09
CHỖ
GẶP GỠ VÀ CHỖ KHÔNG GẶP GỠ
GIỮA THIỀN TÔNG VÀ TỊNH ÐỘ TÔNG
Giảng tại Chùa
Tam Bảo
- Hà Tiên 1999.
Hôm
nay, tôi sẽ nói đề tài: "Chỗ gặp gỡ và chỗ
không gặp gỡ giữa Thiền Tông và Tịnh Ðộ Tông".
Phật giáo Việt Nam chúng ta có
chia ra nhiều tông phái, nhưng xét kỹ thì có ba tông chính:
Thiền Tông, Tịnh Ðộ Tông và Mật Tông. Song gần một trăm
năm nay Thiền Tông dường như ít ai biết đến mà chỉ biết
Tịnh Ðộ thôi. Chúng tôi thấy sự liên hệ giữa Thiền
và Tịnh rất quan trọng, nên muốn giải thích cho quý Phật
tử biết rõ điểm nào Thiền Tông hòa hợp được với Tịnh
Ðộ, điểm nào Thiền Tông cách biệt với Tịnh Ðộ. Quý
Phật tử nghe biết, không còn nghi ngờ trên đường tu. Ðó
là ý nghĩa buổi nói chuyện hôm nay.
Trước hết tôi nói chỗ không
gặp gỡ giữa Thiền và Tịnh.
Ðiểm thứ nhất, như chúng ta đã
biết, tu Tịnh Ðộ thì luôn luôn lấy niềm tin làm trên,
nên người tu Tịnh Ðộ phải có đủ Tín-Hạnh-Nguyện.
Tín là lòng tin. Tin chắc có cõi Cực Lạc, tin chắc mình niệm
Phật sẽ được Phật đón về Cực Lạc. Từ tin chắc, mới
khởi hành tức cố gắng niệm Phật, gọi là hạnh. Niệm
Phật rồi, phải phát nguyện sanh về cõi Cực Lạc.
Như vậy mới đủ Tín-Hạnh-Nguyện,
trong đó lòng tin là bước đầu trên đường tu.
Ngược lại, Thiền Tông không lấy
lòng tin, mà lấy trí tuệ làm bước đầu. Trí tuệ thì giản
trạch, phân biệt; còn lòng tin thì khẳng định như vậy, cứ
tin rồi làm thôi, thành ra hai bên khác nhau. Tu theo Thiền
Tông, muốn bước vào cửa Thiền phải đi từ cửa Không. Cửa
Không chính là trí tuệ Bát-nhã. Từ trí tuệ Bát-nhã, nhận
định hiểu thấu được sự thật của muôn pháp trên thế
gian, không bị lầm mê cho giả là thật. Các pháp chỉ là tướng
duyên hợp tạm bợ hư dối, biết như vậy, chúng ta không
còn gặp khó khăn trong sự tu hành, tâm yên lặng, thanh tịnh.
Rõ ràng người tu Thiền, muốn cho tâm thanh tịnh phải dùng
trí tuệ quán chiếu thấu suốt, hiểu rõ không bị lầm lẫn,
nhờ thế không cố chấp, không vướng kẹt, cho nên tâm rỗng
rang nhẹ nhàng. Ðó là bước đầu của người đi vào đạo.
Ðiểm thứ hai, Tịnh Ðộ Tông tu
nguyện sanh về cõi Cực Lạc. Có vị nào tu Tịnh Ðộ mà
không cầu sanh về Cực Lạc đâu. Ai cũng niệm Phật để
khi lâm chung được đức Phật đón về Cực Lạc. Trong kinh
nói Cực Lạc ở phương Tây cách cõi Ta-bà này mười muôn
ức thế giới. Thật là xa. Bởi vậy, nếu Phật không đón
thì không biết đường đâu mà đi. Như chúng ta hiện giờ,
muốn qua Nhật qua Pháp hay qua Mỹ, nếu người chưa từng
đi thì phải có thân nhân ở bên đó đón rước mới dám
đi. Huống là cõi Cực Lạc cách cõi Ta-bà này tới mười
muôn ức thế giới thì làm sao mà chúng ta dám đi ! Do đó
phải niệm Phật và nguyện Phật đón tiếp chúng ta, khi nhắm
mắt được về cõi Cực Lạc. Như vậy, tu Tịnh Ðộ tức
là chúng ta phóng ra ngoài, nhắm hướng Tây phương, nhắm cõi
Cực Lạc, để được sanh qua đó.
