[03]
C.
Vô ngã
Cái gì là gánh nặng?
- Năm uẩn (Khandha)
là gánh nặng.
Ai chấp nhận gánh
nặng?
- Ái-dục (Tanhã)
chấp nhận gánh nặng.
Thế nào là vứt gánh
xuống?
- Tận-diệt Ái-dục là
vứt gánh xuống.
Ngũ-uẩn (Panca
Khandha)
quả thật là cái gánh nặng trỉu. Chấp nhận gánh nặng là
đau khổ; vứt đi quẳng gánh xuống bên đàng là tiến đến
hạnh phúc.
Khi ái-dục bị diệt
trừ tận gốc rễ, tham ái khát khao không còn phát sanh trở
lại. Gánh nặng cũ đã được đặt xuống bên đàng, không còn
gánh nặng mới cần phải đặt trên vai.
Ðó là thành đạt
Niết-Bàn, trạng thái tịch tịnh trường cửu.
Người đã có đức tin
nơi Giáo-pháp và đã thâu thập một vài kiến thức căn bản
về Danh (Nãma), Sắc (Rũpa), Vô-thường (Anicca),
Khổ (Dukkha) và Vô-ngã (Anattã) hãy cố gắng hành
thiền minh sát. Ðây là pháp hành nhằm ghi nhận danh và sắc,
luôn luôn trong trạng thái chảy trôi như một giòng suối trường
lưu bất tức, nơi sáu cửa (Lục nhập hay Lục căn), đúng như
được chỉ dạy trong pháp Tứ-Niệm-Xứ. Ghi nhận những gì
mắt thấy, ghi nhận những gì tai nghe, ghi nhận những gì mũi
hưởi, ghi nhận những gì lưỡi nếm, ghi nhận những gì thân
xúc chạm, ghi nhận những gì tâm suy tư, chừng đó hành giả
sẽ nhận thức tất cả những gì cần phải được nhận
thức tương xứng với trình độ mà mình đạt đến.
Khi chuyên cần chú
niệm
như vậy, định lực của hành giả trở nên vững chắc
mạnh mẽ, tâm trong sạch. Chừng đó hành giả có thể phân
biệt rõ ràng Danh (Nãma), cái tâm hay biết, và Sắc (Rũpa),
cơ thể vật chất, cái được hay biết. Hành giả sẽ nhận
chân rằng không có cái gì có thể gọi là bản ngã (Attã)
hay "Ta". Sự ghi nhận thường xuyên lập đi lập lại
sẽ dẫn hành giả đến trạng thái thông suốt nhân và quả
trong danh sắc. Cuối cùng mọi ý niệm về một bản ngã trường
tồn sẽ tan biến một cách rõ rệt. Trước khi thực hành chú
niệm hành giả có thể còn nghi ngờ không biết cái ta đã có
hiện hữu không trong quá khứ, có vẫn còn đang hiện hữu không
trong hiện tại và sẽ còn hiện hữu không trong tương lai.
Sau khi thực hành minh sát tất cả mọi nghi hoặc đều chấm
dứt vì hành giả đã thấu triệt tận tường bản chất
thật sự của mọi hiện tượng.
Tiếp tục ghi nhận
thêm
hành giả sẽ thấy rằng trần cảnh (Sắc, Thinh, Hương, Vị,
Xúc, Pháp) cùng với những thức liên hệ (Nhãn thức, Nhĩ
thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức và Ý thức) cũng đều
tan biến. Tất cả đều vô thường. Tất cả đều phát sanh
và tự nhiên hoại diệt. Những gì vô-thường ắt không thể
làm thỏa mãn một cách trọn vẹn. Không có chi thật sự có
thể chất vững bền. Như vậy thì có cái chi để bám níu vào
mà gọi là "Ta" hay "của Ta". Tất cả mọi
hiện tượng đều ở trong trạng thái di động, chảy trôi,
vừa sanh đã diệt. Quán xét rốt ráo như vậy ta có thể xác
quyết tin chắc và loại bỏ ý niệm một bản ngã trường
tồn.
(Hai đoạn trên đây
được
trích dịch từ bài giảng về kinh BHARA SUTTA của ngài
thiền sư Mahãsi Sayadaw)
Vào thủa ấy Ðức
Thế-Tôn ngự tại Benarès (Ba-La-Nại). Sau khi truyền dạy và
gửi sáu mươi vị đệ tử A-La-Hán đầu tiên đi các nơi
với lời kêu gọi:"...vì lòng từ-bi, hãy đem lại sự
tốt đẹp, lợi ích và hạnh-phúc cho Chư-thiên và nhân
loại. Mỗi người hãy ra đi một ngã. Này hỡi các Tỳ-Khưu,
hãy công bố đời sống thiêng liêng cao thượng (Brahma
Cariya, lối sống phạm hạnh), vừa toàn thiện, vừa trong
sạch..." Chính Ngài cũng ra đi, về hướng Uruvelã (Ưu
Tần Ðà Loa) để hoằng dương Giáo-pháp. Trên đường đi,
một hôm Ðức-Phật dừng chân và tách vào rừng, tĩnh tọa dưới
một cội cây.
Lúc bấy giờ trong
làng
có ba mươi thanh niên cũng dắt vợ vào cụm rừng ấy để ăn
uống vui chơi. Trong nhóm trai trẻ này có một chàng không có
vợ, dẫn theo người bạn gái. Trong khi ai nấy vui đùa với
nhau, không để ý, cô bạn gái lén bỏ đi, đem theo nhiều món
đồ quý giá. Lúc hay ra cả ba mươi thanh niên cùng nhau chạy
đi tìm khắp rừng. Khi đôn đáo quanh quẩn thì họ thấy Ðức-Phật
ngồi dưới gốc cây bèn đến gần hỏi thăm:
"Bạch Ðức Sa-Môn,
Ngài có thấy chăng một thiếu phụ vừa đi ngang qua đây?"
-" Này các con, tại
sao các con tìm một người phụ nữ để làm gì?"
Họ bạch lại tự sự.
Ðức-Phật hỏi:
"Các con nghĩ thế
nào,
tìm một phụ nữ và tự tìm ra mình, đàng nào hơn? (Ở đây,
"tự mình tìm ra mình" có nghĩa là nhìn vào bên trong
mình để tìm hiểu thực tướng của chính mình)
- "Bạch Ngài, tự tìm
ra mình hẳn là hơn".
"Vậy, các con hãy
ngồi lại đây. Như-Lai sẽ giảng giải Giáo-pháp cho các
con".
Và tất cả đều quỳ
xuống đảnh lễ Ðức Thế-Tôn rồi ngồi lại một bên chăm
chú lắng nghe.
I. Tự
tìm
ra mình
Thông thường, để tìm
chân-lý, người ta được dạy nên hướng mắt nhìn ra ngoài,
hoặc nhìn lên trên. Ðể tìm chân-lý về kiếp nhân sinh người
Phật-tử được dạy nên nhìn trở vào bên trong mình. Thay vì
hướng ngoại hay hướng thượng, Phật-giáo dạy ta hướng
nội bởi vì Ðức-Phật dạy tất cả chân-lý đều nằm
vỏn vẹn trong tấm thân nhỏ bé này. Xưa kia cũng nhờ ngày
đêm trầm tư mặc tưởng, gom tâm quán xét từng yếu tố
vật chất và tinh thần của bản thân mình mà Ðạo-sĩ Gotama
(Cồ-Ðàm) tìm ra chân-lý và trở thành Ðức-Phật Gotama
(Cồ-Ðàm), bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác, Chánh Biến Tri.
