- CHUYỂN HÓA TÂM
- Nguyên tác Tây tạng: Shamar Rinpoche
- Dịch sang tiếng Anh: Anila Rinchen Palmo
- Việt dịch: Lục Thạch
PHẦN THỨ NHẤT
TRI THỨC VỤN VẶT
I.-Tâm ở gốc rễ của vô minh
Ai đã tạo ra thế gian? Sự sống từ đâu mà có? Nguyên nhân của đau khổ là gì, làm sao để diệt khổ và có hạnh phúc? Người có suy nghĩ, khác với người an phận vô minh, đã tự hỏi như vậy từ bình minh của loài người. Qua suốt dòng lịch sữ người ta thấy xuất hiện nhiều câu trả lời khác nhau tiếp cận tới một mức nào đó sự thật của sự vật như Đứùc Phật đã giảng dạy.
1.-Tư tưởng ngoài Phật giáo
a.- Lối tiếp cận không hữu thần
Ở Ấn Độ thời cổ, có ba trăm sáu mươi triết thuyết khác nhau, ngoài Phật giáo, trình bày nguyên nhân của thế gian. Trong số các học phái có phái "Samkhya" (Số luận) phái này cho rằng thế gian (hay vũ trụ vật chất) là một thành phần của đấng sáng tạo. Thế gian là tạo vật của một "nguyên lý", sự phối hợp cân bằng của ba điều sung sướng, khổ đau và trung hòa. Nguyên lý này có năm đặc tính: vĩnh cửu, độc nhất, không phải là vật chất bất động, vô hình và có khả năng vô ngại sản sinh những tạo vật của chính mình. Nguyên lý này là nguồn gốc của thế gian, thế gian là sự hoạt động của nguyên lý. Vậy thế gian là một phần của nguyên lý chứ không ở ngoài nguyên lý. Thuyết của phái Samkhya tiêu biểu cho niềm tin thế gian là một phần của đấng sáng tạo, và không có phân biệt với đấng sáng tạo.
Vật thụ tạo là tự ngã hay thực thể, sống và kinh nghiệm thế gian và rất khác nguyên lý. Chỉ có một tự ngã cho tất cả sinh vật. Tự ngã này giống như một tấm gương hai mặt, một mặt hướng ra ngoài, nhận hình phản chiếu của các hình thể mà nguyên lý đã hóa hiện, tự ngã bị xao động bởi những hình thể này tưởng chúng là thật và chịu ảnh hưởng của chúng. Những hình thể được hóa hiện này lừa dối tự ngã và làm cho tự ngã rơi vào trạng thái rối loạn, vô minh, với hậu quả là đau khổ. Do đó, thay vì từ bi, nguyên lý thực sự đã làm hại tự ngã.
Vì vậy các môn đồ của phái Samkhya được dạy quay tâm trí vào bên trong, không để cho mình bị lôi cuốn bởi các tạo vật của nguyên lý có tính lừa dối. Nếu làm được như vậy thì nguyên lý không thế nào lừa dối được tự ngã. Pháp tu tập chính của phái này là một loại thiền định rất giống pháp thiền định của Phật giáo, với kết quả tương tự: khi tâm tránh được sự thu hút của thế giới bên ngoài, nó sẽ an tĩnh và ổn định. Trạng thái an lạc này được coi là kết quả của sự "bối rối" của nguyên lý: không những tâm của hành giả an tĩnh, mà còn một điều nữa là nguyên lý dược dẫn dụ để tái nhập thế gian vào mình, do đó tự ngã thoát khỏi sự lừa dối của nó.
Giống như phương pháp thiền định, tất cả lối sống của các tín đồ Samkhya để làm giảm và sau cùng là loại trừ, ảnh hưởng của nguyên lý. Nếu còn tính tham dục là còn chịu sự chi phối của nguyên lý, vì vậy họ chú trọng sự dứt bỏ, phương tiện độc nhất để đạt giải thoát. Hành giả Samkhya ít ăn uống và sống đạm bạc nhất: y phục sơ sài hay không mặc gì cả (họ thường được gọi là "những người khỏa thân") và không có nhà ở cố định.
Có nhiều nhược điểm trong triết lý của phái Samkhya, tín đồ phải chấp nhận giáo lý bằng niềm tin không thôi. Còn nhiều câu hỏi không có giải đáp: "Do đâu mà có nguyên lý này? Tại sao lại chỉ có một tự ngã hay thực thể cho tất cả chúng sanh? Nếu chỉ có một tự ngã, tại sao khi một cá nhân được giải thoát, thì toàn thể tự ngã tức là toàn thể chúng sanh lại không được giải thoát cùng lúc?", và nhiều vấn đề khác. Nhưng phái Samkhya được coi là có quan niệm hay nhất trong các phái ngoại đạo vào thời Đức Phật, vì phái này nhận thấy rằng khi tự ngã chịu sự chi phối của ngoại vật thì sẽ không có giải thoát, và phương tiện để giải trừ sự lôi cuốn này là thiền định, làm giảm dần sự liên can của tâm trí vào thế giới bên ngoài. Về đề tài tâm, phái Samkhya sâu sắc hơn các phái triết học khác ở Ấn độ trong thời đó.
b.- Thuyết hữu thần
Thuyết hữu thần cho rằng thế gian là sản phẩm của môt vị thần sáng tạo. Nhiều giáo lý Ấn độ thời đó thuộc về học thuyết này. Chúng ta hãy xét chi tiết hơn về quan điểm và thực hành của các tín đồ của Ishvara, tiêu biểu cho những người theo học thuyết hữu thần.
