Phật (Buddha) là một từ ngữ để chỉ người giác ngộ viên mãn. Ðức Thích Ca Mâu Ni
(Sàkyãmuni) là người đã giác ngộ, nên chúng ta gọi Ngài là Phật. Giác ngộ là
thấy biết mọi chân lý về vũ trụ và nhân sinh. Từ chỗ giác ngộ này, đức Phật chỉ
dạy các môn đồ còn ghi chép lại thành Tạng kinh. Trong tạng kinh chứa đầy dẫy
những chân lý, dù trải qua hơn 25 thế kỷ vẫn còn giá trị nguyên vẹn, không do
thời gian làm suy giảm. Ngày nay chúng ta nghiên cứu Tạng kinh thật chín chắn,
càng phát hiện những chân lý ấy gần gũi và thích hợp với khoa học một cách không
ngờ. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu tổng quát vài nét cương yếu để
đọc giả suy ngẫm.
Về vũ trụ - Ðức Phật ra đời trên sáu thế kỷ trước công
nguyên, còn các nhà khoa học được biết đến, mới có từ thế kỷ thứ 18 sau công
nguyên. Thế mà ở thời kỳ ấy, đức Phật nhìn trong vũ trụ thấy thế giới không thể
kể hết, nên trong kinh thuộc Hán tạng có những câu "Hằng hà sa số thế giới",
nghĩa là thế giới nhiều như cát sông Hằng (Ganges), hoặc câu "vi trần sát" nghĩa
là cõi nước (sát) nhiều như nhũng hạt vi trần. Ðến nay các nhà thiên văn học nhờ
viễn vọng kính nhìn thấy trong bầu hư không có không biết cơ man là thế giới. Vô
số ngôi sao lấp lánh hiện trên nền trời trong lúc ban đêm, mà mắt chúng ta nhìn
thấy được; là những hành tinh (thế giới), còn không biết có bao nhiêu hành tinh
khác quá xa mắt không thể nhìn thấy được. Chính đây là bằng chứng cụ thể, nhờ
khoa học giúp chúng ta hiểu được lời Phật dậy cách đây trên 25 thế kỷ: Lại nữa,
có lần Ðức Phật cùng các thầy tỳ kheo đi vào rừng, nhìn thấy những lá rơi lả tả
và những lá vàng uá sắp về cành, đồng thời có nhũng chòi non vừa nẩy lộc và
những mầm vừa nhú khỏi vỏ cây, Ngài dạy các Tỳ Kheo: Thế giới đang hoại, sắp
hoại và đang thành cũng như lá cây trong rừng đang rụng, sắp rụng và đang nẩy
chồi, sắp nẩy chồi".Vì thế, đức Phật thường dạy thế giới có bốn thời :Thành,
trụ, hoại, không." Ngày nay các nhà khoa học cũng thừa nhận thế giới phải trải
qua bốn thời kỳ như thế. Ðây là cái nhìn thích hợp giữa Phật học và khoa học mà
cách cách nhau thời gian qúa xa.
Về vạn vật - Vạn vật sinh thành và hoại
diệt trên đời, dưới con mắt trí tuệ của đức Phật đều do "duyên khởi". Duyên khởi
là nhân duyên sinh khởi, không có một vật nào hình thành mà không do các duyên
nhóm họp. Nếu nói sự vật ngẫu nhiên tự thành, hoặc có bàn tay mầu nhiệm nào tạo
dựng đều không đúng sự thật. Ðức Phật xác nhận vạn vật do nhân duyên tụ họp thì
thành, nhân duyên ly tán thì hoại. Sự thành hoại cuả vạn vật đều do duyên, là
chỗ thấy như thật của đức Phật. Bởi thế trong kinh Phật thường dạy "Các pháp do
duyên khởi, không có thực thể, các pháp do duyên khởi, không có cố định". Không
có thực thể là thuyết "vô ngã". Không có cố định là thuyết "vô thường", mà trong
kinh thường nói "chư hành vô thường, chư pháp vô ngã". Không khi nào có một nhân
đơn thuần thành hình một vật, cũng không khi nào có sự bất ngờ sinh ra một vật,
mà phải đủ duyên mới thành. Vì vậy đức Phật không chấp nhận thuyết "nhất nhân"
và thuyết "vô nhân". Với sự thực này, ngày nay khoa học đã làm sáng tỏ, chúng ta
không còn gì phải nghi ngại. Hơn nữa, trước mắt chúng ta thấy vô vàn sự vật, nếu
đem ra phân tích đều do nhân duyên hợp thành, không có vật nào tự thành hay do
một cái gì đó làm thành. Sự thật hiển nhiên này càng làm sáng tỏ lời đức Phật
dạy. Chúng ta thấy rõ Phật học và khoa học tuy thời gian cách xa mà không có
giới tuyến ngăn cách.
