[02]
B.
Vô thường
"Các con nghĩ
thế nào,
này chư Tỳ-Khưu, sắc thường còn hay vô-thường?
- Bạch Ðức
Thế-Tôn,
vô-thường.
Thọ, Tưởng,
Hành, Thức
là thường còn hay vô-thường?
- Bạch Ðức
Thế-Tôn,
vô thường.
Những gì vô
thường là
lạc hay khổ?
- Bạch Ðức
Thế-Tôn,
đó là khổ".
"Những gì
vô-thường,
đau khổ và phải biến đổi, có hợp lý không nếu nói rằng:
Cái này của tôi, đây là tôi, đây là tự ngã của tôi?
- Bạch Ðức
Thế-Tôn,
không hợp lý".
"Như vậy,
bất luận
sắc nào, Thọ, Tưởng, Hành, Thức nào, dầu ở quá khứ, hiện
tại, hay vị lai, dầu ở trong hay bên ngoài ta, thô kịch hay
vi-tế, thấp hay cao, xa hay gần, những vật ấy phải được
thấu hiếu đúng theo thực tướng của nó và với trí-tuệ
thật sự: Cái này không phải là của tôi, cái này không phải
là tự-ngã của tôi". (Samyutta Nikãya, Tạp A Hàm, XXII, 59)
Vào một buổi
hoàng-hôn
quang đãng, khách ngồi trên bãi biển ngắm cảnh mặt trời
đang lặn. Cả một vùng trời vàng ửng óng ánh soi mình trong
những ngọn sóng đua nhau bỏ vòi trên mặt đại dương. Thỉnh
thoảng, vài chiếc thuyền buồm lặng-lẽ lướt qua, đàn chim
nhịp-nhàng bay lả bay la về ổ, gió thoảng hiu hiu... Khách
mãi mê thưởng ngoạn phong cảnh trong khi bầu trời màu vàng
dần dần sẩm xuống, trở nên đỏ và đi vào đêm tối. Mỗi
lượn sóng nhô lên, vượt đến tận đỉnh, uốn mình hạ xuống
rồi tan biến và trong khi tan, chuyển hết năng lực mình cho lượn
sóng kế. Và như thế những lượn sóng liên tục nối tiếp
hầu như vô cùng tận.
Ðó là hình ảnh của
đời
sống: luôn luôn biến chuyển và mãi mãi triền miên diễn tiến.
Lời di huấn tối hậu
của
Ðức Thế-Tôn là: "Tất cả các pháp hữu-vi đều vô-thường.
Hãy tận lực kiên trì tinh-tấn". Vừa sau khi Ngài nhập
diệt, Ðức Phạm Thiên Sahampati than:
"Tất cả đều phải
ra đi.
Tất cả chúng sanh đã sanh vào cõi đời
Ðều phải bỏ lại cái hình hài được cấu thành này.
Ðúng vậy, chí đến Ðức Bổn-Sư,
Ðấng Vô-Song, không ai bì kịp,
Bậc Trí-tuệ Cao-Minh, Bậc Toàn-Giác,
Cũng đã lìa đời".
(Kinh Mahã Parinibbãna Sutta)
Vua trời Sakka
(Ðế-Thích)
tiếp lời:
"Tất cả các
nguyên tố cấu thành đời sống đều vô-thường.
Chúng được sanh ra, kếp hợp lại rồi tan rã.
Quả thật là an-tịnh.
Khi mà các thành phần ấy chấm dứt vĩnh-viễn".
Cho đến ngày nay,
trong
các quốc-gia Phật-Giáo theo truyền thống Nguyên-Thủy, lấy
Tam Tạng Pãli làm căn bản, mỗi khi có đám tang chay, để nhắc
nhở người nghe về bản chất sớm nở tối tàn của đời sống,
Chư-Tăng tụng kinh Cầu-Siêu đều có đọc những câu bằng
tiếng Phạn có nghĩa như sau:
"Tất cả các pháp
hữu-vi đều vô-thường.
Pháp sanh và hoại diệt là bản chất của chúng.
Chúng kết hợp thành chúng sanh, rồi qua đời,
Thoát ra khỏi chúng là hạnh-phúc tối thượng".
Hoặc câu:
"Các pháp hữu-vi
thật không bền vững. Nó có tánh cách sanh diệt là thường
vì nhân sanh rồi diệt, diệt rồi sanh (nên thường hay có sự
khổ-não). Chỉ có Niết-Bàn là pháp tịch diệt, dứt cả
pháp hữu-vi ấy được mới có sự an-vui tuyệt đối".
Danh từ Phật-Giáo gọi
các "Pháp Hữu-Vi" (Sankhãra) là tất cả những
gì được cấu thành do nhân và duyên, tất cả những gì do
những nhân đã có trước đó tạo duyên để hiện hữu. Nói
rộng ra, các pháp hữu-vi bao gồm toàn thể thế-gian hiện-tượng,
toàn thể những gì tinh thần hay vật chất trong vũ trụ.
Vô-thường là không
thường
còn, mà luôn luôn thay đổi, không ngừng trở thành một cái
gì mới. Tiếng Pãli gọi vô-thường là "ANICCA".
