Đời sống
Cành lá vô ưu
Thích-Thanh-Từ
17/09/2553 23:48 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Mọi con người chúng ta đều mắc phải bệnh cố chấp, muốn cái gì mình yêu thích phải còn như vậy mãi. Mỗi khi những cái đó đổi thay, mình sinh ra đau khổ chán chường, trách tại sao cái đó không giống ngày xưa. Bệnh cố chấp ấy khiến chúng ta sống trong hiện tại mà tâm hồn vẫn lùi về quá khứ. Quá khứ đã qua, đã mất, mà chúng ta cứ sống với cái mất, chính chúng ta đang sống mà đã chết đi rồi. 

Trên đời, muôn vật luôn thay đổi như dòng nước chảy, chúng ta muốn nắm đứng chúng lại chỉ là việc toi công. Sự biến chuyển đã thành qui luật của thiên nhiên, không ai có quyền làm sai qui luật ấy. Nếu chúng ta muốn khác đi với qui luật này, là chúng ta tự rước lấy sự đau khổ vào mình. Bởi thời gian cứ chạy mãi thì muôn vật cũng theo đó đổi thay. Chúng ta mới mua chiếc xe Honda thấy mới toanh, chạy mấy tháng sau đã phai màu, có vài bộ phận mòn lỏng. Nhớ lại lúc mới mua xe đem về, chúng ta cảm thấy buồn chiếc xe cũ rồi. Một cái nhà mới cất, chúng ta thấy hài lòng, nhưng ở được vài ba năm đã thấy trên tường có mấy lằn rạn nứt, những màu nước vôi đã trắng bạc, các cánh cửa đã lung lay. Chúng ta cảm thấy buồn, cái nhà mới cất mấy năm mà đã cũ. Mọi vật chúng ta luôn luôn biến đổi, biến đổi theo thời gian và biến đổi do nhân duyên hội tụ đủ thiếu. Ðóa hoa sen trong hồ, xây ở trước sân, vừa nở tròn thơm nhẹ, nhìn nó chúng ta cảm thấy vui lâng lâng. Vài hôm sau từng cánh hoa rơi lả tả, chúng ta trông thấy lòng buồn rười rượi. Cây cam trước nhà sung sức cành lá sum sê, trái đeo cằn nhánh, chúng ta nhìn nó với nụ cười thích thú. Mây năm sau, cây cam già lụi lá rụng cành khô, chúng ta nhìn nó với vẻ buồn thất vọng. Chúng ta muốn giữ mãi cái gì làm đẹp mắt chúng ta. Chúng ta cố bám chặt cái gì đem lại quyền lợi cho chúng ta và những cái gì có tính thân tình liên hệ với chúng ta, khi mất mát nó chúng ta mới thật buồn khổ. Ðây là lòng tham cố giữ cái sở hữu của mình. Nếu chiếc xe của người khác hư, cái nhà người khác cũ, chúng ta có buồn không? Quả là do cái chấp ngã sở của chúng ta, nên khi vạn vật vô thường sinh diệt, chúng ta liền bị lôi kéo theo. Cố chấp là si mê, không thể thấy được sự thật của cuộc đời. 

