Kết Luận
Trong
tương đối, khi chúng ta chưa hiểu gì về Thiền, thì tất nhiên phải nhờ kinh
sách. Nhưng nói về lý tuyệt đối, học Thiền không phải y cứ vào văn tự. Mỗi
chúng ta đều sẵn có tự tánh thanh tịnh, nhưng do chạy theo trần cảnh khởi sinh
vọng thức, nên đánh mất tính cách rỗng lặng và hằng tri của tự tánh, và đánh
mất trạng thái như thị của muôn pháp. Vì thế, muốn khế hội chân lý Thiền, chúng
ta phải biết buông bỏ mọi tri thức vay mượn, mọi kiến chấp phân biệt nhị biên.
Khi không còn khởi niệm thiện-ác tốt-xấu... mà vẫn biết tường tận bản chất của
mọi sự vật hiện tượng, ta sẽ rõ thế nào là Thiền, ta mới chợt hiểu: Niết-Bàn
cũng chỉ ở tại đây và bây giờ, không cần giở chân mà đến!
Thiền là nhận ra chân tâm thường
trụ luôn có mặt trong mọi hữu tình, nên mọi hàm linh đều có khả tính giác ngộ -
Thiền không như Triết học chia thực tại ra nhiều thành phần, rồi dùng ý thức
chủ quan áp đặt lên các pháp. Thiền cũng không phải là tôn giáo với ý niệm mặc
khải cứu rỗi, với lòng tin về một đấng thần linh có quyền ban phước giáng họa.
Thiền trả về cho con người quyền làm người, làm chủ chân chính nhất, bằng một
thông điệp cho muôn đời: Mọi người có quyền quyết định số phận mình, tự bước đi
bằng đôi chân của mình, tự nhận trách nhiệm về mọi nghiệp duyên mình đã tạo ra
từ thân miệng ý. Và trên tất cả, mỗi người đều có quyền thành Phật tác Tổ hay
trầm luân trong ba cõi sáu đường.
Những người học Thiền, trên những
bước khởi đầu có thể giống nhau; nhưng càng về sau, sự sai biệt càng rõ. Có
người làu thông kinh luận, ứng đối tài tình, nhưng không chú trọng vào thực
hành nên suốt đời cứ dẫm chân tại chỗ. Có người dụng công trên sự hiểu biết của
mình, nhưng ít nhiệt tâm tinh cần nên không thu được kết quả bao nhiêu; đến khi
gặp chướng duyên dễ sinh nghi ngờ, chán nản. Có người lại nóng vội, thấy mạng
sống quá mong manh nên gắng sức hành trì đến quên ăn quên ngủ; lâu ngày phát
sinh bệnh tật, gây trở ngại cho việc tu hành. Tất cả đều không theo đúng tôn
chỉ của Thiền tông. Mục đích tối hậu của đời tu là giác ngộ và giải thoát -
giác ngộ tức thầm nhận tánh giác bản lai của chính mình, giải thoát là vượt
khỏi phiền não sanh tư û- Muốn được như vậy, trước tiên hành giả phải lắng sâu
tâm thức để nghe và hiểu lời dạy của Thầy Tổ, rồi chiêm nghiệm những chỗ uyên
áo diệu mầu của kinh lục. Sau đó, áp dụng vào công phu một cách miên mật và
đúng pháp. Lý thuyết và thực hành bổ sung cho nhau, trình độ tâm linh ngày càng
tăng tiến; khi đủ thời tiết nhân duyên, hành giả thể nhập tâm Thiền. Đây là
thời điểm kiến tánh, hành giả đi được nửa đoạn đường. Giai đoạn này, Thiền gọi
là: “Kiến tánh khởi tu” hay “Đốn ngộ tiệm tu”.