"A" là không, "NICCA" là vĩnh-viễn
trường tồn. Các Bản Chú giải Vissudhi Magga (Thanh Tịnh
Ðạo) và Abhidhamma (Vi Diệu Pháp) giải thích rằng bởi
vì trong các pháp hữu-vi không có gì có tánh cách vĩnh-viễn
trường tồn nên nói rằng nó không thường còn. Vì nó không
thường còn nên là vô-thường.
Tất cả các pháp
hữu-vi
tức mọi sự vật trong thế gian hiện tượng này đều ở
trong trạng thái phù du, tạm bợ và bất ổn định: phát sanh
rồi hoại diệt và từ sanh đến diệt không ngừng biến đổi.
Từ vật lớn đến vật nhỏ, từ ngoài đến bên trong chúng
ta, từ vật chất hữu hình đến những tư-tưởng hay những
hiện-tượng vô-hình nào khác, đều phải trải qua ba giai đoạn
sanh, trụ, diệt. Từ những ngọn núi to lớn, những thiên thể
khổng-lồ đến hột cát nhỏ bé, những vi khuẩn tí ti, tất
cả đều không ngừng biến chuyển. Bao nhiêu thung lũng ngày
nay, trước kia là ao hồ rộng lớn. Bao nhiêu đ?ng ruộng mênh
mông, trong một quá khứ xa xôi nào, đã là vùng biển cả.
Chính quả địa cầu mà trên đó chúng đang sống cũng mất dần
nhiệt độ và khoa học tiên đoán rằng một ngày nào trong tương
lai trái đất sẽ trở thành một hành tinh chết, một nguyệt
cầu. Sanh rồi diệt, hợp rồi tan, đó hẳn là bản chất của
đời sống.
Vào thời Ðức-Phật có
một ni cô rất đẹp tên Janapada Kalyãni Rũpanandã
và rất hãnh diện với sắc đẹp của mình. Bà không chịu
đến nghe Ðức-Phật thuyết giảng Giáo-pháp vì Ngài luôn
luôn nhắc nhở đến tánh cách vô-thường của thế-gian và
không hề tán dương vẻ đẹp của thể xác.
Ngày nọ, duyên lành
đưa đẩy bà vào thính-đường, nhưng lòng vẫn bảo lòng,
hãy lẫn lộn trong đám đông các vị Tỳ-Khưu ni, không để
cho Ðức-Phật trông thấy. Ðức Thế-Tôn biết như vậy. Vì
lợi ích của bà, Ngài tạo ra hình ảnh một thiếu nữ xinh
đẹp tuyệt trần đứng sau lưng, cầm quạt quạt Ngài và chỉ
có bà Rũpanandã thấy thôi. Bà mãi mê nhìn say đắm vẻ
đẹp của thiếu nữ và hết lòng ước muốn cũng được
như vậy. Khi ấy, Ðức-Phật làm cho bà thấy thiếu nữ xinh
đẹp kia trưởng thành dần đến cỡ trung niên, rồi già cỗi.
Bà Rũpanandã theo dõi từng giai đoạn của tiến trình
biến đổi, thấy hết vẻ đẹp này rồi đến vẻ đẹp khác
của thiếu nữ nối tiếp nhau tàn tạ. Bấy giờ, thiếu nữ
xinh đẹp lúc này chỉ còn là một bà lão lụm cụm, tóc bạc,
răng long, xương nhô, gầy yếu, lưng còm gối mỏi, tay chân
rung rẩy lập-cập. Rồi Ðức-Phật cho bà thấy lão bà bị một
cơn bệnh đau siết, rên la thê thảm và té ngã lăn xuống đất.
Rồi bà lão chết, thi thể sình lên, nước vàng tuông ra từ
cửu khiếu, rồi vòi, tửa trào ra loi nhoi lúc nhúc, vv ...
Cảnh tượng ghê tởm
ấy gợi cho bà Rũpanandã ý nghĩ: "Tại nơi đây thiếu
nữ xinh đẹp tuyệt trần đã trở nên đứng tuổi, già nua
và hoại diệt, thì chính thân mình mỹ-miều của ta cũng sẽ
không thể tránh khỏi con đường đau khổ, đáng chán, đáng
ghê sợ ấy". Bà nhận chân tánh cách vô-thường của vạn
pháp. Và sau khi nghe lời dạy của Ðức Bổn-Sư: "Hãy
quán xét tánh cách rỗng không của những yếu tố hợp thành
thể xác này. Hãy quẵng đi, vứt bỏ lòng tham muốn đeo níu
theo kiếp sinh tồn, con sẽ vững bước trong sự vắng lặng",
bà chú tâm chỉ quán theo chìu hướng của lời dạy và đắc
quả Tu-Ðà-Hườn.
Người đi chùa thường
mang theo bông hoa hay nhang đèn để cúng Phật. Khi thành kính
quỳ lạy trước pho tượng Phật, người Phật-tử hiểu biết
chiêm ngưỡng và suy niệm về những lời dạy của Ðức
Tôn-Sư. Những tai hoa đang héo, những cây nhang đang tàn, những
ngọn đèn đang lụn, đã nói lên và nhắc nhở họ bản chất
vô-thường của kiếp sinh tồn.