Về con người - Khi Phật còn tại thế, Ngài nhìn
trong bát nước thấy vô số vi trùng, trong kinh Hán tạng có câu "Phật quán nhất
bát thủy, bát vạn tứ thiên trùng" Nghĩa là Phật nhìn trong bát nước thấy tám
muôn ngàn (84000) vi trùng. Ngày nay nhờ kính hiển vi, các nhà khoa học thấy
trong nước có nhiều vi trùng. Lại nữa, Phật nhìn thấy trong thân người thấy vô
số vi trùng, trong Hán tạng có câu "nhơn thân chi nội hữu vô số vi trùng tại
trung nhi trú" Nghĩa là trong thân người có vô số vi trùng đang trú ẩn bên
trong. Ðiều này ngày nay chúng ta chỉ cần có chút ít kiến thức khoa học là không
còn nghi ngờ gì nữa.
Nghiệp lực - Nếu không có một đấng nào an bày, muôn
vật làm sao được sanh thành, hoại diệt và sinh hoạt trong một trật tự nhất định?
Nhà Phật nói "do sức nghiệp thúc đẩy và thu hút mọi vật hình thành, khi mãn
nghiệp thì hoại diệt. Cũng như do động lực của nghiệp nên mọi vật sinh hoạt
trong một trật tự nhất định" Nghiệp là động lực lôi cuốn các duyên tụ họp lại
thành hình sự vật; khi sức nghiệp mãn các duyên ly tán thì sự vật hoại diệt.
Nghiệp có khả năng cuốn hút sự vật quay cuồng trong quĩ đạo nhất định. Ngày nay
các nhà khoa học đã nói do sức quay và sức hút của mọi vật trong vũ trụ, các
hành tinh trong bầu vũ trụ hoặc lớn hoặc nhỏ đều quay cuồng trong hư không và
trong một quỹ đạo nhất định. Cho đến nhỏ như một hạt nguyên tử cũng quay cuồng
và xoắn chặt vào nhau mà thành hình muôn vật. Ðộng lực quay và hút này do nghiệp
lực tạo nên. Nghiệp là đông lực lôi cuốn theo thói quen, đồng thời cảm ứng với
vật khác đồng tính nên bị thu hút. Do nghiệp chi phối nên con người và muôn vật
trên thế gian được thành hình và sinh hoạt trong một phạm vi nhất định nào đó,
khi sức nghiệp mãn con người và muôn vật theo đó hoại diệt. Song nghiệp có thể
chuyển đổi được, không phải cứng nhắc cố định, vì nó là động lực.
Tuy
nhiên thuyết nghiệp báo luân hồi đã có trước thời đức Phật, xuất phát từ các
kinh Phệ Ðà (Véda); song với tinh thần tôn trọng chân lý, đức Phật xét thấy đúng
sự thật liền ứng dụng đem dậy đệ tử tu hành. Trong đó, đức Phật có sửa đổi những
phần lệch lạc theo quan niệm Bà la Môn giáo để lý thuyết này được hoàn chỉnh
hơn. Vì vậy, ngày nay mọi người đều thừa nhận thuyết nghiệp báo luân hồi là của
đạo Phật.