Khi người Phật-tử
quán
trạch bản thân mình một cách sâu sắc thì nhận thức rằng
con người là sự cấu hợp của hai thành phần, vật chất và
tâm linh hay sắc và danh. Phần vật chất, cơ thể vật chất
hay sắc, không phải là một thực thể đơn thuần, nguyên
vẹn, không biến đổi mà là một tiến trình luôn luôn tiếp
diễn, luôn luôn trở thành một cái gì khác. Phần tâm linh, tâm
hay danh, cũng luôn luôn biến đổi như một sự tiếp nối liên
tục. Như vậy, sự kết hợp của tâm và thể xác hay danh và
sắc, cấu thành chúng sanh phức tạp mà ta gọi là con người,
không phải là một thực thể tự mình phát sanh và tự mình
có khả năng tồn tại mà chỉ là một tiến trình liên tục
diễn tiến. Ngoài "Danh" và "Sắc" là hai thành
phần cấu tạo chúng sanh Phật-giáo không thừa nhận có một
linh hồn, xem như một thực thể đơn thuần không biến đổi,
hay một bản ngã trường tồn mà con người thọ lãnh một cách
bí ẩn, từ một nguồn gốc cũng bí ẩn không kém. Vô-ngã (Anattã)
có nghĩa là không có một thực thể vĩnh cửu trường tồn,
không biến đổi, trong bất luận vật gì hay chúng sanh nào.
Nên hiểu rằng
Phật-giáo
không phủ nhận sự hiện hữu của một cá nhân, theo ý nghĩa
thông thường. Phật-giáo chỉ phủ nhận trong định nghĩa cùng
tột, một chúng sanh bất biến, một thực thể đơn thuần
nguyên vẹn, vĩnh tồn, chớ không phủ nhận có sự liên tục
trong tiến trình biến đổi.
II. Tục đế
và
Nghĩa đế
Theo Phật-giáo có hai
loại thực tế:
- Thực tế biểu hiện
ra bề ngoài là chân-lý mặc ước, thông thường (Sammuti
Sacca, Tục Ðế hay Thế Ðế).
- Thực tế cùng tột là
chân-lý trừu tượng, tuyệt đối (Paramattha Sacca Nghĩa
Ðế hay Chân Ðế).
Khi nhìn trên mặt bàn
với mắt thường, ta thấy rằng mặt bàn bằng phẳng, bóng láng.
Cũng mặt bàn ấy, nhìn xuyên qua ống kính hiển vi, ta sẽ
thấy rằng nó không còn trơn tru nữa mà gồ ghề, có chỗ
lồi cao có hủng thấp. Bây giờ, nếu ta dùng một loại kính
điện tử có khả năng phóng đại cực mạnh, thì dưới
mắt ta mặt bàn bằng phẳng nhẳn nhịu trước kia chỉ còn
giống như núi cao chập chờn và thung lũng sâu thẩm, có khi còn
có cả sinh vật sống trên đó nữa. Và nếu ta phân tích sâu
thêm nữa, đến mức cùng tột cái mặt bàn chỉ là những năng
lực và tính chất, hay nói cách khác chỉ là những rung động.
Vậy, nên tin những gì mà mắt thường vẫn thấy, tai thường
vẫn nghe hay chỉ tin vào những gì sự phân tích sâu sắc đến
mức cùng tột cho thấy? Cả hai đều là thực tế và
Phật-giáo phân biệt có hai thực tế.
Trong đời sống thông
thường
nhà khoa học gọi nước là nước, nhưng ở phòng thí nghiệm
ông ta sẽ gọi là H2O. Cùng một thế ấy, Phật-giáo
không phủ nhận thực tế trong đời sống hằng ngày và trong
Tạng Kinh (Sutta Pitaka) Ðức-Phật dùng những danh từ
mặc ước, thông thường như người, thú, đàn ông, đàn bà
hay ông A, ông B, vv... để dạy một lối sống đạo đức,
một nếp sống hằng ngày khả dĩ đưa đến tiến bộ tinh
thần. Tuy nhiên, ta cũng không thể phủ nhận những gì thật
sự có, đúng như sự vật là vậy, mà mắt thường không
thể trông thấy. Vì lẽ ấy trong Tạng-Luận (Abhidhamma
Pitaka), phần triết lý cao siêu của Phật-giáo, Ðức-Phật
truyền dạy giáo lý cùng tột và dùng những danh từ trừu tượng,
có tánh cách chuyên môn, như ngũ-uẩn, tứ đại, lục-căn,
vv...
Phạn ngữ "Paramattha
Sacca" được phiên dịch ở đây là chân-lý cùng tột
hay chân đế, hoặc nghĩa đế. Parama được giải thích
là không thể còn biến chất nữa (Aviparĩta), trừu tượng
(Nibbattita); Attha là vật, Sacca là chân-lý
hay đế. Vậy Paramattha Sacca là chân-lý trừu tượng không
còn phân tích được nữa. Một cái lọ bằng đồng không
phải là thực tế cùng tột (Paramattha) bởi vì bên
trong cái lọ, trong chất đồng, có sự thay đổi từng giây,
từng phút, từng khoảnh khắc. Lại nữa, ta có thể uốn
nắn hay nấu cái lọ để lấy đồng làm ra một món đồ khác,
như cái tô chẳng hạn, tức là biến cái lọ thành cái tô. Bây
giờ, nếu ta phân tích cả hai món đồ đồng ấy đến mức
cùng tột, cuối cùng ta sẽ đi đến những năng lực và
những tính chất căn bản mà Vi-Diệu-Pháp (Abhidhamma)
gọi là Sắc nghĩa đế (Rũpa Paramattha). Những tính
chất và năng lực ấy vẫn còn có thể biến đổi, nhưng đặc
tính riêng biệt của những "Sắc" (Rũpa) ấy
vẫn là nền tảng căn bản của hai món đồ. Và nếu ta nấu
đồng ấy ra trở lại nữa để làm món đồ khác, thì thể
chất của nó hay "Sắc" ấy vẫn còn giữ nguyên vẹn
đặc tính. Như vậy, những tính chất và năng lực của đồng
là thực tế cùng tột.
III.
Tôi là
ai?
Công trình phân tích
rốt ráo cho thấy rằng con người là sự cấu hợp của 5 thành
phần hay 5 nhóm gọi là ngũ-uẩn hay ngũ-ấm: Sắc-uẩn,
Thọ-uẩn, Tưởng-uẩn, Hành-uẩn và Thức-uẩn (xin xem lại
phần Vô-thường, và phần Khổ, đoạn Hành Khổ - Sankhãra
Dukkhatã). Sắc là phần vật chất. Thọ, Tưởng, Hành,
Thức là phần tinh thần. Danh từ triết học Phật-giáo gọi
một cá nhân là Santati, có nghĩa là một triều lưu, một sự
liên tục chảy trôi không ngừng của những hiện tượng
"Tâm-vật lý".
3.1 Sắc (Rũpa)
Hay cơ thể vật chất
là
thành phần của con người biểu lộ hiển nhiên ra ngoài mà
ai ai cũng có thể cảm nhận. Danh từ "Rũpa" phát
nguyên từ căn "Rup" có nghĩa là đổi thay. Theo
Phật-giáo, Sắc gồm 28 loại, trong đó có 4 là thành phần căn
bản gọi là Tứ Ðại Chánh Yếu (Cattãri Mahã Bhũtãni),
mà ta thường gọi tắt là Tứ Ðại. Tứ Ðại bao gồm: Ðất,
Nước, Lửa, Gió.
a) Ðất (Pathavi)
là thành phần của vật chất có đặc tính duỗi ra, không
đúng hẳn theo nghĩa thông thường của chữ Ðất. Sở dĩ
được gọi như vậy là vì thành phần này, cũng như Ðất,
là nền tảng của ba thành phần kia. Nếu không có thành
phần Ðất (Pathavi) thì một vật không thể chiếm không
gian. Cứng và mềm là hai đặc tính tương đối của thành
phần Ðất, vì mềm là hình thức cứng ở độ thấp. Trong
Ðất, trong Nước, trong Lửa, cũng như trong Gió theo nghĩa thường
được hiểu vẫn có thành phần Ðất, có đặt tính duỗi
ra và chiếm không gian.
b) Nước (ãpo)
là
thành phần của vật chất có đặc tính làm dính liền
lại, không đồng nghĩa hẳn với chữ "Nước" như
ta thường hiểu. Do ngũ quan ta có thể cảm giác nhận thức
thành phần Ðất (Pathavi) nhưng ta không thể dùng
mắt, tai, lưỡi, mũi và thân để tiếp xúc với và cảm
nhận thành phần Nước (ãpo). Chính thành phần này làm
cho những phần tử rời rạc của vật chất dính liền
lại và cho ta ý niệm hình thể. Nên hiểu rằng lạnh không
phải là đặc tính của thành phần Ðất và Nước trong
Sắc liên quan với nhau thật là mật thiết.
c) Lửa (Tejo)
là
thành phần nóng trong vật chất, không đúng hẳn theo nghĩa
thông thường của chữ "Lửa". Nóng và lạnh là hai
đặc tính tương đối của thành phần Lửa (Tejo), vì
lạnh là một hình thức nóng. Thành phần Lửa (Tejo) có
năng lực làm cho vật chất trở nên chín mùi hay nói cách
khác, tạo sinh lực cho vật chất. Vật chất được tồn
tại hay bị tiêu hoại đều do thành phần Lửa (Tejo).
