Thể loại sách khác
Chết An Bình Tái Sinh Hạnh Phúc
Tulku Thondup
24/02/2555 10:43 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Cái Nhìn Thoáng Qua Của Tánh Quang Minh

Nó là nền tảng của tâm, trí tuệ của an bình tối thượng của tâm.*và tánh sang[1]

Chúng ta phải chuẩn bị để nhận ra nó vào lúc chết khi thấy nó không che đậy.

Thậm chí nếu không thể duy trì nó, chỉ cần nhớ tính quang minh

Sẽ giảm được nhiều đau khổ và rối loạn.

Sau khi chúng ta ngừng thở, thật tánh của tâm xuất hiện và chúng ta đi qua cái được gọi là lộ trình của bản tánh tối thượng. Lộ trình này (Tạng, chonyi, Ch’os Nyid) giới thiệu một số cơ hội quan trọng để đạt giải thoát, nhưng để nhận ra cơ hội này, chúng ta cần rèn luyện thiền định mật truyền nâng cao như thực hành Dzogpa Chenpo (Dzogchen) của Đạo Phật Tây Tạng. Do đó những kinh nghiệm được mô tả trong chương này có thể chỉ cho những thiền giả đã thành tựu cao. Trái lại, người thường rơi vào hôn mê (vô ý thức) qua giai đoạn của lộ trình bản tánh tối thượng và sau đó thức dậy với những cảm xúc và khái niệm thô nặng. Người đọc nếu thấy quá phức tạp có thể sang chương 4.

KINH NGHIỆM BẢN TÁNH TỐI THƯỢNG VÀO LÚC CHẾT

Với những thiền giả đã thành tựu, lộ trình của bản tánh tối thượng bắt đầu khi tánh quang minh nền, thật tánh của tâm xuất hiện như nó là. Nó kết thúc với sự hóa tán của cái thấy hiện diện tự nhiên. Trong một số truyền thống như Ngài Tsele giải thích tánh quang minh của nền tảng được xem là bộ phận của lộ trình cận tử[2]. Nhưng trong Dzogchen, chính nó được xem như một lộ trình. Tôi đi theo truyền thống sau trong sách này.

Theo Phật giáo mật tông, mọi người đều có Phật-tánh hay sự giác ngộ trong thật tánh của họ. Do vậy, khi mọi cảm xúc và khái niệm tan hòa vào sự thanh tịnh bổn nguyên vào lúc chết, tánh quang minh của trí tuệ bẩm sinh chiếu ra cho mọi người. Thậm chí tâm của côn trùng nhỏ bé nhất cũng sẽ kinh nghiệm, tối thiểu trong một phần giây, tánh giác bẩm sinh của nó, tánh quang minh, và sự hiện diện tự nhiên của chính nó, cái thấy quang minh.

Nếu là những thiền giả có nhận thức cao về bản tánh tối thượng của tâm, và nếu sắp đạt giác ngộ, chúng ta có thể nhận ra và duy trì bản tánh tối thượng và cái thấy của nó như nó là, vào bất kỳ giai đoạn nào của thời gian này. Chẳng hạn, khi thật tánh khởi lên, nếu chúng ta có thể nhận biết nó và hoàn thiện hay duy trì nhận biết này, chúng ta sẽ giải thoát và đạt giác ngộ ngay sau đó. Cũng áp dụng tương tự với sự xuất hiện của cái thấy quang minh theo sau đó – như ánh sáng, âm thanh, thân tướng của các bậc hiền minh hay phẫn nộ, và những hạnh phúc hay đau khổ của thế gian. Nếu có thể thấy chúng như cái thấy tự-hiện xuất hiện tự nhiên từ tánh quang minh, và nếu có thể duy trì nhận thức đó, chúng ta sẽ đạt giác ngộ. Vào bất kỳ giai đoạn nào, nếu nhận ra chân lý và duy trì nhận biết đó, chúng ta đều đạt giác ngộ, và do vậy không cần du hành bất kỳ nơi nào xa hơn qua bardo.

Tuy nhiên, nếu có rất ít hay không có kinh nghiệm thiền quán, khi thật tánh xuất hiện chúng ta thậm chí có thể không nhận ra, như thể nó quá xa lạ, thoáng qua hay vô hình với mình. Hoặc, nếu thật sự nhận ra nó, thì chúng ta có thể kinh nghiệm nó nhưng chỉ trong giây lát ngắn nhất. Do vậy, bản tánh tối thượng lóe sáng mà chúng ta không nhận ra, vì phần lớn chúng ta chìm sâu vào vô thức. Khi có lại ý thức, chúng ta bắt đầu kinh nghiệm mọi loại hình tướng, âm thanh, cảm giác – một số quyến rũ và đẹp đẽ, số khác thì khủng khiếp và xấu xa. Nếu không rèn luyện trong thiền định, chúng ta sẽ bám chấp vào cái thấy chủ thể và đối tượng của mình, thấy chúng như thật và trở nên sợ hãi hay bám luyến. Nếu như vậy, chúng ta sẽ tiếp tục bị trói buộc qua toàn bộ chu trình của bardo, lộ trình chuyển tiếp, và tái sanh như hầu hết chúng ta thường bị.

Với những thiền giả giác ngộ, Phật giáo Tây Tạng giới thiệu chi tiết điển hình những kinh nghiệm và cơ hội mà họ có thể có trong lộ trình của bản tánh tối thượng. Hàng loạt những hình thức đặc biệt của những kinh nghiệm này có thể khác nhau tùy từng người, như những câu chuyện mà các delog mô tả. Ngài Tsele nói rằng đây là vì người ta có bản chất tinh thần, cảm xúc, và thân thể khác nhau. Nhưng nói chung, lộ trình của bản tánh tối thượng có hai giai đoạn chính: (1) tánh quang minh thanh tịnh của nền tảng và (2) cái thấy quang minh hiện diện tự nhiên.

