Kết luận
Chúng tôi
đã can đảm nói ra những gì mà chúng tôi cho là cần thiết nhất và sẵn sàng nhận
chịu tất cả những búa rìu dư luận. Chúng tôi tin tưởng rằng tiếng nói phát tự
kinh nghiệm và khổ đau sẽ có giá trị truyền cảm của nó và ước mong trước hết sự
hưởng ứng và sự góp ý xây dựng của người trí thức và văn nghệ sĩ để mau chóng
tạo nên được không khí thuận lợi cho công trình hiện đại hóa đạo Phật.
Các bậc Thượng tọa hiện nắm giữ
vai trò lãnh đạo Phật giáo trong Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo có trách nhiệm
lớn trước đạo pháp và trước dân tộc, điều đó đã là hiển nhiên. Nhưng tất cả
chúng ta, những yêu mến đạo Phật cũng có trách nhiệm rất lớn. Đạo Phật bao hàm
rất nhiều tiềm lực lớn lao để xây dựng và giải phóng dân tộc ra khỏi tình trạng
chậm tiến của xã hội ta về mọi phương diện. Đạo Phật là gia tài chung của cả dân
tộc cho nên các bạn cũng như chúng tôi phải có bổn phận bảo vệ và xây dựng. Xin
hãy can đảm nói lên nhận thức của mình, và sẵn sàng đem trái tim khối óc của
mình ra phụng sự.
Đối với cấp Giáo hội, tin tưởng
ở tinh thần tự do truyền thống của đạo Phật, chúng tôi xem tập sách này như một
bản điều trần được viết ra bằng thiện chí xây dựng. Sở dĩ chúng tôi viết thành
sách vì chúng tôi sợ nó sẽ lại nằm trong một đống hồ sơ dính bụi theo số phận
của những bản điều trần trước. Chúng tôi nghĩ có những công việc sau đây cần
được thực hiện:
1. Nghe ngóng và thu thập tất cả
những ý kiến xây dựng, dù là xây dựng dưới hình thức chỉ trích, bất cứ từ giới
nào.
2. Ngăn chặn đà thế tục hóa của
sinh hoạt giáo hội. Trang bị những tu viện Thể Nhập và thỉnh cầu các vị cao đức
xuất thế làm tu viện trưởng để tổ chức một nếp sống tu viện thật nghiêm chỉnh,
thanh tịnh, thuận lợi cho sự tu tập chứng ngộ. Phải có một giới tăng sĩ chuyên
tu, lấy đạt đạo làm mục đích.
3. Ban hành giáo chế mới để đón
nhận trí thức, thanh niên, văn nghệ sĩ và chuyên viên vào hàng ngũ những người
phụng sự. Xét lại các vấn đề giáo chế và giáo sản.
4. Thành lập những hội đồng
chuyên môn trong các Tổng vụ để nghiên cứu, hoạch định và điều hành kế hoạch
hành đạo: giáo dục, hoằng pháp, kinh tế, xã hội, văn học, nghệ thuật, thanh
niên v.v… Các hội đồng ấy sẽ thu nhận những nhà trí thức chuyên môn để làm việc
chung với các nhà Phật học.
5. Thành lập các trường Thanh
Niên Phụng Sự Xã Hội để đào tạo một thế hệ thanh niên lành mạnh hợp sức với
dòng tu Tiếp Hiện mang lý tưởng đạo Phật đi vào cuộc đời.
6. Chú trọng đặc biệt đến giới
thanh niên học tăng. Nâng đỡ trực tiếp thanh niên học tăng. Lập cơ sở học hành
riêng cho họ để khi tốt nghiệp họ có thể chọn hoặc con đường đi vào tu viện Thể
Nhập, hoặc con đường gia nhập những dòng tu Tiếp Hiện.
7. Tuyên bố để quốc dân và thế
giới biết rằng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đang thực hiện việc hiện đại
hóa đạo Phật để biến đạo Phật thành một nguồn sinh lực văn hóa mới cho cuộc
đời.
Có thể trong số các bậc Thượng
Tọa lãnh đạo Phật Giáo có vị sẽ than phiền rằng Giáo hội không có đủ điều kiện
tài lực cũng như nhân lực để thực hiện những điều mơ tưởng trên. Chúng tôi mạn
phép nghĩ rằng Phật giáo có những tiềm lực lớn lao cần được khai thác, và khi
đã khai thác, những tiềm lực ấy trở thành hiện thực không có gì là không làm
được. Điểm chủ chốt nằm trong vấn đề cách mạng giáo chế. Sự có mặt của giới trí
thức, văn nghệ sĩ và thanh niên trong hàng ngũ Phật tử chủ động sẽ giải quyết
được hết mọi khó khăn về vấn đề thiếu thốn chương trình và phương tiện thực
hiện. Chúng tôi nguyện cầu cho đạo Phật Việt Nam và cho dân tộc.
Tháng Giêng 1965