Vì tập khí phiền não đã tích lũy
từ vô lượng kiếp, nên giác ngộ rồi, hành giả vẫn phải trải qua một thời gian
tinh tấn hành trì, trưởng dưỡng Thánh thai. Ngài Trần Tôn Túc nói: “Việc lớn chưa sáng như đưa ma mẹ, việc lớn đã sáng
như đưa ma mẹ”. Lúc chưa thấy Đạo, hành giả luôn canh cánh bên lòng
một mối nghi, hoặc luôn theo dõi từng vọng niệm sanh diệt của mình, không dám
lơi lỏng, không dám lãng quên, như đứa con hiếu thảo lo đám tang cho mẹ. Nhờ
Thiện tri thức dùng phương tiện khai thị thích hợp, hoặc nhờ một cơ duyên kỳ
đặc khiến khối nghi bùng vỡ, hành giả thấy rõ bộ mặt xưa nay. Lúc này vẫn phải
thúc liễm thân tâm, bào mòn tập khí; nhưng sự dụng công đã nhẹ nhàng, dụng công
mà không tác ý nên là hằng dụng. Đến giai đoạn mà Tổ Qui Sơn mô tả: “Con trâu trắng sờ sờ trước mắt, đuổi hoài không
đi”, được xem như hoàn mãn phần tự lợi.
Tinh thần Phật giáo Đại thừa
luôn nhấn mạnh một điều tối quan trọng để hình thành nhân cách của một vị
Bồ-tát: phát Bồ-đề tâm, trên cầu giác ngộ viên mãn, dưới nguyện hóa độ tất cả
chúng sanh. Bằng nguyện lực, các Ngài lăn lộn trong sinh tử, ứng hóa đủ mọi
hình tướng để tùy duyên hành hạnh lợi tha. Đó đây trong lịch sử Phật giáo,
chúng ta cũng gặp vài trường hợp như thế: Bố Đại Hòa Thượng, hóa thân của đức
Di-Lặc; Hàn Sơn và Thập Đắc, hóa thân của hai vị Bồ-Tát Văn Thù và Phổ
Hiền...Và bây giờ, những người trong các nhóm thiện nguyện, tổ chức thầy thuốc
không biên giới... hy sinh tài sản danh vọng, hạnh phúc riêng tư và đôi khi cả
mạng sống, để cứu giúp những nạn nhân chiến tranh bạo lực, thiên tai dịch họa.
Đó há chẳng phải các vị đang tu Bồ-tát hạnh, hành Bồ-tát đạo sao?
Tóm lại, kiến tánh là chánh nhơn
tu hành, giúp hành giả có niềm tin kiên cố, luôn tinh tấn dấn bước trên đường
Đạo, gọi là Thủy giác. Sau
đó, bằng vô - công - dụng -
hạnh, hành giả phải trải qua nhiều đời kiếp thực hiện tự lợi và lợi tha để đạt Cứu cánh giác, tức thành tựu Phật quả.
Theo pháp môn Thiền đốn ngộ, chúng ta có thể từ phàm phu vô minh, trực nhận tự
tánh theo đường chim bay thẳng tắp, không qua thứ lớp tu tập. Nhưng khi đã đốn
ngộ, còn phải mất bao nhiêu thời gian tiệm tu để dứt sạch tập khí, triệt tiêu
bản ngã; còn phải gia công giáo hóa cho người đi sau cũng được giác ngộ như
mình. Thế mới biết, nói Phật và chúng sanh không hai vì đồng một thể tánh,
nhưng thật sự cách xa nhau ngàn trùng. Do đó, người tu chúng ta phải luôn e dè,
luôn cần cầu sự hiểu biết tối thượng, luôn miên mật hành trì, họa may mới có
phần tương ưng. Nếu phước huệ chưa được bao nhiêu đã tự cho mình sánh vai cùng
Phật Tổ, chỉ thêm mang nặng nghiệp chướng, muôn kiếp chưa thể trả xong.
Mong rằng tất cả chúng ta, trang
bị cho mình đầy đủ tư lương, hãy cùng tiến bước trên con đường thiên lý này. Dù
gặp bao nhiêu khó khăn trở ngại, bao thử thách truân chuyên, chúng ta vẫn vững
lòng đi tới. Rồi cũng có một ngày, phát sinh đại trí phá sạch căn bản vô minh,
phát khởi đại nguyện nhiêu ích muôn loài, chúng ta mới đáp ứng được bản hoài
của chư Phật - Bồ tát, mới đền đáp trong muôn một công ơn của các Ngài.