Chương 5.
Tông chỉ niệm Phật
GIÁ TRỊ NIỆM PHẬT
Tại chùa Long Thành tỉnh Vĩnh
Long có hai câu đối sâu sắc và được xem là tông chỉ của pháp môn Tịnh độ:
“Vô não, vô ưu chơn Cực Lạc.
Bất cấu, bất nhiễm thị Tây
phương.”
Bản chất cực lạc là trạng thái
an vui về phương diện cảm xúc, nhận thức và hành trì. Trong trạng thái đó, tất
cả dòng chảy cảm xúc của buồn, vui, thương, ghét, giận… nói chung là những cảm
xúc âm tính đều vắng lặng. Nhờ trạng thái vắng lặng các phiền não mà con người
thiết lập được cực lạc ngay trong cuộc đời này.
Tây phương Cực Lạc là cảnh giới
an lành của đức Phật A-di- đà và là nơi mà các vị liên hữu mong mỏi phát nguyện
vãng sinh về. Mục đích của bản kinh là giúp hành giả có mặt ở Tây phương, không
còn bị nhiễm cấu trần lao, thái độ chấp trước và nhiễm đắm không còn. Bản chất
của pháp môn Tịnh độ bao gồm ba yếu tố là niệm Phật, thiền quán và chánh định.
Tuy là pháp môn đơn giản nhưng lại dung thông các pháp môn khác. Niệm Phật là
yếu tố trọng tâm nhất của pháp môn Tịnh độ.
Có một gia đình tu theo pháp môn
Tịnh độ, họ có hai người con, đứa út mười tám tuổi và đứa lớn hai mươi bốn
tuổi. Hai người con học rất giỏi, có năng khiếu thể thao nên được tuyển dự thi
giải thể dục thể thao cấp tỉnh. Trước và trong lúc thi đấu, cả hai người đều
niệm Phật. Kết quả thi đấu, người anh đoạt giải quán quân, còn cậu em út đoạt
giải nhì.
Lúc trở về nhà, cha mẹ chúng đã
hỏi các con có niệm Phật khi thi đấu hay không, cả hai đều trả lời là “có”.
Người cha vui mừng lắm và nghĩ rằng đó là lý do mà hai người con ông đã thi đấu
thành công. Ông quay sang đứa con út hỏi: “Con niệm như thế nào?”, nó trả lời:
“Thưa cha, con không niệm Phật A-di-đà mà con niệm danh hiệu đức Bồ-tát Quán
Thế Âm.” Nghe xong, ông suy tư về sự khác nhau giữa thần lực của Phật và Bồ
tát. Kế tiếp, ông quay sang hỏi đứa con lớn: “Thế con niệm Phật nào?”. Nó vội
trả lời: “Thưa cha, con niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà”. Từ kết quả đó, ông
suy luận rằng niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà có công đức lớn hơn niệm danh
hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm.
Thực ra, giá trị của niệm Phật
không nằm ở kết quả thông thường như gia đình này vừa nêu. Giá trị của nó vượt
lên trên sự thắng thua hay những ứng dụng về phước báu mà con người có thể có
trong cuộc đời. Trong tinh thần kinh A-di-đà,
trì danh hiệu của đức Phật A-di-đà là để nắm lấy các giá trị tâm linh mà tất cả
chúng ta cần phát huy trong đời này.
Bản chất của giá trị tâm linh
nằm ở chỗ con người dụng tâm và hành trì như thế nào. Khi ta khởi lên ý niệm
hồi hướng công đức cho kết quả học tập hay công ăn việc làm, thông thường ta
vẫn đạt được kết quả. Bởi sự hồi hướng công đức là cách tạo ra năng lượng, làm
cho kết quả diễn ra trong thời điểm ta đang mong đợi. Thay vì để cho tiến trình
thời gian tự diễn ra trong tương lai mười năm hay hai mươi năm, nhờ sự chuyển
tâm, các hạt giống tích tụ trong quá khứ trổ quả sớm hơn thời gian dự định.
Việc hồi hướng công đức có thể sánh ví như tình trạng hỗ trợ cho trái cây chín
sớm hơn thời gian dự kiến hoặc như chất xúc tác giúp cho hoa mai có thể nở đúng
vào ngày xuân. Đừng nên nghĩ rằng niệm Phật để đạt các giá trị quá quyền thừa
hưởng từ nỗ lực chân chính của chúng ta.
PHƯƠNG PHÁP NIỆM PHẬT
Trong kinh A-di-đà, tông chỉ niệm Phật gồm nội
dung liên hệ đến cư dân Tịnh độ. Gọi là cư dân để giúp ta có cái nhìn gần gũi
hơn và thấy được hiệu quả do thực hành đúng phương pháp mà hành giả có thể đạt
đến. Kinh mô tả các hành giả được vãng sanh về đây đều là những bậc Thượng
thiện nhân, bậc A-bệ-bạt- trí, bậc Nhứt Sanh Bổ Xứ, nói chung họ đều là bậc
Thánh.
Phương pháp chánh niệm của các
cư dân Tịnh độ gắn liền với pháp môn niệm Tam Bảo, nghĩa là niệm Phật, Pháp và
Tăng. Niệm Tam Bảo có nguồn gốc từ phương pháp Lục niệm trong truyền thống kinh
điển Pàli đó là niệm Phật,
niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới (đời sống đạo đức), niệm Bố Thí (các giá trị
nhường cơm xẻ áo, chia sẻ cho người đang có nhu cầu), niệm Thiên (niệm về kết
quả sanh ở cõi trời hoặc các hành tinh có đời sống thuận lợi hơn so với cõi Ta
bà).
Niệm Phật giúp con người duy trì
được chiều sâu của đời sống tâm linh thông qua việc gắn liền với các hạnh lành
mà Thế Tôn đã sống và truyền bá mang lợi lạc đến chúng sinh.
Niệm chánh Pháp là cách thức gợi
nhớ đạo Phật là con đường của tuệ giác, từ bi, có thể tháo gỡ mọi bế tắc khổ
đau của kiếp người.
Niệm Tăng là cách thức nhớ về
những người xuất gia chân chính, có nhiều kinh nghiệm tu tập dấn thân và hành
xử, giúp người cư sĩ tại gia có cơ hội bắt chước hạnh nguyện của chư Phật; nhờ
đó có cuộc sống an lạc.
Ba phương pháp niệm Giới, niệm
Bố Thí và niệm Thiên được xem là những so sánh căn bản giúp hành giả có được
giá trị hành trì. Nhìn thấy được kết quả của hành trì ở hiện tại cũng như trong
tương lai, hành giả sẽ có thái độ tinh tấn, vững chãi, không hề bị lùi sụt. Do
đó, phương pháp Lục niệm được xem là cơ hội giúp hành giả làm lớn mạnh các hạt
giống của chánh niệm và tỉnh thức. Trong kinh A-di-đà, đức Phật đưa ra hai ngữ cảnh gắn liền với sự niệm
Phật, niệm Pháp và niệm Tăng làm lớn mạnh chiều sâu của đời sống tâm linh.
Ngữ cảnh thứ nhất, đức Phật giới
thiệu môi trường sinh thái ở đây rất tươi mát, các loài chim được sanh ra không
phải vì nghiệp lực, dược Phật biến hoá để giúp hành giả nghe chánh pháp. Sự hỗ
trợ này có khả năng giúp hành giả đạt được hân hoan, trải nghiệm niệm Phật,
niệm Pháp và niệm Tăng.
