Hạnh phúc khắp quanh ta
NGUYÊN MINH
30/12/2553 04:22 (GMT+7) Kích cỡ chữ:
CUỘC SỐNG QUANH TA
HẠNH PHÚC CHO MỌI NGƯỜI
Có ai đó đã từng nói rằng: “Hạnh phúc là sự vắng mặt của những khổ
đau.” Câu nói này có vẻ như thật dễ chấp nhận mà không gây ra bất cứ sự
tranh cãi nào, bởi nó thể hiện một cách rõ ràng tính cách tương đối của
cuộc sống mà không ai trong chúng ta lại không dễ dàng nhận thấy.
Nhưng nếu nhìn sâu vào vấn đề, phát biểu nêu trên quả thật chẳng mang
lại chút ý nghĩa tích cực nào, bởi nó hoàn toàn mang tính cách của một
nhận xét bàng quan. Hơn thế nữa, nhận xét trên còn có thể xem là hết
sức bi quan khi có vẻ như người nói đã mặc nhiên chấp nhận một sự thật
không mong muốn. Từ cách nhìn này, người ta chỉ có thể mong đợi những
phút giây gọi là hạnh phúc nhưng hoàn toàn không biết được chúng từ đâu
đến hoặc có thể đạt được chúng như thế nào. Tuy nhiên, điều không may
là tính chất tiêu cực và bi quan này lại dường như mô tả đúng với những
gì đang diễn ra trong cuộc sống của hầu hết chúng ta.
Thật ra, những điều nêu trên hoàn toàn có những nguyên nhân sâu xa của
nó. Một khi chúng ta không làm chủ được chính mình trong mỗi tư tưởng
và hành động, thì tính chất tùy tiện, phụ thuộc vào thời vận của những
gì mà chúng ta nhận được là điều tất nhiên không sao tránh khỏi.
Nhìn từ khía cạnh vật chất, chúng ta sẽ dễ dàng nhận rõ vấn đề hơn. Khi
bạn thực hiện một công việc mà không nắm chắc được sẽ làm như thế nào,
cũng không nắm chắc được các yếu tố tác động vào công việc, điều tất
nhiên là bạn không thể biết chắc được về kết quả công việc. Chẳng hạn,
một nông dân không thể biết chắc việc thu hoạch sẽ ra sao nếu không
hiểu rõ về phương pháp chăm sóc cho từng loại cây trồng, không hiểu rõ
về giống cây trồng, về thời tiết, đất đai... và tất cả những yếu tố
liên quan đến vụ mùa.
Về mặt tinh thần, vấn đề có thể là trừu tượng, khó nắm bắt hơn, nhưng
cũng tương tự như thế. Mỗi một tư tưởng, hành vi khác nhau của chúng ta
mang lại những kết quả khác nhau cho tinh thần, tác động khác nhau đến
tâm trạng của chúng ta. Nếu chúng ta không hiểu rõ hoặc không quan tâm
đến điều này, những gì chúng ta đạt đến về mặt tinh thần tất nhiên là
sẽ không sao nắm chắc được, cũng như chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể
làm chủ được tâm trạng của mình.
Từ rất xa xưa, những trí tuệ lớn của nhân loại đều đã sớm nhận ra điều
này. Vấn đề mà các bậc thầy về tư tưởng đã để lại cho chúng ta không
phải là cách thức làm sao để tạo ra được nhiều của cải vật chất, tiền
tài danh vọng... mà là những phương thức để có thể tự chế phục được
chính mình, hiểu rõ và nắm chắc được những gì mình làm. Bởi vì, các vị
ấy biết rõ rằng chỉ bằng cách này con người mới có thể đạt được hạnh
phúc thật sự trong cuộc sống. Khổng tử nói: “Thắng được người khác là
có trí, thắng được chính mình mới là mạnh mẽ.” (Thắng nhân giả trí, tự
thắng giả cường.) Trong kinh Pháp cú, đức Phật dạy:
“Dù ở bãi chiến trường,
Thắng ngàn ngàn quân địch,
Không bằng tự thắng mình,
Thật chiến thắng tối thượng.”
Tất cả các tôn giáo đều dạy người “làm lành, lánh dữ”. Điều này như một
nguyên tắc căn bản nhất để đạt đến cuộc sống tinh thần tốt đẹp hơn, cho
dù mỗi người có thể hiểu mục đích của việc này theo cách không giống
nhau. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều chỉ nghĩ đến những kết quả xa xôi
trong tương lai mà ít khi thấy được rằng chính những gì đạt được trong
hiện tại mới là dụng ý của người xưa.
Sự phân biệt “lành” và “dữ” là một cách phân chia rõ nét và dễ hiểu
nhất để chỉ rõ những gì là “có lợi” và “có hại” cho tinh thần. Khi
chúng ta làm một việc lành, tâm hồn chúng ta thanh thản, an vui. Khi
chúng ta làm một điều ác, trong lòng chúng ta bứt rứt bất an. Mức độ
tác động cụ thể của từng sự việc có thể khác nhau, nhưng về mặt nguyên
tắc chung, chúng ta có thể hiểu nôm na về những điều lành, điều dữ là
như thế. Điều lành giúp ta đạt đến tâm hồn thanh thản, nghĩa là có lợi.
Ngược lại, điều dữ dẫn ta đến tâm trạng nặng nề, bất an, nghĩa là có
hại.
Nhưng nói như thế là chúng ta đã đơn giản hóa vấn đề để cho mọi việc
trở nên dễ hiểu. Trong thực tế, những hành vi, tư tưởng của chúng ta
phức tạp hơn nhiều, và có vô số những sự việc, ý tưởng mà chúng ta có
thể sẽ băn khoăn không biết nên xem là lành hay dữ, hoặc thậm chí có
thể là chẳng thuộc về bên nào cả. Nói cách khác, ta không xác định được
chúng là có lợi hay có hại cho ta về mặt tinh thần.
Khi chúng ta hiểu đúng về tác động của mỗi hành vi, tư tưởng đối với
tinh thần, tâm trạng của chúng ta, đồng thời làm chủ được mọi hành vi,
tư tưởng của mình, chúng ta sẽ có thể chọn lọc chỉ suy nghĩ và làm
những gì có lợi. Và điều đó tất yếu sẽ mang lại cho chúng ta một tâm
trạng an vui, hạnh phúc.
Nguyên tắc này nghe có vẻ vô cùng đơn giản, nhưng việc thực hiện thật
ra không đơn giản chút nào. Để hiểu đúng về tất cả những hành vi, tư
tưởng và tác động của chúng, ta cần có một trí tuệ sáng suốt và quá
trình học hỏi không ngừng. Để làm chủ được mọi hành vi, tư tưởng của
chính mình, ta cần có một ý chí mạnh mẽ và quá trình rèn luyện lâu dài.
Hai yếu tố này sẽ đòi hỏi nỗ lực của cả một đời người để vươn đến.
Nhưng chúng mang lại những kết quả tốt đẹp cho mỗi chúng ta ngay trong
quá trình học hỏi và rèn luyện, vì thế chúng hoàn toàn xứng đáng để ta
theo đuổi.
Nhưng tính chất đơn giản của vấn đề như vừa nêu trên cho chúng ta thấy
được là bất cứ ai trong chúng ta cũng có quyền hướng đến một cuộc sống
hạnh phúc. Và điều đó hoàn toàn không phụ thuộc vào xuất thân của mỗi
người. Người giàu và người nghèo, da màu hay da trắng, tôn giáo này hay
tôn giáo khác... tất cả đều có cơ hội như nhau trong việc đạt đến hạnh
phúc trong cuộc sống. Bởi vì, như chúng ta đã thấy, những yếu tố để có
được hạnh phúc luôn sẵn có nơi mỗi con người. Vấn đề chỉ là chúng ta có
biết vận dụng để theo đuổi mục đích này hay không mà thôi.
Những gì chúng ta sẽ bàn đến trong tập sách này sẽ không đi ngoài
nguyên tắc trên. Nhưng chúng ta sẽ xem xét đến từng khía cạnh một cách
cụ thể, sao cho nó có thể thực sự trở thành vấn đề của mỗi người trong
tất cả chúng ta mà không phải là một cái gì đó quá xa vời. Chúng ta sẽ
tìm hiểu một cách chi tiết về việc những tư tưởng, hành vi sẽ chi phối
như thế nào đến yếu tố tinh thần, tâm trạng của chúng ta. Chúng ta sẽ
bàn đến những phương thức có thể vận dụng để rèn luyện, chế phục thân
tâm, giúp chúng ta dần dần đạt đến sự tự chủ hoàn toàn trong mọi hành
vi, tư tưởng của chính mình. Nhưng quan trọng hơn hết, chúng ta sẽ nhận
rõ một điều là mọi nguyên tắc hay phương thức được nêu ra vẫn chỉ là lý
thuyết, và việc thực hành để đạt đến kết quả cụ thể vẫn là công việc
của mỗi người.
