Chương 6.
Những dòng tu Tiếp Hiện
Trong
chương II, chúng tôi đã có dịp nói về mục đích của những tăng sĩ trong các tu
viện dòng Thể Nhập: đó là mục đích chứng ngộ để khơi mở nguồn đạo đức vô hành
cho cuộc đời. Để có thể đạt được mục đích cao cả ấy, các tăng sĩ trong dòng Thể
Nhập cần có khung cảnh và phương tiện thích hợp. Phải có những điều kiện trí
tuệ, tâm lý và sinh lý thích ứng, phải cương quyết và chín chắn, và ít ra cũng
phải tới tuổi ba mươi mới có thể trở nên một nhà tu Thể Nhập. Trong hiện thời,
ta thấy số lượng những tăng sĩ có điều kiện và ý chí như thế không to tát lắm.
Bốn mươi năm cố gắng cũng chưa đưa tăng giới Việt Nam ra khỏi danh sách tình trạng
suy đồi. Mục đích chính là tu chứng không được trọng thị nữa, và đa số trong
tăng giới sống vì mục đích duy trì và thỏa mãn những nhu yếu tín ngưỡng cho
quần chúng và cho chính mình. Thực ra đạo Phật không phải chỉ xuất hiện vì một
mục đích đó, như chúng ta thấy. Đạo Phật còn phải làm sứ mệnh xây dựng cho sự
sống, thiện hóa và mỹ hóa sự sống. Do đó ta thấy nếu không có một sự cải đổi,
nếu không có một công trình lột xác cho tổ chức, nói tóm lại nếu không hiện đại
hóa đạo Phật, thì đạo Phật không thể làm trong được sứ mệnh ấy. Mà tâm điểm của
công trình hiện đại hóa là cách mệnh giáo chế, với mục đích gạn lọc những gì đã
có và mở cửa sáng tạo những gì cần thiết mà chưa có. Sự trang bị các tu viện
Thể Nhập và chỉnh lý giáo chế về giới xuất gia Thể Nhập có công dụng gạn lọc
ấy, trong khi đó sự thành lập những dòng tu Tiếp Hiện theo giáo chế được hình thành
căn cứ trên nền tảng tinh thần đạo Phật chính là công cuộc sáng tạo những gì
cần thiết mà chưa có. Ta thấy công việc thứ hai này phải được thực hiện song
song với công việc thứ nhất, công việc mà chi tiết đã được trình bày trong
Chương II nói về những tu viện Thể Nhập. Trong giáo chế mới, sẽ có sự hiện diện
của giới trí thức, thanh niên và văn nghệ sĩ trong hàng ngũ những người có bổn
phận và trách nhiệm chính về vấn đề duy trì và phát triển đạo Phật. Có sự hiện
diện của các giới ấy thì đạo Phật mới có thể thực sự đi vào cuộc đời.
Trong một cuộc trưng cầu ý
kiến giới thanh niên trí thức Phật tử về vấn đề hiện đại hóa đạo Phật được thực
hiện cách đây không lâu, hầu hết những người được phỏng vấn đều cho biết rằng
người thanh niên trí thức và văn nghệ sĩ hiện chưa có chỗ đứng thực sự trong
đạo Phật. Chưa có chỗ đứng thực sự trong đạo Phật. Chưa có chỗ đứng không phải
là vì giới lãnh đạo Phật giáo không muốn họ có một chỗ đứng, mà vì giáo chế
hiện thời không còn khế cơ với họ nữa. Chính nhiều vị trong giới tăng sĩ, tỳ
khưu giới và sa di giới, cũng công nhận rằng giáo chế không còn thích hợp với
bản thân họ. Nhận thức rằng giáo chế không còn khế cơ, nhưng không ai có can
đảm đề cập đến vấn đề chỉnh lý giới luật và cách mệnh giáo chế cả.
Trong bản trưng cầu ý kiến trên,
có một câu hỏi như sau: Có bao giờ anh
(hay chị) có ý tưởng xuất gia để phụng sự lý tưởng Phật giáo không? Nếu có, tại
vì sao? Nếu không, tại vì sao? a/ Tại vì nếp sống ấy khổ hạnh quá? b/ Tại vì
nếp sống ấy không phù hợp với điều kiện sinh hoạt lý trí tình cảm của anh
(chị)? Trong số ba trăm người, chỉ có tám người trả lời là có. Lý
do: nếp sống xuất gia có điều kiện phụng sự nhiều hơn. Còn tất cả những người
còn lại đều trả lời không, và đều nêu lên lý do thứ hai: vì nếp sống xuất gia
không phù hợp với họ. Trong số đó, có những người khi trả lời về một câu hỏi
liên hệ đến giới xuất gia, đã than phiền về hiện tượng thế tục hóa của người
tăng sĩ và đòi hỏi các vị tăng sĩ phải sống như những bậc thánh xuất tục.