Ngữ cảnh thứ hai, với sinh thái
có nhiều cây xanh bóng mát, gió thoảng, tạo âm hưởng vi diệu nhờ đó cư dân Tịnh
độ cảm thấy vững tin và nhớ về Phật, Pháp và Tăng.
Trong đạo Phật, niệm Phật, Pháp,
Tăng phải gắn liền với những đức tính mà con người cần có. Phật trong khái niệm
“niệm Phật” là chư Phật nói chung với mười danh hiệu và mỗi danh hiệu là một
hạnh nguyện. Khi nhớ đến những danh hiệu này, ta sẽ thấy đức Phật A-di-đà và
đức Phật Thích Ca khác nhau về bản nguyện nhưng giống nhau về đức tu và con
đường hóa độ mang lại kết quả an vui Mười danh hiệu đó là: Ứng Cúng, Chánh Biến
Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng
Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Khi niệm mười danh hiệu, ta nhớ đến tiềm
năng Phật tính trong ta. Niệm danh hiệu của đức Phật A-di-đà là tông chỉ của
pháp môn Tịnh độ và được sánh ví như cách phát huy tiềm năng giác ngộ lớn trong
mỗi con người.
Vừa qua, phái đoàn “Đồng tu Tịnh
độ” của Đài Loan sang thuyết pháp tại một số đạo tràng. Quan sát nội dung
thuyết pháp của vị Pháp sư này thì câu mở đầu và câu kết thúc đều là “A-di- đà Phật”, nhưng rất tiếc người
phiên dịch dịch là “Nam mô Bổn Sư Thích
Ca Mâu Ni Phật”. Có lẽ người phiên dịch cho rằng đức Phật Thích Ca
và đức Phật A-di-đà có hai danh hiệu khác nhau và niệm danh hiệu đức Phật
A-di-đà là thuộc hành giả Tịnh Độ, còn niệm danh hiệu đức Phật Thích Ca là
thuộc hành giả của một pháp môn khác. Như thế là chỉ hiểu một phần nào giá trị
niệm danh hiệu Phật, mà chưa thấy được Phật tính dung thông ở chư Phật và thậm
chí trong tâm thanh tịnh của chúng ta. Do đó, đừng nên ngại ngùng khi sử dụng
danh hiệu “Nam mô A-di-đà Phật” để chào hỏi, giao tế
và hành trì. Danh hiệu đức Phật là điều kiện quan trọng giúp hành giả đạt được
trạng thái nhiếp tâm.
Đức Phật thiết lập sinh thái có
tiếng chim hót, gió thổi, thông reo tạo ra âm hưởng để niệm Phật, Pháp và Tăng
nhằm nhấn mạnh đến yếu tố truyền thống tâm linhtừ trợ duyên. Dùng danh hiệu “Nam mô A-di-đà Phật” hay “Nam mô Bổn Sư
Thích Ca Mâu Ni Phật” đều không khác nhau về phương diện bản chất.
Trong kinh A-di-đà, việc niệm Phật được hiểu là
niệm đức Phật A-di-đà với hai đức tính quan trọng là Vô Lượng Quang và Vô Lượng
Thọ. Không nên hiểu Vô Lượng Quang theo nghĩa đen là hào quang toả ra xung
quanh vùng đỉnh đầu, từ đó các tia ánh sáng được toả ra, như thế là ta vật chất
hoá truyền thống tâm linh của đạo Phật. Hào quang không phải là tia ánh sáng mà
là vùng từ trường tâm linh, có giá trị tuệ giác, từ bi, sự chuyển hoá và khai
thông tất cả mọi ách tắc về cảm xúc, nhận thức của con người.
NẮM LẤY DANH HIỆU PHẬT
Khi niệm danh hiệu đức Phật
A-di-đà, hành giả liên tưởng đến tiềm năng tuệ giác không bị giới hạn bởi điều
kiện vật lý và thời gian, nhờ đó hành giả chuyên nhất tâm vào tông chỉ và pháp
môn, từ đó khai mở tiềm năng tuệ giác. Lúc ấy, hành giả sẽ sống trong sự cộng
hưởng Vô Lượng Quang của Phật A-di-đà.
Vô Lượng Thọ là yếu tố chung của
các cư dân, Thánh giả. Khi chứng đắc được đạo quả thì tiến trình sanh tử luân
hồi sẽ bị chặt đứt. Chặt đứt được sanh tử thì yếu tố tuổi thọ sẽ không bị giới
hạn bởi năm tháng. Nếu qua đời thì đó là hạnh nguyện để dấn thân ở những nơi
khác. Chính vì thế mà tuổi thọ của cư dân nơi đây rất lâu dài. Nghĩa thứ hai
của Vô Lượng Thọ là khi hành giả phát huy tiềm năng giác ngộ thông qua danh
hiệu đức Phật A-di-đà thì sự hành trì rất bền vững. Nghĩa là khi hành trì pháp
môn nào thì phải tới nơi tới chốn và không bỏ cuộc nửa chừng. Vô Lượng Thọ gợi
lên hình ảnh bền bỉ, không bị bất cứ trở duyên hay ảnh hưởng ngoại tại nào có
thể làm ta bỏ cuộc trên con đường tu tập.
Nhận thấy được hai ý nghĩa đó,
hành giả hãy nhất tâm niệm Phật và phát nguyện vãng sanh theo lời dạy của đức
Phật A-di- đà trong kinh này: “Bất luận
nam nữ, muốn được vãng sanh thì hãy chuyên cần, khởi lòng khát ngưỡng, nhớ nghĩ
không quên, thực tập quán niệm, nhất tâm bất loạn, trong vòng một ngày, cho đến
bảy ngày. Trong giờ phút này, tâm ý người ấy phải thật yên tỉnh, như vào thiền
định, không còn tán loạn, điên đảo mộng tưởng. Đến lúc qua đời, Phật A-di-đà,
Thánh chúng hà sa dang tay tiếp dẫn, khiến được vãng sanh, dự hàng thánh chúng,
không hề chia phân.”
Đoạn kinh ngắn này là tông chỉ
niệm Phật. Đoạn kinh này có chiều sâu tâm linh lớn.
Thọ trì danh hiệu là một nhu cầu
lớn. Trong các mối quan hệ, người ta thường giới thiệu thông tin cá nhân nhằm
kết nối với đối tác. Việc nắm lấy thông tin là nhu cầu quan trọng trong các mối
quan hệ. Đối với hành giả, nó giống nắm lấy địa chỉ tâm linh. Cách thức nắm lấy
danh hiệu Phật có khả năng làm sống lại giá trị của sự tu tập. Nhờ nắm lấy địa
chỉ, nhớ được đường đi, tông chỉ hành trì, pháp môn tu tập và giá trị lợi lạc
mà tâm hành giả được khai thông. Tu tập tập thể sẽ tạo ra vùng ảnh hưởng tâm
linh, nhờ nắm lấy danh hiệu của đức Phật. Nắm lấy những thông tin tâm linh cần
thiết, hành giả thấy mình tinh tấn nhiều hơn. Tu tập tại tư gia dù trang nghiêm
nhưng thiếu trường tâm linh của pháp hữu, đôi lúc ta có thể lười biếng hoặc
đình chỉ sự tu tập nghiêm mật với nhiều lý do.