Ishvara được coi là có tám đặc tánh: duy nhất, thường tồn, chuyển động, thiêng liêng, khả kính, thanh tịnh, sáng tạo và tự tại, vì vậy được gọi là đấng tối cao. Thế gian mà Ishvara tạo ra không phải là một phần bản thể của ngài hay sự hoạt động của ngài, như ý kiến của phái Samkhya. Tạo vật của ngài rất khác ngài, dù ngài có ảnh hưởng đối với nó. Ngài có quyền năng đưa lên thiên đường những ai ngoan ngoãn tuân phục, và cho xuống địa ngục tất cả những ai làm trái ý hay không làm vui lòng ngài.
Những việc làm chính yếu của các tín đồ Ishvara là thiêu những con vật hiến tế và những lễ vật khác để cúng vị thần của họ, thiền quán về hình tướng Ishvara và thực hành các pháp Du Già.
Giáo lý Ishvara chấp nhận chỉ bằng niềm tin và cũng còn nhiều điều chưa được rõ ràng. Khuyết điểm lớn nhất của triết thuyết này là không giải thích nguồn gốc của đấng sáng tạo có thể nêu ra những phản hiện sau đây về những đăïc tính được coi là của đấng sáng tạo: Ngài được coi là ổn định, hay thường hằng và cũng chuyển động, nhưng hai tính chất này loại trừ nhau, vì chuyển động có nghĩa là thay đổi. Sự thanh tịnh của ngài được định nghĩa là "yếu tính của từ bi", nhưng vì ngài có quyền năng đưa những người nào không làm ngài hài lòng xuống địa ngục, nên điều này không hợp với ý tưởng thanh tịnh, hay trong sạch của ngài. Còn nhiều thắc mắc khác về những quan niệm của thuyết Đấng Sáng Tạo.
Phái Samkhya cũng như các phái tin vào Đấng Sáng Tạo đã không thấy rằng gốc rễ của luân hồi và đau khổ là sự chấp giữ quan niệm về "ta" hay bản ngã. Vì không biết nguyên nhân thật của đau khổ, họ không thể diệt được đau khổ. Dù một số pháp thực hành của họ, như thiền định của phái Samkhya và thiền quán về Đấng Sáng Tạo, giống với các phương pháp tu tập của Phật giáo nhưng do quan niệm khởi thủy sai lầm, những phương pháp đó không thể thành công, họ đã đi sai hướng. Điều sai lầm này cũng có thể xảy ra cho Phật giáo Kim cương thừa. Người nào thực hành pháp quán tưởng mà không hiểu rằng Sắc tướng được quán tưởng là rỗng không, không có thực chất hay sự hiện hữu thực sự nào cả, thì người đó phạm cùng một sai lầm với các hành giả hữu thần. Trong Mật giáo, giai đoạn phát sinh của pháp quán tưởng phải luôn luôn được liên kết với giai đoạn thành tựu, nghĩa là hành giả phải hiểu Tánh Không hay Trí Huệ Bát Nhã. Nếu không hiểu vai trò chánh yếu của giai đoạn thành tựu và tự giới hạn trong giai đoạn phát sinh thì hành giả sẽ chỉ thực hành giống như một tín đồ của Ishvara Shantideva (Đạo sư Ấn Độ thế kỷ thứ tám nói nếu không nhận ra Tánh Không hay Trí Huệ Hoàn Hảo) thì tất cả các pháp Phật giáo cũng chỉ có kết quả như những quan niệm nói trên.
c.- Thuyết Hư vô
Thuyết Hư vô chối bỏ tất cả các quan niệm về nguyên nhân của thế gian. Tín đồ của thuyết này nói: "Mặt trời mọc, nước chảy xuống dốc, hạt đậu thì tròn, cái gai thì nhọn, đuôi công đẹp; những thứ này và tất cả những vật khác trong thế gian không do ai tạo ra cả, chúng tự nhiên mà có. Thái độ này bác bỏ hoàn toàn nhân quả và luân hồi, và do đó vô đạo đức, vì những hành động dù xấu hay tốt cũng không có hậu quả nào cả.
Trong tất cả các ý kiến thì đây là quan niệm kém hiểu biết nhất và chúng ta chỉ cần nhìn vào sự tác động của luật nhân quả trong thế giới quanh chúng ta là có thể phản bác được thuyết hư vô này. Nếu không có luật nhân quả thì mọi sự vật sẽ có quyền làm theo ý riêng của mình, người ta có thể trồng lúa mì, gặt lúa mạch, con người có thể sinh ra các loài thú và tất cả những việc khác. Vì sự thật không phải như vậy nên quan điểm trên có thể bị phản bác một cách dễ dàng. Đó là những học thuyết ngoài Phật giáo. Không có thuyết nào có thể làm cho các tín đồ thoát được đau khổ của luân hồi, vì tất cả các thuyết khác nhau này đều không biết tới nguyên nhân của khổ.