Tánh quang minh của nền tảng có bốn giai đoạn phụ:

1. Hư không tan hòa vào (trở thành một với) tánh sáng. Điều này được gọi là sự tan hòa của “đạt được” (hay sự tối đen) vào “quang minh”. Vào lúc này, hơi thở bên trong của chúng ta hoàn toàn kết thúc, thân và tâm đã tách rời và tánh giác của chúng ta như một tia lửa bắn vào không gian. Ý thức chúng ta kích động thân thể. Vào lúc đó, chúng ta kinh nghiệm tánh quang minh của nền tảng. Đây là quang minh của pháp thân. Nó là sự hợp nhất của trong sáng và rộng mở, như bầu trời trong sáng không mây của một buổi sáng đầu mùa thu. Ngài Karma Chagme Rinpoche, một vị thầy vĩ đại của thế kỷ mười bảy, nói rằng khi sự tối đen biến mất, thì tánh quang minh của nền tảng xuất hiện. Nếu có thể nhận ra tánh sáng của nền tảng này, như nó là, và có thể duy trì nhận biết đó, chúng ta sẽ đạt được giác ngộ.

2. Quang minh tan hòa vào hợp nhất. Giai đoạn này là sự hợp nhất của rộng mở (tánh Không) và hình tướng. Đây là quang minh của báo thân. Chúng ta sẽ thấy những thân tướng hiện diện tự nhiên của những Bổn Tôn phẫn nộ. Sẽ nghe những âm thanh vang rền như sấm sét của âm thanh tự nhiên. Chúng ta sẽ chứng kiến một cơn mưa vũ khí của tia sáng và ánh sáng. Ánh sáng của những hình tướng quang minh này là năng lực tự nhiên khởi lên trong tánh rộng mở và thanh tịnh của tâm chúng ta. Âm thanh là sự biểu lộ tự nhiên của tâm bản nhiên chúng ta. Tuy nhiên, nếu không nhận ra chúng ta có thể choáng ngất vì sợ hãi những âm thanh và hình tướng đó.

Ngoài ra, toàn bộ vũ trụ có thể xuất hiện như một thế giới đầy ánh sáng rực rỡ, với những hình ảnh trong sáng đẹp đẽ của những Bổn Tôn hiền minh trong vô số vòng tròn ánh sáng ngũ sắc. Những chuỗi ánh sáng với vô số tia sáng chiếu ra từ tim chúng ta và gặp gỡ trái tim của Bổn Tôn. Sau đó tất cả Bổn Tôn hòa nhập vào chúng ta, mà trong thực tế, các Ngài là những khía cạnh của tánh giác ngộ chính chúng ta. Chúng ta đạt giác ngộ nhờ nhận ra các Ngài mà không sợ hãi hay bám luyến như bản thân-hình tướng.

3. Hợp nhất tan hòa vào trí tuệ. Từ ngực chúng ta trải ra những con đường như chùm ánh sáng màu xanh dương, trắng, vàng, và đỏ chồng lên nhau. Mỗi con đường như-tia sáng được trang hoàng với một vòng ánh sáng màu sắc tương ứng, được trang hoàng lần*với kích thước của một gương[3] nữa với năm vòng ánh sáng cỡ hạt đậu. Đó là ánh sáng trí tuệ của lãnh vực tối thượng, trí tuệ như-gương, trí tuệ của thanh thản và biện biệt. Trên đó chúng ta sẽ thấy một cái lọng làm bằng ánh sáng ngũ sắc, hay ngũ trí, giống như một lọng bằng lông công.

Vào lúc này, chúng ta có thể đạt được ba giải thoát. Khi chúng ta giải thoát được sự bám chấp vào “bản ngã” của thân, chúng ta an trụ trong tinh túy của bản tánh tối thượng, đó là sự giải thoát của thân vào tánh sáng. Khi chúng ta thoát khỏi những nguyên tố thô và tế, nhận thức của chúng ta được giải thoát như tánh quang minh của đại cực lạc. Khi thoát khỏi cả hai cảm xúc nhiễm ô thô và tế, chúng ta nhận ra bản lai diện mục (khuôn mặt tự nhiên) của giải thoát nhờ hợp nhất với giác tánh nội tại.

4. Trí tuệ tan hòa vào trạng thái của bậc trì thủ trí tuệ hiện diện tự nhiên. Vào giai đoạn này, cái thấy của trí tuệ, bốn con đường như-chùm ánh sáng hợp nhất thành ánh sáng như cái lọng bên trên. Sau đó, những hình ảnh biểu tượng xuất hiện như một phản chiếu trong gương: Chúng ta cảm giác như mình đang thấy những hình tướng của pháp thân, sự thanh tịnh bổn nguyên, được biểu tượng hóa bởi bầu trời trong sáng không mây trong không gian bên trên. Bên dưới đó, chúng ta thấy những cõi tịnh độ của báo thân, sự thành tựu tự nhiên được biểu tượng hóa bằng những hình tướng của Bổn Tôn phẫn nộ và hiền minh. Bên dưới, chúng ta thấy những cõi tịnh độ của hóa thân trong nhiều biểu hiện khác nhau. Ở dưới cùng của tất cả những điều đó, chúng ta thấy thế gian của sáu cõi bất tịnh. Khi tất cả xuất hiện tự nhiên và hiện diện bình đẳng, và khi tất cả xuất hiện trong bản tánh bi mẫn, năng lực toàn giác, đó là vô phân biệt giữa sinh tử và niết bàn. Vào lúc này, chúng ta cũng có thể kinh nghiệm nhiều trí tuệ-chư Phật, như trí tuệ biết trước. Cuối cùng, tất cả cái thấy thành tựu tự nhiên này tan hòa hay hợp nhất vào bản tánh của tự thân tánh giác nội tại, giống như ánh sáng của pha lê tan hòa vào tự thân pha lê.