Ðó là lối nhìn vào
đời
sống theo mức độ thông thường. Người suy tư nào cũng trông
thấy hiển nhiên và hiểu biết rõ ràng rằng vạn pháp không
ngừng biến đổi. Nhưng người Phật-tử được dạy nên
nhìn sâu vào tiến trình biến đổi không ngừng ấy. Một em
bé sơ-sinh có bỗng nhiên trở thành thiếu nhi, rồi bỗng
nhiên trở thành thiếu niên, vv... chăng? Một tai hoa đẹp đẽ
vào buổi sáng về chiều có bỗng nhiên tàn rụi chăng? Hẳn
là không có sự biến đổi bỗng nhiên mà có sự liên tục
diễn tiến, có những biến đổi vi tế mà người thường, với
giác quan phàm tục, khó nhận thức. Mặc dầu với mắt thường
ta không thể nhận thấy nhưng trong thực tế vẫn có sự biến
đổi diễn tiến từng giây, từng khoảnh khắc. Và tất cả
đều biến đổi, Anicca Vatã Sankhãra, tất cả các pháp
hữu-vi đều vô-thường: thân vô-thường, tâm vô-thường, hoàn
cảnh vô-thường, quốc độ vô-thường. Câu này có nghĩa là
chúng sanh (thân-tâm) là vô-thường, mọi sự vật (hoàn-cảnh)
là vô-thường và thế-gian (danh từ quốc độ ở đây được
giải thích là thế-giới sa bà) là vô-thường. Trong bài này
ta chỉ đặt trọng tâm vào con người, xem như một chúng
sanh.
Ðể tìm hiểu thế-gian
rộng lớn bên ngoài người Phật-tử được dạy hãy nhìn trở
lại vào bên trong, tự quán chiếu chính mình. Và khi làm như
vậy ta thấy rằng cái được gọi là chúng sanh, hay riêng
cái mà ta vẫn chấp là chính "Ta" thật sự chỉ là sự
cấu hợp của hai phần, vật chất (Sắc: Rũpa) và tâm
linh (Danh: Nãma). Phần tâm linh hay danh, được chia chẻ
thành Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Năm thành phần Sắc, Thọ, Tưởng,
Hành, Thức được gọi chung là ngũ-uẩn hay ngũ-ấm.
Ði sâu vào công trình
quan sát ta nhận thấy sắc, hay cơ-thể vật chất là sự kết
hợp của những tế bào, rồi tế bào là sự kết hợp của
những nguyên tử và ta đi lần xuống đến âm điện tử,
dương điện tử, trung hòa điện tử. Ba loại điện tử này
kết hợp với nhau cấu thành nguyên tử. Và tùy theo thứ tự
kết hợp và tỷ lệ về số lượng khác nhau những hạt điện
tử ấy tạo thành những loại nguyên tử khác nhau. Theo các
nhà khoa học hiện đại thì có 104 hoặc 106 loại nguyên tử.
Và những loại nguyên tử này kết hợp lại với nhau để tạo
thành tất cả các loại vật chất mà ta có thể tìm thấy
trên quả địa cầu và nhiều hành tinh khác trong đó có cả
cơ thể vật chất của chúng ta. Ðặc tính cá biệt của mỗi
loại vật chất không tùy thuộc vào khối lượng của những
hạt điện tử mà phần lớn do những năng lực hay năng lượng
giữa những hạt điện tử ấy tạo nên, như hấp dẫn lực
giữa hai loại điện tử khác tính nhau, xung khắc lực vô
cùng mạnh-mẽ giữa hai loại điện tử cùng tính nhau, trao đổi
lực, vv... Như vậy, vật chất là sự cấu hợp tạm thời của
những thành phần tạm thời trong trạng thái không ngừng biến
đổi.
Phật-Giáo, khi phân
tách
hình thể, vật chất hay "Sắc", đến mức cùng tột
thì thấy có bốn thành phần chánh là Ðất, Nước, Lửa, Gió
gọi là Tứ Ðại Chánh Yếu (Cattãri Mahãbhutãni), hay Tứ
Ðại cùng với những chuyển hóa và những đặc tính của
nó.
Ðất: Nguyên
tố căn bản đầu tiên, ở thể rắn, có đặc tính cứng hay
mềm (vì mềm cũng là một hình thức cứng. Khi một vật ít
"cứng" hơn vật kia thì ta nói là nó "mềm" hơn
vật kia). Chính do nguyên tố này mà một vật có trọng lượng
nặng hay nhẹ, sần sù hay trơn tru và chiếm không gian.
Nước:
Nguyên tố căn bản thứ nhì là Nước, ở thể lỏng, có đặc
tính làm kết hợp lại những thành phần khác. Chính nhờ
nguyên tố Nước mà các thành phần khác của vật chất
không phân tán rã rời. Nên hiểu rằng lạnh không phải là
đặc tính của nguyên tố Nước.
Lửa: Nguyên
tố căn bản thứ ba là Lửa, có ảnh hưởng rất mạnh-mẽ
đối với các thành phần kia. Lửa có đặc tính nóng hay lạnh
(vì lạnh là một hình thức nóng), làm thay đổi trạng thái
vật thể như biến đổi một vật từ thể rắn sang thể lỏng
hay sang thể khí. Chính nhờ thành phần Lửa này tạo hơi ấm
cho cơ-thể và tiêu hóa thức ăn hay làm cho một trái cây non
trở thành già và chín mùi...