Con người chúng ta cũng thế, về thể xác thì tế bào sinh diệt, diệt sinh liên tục không dừng. Hết thời tăng trưởng tới thời suy tàn, như dòng nước thủy triều hết lên lại xuống. Thế mà, chúng ta nghe nói thân này già là cảm thấy buồn. Có những người thời trai trẻ khuân vác gánh gồng, làm nhiều mà không thấy mệt. Ðến khi tuổi sắp lục tuần, ra làm chút ít đã thất thở hào hển, tự trách tại sao bây giờ yếu lắm vậy. Họ đâu biết thân họ đã đến lúc tàn cỗi rồi. Người ta cứ tưởng mình như thuở nào, chớ không biết mình đang xê dịch lần về cõi chết. Bởi vậy nghe nói cái chết đâm ra hoảng sợ. Ðó là chúng ta không biết thể xác này luôn luôn biến đổi vô thường. Sợ chết, sợ mất thân này là do si mê chấp ngã mà ra. Ðến phần tinh thần cũng vậy, trong ấy luôn luôn biến đổi diệt sinh. Tâm niệm này sinh tâm niệm kia diệt, cứ mãi đổi thay không cùng. Có ai đó nghĩ rằng tâm niệm mình trước sau như một, đây là một nhận định sai lầm. Bởi họ cho tâm niệm mình trước sau như một, nên thấy tâm ai trước trắng sau đen, họ đâm ra bực bội căm hờn. Họ quên rằng mỗi khi hoàn cảnh đổi thay, hoặc hội nhập vào xã hội xa lạ, tâm con người liền chuyển đổi theo thời theo cảnh. Chúng ta đừng ngây thơ nghĩ rằng kẻ kia trước thế nào, ngày nay dù hoàn cảnh khác đi tâm họ vẫn như xưa. Ðó là nhận định sai lầm khiến ta ôm hận suốt đời. Nỗi đau khổ của con người là sợ già sợ chết, sợ người thân đổi dạ thay lòng. Song cái sợ ấy làm sao tránh khỏi. Chỉ cần sáng suốt nhận rõ rằng thân này là tướng vô thường hoại diệt, tâm này là một dòng biến chuyển vô chừng. Ðược vậy, thân ta có già có chết cũng không buồn, lòng người có đổi trắng thay đen cũng chẳng lạ. Thế là chúng ta sống cuộc đời an ổ vô cùng. 

Ðây tôi thuật lại chuyện "Cố nhân về thăm cố hương" cho quí vị nghe: Tôi rời khỏi quê hương năm 1947, đến năm 1980 tôi trở về thăm. Quê hương tôi là nơi tôi đã sống hơn hai mươi năm thật là gắn bó và thân thiết biết bao. Từ chùa Phước Hậu thuê thuyền máy đưa thầy trò chúng tôi về Rạch Tra. Ðến vàm Rạch Tra rồi! Chú phụ lái ngồi trước nói. Tôi vội vàng chun ra khỏi mui, ngồi trước mũi thuyền. Ðây là giòng sông thân thuộc chứa chan biết bao kỷ niệm ngày xưa. Tôi tin rằng không thể nào quên được những ngôi nhà của bà con thân quyến nằm bên cạnh bờ sông. Nhưng than ôi! nhìn hai bên bờ sông tôi thấy lạ hết, những cảnh ngày xưa tôi biết,ngày nay đổi khác. Nào là nhà bác Chín Chiếu, nhà ông Cả Lập..., tôi không tìm ra ở chỗ nào. Cho đến bến sông nhà tôi ngày xưa, một chiếc cầu thang bắc xuống sông, bên phải bụi tầm vông, bên trái cây mít, kế một cái xẻo đi vô trong, nơi để ghe xuồng khi chúng tôi đi đâu về. Những hình ảnh này tôi tìm mãi, tìm mãi mà không thấy. Thuyền đi khá xa, tôi đã biết ra khỏi nhà xưa của chúng tôi rồi. Bảo dừng thuyền lại, tôi tìm lên cầu lên bờ hỏi thăm, mới biết là đã đi quá hơn nửa cây số. Thuyền quay trở lại, ghé ngay bến theo người hàng xóm chỉ. Tôi theo cây cầu dừa bắc duỗi xuống sông trơn trợt, chống cây làm gượng lên đến bờ. Những đứa bé lớn có nhỏ có ở các nhà xung quanh thấy thuyền đậu, chúng chạy úa đến xem. Tôi nhớ nhà tôi ngày xưa ở giữa, bên cạnh xẻo là nhà chú Tám, bên trái nhìn ra đường là nhà anh Hai Nhất, kế đó là nhà chú Bảy ... mà nay nhà cất loạn, không còn một chút dấu tích gì của ngày xưa. Cho đến những người thân ngày xưa đâu mất cả, tôi không thấy ai, chỉ thấy đám người trẻ xa lạ không biết tôi, cũng như tôi không biết họ. Mấy mươi phút sau, có mấy ông già, bà già đến, nhìn ra tôi mới biết đây là anh Bảy, Nhung con cô Năm tôi, kia là cô Tư con chú Bảy tôi, rồi thiếm Sáu Cừ dâu chú Tám tôi ... Nhìn ra tôi, mỗi người nghẹn ngào vừa mừng vừa khóc. Tôi cũng cảm thấy nao nao trong lòng. Các vị ấy dẫn tôi đi thăm nền nhà cũ của tôi, ở đây chỉ còn là một khoảnh đất trống, cuốc thành những luống khoai, trồng bắp. Tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan: "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, Nền cũ lâu đài bóng tịch dương". Những hình ảnh xưa sống lại trong ký ức tôi. Kế đến đi thăm những ngôi mộ của ông nội, bà nội tôi, mà ngày xưa mỗi năm ông thân tôi và tôi đều tảo mộ vào dịp hai mươi tháng chạp. Sắp từ giã trở về chùa Phước Hậu, mọi người vây quanh tôi nhắc chuyện năm xưa, khi kia mọi người đều còn trẻ, mà nay hầu hết đã từ biệt cõi đời, chỉ còn sót lại một ít người gặp nhau mà không nhận ra nhau, khiến lòng tôi se lại. Từ giã mọi người, chúng tôi trở về chùa Phước Hậu. Lòng tôi cứ ôn đi ôn lại, mình là "cố nhân về thăm cố hương" hay là "người mới về thăm cảnh mới". Cảnh đã hoàn toàn mới, người cũng mới, bản thân tôi cũng mới luôn. Khi xưa ra đi, tôi là một thanh niên trên hai mươi tuổi, ngày nay trở về tôi là ông già đầu bạc hoa râm. Khi xưa tôi là người cư sĩ, ngày nay tôi là kẻ xuất gia. Từ thể xác lẫn tinh thần đều đổi mới. Nếu tôi cứ buồn trách cảnh thay đổi, người thay đổi, sao tôi không tự trách tôi cũng đã thay đổi. Ðúng như hai câu thơ của Thiền sư Mãn Giác: "Trước mắt việc đi mãi, trên đầu già đến rồi" (Sự trục nhãn tiền quá, lão tùng đầu thượng lai). Chúng ta mới thấm thía lẽ "Tất cả đều thay đổi, không có gì là cố định". Cố bám lấy hình ảnh xưa cũ, chúng ta sẽ đau buồn vì nó không còn như mình nhớ. Mọi vật là một dòng biến thiên từng phút giây, chúng ta luôn luôn sống với cái mới. Nhận thức được như vậy, chúng ta sẽ cười khi dòng đời luân lưu biến chuyển. 