2.- Tư tưởng Phật giáo
Khác với các phái triết học nói trên, các phái tư tưởng Phật giáo nhận thấy rằng vô minh và ngã chấp là nguyên nhân và là động lực của luân hồi. Để giải thoát khỏi luân hồi cần phải trừ phiền não. Trong bốn phái chính yếu của tư tưởng Phật giáo, có những phái được coi là siêu đẳng, vì dù rằng cả bốn phái đều có những phương tiện để đạt giải thoát, nhưng không phải tất cả đều có tầm vóc cần thiết để có thể đưa hành giả của phái mình tới Phật quả viên mãn, hoàn hảo trong mọi phương diện.
a.- Phái Vaibhasika
Phái triết học Phật giáo Vaibhasika (Phái Nhất Thiết Hữu, Tỳ Bà Sa) dạy rằng tất cả các sắc tướng chỉ có thật theo nghĩa tương đối, thực tế tối hậu của chúng gồm những vi trần không thể chia nhỏ được, hay những nguyên tử theo nguyên nghĩa của nó là các nguyên tố đã tạo nên những vật chất đó là : đất, nước, lửa, gió và không gian (Akasha). Những hạt vi trần này có thật, nhưng không phải là vật được sáng tạo.
Cũng như thực tế tối hậu của những sắc tướng thuộc thế giới bên ngoài là hạt vi trần, thực tế tối hậu của tâm là "khoảnh khắc tâm trí" niệm khởi lên từng sát na (sát na tâm), hạt nguyên tử của tâm, một khoảnh khắc bất khả phân của tâm thức. Những khoảnh khắc niệm khởi này là có thật, nhưng sự bền vững của thức thì không. Tâm quá khứ đã qua, tâm tương lai chưa tới, vậy chỉ có khoảnh khắc tâm hiện tại là thật. Cái mà chúng ta gọi là dòng tâm thức chỉ là sự tổng cộng của những sát na niệm khởi. Vậy, hiện tượng tâm, cũng như những vật có tướng, chỉ có thật một cách tương đối, thực tế tối hậu của nó là phần tử bất khả phân "khoảnh khắc tâm" (sát na tâm).
Tất cả các phái Phật giáo đều cho rằng có đau khổ vì có sự hiểu lầm về liên hệ giữa tâm nhận biết và đối tượng được nhận biết. Tâm vô minh cho rằng nó và đối tượng mà nó cảm nhận là hai và phân cách với nhau. Sự phân biệt này có nghĩa là khi một vật được cho là đẹp xuất hiện thì tham dục phát khởi, còn đối với một vật không đáng ưa thì cảm giác ghét bỏ sinh ra. Với hai loại phản ứng ưa và ghét, tâm bị các cảm xúc quấy nhiểu, những vận hành của tâm lệ thuộc luật nhân quả, và do đó có đau khổ.
Những khác biệt giữa các phái Phật giáo là ở quan niệm về tính chất thật của liên hệ giữa tâm và đối tượng. Phái Vaibhasika cho rằng có sự liên hệ trực tiếp giữa lục thức và lục trần mà không qua trung gian nào cả. Phái Sautrantika phản đối ý kiến này.
b.- Phái Sautrantika
Theo phái Sautrantika (kinh Lượng), không thể có sự liên lạc trực tiếp giữa tâm và các phần tử thế giới bên ngoài, vì có sự khác biệt lớn về tính chất giữa hai bên. Tâm thì trong như thủy tinh và có ý thức. Thế giới vật chất thì chết và bất động. Tâm chỉ có thể nhận biết trực tiếp một vật gì có cùng tính chất với nó, vì vậy kiến thức về vật chất bên ngoài phải xảy ra với một tiến trình khác hơn là sự liên lạc trực tiếp giữa tâm và vật.
Theo ý kiến của phái Sautrantika, đối tượng vật chất là một hình ảnh được ghi nhận bởi tâm thức, hình ảnh này sẽ là hệ quả tự nhiên của sự hiện hữu các đối tượng đó, nó có thể được cảm nhận bởi tâm vì nó có cùng tính chất với tâm. Đối với vật có thật, nhưng sẽ là ẩn tàng đối với tâm nếu không có sự hóa hiện tâm lý mà nó sinh ra, có thể được nhận biết bởi tâm. Tâm coi sắc tướng này là thật, gây ra tiến trình ưa ghét, hành động và hậu quả, nên kết thúc với đau khổ như đã nói ở trên. Nên nhớ, đối vật không gây ra đau khổ, mà đó là do tâm bám giữ vào hình ảnh mà đối tượng sinh ra và cho rằng hình ảnh tâm lý này là có thật.