Sự kiện người thanh niên yêu mến
đạo Phật và muốn đem tất cả kiến thức và đời sống của mình để phụng sự cho đạo
Phật nhưng không thấy nếp sống xuất gia hiện thời phù hợp với mình, là một sự
kiện cần được chú trọng. Ngày hôm nay không có họ trong hàng ngũ người tăng sĩ
thì ngày mai sẽ không có họ trong hàng ngũ những người lãnh đạo cho Giáo hội.
Để đi đến một nhận định rõ rệt về những gì ta phải thực hiện trong phạm vi cách
mệnh giáo chế, ta hãy nhìn lại giới xuất gia trẻ tuổi hiện tại. Người học tăng
có mặt trong giai đoạn hiện tại của lịch sử Giáo hội là một hiện tượng cần phải
nghiên cứu với tất cả công phu và ý thức. Họ là những người đã được nuôi dưỡng
vào khoảng từ năm tới mười lăm năm nay trong không khí ngột ngạt của giới xuất
gia, luôn luôn vươn lên để tìm lấy một lối thoát - lối thoát để vượt tới một
giáo chế thích hợp với những điều kiện trí tuệ và tâm lý của họ. Giới học tăng
là giới tăng sĩ trẻ tuổi, can đảm. Họ thấy giáo chế hiện hữu không thích hợp
với họ nữa và họ luôn luôn tỏ ra rằng họ không được đứng đúng chỗ của họ. Người
học tăng bây giờ thực ra không có chỗ đứng; tuy rằng mặc chiếc áo nhật bình ấy
và sống với giới luật ấy nhưng họ tự nhìn họ như nhìn một người xa lạ. Chúng
tôi biết là chỉ có giới học tăng mới thấy rõ những điều trên đây. Nếu trong xã
hội hiện tại, giới thanh niên có cảm giác bơ vơ lạc lõng thì trong giáo chế
hiện tại, người học tăng cũng thấy bơ vơ lạc lõng và không nhận ra được chân
dung của chính mình. Người học tăng cũng mang những tâm trạng chung của người
thanh niên thời đại, nhưng đau khổ hơn người thanh niên thời đại ở chỗ người
học tăng còn mang thêm một mặc cảm - mặc cảm của người không được thành thực
với chính mình, bởi vì người học tăng đang tự khép hoặc đang bị khép trong một
giáo chế mà mình biết rõ là không thích hợp với chính mình.
Thế ai bảo họ đi xuất gia làm
chi để rồi thấy giáo chế không thích hợp? Mọi người sẽ hỏi. Trả lời câu hỏi đó
tức là kể một câu chuyện dài. Phần lớn họ đã vào chùa từ khi còn nhỏ, trong đó
lý do ưa thích là quan trọng hơn cả. Ưa thích nhưng thiếu hẳn nhận thức. Họ
không biết rõ nội dung nếp sống xuất gia. Lớn lên họ thọ giới sa di, rồi tỳ
khưu, nhưng họ không được biết trước nội dung của giới luật. Trước khi thọ giới
thì hăng hái, nhưng vài ba năm sau phần lớn đều nhận ra rằng giáo chế không
thích hợp với họ. Có những cậu bé cô bé thích vào chùa ở, vì mến các thầy hoặc
mến các ni cô. Lớn lên họ trở thành học tăng, hay học ni, dầu muốn hay là
không. Hiện tượng cũng giống như hiện tượng tảo hôn của ta ngày xưa. Nhưng cậu
bé cô bé khi lớn lên thì thấy mình đã có vợ hay có chồng rồi, và không thể nào
làm khác hơn. Tai hại nhất là các “điệu” tập sự tại các chùa hội, nghĩa là
những chùa dùng làm trụ sở cho Giáo hội tỉnh, quận, v.v… Các điệu không được
học tập theo lề lối ở các tu viện. Chỉ được học hai buổi công phu, rồi để hầu hạ
các thầy trụ trì, rót nước, mời khách. May mắn thì được cắp sách đi học mỗi
ngày một buổi ở trường tiểu học. Ngoài ra, thì giờ để đi công phu, quét tước,
dọn dẹp và để bị sai vặt. Thức kkhuya, dậy sớm, kham khổ. Ngày ngày (nhất là
rằm, mồng một và các ngày chủ nhật) chú điệu chỉ thấy những người ăn mặc đẹp đẽ
tới chùa và rất thích nếp sống ca hát trẻ trung của các đoàn viên nam nữ của tổ
chức Gia Đình Phật tử. Chú điệu không biết rằng khi tới chùa thì người ta đã bỏ
lại nhà những bực dọc, gắt gỏng và nghèo nàn mà chỉ đem theo những chiếc áo
tươm tất, những nét mặt vui tươi mà thôi. Như các em thiếu nhi nam nữ trong Gia
Đình Phật tử chẳng hạn. Có nhiều em chỉ tỏ vẻ sung sướng, ăn mặc đẹp đẽ và ca
hát tươi vui ở chùa mà thôi, chứ về nhà cũng ăn mặc xấu, làm việc cực nhọc, bị
cha mẹ gắt gỏng vì đủ lý do trong đó có lý do nghèo túng, lười biếng, bừa bãi
v.v… Cho nên chú điệu, chỉ trông thấy mặt đẹp của cuộc đời, cứ nuôi ảo tưởng
rằng cuộc đời là rất đẹp, so với đời sống cực khổ trong chùa. Thêm vào đó, nếp
sống tu học không được chăm lo, trông thấy những phiền toái của tổ chức, chú
điệu mất dần đức tin. Lớn lên, chú mặc áo nhật bình và chịu khuôn khổ của nếp
sống xuất gia, lòng vẫn hoang mang. Lý tưởng cũng như tương lai rất là mịt mờ,
trong khi hiện tại là một nếp sống bất đắc dĩ không thể thoát ra được. Tại sao
không thoát ra được? Lý do thứ nhất là vì chú còn thương đạo Phật và nghĩ rằng
đạo Phật là một lý tưởng đẹp nhất trên đời, chỉ vì chưa có sự hướng dẫn và tổ
chức hợp lý nên nếp sống bây giờ chưa có nẻo thông về lý tưởng ấy đấy thôi.