Còn Thiền Tông dạy chúng ta tu
quán sát lại nội tâm của chính mình. Về phần nội tâm,
nhà Phật phân nhiều loại. Theo Duy Thức học, chúng ta có
những tâm vương, tâm sở. Trong tâm sở, lại có tâm sở
thiện, tâm sở ác v.v... nhưng người tu Thiền không phân biệt
như vậy, chỉ thấy trong tâm niệm của chúng ta, có những
tâm mà lâu nay chúng ta ngỡ là tâm mình, nhưng thật ra không
phải.
Như quý Phật tử khi suy nghĩ,
tính
toán việc gì thường cho tâm suy nghĩ tính toán đó là tâm
của tôi. Nếu nó là tâm của tôi thì những phút giây
không suy nghĩ, không tính toán, tôi còn hay tôi mất? Nếu
nó là tôi, thì khi nó không hiện tôi cũng phải mất luôn.
Nhưng thật ra khi không suy nghĩ, không tính toán tôi cũng hiện
tiền. Do đó nếu cho tâm suy nghĩ tính toán là tôi, là một
lầm lẫn rất lớn. Song tất cả chúng ta đa số đều lầm
như vậy.
Người tu Thiền biết rõ tâm suy
nghĩ tính toán đó không phải thật mình nên để nó lặng
xuống, tìm cho ra cái mình chân thật. Ðể nó yên lặng tức
là dùng phương pháp định tâm. Vì vậy gọi là thiền định.
Lặng vọng tâm rồi, chúng ta nhận ra được tâm chân thật
của chính mình, đó là mục đích của người tu Thiền.
Như vậy người tu Thiền nhìn lại nội tâm mình chớ không
cần hướng ra bên ngoài, còn người tu Tịnh Ðộ thì trông
về cõi Cực Lạc bên ngoài, do đó không giống nhau.
Ðiểm thứ ba, người tu Thiền cốt
phải làm sao cho hiện đời, bao nhiêu thứ phiền não nghiệp
chướng sạch. Tâm phiền não nghiệp chướng sạch rồi thì
thể chân thật sẵn có hiện ra, đó là Niết-bàn, đó là
Phật tánh. Còn Tịnh Ðộ, gần đây có nhiều vị cho rằng
tu Tịnh Ðộ rất dễ, chỉ cần niệm Phật mười câu thì
Phật đón về Cực Lạc liền. Dù kẻ tạo nghiệp ác, trộm
cắp nhưng niệm mười câu, cũng được Phật đón về Cực
Lạc, bởi vì họ nghĩ "đới nghiệp vãng sanh", tức
là mang nghiệp vẫn sanh về bên đó, không cần đợi thanh tịnh
mới được vãng sanh. Người tu Thiền không chấp nhận như
vậy. Cực Lạc là cõi thanh tịnh của Phật mà mang nghiệp
xấu ác ô uế, thì ai mà chấp nhận cho vào. Như vậy nói
đới nghiệp vãng sanh là chuyện không thể chấp nhận được.
Thí dụ chúng ta nuôi con chó, nó
bị ghẻ lỡ, ta nghĩ tại nuôi dưới đất nên nó bị ghẻ,
bây giờ đem lên trên lầu chắc nó sẽ hết ghẻ nhưng không
phải. Ở dưới đất hay trên lầu, chưa trị được hết
ghẻ thì nó cũng bệnh như nhau. Ghẻ lỡ ngứa ngáy là dụ
cho cái nghiệp, nếu chưa lành thì dù có đem đi đâu, ở chỗ
đẹp hơn tốt hơn cũng không tránh khỏi. Muốn cho nó khỏi
phải làm sao? Chúng ta nuôi nó dưới đất mà biết tìm thuốc
trị cho nó hết, nó lành thì ở dưới đất hay trên lầu
gì cũng mạnh cả.