Ðạo Phật đặt trọng tâm ở con người - Chỗ thấy biết của đức
Phật đúng sự thật, hợp chân lý, nên trải qua thời gian dài mà không sai chạy hay
lạc hậu. Ðức Phật không dùng cái thấy biết tuyệt vời ấy để phân tích ngoại cảnh,
sử dụng ngoại cảnh phục vụ con người. Ngài chỉ dùng cái thấy ấy biết ấy để soi
sáng thẳng vào con người, để thấy biết con người tường tận từ thể xác lẫn tinh
thần. Biết rõ con người rồi, đức Phật dạy cách sống đúng tư cách con người, đồng
thời chuyển hoá thân tâm đẻ được an lạc trong hiện tại và mãi sau kia. Có lần
đức Phật cùng các thầy Tỳ kheo đi vào rừng Simma, Ngài dùng tay nắm một nắm lá
cây đưa lên hỏi các thầy Tỳ kheo" "Lá cây trong tay ta nhiều hay lá lá cây trong
từng nhiều?" Các thầy Tỳ kheo thưa :"Lá cây trong tay Thế Tôn rất ít so với lá
cây trong rừng" Ðức Phật dạy "Cũng thế, cho ta thấy biết nhiều như lá cây trong
rừng, những điều ta dạy các ông ít như lá cây trong nắm tay ta" Ðiều này khiến
chúng ta thấy rõ, dù việc ấy đúng sự thật mà không cần thiết cho sự đào tạo xây
dựng con người được an vui hạnh phúc hiện tại và mai sau, Phật vẫn không đem ra
chỉ dạy. Phật chỉ dạy những điều cấp thiết để giải quyết mọi khổ đau cho kiếp
sống con người. Vì tuổi thọ con người quá ngắn (60--70 năm) không đủ thì giờ để
học hiểu hết mọi điều trên thế gian này.
Phần hệ trọng nhất nơi con
người là tinh thần. Tinh thần sai sử thể xác tạo thành nghiệp lành nghiệp dữ,
cảm thọ quả khổ, vui ở hiện tại và vị lai. Cho nên bao nhiêu lời khuyên răn của
Phật đều đặt nặng sự chuyển hoá nội tâm của con người. Con người nội tâm được
trong sáng thì đời sống hiện tại đầy đủ ý nghĩa, sau khi kết thúc cuộc đời mọi
sự sáng trong tươi đẹp đang sẵn sàng chờ chực. Ðây là trọng tâm cứu khổ chúng
sinh của đức Phật Thích Ca, cũng là của đạo Phật.
Ðạo Phật chủ trương
giác ngộ, giải thoát, từ bi, bình đẳng - Ðức Phật do giác ngộ nên thành Phật,
suốt đời giáo hoá của Ngài cũng lấy giác ngộ làm trọng tâm. Người tu Phật mà
thiếu giác ngộ là không phải người đệ tử chân chính của đạo Phật. Khổ đau gốc từ
vô minh, muốn hết khổ đau phải dứt sạch vô minh. Chỉ có ánh sáng giác ngộ mới
dẹp tan được màn vô minh, ngoài giác ngộ ra không còn cách nào dẹp được vô minh.
Như chỉ có ánh sáng mới dẹp được bóng tối, ngoài ánh sáng không có cái gì dẹp
được bóng tối. Vô minh không tan thì đayu khổ làm sao hết được. Vì thế, phương
pháp duy nhất để cứu khổ chúng sinh là giác ngộ. Ðây là nguyên nhân đạo Phật lấy
giác ngộ làm chủ yếu.
Nhờ giác ngộ con người mới giản trạch được điều
chân lẽ ngụy, thấy rõ cái gì trói buộc, cái gì tự d, nên chọn được lối sống
thích ứng lẽ thật, phù hợp với tinh thần tự do. Tự do đây không có nghĩa đòi hỏi
bên ngoài, nơi kẻ khác mà tụ chiến thắng những dục vọng đê hèn của mình, hàng
phục được vọng tưởng điên đảo của nội tâm. Ðúng với câu đức Phật dạy: Thắng một
vạn quân không bằng thắng mình, thắng mình mới là chiến công oanh liệt". Tinh
thần tự do của đạo Phật là làm chủ toàn vẹn thể xác lẫn tinh thần của chính
mình. Ðó là tự do tuyệt đối, cũng là giải thoát của Phật dạy.