Niệm Phật trong kinh A-di-đà như là tiến trình của sự quán
niệm. Quán niệm là nhu cầu thiết lập dòng chảy chánh niệm và tỉnh thức thông
qua danh hiệu của đức Phật A-di-đà. Bản chất của khổ đau nằm ở tình trạng con
người cắt đứt sự hiện hữu với chánh niệm. Đặt thân và tâm ở hai địa điểm khác
nhau, (ví dụ thân đang có mặt tại chùa còn tâm thì đang tưởng nhớ về công việc
gia đình), là tách sự hiện hữu của tâm ra khỏi dòng chảy của hiện tại, tâm dễ
dàng bị phóng túng và tiến trình của sự quán niệm bị cắt đứt.
Kinh A-di-đà nêu phương pháp niệm Phật gồm hai cách là khẩu
niệm và tâm niệm.
- Khẩu niệm là niệm Phật bằng âm thanh được phát ra từ miệng
và giá trị của nó tạo ra sự quán tưởng bằng tâm. Sự quán tưởng bằng tâm tạo ra
chiều sâu của hành trì.
- Tâm niệm là thiết lập dòng chảy chánh niệm dựa trên danh
hiệu của đức Phật A-di-đà, khi ấy con người trở nên định tĩnh, không bị dính
mắc vào đối tượng trần cảnh. Dán chánh niệm lên danh hiệu Phật, như vòng tròn
và mặt phẳng tiếp xúc với nhau ở một điểm duy nhất. Ảo giác cho phép ta nghĩ
rằng trong một đơn vị thời gian ta có thể nghĩ đến hai, ba hoặc thậm chí là
nhiều đối tượng khác nhau. Đó là cách hiểu sai lầm. Nếu hành giả thiết lập
chánh niệm trên danh hiệu đức Phật A-di-đà một cách liên tục và không gián đoạn
thì tâm hành giả trở thành Vô Lượng Quang và Vô LượngThọ. Tất cả thái độ động
tĩnh ở bên ngoài không còn tác động đến tâm thức của hành giả. Đây là phương
pháp tu tập đơn giản nhưng đòi hỏi sự dụng tâm có phương pháp mới có thể đạt
được kết quả như ý muốn.
Kinh Tứ Niệm Xứ là bài kinh quan trọng về thiền quán đề cập đến
tính thời gian của phương pháp niệm. Đức Phật dạy các hành giả tu tập niệm Phật
từ một năm cho đến bảy năm, hoặc từ một tháng cho đến bảy tháng hoặc ngắn hơn,
từ một tuần cho đến bảy tuần. Dù bảy ngày hay bảy niệm với sự chuyên tâm nhất
hướng, hành giả có thể đạt được trạng thái an vui, tĩnh tại trên cuộc đời.
CHÁNH NIỆM TỈNH THỨC
Trong kinh A-di-đà, thời gian được giới hạn từ một
ngày cho đến bảy ngày, chánh niệm về danh hiệu A-di-đà được thiết lập trong tâm
của hành giả. Khi ấy, hành giả như đang ở trạng thái thiền định, an vui, giải
thoát, các cảnh tượng bên ngoài không còn tác động đến nội tâm và trạng thái
vắng lặng này được gọi là nhất tâm. Bản chất của nhất tâm là thân ở đâu, tâm ở
đó. Việc nuôi dưỡng dòng chảy của cảm xúc và ý niệm hoá khiến cho người ta có
khuynh hướng lao theo nó. Ví dụ ta đang ngồi tại chánh điện nghe pháp thoại
nhưng tâm bị phóng duyên theo những suy nghĩ về gia đình và người thân. Thiết
lập chánh niệm trong trường hợp này dựa trên nền tảng những gì được tiếp xúc
bằng mắt và nghe bằng tai, ta không còn bị tác động bởi trần cảnh hay những âm
thanh ồn ào xung quanh. Có thiết lập chánh niệm trên danh hiệu A-di-đà thì các
tạp niệm sẽ hoàn toàn vắng lặng.
Chánh niệm là làm thế nào cho
thân và tâm có mặt cùng một chỗ. Sự có mặt của chánh niệm được kinh truyền
thống gọi là “dán niệm trước mặt”, nghĩa là làm thế nào có được chánh niệm với
những gì đang có mặt khi tiếp xúc quanh ta. Khi thiết lập chánh niệm mắt phải
hơi nhắm lại, vì nếu mở to, tâm dễ phóng theo trần cảnh hoặc nhắm sát lại sẽ
tạo trạng thái hôn mê, buồn ngủ. Do đó, hành giả chỉ mở mắt ở một mức độ vừa
tầm để chánh niệm có mặt với cái đang diễn ra. Sự tâp trung ở lỗ mũi sẽ tạo ra
trạng thái căng thần kinh, vì hoả sẽ dẫn lên đầu. Khái niệm chánh niệm phải
được hiểu là sáu giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý phải được làm chủ.
Thiết lập chánh niệm là cách để cho tâm có mặt với sự hiện hữu, như chúng đang
là.
Hành giả Tịnh độ khi có mặt ở
chánh điện, hãy chấp tay trang nghiêm, miệng niệm danh hiệu A-di-đà, ngũ thể
đầu địa bày tỏ lòng tôn kính đảnh lễ. Lúc bấy giờ chánh niệm tỉnh thức sẽ có
mặt. Khi niệm là phải chuyên nhất vào danh hiệu đức Phật
A-di-đà, không nhớ nghĩ đến bất
kỳ đối tượng nào khác Nhớ đến danh hiệu một cách rõ ràng là để tạo ra hiệu ứng
tâm linh lớn cho hành giả. Bản chất của chánh niệm là làm cho tâm giám sát
thân. Sự giám sát đó tạo ra tiến trình mà Tịnh độ tông gọi là nhất hạnh, nhất
danh, nhất hướng và nhất niệm.
- Nhất
hạnh là hạnh nguyện hành trì, thực tập dựa trên quán niệm danh
hiệu đức Phật A-di-đà và bản chất thế giới Tây phương Tịnh độ.
- Nhất
danh là chỉ niệm duy nhất danh hiệu đức Phật A-di- đà mà không
niệm một danh hiệu nào khác, dù trong bản kinh đức Phật có nói đến niệm Phật,
Pháp và Tăng nhưng đó chỉ là cách nói bao quát. Thiết lập chánh niệm thông qua
bản kinh này, hành giả chỉ niệm một danh hiệu Phật duy nhất và đây là nền tảng
giúp ta có mặt ở chánh niệm.
- Nhất
hướng là tâm hành giả không thể có mặt ở Đông, Tây, Nam,
Bắc… mà có mặt ở ngay giây phút hiện tại này và ngay trần cảnh mà ta đang tiếp
xúc.
- Nhất
niệm là ý thức về sự hiện hữu của thân và những động tác trong
tiến trình thực tập quán niệm và tu tập danh hiệu đức Phật A-di-đà. Lúc đó,
cảnh sẽ xuất hiện rõ như tấm gương phản chiếu tất cả mọi thứ mà không hề có
thái độ nhận định, đánh giá, phê bình, chỉ trích, tổng hợp, loại suy hay qui
nạp. Tất cả mọi hoạt dụng với dòng chảy tư duy và nhận thức phải được lắng dịu
xuống trong trạng thái chuyên nhất và bất loạn. Khi tu tập nhất tâm bất loạn
thì hành giả cần chuyển hoá dòng cảm xúc và nhận thức.