Vào giai đoạn này, điều quan trọng là sử dụng hai phương tiện trọng yếu của thiền quán. Trước tiên chúng ta phải nhận ra giác tánh nội tại, bản tánh của tâm chúng ta như thể gặp lại người bạn già thân thuộc. Nếu được như vậy, chúng ta sẽ nhận ra được thật tánh của mọi sự. Chúng ta sẽ vượt qua chính khái niệm về “hiện hữu” và “không hiện hữu” và sẽ đạt giải thoát, trạng thái luôn giải thoát.

Trong giai đoạn thứ hai của lộ trình bản tánh tối thượng, cái thấy quang minh hiện diện tự nhiên, chúng ta phải nhận ra cái thấy của nhiều âm thanh và sắc tướng khác nhau như năng lượng hiện diện tự nhiên của tâm giác ngộ chính chúng ta. Sau đó, cái thấy sẽ xuất hiện như ngũ trí hiện diện tự nhiên và những mandala-chư Phật, bất khả phân với tự thân tâm giác ngộ. Nhưng nếu thấy âm thanh, ánh sáng và sắc tướng tách biệt khỏi chính bản tâm, sự bám chấp của chúng ta vào “bản ngã” của cái thấy với những khái niệm nhị nguyên sẽ làm chúng xuất hiện như nhiều hiện tượng khác nhau của những nhận thức thô nặng, cảm xúc phiền não và thế giới của năm nguyên tố thô nặng. Chúng ta bị mệt mỏi vì sợ hãi hay bám luyến vào chúng. Do vậy chúng trở thành nhiên liệu cho vòng luân hồi sinh tử nhiều hơn. Đức Guru Rinpoche khai thị:

Khi giai đoạn của bản tánh tối thượng hé lộ trên con,

Hãy buông bỏ mọi sợ hãi và kinh hoàng,

Con sẽ nhận ra mọi sự xảy ra như sự tự-biểu hiện của tự thân tánh giác nội tại.

Và con sẽ nhận ra chúng chỉ là những biểu hiện của bản tánh tối thượng.

Ngài Jigmed Lingpa khai thị:

Nếu con phân tích trạng thái của bản tánh tối thượng,

Thì có nhiều khía cạnh để phân tích.

Nhưng, thay vào đó, nếu con chỉ phân tích bản thân người phân tích,

Con sẽ tìm thấy chẳng có gì hiện hữu ở bất cứ nơi đâu.

Do vậy cũng giải thoát khái niệm “không hiện hữu”.

Đây là trạng thái thường-giải thoát.

Ngài Longchen Rabjam khai thị:

Qua của giác tánh nội tại,*cách thức xuất hiện bất tận[4]

Đất, nước, lửa, và gió tan hòa vào hư không. 

Sau đó hư không tan hòa vào tánh sáng.

Vào lúc đó, sáu tri giác và nền tảng phổ quát tan hòa vào lãnh vực tối thượng.

Tâm con sẽ tách khỏi thân.

Tánh giác nội tại của con sẽ thoát khỏi hiện tượng.

Thân tối hậu, sự thanh tịnh bổn nguyên vĩ đại, thoát khỏi mọi khái niệm, sẽ xuất hiện.

Vào lúc đó, nếu con có thể nhận ra [trạng thái của] rèn luyện thiền định mà con đang kinh nghiệm,
Thì không có bất kỳ chướng ngại nào, con sẽ trực tiếp giải thoát trong một khoảnh khắc.

Đây là sự đạt được thân tối thượng với hai bậc thanh tịnh.

Tuy nhiên, nếu con không thể nhận ra sự xuất hiện [của thân tối thượng],

Thì sự xuất hiện của cái thấy quang minh, sự xuất hiện của nền tảng phổ quát, sẽ khởi lên.

Không gian sẽ tràn đầy âm thanh, ánh sáng, và tia sáng cũng như với [những thân tướng của]

Bổn Tôn hiền minh và phẫn nộ.

Nếu con có thể nhận ra chúng như sự tự-hiện,

Con sẽ được giải thoát vào trạng thái bổn nguyên, sự đạt được giác ngộ.

Do vậy, điều quan trọng để biết rằng mọi hiện tượng đều là sự tự-hiện [của chính ánh sáng con].
Nhờ nhận ra bản tánh chúng như chúng là, con sẽ đạt được Phật quả.

Ngài Longchen Rabjam viết:

Một hành giả đạt giải thoát trong chính kiếp này

Hòa tan nguyên tố đất vào nước, nước vào lửa, lửa vào gió, gió vào ý thức, và ý thức vào quang minh;

Sau đó hợp nhất với [sự hợp nhất của] trí tuệ và lãnh vực tối thượng,

Hành giả vĩnh viễn an định trong trạng thái bổn nguyên.

Để lợi ích cho người khác, giống như một giấc mộng, với *trí tuệ và hai thân-Phật,[5]

Hành giả sẽ xuất hiện trước chúng sanh như những hoạt động-Phật sự để giúp đỡ họ.

Một người trợ giúp là người giúp chúng ta trong lộ trình qua bản tánh tối thượng, có thể nhắc chúng ta nhớ về thiền định của mình, nếu chúng ta là những thiền giả của giáo lý mật truyền. Ngài Chagme Rinpoche viết:

Bốn phương, chính giữa, trên, và dưới tràn đầy ánh sáng, tia sáng, và những quả cầu ánh sáng.

Bầu trời tràn đầy những tập hội Bổn Tôn hiền minh

Tỏa ra ánh sáng rực rỡ, tráng lệ, huy hoàng.