Nghĩ như thế, người học tăng cứ chờ đợi, nhất là chờ đợi ở các bậc lãnh đạo
Giáo hội. Nhưng chờ mãi không thấy gì, từ một năm, hai năm, cho đến mười năm,
mười lăm năm. Những người chờ lâu quá đã chán nản, đã mất đức tin - mất đức tin
nơi khả năng của Giáo hội chứ không phải mất đức tin nơi đạo Phật. Chúng tôi
biết có nhiều học tăng xuất sắc nhưng hiện đã mất đức tin. Họ sống với chiếc áo
nhật bình nhưng họ là những người bất đắc chí, chỉ đi dạy học cho qua ngày. Ra
đời thì họ không muốn ra, bởi vì hoặc họ đã biết rõ rằng cuộc sống ngoài đời
cũng tầm thường không có gì lạ, hoặc họ sợ mang tiếng là những người tu nửa
chừng lỡ dở. Đây chính là lý do thứ hai.
Phải công nhận rằng người học
tăng đã khổ đau nhiều, và sự thất vọng đã khiến cho một số ít trở nên bừa bãi,
bất chấp luật lệ và dư luận. Lỗi những người này không phải là hoàn toàn do họ
mà là do tất cả mọi người. Nếu ai từng theo dõi người học tăng trong hai mươi
năm nay sẽ cảm thương vì sức phấn đấu và chịu đựng của họ. Những cơ sở tu học
cho họ rất là thiếu thốn, hơn nữa không phù hợp với họ, không nhắm trực tiếp
đến sự đào tạo họ mà lại nhắm đến những mục đích khác. Cho nên các Phật học
đường đã bị tràn ngập cư sĩ và dần dần thế tục hóa. Sự dạy dỗ tổ chức chểnh
mảng, các vị thượng tọa bận bịu trong tổ chức, người học tăng bỏ Phật học đường
tìm cách ra học thêm ở các trường Trung học tư thục. Họ thất thểu đi xin chỗ ở,
chỗ ăn, chỗ học. Lớp này bỏ Phật học đường, rồi đến lớp kia, bởi vì bất mãn với
chương trình và nếp sống bên trong. Do đó, Phật học đường chỉ gồm có những lớp
mới do các chùa gửi đến. Trong suốt hai mươi năm trường, học tăng ngoại trú đi
tìm chỗ ở tại các chùa tư để có dịp học thêm vì biết rằng với kiến thức mà các
Phật học đường hứa cung cấp (mà chắc không cung cấp được) họ không thể nào thực
hiện được cuộc duy tân đạo Phật. Các chùa tu thì chú trọng đến việc cung cấp,
ít biết nâng đỡ cho học tăng, giúp họ ăn học. Cho nên cuộc đời học tăng quả
thực là bấp bênh và trôi nổi. Có một thiểu số giữ vững được tinh thần, học xong
được cấp trung học, hay đại học. Đa số vất vơ vưởng, tiêu xài sức khỏe và mất
dần đức tin ở thiện chí của các bậc lãnh đạo. Đã rất nhiều lần họ tập hợp lại
để tổ chức thành đoàn thể nhưng bị nhận thức như là một tổ chức chống đối cho
nên họ không được ủng hộ và do đó không thành công. Tuy sống khổ sở như thế và
bị bỏ rơi như thế để đến nỗi đức tin hầu như bị phá sản, họ đã tỏ ra rất xứng
đáng trong phong trào bảo vệ chính pháp. Sự học hành của họ hiện bị lỡ dở,
không đến nơi đến chốn, chưa có dùng để phụng sự, trong lúc đó vẫn chưa có cơ
quan nào do Giáo hội tổ chức để nâng đỡ họ và vạch cho họ thấy con đường tương
lai của họ. Vào các tu viện theo kiểu một tu viện Thể Nhập như đã tả trong
chương II, thì họ chưa đủ điều kiện kiến thức tâm lý và tuổi tác để vào, mà họ
chắc chắn cũng chưa nghĩ đến. Đem kiến thức để phụng sự lý tưởng đạo Phật thì
họ rất ước ao: nhưng kiến thức ấy họ đã đạt được đâu, mà nếu có một vài người
đạt được thì thử hỏi họ sẽ phụng sự theo đường hướng nào, trong khi chính họ vẫn
thấy rằng giáo chế hiện tại không thích hợp cho họ và cho ý hướng phụng sự của
họ?