Ðem vui và
giải khổ cho chúng sanh là lòng từ bi của đạo Phật. Muốn cho mọi người hết khổ
được vui, tu sĩ Phật Giáo lúc nào cũng đưa cao ngọn đuốc chánh pháp cho mọi
người mồi, để cùng thắp sáng trong căn nhà tăm tối muôn đời của mình. Bản thân
mình, người tu sĩ phải chiến thắng phiền não để làm mẫu mực và chỉ dạy người dẹp
trừ phiền não. Vô số khổ đau của chúng sanh đều phát xuất từ si mê và phiền não.
Thiếu thốn vật chất là đau khổ đã đành, có khi thừa mứa vật chất người ta vẫn
đau khổ như thường. Cho nên trí tuệ là hòn ngọc quý để đổi lấy của cải và sự
nghiệp, trí tuệ là ngọn đuốc soi sáng cho chúng ta tránh khỏi lạc lối lầm đường.
Dứt một phần phiền não, chúng ta được một phần an lạc, hoàn toàn sạch phiền não
thì còn gì làm phiền lụy chúng ta. Sau khi mở sáng con mắt trí tuệ và dứt sạch
phiền não, con người mới được an vui tự tại đầy đủ. Người tu sĩ Phật giáo tha
thiết cứu khổ chúng sanh bằng cách tận lực chỉ dạy cho mọi người được trí tuệ và
tự do.
Phật giáo chỉ nhìn chúng sanh đều bình đẳng trong bản tánh, chỉ
có sai khác trên nghiệp tướng. Nghiệp tướng là cái sinh diệt biến động, bản tánh
chưa bao giờ sinh diệt đổi thay. Cái sanh diệt biến động là tạm bợ, đã tạm bợ dù
sai khác thế mấy cũng không quan trọng. Chính cái quan trọng là bản tánh thường
hằng của chúng sanh. Cho nên đức Phật thường dạy "Tất cả chúng sanh đều có tánh
Phật", đó là lối nhìn bình đẳng của Phật giáo. Thấy thấu suốt được lẽ này, chúng
ta sẽ dứt được tâm tự cao ngã mạn và không còn dám khinh thường một ai. Ðây là
nền tảng đạo đức chân thật, nên Bồ tát Thường Bất Khinh thấy ai cũng nói "Tôi
không dám khinh các ngài, các ngài sẽ thành Phật". Ðã sẵn có tánh Phật thì người
nào tu mà chẳng được, chỉ do chưa thức tỉnh và lười nhác mà thôi. Do cái nhìn
thấu suốt này, người tu theo đạo Phật không bai giờ có tâm kỳ thị với bất cứ
nhóm nào, cũng không có tâm khinh khi miệt thị ai.
Ðạo Phật lấy giác ngộ
làm gốc rễ, lấy giải thoát làm hoa trái, lấy từ bi và bình đẳng làm nhựa sống.
Bốn yếu tố này rất thiết thân với nhân loại văn minh. Bất cứ nền văn minh chân
chính nào đòi hỏi con người phải có đủ trí tuệ sáng suốt, thong thả tự do, tình
thương làm vơi cạn đau khổ cho con người, bình đẳng không chấp nhận giai cấp,
không kỳ thị tôn giáo, chủng tộc, màu da. Nếu thiếu một trong bốn yếu tố này, dù
nói văn minh vẫn chưa thực sự văn minh. Ðứng từ góc độ này mà nhìn, chúng ta
thấy đức Phật đã quả thực đi trước các nhà khoa học xa; tương lai dù nhân loại
văn minh tiến bộ đến đâu cũng khó qua mặt được đạo Phật.