Từ ngực [của những Bổn Tôn] những con đường của năm trí tuệ

Với ánh sáng và những tia sáng lóe lên chạm vào ngực con.

Cùng với [những ánh sáng] này cũng là những con đường đến sáu cõi luân hồi.

[Cũng trong dạng ánh sáng ngũ sắc] nhưng không tỏa sáng rực rỡ.

Khi con thấy chúng, đừng đi theo [ánh sáng mờ] con đường của sáu cõi.

Hãy đi theo năm con đường ánh sáng [rực rỡ] của trí tuệ.

Hãy cầu nguyện tôn kính đến chư Phật của năm gia đình. [ngũ bộ Phật]

Sau đó, những Bổn Tôn, Dakini, Hộ Pháp của riêng con sẽ đến

Với trang phục của tám mộ địa và chín diễn cảm,

Với âm thanh vang to như sấm của HUNG và PHAT,

Làm rung chuyển toàn bộ thế gian,

Đến để chào đón con vào giai đoạn của lộ trình chuyển tiếp.

Đừng hoảng sợ hay kinh hoàng, mà hãy xem các Ngài như những Bổn Tôn riêng của con.

Các Ngài sẽ dẫn con đến cõi tịnh độ thiên đường.

Sau đó, tập hội những Bổn Tôn phẫn nộ uống-máu

Sẽ đến chào đón con vào giai đoạn của lộ trình chuyển di.

Các Ngài rất kinh khủng và không thể chịu nổi khi nhìn vào,

Gầm vang HUNG và PHAT như hàng ngàn tiếng sấm cùng lúc.

Toàn bộ bầu trời, không gian, và thế gian sẽ tràn đầy những Bổn Tôn phẫn nộ này.

Hét lên Giết, giết và Đánh, đánh, các Ngài phô bày những vũ khí của tia sáng.

Các Ngài sẽ bao quanh con như vây bắt phạm nhân, và con sẽ không có chỗ nào để lẩn tránh.

Tuy vậy, các Ngài chẳng phải đến từ nơi nào khác.

Các Ngài là những tập hội Bổn Tôn của chính thân con.

Đừng sợ hãi hay hoảng hốt các Ngài.

Nhầm lẫn những thế lực chào đón như những kẻ thù mình.

Vào lúc gặp gỡ trọng yếu này,

Đừng chạy trốn mà hãy phát sinh lòng sùng kính đến các Ngài.

Trong cả hai giai đoạn cận tử và sự xuất hiện của bản tánh tối thượng, chúng ta chứng kiến nhiều loại ánh sáng và hiện tượng hình tướng khác nhau. Những người đã giác ngộ thấy và cảm nhận chúng ở một bình diện nhất như, không trong cách thức của khái niệm chủ thể-đối tượng. Họ có thể thấy và kinh nghiệm hàng trăm sự vật cùng lúc, không cần thiết phải thông qua mắt và tai mà với toàn thể mọi sự vật một cách sống động lập tức trước tánh giác của họ. Mọi biểu hiện đều là an bình, hạnh phúc, nhất như, và rộng mở, hoặc họ trong thân tướng hiền minh hoặc phẫn nộ. Không có sự phân biệt thiện chống với ác, không có giới hạn giữa cái này với cái kia, không mâu thuẫn giữa thương hay ghét, không đau khổ hay khích động. Ngược lại, phần lớn người bình thường kinh nghiệm sự vật với giới hạn, nhầm lẫn, đau khổ, và sợ hãi trong lộ trình chết.

Độ dài thời gian mà người bình thường chứng kiến những cái thấy khác nhau của bản tánh tối hậu, hoàn toàn tùy thuộc vào tâm tính và kinh nghiệm thiền định của cá nhân họ. Ngài Tsele viết: “Giải Thoát Nhờ Sự Nghe [đôi khi được gọi là Tạng Thư Sống Chết] và những bản văn khác nói về người sắp chết thấy năm gia đình Phật như Đức Phật A Súc [Akshobya] với quyến thuộc trong đêm đầu tiên [hay tuần đầu tiên sau khi chết] và Phật Bảo Sanh [Ratnasambhava] trong đêm thứ hai [hay tuần]. Nhiều người chấp nhận điều này như chu kỳ bình thường của ngày và đêm. Tuy nhiên, trong thực tế, thấy được những Đức Phật này là một phần của thiền định thể nhập, và người bình thường thấy các Ngài chỉ trong một khoảnh khắc.”
Khi đọc về ánh sáng trong những mô tả sau khi chết này, nhiều người trong chúng ta có thể nghĩ, “Ồ, đúng, đó phải là những chùm ánh sáng hay hiện tượng như ánh sáng mặt trời phát xuất từ nơi nào đó.” Nhưng trong nhận biết thật sự, chúng ta không nhận thức ánh sáng này như những đối tượng – những đối tượng của nhãn thức – hoặc hiện tượng được sinh bởi một nguồn đặc biệt hay phát xuất từ một nơi nào khác. Mà ánh sáng là sự trong sáng và quang minh, cũng là sự an bình, hạnh phúc, cực lạc, rộng mở, nhất như, và trí tuệ thấu suốt toàn khắp. Chúng ta là ánh sáng, và ánh sáng là chúng ta: tất cả là một. Đây là sự hợp nhất của trí tuệ hiện diện tự nhiên, đó là quang minh của bản tánh tối hậu và cái thấy quang minh xuất hiện tự nhiên của trí tuệ. Do vậy, ánh sáng này cũng được gọi là ánh sáng-trí tuệ. Phạm vi của trong sáng, an bình, nhất như, và sự toàn giác của ánh sáng-trí tuệ mà chúng ta kinh nghiệm tùy thuộc vào mức độ thiện nghiệp ở quá khứ và sự sâu sắc của nhận thức chúng ta. Nguyên lý này là nền tảng thật sự từ đó Phật giáo mật truyền nói về những khái niệm như là: sự bất nhị, ánh sáng tự nhiên, ánh sáng-trí tuệ, trong sáng, xuất hiện tự nhiên, tự-xuất hiện, hiện diện tự nhiên, tự-hiện diện, tự khởi lên, Đức Phật và cõi tịnh độ, trạng thái bất sinh, và trạng thái toàn giác.