Cho nên Giáo hội trong công cuộc
hiện đại hóa đạo Phật, một mặt phải tạo nên giáo chế mới thích hợp cho người
thanh niên trí thức thời đại để họ có thể đem kiến thức của họ vào phụng sự cho
lý tưởng đạo Phật, một mặt lập những cơ sở để giúp cho lớp học tăng học ni bây
giờ đạt tới những kiến thức cần thiết để cho họ đủ điều kiện chấp nhận giáo chế
mới ấy. Giáo chế mới này tạo ra những dòng tu mới gọi là những dòng tu Tiếp Hiện
mà sinh hoạt tâm linh, tình cảm, giới luật và lý tưởng sẽ phù hợp với những
người thanh niên trí thức của thời đại.
Giáo chế mới sẽ đóng vai trò
quyết định sự thành công trong việc bảo vệ xây dựng và đề cao giá trị tu chứng
của dòng tu Thể Nhập, đồng thời tạo nên thế hệ những người trí thức trẻ tuổi,
hăng hái đem đạo Phật đi vào cuộc đời để xây dựng cuộc đời bằng lý tưởng từ bi
và tự do. Bằng cách thành lập những dòng tu Tiếp Hiện, một mặt Giáo hội vạch ra
cho người thanh niên tăng ni hiện thời một hướng tiến một nếp sống phù hợp với
trí tuệ tình cảm họ, một mặt đưa người tri thức, văn nghệ sĩ và thanh niên vào
hàng ngũ những người có trách nhiệm trực tiếp về sự tồn vong của lý tưởng đạo
Phật. Không có những tu viện Thể Nhập, nguồn tu chứng sẽ khô cạn. Không có
những dòng Tiếp Hiện, thì không có người đem đạo Phật vào cuộc đời hôm nay, và
cũng sẽ không có người trong tu viện và trong giới lãnh đạo Phật giáo ngày mai.
Nếu trong giáo chế mới những nhà
tu Thể Nhập là bậc thầy xuất thế của cuộc đời, xứng đáng với địa vị chúng trung
tôn, thì những người tu trong các dòng Tiếp Hiện là những vị huynh trưởng thay
mặt hướng dẫn cho cuộc đời về phương diện học tập và thực hành giáo lý đạo
Phật. Họ là những người Anh, là những người Chị, thân thiết với cuộc đời, phụng
sự cho cuộc đời, và do đó, có mặt trong mọi sinh hoạt của cuộc đời.
Muốn gia nhập dòng tu Tiếp Hiện,
ít nhất họ đã vượt qua trình độ tú tài và học tập từ ba đến bốn năm chương
trình B B.S. của trường Cao Đẳng Phật Học. Như thế khi tốt nghiệp, kiến thức
cũng như kinh nghiệm của họ đã tạm đủ để phụng sự trong một dòng Tiếp Hiện. Họ
sẽ được làm lễ thọ giới - giới luật của họ không phải là giới luật xuất thế, mà
là giới luật nhập thế. Giới luật ấy là tâm giới – mang tính cách của bồ tát
giới, biểu lộ tinh thần từ bi trí tuệ của đạo Phật, biểu lộ triết học hành động
của đạo Phật. Giới luật ấy như sau:
1. Không được thờ làm thần tượng
một chủ nghĩa một lý thuyết nào, kể cả những chủ nghĩa và lý thuyết Phật giáo.
Những hệ thống giáo lý trong đạo Phật phải được nhận thức như những pháp môn
hướng dẫn mà không là những chân lý tuyệt đối.
2. Không được yên trí rằng những
kiến thức mình hiện có là những chân lý bất di bất dịch để trở thành cố thủ và
hẹp hòi. Phải luôn luôn học hỏi thái độ phá chấp và cởi mở để đón nhận quan
điểm của kẻ khác. Phải suốt đời là một người tìm học.
3. Không được ép buộc người ta
theo mình, bất cứ bằng cách nào. Phải tôn trọng tự do của kẻ khác.
4. Không được trốn tránh
khổ đau, nhắm mắt trước khổ đau và đánh mất ý thức về khổ đau của sự sống. Phải
tìm tới những kẻ khổ đau.