Trong tiến trình này, hành giả
cần làm thế nào để cho “kiến văn giác tri”
chỉ đơn thuần là sự thấy, sự nghe, sự ngửi, và sự biết. Mọi hoạt dụng của ý
thức nhị nguyên và phân biệt đối đãi cần được chuyển hoá, khi chấp vào ý thức
nhị nguyên hành giả bị phóng tâm. Truyền thống Thiền gọi ý thức nhị nguyên là
sự chọn lựa giữa các đối tượng trần cảnh. Thái độ chọn lựa làm cho con người
khổ đau hoặc hạnh phúc. Sự chọn lựa, so sánh luôn diễn ra theo ba cách thế: so
sánh hơn, so sánh bằng và so sánh kém.
Ba tiến trình này đều lấy bản
ngã của con người làm thước đo, cán cân, đối trọng, hệ qui chiếu. Lúc đó ý thức
nhị nguyên làm cho bản ngã được lớn mạnh. Nơi nào có bản ngã lớn mạnh thì nơi
đó chánh niệm bị vắng bóng, khổ đau xuất hiện. Tiến trình phân biệt của các
giác quan chỉ đơn thuần là sự kiện, không hề có sự can thiệp của ý thức nhị
nguyên. Khi ấy, hành giả sẽ loại trừ được yếu tố phan duyên trần cảnh và nhờ đó
tiến trình an vui, hạnh phúc được có mặt.
THỂ NGHIỆM NHẤT TÂM
“Nhất tâm” là trạng thái thân và
tâm có mặt cùng một chỗ, “bất loạn” là cách thức duy trì trạng thái nhất tâm
được lâu dài. Trạng thái lâu dài hiểu theo kinh A-di-đà là “từ một
ngày đến bảy ngày”, với thời gian ngắn ta tưởng chừng như dễ nhưng
thực ra không dễ tí nào, bởi vì trạng thái đó chỉ xuất hiện trong một tích tắc
thời gian hoặc một thời gian dài hơn. Chẳng hạn Thế Tôn duy trì trạng thái nhất
tâm trong bốn mươi chín ngày dưới cội bồ đề tạo ra tuệ giác tuyệt đối, đối với
Tổ Bồ-đề Đạt- ma là chín năm diện bích. Tiến trình này đòi hỏi đến sự dụng tâm
có phương pháp, và muốn được như thế, hành giả không bị loạn động với đối tượng
trần cảnh.
Là nhà điêu khắc chạm trổ thì
đối tượng nhất tâm là các tác phẩm nghệ thuật. Nếu là một hoạ sĩ thì đối tượng
để đạt được nhất tâm là những bức tranh và nếu là một nhà thơ thì đối tượng đạt
nhất tâm là cảnh trí. Mọi người đều có đối tượng để làm cho tâm gom về một chỗ.
Việc gom tâm về một chỗ sẽ tạo ra trạng thái tĩnh tại của tâm trong thời gian
nhất định. Thế nhưng các nghệ nhân không vận dụng được nhất tâm bất loạn để tâm
trí, cảm xúc và tư duy bay bổng, tạo ra tác phẩm nghệ thuật có ý tưởng, nội
dung, do đó trạng thái loạn động về phân duyên trần cảnh đã có mặt.
Trạng thái bất loạn được hiểu là
buông quá khứ, buông tương lai và không bị ràng buộc trong hiện tại. Bất loạn
là nhu cầu quan trọng nhưng rất khó làm. Với những người có chứng bệnh dễ quên
thì việc buông quá khứ khá dễ dàng, vì đó là một cách buông bất đắc dĩ do sự
trục trặc chức năng của thần kinh bộ nhớ. Khi nhớ về quá khứ, khổ đau sẽ chồng
chất nhiều hơn cảm giác của hạnh phúc. Mỗi lần đặt tâm quay về quá khứ thì dòng
cảm xúc khổ đau ấy có dịp hâm nóng lại, lúc đó chánh niệm bị cắt đứt và danh
hiệu của đức Phật A-di-đà sẽ bị lãng quên. Vì thế, hành giả niệm Phật để đạt
nhất tâm phải hướng về trạng thái bất loạn, để tâm không quay về quá khứ, không
hâm nóng và làm khổ đau gia tăng.
Tuy nhiên, việc không hâm nóng
lại cảm xúc hạnh phúc trong quá khứ có thể làm cho người ta sống trong trạng
thái tiếc nuối về những chuyện đã qua. Tiếc nuối cũng là dòng năng lượng có
chức năng huỷ diệt giá trị chánh niệm tĩnh thức đang có mặt ở hiện tại. Hành
giả Tịnh độ tông phải chặt đứt và thay thế nó bằng thái độ chuyển hoá mà không
tạo ra cưỡng lực, vì bản chất của cưỡng lực là lòng sân. Đầu tư vào ý thức
nhiều quá thì hoả sẽ đi lên đầu. Càng nỗ lực thiếu trách nhiệm thì càng có
nhiều cản lực như là một phản ứng nội tại đang bấn loạn trong chiều sâu tâm
thức của chúng ta.
Trạng thái buông quá khứ được
hình dung giống như động tác của một bàn tay đang nắm lại rồi mở ra. Hoạt dụng
của tay có thể nắm lấy rất nhiều thứ, ví dụ cái ly, nếu không buông nó thì chức
năng và hoạt dụng của bàn tay sẽ mất đi. Tâm con người cũng giống như trạng
thái nắm lấy của bàn tay. Nếu cứ ôm quá khứ vào trong lòng hiện tại thì quá khứ
đó sẽ trở thành viện bảo tàng lịch sử của những chuyện đã qua. Trong khi đó,
giá trị của đời sống hiện tại là cái đang diễn ra chứ không phải là cái đã đi
qua. Buông quá khứ là tiến trình giúp thiết lập trạng thái bất loạn, nhờ đó mà
nỗi khổ niềm đau có thể trôi qua nhẹ nhàng.
Buông tương lai là tiến trình
làm hạn chế những giả định, mơ ước không đặt trên nền tảng của hiện tại. Chặt
đứt dòng suy tưởng và phóng lao tâm về tương lai không có nghĩa là ta đánh mất
trách nhiệm hay thái độ chuẩn bị chu đáo cho những việc sẽ làm. Hãy đầu tư ở
hiện tại thì tương lai sẽ là hệ quả tất yếu. Mơ ước về hiện tại đôi lúc ta trở
nên nóng vội và đánh mất sự nỗ lực quan trọng giúp thành tựu trong tương lai.
Do đó, ta nên trở về hiện tại trong trạng thái rảnh rang không vướng mắc, bằng
không, cứ bám víu vào nó sẽ bị rơi vào tình huống bệnh trách nhiệm dư thừa.
Người có bệnh trách nhiệm dư thừa giao công việc thì họ làm rất tốt nhưng với
căn bệnh này, họ lại tạo ra các giá trị thặng dư. Ví dụ một công việc nào đó có
thể đầu tư khoảng hai giờ là có thể hoàn tất, nhưng họ lại đầu tư nhiều ngày.
Trạng thái dư thừa này làm cho năng lượng con người bị đốt cháy trong quá khứ
hoặc tương lai, trong khi bản chất của đời sống nằm ở hiện tại. Hành giả cần
lưu tâm chặt đứt dòng chảy cảm xúc ra khỏi tiến trình hồi ức về quá khứ, và
cách ly nó ra khỏi tiến trình mơ ước về tương lai. Hãy đầu tư trong hiện tại
với trạng thái rảnh rang, hành giả sẽ đạt được bước đầu của bất loạn.