Tất cả chúng ta đều có tiềm năng trở thành giác ngộ trong lộ trình của bản tánh tối hậu nếu có thể nhận ra, hoàn thiện, và duy trì thật tánh của thanh tịnh nguyên sơ – sự hợp nhất của bản tánh rộng mở và những biểu hiện khởi lên tự nhiên, ánh sáng nội tại. Nhưng, để đạt được nhận thức như vậy sẽ là bất khả thi trừ khi chúng ta đã đạt được nó trong cuộc sống thông qua thiền định. Vậy bây giờ là lúc, trong khi chúng ta còn sống, phải chuẩn bị cho chuyến hành trình vĩ đại của mình.

NHỮNG MÔ TẢ CỦA DELOG VỀ LỘ TRÌNH CỦA BẢN TÁNH TỐI HẬU

Trong những mô tả về sắp chết và đã chết của chính mình, nhiều delog đề cập đến kinh nghiệm về bản tánh tối thượng. Điều này không rõ ràng hoặc họ không nhận ra nó vì kinh nghiệm thiền định của họ không đủ cao hoặc họ không để ý nó vì kinh nghiệm như vậy chỉ liên quan đến những thiền giả đã thành tựu cao. Những mô tả sau đây là những ngoại lệ: họ thật sự mô tả kinh nghiệm của bản tánh tối thượng; tuy nhiên thay vì đạt giác ngộ, tất cả những delog này tiếp tục trên lộ trình chuyển tiếp, bardo (trung ấm). Có lẽ họ không thể duy trì bản tánh tối thượng vì nhận thức của họ chưa được hoàn thiện, hoặc có thể họ lựa chọn đi vào bardo để giúp đỡ người khác ở đó. Điều quan tâm là những chi tiết khác nhau trong mô tả kinh nghiệm của những delog, rõ ràng người kể lại không chỉ đơn giản lập lại những gì mà họ đã học. Ngay cả giải thích này, một thiền giả cũng sẽ không cần thấy và nhận biết mọi thứ một cách chính xác như đã mô tả trong những giáo lý.

Ánh Sáng Hiện Diện Tự Nhiên: Kinh Nghiệm Của Lingza Chokyi

Khi chúng ta bỏ qua mô tả của Chokyi trong chương 2, bà đã trải qua những kinh nghiệm hòa tan và sau đó đi vào một trạng thái ở đó không có ký ức dựa trên khái niệm. Khi bà xuất hiện từ nó, sau một khoảng thời gian không xác định, bà chứng kiến ánh sáng năm màu dưới dạng một cái nón trên đầu bà. Từ giữa ánh sáng đó, chiếu ra những tia sáng đỏ. Tại cuối mỗi tia sáng, là một sinh linh có thân người đầu thú, mỗi vị mặc quần áo khác nhau. Mắt họ mở rộng như mặt trời và mặt trăng. Họ vung mọi loại vũ khí vang lên như sấm, “Đánh! Đánh! Giết! Giết!” Chokyi hoàn toàn sợ hãi.

Vào lúc đó, nhớ lại một vị lama đã dạy bà, “Ánh sáng mà con thấy là chính bản thân ánh sáng, ánh sáng hiện diện tự nhiên của chính con. Những tia sáng là tự-chiếu sáng. Những hình ảnh là tự thân-hình ảnh. Âm thanh là chính âm thanh. Tất cả là tính chất tự-rực rỡ của chính tâm con.” Bà nghĩ, “Vậy là chúng không có thật!” ngay lúc đó tất cả đều biến mất. Mọi sợ hãi của bà lắng dịu.

Một Thân Ánh Sáng Không Thân: 

Kinh Nghiệm Của Dagpo Trashi Namgyal

Chúng ta đọc trong chương 2 rằng Dagpo thấy sự xuất hiện của trạng thái quang minh, trong sáng như bầu trời không mây. Nếu ông nhận ra nó thì đã đạt được Phật quả. Sự tự do là pháp thân.*như-bầu trời thoát khỏi sự phức tạp[6] Tánh quang minh thanh tịnh là báo thân. Năm cảm xúc phiền não xuất hiện như năm trí tuệ. Sau đó, ông kinh nghiệm cực lạc viên mãn thật bao la mà bầu trời không thể dung chứa.

Tuy nhiên, tâm Dagpo bị lừa gạt, và ông thấy ánh sáng như đối tượng. Ông thấy mọi loại ánh sáng trắng, vàng, đỏ và xanh lục. Thân thể ông không giống thường lệ, mà trở thành thân ánh sáng không thân. Mọi sự đều hoan hỷ và chuyển động nhanh. Ông có thể du hành đến bất cứ nơi đâu, chỉ cần nghĩ tới là được.

Năm loại ánh sáng đi cùng ông. Ánh sáng bên phải ông màu trắng, bên trái màu tối. Phía trước màu vàng. Bất kỳ ông đi đến đâu ánh sáng đều theo đến đó.

Sau đó ông thấy một ngôi nhà và đi vào trong rồi ngồi xuống. Có chín lối đi, bảy cánh cửa thêm vào một lối đi lên và xuống. Nỗi sợ hãi đi vào tâm thức khi ông nghĩ, “Đây phải là thân của tôi.” Sau đó ông thực hiện phowa và hét lên âm HIK! Ông nhanh chóng thoát khỏi thân và đạt tới cõi tịnh độ thiên đường.