Cuộc sống ngắn ngủi của chúng ta đang trôi qua. Mỗi giây phút đều có
hàng ngàn con người được sinh ra trong thế giới này. Một số trong đó
chỉ sống được vài ngày hay vài tuần rồi chết đi vì bệnh tật hay những
điều không may khác. Một số khác sẽ có một đời sống lâu dài hơn, nếm
trải đủ các mùi vị mà cuộc sống mang lại: thành công, thất bại, niềm
vui, nỗi buồn, oán hận, yêu thương... Nhưng cho dù chúng ta có sống
trong một ngày hay kéo dài một thế kỷ thì vấn đề trọng tâm vẫn luôn đặt
ra là: Mục đích của đời sống là gì? Sống như thế nào mới là có ý nghĩa?
Như trên đã nói, hạnh phúc không phải là một đặc ân dành riêng cho bất
cứ ai, mà là một món quà đi kèm theo với đời sống của tất cả chúng ta.
Mỗi người đều có thể đạt đến và cảm nhận được hạnh phúc chân thật trong
cuộc sống quý giá này, miễn là chúng ta thực sự mong muốn điều đó và có
nỗ lực đúng hướng. Sống và tận hưởng mọi giá trị chân thật của đời
sống, đó chính là tất cả những gì mà mỗi người trong chúng ta đều nhắm
đến.
NIỀM VUI - NỖI BUỒN
Chúng ta vui hay buồn, hài lòng, thỏa mãn hay buồn bực, bất mãn, những
điều ấy có vẻ như hoàn toàn phụ thuộc vào những gì mà chúng ta đạt được
trong cuộc sống. Những gì chúng ta mong muốn và những gì chúng ta thực
sự có được dường như chính là yếu tố quyết định tâm trạng của chúng ta.
Tôi nói dường như, là bởi vì hầu hết mọi người đều tưởng là như thế.
Trong nghề nghiệp, chúng ta mong muốn có thu nhập cao. Một sự tăng
lương bất ngờ có thể sẽ làm ta vui sướng, hài lòng. Chúng ta mong muốn
một chiếc xe mới. Khi dành dụm đủ để thực sự mua được nó, chúng ta vui
sướng, thỏa mãn... Nhiều và rất nhiều những chuyện tương tự như thế có
thể kể ra trong cuộc sống của mỗi chúng ta, và những giây phút vui
sướng, thỏa mãn theo cách đó thì dù ít hay nhiều mỗi chúng ta đều đã
từng nếm trải.
Tương tự như thế, chúng ta buồn bực, bất mãn khi sự việc diễn ra không
như mong muốn. Tài sản mất mát, thất nghiệp, thi hỏng... đều có thể là
những nguyên nhân mang lại đau buồn cho chúng ta. Và cứ như thế, niềm
vui, nỗi buồn của chúng ta gắn chặt với những gì xảy đến cho ta trong
đời sống.
Nhưng vấn đề sẽ khác đi nếu chúng ta thử nhìn lại và phân tích mọi việc
trong một toàn cảnh, với một cái nhìn khách quan và bao quát. Mỗi một
niềm vui theo cách như trên đều không bao giờ kéo dài mãi mãi. Bạn sẽ
vui vẻ được bao lâu sau ngày được tăng lương? Có thể một vài ngày...
hoặc một vài tuần, nhưng chắc chắn không thể là mãi mãi. Bạn sẽ buồn
bực bao lâu sau khi thi hỏng? Có thể là một vài tuần... hoặc một vài
tháng, nhưng cũng chắc chắn không thể là mãi mãi. Vì thế, phương thức
tác động của những sự việc làm cho chúng ta vui hay buồn có thể mô tả
tương tự như những gợn sóng lan ra khi chúng ta ném một hòn sỏi xuống
mặt nước phẳng lặng. Ta nhìn thấy chúng trong một thời gian rồi mất
dần, mất dần. Cuối cùng, mặt nước sẽ trở lại với trạng thái phẳng lặng
ban đầu.
Mỗi người chúng ta đều có một mặt nước phẳng lặng trong tâm hồn để trở
lại sau những vui buồn xôn xao trong cuộc sống. Đây là trạng thái tâm
hồn của mỗi chúng ta vào những lúc “không vui không buồn”. Trong giao
tiếp, ta vẫn thường dễ dàng nhận ra điều này và gọi đó là “tính nết”,
là “bản chất”... mặc dù những từ này chưa phải là chính xác. Có những
người bản chất lạc quan, vui vẻ, gặp ai cũng sẵn sàng nở rộng nụ cười
làm quen; ngược lại, có những người bản chất cau có, gắt gỏng, dù không
có nguyên nhân gì cũng dễ dàng nặng lời với người khác...
Nếu chúng ta dành thời gian để quan sát từng người quen của mình, ta sẽ
thấy mỗi người đều có một “bản chất” khác nhau, không ai giống ai. Cũng
chính do nơi sự khác biệt về “bản chất” này mà mỗi người chịu sự tác
động khác nhau từ những sự kiện trong đời sống. Cùng một sự việc như
nhau có thể làm cho một người này đau buồn, suy sụp nghiêm trọng trong
khi với một người khác lại có thể dễ dàng vượt qua trong thời gian rất
ngắn.
Tác động của những sự kiện khác nhau trong đời sống đối với chúng ta là
điều có thật, nhưng đó không phải là tất cả. Và chúng ta cũng đã xét
đến mối tương quan giữa tác động của sự việc với cái tạm gọi là “bản
chất” của mỗi người. Tác động của sự kiện chỉ là tạm thời, và hầu hết
những sự kiện xảy ra liên quan đến rất nhiều yếu tố không nằm trong sự
chủ động của chúng ta. Trong khi đó, bản chất là yếu tố thường tồn
trong mỗi chúng ta và ta có thể làm chủ được nó. Vì thế, vấn đề thiết
thực nhất đối với chúng ta là thay đổi bản chất chứ không thể đòi hỏi
thay đổi sự kiện.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy dường như có sự tác động của yếu tố di
truyền đến bản chất tự nhiên của mỗi người. Người ta đưa ra nhận xét
này khi khảo sát nhiều cặp song sinh với các điều kiện nuôi dưỡng và
môi trường xã hội hoàn toàn khác biệt nhau nhưng vẫn có những nét rất
giống nhau về bản chất. Tuy nhiên, vẫn chưa có một kết quả nghiên cứu
chính thức cụ thể nào về sự việc. Và ngay cả khi yếu tố di truyền có
một tác động nhất định nào đó đến bản chất con người, thì đó cũng chỉ
là một trong rất nhiều yếu tố khác. Trong số các yếu tố đó, quan điểm
sống được hình thành từ các điều kiện giáo dục và môi trường sống đóng
một vai trò quan trọng. Và quan trọng hơn nữa là những tác động có định
hướng mà chúng ta có thể thực hiện bằng vào những phương thức rèn
luyện, tu dưỡng để hoàn thiện bản chất của chính mình. Chúng ta sẽ trở
lại vấn đề này trong một chương khác.
KHUYNH HƯỚNG SO SÁNH
Sự hài lòng, thỏa mãn của chúng ta trong cuộc sống không chỉ chịu ảnh
hưởng đơn thuần từ tính chất của sự việc xảy đến cho ta. Có những người
hài lòng với mức lương tháng 800.000 đồng, trong khi có những người
khác lại không hài lòng với mức lương 2 triệu mỗi tháng. Vậy những yếu
tố nào tác động đến nhận thức và mức độ thỏa mãn của chúng ta?
Cảm giác hài lòng của chúng ta chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ bởi khuynh
hướng so sánh hai sự việc. Khi chúng ta so sánh tình trạng hiện tại với
quá khứ và thấy là tốt hơn, chúng ta thấy vui thích. Chúng ta cũng
thường chú ý đến chung quanh và so sánh với những người khác. Bất kể là
chúng ta thu nhập đến mức nào, chúng ta thường có khuynh hướng không
hài lòng nếu như những người quanh ta có thu nhập cao hơn. Chúng ta đọc
thấy trên báo chí có những cầu thủ bóng đá than phiền một cách cay đắng
về mức lương hàng năm là 1 triệu, 2 triệu hay đến 3 triệu đô-la, vì họ
so sánh với mức lương cao hơn của những đồng đội khác. Khuynh hướng này
có vẻ như làm rõ thêm định nghĩa khôi hài nhưng chính xác của H. L.
Mencken về một người đàn ông giàu có: đó là người có thu nhập hằng năm
cao hơn 100 đô-la so với người anh em bạn rể của mình!
Nhận ra được điều này, chúng ta có thể loại bỏ được phần lớn những
trường hợp không hài lòng trong cuộc sống chỉ bằng vào việc thay đổi
khuynh hướng so sánh của mình. Dân gian có một câu nói rất hay thể hiện
được triết lý này: “Nhìn lên tuy chẳng bằng ai, nhìn xuống chẳng ai
bằng mình.”
Một thực tế là, cho dù chúng ta đang ở nấc thang nào trong xã hội, cũng
có không ít người kém may mắn hơn ta. Nhận ra được điều này sẽ giúp
chúng ta hài lòng với những thành quả hiện tại mang lại do chính những
nỗ lực của mình. Ngược lại, nếu ngước nhìn lên chúng ta cũng sẽ thấy
không ít những người giàu có, địa vị, quyền thế... hơn ta. Nếu chúng ta
hiểu được đó là một thực tế hiển nhiên, chúng ta sẽ không so sánh bản
thân mình với những người ấy để rồi cảm thấy bất mãn, không hài lòng.