THỂ NGHIỆM BẤT LOẠN
Bất loạn là nội dung quan trọng
tạo ra năng lượng chánh niệm lớn, theo đó ta sẽ cảm nhận được nhiều tiềm năng,
kho tàng quí báu về tuệ giác, lòng từ bi, sự tha thứ. Ta có thể ôm vào
lòng người từng là kẻ thù, từng mang khổ đau cho ta. Chỉ cần một trạng thái bất
loạn, ta có thể mở rộng từ bi đối với tất cả mọi người một cách dễ dàng.
Để đạt được trạng thái bất loạn,
hành giả cần buông bỏ vọng tưởng mà trong đó sự lo âu, khủng hoảng là những kẻ
thù nguy hiểm. Người ta có thể lo âu về quá khứ, tương lai, hiện tại, hoặc lo
cho bản thân, gia đình, người thương, con cái…Sự lo âu chặt đứt trạng thái
chánh niệm và làm mất năng lực của nhất tâm bất loạn. Khi đạt trạng thái nhất
tâm bất loạn ở bước đầu, không có nghĩa hành giả đánh mất tính cách trách nhiệm
như một thành viên trong gia đình, một công dân trong một quốc gia mà ngược lại
nó giúp tăng cường năng lực của lao động, hiệu suất và thành quả đối với công
việc đang dấn thân. Ai làm việc có sự chuyên tâm nhất ý thì hiệu quả sẽ cao và
hạn chế được những tai nạn rủi ro về lao động, hạn chế sự phóng tâm dẫn đến
tình trạng làm sai, kém chất lượng và hiệu quả.
Niệm Phật nhất tâm bất loạn có
thể được ứng dụng trong lúc ta đang làm công việc ở một cơ quan, xí nghiệp hay
sinh hoạt gia đình, tạo ra giá trị an lạc tâm linh. Để làm được điều đó, ta cần
liên tưởng đến thanh nam châm chánh niệm của ta dính hít vào thanh nam châm
danh hiệu của đức Phật A-di-đà, giữa chúng không còn khoảng cách nào để cho một
vật khác có thể xen vào, trạng thái như thế gọi là bất loạn. Đôi lúc ta đang
tập trung vào một đối tượng nhưng thỉnh thoảng vẫn bị tư tưởng khác chen vào,
như ý niệm về cuộc sống hay những dòng cảm xúc buồn, vui v.v.. Trạng thái này
gọi là nhất tâm nhưng chưa bất loạn. Do đó, ta khó có thể kéo dài trạng thái
bất loạn trong một ngày huống hồ là bảy ngày. Được trạng thái nhất tâm trong
một vài giờ thì dễ, nhưng để đạt trạng thái bất loạn lâu dài thì không phải là
điều dễ thực hiện. Hình ảnh của thanh hít nam châm gắn liền với chánh niệm khi
niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà sẽ tạo ra trạng thái an vui và tỉnh tại.
Hãy niệm Phật một cách tha
thiết, chí thành giống như lửa đang cháy trên đầu. Quan điểm này tạo ra sự khẩn
thiết trong hành trì nhưng ngược lại có thể gây trạng thái căng thẳng của tâm.
Bởi vì khi lửa đang cháy trên đầu mà không dập tắt thì ta sẽ bị phỏng, và sự
căng thẳng trong việc chữa lửa sẽ làm cho hành giả đánh mất sự tìm kiếm các giá
trị thuộc về tương lai. Do đó phải khéo tạo ra hình ảnh để thiết lập trạng thái
nhất tâm bất loạn, bằng không sẽ làm cho hoả di chuyển lên trên đầu. Tập trung
vào điều gì quá nhiều với một cưỡng lực sẽ tạo ra trạng thái căng thẳng, loạn
động cũng dễ dàng xuất hiện.
Tu tập nhất tâm bất loạn là khi
các giác quan tiếp xúc với đối tượng trần cảnh phải thể hiện được chánh niệm.
Trạng thái nhẹ nhàng, thảnh thơi, không gượng ép thì chánh niệm sẽ có mặt,
trạng thái nhất tâm sẽ kéo dài, và khi ấy hành giả “như vào thiền định, không còn vọng tưởng” như lời kinh đã
mô tả.
XA LÌA VỌNG TƯỞNG ĐIÊN ĐẢO
Vọng tưởng không phải là ước mơ
trong lúc ta ngủ mà nó là dòng cảm xúc ý niệm hoá, phân biệt không đặt trên nền
tảng chánh niệm tỉnh thức đang diễn ra đối với danh hiệu đức Phật A-di-đà, với
pháp môn đang hành trì và với các hoạt dụng đang có mặt. Thiết lập trạng thái
xa lìa vọng tưởng là một trong những cách tạo ra trái tim tỉnh thức, hạnh phúc,
an lạc và thảnh thơi.
Tất cả nội dung sâu sắc của bản
kinh đều tập trung ở danh hiệu đức Phật A-di-đà. Niệm Phật theo kinh A-di-đà hướng dẫn, ta sẽ quên đi đối
tượng trần cảnh đang có mặt xung quanh, nhờ đó trạng thái nhất tâm được thiết
lập.Tuy nhiên, trạng thái bất loạn sẽ khó kéo dài nếu thực tập như một thói
quen, nghĩa là trong một thời khoá tu tập, khi nghe ba tiếng kẻng hay một hồi chuông
reo lên thì mới ý thức về trách nhiệm của mình và chỉ thực hiện theo nội qui mà
không nhận thấy đó là một trong những tiếng chuông tỉnh thức. Đức Phật A-di-đà
ở Tây phương Cực Lạc cũng tạo ra âm hưởng như thế để nhắc nhở hành giả cần phải
nhất niệm để trở về với tỉnh thức, an vui.
Tiếng chuông báo động trong một
thời khoá tu tập sẽ giúp hành giả gắn liền chánh niệm với danh hiệu đức Phật
A-di-đà càng sâu sắc, mà không phải là sự bắt buộc. Nếu xuất hiện ý niệm về sự
bắt buộc ví dụ như đến giờ ta mới lên chánh điện, niệm Phật thiền hành thì
trạng thái loạn động, vọng tưởng sẽ có mặt, chỉ nhớ về danh hiệu đức Phật
A-di-đà thì được gọi là chánh tưởng.
Vọng tưởng có thể xuất hiện khi
ta đang mở mắt, đang thức và đang ở ban ngày. Sống trong đêm mà cứ tưởng như
đang sống giữa ban ngày là một trạng thái tâm lý của khá nhiều người phàm phu.
Hoặc ở ban ngày mà cứ như đang sống ở ban đêm là, do đánh mất dòng chảy chánh
niệm đang có mặt với mình. Chính vì thế, mượn danh hiệu đức Phật A-di-đà qua
pháp môn Tịnh độ giúp thiết lập dòng chảy chánh niệm.