Cái Thấy Của Bản Tánh Tối Thượng: 

Kinh Nghiệm Của Tsophu Dorlo

Vào lúc kết thúc sự mô tả của ông trong chương 2, Tsophu Dorlo đã đi vào trạng thái tối đen. Kế tiếp, tâm thức ông tan hòa vào quang minh và ông kinh nghiệm một hỷ lạc bẩm sinh. Sau đó quang minh của con đường và quang minh của nền tảng – được biết như quang minh của mẹ và con – hợp nhất thành một. Ông an trụ trong trí tuệ nguyên sơ bẩm sinh - sinh khởi tự nhiên trong một thời gian dài.

Vào lúc đó cái thấy của bản tánh tối thượng khởi lên trong ông. Mọi nhận thức trở thành thân tướng-Phật và ánh sáng.

Không gian trở thành ánh sáng màu xanh dương. Tại chính giữa và bốn phương, Dorlo chứng kiến cái thấy của năm gia đình Phật và những cõi tịnh độ của các Ngài. Chư Phật được các bồ tát đệ tử hộ tống, những vị giữ cổng, sáu và nhiều vị thầy, dakini. Ông cũng chứng kiến*vị Phật[7] cái thấy của năm gia đình Phật phẫn nộ với những đệ tử. Cuối cùng cái thấy của bản tánh tối thượng chấm dứt.

Trong Tử Cung Của Thân Ánh Sáng: 

Kinh Nghiệm Của Samten Chotso

Lúc mười chín tuổi Samten Chotso đã kinh nghiệm tinh chất trắng và đỏ của thân bà tụ lại ở ngực và ý thức bà được bọc ở giữa. Ngay sau đó xuất hiện trí tuệ thoát khỏi khoái lạc nhục dục. Vì nhận ra và trụ trong nó không sao lãng, ảo tưởng của bà được tiêu tan.

Bà cảm thấy đã đạt được trạng thái của Đức Phật Vô Lượng Quang. Sau đó kinh nghiệm tánh sáng trong sạch như bầu trời không mây. Bà viết trong mô tả của bà: “Nếu người ta nhận ra tánh sáng này, họ sẽ giác ngộ. Nhưng thật buồn thay vì không ai nhận ra nó, họ bị bắt giữ trong bánh xe ảo tưởng của luân hồi.”

Lúc đó thân bà trở thành thân ánh sáng. Bề ngoài trở thành một khối ánh sáng ngũ sắc. Bà cảm thấy mình ở trong tử cung của một thân ánh sáng. Có chín cửa sổ trong thân, từ dưới cùng lên đỉnh.

Kế tiếp bà nghe tiếng của Guru Padmasambhava đang hát mantra của Ngài. Từ “cửa sổ trên đỉnh” (lỗ mở đỉnh đầu), những tia sáng chủ yếu là màu trắng chiếu xuống. Bà thuật lại, “Tại đó tôi thấy Guru Rinpoche ở giữa ánh sáng,”

Chúng ta có thể giúp đỡ người ta đi qua lộ trình của bản tánh tối thượng như thế nào? Chúng ta có thể tham khảo Ngài Changchub là vị delog kể lại cho chúng ta những lời khuyên từng bước một. Ngài nói rằng, khi hơi thở bên trong của người sắp chết đã ngừng và họ bắt đầu thấy bản tánh quang minh của nền tảng và cái thấy quang minh của bản tánh tối thượng, người giúp đỡ nên nói với người sắp chết như sau:

Với những thiền giả đã thành tựu, hãy nói, “Ông/Bà (hay tên), hãy trụ trong thiền định của bạn không sao lãng. Đừng dao động trong thiền định của bạn. Bây giờ hãy theo dõi tâm bạn. Tâm bạn có bất kỳ thân tướng, hình dạng, hay màu sắc nào không? Tâm bạn không có gì để bám luyến vào. Bản tánh đó là sự hợp nhất của trong sáng và tánh Không. Hãy an trụ tỉnh giác không sao lãng trong sự hợp nhất đó. Mọi âm thanh mà bạn nghe là âm thanh-tự nó. Mọi ánh sáng bạn thấy là ánh sáng-tự nó, mọi tia sáng bạn chứng kiến là tia sáng-tự nó. Đừng nên hoảng sợ hay khích động bởi những âm thanh, ánh sáng và những tia sáng này. Hãy an trụ trong thiền định không dao động”.

Sau đó hãy tụng niệm những bài nguyện cầu thỉnh ân phước của chư Phật và những vị thầy của dòng truyền. Sự hướng dẫn và những cầu nguyện này sẽ giúp đỡ thiền giả sắp chết đạt được giác ngộ.

Với thiền giả bình thường hãy nói, “Ôi bạn [hay tên], có thể kinh nghiệm căn nhà đổ sụp xuống. Nhưng không phải vậy. Nó là dấu hiệu hơi thở bên trong của bạn ngưng lại và tâm bạn sẽ khích động thân. Ngay khi tâm bạn ra khỏi thân, bạn sẽ thấy ánh sáng ngũ sắc bao quanh mình. Đừng nên sợ hãi hay hoảng hốt. Nếu bạn nhận ra chúng thì sẽ thấy chúng là năm ánh sáng của gia đình Phật. Nếu bạn không nhận ra thì chúng là ánh sáng của Tử Thần. Vì thế đừng hoảng sợ.

“Xin hãy lắng nghe cẩn thận. Trong những ánh sáng bạn sẽ thấy, có năm loại ánh sáng. Ở giữa ánh sáng xanh dương, sự vô minh của bạn sẽ khởi lên trong dạng Người Đầu-Gấu. Đừng sợ hãi mà hãy sùng kính đến Ngài. Ngài là Phật Vairochana (Tỳ Lô Giá Na). Hãy nhận ra Ngài như vậy.