Giáo lý của cả hai phái Vaibhasika và Sautrantika có thể đưa hành giả tới quả vị La Hán. Qua phân tích tỉ mỉ thân và tâm vốn được nhận lầm là "ta", hành giả sẽ thoát ngã chấp do hiểu ra rằng tất cả những gì mình áp đặt lên ý tưởng "ta" đều là những phần tử tâm lý và vật chất vô ngã, không thể chứng minh được sự hiện hữu của cái "ta"mà y yêu quý, sự giác ngộ về tánh vô ngã này sẽ giúp hành giả sự hiện hữu của các phái này tránh được sự quấy nhiểu của các cảm xúc và đạt quả La Hán.
Thêm vào tiến trình phân tích này, phái Sautrantika hiểu rằng thân thể mà người ta bám giữ cũng phải là thân thể được làm bằng các hạt vi trần có thật, mà chỉ là hình ảnh tâm lý của nó, vậy càng không có lý do để coi nó là thật và nhận nó là "ta". Cả hai phái này dùng thiền định để làm cho tâm an tĩnh, rồi trong sự an tĩnh này hành giả thực hiện việc quán sát phân tích.
Vì hai phái này tin vào sự thật tối hậu của các hạt vi trần làm nên tâm và vật chất, sự liên lạc giữa hai bên trực tiếp hay gián tiếp tùy thuộc quan niệm riêng của mỗi phái, nên họ phải nói rằng sau khi tất cả chúng sinh đã giác ngộ thế giới bên ngoài không sự sống vẫn tiếp tục hiện hữu. Theo giáo lý Bát Nhã một quan niệm như vậy gây chướng ngại cho việc thực hiện Phật quả, vì quan niệm này tạo ra một tấm màn vô minh che mờ sự toàn giác. Nhưng khi hành giả của hai phái Vaibhasika và Sautrantika đạt quả La Hán, tâm không còn mê muội vì sự quấy nhiễu của các cảm xúc, thì người đó có thể chìm vào thiền định không dứt, do đó y sẽ nhận ra sai lầm của mình, sửa đổi quan niệm để vén lên tấm màn cuối cùng che phủ giác ngộ viên mãn.
Người ta có thể thắc mắc tại sao Đức Phật lại dạy những điều mà hai phái này chủ trương, nếu sự thật không có hạt vi trần nào hiện hữu thực sự, dù là vật chất hay tâm lý để tạo nên các sự vật ở các cõi vật chất và tâm lý. Lý do là giáo lý đó không thể thiếu đối với hạng người chưa sẳn sàng chấp nhận sự không thật của thế giới ngoài tâm. Dù không thể đưa hành giả tới giác ngộ trọn vẹn, thuyết vi trần này cũng có thể làm cho y loại bỏ được phiền não do các cảm xúc gây ra và đạt quả La Hán, lúc đó tri kiến biết của y sẽ phát triển tới chỗ y có thể chấp nhận sự thật về các đối vật ở thế giới bên ngoài và tiến dần tới Phật quả viên mãn.
c.- Quan niệm Đại thừa
Đối với hạng người nhắm thẳng tới giác ngộ trọn vẹn, Đức Phật dạy đầy đủ sự thật về tâm và thế giới vật chất.
Ngài giải thích rằng sự không hiểu biết của tâm về tính chất thật của chính mình làm phát sinh các cảnh giới và các loại chúng sanh sống trong các cõi đó. Do vô minh, tâm cho rằng có thế giới bên ngoài, phân cách với nó, mà thật ra thế giới chỉ là sự phóng chiếu của tâm. Vì vậy, thế giới không phải là vật hiện hữu như một phần bản thể của đấng sáng tạo ra nó, nó cũng không ở bên ngoài cũng không vừa ở trong vừa ở ngoài đấng sáng tạo của nó; nó cũng không hoàn toàn không có nguyên nhân. Nếu thế giới là một phần bản thể của đấng sáng tạo rao nó, thì nó đã hiện hữu rồi, không cần phải tạo ra nó lần thứ hai. Nếu nó ở ngoài đấng sáng tạo thì nó đã có sẳn để được gọi là ở "bên ngoài" đối với một đấng sáng tạo đã hiện hữu từ trước, vì làm sao có "anh" nếu không có "tôi" trước. Nếu nói rằng thế giới xuất hiện qua sự phối hợp của hai điều trên thì phạm hai nhược điểm đó. Còn về sự không nguyên nhân thì chúng ta đã nói rằng thuyết này là vô lý, vì chúng ta có thể thấy tận mắt sự phối hợp của cha mẹ đưa tới việc một đứa con được sinh ra, như cây lúa mọc ra từ hạt lúa.