Phương Tây đặc biệt là người
Thiên Chúa giáo tin tưởng vào đấng Chúa toàn năng có thể mang lại bình an cho
họ. Mỗi khi tiếp xúc với khổ đau, tai ách hay bất kỳ một sự cố nào, họ đều có
thói quen bằng cửa miệng phát ngôn “Oh, My God!”, tiếng Việt gọi là “Lạy Chúa
tôi”, lời than thở hay lời mong đợi tình thương của Thượng đế rót vào khổ đau
của kiếp người. Thế nhưng quan sát kỹ trong nỗi khổ niềm đau mà kêu gọi Thượng
đế cứu giúp thì chưa bao giờ Thượng đế có mặt. Chẳng hạn như trận động đất xảy
ra tại vùng Nam Á Pakistan và Ấn Độ cướp đi sinh mạng vô số người mà trong số
đó nhiều người đã gào thét gọi tên Thượng đế, Chúa trời nhưng chẳng hề được
Chúa cứu giúp, chỉ có những người làm từ thiện xã hội, bác sĩ của hội chữ thập đỏ,
những con người dấn thân xoá bỏ biên cương bờ cõi của ý thức hệ tôn giáo, chính
trị, màu da để đến với họ bằng tất cả tấm lòng từ bi.
Thực tập phương pháp quán niệm
trên danh hiệu đức Phật A-di-đà, một số người có thể rơi vào tình trạng mộng
tưởng giống như các tín đồ khác. Niệm danh hiệu Phật chỉ để mong cầu đức Phật
gia hộ cho mình bình an, khoẻ mạnh, giàu sang, phú quí. Những ý niệm đó đều là
mộng tưởng và không thể giúp ta đạt được trạng thái nhất tâm bất loạn. Hành giả
cần tạo ra sự lựa chọn giữa một bên là mục tiêu của tâm linh và một bên là
những viên kẹo sôcôla phước báu,…Viên kẹo sôcôla có thể tạo ra trạng thái khoái
khẩu trong lúc ta đang có nhu cầu, trong khi viên kim cương tâm linh mà đức
Phật đề cập là trạng thái nhất tâm bất loạn, ở đây đòi hỏi ta phải chọn một
hoặc bỏ một chứ không thể nắm lấy cả hai. Đó là lý do tại sao đức Phật nói
trong bản kinh này là hãy nắm lấy danh hiệu của đức Phật A-di-đà, nắm lấy viên
kim cương tâm linh chứ không nắm lấy viên kẹo sôcôla. Bởi không khéo các hành
giả Phật tử cũng giống như các tín đồ của Nhất thần giáo chỉ biết nắm lấy viên
sôcôla phước báu mà trên thực tế hạnh phúc, thiện căn, phước báu, duyên lành
không gieo trồng thì vĩnh viễn không thể nào có được. Cứ ứng dụng mộng tưởng và
cuối cùng tạo ra trạng thái khổ đau như đức Phật từng nói là “cầu bất đắc khổ”.
VIÊN KIM CƯƠNG TÂM LINH
Bản kinh A-di-đà nêu ba yếu tố quan trọng được
xem là nội dung của tấm visa nhập cảnh vào Tây phương Cực Lạc đó là phước đức,
căn lành, và nhân duyên nhiều. Ba tiêu chí này hành giả không được phép quên và
được xem là yếu tố trợ duyên hành giả vãng sanh về Tây phương. Bên cạnh đó,
niệm Phật nhất tâm bất loạn cũng là một yếu tố quan trọng thuộc về nội dung.
Hành giả trong quá trình tu tập cần phối hợp cả hai điều kiện này mới có được
giá trị của viên kim cương tâm linh thông qua danh hiệu của đức Phật A-di-đà.
Khi sử dụng danh hiệu của đức
Phật A-di-đà trong giao tế, hành giả cần thận trọng và có phương pháp, không
nên sử dụng câu nói “A-di-đà Phật”
như là câu giao tế ngoài cửa miệng, kêu tên đức Phật A-di-đà nhưng lại không
bày tỏ lòng tôn kính đối với Ngài, đồng thời lúc ấy ta cũng đánh mất chánh niệm
tỉnh thức với người đang có mặt trước mình. Hành giả cần thêm một động từ phía
trước để bày tỏ lòng tôn kính đối với Ngài đó là từ “Nam mô”. “Nam mô” là sự đảnh lễ cung kính, thiết lập
trạng thái chánh niệm với đức Phật A-di-đà. Do đó, khi Phật tử gặp và chào nhau
“Nam mô A-di-đà Phật” là cách thiết lập
chánh niệm. Chánh niệm này gợi cho hành giả ý thức về viên kim cương tâm linh
và làm thế nào để cho tiềm năng tuệ giác vô lượng quang, vô lượng thọ không bị
giới hạn trong con người. Giá trị và nội dung của sự chào hỏi giúp tăng thêm
nội lực và mọi động tác đi, đứng, nằm, ngồi đều có mặt trong tỉnh thức, an vui.
Có nhiều người tiết kiệm chữ
nghĩa từ sáu âm tiết “Nam mô A-di-đà Phật” rút gọn lại chỉ còn
hai chữ “Mô Phật”. Ta nên sử
dụng âm thanh nào gợi lên trọn vẹn trạng thái chánh niệm, vì thế nên sử dụng
trọn câu “Nam
mô A-di-đà Phật”, gọn thì: “Nam mô Phật” chứ đừng nói là “Mô Phật”. Hành giả sử dụng danh hiệu
Phật trong giao tiếp nên dùng đủ sáu âm tiết hoặc thì giá trị của chánh niệm sẽ
có mặt.
Bản kinh này nêu thời hạn tu tập
từ một ngày đến bảy ngày. Tâm linh của các hành giả khác nhau, có người thiết
lập được chánh niệm tỉnh thức, nhất tâm bất loạn và loại trừ được trạng thái
điên đảo mộng tưởng trong vòng một ngày. Có người tâm lực yếu hơn nên cần thời
gian nhiều hơn, có thể là hai ngày, ba ngày hoặc bảy ngày. Con số chỉ là thời
gian ước lượng. Thời gian ngắn hay dài tùy từng hành giả thực tập. Hành giả
không nên mong cầu kết quả, chỉ cần có phương pháp chánh niệm nhất tâm bất
loạn, xa lìa mộng tưởng hay ảo tưởng. Gắng sức nhiều quá sẽ tạo ra cưỡng lực
làm cho chánh niệm bị đánh mất. Khi ý thức về thời gian gần hết thường làm cho ta
rơi vào trạng thái cuống quýt. Ví dụ như một sinh viên đang ngồi trong phòng
thi ý thức chỉ còn mười phút nữa phải nộp bài, lúc đó sự tập trung sẽ bị đánh
mất ngay.
Ý thức về tính thời gian sẽ làm
cho thời gian kéo dài ra hoặc rút ngắn lại. Một người tù khi ý thức về thời
gian sẽ làm cho thời gian một ngày bằng nghìn năm ở ngoài. Đối với người đang
mong gặp mặt người thân thì sự mong chờ làm cho thời gian có vẻ kéo dài ra. Khi
hành giả buông hết ý niệm về thời gian sẽ cảm thấy thời gian có vẻ ngắn hơn. Ý
thức về tính thời gian sẽ làm cho thời gian trở nên co giãn, loạn tưởng hay
mộng tưởng sẽ len lỏi vào tiến trình chánh niệm.