Trái với ba thành phần kia trong Tứ Ðại, Lửa (cũng được
gọi là Utu) có năng lực làm cho vật chất tự mình
hồi sinh.
d) Gió (Vãyo)
là
thành phần trong vật chất có đặc tính di động, không
phải theo nghĩa chữ' "Gió" như ta thường hiểu. Chính
thành phần Gió (Vãyo) trong vật chất tạo sự vận
chuyển và được xem là năng lực xuất phát hơi nóng. Sự
di động và nhiệt lực trong phạm vi vật chất cũng tương
đương với tâm và nghiệp trong phạm vi tinh thần.
Tứ Ðại Chánh Yếu:
Ðất,
Nước, Lửa, Gió là những đơn vị căn bản của vật chất
(Sắc: Rũpa). Tứ Ðại luôn luôn pha lẫn với 24 chuyển
hóa của nó và luôn luôn dính liền nhau, liên quan với nhau
rất mật thiết. Trong một loại vật chất thành phần này có
thể trội hơn thành phần khác, như trong Ðất, thành phần Ðất
(Pathavi) trội hơn ba thành phần kia; trong Nước, thành
phần Nước (ãpo) trội hơn; trong Lửa, thành phần Lửa
(Tejo) và trong không khí thì thành phần kia. Trong mỗi
thể chất vật lý, từ vật nhỏ nhất đến những vật to
lớn khổng lồ, đều có đủ bốn thành phần chính yếu
ấy, không thể thiếu một. Ba thành phần không thể tồn
tại nếu không có thành phần thứ tư.
Như vậy, Sắc hay cơ
thể vật chất của con người bao gồm những đặc tính và
những năng lực trong trạng thái liên tục biến đổi, luôn
luôn trôi chảy như một giòng suối. Ta không thể chỉ một
phần nào trong thân và nói rằng cái này tồn tại. Vì khi ta
nói đến chữ "tại" thì nó đã biến đổi và trở
thành cái gì khác rồi.
Còn phần tâm linh thì
sao? Trong guồng máy phức tạp của con người, cùng phối
hợp với phần vật chất còn có phần tinh thần vô cùng quan
trọng được gọi là Danh (Nãma).
Danh gồm: Thọ, Tưởng,
Hành, Thức. Thọ, Tưởng và Hành là ba Tâm Sở (Cetasika).
Thức là Tâm Vương (Citta).
3.2 Thọ (Vedãna)
Hay cảm giác là một
loại tâm sở phổ thông, cũng được gọi là tâm sở biến
thành, nằm trong tất cả các loại tâm. Thọ là một cảm giác,
chỉ cảm nhận suông mà không bao hàm sự nhận diện hay hình
dung đối tượng. Thọ phát sanh do sự tiếp xúc giữa:
- Lục-Căn : Nhãn,
Nhĩ,
Tỷ, Thiệt, Thân, Ý.
- Lục-Trần: Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp.
Thí dụ:
Như tay tôi sờ vào một ly nước tức có sự tiếp xúc giữa
thân căn (tay tôi) và thân trần (ly nước). Khi tay chạm vào cái
ly tôi hay biết có vật trơn tru, cứng, tròn... Ðó là Thọ, có
sự cảm kích xuyên qua giác quan mà chưa nhận diện ra đó là
gì, cũng không hình dung đó là cái ly. Cùng thế ấy, khi nhìn
cái hoa tức có sự tiếp xúc giữa nhãn căn (thành phần
nhạy của mắt) và nhãn trần (đối tượng của sự thấy,
ở đây là cái hoa) tức tôi hay biết có hình thể, màu
sắc... như thế ấy, nhưng chưa nhận diện, chưa hình dung là
cái hoa. Ðó là Thọ, chỉ thâu nhận cảm kích xuyên qua giác
quan mà chưa biết đó là gì.
Thọ (Vedanã)
có
một vai trò rất trọng yếu trong cuộc sống của con người.
Thọ biến đổi luồng tâm và tác hành như một năng lực có
khả năng nâng đỡ hoặc hoại diệt đời sống. Thí dụ: Như
Thọ-hỷ, Thọ-lạc thì nâng đỡ, giúp cuộc sống được
thoải mái, dễ chịu còn Thọ-ưu, Thọ-khổ thì gây trở
ngại.
Nói rằng Thọ phát
sanh
do sự tiếp xúc giữa căn và trần có nghĩa rằng Thọ là
một pháp hữu-vi, chỉ hiện hữu do nhân và duyên tạo điều
kiện. Trước kia, ở phần Vô-thường ta thấy rằng: "Các
pháp Hữu-vi đều vô-thường", "Chúng được sanh ra,
kết hợp lại, rồi tan rã". Như vậy, Thọ chỉ tồn
tại tạm thời, vừa phát sanh liền trụ và diệt trong
khoảnh khắc.
3.3 Tưởng (Sannã)
Là uẩn thứ ba trong
ngũ-uẩn.
Danh từ "Sannã" do "San" và căn
"nã" kết hợp, có nghĩa là biết nhận thức
(so với "Cognoscere" trong chữ La-Tinh). Tưởng (Sannã)
cũng là một tâm sở phổ thông hay biến hành, nằm trong tất
cả các loại tâm vương.
Ðặc điểm chánh của
Tưởng
(Sannã) hay tri giác là nhận thức một vật do dấu
hiệu trên vật ấy hay nhận ra một vật do những cảm giác
phát sanh giống như những cảm giác đã có trước kia. Như người
thợ mộc cưa, bào, đụt, đẽo những cây cột, cây kèo, đòn
vong... rồi làm dấu trên đó. Lúc dựng nhà ông ta nhận ra
dấu hiệu này thì biết là đầu trên cây cột, gặp dấu kia
thì biết nó là cây đòn vong... Sự nhận diện ra nhờ dấu
hiệu ấy là Tưởng (Sannã). Trong thí dụ tay sờ ly nước
kể trên, Thọ chỉ thâu nhận cảm giác cứng, trơn tru, tròn,
lạnh... mà không nhận diện hay hình dung ra nó là gì. Lúc
bấy giờ tôi nhớ lại đã có những cảm giác tương tợ và
nhận ra đó là cái ly. Sự hồi nhớ và nhận ra là Tưởng (Sannã).
Tưởng phát sanh do thọ tạo điều kiện và như vậy Tưởng
là pháp hữu-vi, luôn luôn biến đổi theo định luật vô-thường.
Trong Phật-giáo có ba
danh từ có ý nghĩa tương-tự: Tưởng (Sannã), Thức (Vinnãna)
và Tuệ (Pannã). Cả ba đều có nghĩa hiểu biết, nhưng
ở mức độ khác nhau, cần phải được phân biệt rõ ràng.
Một em bé hai ba tuổi thấy đồng tiền, nhận ra đó là đồng
tiền, nhưng không hiểu giá trị nó. Một người đứng tuổi
thấy đồng tiền thì biết giá trị của nó là thế nào nhưng
không biết thể chất của đồng tiền ra sao, làm bằng gì...