Bản thân các pháp là chuyển động là đổi dời. Thấy rõ sự chuyển động đó là thấy được sự thật. Nghĩ là các pháp là nguyên vẹn không đổi dời, là cái nghĩ sai lầm. Trên cái nghĩ sai lầm này, lại sinh tâm buồn phiền than trách là cố chấp. Cố chấp là nguồn gốc khổ đau. Cho nên người học Phật phải thấy các pháp đúng sự thật của nó. Chính cái thấy đúng sự thật này là khoa học. Vì khoa học nhận thấy sự vật là một dòng sinh diệt bất tận. Với con mắt khoa học hiện đại không thấy có một sự vật nào mà không sinh diệt và đứng yên một chỗ. Từ thân người cho đến cây cỏ, từng tế bào sinh diệt trong ấy. Vì vậy người vật hết thời kỳ tăng trưởng, đến thời kỳ lão hóa và bại hoại. Có cái gì bền lâu nguyên vẹn mà chúng ta cố chấp. Nếu cố chấp là si mê không giác ngộ, là sai lầm không đúng khoa học. 

Sở dĩ các pháp biến chuyển không cố định, vì bản chất nó là vô thường vô ngã. Chúng ta định nghĩa sống là gì? Là động. Còn luân lưu biến động là còn sống. Dừng sự biến động là chết. Bản thân ta là động, muôn vật là động. Ðã là động thì biến chuyển đổi dời, đấy là vô thường. Sống trong biển biến động vô thường của vạn vật mà chúng ta muốn nó được thường, thực là một điều không bao giờ có. Hành tinh chúng ta đang ở, nó quay tròn mãi không dừng, nếu dừng lại là nổ tung. Chính thân chúng ta, tim đập mãi không dừng, một khi nó dừng là chúng ta chết. Con người và muôn vật đều bám vào quả đất mà sống, bản thân quả đất lại quay cuồng, thì con người và muôn vật làm sao an định được. Cho nên sự tồn tại của quả đất, cũng như sự tồn tại của muôn vật là động, đấy là lý vô thường Phật đã dạy. Thấu triệt lý vô thường này, chúng ta sẽ cười trước mọi biến đổi, nhất là sự biến đổi của thân ta lúc bại hoại. 