Khi niệm Phật thì không nên dựa
vào công cứ, đặt tiêu chí niệm Phật một ngày phải là một trăm xâu chuổi một
trăm lẻ tám hạt. Niệm Phật thiếu phương pháp thì công cứ sẽ làm ta lệ thuộc vào
thời gian, tâm bị bức xúc, căng thẳng; khi ấy trạng thái chánh niệm tỉnh thức
sẽ biến mất. Hành giả niệm Phật đừng bận tâm về số lượng nhiều hay ít. Quan
trọng là làm sao chánh niệm, nhất tâm và bất loạn cùng có mặt; điên đảo mộng
tưởng bị xa lìa thì lúc đó tâm hành giả mới đạt đến trạng thái vô ưu. Khi có vô
ưu thì Tịnh độ sẽ có mặt.
VƯỢT QUA HÌNH ẢNH TRƯỚC CỬA TỬ
Trong tiến trình niệm Phật chắc
chắn sẽ có nhiều nghịch cảnh, và đặc biệt đối với các hành giả đang có nhu cầu
sanh về thế giới Tịnh độ của đức Phật A-di-đà. Các biến tướng của dòng cảm xúc
được xuất hiện như một bộ phim phức tạp. Dòng cảm xúc và nhận thức của con
người chính là đạo diễn, là diễn viên, là người dựng phim, là người đối thoại
và cũng chính là kịch tính; nên chúng xuất hiện trong ta dưới hình thức độc
thoại. Sự độc thoại này chịu ảnh hưởng bởi đời sống sinh hoạt hàng ngày. Nếu
hành giả là một giáo viên dạy môn toán thì trạng thái mộng tưởng (thiếu nhiếp
tâm về danh hiệu đức Phật A-di-đà) sẽ làm cho người này chỉ nhớ toàn là những
công thức toán học, định lý, hình học không gian; do vậy yếu tố chánh niệm tỉnh
thức bị biến mất. Hành giả cần ý thức chánh niệm trong tu tập, bằng không, dòng
cảm xúc, thói quen can thiệp vào tiến trình tái sanh về cảnh giới an lành của
chư Phật.
Hình ảnh trước cửa tử thường
xuất hiện trong tâm trạng con người khi họ đối diện trước hai ngưỡng cửa sanh
và tử, Ta bà và Tịnh độ. Khi ấy người qua đời có nhiều sự mong đợi và lo âu.
Hành giả trong trạng thái đang chuẩn bị rời khỏi xác thân ngũ uẩn mà thiếu
trạng thái nhất niệm sẽ trở nên lo lắng, bồn chồn. Lúc đó tiến trình sự tu tập
có thể bị ảnh hưởng khá nhiều. Hình ảnh diễn ra trước cửa tử có thể đa dạng,
tùy theo chức nghiệp, cảm xúc, cá tính và phong tục tập quán mà người đó đã
sinh ra và lớn lên. Nhiều người khi đối diện trước hình ảnh cửa tử thường có
trạng thái hoảng hốt hoặc hôn mê, nhất là ở người có chứng bệnh ung thư. Khi
ấy, dòng cảm xúc bị ách tắc và nhận thức bị dừng lại ở thời điểm trước khi cơn
hôn mê xuất hiện. Vì thế, hành giả cần duy trì chánh niệm để khi hôn mê diễn
ra, trạng thái chánh niệm vẫn được giữ trong thần kinh; lúc đó chánh niệm tỉnh
thức vẫn tiếp tục có mặt, đang tác động đến tiến trình tái sanh. Sự thiếu chánh
niệm trước lúc chết, sẽ tạo ra bế tắc trong tiến trình tái sanh.
Đối với người bệnh có thể bị hôn
mê thì nên ý thức không để tâm bị loạn động, không để cho nỗi sợ hãi hay dòng
cảm xúc khống chế. Muốn được như thế, hành giả cần chuẩn bị thái độ đối diện
với cái vô vị của tuổi già, và cái vô vị của sự từ bỏ tất cả. Khi đối diện với
thái độ hoan hỷ và chấp nhận nó thì dòng cảm xúc hoảng hốt sẽ không có mặt.
Tuổi già thường rơi vào trạng thái chán nản, vô vị. Tâm lý của người già thường
bám víu vào sự nghiệp mà họ đã tạo dựng suốt cả cuộc đời. Đến khi con cái hay
thế hệ trẻ thay thế thì họ lại không muốn thừa nhận, cho rằng chúng chưa đủ
năng lực để tiếp nối sự nghiệp mà họ đã tạo dựng và cống hiến. Trạng thái ôm
lấy trách nhiệm tạo ra giá trị thặng dư làm cho tâm hành giả rơi vào trạng thái
mộng tưởng, loạn tưởng và không thể an tĩnh trong thiền định, do đó hành giả
không thể có mặt ở Tây phương Cực Lạc được.
Hành giả cần đối chọi với cái vô
vị bằng tâm buông xả. Khi tâm hoan hỷ và thảnh thơi thì hình ảnh loạn tưởng sẽ
không còn tác động, bên cạnh đó, trạng thái hôn mê và hoảng hốt của dòng cảm
xúc cũng không thể có mặt. Muốn buông xả được, hành giả cần để trạng thái tâm
không bị hình ảnh thế tục chen và thay thế vào. Ta có thể vận dụng hình ảnh của
đức Phật thay thế vào trong trạng thái đang đối chọi với cái chết. Tâm thức của
hành giả nên bám vào danh hiệu đức Phật A-di-đà, nương vào hình ảnh đức Phật và
cảnh giới Tịnh độ để thiết lập chánh niệm. Sự thay thế này được gọi là sự thay
thế Thánh, sự thay thế tích cực và sự thay thế có giá trị tâm linh. Hành giả
nên chọn lấy viên kim cương tuệ giác và bỏ đi viên kẹo Sôcôla tín ngưỡng, bởi
viên kẹo ấy chẳng mang lại giá trị nhiều trong đời sống tu tập và tiến trình
tái sanh của con người.
Hình ảnh thứ nhất, sự bay bổng,
có thể xuất hiện trước cửa tử nếu người sắp chết sanh về cảnh giới trời, sẽ có
cảm giác lâng lâng, bay bỗng nhẹ nhàng. Người ở cõi trời có khả năng khinh thân
trong vận chuyển đây đó. Sự di động của chư Thiên có khi được mô tả là sự bay
với tốc độ nhanh như phi thuyền hay máy bay trên địa cầu của ta. Liên tưởng này
làm hành giả hình dung ra bộ phim tạo cảm giác giúp con người nhẹ nhàng, lâng
lâng và bay bỗng. Nếu bám vào hình ảnh này thì chánh niệm tỉnh thức bị cắt đứt,
loạn tưởng được thiết lập, danh hiệu và cảnh giới của đức Phật A-di-đà bị chấm
dứt. Lưu ý quan trọng là các hành giả không nên bám víu vào những hình ảnh
trước cửa tử thì chánh niệm mới có mặt.
Hình ảnh thứ hai, là trạng thái
hân hoan, vui vẻ. Nếu phước lực của người sắp chết ít và chưa từng có nguyện
vọng sanh về cảnh giới của đức Phật A-di-đà thì trạng thái hân hoan, vui vẻ đó
có thể là hiểu là tái sanh vào cõi người. Khi ấy, hành giả cần vượt qua ý niệm
đó để sự loạn tưởng không chen vào trạng thái nhất tâm bất loạn đặt trên danh
hiệu đức Phật A-di-đà đang được hành giả giữ lấy và hành trì.