Tất nhiên, cách hiểu này không phải là lý do để chúng ta từ bỏ những nỗ
lực hoàn thiện chính mình và vươn lên trong cuộc sống, mà chỉ là giúp
ta từ bỏ một khuynh hướng so sánh vô bổ vốn thường là nguyên nhân cướp
mất của ta rất nhiều giây phút vui tươi trong cuộc sống.
HẠNH PHÚC ĐẾN TỪ ĐÂU?
Với những điều vừa phân tích, chúng ta đã thấy rõ hai yếu tố mang lại
trạng thái hạnh phúc cho mỗi người. Đó là yếu tố tác động từ ngoại cảnh
và yếu tố tiếp nhận từ nội tâm. Chúng ta cũng thấy rằng yếu tố nội tâm
đóng vai trò quan trọng hơn, vì chúng ta có thể chủ động rèn luyện để
thay đổi theo hướng tốt hơn, đồng thời cũng là yếu tố có ảnh hưởng liên
tục và lâu dài đến trạng thái tâm hồn của chúng ta. Khi hoàn thiện nội
tâm đến một mức độ nào đó, chúng ta có thể giữ được tâm trạng an vui
hạnh phúc trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngay cả trước những biến cố bất
lợi nghiêm trọng nhất.
Tuy nhiên, đối với hầu hết chúng ta thì tác động của ngoại cảnh ở một
mức độ nào đó là không thể phủ nhận. Vì thế, để có được cuộc sống hạnh
phúc chúng ta cần có được những điều kiện ngoại cảnh thuận lợi nhất
định. Chẳng hạn, chúng ta cần có sức khỏe tốt, điều kiện mưu sinh ổn
định tối thiểu, môi trường tình cảm tốt đẹp với thân quyến, bạn hữu.
Tất cả những yếu tố đó đều góp phần trong việc mang lại cho ta một cuộc
sống hạnh phúc, và chúng không tự nhiên có được mà đòi hỏi sự nỗ lực
xây dựng của chúng ta. Nhưng trong mối tương quan với yếu tố nội tâm
thì tất cả những điều đó đều phải được xem là thứ yếu. Vì thế, chúng ta
cần phải chú trọng nhiều hơn đến sự rèn luyện, tu dưỡng tinh thần.
Nếu chúng ta biết vận dụng đúng hướng những gì mình có, chúng ta chắc
chắn có thể đạt đến một cuộc sống hạnh phúc hơn. Chẳng hạn, việc chia
sẻ khó khăn với những người chung quanh, giúp đỡ người hoạn nạn, nghèo
khó có thể làm chúng ta mất đi phần nào của cải vật chất, nhưng mang
lại cho chúng ta những giá trị tinh thần cao quý hơn, góp phần làm cho
ta có được cảm giác thanh thản an vui hơn. Mặt khác, tài sản của cải dù
tích lũy nhiều đến đâu cũng sẽ chẳng có ích gì nếu chúng ta triền miên
sống trong hận thù, căm ghét... Trong trường hợp này, sự giàu có không
thể giúp chúng ta được an vui thanh thản chút nào.
Sự an ổn trong tâm hồn là yếu tố quan trọng hàng đầu để có được một
cuộc sống an vui hạnh phúc. Như đã nói trong một phần trước đây, việc
“làm lành, lánh dữ” chính là một nguyên tắc căn bản bước đầu giúp chúng
ta dần dần đạt đến sự hoàn thiện tâm hồn. Thông thường, chúng ta có thể
diễn đạt quá trình này một cách cụ thể như sau:
Cách hiểu này không sai, nhưng nó chưa thực sự chính xác. Chúng ta nên hiểu theo như cách diễn đạt sau đây:
Khác biệt cơ bản trong hai cách hiểu này là ở chỗ, việc làm điều thiện
như một phương thức trực tiếp giúp chúng ta đạt được sự hoàn thiện tâm
hồn, không nhất thiết phụ thuộc vào kết quả của việc làm đó. Điều này
giải thích ý nghĩa của những việc thiện dù nhỏ nhặt nhưng mang lại hiệu
quả lớn lao, trong khi có những việc nhìn vào tưởng như rất to tát lại
chẳng có ý nghĩa bao nhiêu. Ý nghĩa việc làm phụ thuộc vào tâm ý, vào
lòng tốt của chúng ta khi thực hiện sự việc. Theo cách hiểu này, sự
hoàn thiện tâm hồn chính là mục tiêu nhắm đến khi chúng ta làm một việc
thiện. Tất nhiên là việc làm ấy đồng thời cũng mang lại một kết quả vật
chất cụ thể nào đó, nhưng điều đó không nhất thiết ảnh hưởng đến sự
hoàn thiện tâm hồn của chúng ta.
Như đã nói, việc “làm lành, lánh dữ” chính là một nguyên tắc bước đầu
cơ bản nhất. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả những gì chúng ta cần
biết trong việc hoàn thiện tâm hồn. Để tiến xa hơn nữa, chúng ta cần
tìm hiểu những phương thức chế phục, rèn luyện tâm ý để có thể đạt đến
một trạng thái tâm hồn thanh thản an vui trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Tất nhiên, đó là một mục tiêu đặt ra trong quá trình vươn lên, nhưng
đạt được đến đâu thì điều đó còn tùy thuộc vào sự nỗ lực tự thân của
mỗi người.
LÒNG HAM MUỐN VÀ SỰ HOÀN THIỆN
Lòng ham muốn là một trong những động lực chính trong cuộc sống bình
thường của mỗi chúng ta. Nhưng cũng giống như bất cứ loại năng lượng
nào khác trong đời sống, nó cần phải được kiểm soát và định hướng. Khi
bạn điều khiển một chiếc xe, sức mạnh của động cơ là một ưu điểm. Nhưng
hãy thử tưởng tượng vì một lý do nào đó chiếc xe bạn đang lái đột nhiên
bị chệch hướng lao ra khỏi lề đường. Khi ấy, điều tất nhiên là động cơ
càng mạnh thì tai nạn sẽ càng thảm khốc hơn. Cũng vậy, lòng ham muốn
một khi không còn nằm trong sự kiểm soát của lý trí và đi chệch hướng,
nó cũng sẽ gây ra những kết quả tai hại cho cuộc sống của bạn.
Nếu có ai đó hoàn toàn mất đi lòng ham muốn trong cuộc sống bình thường
này, người ấy sẽ không còn động lực để vui sống. Dường như ở bất cứ
thời điểm nào trong cuộc sống, mỗi người đều có một điều gì đó đang
theo đuổi, một cái gì đó mong muốn nhưng chưa có được. Trong từng
trường hợp cụ thể, điều mong muốn đó có thể là một căn nhà lớn hơn, một
công việc làm khá hơn, hay thậm chí chỉ là một bộ y phục tốt hơn...
Khi lòng ham muốn giữ vai trò như một chất kích thích, một động lực để
giúp ta vươn lên hoàn thiện những điều kiện hiện tại, nó có ý nghĩa
tích cực cho cuộc sống. Tuy nhiên, cũng có lúc lòng ham muốn trở thành
một ngọn lửa thiêu đốt trong lòng chúng ta, thúc giục ta làm bất cứ
điều gì, kể cả những điều phi lý để có thể đạt được một tham vọng nào
đó. Lúc ấy, nó trở thành một chất độc giết chết sự an vui thanh thản
trong tâm hồn chúng ta. Và khi chưa hóa giải được thứ chất độc ấy thì
mọi nỗ lực khác nhằm hoàn thiện tâm hồn đều sẽ là vô ích.
Để nhắc nhở về việc phải giới hạn đúng mức lòng ham muốn, Lão tử cũng
đã từng đưa ra lời khuyên “Ít ham muốn, biết đủ.” (Thiểu dục, tri túc.)
Điều quan trọng cần nói ở đây là, lòng ham muốn như một hố sâu không
đáy. Nếu bạn nghĩ rằng việc thỏa mãn những ham muốn hiện có sẽ mang đến
cho bạn sự hài lòng, bạn đã lầm. Ngay khi một nhu cầu nào đó được thỏa
mãn, một nhu cầu khác sẽ xuất hiện, và thường là lớn hơn nhu cầu trước
đó. Giả sử bạn đang phải trả tiền thuê nhà mỗi tháng, điều bạn mong
muốn có thể là mua được một căn nhà ở bất cứ nơi nào trong thành phố.
Nhưng một khi bạn thực sự mua được, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy không hài
lòng về vị trí căn nhà. Có thể bạn cho rằng nó quá xa nơi làm việc,
không thuận tiện cho việc học hành của con cái... Và như thế, một mục
tiêu theo đuổi mới sẽ hình thành. Bạn có thể tin chắc rằng, nếu bạn lại
thực sự may mắn mua được một căn nhà khác ở trung tâm thành phố, cũng
sẽ có hàng chục lý do khác nảy sinh để bạn cảm thấy mong muốn một căn
nhà khác...
Vì thế, cái vòng luẩn quẩn xoay quanh sự ham muốn và thỏa mãn chỉ có
thể được giải quyết bằng vào sự sáng suốt nhận ra và giới hạn trong một
phạm vi hợp lý, duy trì được mức độ vừa phải để lòng ham muốn thực sự
là chất kích thích cho những nỗ lực vươn lên của bạn. Trong chừng mực
này, bạn đang hướng đến sự hoàn thiện. Dù đó là sự hoàn thiện về các
điều kiện vật chất hay tinh thần, cũng đều có thể xem là xứng đáng với
những nỗ lực của bạn. Khi vượt quá mức độ hợp lý, lòng ham muốn sẽ bắt
đầu vắt kiệt dần năng lực của bạn để thỏa mãn nó, và bạn có thể gọi đó
là sự tham lam. Cho dù sự tham lam đó đang nhắm đến bất cứ mục tiêu
nào, nó cũng đều là là độc hại đối với cuộc sống của bạn.
