Biết nghĩ đến người khuyết tật
Ngày ... tháng ... năm ...
Con gái yêu của cha!
Thỉnh thoảng, một số bạn bè của cha đến nhà mình chơi thường tỏ ra ngạc
nhiên, thích thú khi phát hiện thấy trong kệ sách của cha có một chiếc
tàu thủy làm bằng gỗ, rất to và đẹp. Đó là chiếc tàu thủy mà cha đã mua
làm kỷ niệm nhân chuyến đi thực tế tại một trung tâm nuôi dạy trẻ em
khiếm thính cách đây đã khá lâu, từ ngày cha còn là sinh viên năm thứ
hai của trường đại học sư phạm.
Còn nhớ, hồi đó khoa tâm lý - giáo dục có tổ chức cho sinh viên đi thực
tế ở trung tâm nuôi dạy trẻ khiếm thính cách thành phố gần hai mươi cây
số, nhằm giúp mỗi sinh viên có thêm bằng chứng thực tiễn để kiểm nghiệm
và vững tin hơn vào một quan điểm giáo dục từ lâu đã được nêu trong các
giáo trình, đó là: "Giáo dục có thể giúp cá nhân khắc phục các nhược
điểm của cơ thể, phục hồi các chức năng bị khiếm khuyết, đem lại cho
trẻ em khả năng hoà nhập..."
°°°
Con biết không? Chuyến đi thực tế hồi đó đã tạo cho cha hết nỗi ngạc
nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cha nhìn thấy những đôi mắt hân hoan của
các em mỗi khi cha bước vào thăm từng lớp học. Các em tuy không nói
được, nhưng vẫn có thể giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ điệu bộ. Các em
có thể trao đổi với bất kỳ người khách nào đến thăm dưới hình thức "bút
đàm".
Nhiều em rất thích chơi thể thao, chơi một cách hào hứng ngoài sân! Con
đừng tưởng học sinh khuyết tật không biết yêu! Các em cũng có nhu cầu
được yêu thương. Nhiều em dám nhìn thẳng vào sự thật hoàn cảnh bản thân
và hoàn toàn không có cảm giác tự ti hay mặc cảm gì như nhiều người
chúng ta lâu nay thường nghĩ. Các em biết chấp nhận số phận, và nhiều
khi cũng chẳng bận tâm đó là điều may mắn hay bất hạnh của số phận dành
cho mình nữa! Cha chỉ biết rằng, các em luôn tỏ ra sống rất yêu đời...
Niềm mơ ước lớn nhất của các giáo viên ngày đêm tận tụy nơi đây là làm
sao rút ngắn khoảng cách thiệt thòi của các em so với những trẻ em bình
thường khác, bằng cách từng bước giúp các em biết đọc, biết biết, học
được một nghề nghiệp ổn định để sau này các em có thể tự sinh sống, hoà
nhập với cộng đồng... Chính vì vậy, trường có rất nhiều nhóm ngành nghề
phù hợp với năng khiếu, sở trường và sở thích của từng em: may thêu,
khảm sừng, sửa chữa điện kỹ thuật, sửa chữa xe gắn máy...
Đặc biệt, tại phòng dạy nghề thủ công mỹ nghệ, một điều khiến cha vô
cùng ngạc nhiên là các em có thể tạo ra được những sản phẩm rất đẹp
mắt, tinh xảo từ những mảnh gỗ với đủ mọi kích cỡ khác nhau tưởng chừng
như chỉ còn cách bỏ đi. Vậy mà, với đôi bàn tay khéo léo và tính kiên
trì học hỏi của mình, các em đã tạo nên những chiếc tàu thủy, những chú
thỏ con, thỏ mẹ, những con chó con, cả những chú vịt Donald, những hình
trái tim, những mô hình ngôi nhà nhỏ bằng gỗ, và hàng loạt sản phẩm nhỏ
bé xinh xinh khác nữa...
Một giáo viên phụ trách lớp, cũng là một người bị khiếm thính, cho cha
biết, anh thật hạnh phúc khi được chia sẻ với các em những kinh nghiệm
chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như thế này. Và niềm vui của anh
được tăng thêm khi anh nhìn thấy kỹ xảo tay nghề của các em ngày càng
khéo léo hơn...Những sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, có thể đem
tiêu thụ ngoài thị trường, đem lại cho các em nguồn thu nhập để tự nuôi
sống bản thân.