Vậy thế gian là gì? Đức Phật dạy rằng thế gian được tạo thành bởi nhân duyên. Vật này tùy thuộc vào vật kia, và vật kia tùy thuộc vào một vật khác. Không có gì hiện hữu thật sự, vì một vật có thật phải là một hiện tượng tự hữu và độc lập. Vì vậy không có vấn đề tìm kiếm nguyên nhân của thế gian, vì nó không có sự hiện hữu riêng của nó. Thí dụ một cái nhà: không có "căn nhà" hiện hữu độc lập với tường, trần, sàn, v.v...
và những cái này cũng không hiện hữu độc lập với những thành phần kết hợp nên chúng. Cả một nguên tử nhỏ nhất cũng không hiện hữu độc lập với những thành phần của nó, dù là nguyên tử vật chất hay nguyên tử tâm lý. Không có thể xác hiện hữu độc lập với những thành phần của nó, không có tâm hiện hữu độc lập với những khoảnh khắc tâm lý của nó. Căn nhà, bức tường, hạt nguyên tử, tâm là có thật một cách tương đối, nhưng một cuộc khảo sát kỹ, rốt ráo sẽ cho thấy không có vật nào tự hiện hữu độc lập với những thành phần của nó, nó không có thực tế thật sự nào của chính mình.
Vậy có hai loại chân lý: chân lý tương đối (tục đế) vật gì có vẻ là thật, và chân lý tuyệt đối (chân đế) là cái gì có thật. Hai sự thật này không phải là một. Nếu hai sự thật này là một thì khi biết cái này sẽ tự động biết cái kia. Không phải là một, vì chúng ta có thể vẫn không biết chân lý tối hậu trong khi đã biết chân lý tương đối của một vật nào đó. Nhưng hai loại chân lý này cũng không hoàn toàn khác biệt và độc lập với nhau, vì chúng không thể phân cách nhau, lý do đơn giản là chân lý tuyệt đối của một vật là tính chất thật của nguyên lý tương đối của nó. Chúng ta không thể nói chân lý tương đối là giả, vì hình tướng của một vật là rất thật, giống như hình phản chiếu trong gương hay một ảo ảnh do một nhà ảo thuật tạo ra là có thật. Nhưng vì nó không có yếu tính riêng của nó, tức là không có ý nghĩa theo quan điểm của chân lý tối hậu, nên cũng sai nếu nói rằng chân lý tương đối là thật.
Chúng ta có thể hiểu thế gian phát sinh từ tâm bằng hai cách. Có thể trực tiếp qua thiền định và các pháp khác có hiệu lực giảm vô minh tới mức tâm có thể nhận ra tính chất và sự vận hành của chính nó. Việc thực hành các phương pháp này hoàn toàn tùy thuộc nổ lực của hành giả, chứ không do sự giúp đở của một đạo sư. Một loại hiểu biết khác kém hơn, nhưng cần thiết cho những người vẫn còn vô minh ngăn che sự hiểu biết trực tiếp, đó là tri thức phát xuất từ suy luận và lý luận để nhận định giá trị của các lý thuyết (nhân minh học hay luận lý học). Qua việc nghe giảng và nghe tranh luận, rồi suy ngẫm về những điều đã nghe. Chúng ta có thể suy luận rằng thế gian được sinh ra từ tâm. Loại tiến trình tìm hiểu này giống như ngắm bóng mình trong gương để biết mình đẹp hay xấu. Chúng ta không trông thấy bộ mặt thật của mình mà chỉ thấy hình phản chiếu của nó, nhưng chúng ta cũng có thể nhận xét đúng. Một ví dụ khác, chúng ta có thể suy luận là có lửa khi chỉ trông thấy khói. Loại hiểu biết gián tiếp này đủ để giúp chúng ta dùng trong lúc đầu, vì nó là căn bản cho việc thiền quán dẫn tới sự hiểu biết trực tiếp tính chất thật của sự vật.
II.- Thế giới hiện tượng của Tâm
Trong sự nhận biết có hai thành phần: chủ thể nhận biết và vật được nhận biết. Hiển nhiên là có sự liên quan giữa hai bên, vì có hiệu ứng của các đối tượng trên tâm. Đối tượng xinh đẹp sinh ra tham muốn, đối tượng không hấp dẫn gây ra ghét bỏ và đối tượng trung tính mang lại sự vô tâm. Vậy, hoặc tâm và các đối tượng có cùng tính chất chính yếu, hoặc có một liên hệ nhân quả giữa hai bên, như liên hệ giữa khói và lửa.
Phái Sautrantika đã nói rằng tâm muốn nhận biết một vật gì thì vật đó phải có cùng tính chất với tâm. Nếu đối tượng có bản thể là vật chất thì làm sao tâm có thể nhận biết? Tâm phi vật chất và vô tướng, tính chất của nó không thể diển tả được, vì nó không có hình dạng, mầu sắc hay cái gì khác. Do sự khác biệt hoàn toàn về tính chất của vật chất và phi vật chất nên không có vấn đề liên lạc giữa hai bên. Thị giác không bao giờ có thể liên lạc với hình dạng, thính giác và các giác quan khác cũng không liên lạc với các đối tượng. Sự khác biệt về tính chất này cũng loại trừ liên hệ nhân quả. Hoàn toàn khác tính chất thì làm sao các đối tượng vật chất có thể xuất hiện như kết quả của tâm, hay làm sao tâm lại có thể được sinh ra bởi vật chất?