Gió:
Nguyên tố căn bản cuối cùng là Gió, có đặc tính di động.
Tất cả mọi vật đều
phải mang đủ bốn "nguyên tố" căn bản trên, chung
nhau và cùng một lúc, không thể thiếu một. Ba nguyên tố
không thể hiện hữu hay tồn tại nếu không có nguyên tố thứ
tư hiện hữu và tồn tại cùng lúc. Như vậy, theo Phật-Giáo,
một vật chất chỉ là sự cấu hợp của bốn nguyên tố căn
bản, hay Tứ Ðại. Tứ Ðại luôn luôn pha lẫn với bốn chuyển
hóa của nó là màu, hương, vị và bản chất dinh dưỡng. Tứ
Ðại và bốn chuyển hóa luôn luôn dính liền nhau và liên
quan với nhau rất mật thiết, đến đổi ta chỉ thấy là một.
Vật thể này khác với vật thể kia là do sự cấu hợp khác
nhau của Tứ Ðại và bốn chuyển hóa.
Còn phần tâm linh thì
sao?
Phần tâm linh, tức
Danh
gồm bốn uẩn là: 'Thọ, Tưởng, Hành, Thức'. Cảm giác, Tri
giác, Sinh hoạt Tâm linh và Thức. Ba uẩn đầu là những tâm
sở đồng phát sanh và đồng hoại diệt với tâm vương, có
đối tượng đồng nhất với đối tượng của tâm vương và
cùng chung một căn với tâm vương. Thức (Vinnãna) ở đây
đồng nghĩa với tâm hay tâm vương (Citta).
Có tất cả 52 loại tâm
sở. Thọ và Tưởng là hai loại tâm sở phổ thông (cũng được
gọi là tâm sở biến hành), luôn luôn nằm trong tất cả các
loại tâm. 50 Tâm sở còn lại gọi chung là Hành.
Thọ, cảm giác
hay
thọ cảm là đặc tính chính yếu của tất cả các loại
tâm vương. Ðại khái có 3 loại Thọ là:
- Thọ hỷ: Cảm giác
vui sướng.
- Thọ ưu: Cảm giác buồn khổ.
- Thọ xả: Cảm giác trung hòa, không vui không buồn.
Tưởng hay tri
giác
là nhận thức. Ðặc điểm chánh của Tưởng là nhận thức
một vật do dấu hiệu trên vật ấy như màu, mùi, vv... Chính
do tâm sở Tưởng này ta nhận ra một vật mà trước kia có lần
ta đã tri giác, xuyên qua giác quan. Như trạng thái tâm của người
thợ mộc khi ông ta nhận ra khúc gỗ này là cột trước, hay
cột sau, vv... nhờ những dấu hiệu mà ông đã ghi trên gỗ.
Hoặc nữa, giống như người giữ kho, nhận ra món đồ nhờ
cái nhãn cột theo trên đó.
Trong mỗi loại Thức,
hay tâm vương, luôn luôn có 2 tâm sở Thọ và Tưởng cùng với
một số tâm sở khác trong 50 tâm sở của Hành, nhiều
hay ít tùy loại tâm. Thọ, Tưởng, Hành cũng như Thức, luôn
luôn biến đổi. Theo tâm lý học Phật-Giáo phần tâm linh,
hay danh, biến đổi 17 lần nhanh hơn phần vật chất, sắc.
Cũng như cơ-thể vật
chất,
sắc, phần tâm linh không phải là một thực thể đơn thuần,
nguyên vẹn mà là sự phối hợp của nhiều chập tư-tưởng.
Cái tâm chỉ là chuỗi dài những tư-tưởng liên tục nối tiếp
nhau hầu như vô cùng tận. Như trên biển cả mỗi lượn sóng
nhô lên rồi rơi trở xuống và tan biến trong một lượn sóng
kế đó, mỗi lượn trở thành một lượn khác. Cùng thế ấy,
mỗi chập tư-tưởng phát sanh, tồn tại, rồi hoại diệt, nhường
chỗ cho một chập khác. Những chập tư-tưởng liên tục nối
tiếp nhau, chập này đến chập kia, vô cùng nhanh chóng, đến
đổi ta cảm tưởng như có một thực thể đơn thuần. Trong
thực tế chỉ có sự trôi chảy của những chập tư-tưởng
kế tiếp nối đuôi nhau, tựa hồ như sự chảy trôi của một
giòng sông.
Nhìn một giòng sông
ta cảm
tưởng như có một thực thể đơn thuần gọi là con sông. Nhưng
đó chỉ là ảo tưởng. Cái được gọi là "con
sông" không phải là cái gì nguyên vẹn mà chỉ là những
giọt nước kế tiếp nối đuôi nhau và trôi chảy nhanh
chóng. Heraclitus, triết gia trứ danh thời cổ Hy-Lạp, khi truyền
dạy chủ thuyết "Panta Rhei" nói như sau:
"Không có một người
tịnh, bất động, không có thực thể bất biến, không đổi
thay. Biến đổi, di động là Chúa Tể của Vũ-trụ. Tất cả
mọi sự vật đều ở trong trạng thái đang trở thành, trạng
thái chảy trôi liên tục". (Panta Rhei )
Và ông tiếp: "Bạn
không thể bước chân hai lần xuống cùng một giòng suối; bởi
vì luôn luôn có nước mới chảy tới bạn". Ðúng vậy,
giòng suối luôn luôn trôi chảy và không ngừng đổi mới.
