Đới chất, hữu phú, thông tình bản
(Thức thứ bảy duyên với đới chất cảnh, tương ưng với hữu phú vô ký tánh, tư thông cả ý thức và bản thức)
Câu tụng này nói về thức thứ bảy. Trong 3 tánh: thiện, ác và vô ký, thức thứ bảy chỉ tương ưng với vô ký tánh (trung tánh). Trong 4 tánh: thiện, ác, hữu phú vô ký (trung tánh mà có ô nhiễm) và vô phú vô ký (trung tánh mà không ô nhiễm), thức thứ bảy tương ưng với hữu phú vô ký tánh. Trong 3 cảnh, thức thứ bảy chỉ duyên với đới chất cảnh, do lấy tâm duyên tâm. Chữ tâm trước là kiến phần. Chữ tâm sau là bản chất. (Đó là thức thứ bảy lấy kiến phần của mình duyên qua kiến phần của thức thứ tám, nên ở giữa 2 thức này sanh ra 1 tướng phần, gọi là chân đới chất cảnh.) Tướng phần đó mang (đới) bản chất (= tánh chất của căn bản thức) mà sanh khởi, gọi là đới chất. Nói khác là, tướng phần đó mang kiến phần của thức thứ tám mà sanh khởi. Vì sao chẳng nói là mang (đới) tình cảnh (cảnh của ý thức)? Vì tình cảnh thì tràn ngập trong độc ảnh cảnh (của ý thức), nên không đề cập đến trong thức thứ bảy.
Tùy duyên [54] chấp ngã, lượng vi phi
(Thức thứ bảy do thức A lại da sanh ra, rồi trở lại duyên thức A lại da chấp làm tự ngã. Trong 3 lượng, thức này thuộc về phi lượng)
Thức thứ bảy theo sát thức thứ tám, lấy kiến phần của thức thứ tám làm đối tượng chấp ngã. Chấp có nghĩa là ôm ấp, vướng mắc. Thức thứ bảy đầy đủ câu sanh ngã chấp và pháp chấp, cùng nhau nhậm vận sanh khởi. Thức thứ bảy không có ranh giới để phân biệt cái nào là ngã chấp, cái nào là pháp chấp. Vì sao? Vì sự sanh khởi về mặt tư duy, so lường của thức thứ bảy không được mạnh vậy. Trong 3 lượng, thức này thuộc về phi lượng. Hình thái nhận thức của thức này là biết sai lầm về ngã, là luôn có ý thức tự ngã, cho nên gọi là phi lượng.
Bát đại, biến hành, biệt cảnh tuệ
Tham, si, ngã kiến, mạn tương tùy
(Thức thứ bảy tương ưng với 8 phiền não đại tùy, 5 tâm sở biến hành, 1 tâm sở tuệ trong biệt cảnh và 4 phiền não căn bản là: tham, si, mạn và ngã kiến)
Hai câu tụng trên nói về các món tâm sở của thức thứ bảy. Thức này khi duyên cảnh thì thích ứng với 8 món đại tùy phiền não (trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, phóng dật, thất niệm, tán loạn và bất chánh tri), với 5 món biến hành (tác ý, xúc, thọ, tưởng và tư), với tâm sở tuệ trong 5 món biệt cảnh (dục, thắng giải, niệm, định và tuệ) và với 4 món phiền não căn bản (tham, si, mạn và ngã kiến).
Ngoài 18 món tâm sở vừa nêu, các tâm sở khác vì sao không tương ưng với thức thứ bảy?
Dục là tâm mong cầu những việc chưa thành, chưa vừa ý. Thức này chỉ nhậm vận (= không cần tác ý) vin theo cảnh đã thành, vừa ý, không có tâm mong cầu gì nữa, vì vậy thức này không có tâm sở dục.
Thắng giải là ghi nhận và gìn giữ những cảnh (trong lúc) chưa đi đến sự quyết định. Thức này từ vô thỉ luôn vin theo cảnh đã quyết định và chỉ trải qua sự ghi nhận và gìn giữ như thế, vì vậy thức này không có thắng giải.
Niệm là nhớ lại những sự việc từng huân tập. Thức này luôn duyên theo cảnh hiện tại đang tiếp nhận, không có sự nhớ lại (cảnh quá khứ), vì vậy thức này không có niệm.
