chấp có không là chơn giải thoát.

HỎI: Thế nào là đắc đạo?

- Dùng cái đắc cứu cánh làm đắc.

- Thế nào là cái đắc cứu cánh?

- Không đắc cũng không không đắc là đắc cứu cánh.

HỎI: Thế nào là không cứu cánh?

- Chẳng không cũng chẳng chẳng không gọi là không cứu cánh.

BÀI 26

HỎI: Thế nào là chơn như định

Không định cũng không không định gọi là chơn như định. Kinh nói “Không có pháp định gọi là vô thượng chính đẳng chính giác, cũng không có pháp định Như Lai có thể nói”. Kinh nói “Tuy tu không mà chẳng lấy không làm chứng, cũng chẳng khởi tưởng không. Tuy tu định mà chẳng lấy định làm chứng, cũng chẳng được khởi tưởng định. Tuy được tịnh mà chẳng lấy tịnh làm chứng cũng chẳng được khởi tưởng tịnh”.

Nếu sau khi được định, được tịnh, được tất cả chỗ không tâm, liền khởi tưởng được như thế, đều là vọng tưởng, liền bị ràng buộc, không thể nói là giải thoát. Nếu khi được như thế, rõ ràng tự biết, được tự tại mà chẳng được cho là chứng, cũng chẳng được khởi tưởng được như thế, là được giải thoát. Kinh nói “Nếu khởi tâm tinh tấn là vọng, không phải tinh tấn. Nếu người trong tâm hay chẳng vọng là tinh tấn không bờ mé”.

HỎI: Thế nào là trung đạo?

- Không khoảng giữa cũng không hai bên là trung đạo

- Thế nào là hai bên?

- Có tâm kia, có tâm này là hai bên.

- Thế nào là tâm kia, tâm này?

- Bên ngoài dính với sắc thanh gọi là tâm kia. Bên trong khởi vọng niệm là tâm này. Nếu bên ngoài không nhiễm sắc thanh, gọi là không tâm kia, bên trong không khởi vọng niệm gọi là không tâm này. Thế nên không phải hai bên. Tâm đã không hai bên thì giữa cũng đâu có được. Được như thế gọi là trung đạo. Là Như Lai đạo. Như lai đạo là tất cả người giác được giải thoát. Kinh nói “Hư không chẳng hai bên, thân chư Phật cũng vậy ”. Nhưng tất cả sắc không là tất cả chỗ không tâm vậy. Tất cả chỗ không tâm tức là tất cả sắc tánh không. Hai nghĩa chẳng khác, cũng gọi sắc không, cũng gọi pháp sắc không.

 Ông nếu lìa tất cả chỗ không tâm mà được Bồ-Đề giải thoát, Niết Bàn tịch diệt, thiền định kiến tánh thì không thể nào có. Tất cả chỗ không tâm tức là được Bồ-Đề giải thoát, Niết Bàn tịch diệt, cho đến lục độ đều là kiến tánh. Vì cớ sao? Kinh Kim Cang nói “Không có một chút pháp có thể được, ấy gọi là vô thượng chánh đẳng chánh giác”.

BÀI 27

HỎI: Nếu có tu tất cả hạnh đầy đủ thành tựu được thọ ký chăng?

- Chẳng được

- Nếu không tu tất cả pháp thành tựu, được thọ ký chăng?

- Chẳng được.

- Nếu thế áy phải do pháp gì được thọ ký?

- Chẳng do có hành, cũng chẳng do không hành, là được thọ ký. Vì cớ sao? Kinh Duy Ma nói “Các hạnh tánh tướng thảy đều vô thường “. Kinh Niết Bàn nói “Phật bảo Ca Diếp: Các hạnh là thường, không có lẽ phải”. Ông chỉ tất cả chỗ không tâm là không có hạnh, cũng không không các hạnh, gọi là thọ ký. Nói tất cả chỗ không tâm là không tâm yêu ghét vậy. Nói không yêu ghét là thấy việc tốt chẳng khởi tâm yêu, thấy việc xấu chẳng sanh tâm ghét.

Không tâm yêu ghét gọi là không tâm nhiễm, chính là sắc tánh không. Sắc tánh không là muôn duyên đều bặt. Muôn duyên đều bặt thì tự nhiên được giải thoát.

Ông phải xét kỹ đó, nếu khi chưa được tỉnh sáng, thấu rõ thì phải hỏi  sớm. Các ông nếu y theo lời dạy đây tu mà chẳng được giải thoát, tôi xin trọn đời thay các ông chịu tội trong đại địa ngục. Nếu tôi lừa dối các ông, sau này tôi sanh nơi nào sẽ bị sư tử, cọp, sói ăn thịt. Các ông nếu chẳng y theo lời dạy đây siêng năng tu hành thì không bảo đảm thoát khỏi luân hồi. Một phen mất thân người, muôn kiếp khó được lại, phải cố gắng! cố gắng!

(QUYỂN ĐỐN NGỘ NHẬP ĐẠO YẾU MÔN ĐẾN ĐÂY LÀ HẾT)