“Một lần nữa, ở giữa ánh sáng trắng, sự thù hận của bạn sẽ khởi lên trong dạng Người Đầu-Rắn. Đừng ghét hay không thích Ngài. Ngài là Phật Vajrasattva (Kim Cương Tát Đỏa). Hãy nhận ra Ngài như vậy.

“Một lần nữa, ở giữa ánh sáng vàng, sự kiêu mạn của bạn sẽ khởi lên trong dạng Người Đầu-Cọp. Đừng bị hoảng sợ. Ngài là Phật Ratnasambhava(Bảo Sanh). Hãy phát triển lòng sùng kính đến Ngài.

“Một lần nữa, ở giữa ánh sáng đỏ, sự bám luyến của bạn sẽ khởi lên trong dạng Người Đầu-Đại Bàng. Đừng hoảng hốt. Ngài là Phật Vô Lượng Quang (A Di Đà). Hãy phát triển lòng sùng kính đến Ngài.

“Một lần nữa, ở giữa ánh sáng xanh lá cây, sự ganh tị của bạn sẽ khởi lên trong dạng Người Đầu-Khỉ. Ngài là Phật Amogasiddhi (Bất không thành tựu). Hãy nhận ra Ngài như vậy.

“Năm ánh sáng này là ánh sáng của năm vị Phật. Nếu bạn sợ hãi chúng, chúng sẽ trở thành những con đường dẫn đến cõi thấp. Đừng hoảng sợ hay chạy trốn.

“Ôi, con của gia đình thiện hảo! Bạn có thể cảm thấy mình phải chọn con đường hẹp [thay vì con đường ánh sáng], nhưng đừng đi theo con đường đó. Con đường đó sẽ dẫn bạn tái sanh vào địa ngục. Bạn cũng có thể thấy một dòng sông tro nóng, theo đó bạn sẽ tái sanh vào cõi ngạ quỷ. Bạn có thể thấy một đầm lầy dơ bẩn. Điều đó sẽ dẫn bạn tái sanh vào cõi súc sinh. Bạn có thể thấy một con đường giống như cái ống đồng đầy mùi thực phẩm. Điều đó sẽ dẫn bạn tái sanh vào cõi người. Bạn có thể thấy con đường đầy dẫy những vũ khí chiếu sáng. Điều đó sẽ dẫn bạn tái sanh vào cõi a tu la. Bạn cũng có thể thấy con đường có nhiều cửa với bánh xe có vũ khí bén. Điều đó sẽ dẫn bạn tái sanh vào cõi thiên.*nhọn[8] Đừng đi theo những con đường này.

“Thay vào đó, hãy đi lên qua kinh mạch giữa của thân bạn qua lỗ mở đỉnh đầu. Trên đầu bạn là Đức Phật Vajradhara (Kim Cương Trì).”

Như người trợ giúp, bạn phải thiền định hợp nhất tâm bạn với tâm người chết. Sau đó hét lớn âm PHAT nhiều lần, hòa nhập tâm hợp nhất vào tâm trí tuệ của Phật Vajradhara. Sau đó thiền định hợp nhất với Phật Vajradhara. Hãy an trụ trong thiền định này nhiều lần, càng lâu càng tốt. Vào lúc kết thúc hãy niệm những bài nguyện khao khát.

Một Trạng Thái Cực Lạc Tột Bậc: 

Kinh Nghiệm Của Dawa Drolma

Dawa Drolma nhắc đến kinh nghiệm của bà về bản tánh tối thượng trong hai dòng. Bà nói, “Như một kết quả, tâm tôi mở ra trong một trạng thái cực lạc tột bậc, bản tánh tối thượng, đó là thoát khỏi tội lỗi giống như bầu trời.” Nói cách khác, giống như bầu trời không gợn nhơ, bản tánh tối thượng thoát khỏi khái niệm và cảm xúc có dự kiến. Điều này phải có kinh nghiệm của tánh quang minh nền tảng như nó là. Sau đó bà nói, “Một năng lực vô tận của trạng thái đó, quang minh nền tảng, xuất hiện tự nhiên trong dạng phô diễn hoàn toàn thanh tịnh.” Điều này phải có kinh nghiệm của cái thấy quang minh.

Một Cảm Giác Buồn Bã: 

Kinh Nghiệm Của Karma Wangdzin

Karma đã chết được bảy ngày. Câu chuyện delog của bà can đảm hơn một số người khác. Nó giải thích rằng cái thấy và cảm giác sợ hãi chỉ là những khái niệm phản ánh tâm bất an. Như chúng ta sẽ thấy những kinh nghiệm về bardo của bà tường thuật trong chương 5, bà mô tả chi tiết một nơi ở đó người ta đang đợi đến lượt gọi phân xử.

Karma nghe giọng một người phụ nữ gọi bà: “Ô, Karma Wangdzin!” Karma Wangdzin là Pháp danh của một lama ban, mọi người đều gọi bà là Lhawang Putri do mẹ bà đặt. Tuy nhiên vào lúc gặp gỡ này, bà được gọi bằng Pháp danh. Giọng nói tiếp tục, “Ô Karma Wangdzin, giờ đây con đã đến thế giới mới. Sự vô thường của cuộc sống, kinh nghiệm về cái chết đã xảy ra với con. Con có nhận biết không? Đừng bám luyến hay khao khát thân ảo huyễn của con. Hãy nâng tâm con hướng lên bản tánh tối thượng.”

