Những năm tháng tuổi ấu thơ
Ngày ... tháng ... năm ...
Con gái yêu của cha!
Con còn bé lắm! Làm sao con có thể hiểu hết được những điều cực khổ và những nỗi mong đợi của cha mẹ dành cho con?
Trên cuộc đời này, thử hỏi có hình ảnh nào đẹp bằng hình ảnh của người
mẹ hiền đang âu yếm đứa con thơ giữa vòng tay yêu thương của mình.
Nhưng trên đời này, thử hỏi có nỗi lo toan, vất vả nào bằng nỗi lo toan
của cha mẹ nuôi dạy con cái mình khôn lớn?
Có con rồi, cuộc sống của cha mẹ trở nên bận rộn nhiều hơn! Bận rộn gấp trăm, gấp ngàn lần.
Con có biết, lúc con còn nhỏ, cha mẹ đã phải dõi mắt theo từng bước lớn lên của con?
Con có hiểu được, những đêm dài cha phải thức trắng để giúp mẹ con pha sữa, pha bột, giặt tã lót, giặt đồ.
Con có nhớ, ánh mắt của cha mẹ đã từng âu yếm nhìn con những lúc con biết nghiêng người, rồi con có thể lật được qua một bên.
Cha mẹ vui biết bao khi nhìn thấy con mọc từng chiếc răng hững lúc mẹ chuẩn bị cho con ăn dặm.
Nghĩ rằng con gái thích chơi búp bê, mẹ con đã mua cho con một cô nàng
búp bê thật đẹp, trong bộ trang phục kiêu sa, xinh xắn. Đôi mắt của búp
bê rất đẹp, hai hàng lông mi cong vút. Để búp bê nằm xuống thì đôi mắt
nó nhắm tít lại, nhưng khi cho nó đứng lên thì đôi mắt nó lại mở to ra.
Mẹ từng hình dung ra cảnh tượng con sẽ yêu quý con búp bê như thế nào,
rằng con sẽ vui sướng ôm búp bê vào lòng, hát cho nó nghe, ru cho nó
ngủ... Vậy mà, chỉ được một thời gian ngắn, con búp bê của con trở nên
cực kỳ thảm hại: đầu đi đằng đầu, chân đi đằng chân, tay đi đằng tay...
Rồi cũng đến lúc, con có thể ăn được cơm. Cha mẹ phải cực khổ vô cùng
vì tật biếng ăn, tật ăn lâu, ăn ngậm của con. Con gái ơi! Làm gì mà con
cứ ngậm hoài như vậy, không chịu nhai cũng chẳng chịu nuốt? Nhiều lúc
chỉ vì cho con ăn mà cha mẹ như muốn gây với nhau.
Năm con lên 2 tuổi, con cứ xỏ đôi dép to đùng của cha rồi lê hai bàn
chân đi khắp nhà. Tội nghiệp mẹ một ngày phải lau đi lau lại nền nhà
không biết bao nhiêu lượt. Không cho con xỏ dép đi thì con giẫy đành
đạch, khóc lóc, kêu gào đủ thứ!
Lên 5 tuổi, con đã thích chọn quần áo đẹp mỗi khi cha mẹ chở con về
thăm nhà ông bà nội ngoại. Con biết tỏ ra đòi hỏi, vùng vằng mỗi khi mẹ
chọn cho con một bộ áo quần không hợp với ý thích của con.
Đến lúc con đã đủ khỏe mạnh, cứng cáp, đã biết chạy, biết nhảy, thì
trời hỡi on là con gái mà nghịch ngợm hết chỗ nói! Nhà cửa nhìn lúc nào
cũng như một... bãi chiến trường. Đồ chơi, sách vở, truyện tranh của
con bày biện lung tung: trên nền nhà, trên bàn, dưới gầm tủ, gầm
giường...
°°°
Công việc của cha lẫn mẹ đều bận rộn tối tăm mặt mũi: giảng dạy, nghiên
cứu khoa học, viết báo, viết sách, tham gia các hoạt động xã hội từ
thiện. Mẹ của con một người phụ nữ chân yếu tay mềm mà có thể đảm đương
từng ấy gánh nặng trách nhiệm cùng một lúc thì quả là một chuyện rất
phi thường! Chính vì vậy, cha luôn tìm cánh chia sẻ, đỡ đần công việc
nhà, vừa khích lệ, động viên mẹ con rất nhiều.