Một khoa học gia thấu triệt từng chi tiết các hóa chất và
đặc tính của mỗi loại kim khí dùng để đút đồng tiền.
Tưởng (Sannã) hay tri giác, như em bé, thấy vật gì tròn,
nhỏ, dẹp, màu vàng... nhận ra đó là đồng tiền nhưng rõ ràng
không biết giá trị của nó. Thức (Vinnãna) như người
đứng tuổi biết giá trị và lợi ích của đồng tiền mà
không hiểu bản chất hay các thành phần cấu hợp đồng
tiền. Trí tuệ (Pannã) là tri kiến phân giải của chuyên
viên, thấu triệt mỗi thành phần hợp thành đồng tiền.
3.4 Hành (Sankhãra)
Là uẩn thứ tư trong
ngũ-uẩn.
Có tất cả 52 tâm sở. Thọ là một, Tưởng là một tâm sở
khác. 50 Tâm sở còn lại được gọi chung là Hành (Sankhãra).
Trong 50 tâm sở này có tâm sở "Tác ý" (Cetanã:
ý muốn làm, ý nghĩ đưa đến hành động) là quan trọng hơn
hết. Cetanã là tâm sở phối hợp các tâm sở đồng phát
sanh với nó trên đối tượng của tâm. Giống như vị Tăng
Trưởng hay người thợ chánh, vừa làm công việc của mình
vừa điều hành công việc của những người khác, tâm sở Tác
ý (Cetanã) vừa tác hành nhiệm vụ của mình vừa phối
trí sinh hoạt của các tâm sở khác, cũng đồng phát sanh
với mình.
Ðứng về phương diện
tâm lý Tác ý (Cetanã), quyết định các hoạt động
của những tâm sở đồng phát sanh cùng với nó. Về phương
diện đạo đức, nó quyết định hậu quả dĩ nhiên phải đến.
Một cách chính xác, chính Cetanã là nghiệp. Do đó, nếu không
có Tác ý (Cetanã) tức nhiên không có nghiệp (Kamma).
Một em bé cầm dàn thung nhắm bắn trái xoài. Em bắn trật trái
xoài và viên đá bay lệch một bên trúng nhằm con chim đậu
phía sau. Chim chết. Nhưng em bé không tạo nghiệp sát sinh vì
hành động của em không tác ý, em không cố tình bắn chết
con chim.
Trong các loại tâm
tại
thế, Tác ý (Cetanã) là tâm sở có ý nghĩa quan trọng
nhất, còn trong các loại tâm siêu thế thì có tâm sở Trí
tuệ (Pannã). Tâm tại thế có khuynh hướng tích trử
nghiệp, tâm siêu thế có chiều hướng tận diệt nghiệp.
Trong Thập Nhị Duyên
Khởi chính tâm sở Tác ý (Cetanã), bao hàm trong danh từ
"Hành" và Hữu".
Trong một loại tâm
luôn
luôn có 7 tâm sở phổ thông và một số nhiều hay ít các tâm
sở khác. Trở về thí dụ ly nước, do tưởng, tôi nhận ra là
ly nước rồi thì có một số tâm sở phát sanh như sự chú tâm,
ý muốn uống ... phát sanh cùng một lúc. Ðó là hành-uẩn.
3.5 Thức (Vinnãna)
Là uẩn thứ năm. Thức
(Vinnãna) đồng nghĩa với Tâm (Citta) và Danh (Nãma).
Khi chia chẻ chúng sanh làm hai phần, vật chất và tâm linh, thì
danh từ Danh (Nãma) được dùng để chỉ phần tâm linh.
Khi đề cập đến ngũ-uẩn thì thức-uẩn được gõi là
Thức (Vinnãna). Còn danh từ Citta lúc nào cũng được dùng
để chỉ các loại tâm khác nhau và trong vài trường hợp
lẻ tẻ, hai danh từ Citta và Nãma đều có nghĩa là
tâm, thường được dùng lẫn lộn.
Tất cả ba uẩn Thọ,
Tưởng,
Hành, đồng phát sanh và đồng hoại diệt cùng một lúc với
thức-uẩn. Tất cả bốn đều phát sanh từ một căn nguyên và
cùng có chung một đối tượng.
Theo triết học
Phật-giáo
không có khoảnh khắc nào mà tâm có thể trống rỗng, nghĩa
là luôn luôn phải có một loại tâm duyên theo một đối tượng,
vật chất hay tinh thần. Thời gian tồn tại của một loại tâm
như vậy gọi là chập tư-tưởng hay một sát-na tâm. Các
bản chú giải ghi nhận rằng trong thời gian một cái nhoáng,
hằng tỷ chập tư-tưởng có thể phát sanh và hoại diệt.
Khi một chập tư-tưởng diệt tức khắc có một chập mới
phát sanh. Như vậy, những chập tư tưởng liên tục nối
tiếp và thời gian tồn tại của một chập tư-tưởng thật
ngắn, khó mà quan niệm được.
IV.
Ảo
kiến
Bốn loại hiện tượng
tâm linh: Thọ, Tưởng, Hành, Thức, hợp với một hiện tượng
vật lý (Sắc) là sự kết hợp vô cùng phức tạp của năm
thành phần cấu tạo một chúng sanh. Mỗi cá nhân đều do năm
uẩn ấy cấu thành. Trong khi những thành phần của năm uẩn
luôn luôn biến đổi thì có cách nào mà sự tổng hợp của
năm uẩn ấy, tức con người lại có thể không biến đổi
từng khoảnh khắc. Trong hai khoảnh khắc kế tiếp không thể
có một người nguyên vẹn, không đổi thay bởi vì trong người
ấy cả thành phần vật chất lẫn thành phần tâm linh đều
không ngừng biến đổi. Khi tôi viết trên giấy hai chữ
"tôi viết" thì người viết chữ "viết" đã
không còn là người viết chữ "tôi", vì trong khoảng
thời gian giữa lúc tôi viết chữ đầu và chữ thứ nhì thì
bao nhiêu đổi thay, cả vật chất lẫn tinh thần, đã xảy
diễn bên trong tôi. Ðức-Phật dạy: "Na ca so, Na ca anno",
không tuyệt đối là một người, cũng không hẳn là hai người
hoàn toàn khác biệt. Không là một người vì sự biến đổi
bên trong tôi. Nhưng không là hai người hoàn toàn khác biệt vì
cả hai đều nằm trong một tiến trình sống, một giòng sinh
tồn. Chỉ có một luồng sống, một diễn tiến của đời
sống hay một sự liên tục. Tuy nhiên, sự liên tục đổi
thay này đã xảy ra nhanh chóng đến độ ta không thể phân
biệt một cách hiển nhiên. Chính hai yếu tố, liên tục và
nhanh chóng, đã làm cho ta lầm tưởng có một thực thể đơn
thuần không biến đổi.
Một cây nhang cháy
trong
đêm tối chỉ là một đớm sáng. Khi cây nhang được quây
thật nhanh theo một vòng tròn thì ta thấy một vòng ánh sáng.
Trong thực tế, không có vòng tròn ánh sáng mà chỉ có một
điểm sáng di chuyển liên tục và nhanh chóng theo vòng tròn.
Xem chớp bóng, ta thấy cảnh vật di động trên màn ảnh. Nhưng
thực ra chỉ có những bức ảnh riêng biệt, liên tục tiếp
diễn theo một tốc độ nào và cho ta cảm giác đang nhìn
một loại hoạt cảnh liên tục.
Cùng thế ấy, vì sự
biến đổi liên tục của những thành phần của ngũ-uẩn quá
nhanh chóng nên ta có cảm tưởng như có những thực thể đơn
thuần, nguyên vẹn, không biến đổi gọi là người, anh, tôi,
thú... Thực ra, toàn thể tiến trình của những hiện tượng
tâm-vật lý ấy luôn luôn trở thành rồi tan rã, sanh rồi
diệt. Không thể gọi là "Ta" hay "Của ta",
hay một linh hồn trường cửu, một bản ngã vĩnh tồn của
ta.