5. Không được đặt một trong bốn
thứ danh, lợi, tài, sắc làm mục tiêu chính của đời sống mình. Phải học hạnh tri
túc để nghĩ đến kẻ khác.
6. Không được giữ tâm sân hận và
oán thù. Phải quán từ bi để tha thứ cho tất cả những người gây nên tâm niệm sân
hận và oán thù của mình, ngay sau khi tâm niệm ấy phát sinh.
7. Không được nói những lời có
thể tạo nên sự bất hòa và tan vỡ trong đoàn thể. Phải áp dụng ái ngữ để hòa
giải tất cả những vụ bất hòa, dù lớn hay nhỏ.
8. Không được nói dối để mưu cầu
tài lợi và sự kính phục. Không được nói những lời gây chia rẽ, căm thù; không
được loan truyền những tin mình chưa biết là có thực; không được phê bình và
lên án những điều mà mình không biết chắc. Phải nói những lời chân thực và có
giá trị xây dựng.
9. Không được sống một đời sống
cách biệt quá với những kẻ khổ đau. Phải sống đời tri túc, giản dị nhưng không
lập dị.
10. Không được lợi dụng đạo
Phật. Phải giữ cho đạo Phật tính cách thanh cao tuyệt đối của lý tưởng đời
mình.
11. Không được sống theo tà
mệnh. Phải chọn những nghề nghiệp lương thiện, nhất là những nghề có thể giúp
mình thực hiện được lý tưởng từ bi cứu khổ của đạo Phật.
12. Không được sát hại nhân
mạng, không được tán thành sự chém giết. Phải tìm mọi cách có thể để bảo vệ
nhân mạng.
13. Không được lấy làm tư hữu
những tiền bạc và của cải bất hợp pháp. Phải bảo vệ quyền tư hữu của kẻ khác
nhưng phải biết ngăn ngừa những kẻ làm giàu một cách bất lương và trên sự đau
khổ của quần chúng.
14. Không được tà dâm, không có
ý lợi dụng không trong sạch những người khác phái. Phải trong sạch và phải biết
bảo vệ cho sự trong sạch.
Mười bốn giới vừa trình bày là
quy chế cho một đời sống đạo đức lợi hành mà bất cứ người thanh niên trí thức
nào muốn phát tâm đem trọn cuộc đời mình phụng sự cho lý tưởng đạo Phật cũng
thấy thích hợp với họ và sẵn sàng chấp nhận.
Giới 1, 2, 3 và 4 thuộc về thái
độ nhận thức phá trừ Si Mê, tiêu biểu được tinh thần phóng khoáng cao cả của
đạo Phật. Giới 5 và 6 ngăn ngừa Tham Lam, Sân Hận. Sáu giới ấy ngăn chặn và phá
đổ tam căn của Ý nghiệp (Tham, Sân, Si). Giới 7 và 8 thuộc về Khẩu Nghiệp, căn
bản của Trung Tín, Thành Thực và Xây Dựng. Giới 9 và 10 và 11 quy định đời sống
tri túc, thanh cao và lương thiện của lý tưởng hành đạo. Giới 12, 13 và 14 giữ
gìn sự trong sạch của Thân Nghiệp. Đời sống được quy định bởi mười bốn giới ấy
là một đời sống đẹp đẽ và tràn đầy tính chất Phật giáo.
Khi đã đủ các điều kiện tuổi tác
(ít ra là 21 tuổi) kiến thức (tốt nghiệp cử nhân Phật học) giấy chứng nhận của
gia đình, người thanh niên sẽ được làm lễ thọ giới Tiếp Hiện. Mỗi năm, người ấy
sẽ trở về một tu viện Thể Nhập để học hành và tu tập trong một thời hạn 3 tháng
để được võ trang lại chất liệu tâm linh của mình, nói một cách khác hơn, để
tiếp nhận chất liệu đạo đức làm tâm linh và để trong chín tháng còn lại thể
hiện lý tưởng đạo Phật trong cuộc đời. Như thế, những Anh và Chị tu trong các
dòng Tiếp Hiện sẽ không tự đánh mất mình trong cuộc sống đồng sự và lợi hành.
Tùy theo khả năng mình, các Anh
hay các Chị phát nguyện gia nhập trong các ngành hoạt động. Có dòng chuyên lo
về giáo dục trong đó các Anh chuyên về dạy học. Có dòng chuyên về y tế, các Anh
trong dòng có thể là bác sĩ, y sĩ, dược sĩ, y tá hay cán sự điều dưỡng. Có dòng
chuyên về kinh tế trong đó các Anh có thể là những chuyên viên về kinh tế,
những kỹ sư những cán sự Nông, Lâm, Súc hay hợp tác xã, những cán sự hướng dẫn
việc thành lập các làng mới tại vùng cao nguyên trù phú. Có dòng chuyên về văn
học nghệ thuật trong đó các Anh có thể là tác gia, xuất bản gia, âm nhạc gia, họa
gia. Có dòng chuyên về giảng diễn và cố vấn giáo lý trong đó các Anh có thể là
giảng sư, là tuyên úy cho sinh viên, học sinh, hướng đạo, quân đội. Có dòng
chuyên về nghi lễ và tổ chức, trong đó các Anh có thể là chủ trì tự viện. Có
dòng chuyên về kinh tài, trong đó các Anh có thể là những người chuyên tạo lập
tài sản cho Giáo hội, để có thể cung cấp sự sống cho những dòng hoạt động khác.