Dù vất vả, khó khăn đến đâu, cha mẹ cũng phải kề vai sát cánh cùng nhau
nỗ lực vượt qua, để có đủ điều kiện chăm lo cho tương lai của các con,
và nhất là, để làm gương cho con cái...
Khổ nhất là những lần cha bất đắc dĩ đi công tác mấy tuần xa nhà, cứ
nghĩ về mẹ và các con đang ở nhà là lòng cha lại lo lắng không yên! Anh
Luyện thì tuy tháo vát, nhanh nhẹn, nhưng tuổi còn bé quá, chưa đỡ đần
được nhiều cho mẹ.
Trong hoàn cảnh đó, cha đã gửi đăng bài "Một ngày nào đó" trên báo Phụ
Nữ chủ nhật, số ra ngày 19-09-2004, như một món quà tinh thần dành tặng
riêng mẹ con, đồng thời cũng là tiếng nói đồng cảm, chia sẻ với hoàn
cảnh vất vả của những người mẹ khác đang có con nhỏ:
"Một ngày nào đó...
Một ngày này đó... khi con mình lớn
lên, ngôi nhà sẽ trở nên sạch sẽ. Những bức tường nhà sẽ không còn hình
vẽ nụ cười của những khuôn mặt nham nhở, sẽ không còn những ngón tay
chân dính đầy trên khung cửa sổ, sẽ không còn những thanh kẹo sô cô la
bôi quẹt tứ tung.
Một ngày nào đó... khi con mình lớn lên, mình sẽ thảnh thơi để đọc một
quyển sách mà không phải ngừng lại bất chợt để gắn cho con cái mũi con
gấu bông vừa bị nó kéo làm rơi tuột ra; sẽ không phải chạy đi nhặt cho
con con búp bê mà nó vừa liệng ra khỏi cửa sổ.
Một ngày nào đó... khi con mình lớn lên, mình sẽ không còn phải chui
vào gầm giường để nhặt giúp trái bóng vừa bị lăn vào trong đó; sẽ không
còn phải lục tìm cho con cây bút chì để lạc đâu mất trong ngăn kéo bàn
học; mình sẽ tha hồ đọc những mẩu hài hước trên báo mà không còn phải
khó chịu nghe tiếng con khóc oe oe.
Một ngày nào đó... khi con mình lớn lên, mình sẽ được thoải mái thong
thả mua sắm ở siêu thị mà không phải lo âu con mình ở nhà đang khát
sữa. Mình sẽ tha hồ có thời gian để lựa chọn những món hàng mình thích,
từ màu sắc, hương vị, đến những món quà khuyến mãi hấp dẫn kèm theo.
Một ngày nào đó... khi con mình lớn lên, mình sẽ lại có thời gian gặp
gỡ bạn bè như ngày mình chưa lấy chồng. Mình sẽ được ngồi thưởng thức
hương vị của những món ăn tuyệt vời, trong một hiệu ăn sang trọng, dưới
ánh đèn cầy nến lãng mạn.
Một ngày nào đó... khi con mình lớn lên, mình sẽ tha hồ thả mình trong
bồn tắm nước nóng thư giãn, mà không còn phải bực mình vì quả bóng hay
con búp bê bị kẹt trong phòng tắm; mình sẽ không còn phải bất chợt nghe
tiếng con gọi: "Mẹ ơi! Nhanh lên, giúp con với..."
Vâng! Một ngày nào đó, khi con của bạn lớn lên, chắc chắn cuộc sống của
bạn sẽ khác hẳn. Các bạn sẽ sống những ngày còn lại của cuộc đời mình,
trong căn nhà của mình với sự tĩnh lặng... và đơn điệu... và trống
trải... và ... chỉ có một mình thôi!
Hỡi những người đang được làm mẹ và có con nhỏ, các bạn hãy sống thật
hạnh phúc với những gì mình đang có. Đừng mất thời gian để nghĩ về "một
ngày nào đó", vì khi một ngày nào đó đến, chắc chắn các bạn sẽ cảm thấy
hối tiếc và muốn được trở lại sống những ngày hạnh phúc như ngày hôm
qua...
°°°
°°°
°°°
Con gái yêu! Những kỷ niệm thời thơ ấu của con sẽ là những ký ức đẹp mãi trong lòng cha và mẹ!