Khó khăn của vấn đề nằm ở chỗ cần phải biết thế nào là mức độ hợp lý.
Đây chính là yếu tố mà Lão tử gọi là “biết đủ” (tri túc). Vì nhu cầu và
hoàn cảnh của mỗi người không ai giống ai, nên mỗi người phải tự biết
được mức độ giới hạn thích hợp của chính mình.
Khi bạn không “biết đủ”, bạn sẽ bị cuốn hút vào một cuộc chạy đua vô
vọng. Bởi vì sự tham lam đòi hỏi phải được thỏa mãn, nhưng chính sự
thỏa mãn cho một nhu cầu lại là điều kiện để sản sinh một nhu cầu khác
lớn hơn. Sự leo thang này tất yếu phải dẫn đến một mức độ mà năng lực
của bạn không thể vượt qua, bất chấp mọi nỗ lực. Khi đó, bạn sẽ phải
sống trong tâm trạng thất vọng, không thỏa mãn. Nói một cách khác, việc
thỏa mãn sự tham lam là một yêu cầu không thể làm được, bất kể là bạn
có năng lực đến đâu và nỗ lực đến mức nào.
Vì thế, phương thức hợp lý và khôn ngoan để đạt được tâm trạng hài
lòng, thỏa mãn không phải là đáp ứng tất cả những đòi hỏi của lòng ham
muốn mà là tỉnh táo nhận biết và giới hạn chúng ở mức độ hợp lý. Bạn có
thể đạt được điều này bằng vào việc biết đánh giá đúng và trân trọng
giá trị của những gì hiện có.
Cuộc sống tự nó đã là một món quà quý giá cho bất cứ ai đang hiện hữu
trong cuộc đời này. Chỉ cần nhận ra điều đó, bạn sẽ không phí công theo
đuổi những gì chưa có mà luôn biết cách hài lòng với những gì hiện có.
NHỮNG GIÁ TRỊ TỰ THÂN
Những người đang sống trong tâm trạng vui vẻ, hạnh phúc có thể chia
thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là những người tạm thời may mắn có được
hầu như tất cả những gì họ muốn. Sự giàu sang, danh vọng, quyền thế...
hoặc bất cứ điều kiện vật chất nào khác nữa. Nhóm thứ hai là những
người tạo được các giá trị tự thân nhất định giúp mang lại cho họ sự
hài lòng, thỏa mãn. Những giá trị tinh thần trong tự thân họ chính là
lòng tốt, sự cảm thông và sẵn lòng chia sẻ khó khăn với mọi người chung
quanh... Chính những điều này giúp cho họ biết trân trọng những gì mình
có, biết thương xót những người kém may mắn hơn mình, và do đó dập tắt
được lòng tham lam.
Nhóm người thứ nhất chỉ sống trong hạnh phúc tạm thời. Bởi vì sự may
mắn của họ không thể kéo dài. Có quá nhiều điều mong muốn nên họ không
thể lúc nào cũng được thỏa mãn. Lịch sử đã chứng minh ngay cả những bậc
vua chúa quyền uy tột đỉnh cũng chưa bao giờ được thỏa mãn tất cả những
gì họ muốn. Sự “thỏa mãn tất cả” nếu có cũng chỉ là một hiện tượng nhất
thời mà thôi. Vì thế, đối với nhóm người này, có thể nói là không có gì
đảm bảo cho hạnh phúc dài lâu của họ. Một khi các điều kiện vật chất
không còn nữa, họ sẽ rơi vào tâm trạng thất vọng, đau khổ vì không được
thỏa mãn những mong muốn của mình.
Nhóm người thứ hai đạt đến tâm trạng hài lòng thỏa mãn nhờ vào chính
những giá trị tinh thần tự thân của mình, nên họ không phụ thuộc vào
tính cách bấp bênh, tạm bợ của những điều kiện vật chất. Khi sống cuộc
sống đầy đủ, đã đành là họ được vui vẻ, nhưng ngay cả khi phải rơi vào
những điều kiện thiếu thốn, chật vật, họ vẫn có thể tự thích nghi mà
không thấy bất mãn với hoàn cảnh. Vì thế, hạnh phúc mà họ có được là
một thứ hạnh phúc chân thật, bền chắc.
Tuy nhiên, khi bạn tạo được những giá trị tự thân cho mình, điều đó
không ngăn cản bạn có được những thành tựu về mặt vật chất. Điều khác
biệt là, ngay cả khi bạn có được đáp ứng đầy đủ mọi điều kiện vật chất
thì bạn cũng không bị cuốn hút bởi chúng, vì bạn đã có được những giá
trị tinh thần trong chính bản thân mình. Nhờ đó, bạn có thể sử dụng
đúng đắn sức mạnh của vật chất để làm cho cuộc sống càng an vui hạnh
phúc hơn nữa.
Những giá trị tinh thần tự thân là điều mà bất cứ ai cũng có thể đạt
được, hay nói đúng hơn là luôn sẵn có nơi tất cả mọi người. Chỉ cần
hiểu đúng về những giá trị thực sự của đời sống, bạn sẽ tạo điều kiện
cho những giá trị tinh thần đó tự nó bộc lộ và phát triển. Khi bạn nhận
ra tính cách giả tạo và tạm bợ của những điều kiện vật chất, bạn sẽ sẵn
lòng chia sẻ chúng với những người chung quanh để đạt được những giá
trị tinh thần cao quý hơn. Do đó mà nảy sinh và nuôi dưỡng được lòng vị
tha, sự cảm thông sâu sắc với những khổ đau của người khác, cũng như
biết trân trọng cuộc sống quý giá của chính mình và mọi người.
HẠNH PHÚC VÀ SỰ THỎA MÃN
Để đơn giản vấn đề, từ trước cho đến lúc này chúng ta vẫn chưa phân
biệt rõ giữa hạnh phúc chân thật và sự thỏa mãn các dục vọng. Cho dù
hai trạng thái này có vẻ như giống nhau, nhưng chúng quả thật có những
khác biệt rất cơ bản. Sự phân biệt hai nhóm người trong phần vừa qua
cũng là một ví dụ minh họa cho những khác biệt này. Cho dù việc thỏa
mãn các điều kiện vật chất có thể mang lại cho chúng ta sự hài lòng,
sung sướng, thậm chí là khoái lạc tột cùng, tất cả những điều ấy chỉ là
giả tạm và không mang lại cho ta trạng thái hạnh phúc chân thật. Mặc dù
vậy, người ta rất dễ nhầm lẫn giữa hai khái niệm này.
Sự phân biệt giữa hạnh phúc chân thật và sự thỏa mãn lòng ham muốn là
điều kiện quan trọng để định hướng cho mọi tư tưởng và hành vi của mỗi
chúng ta. Nếu bạn nhắm đến hạnh phúc chân thật, tâm hồn bạn được hoàn
thiện và sự an vui hạnh phúc sẽ ngày càng bền vững hơn. Ngược lại, nếu
bạn nhắm đến thỏa mãn các đòi hỏi của lòng ham muốn, điều đó không giúp
hoàn thiện tâm hồn, ngược lại nó còn có tác dụng nuôi lớn thêm lòng ham
muốn của bạn.
Cùng là tâm trạng vui vẻ, nhưng niềm vui có được sau khi bạn làm một
điều thiện hoàn toàn khác biệt so với niềm vui khi được thỏa mãn một
nhu cầu vật chất. Có thể tạm xem hai trường hợp này như là sự khác biệt
giữa giá trị tinh thần và giá trị vật chất. Trong khi việc làm điều
thiện mang lại một giá trị tinh thần giúp nuôi dưỡng tâm hồn của bạn,
thì sự thỏa mãn một nhu cầu vật chất chỉ như một dấu ấn vật chất hằn
vào tâm hồn khiến cho nó càng bị phụ thuộc nhiều hơn vào vật chất mà
thôi. Nói cách khác, càng đắm sâu trong sự thỏa mãn vật chất, bạn càng
ít có điều kiện để hoàn thiện tinh thần.
Nếu chúng ta chạy theo việc thỏa mãn những ham muốn vật chất, thể xác,
không bao lâu chúng sẽ hủy hoại tất cả những giá trị chân thật vốn có
trong đời sống chúng ta. Ngược lại, nếu chúng ta luôn nhắm đến những
việc làm mang lại hạnh phúc chân thật, cuộc sống chúng ta sẽ trở nên
ngày càng thanh thản và an vui, hạnh phúc.
Khi cần thiết phải đưa ra một quyết định quan trọng trong cuộc sống, sự
phân biệt như trên sẽ giúp bạn đi đúng hướng. Một việc làm mang lại
niềm vui nhất thời vì nó đáp ứng lòng ham muốn sẽ không mang lại hạnh
phúc thực sự. Một việc làm mang lại niềm vui vì nâng cao được giá trị
tinh thần sẽ góp phần vào việc giúp bạn có được sự an vui hạnh phúc
chân thật và bền vững.