Cố nhiên là những Anh Chị tu trong các dòng Tiếp Hiện sẽ làm việc như những
công chức cho Giáo Hội – công chức theo nghĩa thật đẹp – và sẽ nhận lương của
giáo hội. Trong trường hợp chưa được phụng sự trong một cơ sở của Giáo hội, các
Anh, Chị trong các dòng Tiếp Hiện vẫn có thể làm việc tại các cơ sở khác, miễn
là mỗi năm vẫn có thể về được tu viện trong một mùa an cư.
Sinh hoạt tâm linh và tôn
giáo rất được chú trọng. Dù làm việc ở đâu, xa xôi tận đâu, những Anh Chị tu
trong các dòng Tiếp Hiện đều phải về cơ sở Tiếp Hiện địa phương mỗi tháng hai
lần để nghe thuyết giới và kiểm thảo. Mỗi tỉnh có một cơ sở Tiếp Hiện như thế.
Mỗi sáng chủ nhật, các Anh Chị trong các dòng đều về sinh hoạt tại chùa nào gần
nhất trong đó có ít ra là một vị chủ trì thuộc dòng Tiếp Hiện. Vị này, trong
dòng chuyên về nghi lễ sẽ có bổn phận lo lắng không những cho Phật tử địa
phương mà còn cho những Anh Chị của các dòng Tiếp Hiện đương phụng sự tại địa
phương nữa. Thường thì các Anh Chị trong dòng Tiếp Hiện cư trú trong những cư
xá Tiếp Hiện.
Trong những ngày giờ sinh hoạt
tôn giáo, các Anh Chị trong dòng Tiếp Hiện có lễ phục đặc biệt của mình, dài và
trang nghiêm nhưng không phải là Y. Y là để dành riêng cho dòng Thể Nhập. Nhưng
trong sinh hoạt thường nhật, các Anh Chị có thể mặc y phục thường như mọi
người. Trên y phục, bao giờ cũng có gắn một huy hiệu rất nhỏ màu trắng mang hai
chữ Tiếp Hiện và bàn tay Phật chuyển pháp luân. Trong sinh hoạt thường nhật,
người đời nhận ra các Anh Chị do huy hiệu bé nhỏ ấy. Cuộc sống đích thực phụng
sự của những ai tu trong các dòng Tiếp Hiện sẽ làm cho mọi người cảm mến, và
các Anh Chị phải làm sao để cho ai thấy dấu hiệu nhỏ bé đó cũng mến thương thì
mới thành công.
Ít ra nhà tu Tiếp Hiện cũng phải
phụng sự trong năm năm (mỗi năm về tu viện Thể Nhập ba tháng để tu tập) và cũng
phải đạt đến số tuổi tối thiểu là ba mươi thì mới có thể xin thọ giới và vào tu
viện Thể Nhập. Chỉ khi nào một Anh hay Chị tự hỏi lòng mình thật kỹ lưỡng và
quyết chắc mình phải tu trong dòng Thể Nhập mới thích hợp với hoài bão mình,
thì mới nên trở thành nhà tu Thể Nhập. Điều này rất quan hệ, và các tu viện
trưởng sẽ xem xét thật kỹ lưỡng trước khi chấp nhận. Đó là trường hợp thứ nhất.
Trong phần lớn các trường hợp,
các Anh Chị sẽ sống đời sống Tiếp Hiện cho đến khi nào nhu yếu tu học trong tu
viện Thể Nhập trở thành hết sức rõ rệt. Họ có thể sống suốt đời trong dòng tu
Tiếp Hiện. Đó là trường hợp thứ hai.
Trường hợp thứ ba là trường hợp
một Anh hay Chị, cảm thấy nhu yếu kết hôn và thành lập gia đình. Điều này có
thể là điểm thắc mắc của nhiều người, nhưng là một điều hợp lý. Sự độc thân,
một phương tiện để phụng sự, đã được nhận thức từ lâu như một đức hạnh, một
điều cao quý. Ý niệm đó cần được chỉnh lại. Sau thời hạn năm năm phụng sự độc
thân, các Anh các Chị có thể kết hôn lập gia đình mà vẫn cứ là các Anh các Chị
phụng sự trong dòng Tiếp Hiện. Người tu sĩ trong dòng Tiếp Hiện có thể tự mình tâm
nguyện nên sống độc thân suốt đời để phụng sự, nhưng không phát nguyện điều đó
ra như một điều cam kết có nghi lễ chứng minh. Điều này rất quan trọng, bởi vì
do đó mà người tu sĩ Tiếp Hiện thấy tương lai tự do, không có cánh cửa nào khép
lại trước mặt mình. Duy có một điều là làm sao để khi sống đời gia đình, những
người ấy vẫn có thể phụng sự được như thường.