Định là buộc tâm chuyên chú vào một đối tượng. Thức này trong từng sát na nhậm vận vin theo những đối tượng khác nhau, không có sự chuyên nhất (vào một đối tượng nào cả), vì vậy thức này không có định.
Tâm sở tuệ cũng tức là ngã kiến (= cái thấy theo ý thức tự ngã). Từ ngã kiến mà triển khai ra 51 món tâm sở khác nhau. Ý thức tự ngã (ngã kiến) của thức này cần tâm sở tuệ làm duyên tố quyết định cho cái ý thức lấy A lại da làm tự ngã.
Các thiện tâm sở (11 món) là đứng về mặt thanh tịnh mà nói, nên thức này không thích ứng.
Căn bản phiền não và tùy phiền não bao gồm 26 món, nói tổng quát thì đều thích ứng với ngã kiến. Tuy nhiên, đi sâu chi tiết thì thấy thức thứ bảy: vì thẩm sát quyết định chấp (A lại da làm) ngã nên không cần khởi tâm sở nghi; vì thẩm sát luyến ái nơi ngã (ngã ái) nên chẳng sanh tâm sở sân. Nói tóm, thức thứ bảy chỉ thích ứng với 4 món phiền não là: tham, si, mạn và ngã kiến. Hành tướng của 10 món tiểu tùy phiền não như phẫn, hận, phú, não v.v… thì thô động, còn hành tướng của thức này lại thâm tế, cho nên không có sự thích ứng với nhau. Hai món trung tùy (vô tàm, vô qúi) thuộc về bất thiện, còn thức thứ bảy thuộc về vô ký tánh, cho nên cũng không có sự thích ứng với nhau.
Có thuyết cho rằng, thức này không tương ưng với đại tùy phiền não. Nếu không có tâm sở hôn trầm thì thức này phải không chắc có tánh không kham nhậm (không thể gánh vác được việc gì cả), (nhưng sự thật thì thức này có tánh ấy). Nếu không có tâm sở trạo cử thì thức này phải không có tánh náo động, và như vậy thì thức này hẳn phải mang tánh chất như các tâm sở thiện, nghĩa là chẳng phải ở cương vị nhiễm ô. Đã như (cho rằng thức này là) tâm nhiễm ô mà không có tâm sở tán loạn, thì (thức này) phải không có tánh rong ruỗi, nên (thức này) chẳng phải là tâm thức nhiễm ô. Nếu không có thất niệm, bất chánh tri, thì thức này làm sao có khả năng sanh khởi phiền não hiện tiền? Như vậy, thức thứ bảy, còn gọi là ý ô nhiễm [55], nhất định cùng tương ưng với 8 món đại tùy phiền não mà sanh khởi (hoạt dụng ý thức tự ngã).
Nói về 4 món tâm sở bất định. Ố tác là ăn năn việc làm đã qua, còn thức này thì nhậm vận (tự động, không cần tác ý) luôn vin theo cảnh hiện tại, không phải việc đã qua, nên không thích ứng với tâm sở hối. Thụy miên là dựa vào tình trạng thân nặng nề, tâm mê muội, và có khi tạm sanh khởi được là nhờ sự giúp sức của các duyên bên ngoài, còn thức này từ vô thỉ chỉ chấp ngã bên trong không nhờ các duyên bên ngoài, nên không thích ứng với tâm sở thụy miên. Tầm và tứ đều hướng vào đối tượng bên ngoài mà chuyển vận: tư duy có cạn sâu, chuyển động có thô tế. Thức thứ bảy này chỉ hướng vào đối tượng bên trong mà chuyển vận, ý thức A lại da làm tự ngã, nên không thích ứng với tâm sở tầm và tứ.
Hằng thẩm tư lương ngã tướng tùy
(Thức thứ bảy thường xuyên tự ý thức về tự ngã)
Thức thứ bảy thường xuyên suy xét, nghĩ tưởng, so đo, chấp kiến phần của thức thứ tám làm tự ngã, cho nên nói hằng thẩm tư lương ngã tướng tùy. Ý thức tự ngã (thẩm) ở trong tám thức tâm vương được đối chiếu theo tánh chất thường hằng (liên tục tiếp nối không gián đoạn) qua tứ cú phân biệt sau đây:
1. Hằng mà không thẩm: Thức thứ tám không có chấp ngã, (vì A lại da chính là tự ngã hằng chuyển) không gián đoạn (mà chúng sanh tự ý thức chấp lấy).