Ðã thấm nhuần
Giáo-Pháp của Ðức-Phật, ta có thể tiến thêm một bước và
nói rằng: "Cùng một người không thể bước chân hai lần
xuống cùng một giòng suối", bởi vì cái được gọi là
"con người" cũng chỉ là một sự trôi chảy vật chất
và tinh thần, không bao giờ ngừng lại trong hai khoảnh khắc
kế tiếp.
Khi quan sát rốt ráo
như
vậy người Phật-tử thấy rằng cái gọi là "Ta" là
"Tự-Ngã", chỉ là sự cấu hợp tạm thời của những
thành phần rất vi-tế luôn luôn biến động, không bao giờ tịnh
và không ngừng trở thành một cái gì mới. Không có cái gì,
dầu vật chất hay tinh thần mà tồn tại như một thực thể
đơn thuần, nguyên vẹn, trong hai khoảnh khắc kế tiếp. Tất
cả đều vô-thường. Một thực thể trường tồn bất biến
chỉ là một khái niệm một danh từ, một cái tên mà không
hiện hữu trong thực tế. Trong câu chuyện Vua Milinda vấn
đạo, Ðức Nãgasena hỏi Vua đến bằng gì, đi bộ hay
đi xe. Vua trả lời rằng đến bằng xe.
"Tâu Ðại-Vương, nếu
Ngài đến bằng xe xin Ðại-Vương vui lòng nói rõ, phải cái
gọng là xe không?
- Bạch Ðại-Ðức, quả
thật không phải.
Có phải cái ví là xe
không?
- Quả thật không
phải.
Có phải cái thùng là
xe
không?
- Quả thật không
phải.
Có phải cái ách là xe
không?
- Quả thật không
phải.
Có phải dây cương là
xe không?
- Quả thật không
phải.
Có phải cây roi là xe
không?
- Quả thật không
phải.
Tâu Ðại-Vương,
Ðại-Vương
nói rằng Ðại-Vương đến bằng xe, vậy cái xe đưa Ðại-Vương
đến ở đâu? Ngài là vị Vua hùng mạnh nhất trong cùng khắp
toàn cõi Ấn-Ðộ mà còn nói dối hay sao, khi Ngài bảo rằng
đến bằng xe?
- Kính Bạch Ðại-Ðức,
Trẫm không nói dối. Danh từ "cái xe" chỉ là một
hình ảnh ngôn ngữ, một tiếng nói, một chữ, một tiếng gọi,
một lối chỉ định có tánh cách quy ước để nói cái ví,
cái gọng, cái thùng xe, bánh xe, vv... khi các thành phần này
được ráp lại với nhau".
Không có cái gì đơn
thuần
gọi là xe mà chỉ có những thành phần ráp nối lại với
nhau. Cùng thế ấy, "chúng sanh", "con người",
"Tôi", "Anh" hay "Ông A", "Ông
B", vv... chỉ là những danh từ, những chữ, không tương
ứng chính xác với một cái gì đơn thuần, thật sự hiện hữu.
Có lời phê bình cho
rằng
Phật-Giáo cứ mãi nhắc đến vô-thường và luôn luôn đề cập
đến cái chết, như vậy là bi quan, yếm thế.
Phật-Giáo không bi
quan.
Phật-Giáo cũng không lạc quan. Phật-Giáo chỉ thực tiễn.
Trong một ngôi nhà đang bừng cháy người lạc quan nghĩ rằng
rồi đây lửa sẽ dịu dần và tắt hẳn. Mọi việc sẽ được
an bài tốt đẹp. Nghĩ vậy, người ấy ăn uống no say rồi yên
giấc, vững bụng rằng ngày mai trời lại sáng và đâu sẽ
vào đó một cách an toàn, không có gì phải bận tâm lo nghĩ.
Người bi qua trái lại, vừa thấy lửa bốc cháy đã hốt hoảng
lo sợ, rồi tuyệt vọng nghĩ rằng tất cả đã sắp trở
thành tro bụi, mọi người đã bị hỏa thiêu, đời sống đã
trở nên đen tối và đâm ra âu sầu ủ dột, chán nản, mà
không làm gì tích cực để thoát nạn, cho đến khi ngọn lửa
thật sự thiêu đốt tất cả. Cùng trong một cảnh ngộ người
thực tiễn nhận định rõ ràng rằng thật sự có hiễm nguy
và tận dụng khả năng để đối phó với hoàn cảnh một
cách thích nghi. Ðó là thái độ của người Phật-tử.
Khi nói đến vô-thường
và nói về cái chết, Phật-Giáo chỉ đề cập đến thực tại
của đời sống:
"... Trong thế-gian
này, không có cái chi ổn định hay bất động. Dầu ta muốn
hay không, thời gian vẫn biến đổi tất cả sự vật. Trên
thế-gian này không có cái gì có thể chận đứng thời gian
và không có cái gì tồn tại mãi mãi. Không có sự bền vững,
sự ổn định, sự thường còn, bất luận ở đâu, trên thế-gian
này... Chúng ta đang sống trong một thế-gian luôn luôn biến
đổi và trong lúc ấy, chính chúng ta cũng không ngừng biến
đổi". (Buddhist Reflections On Death, tác giả Gunaratna)
Chính nhờ biết ý
nghĩa
của cái chết mà ta hiểu được mục tiêu của sự sống.