Cũng như vậy, nếu cho rằng ở
Ta-bà chúng sanh mê muội tạo nghiệp, về Cực Lạc hết tạo
nghiệp thì chuyện ấy chưa chắc. Một bên dạy muốn
vào chỗ thanh tịnh thì phải sạch hết nghiệp chướng, còn
một bên nói mang nghiệp chướng đến cõi thanh tịnh rồi sẽ
sạch sau. Như vậy hai chủ trương không giống nhau. Ðó là
những điểm Thiền Tông và Tịnh Ðộ Tông không gặp gỡ
nhau được.
Kế đến, tôi nói chỗ Thiền
Tông và Tịnh Ðộ Tông gặp nhau.
Ðiểm thứ nhất, về Tịnh Ðộ
trong kinh A Di Ðà có một đoạn nói rằng người thiện nam
tín nữ nào niệm Phật từ một ngày, hai ngày, ba ngày...
cho đến bảy ngày nhất tâm bất loạn thì khi lâm chung được
thấy Phật và Thánh chúng hiện trước mắt. Như vậy niệm
Phật được nhất tâm bất loạn tối đa là bảy ngày, hoặc
sáu ngày, hoặc năm ngày hoặc bốn ngày, hoặc ba ngày cho đến
cuối cùng là một ngày thôi thì nhắm mắt cũng thấy Phật
và Bồ-tát hiện ở trước. Chúng ta nghe dễ quá phải
không?
Tôi đọc trong A-hàm, (Kinh A-hàm
dạy
tu Thiền theo nguyên thủy) bài kinh Tứ niệm xứ, Phật dạy,
nếu người nào tu quán Tứ niệm xứ từ một ngày, hai
ngày, ba ngày, cho đến bảy ngày tâm không rời Tứ niệm xứ,
thì người đó khi nhắm mắt chứng tối thiểu là sơ quả
Tu-đà-hoàn, nhị quả Tư-đà-hàm, tam quả A-na-hàm, tứ quả
A-la-hán. Như vậy chỉ quán Tứ niệm xứ trọn vẹn bảy
ngày tâm không di chuyển, không dời đổi, người đó nhắm
mắt chứng quả A-la-hán. Nếu kém hơn hoặc sáu hoặc năm
ngày thì chứng quả A-na-hàm, bốn ngày hoặc ba ngày thì có
thể chứng quả Tư-đà-hàm. Nếu kém nữa, chỉ một ngày
tâm không dời đổi thì chứng quả Tu-đà-hoàn. Tu-đà-hoàn
là bất thoái chuyển, còn bảy đời sanh tử nhưng chỉ đi
lên chớ không đi xuống. Vậy, kinh A Di Ðà và kinh Tứ niệm
xứ trong A-hàm nói không khác.
Thế thì dù cho tu niệm Phật, hay
tu Thiền quán mà tâm chuyên chú an định từ một ngày cho tới
bảy ngày thì nhất định người đó đạt được đạo quả.
Tu Tịnh thì được thấy Phật còn tu Thiền thì chứng từ
Sơ quả cho đến Tứ quả. Chúng ta thấy tu có khó không? Phật
hạn chỉ có bảy ngày thôi. Cả đời của chúng ta bao
nhiêu ngày mà chỉ cần có bảy ngày chuyên nhất không tạp
cho đến dù một ngày thôi, tinh chuyên như vậy thì sẽ đạt
đạo quả. Nhưng sao không ai chịu hy sinh một ngày, hai ngày
cho đến bảy ngày, hoặc niệm Phật nhất tâm bất loạn,
hoặc chuyên tâm không di chuyển khỏi Tứ niệm xứ thì sẽ
được Phật đón về Cực lạc hay chứng tứ quả Thanh văn.