2. Thẩm mà không hằng: Thức thứ sáu lấy sự chấp ngã của thức thứ bảy làm chỗ dựa, nhưng có lúc gián đoạn.
3. Vừa hằng vừa thẩm: Thức thứ bảy chấp A lại da làm tự ngã, không có lúc nào mà không chấp.
4. Không hằng không thẩm: Năm thức trước không có chấp ngã, (nên vấn đề thường xuyên chấp ngã không đặt ra).
Ngài Hộ Pháp bồ tát nói:
Ngũ, bát vô pháp diệc vô nhân
Lục, thất nhị thức thậm quân bình
(Năm thức trước và thức thứ tám không có chấp pháp và chấp ngã. Thức thứ sáu và thức thứ bảy rất bằng nhau: một bên chấp pháp, một bên chấp ngã)
Hữu tình nhật dạ trấn hôn mê
(Chúng sanh hữu tình ngày đêm bị che lấp hôn mê bởi sự chấp ngã của thức thứ bảy)
Hữu tình lưu chuyển trong đêm dài sanh tử mà chẳng tự thức tỉnh là do luôn có cái ý thức tự ngã của thức thứ bảy. Thức này thích ứng và cùng sanh khởi với 4 món phiền não căn bản và 8 món phiền não đại tùy.
Tứ hoặc, bát đại tương ưng khởi
(Bốn phiền não căn bản và 8 phiền não đại tùy tương ưng sanh khởi với thức thứ bảy)
Câu tụng này giải thích ý nghĩa của câu tụng trước. Tứ hoặc, là 4 món phiền não căn bản: ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái. Bát đại, là 8 món phiền não đại tùy: trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, phóng dật, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri. Tứ hoặc và bát đại đều đã được giải thích. Nói chung, phiền não căn bản không phải là y tha khởi tánh, còn phiền não tùy thuộc là y tha khởi tánh.
Lục chuyển hô vi nhiễm tịnh y
(Thức thứ sáu chuyển đổi theo ý thức tự ngã. Chính ý thức tự ngã làm cho tâm thức tạp nhiễm hay chuyển đổi đi mà làm cho tâm thức thanh tịnh. Do đó mà ý (ô nhiễm) được gọi là nhiễm tịnh y)
Thức thứ sáu gọi thức thứ bảy là nhiễm tịnh y. Khi thức thứ bảy còn ở địa vị hữu lậu (thế gian), thường xuyên ý thức A lại da làm tự ngã nên thức thứ sáu theo đó mỗi niệm mà thành nhiễm ô (= phàm phu). Khi thức thứ bảy đạt đến địa vị vô lậu (xuất thế gian), thường xuyên ngộ nhập vô ngã nên thức thứ sáu theo đó mỗi niệm mà thành thanh tịnh (= thánh giả). Như vậy, thức thứ sáu thành nhiễm ô hay thanh tịnh đều do thức thứ bảy cả.
Cực hỷ sơ tâm bình đẳng tánh
(Ở sơ tâm của Cực hỷ địa, thức thứ bảy đang chuyển thành bình đẳng tánh trí)
Ở địa thứ nhất gọi là Cực hỷ, sơ tâm của thức thứ bảy chuyển thành vô lậu. Bấy giờ thức này tương ưng với (đặc tánh của một trong tứ trí) tâm phẩm, đang trong giai đoạn chuyển đổi thành trí, và thức thứ sáu cũng chuyển thành vô lậu, do thức thứ sáu đi vào chỉ quán về ngã không (sanh không) và pháp không. Sự đi vào chỉ quán về ngã không của thức thứ sáu đã làm chướng ngại cái chấp tự ngã của thức thứ bảy không cho sanh khởi, tuy nhiên, (chủng tử) pháp chấp của thức thứ bảy vẫn còn, cho nên luận nói rằng: Đơn chấp Mạt na cư chủng vị/ Bình đẳng tánh trí bất hiện tiền (Chủng tử pháp chấp của Mạt na vẫn còn thì Bình đẳng tánh trí chưa hiện tiền). Khi thức thứ sáu đi vào chỉ quán về ngã không và pháp không thì chướng ngại cho thức thứ bảy sanh khởi chủng tử ngã chấp và pháp chấp, cho nên luận nói rằng: Song chấp Mạt na qui chủng vị/ Bình đẳng tánh trí phương hiện tiền (Chủng tử ngã chấp và pháp chấp không còn thì Bình đẳng tánh trí mới hiện tiền).