Chính nhờ am tường bản chất vô-thường của vạn pháp mà
ta có thể đương đầu với mọi thử thách của kiếp nhân
sinh một cách thích nghi.
Vào thời Ðức-Phật có
một thiếu phụ tên Kisã Gotami. Bà sanh được một
trai. Nhưng bất hạnh thay, khi vừa chập chững biết đi thì
đứa trẻ lâm trọng bệnh rồi qua đời. Thương con quá, bà
không đành để cho ai đem đi hỏa tán mà cứ nghĩ rằng sẽ
có phương cách nào đó giúp con bà sống lại. Ðây là lần
đầu tiên bà kinh nghiệm nổi buồn sâu xa của một bà mẹ mất
con. Bà ôm đứa bé vào lòng, đi từ nhà này đến nhà khác,
khóc than thảm thiết, kêu gọi mọi người mở tâm từ thiện
tìm phương cứu sống đứa con yêu quý nhất đời. Ai nghe
cũng động lòng, nhưng không một người nào có thể giúp bà
làm được việc ấy. Bà vẫn không nản lòng vừa đi vừa tiếp
tục kêu gào tìm người chữa trị cho con.
Nhờ người mách bảo
bà đến gặp Ðức-Phật. Bà quỳ xuống kính cẩn đảnh lễ
Ngài và bạch rằng: "Bạch Hóa Ðức Thế-Tôn, con nghe rằng
Ngài là người có thể cứu sống đứa con của con, xin Ngài
mở lòng từ-bi chỉ dạy cho con cách thức phải làm thế
nào".
Ðức-Phật dạy:
"Con hãy đi tìm cho Như-Lai một ít hột cải trắng. Nhưng
hột cải ấy phải lấy ở trong gia-đình nào mà xưa nay chưa
bao giờ có người chết". Bà Kisã Gotami hối-hả chạy
đi tìm cái mà bà tin là thuốc cứu mạng cho con, bụng nghĩ rằng
hột cải trắng ắt không khó tìm.
Bà đến trước ngôi
nhà đầu tiên trong làng và hỏi: "Xin thưa, ở đây có hột
cải trắng không? Nếu có, xin cho tôi một vài hột để cứu
sống con tôi". Trong nhà liền có người chạy ra trao cho bà
hột cải. Nhưng khi bà hỏi thêm: "Xưa nay trong nhà có ai
quá vãng chưa?" thì người nhà ngạc nhiên trả lời:
"Sao bà hỏi lạ vậy? Gia-đình nào mà chẳng có người
chết. Riêng tại nhà tôi đây số người đã chết còn nhiều
hơn là số người đang còn sống nữa". Bà Gotami nghe vậy
bèn trả lại hột cải và tiếp tục đến ngôi nhà thứ hai,
bên cạnh ... rồi nhà thứ ba, thứ tư, vv... Ở mọi nơi bà
đến hỏi như vậy thì nhà nào cũng có hột cải trắng, nhưng
không có gia-đình nào mà lại không có người đã qua đời.
Bà Gotami đi
hỏi
như vậy cùng khắp xóm làng cho đến chiều tối mà chẳng
tìm được điều bà muốn. Cuối cùng bà đứng lại than rằng:
"Ôi! quả thật là một việc khó làm. Không ở đâu mà
chẳng có người quá vãng. Rồi bà lại nghĩ: "À! như vậy
đâu phải chỉ có một mình ta phải chịu cảnh chia lìa,
phân tán. Ðâu đâu người chết cũng nhiều hơn người sống".
Nghĩ vậy bà trở nên sáng suốt hơn và trở lại khu rừng nơi
Ðức-Phật ngự.
Sau khi đảnh lễ
Ðức-Phật
xong, bà bạch rằng: "Bạch Hóa Ðức Thế-Tôn, con không
tìm được hột cải trắng như Ngài dạy vì cùng khắp xóm
làng đâu đâu người chết cũng nhiều hơn người sống".
Ðức-Phật dạy: "Vậy con đã hiểu biết rằng không phải
chỉ có con mới chịu cảnh chết chóc ly tán như vậy, mà đó
là định luật chung cho tất cả mọi chúng-sanh. Ðịnh luật
ấy là: "Tựa hồ như giòng nước lũ cuồng loạn, Tử-thần
lôi cuốn tất cả chúng-sanh vào biển cả của hoại
vong...". Sau khi nghe Ðức Tôn-Sư thuyết giảng một thời
pháp về bản chất vô-thường của đời sống, bà Kisã
Gotami đắc quả Tu-Ðà-Hườn.
Ngày nọ, bà có nhiệm
vụ
trông coi nhang đèn ở Chánh-Ðiện. Sau khi thắp xong các ngọn
đèn lưu ly trên bàn thờ, bà ngồi lại quan-sát. Vài ngọn bực
sáng lên, vài ngọn khác chập chờn rồi tắt hẳn. Bà lấy
hiện tượng đó làm đề mục hành thiền và suy niệm như
sau:" Ðời sống của chúng-sanh trên thế-gian cũng tựa hồ
như các ngọn đèn này. Vài người chợt sáng lên, trong khi
ấy vài người khác chập chờn rồi tắt hẳn. Chỉ có những
người đã thành đạt Niết-Bàn thì không còn ai thấy nữa".