Vậy chỉ có một kết luận: đối tượng chính là tâm thức, như vậy những vấn đề trên không hiện hữu. Tuy nhận biết đối tượng vì chúng là sản phẩm của tâm, và tâm có thể sinh ra tâm. Thí dụ trong giấc mộng: nếu một người mơ thấy con ngựa, người đó có thể cảm nhận con ngựa, vì nó là vật do tâm tạo. Nó được sinh ra bởi tâm và có cùng tính chất với tâm. Cũng vậy, tất cả những đối tượng khác nhau và những cảm giác về chúng được nạp vào dòng tâm thức đều do tâm tạo.
Nếu xét kỹ hơn chúng ta sẽ thấy thuyết thế giới vật chất được tạo bằng các hạt bất khả phân là không thể chấp nhận được, vì những hạt này không thể có thật. Một "nguyên tử" được định nghĩa là phần tử nhỏ nhất, tới mức không thể được chia nhỏ hơn. Một vật có tính chất không thể phân chia được khi nó không có kích thước gì cả, nhưng như vậy làm sao các nguyên tử có thể gắn vào nhau để tạo ra những khối lớn? Vì không có kích thước, một nguyên tử không có bề mặt hay khía để một nguyên tử khác gắn vào nó, hoặc trực tiếp, hoặc bởi sự trung gian của một lực nào đó. Các phần tử tâm, các khoảnh khắc tâm trí được coi là tạo nên tâm cũng có thể được phản bác bằng cách này. Vậy thuyết nguyên tử là vô lý.
Chúng ta khó có thể chấp nhận ý tưởng thế giới vật chất được làm bằng các hạt tử . Thí dụ, một cái nhà là một tập hợp những hạt tử bằng đá, xi măng và những vật khác. Một đứa trẻ trên bãi biển xây một tòa lâu đài bằng những hạt cát. Đối với tâm vô minh thì sự vật có vẻ như vậy, nhưng sự thật không phải như vậy. Tâm vô minh rối loạn, hay sai lầm thì giống như cái tâm trong mộng tưởng sự vật đang diễn ra là thật. Trong giấc mộng về một đứa trẻ xây lâu đài cát trên biển, thì cả tòa lâu đài lẫn những hạt cát đều không có thật; chúng chỉ có vẻ là thật đối với tâm mê muội trong mộng. Cũng vậy, theo chân lý tuyệt đối thì các vật hình như được làm bằng các hạt tử, nhưng theo chân lý tuyệt đối thì không có đối tượng của các cảm giác nào là có sự thật vật chất.
Khi nói về các đối tượng cảm giác, chúng ta phải nhớ rằng tâm cũng có khả năng riêng của nó với sự nhận biết này kiến lập ý niệm từ thông tin mà tâm nhận được qua năm khả năng cảm giác kia (nhãn thức, nhĩ thức v.v...). Những đối tượng của tâm hay ý thức (thức thứ sáu) thì được gọi là "Pháp", một pháp trong trường hợp này được định nghĩa là một sự vật gì có thể được nhận biết bởi khả năng tâm. Thí dụ sau đây cho thấy sự liên quan giữa một trong năm cảm giác và ý thức.
Khi trông thấy một cái ly, trước hết cái ly là một hình thể tự lộ diện với khả năng thị giác; nó được nhận ra là một hình thể (nhưng chưa là một cái ly) bởi nhãn thức và nó được truyền tới ý thức như một pháp (một hiện tượng). Ý thức sẽ ghi nhận nó và tâm bắt đầu tiến trình loại trừ để có ý niệm về đối tượng cần được biết này. Do có kinh nghiệm quá khứ, tâm có thể nhận ra rằng hình ảnh mà nó nhận được không phải là một cái chén, một cái muỗng hay một cái gì khác, mà là một cái ly. Khi đã nhận xét và gọi tên đối tượng, tâm biết hình ảnh được truyền bởi nhãn thức là một cái ly.
Vậy ý thức và sự biết của ý thức có chức năng ý niệm hóa các vật đối tượng và cảm nhận chúng là vật này hay vật kia bằng cách phân biệt một vật với những vật khác. Ý thức cũng đánh giá các đối tượng, phán xét chúng là đáng ưa thích, không đáng hài lòng, hay trung tính, từ đó sinh ra những phản ứng tham muốn hay tránh né.
Sự nhận biết của năm cảm giác kia không liên can gì tới việc ý niệm hóa này, chúng chỉ biết về sắc, thanh, hương, vị, xúc. Vì vậy việc ý niệm hóa của ý thức chịu trách nhiệm cho sự cảm nhận thế giới quanh chúng ta. Thí dụ, cọp cái chỉ có tính chất hấp dẫn đối với con cọp đực, chứ không với một người hay một con vật nào khác, vì sự hấp dẫn đó phát sinh từ việc ý niệm hóa từ ý thức của con cọp đực.
Vậy, thế giới quanh chúng ta được vẽ lên bởi hoạt động ý niệm hóa của tâm.