SỰ RÈN LUYỆN TINH THẦN
Chúng ta vẫn thừa nhận việc cần có những nhu cầu vật chất cơ bản để có
thể đạt được một cuộc sống hạnh phúc. Chẳng hạn, tối thiểu bạn cũng cần
có một chỗ ở ổn định, điều kiện mưu sinh đảm bảo, các nhu cầu sống hàng
ngày được đáp ứng... Tuy nhiên, trong tinh thần “biết đủ”, một khi
những nhu cầu cơ bản ấy đã được đáp ứng thì việc đạt đến một cuộc sống
hạnh phúc hay không sẽ hoàn toàn do yếu tố tinh thần của chúng ta quyết
định. Vì thế, điều tất yếu để đạt được cuộc sống an vui hạnh phúc là
phải có sự rèn luyện tinh thần.
Tinh thần không phải là một thực thể đơn giản, ngược lại nó phức tạp
hơn nhiều so với thế giới vật chất mà chúng ta có thể nhìn thấy hoặc sờ
mó được. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng có thể so sánh với những gì nhìn
thấy được trong thế giới vật chất để nói về tinh thần một cách đơn giản
và dễ hiểu hơn.
Chẳng hạn, trong thế giới vật chất có những sự vật rất hữu ích cho ta
và có những sự vật khác độc hại. Tương tự, cũng có những yếu tố tinh
thần có lợi, lại cũng có những yếu tố tinh thần vô cùng độc hại.
Để vận dụng tốt mọi sự vật, chúng ta cần hiểu biết tinh tường về những
tính chất có lợi hoặc có hại của chúng. Cũng vậy, khi nói đến việc rèn
luyện để hoàn thiện tinh thần thì điều trước tiên là phải biết phân
biệt những gì có lợi để trau giồi và những gì có hại để loại bỏ, hoặc
ít ra cũng là giảm thiểu dần đi.
Để hiểu đúng về tính chất có lợi hay có hại của các yếu tố tinh thần,
chúng ta cần học hỏi. Chẳng hạn như, chúng ta cần học hỏi để biết rõ
những cảm xúc và hành vi xấu ác tác động như thế nào đến tâm hồn chúng
ta, cũng như những cảm xúc và hành vi tốt đẹp giúp ích như thế nào
trong việc nuôi dưỡng và hoàn thiện tâm hồn. Mặt khác, chúng ta cũng
cần phải thấy được nhiều yếu tố xấu ác không chỉ tác hại đến bản thân
chúng ta, mà còn gây ảnh hưởng tai hại cho cả những người thân quanh
ta, hoặc cho cả cộng đồng xã hội; cũng như không chỉ trong hiện tại mà
còn có thể là lâu dài về sau.
Sự học hỏi này vô cùng quan trọng, vì nó định hướng và tạo ra động lực
cho sự rèn luyện tinh thần. Khi ta biết được những gì là có lợi và
những gì là có hại, ta có thể nhắm đến việc nuôi dưỡng những điều tốt
đẹp và loại bỏ dần những điều xấu ác để tâm hồn ta ngày càng hoàn
thiện, cho nên nói rằng đây là một sự định hướng. Khi ta hiểu biết đầy
đủ về những tác động có hại do các điều ác gây ra, ta mới có thể quyết
tâm loại bỏ chúng. Khi ta hiểu biết đầy đủ về những tác động có lợi do
các điều lành mang lại, ta mới có thể quyết tâm trau giồi, thực hiện
chúng. Sự hiểu biết càng sâu sắc, toàn diện thì quyết tâm càng mạnh mẽ,
bất chấp mọi khó khăn vẫn có thể thực hiện được. Cho nên nói rằng nó
tạo ra động lực cho sự rèn luyện tinh thần.
Sự oán hờn hay thù hận, căm ghét, sự ghen tức, ganh tị, sự tức giận, sự
tham lam... là các ví dụ tiêu biểu về những yếu tố tinh thần xấu ác.
Một khi ta chất chứa những điều này trong lòng, tâm hồn ta sẽ ngày càng
trở nên nặng nề, bất an. Chúng giống như những liều thuốc độc ngày đêm
ngấm ngầm làm hại tâm hồn ta, khiến cho ta mất đi sự sáng suốt, thanh
thản và an ổn. Chúng ta có thể bằng vào kinh nghiệm tự thân để phân
tích và nhận ra những tác hại này, và chúng ta cần phải làm như thế để
có thể tự mình cảm nhận mà không phải là chỉ biết được thông qua người
khác.
Về mặt tự thân, khi chúng ta căm ghét hoặc thù hận ai đó, những cảm xúc
này thôi thúc chúng ta phải bộc lộ ra bằng lời nói hoặc việc làm. Đồng
thời, chúng ta tự biết rõ một điều là những lời nói hoặc việc làm này
có tác dụng gây ra phản ứng không hài lòng từ phía đối tượng – cho dù
điều đó có thực sự xảy ra hay không. Vì thế, một mặt chúng ta chịu sự
thôi thúc phải nói ra hoặc hành động, một mặt phải luôn căng thẳng đề
phòng những phản ứng bất lợi do chính những lời nói hoặc việc làm đó
gây ra. Điều này khiến cho tâm trạng của ta luôn nặng nề, bất an và
không thể nào duy trì được sự sáng suốt, thanh thản.
Nhưng vấn đề không chỉ giới hạn trong phạm vi mỗi cá nhân, mà còn có
một sự tương quan tất yếu với môi trường chung quanh. Lấy ví dụ, khi
bạn chất chứa sự căm ghét hay thù hận trong lòng, những người chung
quanh sẽ cảm nhận được điều đó và thấy khó khăn hơn trong việc giao
tiếp thân thiện với bạn. Với đối tượng của sự căm ghét hay thù hận thì
vấn đề còn tệ hại hơn nữa, vì nó có khuynh hướng thúc đẩy một phản ứng
tương tự, nghĩa là họ cũng sẽ muốn đáp lại bằng sự căm ghét hay thù
hận. Và bạn có thể dễ dàng hình dung được cái vòng quay luẩn quẩn này
sẽ kéo dài như thế nào.
Lòng từ bi, đức nhân hậu, sự khoan dung... là những ví dụ tiêu biểu về
các yếu tố tinh thần tốt đẹp. Khi chúng ta phát khởi và nuôi dưỡng tâm
từ bi, mở rộng lòng yêu thương và đối xử tốt với mọi người chung quanh,
tâm hồn chúng ta cũng tự nhiên rộng mở. Chúng ta sẽ thấy việc giao tiếp
với những người chung quanh trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, vì sự cởi mở
này tất yếu sẽ khuyến khích những đáp ứng tốt đẹp từ những người mà
chúng ta giao tiếp. Và trong những môi trường giao tiếp như thế, chúng
ta cảm thấy không cần thiết phải che giấu hay sợ sệt, đề phòng người
khác, do đó mà tâm trạng của ta sẽ trở nên an ổn hơn, thanh thản, nhẹ
nhàng hơn. Những cảm giác như sợ sệt, nghi ngờ, thiếu tự tin và bất an
sẽ tự nhiên biến mất.
Điều này lại có khả năng tạo ra sự tin cậy của người khác đối với chúng
ta. Và do đó mà môi trường giao tiếp sẽ phát triển theo hướng ngày càng
tốt đẹp hơn. Lấy ví dụ, bạn muốn giao một công việc cho ai đó, ngoài
việc nắm chắc khả năng người ấy có thể thực hiện tốt công việc, bạn còn
cần phải có sự tin cậy vào người đó. Nếu không có sự tin cậy, ngay cả
khi đó là một người rất có năng lực, bạn cũng sẽ không thể yên tâm giao
phó công việc. Mặt khác, khi bạn giao một công việc cho ai đó với một
tâm trạng thiếu hẳn sự tin cậy, người ấy sẽ hoàn toàn có thể cảm nhận
được điều này và nó ngăn cản việc anh ta làm tốt công việc. Như vậy,
bạn có thể thấy rõ một điều là: sự tin cậy khuyến khích sự tin cậy, và
sự hoài nghi cũng tạo ra sự hoài nghi tương ứng. Nói cách khác, nó tạo
ra khoảng cách giữa những con người.
Việc nuôi dưỡng những yếu tố tinh thần tốt đẹp như lòng từ bi, đức nhân
hậu, sự khoan dung... chắc chắn sẽ làm cho tâm hồn chúng ta ngày càng
hoàn thiện hơn, mang lại cho chúng ta một cuộc sống ngày càng an vui
hạnh phúc hơn.
Nói tóm lại, những gì mà chúng ta vẫn thường gọi là điều thiện, điều
ác... thực ra chính là một cách giản dị hơn để chỉ đến những yếu tố có
lợi hay có hại cho tâm hồn. Tuy nhiên, theo cách hiểu này thì việc phân
biệt một yếu tố là có lợi hay có hại có thể là dễ dàng hơn vì nó tùy
thuộc vào sự cảm nhận và đánh giá của chính chúng ta, mà không nhất
thiết phải phụ thuộc vào bất cứ hệ thống chuẩn mực cứng nhắc nào. Mặt
khác, để đạt đến cuộc sống an vui hạnh phúc, những phương thức mà chúng
ta cần thực hiện chính là loại bỏ dần những điều có hại và nuôi dưỡng
những điều có lợi. Ý nghĩa của sự rèn luyện hay tu dưỡng tinh thần thật
ra cũng chỉ là gói gọn trong phát biểu đơn giản mang tính nguyên tắc
này.