Như vậy, khi nhấn
mạnh
vào bẩm chất phù du tạm bợ của các pháp hữu-vi Phật-Giáo
chỉ trình bày một quan điểm thực tiễn. Dạy rằng bản chất
của đời sống là vô-thường không phải để chúng ta yếm
thế, van vái nguyện cầu cho hạnh phúc trần gian được trường
tồn vĩnh cửu mà để chúng ta suy niệm chân chánh và nương
theo bản chất đổi thay của thế-gian pháp để tiến hóa.
Do định luật
vô-thường,
cành hoa tươi tốt vừa nở tung một cách huy-hoàng buổi sáng
đã héo xào vào buổi chiều, người tráng niên khỏe mạnh
hôm nay sẽ trở nên già nua bệnh hoạn trong một ngày mai;
gia-đình đông con nhiều cháu, sum hợp vui vầy hạnh-phúc
trong hiện tại sẽ ly tán chia lìa, người đi cảnh này kẻ cảnh
khác. Tuy nhiên, cũng do định luật vô-thường mà sự vật tăng
trưởng và tiến hóa. Hột trở thành cây, cây con trở thành
to lớn, cành lá sum sê, nụ trổ thành hoa.
Do định luật
vô-thường,
người tốt có thể trở nên xấu nhưng cũng nhờ có định
luật vô-thường mà người xấu có thể trở thành tốt. Nếu
không có luật vô-thường, không có biến đổi, người như
thế nào mãi mãi vẫn như thế nấy thì làm thế nào một Vua
Asoka (A-Dục), có tiếng là hung ác bạo tàn, có thể trở
thành đấng minh quân, đổi những trận giặc xâm lăng khốc
liệt ra những chiến dịch truyền bá đạo lý cao siêu và
pháp từ-bi của Phật-Giáo, để mưu cầu hạnh-phúc cho một
phần nhân loại. "Giữa oai danh của trăm ngàn Vua chúa
trong lịch sử nhân loại, danh thơm cao quý vừa hùng vỹ vừa
dịu dàng, vừa trong sáng vừa trầm lặng của Ðại-Ðế Asoka
(A-Dục) chói ngời rực rỡ như một ngôi sao sáng". (H.G.
Wells, Outline of History)
Suy niệm chân chánh
về
lý vô-thường còn là con đường dẫn đến mục tiêu tối hậu
của người tu Phật. Ðức-Phật dạy:
"Này chư Tỳ-Khưu,
hình thể (Sắc) này là vô-thường. Cái gì là nguyên nhân
và cái gì tạo duyên cho thể xác này được cấu thành cũng
vô-thường. Như vậy, có thể nào Sắc được tạo nên do
những gì vô-thường, lại có thể thường còn không?"
"Thọ là
vô-thường...,
Tưởng là vô-thường..., Hành là vô-thường..., Thức là
vô thường... Cái gì là nguyên nhân, cái gì tạo duyên cho
Thọ, Tưởng, Hành, Thức phát sanh cũng vô-thường. Như vậy,
có thể nào Thọ, Tưởng, Hành, Thức, phát sanh do những gì
vô-thường tạo duyên, lại có thể thường còn không?"
"Nhận thức như thế,
này chư Tỳ-Khưu, bậc đệ tử cao quý đã được giảng giải
đầy đủ không luyến ái sắc, không luyến ái Thọ, ... Thức.
Vì đã chấm dứt mọi luyến ái, vị này có tâm buông bỏ,
không dám níu vào chính mình. Vì buông bỏ, vị này được
giải thoát và trong khi giải thoát vị này biết là mình đã
giải thoát và thấu hiểu: mọi tái sanh đã chấm dứt, đời
sống phạm hạnh đã được viên mãn, những gì cần phải
làm đã được hoàn thành, không còn trở lại trạng thái
này hay trạng thái kia nữa". (Samyutta Nikãya, Tạp
A Hàm, Phẩm Khandha Vagga, WII, 18)
Và cũng trong Uẩn
Phẩm
này (Khandha Vagga), bài kinh 102 ghi như sau:
"Nhờ nhận thức
được lý vô-thường mà nhiều vị Tỳ-Khưu phát triển và
thường xuyên thực hành, chấm dứt mọi ái dục đeo níu
theo Dục-Giới, chấm dứt mọi ái dục đeo níu theo Sắc-Giới
và chấm dứt mọi ái dục đeo níu theo Vô-Sắc-Giới, chấm
dứt mọi si mê, chấm dứt và tiêu trừ mọi ngã-mạn chấp
rằng "đây là Ta".
"Cũng như vào mùa
thu, người nông dân cày sâu cuốc bẩm, cắt tận gốc rễ
để tiêu diệt cỏ dại, cùng thế ấy, này chư Tỳ-Khưu,
nhận thức lý vô-thường, phát triển và thường xuyên thực
hành, sẽ chấm dứt ái dục ..., chấm dứt và tiêu trừ mọi
si mê, chấm dứt và tiêu trừ mọi ngã-mạn chấp rằng
"đây là Ta".