Bây giờ cha mới hiểu ra rằng, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mà lâu
nay chúng ta vẫn nhìn thấy trong các nhà sách, trong các siêu thị, có
một phần là do chính đôi bàn tay của những em học sinh khuyết tật này
làm ra. Chúng không chỉ được bán ở thị trường trong nước, mà có thể còn
vươn ra xuất khẩu ở cả thị trường nước ngoài. Những sản phẩm này đã góp
phần trang trí, làm đẹp cho bao ngôi nhà và là niềm vui cho cuộc sống
của bao nhiêu người khác...
Chuyến đi thực tế đã đọng lại trong mỗi người sinh viên lớp cha lúc bấy
giờ rất nhiều suy nghĩ. Những khát vọng làm việc từ thiện của cha cũng
được nhen từ những ngày đó!
Mỗi con người được sinh ra trong cuộc đời này có thể có một hoàn cảnh,
một số phận khác nhau. Song dù được sinh ra với một hoàn cảnh bi đát
hay một số phận thiệt thòi như thế nào, bất cứ ai cũng có nhu cầu được
đi học, được vui chơi với bạn bè, được hoà nhập với cộng đồng, được
vươn lên để khẳng định bản thân mình. Các em cũng là những thành viên
của cộng đồng xã hội, các em cũng có những nhu cầu và năng lực nhất
định, vì thế các em hoàn toàn có quyền được bình đẳng như những trẻ em
khác....
°°°
Chỉ một chuyến đi thôi, nhưng qua hình ảnh đáng trân trọng của các em,
cha dần cảm nhận được ý nghĩa và yêu thích nghề dạy học mà mình đang
quyết tâm theo đuổi. Đó là một nghề hạnh phúc và cao cả, khi từng ngày
từng giờ chúng ta luôn tìm cách thấu hiểu các em, giúp các em dần đi
những mặc cảm tật nguyền, phát huy năng khiếu sở trường, mạnh dạn vượt
qua số phận khắc nghiệt, yêu đời, ham sống, yêu lao động, trở thành
những con người thật sự có ích cho xã hội...Công việc của người giáo
viên nuôi dạy trẻ khuyết tật hoàn toàn không đơn giản. Phải có một nghị
lực lớn lao, tấm lòng trong sáng và rất đỗi yêu nghề, mỗi giáo viên mới
có thể vượt qua những khó khăn, những nỗi thiệt thòi trong công việc để
hoàn thành sứ mệnh.
Từ khi đón nhận một trẻ em khuyết tật vào trường, nuôi dạy các em đến
khi các em có thể ra trường, đó là cả một quá trình gian khổ, trải qua
rất nhiều giai đoạn: từ việc phục hồi chức năng, cho đến giáo dục văn
hoá, hướng nghiệp – đào tạo nghề, và chặng đường cuối cùng là tìm kiếm
cho các em một việc làm.
Chặng đường cuối cùng này lại là điều khó khăn nhất, vượt ra ngoài khả
năng của các giáo viên. Thực tế, trong xã hội có rất nhiều doanh nghiệp
đưa ra quy định tuyển dụng người lao động cho doanh nghiệp mình điều
kiện trước tiên phải là những người không bị khuyết tật. Những quy định
này vô tình đã thu hẹp cơ hội cho người khuyết tật hoà nhập với cộng
đồng.
°°°
Chính vì vậy, cha hy vọng nếu sắp tới con mở trường tư thục, mong con
hãy quan tâm và tạo nhiều cơ hội việc làm hơn nữa cho những người
khuyết tật. Có thể từ trước đến nay, con đã từng hoặc chưa từng nghĩ
đến điều này! Thế nhưng, những người khuyết tật sẽ không thể tự cải
thiện đời sống của họ, nếu chúng ta không tạo cho họ cơ hội có việc
làm.
Với tất cả những nỗ lực đáng trân trọng như vậy, chúng ta đều có quyền
cùng hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn cho mỗi trẻ khuyết tật và
một xã hội ngày càng bình đẳng, tốt đẹp hơn!