Tuy nhiên, mặc dù nguyên tắc là như thế, nhưng để đạt đến những kết quả
thực sự, quá trình thực hiện đòi hỏi chúng ta phải có một sự hiểu biết
và thực hành toàn diện, cũng như cần phải trải qua những quãng thời
gian nhất định.
Chúng ta có thể tạm so sánh sự rèn luyện tinh thần với việc hoàn thiện
sức khỏe chẳng hạn. Để có được sức khỏe tốt, chúng ta cần đến rất nhiều
thứ trong chế độ ăn uống, không thể chỉ đơn giản là một, hai hay ba yếu
tố. Mặc dù có thể kể ra một số những yếu tố tiêu biểu như chất đạm,
chất béo, chất bột đường... nhưng trong thực tế chúng ta cần đến một sự
cung ứng toàn diện của rất nhiều yếu tố khác nữa, chẳng hạn như các
loại vitamin và khoáng chất, cũng như sự cân đối tất cả các thành phần
dinh dưỡng thích hợp cần thiết cho hoạt động của cơ thể.
Cũng vậy, tâm hồn chúng ta vô cùng phức tạp. Mỗi một giây phút ngắn
ngủi trôi qua, chúng ta sinh khởi trong tâm rất nhiều ý niệm hay tư
tưởng. Trong số đó, có những tư tưởng có lợi và những tư tưởng có hại
đan xen lẫn nhau. Chúng ta cần có sự sáng suốt hiểu biết mới có thể
phân tích và nhận rõ được.
Mặt khác, chúng ta không thể đòi hỏi bất cứ một chế độ dinh dưỡng hợp
lý hay phương thức luyện tập thể lực nào có thể làm thay đổi cơ thể
chúng ta ngay trong một sớm một chiều. Điều đó cần có thời gian. Cũng
vậy, không thể đòi hỏi một sự hoàn thiện tâm hồn ngay tức thời. Chúng
ta cần có sự thực hành kiên trì qua thời gian trước khi có thể đón nhận
được những kết quả tốt đẹp hoàn toàn. Thậm chí có nhiều thói quen xấu
đòi hỏi phải mất nhiều thời gian và nỗ lực rất lớn mới có thể xóa bỏ
được. Cũng như việc nuôi dưỡng những đức tính tốt đẹp hoàn toàn không
phải dễ dàng như khi chúng ta khoác lên một chiếc áo mới để làm thay
đổi vẻ ngoài của mình.
Tuy nhiên, ngay khi chúng ta bắt đầu đi đúng hướng, chúng ta có thể cảm
nhận ngay được những thay đổi tích cực diễn ra mỗi ngày trong tâm hồn.
Điều đó tạo cho chúng ta một sự lạc quan và tin tưởng vào tương lai,
ngay cả khi chúng ta biết rõ hiện tại mình vẫn còn rất nhiều điều chưa
tốt. Sự lạc quan tin tưởng này chính là động lực để chúng ta tiếp tục
hướng đến sự hoàn thiện tâm hồn.
Chúng ta không thể đòi hỏi bản thân mình hay bất cứ ai khác trong quá
trình rèn luyện tinh thần lại có thể xóa bỏ ngay tất cả những tư tưởng
căm ghét, thù hận hay tham lam, ghen tức... Những tư tưởng ấy đã bắt rễ
quá lâu trong tâm hồn chúng ta, việc loại bỏ chúng cần có thời gian và
những nỗ lực đúng hướng. Khác biệt cơ bản giữa một người đang rèn luyện
tinh thần với một người bình thường là biết nhận ra những tư tưởng độc
hại ngay khi chúng xuất hiện. Điều đó chặn đứng sự phát triển lớn mạnh
của chúng, cắt đứt mọi nguồn năng lượng tinh thần nuôi dưỡng chúng, và
do đó chúng sẽ tự nhiên phải tàn lụi đi. Mỗi một lần như thế, những hạt
giống xấu trong tâm hồn ta lại được loại trừ đi một phần. Do đó, với
quá trình tu dưỡng lâu dài, chúng sẽ ngày càng ít hơn cho đến khi trở
nên hiếm hoi và dứt hẳn.
Nhưng kết quả của quá trình rèn luyện tinh thần không những được cảm
nhận bởi tự thân mỗi người, mà còn có thể được quan sát thấy một cách
khách quan bởi các nhà khoa học hiện đại bằng vào những nghiên cứu mới
đây nhất. Kết quả nghiên cứu này cũng một lần nữa khẳng định rằng bất
cứ ai trong chúng ta cũng đều có khả năng rèn luyện tinh thần để đạt
đến một cuộc sống an vui hạnh phúc.
Cuộc thí nghiệm của các bác sĩ Avi Karni và Leslie Underleider được
tiến hành ở National Institute of Mental Health (Viện Sức khỏe Tinh
thần Quốc gia). Trong cuộc thí nghiệm này, các nhà nghiên cứu đã tiến
hành quan sát các đối tượng được yêu cầu thực hiện một công việc rất
đơn giản: liên tục dùng ngón tay gõ nhẹ vào một vật theo những chỉ dẫn
nhất định.
Bằng kỹ thuật scan hình ảnh não bộ, người ta xác định được vùng não
liên quan đến công việc này. Công việc được yêu cầu tiếp tục thực hiện
liên tục mỗi ngày kéo dài trong 4 tuần lễ, và những người tham gia đã
chứng tỏ là họ làm công việc đó ngày càng thuần thục và nhanh nhẹn hơn.
Kết thúc giai đoạn này, việc scan hình ảnh não bộ được thực hiện một
lần nữa và so sánh với lần trước đó. Kết quả cho thấy vùng não bộ liên
quan đến công việc mà đối tượng thực hiện đã được mở rộng.
Điều này chứng tỏ là việc tập luyện một công việc nào đó có thể giúp
tạo ra những tế bào thần kinh mới và thay đổi theo hướng hoàn thiện dần
đường dẫn truyền các tín hiệu não bộ có liên quan đến công việc được
tập luyện.
Tính chất quan trọng này của não bộ có vẻ như chính là điều kiện căn
bản về mặt thể chất cho khả năng chuyển hóa tinh thần của mỗi chúng ta.
Bằng vào việc sinh khởi những ý tưởng tốt đẹp và thực hành những phương
thức suy nghĩ tốt đẹp, chúng ta có thể làm thay đổi cụ thể cấu trúc các
tế bào não bộ và phương thức hoạt động của não. Cơ sở khoa học này cũng
giải thích vì sao sự chuyển hóa nội tâm cần phải bắt đầu với sự học hỏi
(đưa những tín hiệu mới vào não bộ) và kiên trì thực hành, rèn luyện
mới có thể dần dần thay đổi những trạng thái không tốt (cấu trúc não bộ
hiện thời) bằng những trạng thái tốt đẹp, hoàn thiện hơn (hình thành
các tế bào mới và cấu trúc mới).
Như vậy, chúng ta thấy rằng việc rèn luyện hay tu dưỡng tinh thần để
hướng đến một cuộc sống hạnh phúc không chỉ là một ý niệm trừu tượng mà
đã trở thành một khả năng rất cụ thể mà mỗi người trong chúng ta đều
sẵn có.
NHỮNG CHUẨN MỰC TINH THẦN
Sự rèn luyện hay tu dưỡng tinh thần sẽ trở nên cụ thể và dễ dàng hơn
nếu chúng ta xác định được những chuẩn mực tinh thần nhất định để tuân
theo. Những điều này giống như một thứ kỷ luật tinh thần mà việc tự
nguyện tuân theo sẽ giúp chúng ta đạt đến một tâm hồn hoàn thiện hơn.
Xuất phát từ những chuẩn mực này, mọi hành vi và tư tưởng của chúng ta
sẽ được xác định là có lợi hoặc có hại.
Mặc dù tất cả chúng ta đều mong muốn đạt đến một cuộc sống hạnh phúc,
nhưng chúng ta không thể tự nhiên có được điều đó. Chúng ta cần đến sự
học hỏi và rèn luyện. Xác định những chuẩn mực tinh thần để tuân theo
chính là một trong các phương thức hữu hiệu nhất để giúp chúng ta luôn
đi đúng đường mà không sợ lầm lạc.
Chính sự nhầm lẫn giữa những niềm vui hay khoái lạc nhất thời với hạnh
phúc chân thật lâu dài là nguyên nhân cơ bản nhất khiến cho chúng ta
không đạt đến một cuộc sống an vui thanh thản. Khi chạy theo những niềm
vui có được do sự thỏa mãn vật dục, chúng ta không biết rằng điều đó
nuôi dưỡng những điều xấu ác trong ta. Những chuẩn mực tinh thần giúp
ta phân vạch một cách cụ thể ranh giới giữa điều tốt và điều xấu, việc
nên làm và không nên làm, hay nói khác đi là những điều có lợi và những
điều có hại.