Bây giờ quý vị thử niệm Phật
từ sáu giờ sáng hôm nay cho tới sáu giờ sáng ngày mai,
không có một niệm thứ hai chen vô thì nhất định được
Phật đón về Tây phương. Người tu Thiền quán thân bất tịnh,
thọ là khổ, tâm vô thường, pháp vô ngã; luôn luôn di chuyển
trong bốn phép quán đó không để niệm nào chen vô, trong bảy
ngày hoặc ít nhất một ngày một đêm thì chứng Tu-đà-hoàn,
nhất định tiến lên Thánh quả, chớ không lùi trở lại.
Như vậy sự tu hành dễ hay khó,
có thể làm được hay không? Nhưng tại sao lâu nay chúng ta
cứ trật vuột hoài, leo lên tuột xuống. Là vì sức định
tâm của chúng ta yếu, nên đang nghĩ việc này thì không bao
lâu thứ khác chen vô mất.
Như quý vị đang lần chuỗi niệm
Phật được năm ba câu, bỗng có niệm khác chen vô. Cứ thế,
lặp đi, lặp lại không biết chừng nào xong. Nhớ người
thì bóng người hiện, nhớ chùa thì bóng chùa hiện, nhớ
huynh đệ thì bóng huynh đệ hiện. Phật bảo chỉ có bảy
ngày mà không ai làm được dù một ngày, như vậy có dở
không?
Rõ ràng tu Tịnh Ðộ hay tu Thiền
gì cũng vậy, nếu chúng ta quyết tâm xem như chết trong câu
niệm Phật, chết trong quán Tứ niệm xứ thì đều thành
công như nhau.
So sánh hai quyển kinh trên,
chúng
ta thấy không có gì xa lạ, chỉ phương tiện tu khác. Một
bên dạy quán Tứ niệm xứ, một bên dạy chăm chỉ câu niệm
Phật. Thiền sư Triệu Châu nói: "Người nào để tâm
thanh tịnh trong bảy ngày, nếu không chứng quả xin chặt đầu
lão tăng". Ngài cương quyết như vậy. Từ Phật cho tới
chư Tổ, các vị Thiền sư đều nói như vậy. Chúng ta hy
sinh cả đời để tu hành, làm việc lợi ích cho mọi người,
mà bỏ ra một ngày không được. Sao dở vậy!
Ởû thế gian, người lớn tuổi
rảnh rỗi có thể đánh tứ sắc buổi này tới buổi kia
không thấy mệt mỏi, còn ngồi chăm chỉ niệm Phật hoặc
quán Tứ niệm xứ một ngày thôi thì làm không nổi. Qua đó
để thấy con đường tiến lên rất khó đi, mà con đường
tuột xuống lại rất dễ làm. Ngồi đánh cờ thì bàn này
thua, hy vọng bàn kia thắng, cứ như vậy mà nối tiếp
không ngừng. Còn ngồi nhìn chăm chăm lại mình thì lâu lâu
việc gì đó chen vô làm gián đoạn công phu. Suốt ngày tạp
niệm cứ chen vô, rốt cuộc không chứng được gì hết. Nếu
giữ đừng cho niệm khác xen lẫn vào thì dễ chứng lắm.
Bây giờ đừng nói một ngày mà chỉ cần trong một tiếng
đồng hồ ngồi thiền, đóng kín cửa bên trong, không cho
chú vọng tưởng nào chen vô được không? Thấy như dễ vì
nó ở trong tầm tay của mình nhưng làm mới biết khó.
Niệm Phật cũng vậy, chỉ một
trăm lẻ tám hạt thôi. Lần mỗi hạt chuỗi niệm một câu
danh hiệu Phật, không cho niệm khác xen vô, niệm hết một
trăm lẻ tám hạt, nhiều lắm chừng năm phút chớ gì mà cũng
không làm được. Cho tới giờ tụng kinh, vừa chuông vừa
mõ vừa lời kinh mà không biết hồi nào, bà con ở đâu cũng
chen vô, không cho mình yên.