Ðức-Phật dạy:
"Như có người
kia, không phải mù lòa, đi dài theo sông Ganges (sông Hằng),
trông thấy bong bóng nước trên mặt sông, nhìn lại kỷ và
quan sát tận tường. Sau khi quan sát tường tận người ấy
thấy rằng bên trong bong bóng thật trống rỗng không có
thực chất, không có thể chất vững bền.
Cũng dường thế ấy
vị Tỳ-Khưu trông thấy Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức
trong quá khứ, trong hiện tại hay ở vị lai, bên trong mình
hay ở ngoài thô kịch hay vi tế, cao thượng hay thấp hèn,
xa hay gần và vị Tỳ-Khưu nhìn lại kỷ càng và quan sát tường
tận ngũ-uẩn. Sau khi quan sát ngũ-uẩn một cách tận tường,
vị Tỳ- Khưu thấy nó rỗng không, không thực, không có
thể chất vững bền ...
Sắc giống như một
khối bọt.
Thọ như bong bóng nước.
Tưởng như một ảo ảnh.
Hành, mỏng manh như tào lá chuối.
Thức như trò ảo thuật. (Samyutta Nikãya, Tạp A Hàm)
Trong bộ Trung A Hàm (Majjhima
Nikãya) bài số 62 có ghi lại tích chuyện như sau:
- Ngày nọ thầy Sa-di Rãhula
(La Hầu La tức con của Thái-tử Tất-Ðạt-Ða) đi theo Ðức-Phật
trì bình. Phong độ oai nghiêm quý trọng của hai vị tu-sĩ xem
tựa hồ như thớt ngự tượng dõng dạc cùng đi với tượng
con quý phái, như thiên nga của Ðức vua dắt con bơi lội trên
mặt hồ trong hoàng cung, như hổ chúa oai phong và hùm con lẩm
liệt. Cả hai Ngài đều có thân hình vô cùng đẹp đẽ, cả
hai Ngài đều thuộc dòng mã thượng vương tôn, cả hai Ngài
đều từ ngai vàng cất bước ra đi. Trong lúc chiêm ngưỡng
dung nhan Ðức Thế-Tôn thầy Sa-di Rãhula, nghĩ rằng:
"Ta cũng đẹp đẽ như Ðức Thế-Tôn, cha ta. Thân hình
của Ðức-Phật vô cùng đẹp đẽ và thân hình của ta cũng
vậy".
Ðức-Phật đọc ngay
tư-tưởng
ô nhiễm ấy. Ðang đi, Ngài dừng chân ngay lại dạy như sau:
"Bất luận hình dáng đẹp đẽ hay xấu xí, hay thế nào
đi nữa, cũng phải được quan sát như vầy: cái này không
phải của ta (N'etam mama); cái này không phải là ta (N'eso
hamasmi): cái này không phải là linh hồn của ta (Na me so
attã).
V.
Kinh Vô-Ngã
tướng
Sau khi Ðức Thế-Tôn
vận chuyển bánh xa Pháp-Bảo, thuyết giảng thời Pháp đầu
tiên có tên là Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhamma Cakka Sutta)
cho năm vị đạo-sĩ Kondanna, Bhaddiya, Vappa, Mahãnãma và
Assaji (thường được gọi là năm thầy Kiều Trần Như)
tại vườn Lộc Uyển thì Ngài Kondanna (Kiều Trần Như)
đắc qủa Tu-Ðà-Hườn. Trong mấy ngày kế đó, khi nghe Ðức-Phật
giảng thêm, Pháp nhãn (Dhammacakkhu) của bốn vị kia cũng
không còn vướng bụi. Cả bốn vị đều thành đạt tri
kiến vô-nhiễm và chứng ngộ rằng " cái gì đã có sanh
tức phải hoại diệt " (có nghĩa đã đắc quả Tu-Ðà-Hườn).
Thấy tất cả năm vị đã sẵn sàng lãnh hội Ðức Thế-Tôn
giảng bài Pháp thứ nhì, được biết là Anatta Lakkhana
Sutta, Kinh Vô-Ngã Tướng. Nghe xong thời Pháp cả năm vị
đều chứng đạo quả A-La-Hán. Thời Pháp này được ghi
trọn vẹn trong bộ Digha Nikãya (Trường A Hàm), tập Mahã
Vagga và trong bộ Samyutta Nikãya (Tạp A Hàm), tập Khandha
Vagga.
Bài kinh quan trọng
này có
thể được phân giải như sau:
5.1. Phần Vô Ðề:
"Tôi có nghe như
vầy. Một thời nọ, lúc Ðức Thế-Tôn ngự tại vườn
Lộc-Uyển, Isipatana (Chư Thiên Ðọa Xứ), gần Benarès
(Ba-La-Nại). Ngài dạy nhóm năm vị đạo-sĩ như sau: ..."
Trên đây là phần
tuyên
ngôn của vị Ðại-Ðức A-La-Hán Ànanda (A Nan)
trong kỳ kết tập Tam-Tạng đầu tiên, trước năm trăm vị
A-La-Hán đệ tử Phật.
5.2. Phần Thứ Nhất:
"Này hỡi các Tỳ-Khưu
, Sắc (Rũpa, chỉ cơ thể vật chất này) là Vô-ngã (Anattã,
không có một linh hồn trường cửu). Này hỡi các Tỳ-Khưu,
nếu trong sắc này có một bản-ngã (xem như một thực thể
không biến đổi do Thần-Linh tạo nên hay phát xuất từ một
Ðại Hồn, Paramatma, tinh hoa của Thần-Linh) thì sắc này
ắt không phải chịu đau khổ. "Sắc này phải như
vầy", "sắc này không nên như thế này", trường
hợp tương-tợ có thể xảy ra. Nhưng vì sắc này không có
bản-ngã nên nó còn phải chịu khổ đau và không thể có trường
hợp ra lệnh, "cái này phải như thế này, cái này không
được như thế kia".
Cùng một cách ấy
Ðức-Phật
giảng giải từng điểm một, Thọ, Tưởng, Hành, Thức,
giống như Ngài giải về đoạn sắc ở trên và chỉ rõ
rằng không có một bản-ngã hay một linh hồn vĩnh cửu trong
uẩn nào.
Nếu vật gì là của
tôi,
tôi phải có thể biến đổi nó ra thế nào hay sai khiến nó
phải như thế nào, tùy theo ý tôi. Nếu "Sắc", hay cơ
thể vật chất này là tôi thì tức nhiên tôi phải có khả năng
làm cho nó phải như thế nào, mập hay ốm, to hay nhỏ, cao hay
lùn... như ý tôi muốn. Nếu "Sắc" là của tôi, tức
nhiên tôi phải có quyền năng sai khiến, truyền lệnh cho nó
phải như thế nào, tùy theo ý muốn của tôi.
Trên thực tế, có như
vậy không? Ðược thọ thai là một tế bào vô cùng vi tế,
"Sắc" nở nang dần đến lúc lọt lòng mẹ và từ đó,
trưởng thành, khỏe mạnh lên, rồi bắt đầu suy yếu, tàn
tạ đến già, đến ch?t và cuối cùng tan rã. Ðó là tiến trình
biến đổi tự nhiên của sắc-uẩn, hay cơ thể vật chất này,
mà dầu muốn dầu không tôi không thể làm cách nào khác.