Trong thực tế, có những mức độ hạnh phúc khác nhau nên cũng có những
chuẩn mực tinh thần khác nhau. Để đạt được cuộc sống thanh thản, hoàn
toàn thoát tục, các vị tăng sĩ Phật giáo phải tuân theo những chuẩn mực
được quy định một cách cụ thể và hệ thống trong giới luật của người
xuất gia. Hệ thống giới luật này có thể giúp cho bất cứ ai cũng có thể
đạt được một nếp sống giải thoát ngay trong đời này, miễn là người ấy
có đủ quyết tâm để kiên trì tuân theo, không phạm vào bất cứ điều gì mà
giới luật ngăn cấm. Có thể nói đây là một hệ thống chuẩn mực rất tinh
vi, giúp cho người tuân theo nó sẽ chế phục được tất cả mọi hành vi và
tư tưởng của mình, ngay cả những cử chỉ thường ngày như đi, đứng, nằm,
ngồi như thế nào cũng đều được quy định rõ. Vì thế, việc giữ giới là
một phần quan trọng tất yếu không thể thiếu được trong đời sống của một
tăng sĩ, và là yếu tố cơ bản để giúp cho vị ấy đạt đến sự giải thoát
khỏi mọi ràng buộc thế tục.
Mặt khác, trong đời sống thế tục thông thường của mỗi chúng ta, cũng
cần có những chuẩn mực tinh thần để giúp chúng ta chế phục được hành vi
và tư tưởng của mình. Nói một cách dễ hiểu hơn, chúng ta cần nhận ra
một số những hành vi, tư tưởng nào đó là xấu ác, là có hại cho tinh
thần và tự nguyện cam kết sẽ không bao giờ sống buông thả theo những
hành vi, tư tưởng đó. Trong thực tế, sự tự chế này giúp ta hướng đến
cuộc sống an vui hạnh phúc hơn, và sự buông thả mọi hành vi, tư tưởng
tất yếu sẽ dẫn đến những khổ đau chất chồng trong cuộc sống. Bằng cách
này, khi chúng ta phân biệt được những điều nên làm và không nên làm,
chúng ta hình thành những chuẩn mực tinh thần cho cuộc sống của mình.
Một số chuẩn mực tinh thần được các tôn giáo vạch ra cho tín đồ. Một số
các chuẩn mực tinh thần khác được giáo dục cho mọi thành viên trong xã
hội thông qua hệ thống giáo dục. Cũng có những chuẩn mực tinh thần do
chính chúng ta đạt được bằng vào kinh nghiệm tự thân của mình. Cho dù
là thuộc về hệ thống chuẩn mực nào, tính chất nhất quán của tất cả
những chuẩn mực được vạch ra là phải giúp kiềm chế những hành vi, tư
tưởng xấu ác và phát huy những hành vi, tư tưởng tốt đẹp. Một chuẩn mực
tinh thần không đạt được tiêu chí này sẽ không đáng để tuân theo, vì nó
không mang lại lợi ích nào cả.
Việc xác định cho chính mình những chuẩn mực tinh thần để tuân theo là
một bước khởi đầu tất yếu để chúng ta bước lên con đường hướng đến cuộc
sống hạnh phúc. Thông qua việc hoàn thiện dần hệ thống các chuẩn mực
của chính mình, chúng ta tác động một cách tích cực vào việc kiểm soát
các hành vi, tư tưởng của bản thân, loại trừ được những điều có hại và
phát huy những điều có lợi, giúp hoàn thiện tâm hồn ngày một tốt đẹp
hơn.
NGUỒN HẠNH PHÚC BAN SƠ
Mặc dù có thể không phải tất cả chúng ta đều đồng ý với quan điểm “Nhân
chi sơ tính bản thiện”, nhưng trong phạm vi những gì đang được đề cập,
có thể xem đây là một quan điểm tích cực thể hiện đúng những gì diễn ra
trong nội tâm của mỗi chúng ta. Khi chúng ta tin rằng mọi người đều có
cơ hội như nhau trong việc đạt đến một đời sống hạnh phúc, chúng ta
cũng mặc nhiên thừa nhận một điều là mọi người đều sẵn có những bản
chất tốt đẹp, bởi vì chính những bản chất tốt đẹp là điều kiện để đạt
đến một đời sống hạnh phúc.
Phật giáo tán thành quan điểm này khi dạy rằng: “Tất cả chúng sinh đều
sẵn có Phật tánh.” (Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tánh.) Ở đây,
Phật tánh được hiểu là những nền tảng tâm linh tốt đẹp giúp chúng ta có
thể đạt đến một đời sống an lạc, giải thoát. Dựa trên những điều này,
có thể nói việc rèn luyện hoặc tu dưỡng tinh thần của mỗi chúng ta
chính là nhằm giúp bộc lộ, phát triển những hạt giống tốt đẹp vốn có từ
ban sơ của chính mình, mà không phải là đạt được từ môi trường bên
ngoài hay nhờ vào bất cứ ai khác.
Những quan sát trong thực tế cũng có thể cho thấy rằng bản chất tốt đẹp
vốn là điều tự nhiên sẵn có nơi mỗi chúng ta. Khi chúng ta vừa sinh ra
chẳng hạn, một cách tự nhiên chúng ta trìu mến ôm lấy bầu vú mẹ. Chúng
ta thực hiện việc đó để sống còn, nhưng không phải với bất cứ trạng
thái cảm xúc nào khác hơn mà chính là với sự yêu thương trìu mến. Và
cũng với một bản năng hoàn toàn tự nhiên, bất cứ người mẹ nào cũng hết
lòng yêu thương trìu mến khi ôm con trong vòng tay để nuôi nấng bằng
bầu sữa của chính mình. Không có tình yêu thương tự nhiên giữa mẹ và
con, mỗi chúng ta không thể tồn tại và lớn lên, cũng như loài người đã
không thể tồn tại cho đến ngày nay. Nếu nhìn rộng ra khắp muôn loài
trong thế giới động vật, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy những tình cảm
tự nhiên tương tự ở tất cả loài vật, cho dù ta có thể cho rằng chúng
kém hẳn về trí khôn để hiểu được ý nghĩa của tình cảm thiêng liêng này.
Mặt khác, cơ thể chúng ta cũng phù hợp một cách tự nhiên với những tình
cảm tốt đẹp mà không phải do bất cứ một sự rèn luyện nào. Khi chúng ta
yêu thương hoặc đạt được tâm trạng thanh thản, nhẹ nhàng, chúng ta cảm
nhận được những lợi ích rõ rệt về sức khỏe. Ngược lại, khi chúng ta căm
ghét, thù hận hoặc ghen tức... chúng ta cảm nhận rõ ràng những bất lợi
cho sức khỏe, thậm chí có thể là một sự suy sụp toàn diện về thể lực.
Điều đó nói lên rằng, con người vốn dĩ sinh ra để yêu thương nhau và
cùng sống trong hạnh phúc, không phải cho những mục đích hận thù hay
tham lam, ích kỷ...
Khi nhận rằng bản chất của mỗi con người vốn là tốt đẹp thì việc hướng
đến một cuộc sống hạnh phúc thật ra phải được hiểu là quay trở về với
nguồn hạnh phúc ban sơ của chính mình. Ngược lại, một cuộc sống xa rời
mục tiêu này chính là đi ngược lại tự nhiên và tất yếu sẽ phải đi dần
đến chỗ hủy diệt, tan rã.
Một số người có thể lập luận ngược lại, cho rằng bản chất tự nhiên của
con người vốn là xấu ác, với các biểu hiện như hung hãn, hiếu chiến,
tham lam... và chỉ thông qua sự giáo dục, rèn luyện hoặc tu dưỡng mới
có thể đạt đến sự tốt đẹp. Lập luận này có thể dựa vào chính những gì
đã diễn ra trong lịch sử loài người cũng như thực trạng hiện nay để
minh chứng. Qua đó, con người tỏ ra tham lam, hung hãn và hiếu chiến
hơn bất cứ loài động vật nào mà chúng ta đã từng được biết.
Hoặc cũng có thể cho rằng bản chất con người vốn dĩ sẵn có cả những yếu
tố thiện và ác, và tùy theo môi trường giáo dục, phát triển mà con
người sẽ nghiêng về sự tốt đẹp hay xấu ác...
Những lập luận ngược lại này cũng không phải là kém phần thuyết phục,
bởi chúng ta có thể dễ dàng nhận ra những tranh chấp, mâu thuẫn căng
thẳng luôn diễn ra quanh ta – thậm chí là rất nhiều –, ngay trong gia
đình cũng như ngoài xã hội, từ những cộng đồng nhỏ nhoi như trong thôn,
xóm... cho đến những bình diện rộng lớn hơn như trên cả nước hoặc thậm
chí là toàn cầu. Tuy nhiên, những điều đó không phải tự nhiên xảy ra,
chúng cần có những nguyên nhân tác động nhất định. Và quan trọng hơn
hết, chúng ta cần lưu ý đến thực tế này: Chúng ta hoàn toàn có thể vui
sống mà không cần đến những yếu tố xấu ác như sự tham lam, hung hãn...
nhưng chúng ta không thể vui sống được nếu không có tình yêu thương, sự
cảm thông... và các phẩm chất tốt đẹp khác trong tâm hồn. Bởi vì, khi
đó cuộc sống của chúng ta sẽ luôn nặng nề căng thẳng không một phút
giây nào thanh thản. Vì thế, có thể xác quyết rằng chính những phẩm
chất tốt đẹp trong tâm hồn mới chính là bản chất tự nhiên của mỗi chúng
ta.