Như vậy mới thấy sự tu rất dễ
mà cũng rất khó. Rất dễ vì thời gian không cần nhiều. Rất
khó vì tán tâm không làm được. Ðể thấy rằng trên đường
tu, việc làm chủ tâm mình là vấn đề hết sức hệ trọng.
Làm chủ mười người, hai mươi người dễ hơn làm chủ
tâm mình. Ví như ông chủ sở, hay chủ xí nghiệp quản lý
mấy chục nhân viên, bảo họ làm việc này việc kia thì dễ
mà bảo nhìn lại tâm mình thì làm không được.
Nếu làm đúng được như lời Phật
dạy thì có lẽ chúng sanh thành Phật nhiều lắm rồi. Nhưng
vì kẻ trộm lẻn vào phá hoài làm cho ta rối rắm mất hết
công phu. Nên Phật bảo điều khiển được mình là một việc
làm rất khó. Tu chính là phải điều khiển được mình. Ðối
với người khác, vì thế lực của mình, vì quyền lợi của
người, nên người ta phải nghe mình, tuân theo mình. Còn đối
với chính mình, không có quyền lợi, không có thế lực gì
cả, niệm trước bảo phải làm cái này, nhưng niệm sau nảy
ra cái khác, chạy tán loạn hết.
Vì vậy nói tới việc tu tưởng
như dễ, cầm xâu chuỗi lần có gì khó? Nhưng nếu lần chuỗi
để lần chuỗi thì ai làm cũng được, còn lần chuỗi niệm
Phật để nhất tâm thì thật khó làm. Ngồi thiền nửa giờ,
một giờ thì ai cũng ngồi được, mà ngồi một giờ không
có vọng tưởng dấy động, thì chuyện đó khó có người
làm được.
Trên phương diện hình tướng cụ
thể của thân, của cảnh sắp đặt rất dễ. Còn tâm
không hình tướng, không chỗ nơi, cứ bỏ hở là vọng tưởng
nó nhảy ra phá công phu của chúng ta. Vì vậy người tu năm
này tháng nọ dồn hết công phu cố gắng gìn giữ tâm
không để trống hở, như canh chừng mấy đứa trộm không
cho nó chen vào, như vậy mười năm, hai mươi năm còn chưa
thể được, huống là xem thường. Tu là canh chừng vọng tưởng.
Nhiều người nói vọng tưởng thì cứ cho nó nghĩ, chớ việc
gì phải canh chừng. Nó là tâm mình thì cứ để nó nghĩ đã
rồi thôi. Quý vị chưa tu nên nói vậy, chớ có tu sẽ thấy.
Lâu nay chúng ta lầm lẫn ngỡ
vọng
tưởng là tâm mình. Vì ngỡ là tâm mình, nên đuổi theo dục
lạc thế gian rồi tạo nghiệp đi trong sanh tử luân hồi,
đời này kiếp nọ liên miên. Do nó là chủ tạo nghiệp
nên nó có sức mạnh dẫn chúng ta đi trong sanh tử. Dẹp
được nó, tức là chúng ta làm chủ được mình, không tạo
nghiệp, hết sự ràng buộc, tự do tự tại, thì sanh tử
làm gì lôi kéo được. Phật gọi người này đã giải
thoát khỏi sanh tử.
Tôi thường hỏi:
- Chúng ta tu để làm gì?
- Ðể giải thoát sanh tử.
- Cái gì dẫn mình đi trong sanh
tử?
- Nghiệp dẫn chúng ta đi trong
sanh tử?
- Cái gì tạo nghiệp?
- Thân miệng ý là ba chỗ tạo
nghiệp.
Rõ ràng mục tiêu của chúng ta
là giải thoát sanh tử. Vậy phải làm sao hết nghiệp? Thân
nằm dài, miệng ngậm câm phải không? Không phải vậy.