Có những điều kiện cần thiết để
những người này có thể tiếp tục sống và phụng sự trong các dòng Tiếp Hiện. Điều
kiện thứ nhất là người kết hôn phải cùng một lý tưởng. Một Chị chẳng hạn, không
mong có thể tiếp tục đời Tiếp Hiện nếu kết hôn với một người không ở trong dòng
Tiếp Hiện. Điều đó ai cũng thấy rõ. Cho nên Chị chỉ có thể được kết hôn với một
Anh trong dòng. Riêng về các Anh thì tình thế có khác hơn. Bởi vì người con gái
thường tùy thuận người con trai, cho nên điều kiện để một người con gái kết hôn
với một Anh trong dòng Tiếp Hiện có thể là một năm học tập tại trường Phật học
về kiến thức cần thiết để giúp người con trai hoàn thành sứ mạng phụng sự.
Trường hợp đẹp đẽ nhất có lẽ là trường hợp một Anh và một Chị: vì cả hai đều ở
trong dòng Tiếp Hiện nên có thể hiểu nhau và nâng đỡ nhau một cách dễ dàng.
Điều kiện thứ hai là con cái do
những cặp vợ chồng ấy sinh ra không vượt quá mức tối đa là hai người. Ở xã hội
ta, điều này có thể làm cho một số người lấy làm lạ lùng, nhưng sự hạn chế sinh
nở đã là một điều có thể thực hiện dễ dàng, nhất là đối với người Phật tử. Vấn
đề có lẽ không phải là vấn đề riêng cho những Anh, Chị nào trong dòng Tiếp Hiện
muốn tiếp tục cuộc đời phụng sự, mà là vấn đề chung của xã hội, sớm muộn gì ta
cũng phải đem ra để giải quyết. Không có một tôn giáo một luật pháp nào cho
phép có những cuộc xúc tiếp sinh lý giữa người không phải vợ chồng và vì vậy
vấn đề kiểm soát sinh nở không bao giờ có thể được chấp nhận đối với những
người chưa thành gia thất, dù bằng phương pháp nào. Nhưng đối với những người
đã có gia đình thì khác. Cố nhiên cũng không có một tôn giáo hay một nền pháp
luật nào cho phép người ta kiểm soát sự sinh nở bằng cách sát sinh, hủy phá
thai nhi, dù trong giai đoạn mà thai nhi còn là một tế bào. Nhưng tôn giáo và
luật pháp không thể không xét về trường hợp phương pháp Ogino Knaus của Nhật
Bản hay phương pháp dùng những loại contraceptive mới nhất để tạo nên một trạng
thái thụ thai giả tạo nơi người phụ nữ để tránh sự thụ thai chân thực. Những
phương pháp này không dính líu gì đến sự sát sinh cả. Người ta có thể áp dụng
chúng để có thể có đủ phương tiện vật chất bảo đảm cho những đứa con sẵn có,
hay là người ta cứ sinh ra thật nhiều con để rồi đứa nào cũng sẽ sống nheo nhóc
như những đứa của Bà Mẹ Lê trong Gió Đầu Mùa của Thạch Lam, hình bóng mà ai
cũng thấy đầy dẫy ở các xóm nghèo. Đưa một đứa trẻ ra đời tức là chịu trách
nhiệm về đứa trẻ ấy. Ta không thể đưa ra đời một số hài nhi để rồi sau này
chúng sống ốm yếu tàn tật còn khổ hơn những con vật của nhà giàu. Chúng tôi
tưởng đạo Phật, khi xét vấn đề qua nguyên lý tứ diệu đế, sẽ công nhận điều đó.
Tuy nhiên, vấn đề không quan
trọng gì trong trường hợp các Anh và các Chị trong dòng Tiếp Hiện. Họ có ý chí,
đức tự chủ và chỉ cần đôi chút kỷ luật là có thể đạt được kết quả. Những gia
đình của họ thành lập sẽ là và phải là những gia đình kiểu mẫu, thấm nhuần tinh
thần đạo Phật. Chúng tôi nhận thấy con cái của các vị Mục Sư Tây phương cũng
như của các vị Tân Tăng Nhật Bản đều dễ thương và thong minh: điều đó thực
không có gì khó hiểu. Tuy nhiên điều cần nói ở đây là tuy có gia đình, các vị
Mục Sư và Tân Tăng ấy vẫn có thì giờ để sống đời phụng sự. Những vị đã từng
tiếp xúc với các giới ấy chắc sẽ đồng ý với chúng tôi.
