Thiền học
Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn
Thích Thanh Từ
18/11/2554 10:24 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn
Mục lục

 

BÀI 14

Hỏi: - Kinh nói pháp môn tận, vô tận là thế nào?

- Vì hai tánh không nên thấy, nghe không sanh là tận. Tận là các lậu hết. Vô tận là ở trong thể vô sanh đầy đủ hằng sa diệu dụng, tùy việc ứng hiện thẩy đều đầy đủ, mà trong bổn thể cũng không tổn giảm. Ấy là pháp môn TẬN – VÔ TẬN vậy.

- Tận và vô tận là một hay khác?

- Thể là một, nói thì có khác.

- Thể là một, tại sao nói có khác?

- Một là thể của nói, nói là dụng của thể. Vì tùy sự ứng dụng mà nói thể đồng mà nói khác. Ví như trên trời có một mặt nhựt, dưới đất để các chậu chứa đầy nước, trong mỗi chậu đều thấy có mặt nhựt. Các mặt nhựt trong mỗi chậu thẩy đều tròn đầy, cùng mặt nhựt trên trời không sai biệt nên nói thể đồng. Vì tùy chậu đặt tên nên có sai biệt do đó nói khác. Cho nên bảo thể đồng nói liền có khác. Các mặt nhựt trong chậu đều tròn đầy, so với mặt nhựt chánh trên trời không có thua kém nên nói vô tận.

Hỏi: Kinh nói “Chẳng sanh chẳng diệt ”, pháp gì chẳng sanh? Pháp gì chẳng diệt?

 - Pháp ác chẳng sanh, pháp thiện chẳng diệt.

- Thế nào là ác? Thế nào là thiện?

- Tâm ô nhiễm là ác, tâm không ô nhiễm là thiện. Chỉ không nhiễm, không lậu thì pháp ác chẳng sanh. Khi được không nhiễm, không lậu thì thanh tịnh tròn sáng, lóng yên thường lặng, cứu cánh không dời đổi, ấy gọi là pháp thiện chẳng diệt. Đây tức là chẳng sanh, chẳng diệt vậy.

 

BÀI 15

HỎI: Trong kinh Phạm Võng nói “Chúng sanh thọ giới Phật liền vào vị Phật, đồng bậc Đại Giác rồi mới thật là con Phật” nghĩa này thế nào?

- Giới Phật là tâm thanh tịnh đó vậy. Nếu có người phát tâm tu hành hạnh thanh tịnh, được tâm không có chỗ thọ, gọi là thọ giới Phật. Chư Phật đời quá khứ đều tu hạnh không thọ thanh tịnh, được thành Phật đạo. Thời nay nếu có người phát tâm tu hạnh không thọ thanh tịnh thì cùng chư Phật đồng công đức đẳng dụng không khác. Cho nên nói “vào vị Phật “Như thế được giác ngộ cùng Phật giác ngộ đồng. Cho nên nói “Vị đồng bậc Đại Giác rồi mới thật là con Phật”. Từ tâm thanh tịnh sanh trí, trí thanh tịnh gọi là con chư Phật, cũng goi đây là Phật con.

Hỏi: Nói Phật với Pháp, là Phật có trước hay pháp có trước? nếu pháp có trước thì pháp ấy do Phật nào nói? Nếu Phật có trước thì nương pháp nào được thành đạo?

Phật cũng có trước pháp, cũng có sau pháp.

- Nhơn đâu nói Phật, pháp có trước sau?

- Nếu căn cứ vào pháp Tịch Diệt mà nói thì Pháp trước, Phật sau. Nếu căn cứ pháp văn tự mà nói thì Phật trước, pháp sau. Vì cớ sao? Vì tất cả chư Phật đều nhơn nơi pháp Tịch Diệt mà được thành Phật, tức Pháp trước Phật sau. Kinh nói “Làm thầy chư Phật ấy là pháp vậy”. Sau khi thành đạo rồi, Phật mới rộng nói mười hai bộ kinh dẫn dắt, giáo hóa chúng sinh. Chúng sinh nương nơi pháp Phật giáo hóa tu hành được thành Phật, ấy là Phật trước pháp sau.

 

BÀI 16

HỎI: Thế nào là thuyết thông, tông chẳng thông?

