Suối nguồn cảm xúc tươi sáng
Ngày ... tháng ... năm ...
Con gái yêu của cha!
Hôm nay, cha rất vui khi thấy con tập viết văn. Đến tuổi này rồi, dù đã
rời mái trường phổ thông từ rất lâu, thỉnh thoảng cha vẫn thích tìm đọc
những sáng tác thơ văn của lứa tuổi học trò. Chắc con thắc mắc cha đọc
để làm gì? Đọc để lòng mình được trẻ lại. Đọc để học lại những cách
diễn tả cảm xúc hồn nhiên của tuổi trẻ mà cuộc đời mình lâu nay vì gánh
nặng nỗi lo "cơm áo gạo tiền" đã đánh mất. ọc để hiểu tâm hồn của tuổi
trẻ các con nhiều hơn. Từ đó, cha cũng có thể có những định hướng đúng
hơn trong công việc của mình, nhằm phục vụ thế hệ trẻ các con.
Có người nói rằng, yêu thích văn chương nghệ thuật tức là chuẩn bị kết
duyên với sự đói nghèo. Chẳng biết lời nhận xét này có đúng hay không,
nhưng thực tế cho thấy có những nhà văn sẵn sàng chấp nhận một cuộc
sống vật chất kham khổ để đổi lấy "thiên đường những rung động cảm xúc"
của bản thân họ. Cha hoàn toàn không dám khuyên con lựa chọn một lối
sống có phần phiêu lưu mạo hiểm như vậy. Muốn sống trên đời thì chúng
ta phải biết rèn luyện tài năng và có ý chí vươn lên. Sống mà cam chịu
nghèo khổ suốt đời thì không phải là sống. Tuy nhiên, nếu con viết văn
để tập cách diễn tả cảm xúc chân thật của lòng mình thành câu chữ trên
giấy thì cũng là điều nên làm lắm chứ! Một người con gái sẽ trở nên đẹp
bội phần khi bản thân cô ta hiểu được những giá trị thẩm mỹ. Cha sẽ
hạnh phúc biết bao khi biết con là một cô gái biết yêu thiên nhiên, yêu
cuộc sống, yêu thích văn chương. Cuộc sống sẽ có ý nghĩa sâu xa hơn nếu
chúng ta biết suy nghĩ, biết cảm nhận. Điều này giúp tâm hồn con trở
nên vô cùng phong phú!
°°°
Muốn viết văn hay, con cần rất nhiều điều kiện, trong đó, con không thể
thiếu những cảm xúc phong phú. Rất nhiều người có học vấn cao, có khả
năng diễn đạt bằng ngôn ngữ rất tốt, nhưng họ vẫn mãi không viết văn
được, là vì họ thiếu vắng suối nguồn cảm xúc.
Đến đây, chắc con lại thắc mắc: Cảm xúc là gì? Làm sao để chúng ta có được những cảm xúc tinh tế, phong phú?
Chắc con để ý thấy rằng, trong đời mình có những cái chỉ thoáng qua như
mưa bay, nhưng có những cái lắng đọng mãi trong lòng mình. Những điều
mắt thấy tai nghe, những rung động của con đều tạo thành cảm xúc. Nhà
văn Nga mà con yêu thích – Maxim Gorky – cho rằng, mỗi con người ngay
từ khi sinh ra đã mang những phẩm chất nghệ sĩ trong tâm hồn. Vấn đề là
những phẩm chất này có được đánh thức, có được phát huy hay không? Đứng
trước cảnh đẹp, các giác quan của chúng ta như được đánh thức. Những
chuyện diễn ra giữa hôm qua và hôm nay, giữa cuộc sống ngày và những
điều con nghĩ về cuộc sống đều tạo nên cảm xúc.
Nếu đánh mất đi nguồn cảm xúc tươi sáng của tâm hồn, cuộc sống của ta
sẽ trở nên vô cùng nhàm chán, đơn điệu, tẻ nhạt, thậm chí là vô cùng
buồn bã, thiếu ý nghĩa... Khi đó, con người ngắm nhìn thiên nhiên sẽ
chẳng còn thấy đẹp, đọc một cuốn sách sẽ chẳng còn thấy hay, gặp gỡ
người khác sẽ chẳng còn cảm thấy vui, nhìn một cảnh tượng thương tâm
nào đó mà chẳng hề mảy may xúc động... Nếu cuộc sống của chúng ta rơi
vào "tình trạng" đó thì quả thực là đáng sợ, con ạ!
Cảm xúc giúp cho những suy nghĩ khô khan của chúng ta trở nên có sức
sống hơn. Nếu chỉ có kiến thức mà không có cảm xúc sáng tạo, con cũng
khó mà tạo nên được điều gì có giá trị cho đời!
Nhưng làm thế nào để có được cảm xúc phong phú? Đây quả là một câu hỏi
nan giải! Các công trình chuyên khảo tâm lý học về đề tài này đã và
đang cố gắng đi tìm câu trả lời. Sau này lớn lên, con có thể đọc thêm
những chuyên khảo này. Nhưng trước mắt, đây là một vài gợi ý ban đầu.
Trước hết, để có cảm xúc phong phú, con đừng bắt chước cách nhìn, cách
suy nghĩ và cách cảm nhận của người khác! Cuộc sống không chỉ có một
màu duy nhất! Con hãy tập nhìn cuộc sống bằng cái nhìn mới mẻ, con sẽ
có được những cảm xúc độc đáo, mới mẻ. Nhà văn Nga Tsekhov được coi là
một trong những bậc thầy về truyện ngắn trong văn học thế giới từng nói
rằng, ông có thể viết rất hay về một chủ đề nào đó đã cũ mèm, miễn là
biết nhìn ra trong chủ đề của mình một cái gì đó mới mẻ, chứ không phải
là những cái đã quá nhàm do những người đi trước đã tìm ra.
Chưa hết, nhà văn Anh William Somerset Maugham – một trong những nhà
văn mà hồi còn trẻ cha rất yêu thích – thì cho rằng, con đường duy nhất
để tìm ra cái mới là không ngừng tự mình thay đổi. Và con đường duy
nhất để có được vẻ độc đáo là đào sâu, mở rộng thế giới nội tâm của
mình...
Những gợi ý nêu trên có thể bước đầu đánh thức niềm hứng thú viết văn
nơi tâm hồn con. Tuy nhiên, muốn viết được thành câu, thành chữ những
cảm xúc đang giăng mắc trong lòng mình, quả là một điều rất khó! Cuộc
sống này có biết bao vẻ đẹp! Do quá yêu cuộc sống mà chúng ta thấy mình
cần phải viết lại những cảm xúc để tạ ơn cuộc sống. Chỉ mong những gì
mình viết ra có thể mang lại cho người đọc một chút gì ấm lòng, như một
cách để phả hơi ấm vào cuộc đời này, tìm một chút đồng cảm... Nhưng có
một điều chắc chắn là, dù con có cầm bút suốt một đời, con cũng khó có
thể ngợi ca hết được vẻ đẹp của cuộc đời mà chúng ta đang sống, phải
không con?
*
Trong cuộc sống, một trong những nỗi mất mát lớn nhất của con người
chính là đã đánh mất nguồn cảm xúc trong sáng nơi tâm hồn mình. Đánh
mất cảm xúc là sự đánh mất lớn nhất, vì cảm xúc khi đã mất đi rồi thì
khó có thể tìm lại được.
Do vậy, con phải giữ gìn cảm xúc sáng trong như gìn giữ con ngươi của
đôi mắt. Và một khi con làm được như vậy, chắc chắn cuộc đời sẽ nở hoa
trước mắt con!