Với trí thông minh của con người đôi khi ta có thể sửa đổi
một phần ít oi nào trong tiến trình biến đổi này. Nhưng
dầu ta có uy quyền đến đâu, cũng không thể ra lệnh cho
"Sắc", hay thân này, hãy dừng lại, đừng tiến
triển nữa, hãy cưỡng lại định luật vô-thường, hãy đừng
bệnh hoạn, đừng yếu đuối, đừng già nua, đừng chết, đừng
tan rã. Một vua Tần-Thủy-Hoàng, có đầy đủ quyền uy của
một quốc vương hùng cường, độc đoán cai trị một dân
tộc lớn mạnh và văn minh nhất thời bấy giờ, vẫn không tìm
đâu ra phương thuốc trường sinh bất tử. Chí đến Ðức-Phật
và chư vị A-La-Hán, khi nào còn mang thân ngũ-uẩn, còn sống
trong thế-gian hữu-vi, thì còn phải chịu định luật vô-thường
chi phối. Ðức-Phật vẫn có một lương y tên Jĩvaka.
Vậy ta không thể nói chính thân này là ta, ta là thân này,
hay thân này là của ta.
Kế đó là Thọ-uẩn.
Thọ có ba: Thọ-lạc, Thọ-khổ và Thọ vô-ký. Khi Thọ-khổ
phát sanh ắt ta không vui mà khát khao mong muốn cho nó chấm
dứt. Ngược lại, khi Thọ-lạc đến, ta cố gắng bám níu,
giữ chặt nó lại làm của riêng cho mình đời đời, giống
như nắm lấy một nắm nước và đồng thời muốn giữ nước
vĩnh-viễn nằm trong tay. Tại sao "Thọ' không thể tồn
tại lâu dài? Bởi vì "Thọ" phát sanh do điều kiện:
Sự tiếp xúc giữa căn và trần, như đã thấy ở phần trên,
mà cả hai đều là pháp hữu-vi, luôn luôn biến đổi. Như
vậy, nếu cố chấp Thọ là ta, ta là Thọ và mong muốn cho
Thọ-lạc được trường tồn thì chắc chắn là ta phải
thất vọng, đau khổ.
Rồi đến Tưởng-uẩn,
tri giác. Cũng như Thọ "Tưởng" là pháp hữu-vi, phát
sanh do những gì trước đó tạo duyên. Tôi nghe một tiếng động,
nhận ra là cánh cửa đập. Cái gì là nền tảng cho sự
nhận ra, hay "Tưởng" ấy? Trước tiên tôi phải có
lổ tai (Nhĩ-Căn), rồi phải có tiếng động (Nhĩ-Trần),
chạm vào phần nhạy của lổ tai. Từ xúc chạm ấy phát sanh
sự nhận ra là tiếng cánh cửa đập. Như vậy "Tưởng"
không phải tự mình hiện hữu. Khi tiếng động chấm dứt,
chập "Tưởng" ấy cũng chấm dứt. Như vậy, "Tưởng"
không có khả năng tự mình tồn tại, mà luôn luôn tùy thế
đổi biến.
Ðến đây ta thấy rằng
trong sắc cũng như trong Thọ, Tưởng, Hành, không có gì tồn
tại vững bền, có thực chất hay chứa đựng gì có thể
gọi là "Ta" hay "Bản-ngã" của ta. Còn uẩn
thứ năm, Thức thì sao? Thức là tâm vương. Thọ, Tưởng, Hành
là tâm sở. Theo định nghĩa: "Năm mươi hai trạng thái tâm
đồng liên hợp với tâm vương, đồng sanh, đồng diệt với
tâm vương, cùng có chung một đối tượng và cùng xuất nguyên
từ một căn với tâm vương, được gọi là tâm sở (Cetasika)",
thì Thức, tâm vương, không thể tồn tại riêng rẽ, không có
Thọ, Tưởng và Hành mà tất cả đồng sanh, đồng diệt cùng
một lúc. Do đó, Thức cũng phù-du, chỉ tồn tại trong một Sát-na
tâm.
5.3. Phần Thứ Nhì:
"Vậy chư Tỳ-Khưu
nghĩ như thế nào, thân này thường còn hay Vô-thường?
- Bạch Ðức Thế-Tôn,
là
Vô-thường (Anicca).
Cái gì Vô-thường là
Khổ đau hay hạnh-phúc?
- Bạch Ðức Thế-Tôn,
là
Khổ.
Vậy, có hợp lý chăng,
nếu nghĩ đến cái gì Vô-thường, Khổ và tạm bợ phù du
với ý tưởng, "cái này của tôi, đây là tôi, đây là
linh hồn của tôi"?
- Bạch Ðức Thế-Tôn,
chắc chắn là không hợp lý".
Trong phần trên ta
thấy
rằng từng uẩn một cũng như toàn thể năm uẩn đều không
phải là "Ta" hay "của Ta". Ta không thể muốn
nó phải như thế nào, cũng không thể sai khiến, cưỡng bách
nó phải như thế nào. Ta không thể sửa đổi tính cách
biến đổi không ngừng của nó. Nó không thể tồn tại y
hệt trong hai khoảnh khắc kế tiếp. Ðoạn này Ðức-Phật nêu
lên những câu hỏi để chính năm thầy Tỳ-Khưu khẳng định
đặc tướng vô-thường của ngũ-uẩn. Rồi Ðức-Phật hỏi
tiếp để năm thầy quả quyết rằng vô-thường là biến đổi,
bất ổn định, không bền vững, không thể đưa đến
hạnh-phúc thật sự, vững bền, ổn cố, lâu dài, mà chỉ có
thể đưa đến bất toại nguyện, tức đau khổ. Cuối cùng
Ngài đưa năm thầy đến kết luận rằng cái gì vô-thường,
bất toại nguyện và phù du tạm bợ không thể có thực
chất vững bền, không thể thật sự là "ai" hay
"của ai".
5.4. Phần Thứ Ba:
"Như vậy, này hỡi
các Tỳ-Khưu, tất cả các sắc, dầu ở quá khứ, hiện tại
hay vị lai, ở bên trong hay ở ngoài, thô kịch hay vi tế,
thấp hèn hay cao thượng, xa hay gần, phải được nhận thức
với tri kiến chân chánh theo thực tướng của nó, "cái này
không phải của tôi, đây không phải là của tôi, cái này không
phải là tự ngã của tôi".
"Tất cả Thọ, Tưởng,
Hành, Thức, dầu ở quá khứ... không phải là tự ngã của tôi".
Ba đặc tướng liên
quan
với nhau rất mật thiết của đời sống là Vô-thường,
Khổ, Vô-ngã. Bất luận đâu đâu, bất luận ở vào thời đại
nào, ba đặc tướng này vẫn nổi bật một cách hiển nhiên
trong thế-gian.
Riêng phần đặc tướng
Vô-ngã, Ngài dạy rằng dầu trong Tam Giới (Tại thế) hay ngoài
(Siêu thế), không nơi nào có thể tìm ra một linh hồn, hay
một bản-ngã, trường tồn bất biến. Kinh Dhammapada, Pháp
Cú, có ghi ba câu kệ liên tiếp như sau:
"Tất cả các pháp
hữu-vi đều Vô-thường... Sabbe Sankhãrã Aniccã..."
"Tất cả các pháp hữu-vi đều là Khổ... Sabbe Sankhãrã
Dukkhã..."
"Tất cả các pháp đều Vô-ngã... Sabbe Dhammã Anattã..."
Ta có thể thận trọng
ghi nhận rằng trong hai câu đầu, Ðức-Phật dùng danh từ
"Sankhãrã" có nghĩa là "pháp hữu-vi", hay
vật hữu lậu, vật tùy thế, những gì được cấu thành do
nhân và duyên. Trong thực tế "pháp hữu-vi" bao hàm
tất cả những gì trong thế-gian hiện tượng này. Ðến câu
thứ ba, Ðức-Phật dùng chữ "Dhamma", dịch là
"pháp" mà ý nghĩa bao trùm cả hai: những pháp tại
thế và những pháp siêu thế. Ðiều này có nghĩa rằng bất
luận ở đâu, dầu ở trạng thái Niết-Bàn cũng không có
một linh hồn trường tồn không biến đổi. Chẳng những không
có cái "Ta" (Atmam) trong năm uẩn mà cũng không có
trong bất cứ nơi nào khác.