- Nói và làm trái nhau tức là thuyết thông, tông chẳng thông

- Thế nào là tông thông, thuyết cũng thông?

- Nói và làm không sai biệt tức là thuyết thông, tông cũng thông.

HỎI: Kinh nói “Pháp đến - chẳng đến, chẳng đến – đến” là thế nào?

 - Nói đến mà làm chẳng đến gọi là đến – chẳng đến. Làm đến mà nói chẳng đến gọi là chẳng đến – đến, Làm nói đều đến gọi là đến – đến 

HỎI: Phật pháp chẳng hết hữu vi, chẳng trụ vô vi. Thế nào là chẳng hết hữu vi? Thế nào là chẳng trụ vô vi?

- Từ mới phát tâm cho đến ở dưới cội Bồ-Đề thành Đẳng Chánh Giác, sau đến song lâm vào Niết-Bàn, trong khoảng giữa đó tất cả pháp đều không bỏ, ấy là chẳng hết hữu vi.

- Tuy tu vô niệm mà chẳng dùng vô niệm làm chỗ chứng. Tuy tu không mà chẳng lấy không làm chỗ chứng. Tuy tu Bồ-Đề Niết-Bàn vô tướng, vô tác mà chẳng dùng vô tướng, vô tác làm chỗ chứng. Ấy là chẳng trụ vô vi.

HỎI: Có địa ngục hay không có địa ngục?

- Cũng có, cũng không.

- Tại sao cũng có cũng không?

- Vì tùy tâm tạo tất cả các nghiệp ác thì có địa ngục. Nếu tâm không nhiễm, vì tự tánh không, thì không địa ngục.

 

BÀI 17

HỎI: Chúng sanh chịu tội có Phật tánh không?

- Cũng đồng Phật tánh

- Đã có Phật tánh thì chính khi vào địa ngục Phật tánh đồng vào chăng?

- Chẳng đồng vào.

- Vậy chính khi chúng sanh vào địa ngục Phật tánh ở chỗ nào?

- Cũng đồng vào.

- Đã đồng vào thì khi chúng sanh chịu tội Phật tánh cũng đồng chịu tội chăng?

- Phật tánh tuy theo chúng sanh đồng vào mà chúng sanh chịu tội khổ Phật tánh xưa nay vẫn không chịu.

- Đã đồng vào nhơn đâu không chịu?

- Chúng sanh là có tướng, có tướng thì có thành hoại, Phật tánh là không tướng, không tướng thì tánh KHÔNG. Thế nên tánh chơn không không có hoại. Ví như người chất củi trong hư không, củi lâu ngày bị mục, hư không chẳng mục. Hư không dụ Phật tánh, củi mục dụ chúng sanh. Vì thế nói đồng vào mà không đồng chịu. 

 

BÀI 18

HỎI: Chuyển tám thức thành bốn trí, rút bốn trí thành ba thân, vậy mấy thức chung thành một trí? Mấy thức riêng thành một trí?

- Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân năm thức này thành chung một trí là Thành Sở Tác Trí. Ý thức thứ sáu riêng thành Diệu Quan Sát Trí. Tâm thức thứ bảy riêng thành Bình Đẳng Tánh Trí. Thức hàm tàng thứ tám riêng thành Đại Viên Cảnh Trí.

- Bốn trí này là đồng hay khác?

- Thể thì đồng mà tên khác

- Thể đã đồng tạI sao tên khác?

- Vì tùy sự đặt tên

- Đã tùy sự đặt tên thì khi một thể, cái gì gọi là Đại Viên Cảnh Trí?

- Yên tịnh, không lặng, tròn sáng, chẳng động gọi là Đại Viên Cảnh Trí. đối với các trần không khởi yêu ghét là hai tánh không, Hai tánh không là Bình Đẳng Tánh Trí. Hay vào cảnh giới các căn, khéo phân biệt mà chẳng khởi loạn tưởng, được tự tại là Diệu Quan Sát Trí. Hay khiến các căn tùy sự ứng dụng, thảy vào chánh định, không có hai tướng là Thành Sở Tác Trí.

- Rút bốn trí làm ba thân, bao nhiêu trí chung một thân? Bao nhiêu trí riêng làm một thân?