Mặt khác, thể lực tự nhiên của con người vốn là yếu đuối hơn so với rất
nhiều loài vật trong tự nhiên. Để tồn tại và thậm chí là vươn lên khuất
phục tất cả muôn loài, từ những loài hung dữ và mạnh bạo như cọp, beo,
sư tử... cho đến những loài có sức mạnh và thân hình to lớn như trâu,
bò, voi, tê giác... con người phải hoàn toàn dựa vào trí thông minh của
mình. Sự phát triển trí thông minh là nhu cầu thứ yếu, nảy sinh trong
cuộc sống cạnh tranh giữa muôn loài và ngay cả giữa loài người với
nhau. Nhưng khi chúng ta không biết kiềm chế và định hướng đúng cho sự
phát triển này, nó sẽ vượt qua cả bản chất vốn có trước đây là lòng
thương yêu, sự cảm thông... và dẫn dắt chúng ta đến chỗ hủy hoại cuộc
sống của chính mình. Trong khi bản chất của con người vốn là tốt đẹp,
thì sự khôn ngoan mưu mẹo lại có ưu điểm giúp con người khuất phục được
muôn loài và cả những đồng loại kém khôn ngoan hơn. Điều này đưa đến sự
sai lầm khi không hiểu đúng về bản chất của cuộc sống. Thay vì hướng
đến một cuộc sống hạnh phúc an vui, người ta lại vận dụng sự khôn ngoan
mưu mẹo của mình để thỏa mãn những nhu cầu vật chất không giới hạn, và
khi điều này không còn cân đối với những phẩm chất tốt đẹp vốn có trong
tâm hồn, con người sẽ sa lầy vào cuộc sống bon chen, tranh chấp lẫn
nhau ngày đêm không ngừng nghỉ, đi xa dần nguồn hạnh phúc ban sơ vốn
sẵn có của mình.
Nhận ra điều này không phải là để quy lỗi cho trí thông minh của con
người về những điều xấu ác đang diễn ra trong cuộc sống. Thật ra, phải
thừa nhận rằng trí thông minh là một lợi thế mà tự nhiên đã ban tặng
riêng cho con người. Chỉ có điều là ta phải biết vận dụng nó đúng
hướng, và quan trọng hơn hết là phải chú trọng nhiều hơn đến phẩm chất
tốt đẹp trong tâm hồn để phát triển cả hai một cách cân đối, hài hòa,
thay vì là đánh mất đi bản chất tốt đẹp vốn có.
Khi thừa nhận rằng bản chất con người là những phẩm chất tốt đẹp trong
tâm hồn, chúng ta sẽ cảm nhận được những thay đổi lớn lao trong giao
tiếp với mọi người chung quanh. Chúng ta sẽ thấy dễ dàng tin cậy, yêu
thương và hòa hợp với người khác. Và điều này ngay lập tức làm cho cuộc
sống của chúng ta trở nên thanh thản và hạnh phúc hơn vì nó giúp giảm
bớt đi rất nhiều những căng thẳng không cần thiết.
MỤC ĐÍCH CỦA ĐỜI SỐNG
Mỗi người trong chúng ta có thể đặt cho mình những mục tiêu theo đuổi
khác nhau trong cuộc sống. Tuy nhiên, vì luôn sẵn có những phẩm chất
tốt đẹp trong tâm hồn nên mỗi chúng ta đều có thể và tất yếu phải đạt
đến một đời sống hạnh phúc. Có thể nói đây là mục đích cuối cùng của
đời sống, bởi vì cho dù chúng ta có theo đuổi bất kỳ một mục tiêu nào
đó thì chung quy cũng là để hướng đến một cuộc sống an vui hạnh phúc mà
thôi.
Khi xuất phát từ quan điểm này, chúng ta sẽ thấy rằng tất cả những gì
chúng ta cần làm trong cuộc sống thật ra chỉ đơn giản là cố gắng loại
trừ những nguyên nhân dẫn đến khổ đau – những yếu tố xấu ác – và phát
huy những yếu tố dẫn đến một đời sống hạnh phúc – những phẩm chất tốt
đẹp trong tâm hồn. Phương thức cơ bản nhất để giúp chúng ta làm được
điều này là phải có sự thường xuyên học hỏi, rèn luyện hay tu dưỡng
tinh thần, để có thể phát triển năng lực cảm nhận cũng như hiểu biết
đúng đắn về những gì là thực sự dẫn đến một cuộc sống hạnh phúc.
Mỗi người chúng ta đều chắc chắn đã có hoặc sẽ có một lúc nào đó rơi
vào tâm trạng mệt mỏi hay chán nản trước những biến cố dồn dập xảy đến,
hoặc những diễn biến quá phức tạp trong cuộc sống khiến cho ta có cảm
giác như không thể nào chịu đựng hoặc vượt qua nổi. Chính vào những lúc
này, nếu chúng ta biết nhớ lại và tự nhắc nhở chính mình về mục đích
cuối cùng của đời sống, chúng ta sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nhiều, vì điều
đó sẽ làm cho rất nhiều sự việc trở nên vụn vặt, không còn quan trọng
nữa.
Tùy theo từng trường hợp, chúng ta có thể nên dành ra một vài giờ, hoặc
thậm chí là một vài ngày để suy ngẫm về mục đích thực sự của đời sống.
Điều này sẽ giúp chúng ta tăng thêm sức mạnh và sáng suốt trong việc
đưa ra những quyết định đúng đắn để đối phó với hoàn cảnh khó khăn.
Chúng ta sẽ không quyết định nỗ lực nhằm đạt được điều này, điều nọ...
mà sẽ nhắm đến việc làm thế nào để có thể hướng đến một cuộc sống hạnh
phúc hơn. Đây là một khác biệt rất lớn quyết định sự thay đổi hành vi
của chúng ta, vì nó đảm bảo là chúng ta sẽ được hạnh phúc hơn chứ không
phải là tích lũy nhiều hơn bất cứ một giá trị vật chất nào. Định hướng
quan trọng này có giá trị giúp chúng ta tự tin và vững chãi trong cuộc
sống, như một con thuyền trên mặt biển mênh mông khi biết chắc được
hướng đi đúng sẽ không còn sợ bị trôi dạt vào những bến bờ vô định.
Trong thực tế, việc xác định mục đích cuối cùng của đời sống là một
quyết định khởi đầu quan trọng và có tính cách định hướng cho suốt
quãng đời còn lại của mỗi chúng ta. Nó không đảm bảo mang lại cho chúng
ta sự thành đạt hay bất cứ giá trị vật chất nào, nhưng chắc chắn sẽ tạo
ra những thay đổi lớn lao trong cuộc sống của chúng ta, bằng vào việc
làm thay đổi cách nhìn về đời sống cũng như làm thay đổi những phương
thức mà ta sẽ ứng xử, giao tiếp với người khác. Những thay đổi này
hướng chúng ta đến một cuộc sống an vui hạnh phúc hơn, ngay cả khi mà
chúng ta có thể không thành đạt lắm trong đời sống vật chất.
Khi chúng ta tiếp xúc với những người già, điều đó nhắc nhở ta rằng
thời gian đang trôi qua nhanh chóng. Chúng ta cần tự xét lại xem mình
đã sử dụng thời gian trôi qua trong cuộc đời của chính mình như thế
nào. Việc sử dụng thời gian có ý nghĩa rất quan trọng. Khi chúng ta
được mang thân xác và trí tuệ loài người như hiện nay thì mỗi giây phút
trôi qua là vô cùng quý giá. Phần lớn chúng ta dành thời gian chìm đắm
trong những hy vọng tương lai, nhưng lại không có bất cứ điều kiện nào
có thể đảm bảo cho tương lai của ta cả. Thậm chí, chúng ta không thể
biết chắc được là liệu vào giờ này ngày mai chúng ta có còn tồn tại
trong thế giới này hay không. Vậy mà mọi việc làm của chúng ta vẫn cứ
dựa trên nền tảng của hy vọng. Lẽ ra chúng ta nên thiết thực sử dụng
một cách hiệu quả nhất từng giây phút hiện đang trôi qua của đời mình
thay vì là hướng về những hy vọng trong tương lai.
Cuộc sống liên tục trôi qua không dừng nghỉ. Mỗi một hành vi, tư tưởng
tốt đẹp sẽ là một phần đóng góp vào cho cuộc hành trình vươn lên cuộc
sống an vui hạnh phúc. Vì thế, cách tốt nhất để sống có ý nghĩa là hãy
cố gắng phục vụ con người và sự sống quanh ta bất cứ khi nào có thể.
Nếu không được như thế, hãy cố gắng đừng bao giờ làm tổn hại đến bất cứ
ai. Đây có thể xem là nguyên tắc khởi đầu cơ bản nhất để chúng ta tạo
ra một nền tảng chắc chắn nhằm xây dựng con đường đi đến một đời sống
an vui hạnh phúc.
Bản chất của mỗi con người chúng ta đều tốt đẹp, và vì thế ai ai cũng
sẵn có cơ hội để đạt đến một đời sống hạnh phúc. Đó chính là giá trị
chân thật nhất của đời sống, cũng chính là mục đích cuối cùng mà tất cả
chúng ta đều nhắm đến trong suốt cuộc đời này.
|