Có một điều ta nhận thấy rõ rệt
là gần như hầu hết các vị Mục sư và Tân Tăng đều sống đời có gia đình. Trong
khi ấy ta biết rằng một số các anh, chị trong dòng Tiếp Hiện sẽ trở nên các vị
Tăng sĩ Thể Nhập. Một số lớn sẽ sống đời sống phụng sự độc thân suốt đời. Chỉ
có những Anh, Chị nào không theo hai con đường ấy mới thành lập gia đình mà
thôi. Tuy vậy, chọn con đường nào trong ba con đường, các Anh, Chị vẫn có thể
phụng sự, và phụng sự theo phương tiện riêng của mình.
Ta cũng nhận thấy rằng tổ
chức Tiếp Hiện hơn hẳn tổ chức Tân Tăng ở chỗ có nơi nương tựa tinh thần, và
chính ở đó mỗi năm ba tháng người tu sĩ Tiếp Hiện trở về tu tập, tinh luyện
thêm chất liệu tâm linh đạo đức. Phật Giáo Việt Nam sau này có thể thành công trong
công việc hiện đại hóa cũng sẽ nhờ ở sự hiện hữu của các tu viện dòng Thể Nhập
ấy và sự luôn luôn trở về nguồn gốc ấy của các dòng Tiếp Hiện. Như thế đạo Phật
đi vào cuộc đời mà không bao giờ bị khô cạn, bởi vì chất liệu luôn luôn được sáng
tạo và tiếp nối. Từ Thể Nhập để rồi đi sang Tiếp Hiện, dòng đạo đức tâm linh sẽ
có mặt mãi mãi để thấm nhuần vào cuộc đời, làm cho cuộc đời hết khô cháy, làm
cho cuộc đời thêm đẹp thêm tươi.
Ai cũng nhận thấy hiện nay công
việc của Giáo hội tràn ngập, mọi ngành của Giáo hội trong xã hội đòi hỏi chuyên
viên và nhân tài một cách cấp bách. Số lượng những người có thể phụng sự hiện
nay không lên tới được một phần ngàn số lượng cần thiết về nhân sự. Vậy không
lý do gì mà Giáo hội lại không mở rộng giáo chế để đón mời người trí thức
chuyên viên, văn nghệ sĩ và thanh niên vào hàng ngũ phụng sự. Số lượng và khả
năng của giới tăng sĩ hiện tại đã biết không thể nào đáp ứng lại được nhu cầu
xã hội hóa đạo Phật, nhu cầu mỗi ngày thêm rõ rệt và cấp bách.
Có lẽ trong tình trạng cấp bách
hiện thời của đất nước và tôn giáo, những điều kiện để thu nhận ứng viên vào
các dòng Tiếp Híện có thể dễ dãi hơn. Thay vì học xong ban Cử nhân Phật học,
ứng viên có thể chỉ học xong vài chứng chỉ căn bản về lý thuyết và thực hành về
Phật học. Và kiến thức ấy phối hợp với khả năng chuyên môn sẵn có của ứng viên,
sẽ có thể làm căn bản cho mọi hoạt động phụng sự. Viện Tăng Thống sẽ quy định
thể thức thành lập các dòng tu Tiếp Hiện và Viện Hóa Đạo sẽ thực hiện theo
những thể thức ấy. Tất cả những thanh níên, trí thức, hoặc chuyên viên nào có
kiến thức hoặc về kinh tế, giáo dục, xã hội hay văn hóa mà muốn phụng sự tích
cực cho lý tưởng đạo Phật trong các dòng Tiếp Hiện sẽ ghi tên theo học các
chứng chỉ Phật học căn bản và cần thiết trước khi trở nên ứng viên của một
trong những dòng tu Tiếp Hiện. Tùy theo khả năng và nhu cầu họ ở lại trung ương
để gia nhập vào những hội đồng nghiên cứu và điều hành chương trình phụng sự
của các Tổng Vụ, hoặc đi thừa hành công vụ ở các địa phương cần thiết. Họ sẽ
làm việc bên cạnh và hợp tác chặt chẽ với những thanh niên phụng sự xã hội do Giáo hội gửi đi các tỉnh,
các quận, các làng.
Khi
đạo Phật đã được mang vào cuộc đời tận những hang cùng ngõ hẻm của nó thì ranh
giới giữa tôn giáo và cuộc đời sẽ bị xóa nhòa. Người tu sĩ Tiếp Hiện sẽ không
nghĩ rằng mình đang làm việc cho uy thế của Giáo hội mà chỉ nghĩ rằng mình đang
phụng sự cho cuộc đời bằng phương châm và tinh thần đạo Phật. Sự hòa hợp giữa
văn hóa, khoa học, tôn giáo do đó mới dần dần được thể hiện ngay trong lòng của
sự sống xã hội và các ranh giới mới có thể dần dần bị xóa bỏ.