- Đại Viên Cảnh Trí riêng làm Pháp Thân, Bình Đẳng Tánh Trí riêng làm Báo thân. Diệu Quan Sát Trí và Thành Sở Tác Trí chung làm Hóa Thân. Ba thân này cũng giả lập tên để phân biệt, cốt cho người chưa hiểu xem. Nếu người liễu đạt lý này cũng không có ba thân ứng dụng. Vì sao? Vì thể tánh không tướng, từ gốc không trụ mà lập, cũng không có gốc không trụ.

 

BÀI 19

HỎI: Thế nào là thấy chơn thân Phật?

- Chẳng thấy có, không là thấy chơn thân Phật.

- Thế nào là chẳng thấy có không?

- Có nương nơi không mà lập, không nương nơi có mà hiển bày. Nếu chẳng lập có thì không đâu còn, Đã chẳng còn không thì có từ đâu mà có? Có với không làm nhơn cho nhau mà có. Đã làm nhơn cho nhau mà có thì thảy đều sanh diệt. Chỉ lìa hai cái thấy này tức thấy chơn thân Phật.

- Có, không còn không thể được, huống là dựng lập chơn thân, thì căn cứ vào đâu mà lập?

- Vì có hỏi  nên lập. Nếu không hỏi  thì tên chơn thân cũng không thể lập. Vì sao? Ví như gương sáng, đối vật thì hiện vật, nếu không đối vật thì trọn chẳng hiện vật.

HỎI: Thế nào là thường chẳng rời Phật?

- Tâm không khởi diệt, đối cảnh vắng lặng, trong tất cả thời cứu cánh không tịch, tức là thường chẳng rời Phật.

HỎI: Thế nào là pháp vô vi?

- Là hữu vi vậy.

- Nay hỏi  pháp vô vi, nhơn sao đáp hữu vi?

- Hữu nhơn vô mà lập, vô nhơn hữu mà hiển. Vốn chẳng lập hữu thì vô từ đâu mà sanh? Nếu luận về chơn vô vi thì chẳng chấp hữu vi cũng chẳng chấp vô vi, ấy là pháp chơn vô vi. Vì sao? Kinh nói “Nếu chấp tướng pháp là chấp ngã nhơn, nếu chấp tướng phi pháp cũng là chấp ngã nhơn. Thế nên chẳng chấp tướng pháp, chẳng chấp tướng phi pháp tức là được chơn pháp vậy“. Nếu thấu rõ lý này là chơn giải thoát, là hội được pháp môn bất nhị.

HỎI: Thế nào là nghĩa Trung Đạo?

- Là nghĩa hai bên vậy

- Nay hỏi  nghĩa Trung Đạo, tại sao đáp nghĩa hai bên?

- Hai bên nhơn giữa giữa mà lập, giữa nhơn hai bên mà sanh. Nếu không có hai bên thì giữa từ đâu mà có? Cho nên biết giữa cùng hai bên nhơn nhau mà lập, thẩy đều vô thường. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế.

 

BÀI 20

HỎI: Thế nào là năm ấm?

- đối sắc nhiễm sắc, theo sắc thọ sanh, gọi sắc ấm. Vì lãnh nạp vào trong tám gió (Lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc) ưa tập những thứ tin tà, từ trong sự lãnh thọ mà sanh, gọi là thọ ấm. Mê tâm, chấp tưởng, theo tưởng thọ sanh, gọi là tưởng ấm. Kết nhóm các hành theo hành thọ sanh gọi là hành ấm. Nơi thể bình đẳng vọng khởi phân biệt, lôi kéo thức rỗng không đi thọ sanh gọi là thức ấm.

HỎI: Kinh nói 25 cõi, thế nào là 25 cõi?

 - Là thọ thân đời sau vậy. Thân đời sau là thọ sanh trong sáu đường. Vì chúng sanh hiện đời tâm mê ưa kết các nghiệp, sau ắc theo nghiệp thọ sanh. cho nên nói đời sau.

Ở đời nếu có người chí tâm tu hành được cứu cánh giải thoát, chứng vô sanh pháp nhẫn, hằng lìa tam giới, chẳng thọ thân sau. Người không thọ thân sau là chứng Pháp thân. Pháp thân tức là thân Phật.

- Tên 25 cõi làm sao phân biệt?

- Bản thể là một, vì tùy dụng đặt tên nên có 25 cõi. 25 cõi là 10 điều ác, 10 điều lành và 5 ấm.