III.- Tâm thức không có thật
Chúng ta đã nhận xét rằng không có vật chất nào hiện hữu độc lập, dù nó nhỏ như hạt tử hoặc lớn như quả núi. Vạn vật chỉ hiện hữu một cách tương đối, trong sự tương quan với những vật khác. Nếu có trái, ắt có phải; không có trái thì không có phải. Nếu không có nóng thì không thể có lạnh, không có dài thì không có ngắn, không có "ta" thì không có "người".
Do đó, nếu không có đối tượng biết thật, thì không thể có cái gì thật để biết đối tượng đó: Nếu đối tượng của cảm thức không có thật, thì tâm cảm nhận nó cũng không có thật. Những khoảnh khắc tri thức tạo nên tâm không có thực tế độc lập nào cả. Sự hiện hữu của những khoảnh khắc tri thức này tùy thuộc vào các đối tượng của chúng: Nếu không có âm thanh thì không có nhĩ thức hay thính giác, v.v...Thế giới bên ngoài được phát họa bởi sự biết bằng quan niệm hóa của ý thức, nhưng cả sự biết đó cũng không có sự thật độc lập nào của riêng nó. Cả sự biết lẫn đối tượng của nó đều không thật và không là gì khác hơn những sự phóng chiếu của tâm thức. Tâm là nguyên nhân của mọi sự vật, nhưng tâm không có thật theo bất cứ ý nghĩa nào.
IV.- Tám thức
Việc ý niệm hóa của tâm vô minh, rối loạn sinh ra thế giới, và thế giới này chỉ hiện hữu một cách tương đối và không độc lập mà tùy thuộc nhân duyên, hay nguyên nhân và điều kiện. Những nguyên nhân và điều kiện này gồm tám loại tri thức, trong đó căn bản thức là nhân tố chính yếu, có tính cách quyết định.
Căn bản thức (Alaya, A-lại-da thức, tạng-thức) là điều kiện căn bản cho sự sản sinh các giác thức nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý và cảm xúc thức mà nó phóng chiếu ra. Cảm xúc thức hay mạt-na thức là ý thức chịu sự tác động của các cảm xúc. Cả tám thức này đều có cùng yếu tính, dù có vẻ khác nhau, giống như những làn sóng trên mặt nước đều có tính chất nước. Các loại ý thức này chỉ khác nhau ở chức năng, tùy thuộc tính chất của đối tượng mà chúng cảm nhận.
1.- Năm cảm giác (Tiền ngũ thức)
Những điều kiện cho sự cảm nhận của tâm thuộc thế giới bên ngoài, là năm đối tượng cảm giác (ngũ trần): sắc, thanh, hương, vị. xúc. Bên trong chúng là năm giác quan với các khả năng cảm nhận. Khả năng cảm nhận không phải là toàn thể giác quan, mà chỉ là phần cảm giác của nó và được làm bằng một loại vật chất rất tinh tế, có công dụng làm nổi bậc đối tượng để ý thức có thể biết về đối tượng.
Mỗi loại cảm giác liên quan tới khả năng cảm giác đó chứ không tới giác quan như một toàn thể. Người ta có mắt là giác quan để nhìn, nhưng khi khả năng thị giác trong mắt bi hỏng, thì sẽ không còn có thị giác nữa.
2.- Ý thức hay Tâm khoảnh khắc
Khả năng cảm giác của tri thức về các vật đối tượng để biết về chúng, được gọi là tâm khoảnh khắc, và chất cảm giác tinh tế của nó có tính chất tâm.
Nó được gọi là tâm khoảnh khắc vì nó xảy ra mỗi lần một hành động biết của tâm bắt đầu hay ngừng lại. Vào chính lúc này tri thức diễn ra. Phải có một khoảng cách giữa tri thức và đối tượng để tri thức có thể diễn ra. Điều này cũng giống như khoảng cách giữa mặt người và mặt gương để người có thể nhìn thấy bóng mình trong gương. Tâm khoảnh khắc là khoảng cách giữa tri thức và đối tượng. Nhưng nó không trống không, mà là một vật có tính tâm thức, có thể liên lạc với tâm thức vì nó là tâm thức. Qua thiền quán, tâm thức còn có thể nhận biết khả năng cảm giác của chính mình hay ý thức (thức thứ sáu). Sáu khả năng cảm giác (lục căn), sáu tri thức vụn vặt (lục nhập) thuộc về chúng, và sáu đối tượng (lục trần) kích thích chúng, tất cả đều phát xuất từ căn bản thức và tan biến trở lại thức này vào lúc cuối cùng, như sóng nổi trên mặt nước rồi nhập trở lại nước. Tất cả những thành tố này là những sự phóng chiếu của tâm thức, kể cả những đối tượng cảm giác vốn không có thực tế cụ thể nào. Thêm nữa, những thành tố này không hiện hữu độc lập, mà chỉ có thể hiện hữu tùy thuộc nhau. Liên hệ tương thuộc của các tiến trình cảm giác xảy ra như thế nào? Từ thời vô thủy, nhũng tập quán vô minh của chúng ta để lại những dấu vết được chứa trong căn bản thức (Alaya, tạng thức). Căn bản thức không biết tính chất thật của mình nhận lầm căn bản thức và thân thể cùng tâm trí (năm uẩn) là bản ngã, là "ta". Niềm tin này gây ra các cảm xúc phiền não và các cảm xúc này quy định hành vi của chúng ta. Những hành động của chúng ta lệ thuộc luật nhân quả, để lại những dấu vết, hay thiên hướng được chứa trong căn bản thức cho đến khi chúng chín và sản sinh trường tri thức tương ứng với thiên hướng đó. Thí dụ căn bản thức chứa tiềm năng của sự trở thành con người, khi tiềm năng này chín thì từ căn bản thức sẽ phát sinh sáu khả năng cảm giác, sáu đối tượng và sáu tri thức vụn vặt của một kiếp người.