Con người và muôn vật sống trên quả đất, kể cả quả đất đều do nhiều nguyên tố họp lại thành hình. Không có vật nào đơn thuần từ một nhân tố mà thành. Ðã do nhiều nhân tố chung hợp thành sự vật, những nhân tố ấy nhà Phật gọi là nhân duyên. Nếu phân tích một con người hay sự vật, chúng ta thấy nhiều lớp nhân duyên tụ họp thành. Nơi con người thì có mấy tỷ tế bào chung họp, mỗi loại đều có chức năng riêng. Ở mỗi vật cũng do nhiều tế bào kết hợp, hay những hạt nguyên tử đang quay cuồng xoắn chặt vào nhau. Ðã nhiều loại nhiều thứ thì loại nào thứ nào là chủ? Hoặc do nhiều thứ họp lại thành, tức không có thực thể. Không có chủ, không thực thể, Phật gọi là vô ngã. Từ vô ngã là chỉ cho mọi vật do nhân duyên hợp không có chủ thể, nên nói "chư pháp vô ngã". Bởi vô ngã nên chúng ta không chấp mình thật, vật thật. Không chấp mình là không chấp ngã, không chấp vật là không chấp ngã sở. Không chấp ngã và ngã sở thì còn cái gì để chúng ta tham cầu. Nếu không tham cầu thì còn gì lo sợ, còn gì bực tức. Thế là do thấy được lẽ thật nơi con người và sự vật, chúng ta dứt được si mê. Do hết si mê, chúng ta dừng được tâm tham lam và nóng giận, ngang đây tam độc không còn. Ðó là kết quả tốt đẹp cuả người tu Phật. 

Tóm lại, do biết rõ các pháp không cố định tức là vô thường, vô ngã, nên chúng ta buông xả tất cả cố chấp si mê. Chính đây là "chánh kiến" trong Bát Chánh Ðạo. Mọi cố chấp đều y cứ nơi con người và sự vật. Thấy rõ người vật đều tạm bợ biến thiên không thật, thì mọi cố chấp đâu còn. Không còn cố chấp thì tất cả khổ đau đều tan biến. Sở dĩ chúng ta nhiều buồn khổ là sợ thân này bệnh, chết. Biết bệnh chết là lẽ thường, con đường mà ai cũng phải đến, còn gì sợ hãi việc bệnh và chết. Chúng ta sợ cái bất thường chỉ đến riêng mình, nên cố gắng né tránh. Nếu là việc chung của tất cả, chúng ta có sợ cũng chỉ vô ích thôi. Cho nên Tuệ Trung Thượng Sĩ khi sắp tịch, nằm trên cái giường tại Dưỡng Chân Trang nhắm mắt tịch. Các bà thê thiếp khóc rống lên, Ngài mở mắt quở: "Sanh tử là lẽ thường, tại sao làm náo động chân tánh ta". Rồi ngài nhắm mắt an nhiên mà tịch. Cho đến mọi vật sở hữu của ta cũng thế, nó là vật vô thường bại hoại, chúng ta muốn nó còn mãi sao được. Chi bằng thấy chúng là tướng giả dối tan hợp vô thường, khi chúng còn thì chúng ta dùng, khi chúng mất thì chúng ta cười, vì lẽ thường là như thế. Kinh Kim Cang Phật dạy: "Phàm cái gì có tướng đều là hư dối" (Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng). Lối nhìn này là trọng tâm thoát khổ của chúng sanh. Chúng ta sợ khổ mà không chịu mở con mắt trí tuệ thấy được lẽ thật nầy thì muôn đời cũng không hết khổ.