- Thế nào là 10 điều ác, 10 điều lành?

- 10 điều ác là: Sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói thêu dệt, nói hai lưỡi, nói hung ác và tham, sân, tà kiến. 10 điều lành là ngược lại chẳng làm 10 điều ác kể trên. 

 

BÀI 21

HỎI: Trước nói vô niệm mà tôi chưa thông tột

- Vô niệm là ở tất cả chỗ mà không tâm, không tất cả cảnh, không có những nghĩ cầu, đối các cảnh sắc hằng không khởi động. Được vô niệm gọi là chơn niệm. Nếu dùng niệm (khởi nghĩ) làm niệm là tà niệm, chẳng phải chánh niệm. Vì sao? Vì kinh nói:”Nếu dạy người lục niệm (niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiện) gọi là phi niệm”. Có lục niệm gọi là tà niệm, không lục niệm gọi là chơn niệm. Kinh nói:

- Này thiện nam! Ta trụ trong pháp vô niệm được sắc vàng, ba mươi hai tướng như thế, phóng hào quang lớn soi khắp các thế gian, công đức không thể nghĩ bàn, Phật nói còn chẳng hết, huống là các thừa mà có thể biết”.

Người được vô niệm, sáu căn không nhiễm tự nhiên được vào tri kiến chư Phật. Được như thế gọi là Phật tạng (kho tàng Phật) cũng gọi Pháp tạng (kho tàng pháp), hay bao gồm tất cả Phật, tất cả pháp. Vì cớ sao? Vì vô niệm vậy. Kinh nói “Tất cả chư Phật đều từ kinh này xuất sanh”.

Hỏi: Đã bảo vô niệm thì câu “Vào tri kiến Phật “từ đâu mà lập?

 - Từ vô niệm lập. Vì sao? Kinh nói “Từ gốc vô trụ lập tất cả pháp”. Lại nói “Ví như gương sáng, trong gương tuy không hình tượng mà hay hiện muôn vàn hình tượng. Vì sao? Vì gương sáng nên hay hiện muôn vàn hình tượng”. Người học đạo do tâm không nhiễm nên vọng niệm chẳng sinh, tâm nhơn ngã diệt, cứu cánh thanh tịnh. Vì thanh tịnh nên hay sanh tri kiến vô lượng. 

 

BÀI 22

HỎI: Thế nào là đốn ngộ?

- Đốn ngộ là ngay trong đời này được giải thoát.

- Làm sao mà biết?

- Ví như sư tử con, khi mới lọt lòng mẹ quả nhiên là sư tử. Người tu đốn ngộ cũng thế. Ngay khi tu liền vào vị Phật. Như tre mùa xuân sanh măng, cũng ngay trong mùa xuân măng thành tre, đồng không có khác. Vì cớ sao? Vì trong ruột trống. Người tu đốn ngộ cũng như thế. Vì chóng trừ vọng niệm, hằng dứt ngã nhơn, cứu cánh không tịch, cùng Phật bằng nhau, đồng không có khác. Cho nên nói “Ngay nơi phàm là thánh”. Người tu đốn ngộ chẳng rời thân này liền vượt khỏi thế gian, chẳng xả phiền não mà vào Niết Bàn.

- Người không tu đốn ngộ, ví như giả can nhập bầy sư tử, trải trăm ngàn kiếp trọn chẳng được thành sư tử

HỎI: Tánh chơn là thật không hay thật chẳng không? Nếu nói chẳng không tức là có tướng. Nếu nói không tức là đoạn diệt. Tất cả chúng sanh đều nương vào đâu tu hành để được giải thoát?

- Tánh chơn như cũng không cũng chẳng không. Vì sao? Vì diệu thể chơn như không hình, không tướng, không thể được nên nói cũng không. Song trong thể không vô tướng đó đầy đủ diệu dụng hằng sa, không việc gì mà hẳng ứng hiện, nên nói cũng chẳng không. Kinh nói “Hiểu một tức ngàn theo, mê một tức muôn lầm”. Nếu người giữ một thì muôn việc đều xong, ấy là diệu thuật ngộ đạo. Kinh nói “Sum la vạn tượng đều do một pháp ấn hiện “. Thế nào trong một pháp mà sanh các thứ kiến? Vì cộng nghiệp như thế do hành làm gốc”.