Hình ảnh thứ ba có thể là trạng
thái nóng bức, bực bội hay bồn chồn không yên. Sự không yên này được biểu hiện
qua cách cựa quậy của thân trên giường bệnh (đối với người có chứng bệnh thần
kinh toạ, đau nhức xương khớp, tai biến mạch máu não, bán thân bất toại). Dòng
cảm xúc và ý niệm muốn cử động luôn được xuất hiện trong tâm của hành giả. Nếu
không khéo, trạng thái này sẽ cắt đứt dòng chảy nhất tâm bất loạn. Do đó, hành
giả cần buông hết tất cả những ý niệm về nó để giữ lấy danh hiệu của đức Phật
A-di-đà, bớt đi trạng thái căng thẳng, nhờ đó thần thức nhẹ nhàng từ bỏ xác
thân để trở về cảnh giới an lành của chư Phật.
Một số hình ảnh khác nguy hại
hơn nếu người sắp chết làm nghề đồ tể. Người đồ tể đã gây quá nhiều nợ máu, ân
oán giang hồ với các loài động vật, hình ảnh trước cửa tử khi ấy không gì khác
hơn là tiếng kêu la thất thanh đến đòi mạng, những hình ghê rợn của quỷ dữ đòi
trả thù… Lúc đó, hành giả cần nhanh chóng chuyển tâm hướng về danh hiệu đức
Phật A-di-đà với tất cả lòng từ bi và mong rằng từ trường của lòng từ bi này
phủ trùm lên các âm thanh, hình ảnh ghê rợn trong tâm. Chính sự giao thoa, từ
trường của lòng từ bi sẽ khắc chế và chinh phục được oan khiên oán trái giữa ta
và chúng sanh ở nhiều đời trong quá khứ hoặc trong hiện tại. Lúc đó, trạng thái
nhất tâm bất loạn mới tiếp tục được duy trì và kéo dài.
Trong tiến trình tái sanh, hành
giả chỉ chuyên nhất vào danh hiệu đức Phật A-di-đà, không nên để bất kỳ hình
ảnh nào trước cửa tử can thiệp, ảnh hưởng và chi phối. Lòng từ bi của chư Phật
được xem hộ chiếu giúp ta có thể xuất cảnh ra khỏi thế giới Ta bà. Yếu tố nhất
tâm bất loạn, xa lìa điên đảo mộng tưởng chính là visa cho phép ta nhập cảnh
Cực Lạc. Nếu đơn thuần chỉ có hộ chiếu, ta vẫn không được phép nhập cảnh Tây
phương, do vậy, ta vẫn bị đẩy về lại cõi Ta bà vì chưa đủ điều kiện nhập cư.
VISA NHẬP CẢNH CÕI TỊNH ĐỘ
Kinh A-di-đà dạy các hành giả tiến trình quán niệm tu tập, nhờ
đó chánh niệm tỉnh thức được có mặt thông qua danh hiệu đức Phật A-di-đà. Khi
chánh niệm tỉnh thức có mặt thì khổ đau sẽ tan biến và đồng thời hạnh phúc cũng
sẽ có mặt. Ý thức về điều này, hành giả cần vận dụng tu tập nỗ lực của bản thân
thật nhiều thì chư Phật sẽ giúp đỡ, nếu ta có nhu cầu vãng sanh về cảnh giới an
lành của các Ngài. Pháp môn Tịnh độ có khá nhiều lời nhắn nhủ, giúp hành giả
được nhất tâm, như hai câu sau đây:
“Ái không nặng, không sanh Ta
bà; Niệm không thiết, không sanh Tịnh Độ”
Câu đối này đối lập về nội dung
giữa một bên là bản chất Ta bà với đời sống tính dục, cảm xúc nhận thức đặt
trên nền tảng của phóng tâm, truy tìm, hưởng thụ và dẫn đến tiến trình sở hữu
hoá, làm tăng trưởng bản ngã sở hữu; và một bên thuộc về cảnh giới an lạc, vô
ưu, vô sầu, vô não, thảnh thơi, vững chải, không còn bất cứ một sự ràng buộc
câu thúc nào. Nó đòi hỏi sự chí thiết, chí thành, để thiết lập sự bất loạn
trong hành giả. Yếu tố chí thiết về pháp môn và danh hiệu sẽ giúp ta giải phóng
tất cả hình ảnh trước cửa tử, không cho nó can thiệp vô tình hay cố ý trong
tiến trình cái chết, từ bỏ xác thân vĩnh viễn.
Các hành giả không tu tập pháp
môn Tịnh độ và không có nguyện vọng sanh về cõi Tịnh độ thì dòng nghiệp lực sẽ
đi theo họ như người bạn đường, như hình với bóng không thể rời nhau. Đối với
các hành giả tu tập pháp môn Tịnh độ thì dù nghiệp sẽ đi theo, nhưng cái chính
cần theo là chánh niệm tỉnh thức, hoặc sự nhất tâm về đức Phật A-di-đà. Hành
giả Tịnh độ nên mang theo bấy nhiêu hành lý mà thôi. Ai tiếc nuối, mang theo
cái nhà vừa mới xây, cái ti vi vừa mới mua, tình cảm đẹp của một người vừa gặp
thì khó có thể về Tây phương Cực Lạc. Khi ấy hành giả sẽ về với nhân quả nghiệp
báu trong tiến trình của sanh tử luân hồi.
Hành giả cần làm thế nào để hình
ảnh đức Phật luôn xuất hiện trong tâm mà không cần phải cố gắng tạo ra ảo tưởng
về đức Phật. Hãy thiết lập chánh niệm để Phật đang có mặt trong cuộc đời, trong
nhận thức, trong cảm xúc, trong hành động. Hình ảnh Phật trong tâm hành giả
không phải là mộng tưởng mà là chánh niệm trong hiện tại. Khi ấy, hành giả sẽ
sống với đức Phật A-di-đà Vô Lượng Quang, vô lượng trí tuệ một cách vững chãi,
nhờ đó, tiến trình tái sanh sẽ diễn ra chắc chắn và an toàn.
Trên con đường hành trì, hành
giả cần duy trì trạng thái nhất tâm bất loạn một cách lâu dài. Khi đối diện,
với sinh hoạt hằng ngày thì trạng thái này vẫn tiếp tục được thiết lập. Ta đừng
nên nghĩ rằng chỉ khi nào có mặt tại khoá tu mới thiết lập chánh niệm về danh
hiệu của đức Phật, còn khi trở về nhà thì bỏ quên. Một số hành giả đã sai lầm
cho rằng khi lo công việc làm ăn nhiều thì việc niệm Phật sẽ mất sự tập trung.
Tôi có thể cam đoan rằng nếu ta thiết lập chánh niệm ở danh hiệu đức Phật
A-di-đà thì trong công việc làm ăn, ta sẽ tránh được các rủi ro về tai nạn lao
động, tránh được sự non kém về chất lượng do thiếu sự đầu tư và tập trung.
Chánh niệm và tỉnh thức sẽ làm
cho tâm ta sáng suốt hơn, năng lực lớn hơn và kết quả của công việc sẽ hiệu quả
hơn. Thực hiện như thế là ta thiết lập được Tịnh độ ở trong tâm, trong gia
đình, trong công sở và trong mọi sinh hoạt. Các yếu tố này chính là tấm visa
giúp hành giả có thể tái sanh về cảnh giới an lành của đức Phật A-di-đà và
không sợ bị đẩy về thế giới Ta bà.
Chùa
Long Thành, 31-5-2005