5.5. Phần Thứ Tư:
"Bậc Thánh đệ tử
đã được giáo truyền đầy đủ thấy vậy thì nhờm chán
Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức; dứt bỏ, không luyến ái
những gì không đáng được ưa thích và do sự dứt bỏ ấy,
đã giải thoát. Rồi tri kiến trở nên sáng tỏ, "Ta đã
được giải thoát". Vị ấy thấu hiểu rằng giòng sanh
tử đã chấm dứt, đời sống phạm hạnh đã được thành
tựu, những gì phải làm đã được hoàn tất viên mãn, không
còn trở lại trạng thái này nữa".
Vị đệ tử của Ðức-Phật
đã được thọ huấn đầy đủ và thành đạt các từng Thánh,
đã thấy rõ ba đặc tướng vô-thường, khổ, vô-ngã của đời
sống nên nhờm chán, ghê sợ những kiếp sinh tồn, sinh tử,
tử sinh, triền miên tiếp diễn trong vòng luân hồi. Sự ghê
sợ và nhờm chán đã thúc đẩy Ngài quyết tâm dứt bỏ, không
bám níu vào những gì huyền ảo, không thực, không đáng được
ưa thích. Ngài không chấp ngã cho rằng "người làm điều
này là tôi, cái gì làm việc kia là tôi, vì Ngài đã thấu
triệt rằng không có người hành động mà chỉ có hành động,
không có người tư-tưởng mà chỉ có sự tư-tưởng, chỉ có
một luồng tâm-vật lý trôi chảy mà không có một thực
thể đơn thuần nguyên vẹn. Hiểu biết như vậy Ngài không
chấp ngũ-uẩn là mình, mình là ngũ-uẩn và do tri kiến sáng
tỏ, giải thoát ra khỏi cảnh vô-thường và đau khổ. Ngài
đã thành đạt Niết-Bàn, chấm dứt giòng sinh tử, tử sinh,
từ phàm trở nên Thánh.
Ðến đây, ta có thể
thắc mắc: "Như vậy thì cái "Ta" nào mà sẽ
gặt hái hậu quả của những hành động do cái "không
phải là ta" ấy làm ra?" Hiểu theo nghĩa cùng tột và
một cách chính xác, chính tâm sở Tác ý (Cetanã) tạo
nghiệp, và Thọ (Vedanã) gặt quả. Ngoài ra không có
"người" tạo nghiệp và "người" gặt quả.
5.6. Phần Thứ Năm:
"Ðức Thế-Tôn
giảng giải như vậy và các vị Tỳ-Khưu lấy làm hoan-hỷ, tán
dương và thọ lãnh giáo huấn".
VI.
Tháo
gỡ Thằng thúc
Có mười thằng thúc (Samyojana,
dây trói buộc, kiết sử) cột chặt chúng sanh vào vòng sinh
tử luân hồi.
Khi chứng ngộ
Niết-Bàn
lần đầu tiên hành giả được gọi là Tu-Ðà-Hườn (Nhập
Lưu, Sotãpanna), người bước vào giòng suối chảy đến
Niết-Bàn lần đầu tiên. Ngài đã dứt bỏ ba dây trói buộc
là thân kiến (Sakkãya Ditthi ), ảo kiến về tự ngã
của mình), hoài nghi (Vicikicchã, không quyết định, không
dứt khoát tin tưởng nơi Phật, Pháp, Tăng) và giới cấm
thủ (Sĩlabbata Parãmãsa, lầm lạc, tin tưởng những
nghi thức tế lễ thần linh). Trong ba thằng thúc này thân
kiến là dây trói buộc quan trọng nhất. Với vị hành giả
đã dứt bỏ thân kiến, hay ngã kiến, mọi khái niệm có tính
cách trí thức về một cái "Ta" đã tan biến. Ðặc tính
của vị Tu-Ðà-Hườn là: Niềm tin nơi Tam-Bảo luôn luôn
tiềm tàng vững chắc; không bao giờ phạm giới nào trong ngũ
giới; không bao giờ còn tái sanh vào bốn khổ cảnh vì đã
vững bước trên con đường giác ngộ. Ngài còn phải tái
sanh trở lại vào cảnh người tối đa là bảy lần.
Vị Tư-Ðà-Hàm (Sakadãgãmi,
Nhất-Lai chỉ còn tái sanh trở lại một lần nữa mà thôi) làm
giảm suy, chưa hoàn toàn dứt bỏ, hai thằng thúc Kãmarãga,
lòng tham duyên theo Dục-giới và Patigha, bất toại nguyện,
bất mãn, sân-hận).
Vị A-Na-Hàm (Anãgãmĩ,
Bất-Lai, trạng thái không bao giờ trở lại) tận diệt hai
thằng thúc mà vị Tư-Ðà-Hàm chỉ làm giảm suy chớ chưa hoàn
toàn tận diệt. Từ đây vị Thánh Bất-Lai không còn tái sanh
trở lại vào cảnh người hay cảnh trời Dục-giới vì đã
hoàn mãn tận diệt mọi tham ái duyên theo Dục-giới.
Vị A-La-Hán tận diệt
năm
thằng thúc còn lại là Ái Sắc (Rũparãga, ham muốn duyên
theo cảnh Sắc-Giới), Ái Vô-Sắc (Arũparãga, ham muốn
duyên theo cảnh Vô-Sắc-Giới), Ngã-Mạn (Mãna), Phóng
Dật (Uddhacca) và Vô-Minh (Avijjã).
Nên ghi nhận rằng tất
cả mười thằng thúc đều có liên quan đến cái
"Ta". Tất cả là những khía cạnh khác nhau của cái
"Ta" biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Trên
con đường giải thoát, mười dây trói buộc (thằng thúc)
phải được tháo gỡ và diệt trừ dần dần làm bốn giai đoạn.
VII. Con đường thoát khổ
Người kia nhà nghèo,
có
một con nhỏ và một túp lều ở vùng ngoại ô. Hôm nọ, anh
đi làm để con ở nhà. Có tên gian manh, thừa lúc không ai, vào
nhà định vơ vét tài vật. Nhưng khi lục soát cùng khắp mà
không thấy gì đáng giá thì anh ta tức giận nổi lửa đốt
nhà và dắt luôn đứa nhỏ đi theo.
Ðến khi đi làm về
người
cha nghèo thấy nhà cửa chỉ còn là một đóng tro mà con thì
đâu mất. Tin chắc rằng đứa nhỏ đã bị chết thiêu trong
đám hỏa hoạn, anh moi đóng tro tàn để tìm những gì còn
lại của đứa con yêu quý và bỏ vào bị. Kể từ đó anh luôn
luôn mang theo mình cái bị và trum trủm giữ gìn như một
bảo vật, ngủ cũng để bên mình và thiết tha trìu mến.
Ngày tháng trôi qua,
đứa
bé lớn lên, tìm cách trốn tên gian manh tìm về với cha. Người
cha đang ở trong nhà thấy có người đến tự giới thiệu là
con mình thì lấy làm ngạc nhiên, quả quyết phủ nhận. Em nào
phải là con tôi. Tôi chỉ có một con và chỉ vào bị anh
khẳng định: đây là con tôi. Anh nhất quyết như vậy. Không
làm sao giải thích cho anh biết rằng anh chỉ tưởng tượng là
như vậy chớ kỳ thực tro kia không phải là con anh.
Nghe qua câu chuyện
có
thể ta nghĩ rằng anh kia quá dại dột, quả thật là mê
lầm. Ðúng vậy. Nhưng bất hạnh thay! Hầu hết chúng ta là
như vậy và vì thế chúng ta còn ở đây. Chúng ta mãi mãi
sống trong ảo mộng và cho đó là thực tế. Chúng ta sống
với những khái niệm và quả quyết rằng đây là
"Ta", kia là cha "của Ta", mẹ "của
Ta", anh, chị, cô, bác, họ hàng "của Ta", nhà
"của Ta", xe "của Ta"....trong khi "chính thân
này còn không phải là ta thì con cái nào của ta? Sự nghiệp
nào là của ta?