Nghĩ rằng, “Tôi đã chết!” Karma nhìn lên trên. Bà thấy ở trên mở ra một lỗ mà ánh sáng đi qua, giống như bà ở trong một cái bình và thấy một lỗ trên đỉnh bình. Chỉ nhìn thấy lỗ hổng mở ra, bà nhanh chóng thoát khỏi nơi tối tăm qua lỗ hổng. Thậm chí bà không hề nghĩ đến việc đi lên trên hay thoát ra ngoài; nó chỉ tình cờ xảy ra. Khi ra ngoài, bà thấy mình nhô ra khỏi một hang được bao quanh bởi cây cối. Thật ra, bà bị kích động vì những sợi tóc quanh lỗ mở đỉnh đầu mà không nhận ra điều đó.

Trong bầu trời khoảng sáu tấc trên “cái hang”, bà thấy một quả cầu ánh sáng được bao bọc bởi ánh sáng nhiều màu, giống như những con mắt của lông công. Từ đó, ánh sáng chiếu ra trong mọi hướng. Ngay khi thấy nó, một cảm giác cô độc hay buồn chán chạy qua bà.

Bản tánh tối thượng là đặc quyền của chúng ta, nền tảng của mỗi người. Tuy nhiên, phần lớn chúng ta khó có thể nhận biết sự huy hoàng của nó –chưa kể đến khả năng hợp nhất với nó sau khi chết. Tôi hy vọng chương này đưa ra một cái nhìn thoáng qua vào tiềm năng siêu phàm của chúng ta để nhận ra chân lý vào lúc chết nếu dành hết đời mình cho thiền định về bản tánh của tâm. Những người đã đạt thành tựu được mô tả ở đây đều bắt đầu như người bình thường giống chúng ta. Sau đó các Ngài dâng hiến đời mình để thiền định và duy trì sự nhận biết của bản tánh tối thượng.

Dù sao đi nữa, thậm chí thực hành một ít thiền định cũng sẽ giúp ích to lớn cho chúng ta khi chết. Nếu có thể thoáng thấy bản tánh tối thượng trong lúc chúng ta còn sống hay vào lúc chết, thì điều đó sẽ tạo ra công đức vĩ đại đẩy chúng ta tới một tương lai an bình và hoan hỷ.

Thậm chí những thiền định và cầu nguyện đơn giản hơn đều thấm nhập sâu vào những tầng lớp của tâm chúng ta. Khi chết, những tầng lớp này tách ra hoặc đi sâu hơn vào trạng thái của tâm thức, những kết quả của thiền định chúng ta sẽ nổi lên.

Pema Odzer một phụ nữ Tây phương có đức tính tốt, đã thực hành Đạo Phật chỉ trong vài năm khi phải vào bệnh viện để mổ vì bệnh nặng. Lúc còn thơ ấu, khoảnh khắc hạnh phúc nhất của bà là được chạy trên con đường làng trong một xe ngựa với ông nội. Sau cái chết của ông, bà luôn có hình ảnh khi bà chết, ông nội sẽ gặp bà trong chiếc xe ngựa. Khi ý thức bà rời khỏi trên bàn mổ, bà thấy ông nội mình đang đợi ở ngã tư đường trong chiếc xe ngựa. Bà sắp đi với ông nội thì Đức Phật xuất hiện. Đi tới đi lui bên kia con đường, Đức Phật can ngăn đừng tới với ông nội, Đức Phật động viên bà giữ hơi thở. Bà làm theo và khỏe mạnh cho đến ngày nay. Điều then chốt là kinh nghiệm thiền định của bà xuất hiện thậm chí dù bà sử dụng thời gian ngắn để thực hành vào lúc đó.

Do vậy, điều quan trọng là chúng ta thiền định về bản tánh của tâm càng nhiều càng tốt trong lúc còn sống.

[1] Một số tác giả phiên dịch “tánh sáng” (Tạng, osal, H’od gsal) là “thanh tịnh quang”

[2] Ngài Jigmed Lingpa, Tsele, và Dilgo Khyentse đặt tánh quang minh của nền tảng trong giai đoạn hòa tan ý thức vào hư không của lãnh vực tối thượng. Ngài Longchen Rabjam cũng đặt nó như một phần của giai đoạn chuyển tiếp của bản tánh tối thượng.

[3] Một gương tròn cầm tay của nghi lễ ở Châu Á.

[4] Xuất hiện bất tận: Tạng, tsal; rTsal, năng lực của giác tánh nội tại

[5] Hai thân-Phật: thân vô tướng (pháp thân) và thân sắc tướng (báo thân và hóa thân).

[6] Thật tánh là cực điểm của đơn giản và nhất như. Bất cứ những gì nhiều hơn đều là tỉ mỉ phức tạp

[7] Những vị giữ cổng và sáu vị Phật: Trong nhiều mandala của Phật giáo mật tông, có bốn vị giữ cổng canh gác cửa. Vị Giữ Cổng Ðầu-Quạ ở hướng Ðông tiêu biểu cho tình thương-lòng tốt, Vị Giữ Cổng Ðầu-Heo của hướng Tây tiêu biểu cho lòng bi. Vị Giữ Cổng Ðầu-Chó của hướng Nam tiêu biểu cho hoan hỷ cảm thông, và Vị Giữ Cổng Ðầu-Cú của hướng Bắc tiêu biểu sự thanh thản. Trong một số mandala cũng có sáu vị Phật, các Ngài là những vị thầy hay bậc cứu giúp của sáu cõi. Các Ngài là Phật làm an định kiêu mạn, nghiệp quả thọ tái sanh vào cõi trời, Phật làm an định sự ganh tị của cõi bán thiên (a tu la); Phật làm an định tính tham lam của cõi người, Phật làm an định sự đói khổ của cõi ngạ quỷ, và Phật làm an định sự thù hận của cõi địa ngục.

[8] Bánh xe vũ khí bén nhọn là một vũ khí thời xưa trong dạng một bánh xe với nan hoa sắc bén, thường lao vào người ta như một cái đĩa.