Trong hai bài kinh
trên Ðức-Phật
dạy rằng vì không ý thức được thực tướng của vạn hữu
là vô-thường nên con người mê muội chấp thể xác này,
cùng với những cảm giác, tri giác, sinh hoạt tâm linh và những
tư-tưởng là chính mình. Vì bị màn vô-minh che lấp mà chúng
ta khư khư tự đồng hóa với ngũ-uẩn, chấp rằng ngu-uẩn là
ta, ta là ngũ-uẩn. Vì bị si mê bao phủ như lớp mây mù dầy
đặt mà ta thấy hư tưởng thực, thấy giả tạo cho là vững
bền, thấy tạm bợ nhất thời ngỡ là trường tồn vĩnh cửu.
Vì lẽ ấy, chúng ta cố chấp đây là "Ta", cái này
là "của Ta". Do đó:
"Khi cái đư?c gọi là
"Ta" duyên vào vật ưa thích, tất có sự triều mến.
Khi cái "Ta" bất mãn với vật không ưa thích, tất
có ghét bỏ, giận dũi hay thù hận. Khi cái "Ta" thất
bại, tất có sự đau khổ, âu sầu, phiền muộn, hối hận
và tuyệt vọng sâu xa, có thể đưa đến quyên sinh hay gây
án mạng cho người khác. Khi cái "Ta" lâm nạn, tất
có sợ sệt. Khi cái "Ta" bị giới hạn trong ích kỷ
hẹp hòi, tất có chia rẽ, ganh tỵ, thèm muốn, tham vọng. Khi
cái "Ta" được thổi phồng, tự cao, tự đại, tất
có ngã-mạn kiêu căng".
Cũng trong bài kinh
trên,
đoạn "Vị Tỳ-Khưu phát triển" có nghĩa là phát triển
công trình hành thiền và đoạn "thường xuyên thực
hành" là kiên trì thực hành pháp Tứ-Niệm-Xứ.
Người chuyên cần niệm
thân, niệm thọ, niệm tâm và niệm pháp sẽ thấu đạt thực
chất của cái được gọi là "Ta" tức Thân, Thọ,
Tâm và thế-gian rộng lớn bao quanh cái "Ta" tức
Pháp. Người ấy sẽ thấy rằng không thể nói đến bất luận
cái gì trên thế-gian này rằng cái này "tồn tại", bởi
vì chính trong khi nói nó tồn tại thì nó đã đổi thay, đã
trở thành một cái gì khác. Người suy niệm như thế sẽ nhận
thức rằng tất cả sự vật trên thế-gian huyền ảo và tạm
bợ nhất thời này tựa hồ như: "Giọt sương buổi sáng,
lóng lánh trên đầu, ngọn cỏ và sớm tan biến khi những tia
nắng bình minh bắt đầu rọi xuống, như bong bóng nước,
như cái lằng gạch trên mặt nước, như hột cải để trên
đầu mũi kim, như cái chớp trong đêm tối, như một khối bọt,
như ảo cảnh, như giấc mơ ..."
Lúc bấy giờ hành giả
đã phá chấp, không còn chấp vào cái "Ngã" nữa, đã
vượt ra khỏi nó, không luyến ái, không Phật lòng, không
tham cũng không sân, mà phổ cập hòa đồng với toàn thể, từ-bi
vô-lượng, hỷ xả vô-biên. Lúc bấy giờ hành giả đã
thoát ra khỏi mọi hình thức ái dục, dầu ái dục đeo níu
theo Dục-Giới, Sắc-Giới hay Vô-Sắc-Giới, tiến đến những
Ðạo và Quả của các tầng Thánh và cuối cùng đến sự giải
thoát toàn vẹn ra khỏi mọi khổ đau, khỏi vòng luân hồi,
không còn tái sanh trở lại nữa.
Vô-thường là thực
tướng
của tất cả các pháp hữu-vi, là bản chất của vạn pháp
và như thế dính liền với mọi kiếp sinh tồn.
Nếu không có
vô-thường
ắt không có cải tiến. Nhưng nếu để định luật vô-thường
biến đổi mình từ tốt ra xấu, từ trong sạch đến nhiễm
ô, từ sáng suốt đến mê lầm thì rõ thật là tệ hại vô
cùng.
Giáo-pháp dạy ta tinh
tấn,
kiên trì tinh tấn, tận lực tinh tấn, không ngừng nỗ lực lợi
dụng bản chất vô-thường để gội rửa bợn nhơ trong tâm,
làm cho nó trở nên thanh khiết, để chuyển lần từ ác đến
thiện, từ bóng tối của vô-minh đến Ánh Sáng Chân-lý, từ
mê lầm đến giác ngộ. Giáo-pháp dạy ta hãy chăm chú
chân-chánh và thường xuyên suy niệm về bản chất không ngừng
đổi thay của vạn hữu.
Ðó là cái chìa khóa
sẽ
giúp ta mở tung cánh cửa trần gian để thoát ra khỏi vòng
quanh lẩn quẩn của mọi kiếp sinh tồn và vinh quang rực-rỡ
vượt đến Châu Toàn, Tịch Tịnh Trường Cửu - Niết-Bàn.
-ooOoo-