Thức thứ bảy không có năng lực đoạn hoặc và đoạn chấp, toàn nhờ thức thứ sáu đoạn dùm cho. Vì vậy có câu tụng:
Phân biệt nhị chướng Cực hỷ vô
Lục thất câu sanh địa địa trừ
Đệ thất tu đạo trừ chủng hiện
Kim cang đạo hậu tổng giai vô.
(Ở địa vị Cực hỷ thì có hai chướng phân biệt (ngã chấp và pháp chấp) bị đối trị bởi sự chỉ quán của thức thứ sáu cho đến không còn. Tuy nhiên, câu sanh ngã chấp và pháp chấp của thức thứ bảy phải nhờ thức thứ sáu (đã vô lậu) đoạn trừ từ từ, trải qua các địa. Đến địa vị tu đạo, tức từ Bất động địa trở lên thì thức thứ bảy mới trừ được chủng tử và hiện hành của ngã chấp. Khi chứng Kim cang đạo thì thức này chuyển thành trí, câu sanh pháp chấp bấy giờ không còn nữa).
Nói tóm, thức thứ bảy thành được vô lậu toàn là nhờ thức thứ sáu tu chỉ quán để đối trị sự chướng ngại của hoặc tạp nhiễm (= ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái) và chứng được sự thanh tịnh của ý lạc tăng thượng [56].
Vô công dụng hạnh ngã hằng tồi
(Đến địa thứ tám, địa mà đã được vô công dụng hạnh, thì ngã chấp của thức thứ bảy mới được phá trừ)
Từ địa thứ tám trở về trước, thức thứ bảy vẫn còn chấp pháp, nhưng chấp ngã đã có lúc gián đoạn. Đó là do thứ thứ sáu không thường xuyên an trú nơi chỉ quán về ngã không và pháp không. Đến địa thứ tám, gọi là Bất động địa, (vì đã được vô công dụng đối với vô tướng và trong các tướng thì không còn bị phiền não hiện hành làm xao động), thì chủng tử ngã chấp của thức thứ bảy mới bị đoạn trừ, nhưng chủng tử pháp chấp vẫn còn sanh khởi có gián đoạn. Đó là do thức thứ sáu thường an trú nơi chỉ quán về ngã không. Vì sao chẳng đoạn được chủng tử pháp chấp? Vì chủng tử pháp chấp không làm chướng ngại nhân tố (và duyên tố nội tại mà các pháp sanh, các pháp thành, các pháp sanh thành rồi tác dụng), là luôn thích ứng với triền mien [57], nhậm vận [58] sanh khởi, thể (của nó vô tướng rất) vi tế, tánh hữu phú (nên ô nhiễm) vậy.
Như lai hiện khởi tha thọ dụng
Thập địa bồ tát sở bị cơ
(Khi thức thứ bảy chuyển thành
Bình đẳng tánh trí thì có
năng lực hóa hiện tha thọ dụng thân, như
đức Như lai hóa hiện tha thọ dụng thân để
giáo hóa cho các hàng
bồ tát Thập địa)
Khi thức thứ bảy
trở thành vô lậu thì
tương ưng với
Bình đẳng tánh trí. Ở
quả vị Phật,
Bình đẳng tánh trí có
năng lực hóa hiện ra 10 loại thân tha
thọ dụng. tức
năng lực giáo hóa của Phật, và đối tượng được
giáo hóa ở đây là
bồ tát thập địa.
Bình đẳng tánh trí có
năng lực hiện khởi
tha thọ dụng thân là
dựa vào nghĩa
thù thắng (so với 3 trí kia) mà nói như vậy, kỳ thật bốn trí đều có
năng lực hiện khởi
tha thọ dụng thân.