Căn bản để chúng ta nhận thức thế giới là tri thức vụn vặt của ý thức, hay trí khoảnh khắc vì chính ý thức ý niệm hóa những đối tượng được cảm nhận bởi năm giác quan phân biệt chúng với nhau, rồi chấp giữ chúng hay loại bỏ chúng. Đây là một loại tham dục. Một loại tham dục khác là của cảm xúc thức, có tính chất giống như của ý thức, nhưng sự tham dục của thức này diễn ra theo một cách hơi khác.
3.- Mạt-Na thức (thức thứ bảy)
Mạt-na thức là thức bị quấy nhiễu bởi các cảm xúc và nó bám vào ý tưởng tự ngã. Nó là thành phần của tâm có khả năng suy nghĩ và cho rằng "ta hiện hữu" và "ta tốt hơn và quan trọng hơn người khác". Đây là tư tưởng rất sai lầm, vì không có bản ngã nào trong căn bản thức cả. Ý tưởng về sự hiện hữu của một cái ta làm phát sinh một cảm xúc gây phiền nhiễu cho tâm. Mạt-na thức cũng là nguồn gốc của sự kết hợp được gọi bằng thuật ngữ "Các hành vô thường", là những sự kết hợp tạo nên vạn vật có tính sinh diệt của thế giới hữu vi. Cho rằng năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức của thân và tâm là thật và là tự ngã, tâm tạo ra các hành không có thật và do đó có thể được giải trừ bằng cách tìm hiểu thực chất của chúng.
Tóm lại, ý thức hay tâm khoảnh khắc là nguồn gốc của tri thức vụn vặt hay phàm trí. Ý thức là điều kiện của sự phát sinh các trạng thái cảm xúc của tâm, và do đó làm cho tâm bị mờ ám, nên cũng được gọi là ô nhiễm thức.
4.- Căn bản thức (A lại da thức)
Căn bản thức là nơi huân tập các chủng tử nghiệp đã tạo ra từ trong quá khứ cho đến khi chúng chín mùi. Thức này giống một mảnh đất để gieo hạt giống, là căn bản và chỗ trụ cho toàn thế giới quanh ta, vì thế giới chính là sự hoạt động của bảy thức nói trên, mà chính thức này phát xuất từ căn bản thức.
Tất cả những hoạt động của bảy thức đó để lại những chủng tử tốt hay xấu được chứa trong căn bản thức, nhưng căn bản thức có tính vô ký, không biết tới tốt hay xấu. Căn bản thức giống như biển, còn các chủng tử nghiệp giống như hơi nước từ mặt biển bốc lên khi chúng thành thục. Bảy thức giống như mưa rơi xuống đất, thành sông chảy về biển để rồi lại bốc hơi.
Căn bản thức là thức tái sinh từ kiếp này sang kiếp khác. Khi một kiếp người chấm dứt, trong cõi Bardo tiếp theo, căn bản thức lại phóng chiếu ra sáu thức cùng với Mạt-na thức (ngã chấp), để sống trong cõi trung giới này. Khi trạng thái Bardo chấm dứt, một lần nữa từ căn bản thức phát xuất các khả năng cảm giác và các đối tượng, để chiếm giữ trạng thái kế tiếp, kiếp sống mới.
Căn bản thức cũng được gọi là tri thức có điều kiện, vì để hiện hữu nó phải tùy thuộc vào bảy thức kia. Theo thí dụ về biển nói trên, biển sẽ không hiện hữu nếu không có sự bốc hơi, mưa và sông, cũng vậy, căn bản thức không thể hiện hữu nếu không có hoạt động của bảy thức kia và những chủng tử nghiệp của chúng để lại trong căn bản thức. Khi tâm giác ngộ về tính chất thật của mình và do đó không còn vọng niệm nữa, khi đó hoạt động của bảy thức được hóa giải và chúng chấm dứt. Cùng lúc đó căn bản thức cũng tiêu diệt.
Điều quan trọng phải hiểu rằng căn bản thức là một hiện tượng tùy thuộc các hiện tượng khác. Nếu căn bản thức có thể tự hiện hữu không cần có hoạt động của bảy thức thì như vậy nó chính là Nguyên lý của phái Samkhya, và giáo lý của Đức Phật sẽ không khác học thuyết của phái này.