Thân hoạt động miệng nói năng gốc từ ý. Tuy nói thân khẩu
ý, nhưng thật ra ý nghĩ tốt thì miệng nói tốt, thân làm
tốt; ý nghĩ xấu thì miệng nói xấu, thân làm xấu. Nói ba
nhưng ý là gốc chủ động.
Muốn hết nghiệp, chúng ta phải
dứt niệm của ý. Muốn dứt ý niệm thì đầu tiên chúng
ta phải biết ý niệm là cái hư giả không thật. Lâu nay
chúng ta khẳng định, tôi nghĩ như vậy tức ngầm cho cái
ý là thật. Bây giờ biết rõ nó hư ảo không thật, tìm
cách dừng lặng để không bị nó tác oai tác quái nữa.
Người tu Thiền hay niệm Phật
cũng vậy, niệm đến nhất tâm thì ý không còn loạn động.
Tu Thiền được định thì ý cũng lặng yên. Nhân tạo nghiệp
không còn thì cái gì dẫn chúng ta đi trong sanh tử?
Thân này do tứ đại hợp, khi chết
trả về tứ đại. Chúng ta biết thân sẽ hư hoại, ý nghĩ
cũng huyễn ảo. Khi dừng được ý hư ảo rồi thì còn có
gì nữa không? Tu là để nhận cho ra cái gì giải
thoát, chớ thân hoại ý lặng rồi, chẳng lẽ mất hết
sao? Cho nên tu là luyện lọc thanh tâm. Ngay nơi tâm thức của
chúng ta cái gì thật, cái gì hư, biết cái hư bỏ, không
theo nó thì cái thật hiện ra, đó gọi là giải thoát sanh tử.
Cái chân thật ấy có nhiều tên
gọi như Phật tánh, Chân như, Bồ-đề, Niết-bàn v.v...
luôn sẵn trong ta. Song lâu nay chúng ta bị chú "ý"
này che phủ đi. Quý vị thử ngồi chơi năm phút mà không
có ý niệm nào dấy lên xem. Nói ngồi chơi, chớ nhớ chuyện
hôm qua hôm kia, không bao giờ tâm rỗng rang nên chúng ta bị
ý thức phủ che mãi. Vì cái ảo giả đó cứ làm quay cuồng
nên chúng ta không nhận ra được cái chân thật của mình.
Vì vậy ngồi thiền để định tâm
hư ảo, định những thứ quay cuồng đó lại. Ðịnh được
rồi thì cái thật sẽ hiện ra. Tu Thiền cốt để dừng những
niệm hư ảo của ý thức. Niệm Phật nhất tâm cũng để dừng
niệm hư ảo của ý thức. Một bên thấy Bồ-đề Niết-bàn,
một bên thấy đức Phật Di Ðà tới đón. Vì ý nghĩa sâu
kín mầu nhiệm như vậy, chúng ta mới dụng công tu hành, chớ
nếu tầm thường thì tu làm gì.
Có thông hiểu thấu suốt chúng
ta mới thấy việc làm của người tu không phải là hình thức
cúng kính bên ngoài. Nó sâu thẳm bên trong. Khi làm chủ được
ý niệm lăng xăng của mình rồi, những vọng tưởng lặng
xuống thì cái chân thật hiện tiền. Sống được với cái
chân thật đó là giải thoát sanh tử, đời đời không bao
giờ mất. Còn mang nghiệp do ý tạo ra thì mất thân này chụp
thân kia, mất thân kia chụp thân nọ, sanh tử không biết
bao giờ cùng.
Vì vậy trong kinh đức Phật nói,
con người sanh ra rồi chết đi, đời này qua đời nọ, mỗi
một đời khóc bao nhiêu nước mắt. Nếu gom hết nước mắt
của chúng sanh trong nhiều đời nhiều kiếp còn hơn nước
của biển cả. Cái khổ luân hồi sanh tử thật không cùng.