Chắc mỗi người chúng
ta còn nhớ rằng lúc thiếu thời, vào một buổi chiều nào
đó, chúng ta nhìn lên trời thấy một cái móng (cầu vòng) màu
sắc rực rỡ, đóng trên một vừng mây. Lúc ấy chúng ta
rất cảm kích, tưởng chừng như mình có thể đến gần và
sờ, nắm được cái móng, vì nó rành rạnh còn hơn rạn cây
mờ mờ trong đám khói ở phía sau. Trên thực tế, nó không có
gì thực chất mà chỉ là những làn ánh sáng chiếu xuyên qua
triệu tỷ giọt nước ly ty, vởn vơ trong không gian.
Từ thủa ấy đến nay
còn
biết bao lần khác, trong bao nhiêu trường hợp khác nhau, ta đã
lầm tưởng cái giả là thực. Hằng ngày vào buổi sáng ta
thấy mặt trời lú lên từ chân trời ở hướng Ðông và
buổi chiều, sụp xuống ở hướng Tây. Một cách quy ước,
ta đồng ý với nhau, nói là mặt trời mọc buổi sáng và
lặn buổi chiều. Thực ra không có mặt trời mọc và mặt
trời lặn mà chỉ có quả địa cầu vừa quây theo một
trục, vừa vận chuyển chung quanh mặt trời. Chính giác quan
hạn hẹp của chúng ta đã đưa chúng ta đến chỗ sai lầm.
Ta có cảm tưởng là vậy nhưng thực tế không phải là như
vậy.
Hiểu một cách giản
dị, đó là Vô-Minh (Avijjã, không minh mẫn, không sáng
suốt), hay Si Mê (Moha, ảo kiến, thấy sai lầm). Trạng
thái Si Mê bao phủ tâm như đám mây mù mịt làm cho tâm không
thể thấy đúng thực tướng của sự vật là như vậy mà
thấy bóng tưởng hình, thấy ảo tưởng thực, thấy những
giọt nước kế tiếp trôi chảy tưởng là con sông, thấy
những hột cát chồng chất trải dài tưởng là bãi biển,
thấy những yếu tố luôn luôn biến đổi của ngũ-uẩn tưởng
là "Ta", chấp ngũ-uẩn là "Ta", "Ta" là
ngũ-uẩn. Và đó là nguồn gốc của tất cả những điều
phiền phức, những mối lo âu, những quấy nhiễu, những điều
bất hạnh, những trường hợp đau khổ.
Tại sao?
Khi cái được gọi là
"Ta" bám níu, duyên vào người hay vật mà nó ưa thích
tất có sự thân yêu, sự luyến ái hay trìu mến.
Có phải chăng
"Thân yêu ... trìu
mến ... luyến ái ... tham dục ... ái dục sanh sầu muộn,
sanh lo sợ. Người đã trọn vẹn dập tắt thân yêu ... trìu
mến ... luyến ái ... tham dục ... ái dục không còn sầu
muộn, càng ít lo sợ " (Pháp Cú, câu 212-216).
"... Phiền-não
không
bao giờ đến với người không luyến ái danh sắc và không
còn dục vọng" (Pháp Cú, câu 221).
Khi cái "Ta" bất
mãn với người hay vật không ưa thích tất có sự ghét bỏ,
giận dữ hay thù hận. Ðức-Phật dạy:
"Nó lăng mạ 'tôi',
đánh đập 'tôi', chiến thắng 'tôi', cướp giựt của 'tôi',
lòng sân-hận không nguôi trong tâm của người còn ôm ấp
những ý tưởng tương tợ." (Pháp Cú, câu 3)
"Trên thế-gian này,
sân-hận không bao giờ dập tắt sân-hận. Duy có tình thương
mới diệt tâm sân. Ðó là định luật nghìn thu". (Pháp
Cú, câu 5)
Và ở một trường hợp
khác Ngài dạy:
"Ai chế ngự được
tâm sân đang phát sanh, như hảm một chiếc xe đang ngon
trớn, người ấy, Như-Lai gọi là người đánh xe thiện
nghệ. Nhưng kẻ khác chỉ là người cầm cương". (Pháp
Cú, câu 222)
Khi cái "Ta"
thất bại tất có sự đau khổ, âu sầu, phiền muộn, hối
hận và tuyệt vọng sâu xa, có thể đưa đến cảnh quyên
sinh hay gây án mạng cho người khác.
Khi cái "Ta" lâm
nạn, tất có sự lo âu sợ sệt.
Tại sao ta lo sợ?
Phân tích
đến mức cùng tột chỉ có một câu trả lời: chúng ta lo
sợ vì mang nặng trong lòng những tư-tưởng "Ta" và
"của Ta". Chúng ta trong mong chờ đợi, bồn chồn
muốn cho ta và những gì ta yêu quý được chu toàn trong một
thế-gian biến đổi. Kẽ nào dùng cát để cất nhà trên bãi
biển phải nơm nớp lo sợ sóng biển. Kẻ nào lấy tiền
của làm vật bảo đảm phải luôn luôn làm nô lệ cho tiền
của. Kẻ nào tìm lẽ sống trong công cuộc làm ăn và để
hết tâm trí vào đấy như một việc nhất quyết phải thành
tựu cho kỳ được, kẻ ấy không thể yên ổn trong lòng.
Vậy là ta lo sợ cho "Ta", cho tiền của "của
Ta", cho con cái ta, bạn bè ta, cho những cái gọi là
"của Ta".
Khi cái "Ta" bị
giới hạn trong ích kỷ hẹp hòi, tất có sự chia rẽ, ganh
tỵ, thèm muốn, tham vọng.
Khi cái "Ta" được
thổi phòng, tự cao, tự đại, tất có ngã-mạn kiêu căng.
Người thực hành
Bát-Chánh-Ðạo,
trang nghiêm trì giới, chuyên cần nhiếp tâm an trụ và phát
triển trí tuệ minh sát sẽ thấu đạt thực tướng của
vạn pháp và sẽ có quan điểm chân chính về kiếp sinh tồn.
Người ấy nhận thức rằng tất cả sự vật trên thế-gian
huyền-ảo và tạm bợ nhất thời này tựa hồ như
"giọt sương buổi sáng, lóng lánh trên lá cây ngọn cỏ
và sớm tan biến khi những tia nắng bình minh bắt đầu rọi
xuống, như bong bóng nước, như lằng gạch trên mặt nước,
như cái chớp trong đêm tối, như một khối bọt, như ảo
cảnh, như giấc mơ..."
Lúc bấy giờ người
ấy đã vượt ra khỏi cái "Ta". Cái được gọi là
"Ta" đã chan hòa và đồng nhất với tất cả, tất có
lòng vị tha bất cầu lợi, có tình huynh đệ tương thân tương
ái với tất cả chúng sanh, có tâm từ vô-lượng vô-biên, có
lòng bi-mẫn dồi dào và có sự thuận hòa điều hợp với
tất cả. Ánh Sáng, Trí-Tuệ dần dần đánh tan đêm tối
của si mê, không còn tham ái, sân hận, người ấy đã thoát
ra khỏi mọi hình thức ái dục, tiến đến đạo quả Thánh
và cuối cùng, đến sự giải thoát toàn vẹn ra khỏi vòng luân
hồi, khỏi mọi hình thức đau khổ, như lời Phật dạy:
"Như nhìn bọt nước,
như nhìn ảo-ảnh, nếu người kia nhìn thế-gian này như
vậy, Tử-Thần không còn thấy người ấy nữa".
Cũng vì lẽ ấy mà khi
vị Bồ-Tát có danh hiệu là Quán Tự Tại thực hành sâu vào
trí-tuệ Ba-La-Mật và soi thấy năm uẩn đều không thì tất
cả khổ nạn đều qua: "Quán Tự Tại Bồ-Tát hành thâm
Bát-Nhã Ba-La-Mật-Ða thời chiếu kiến ngũ-uẩn giai không, độ
nhất thiết khổ ách".
-ooOoo-