Mấy chục năm hết một đời. Trong một đời khóc biết
bao nhiêu lần. Hồi lọt lòng mẹ đã khóc rồi, cho tới
già sắp chết cũng khóc nữa, thành một chuỗi dài cứ
khóc và khóc. Ðến khi mất thân này, tìm lại thân khác tiếp
tục khóc nữa. Còn nghiệp dẫn là còn khổ đau. Vì vậy muốn
giải thoát sanh tử phải dừng hết nghiệp. Muốn dừng nghiệp
phải dừng từ trong ý, vì nó là động cơ chủ yếu tạo
nghiệp.
Tại sao chúng ta phải ngồi thiền
hai ba tiếng đồng hồ, chân đau tê cóng mà cũng ráng ngồi?
Ngồi là trước để hàng phục thân, làm chủ thân rồi kế
đó hàng phục ý. Muốn làm chủ ý phải có thời gian dài,
vì nếu ngồi năm ba phút hay nửa giờ, tâm mới vừa hơi yên
thì hết giờ. Nên ngồi một tiếng hai tiếng để có thời
gian dài, chúng ta mới thấy rõ ý thức còn sức mạnh hay đã
yếu rồi.
Trong các Thiền viện tôi bắt
ngồi
thiền tới hai tiếng đồng hồ. Có nhiều người lúc đầu
hăng hái đến xin tập tu, được vài hôm xin rút lui vì theo
không nổi. Tôi chủ trương như vậy không phải để hành hạ
thân một cách vô ích. Bởi vì có hai lý do:
Một, nếu chúng ta không làm chủ
được thân này thì chúng ta bị lệ thuộc nó. Nên đau thì
chịu đau, phải thắng nó mới có thể vượt qua. Chúng ta
ai cũng biết giờ phút tắt thở là giờ phút đau khổ nhất,
nếu không có sức làm chủ thân thì không sao an ổn trong
lúc lâm chung. Làm chủ được thân thì giờ phút đó chúng
ta mới định tỉnh ra đi. Bằng không thì lúc đó rối loạn,
thấy cái gì chụp cái ấy, thật nguy khốn. Nên trước phải
làm chủ thân.
Hai, là phải làm chủ được ý.
Ý thức rất linh hoạt, dễ phóng ra bên ngoài. Nếu không
dùng phương tiện để điều phục thì sẽ khó định tâm lặng
ý. Do đó, từ thời Phật cho tới bây giờ, phương pháp tọa
thiền được xem như tối thắng nhất để định tâm. Vì vậy
tôi chủ trương Tăng Ni tu muốn tiến, phải siêng năng tọa
thiền. Làm chủ được thân tâm rồi thì mới đi tới giải
thoát sanh tử.
Chúng ta nhìn lại đạo Phật dù
cho tông này phái kia khác biệt, nhưng rốt lại đều cùng một
mục đích là dừng ý niệm lăng xăng, để cái chân thật
được hiện bày, đó là chỗ gặp nhau. Vì vậy người tu Tịnh
Ðộ hay nói "Tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng
Tây phương" nghĩa là ba nghiệp hằng trong sạch thì đồng
với Phật đi về cõi Phật không nghi ngờ. Tu Tịnh Ðộ
thì cầu về Cực Lạc, còn tu Thiền là nhận được bản
lai diện mục hay nhận được Pháp thân v.v... Ðó là điểm
tương đồng thứ nhất giữa Tịnh Ðộ và Thiền.
Ðiểm thứ hai, nói về lý và sự
Tịnh Ðộ. Sự Tịnh Ðộ là chúng ta tin ở phương Tây
cách đây mười muôn ức cõi, có thế giới tên là Cực Lạc.
Do tin chắc không nghi ngờ nên cố gắng niệm Phật, đến
khi nào nhất tâm, chừng đó nhắm mắt thấy Phật rước về
Tây phương, sung sướng không còn khổ sở như ở cõi Ta-bà
này nữa. Ðó là sự Tịnh Ðộ.
Về lý Tịnh Ðộ thì trong kinh
Duy Ma Cật nói "Tâm tịnh thì độ tịnh". Nếu muốn
cõi nước thanh tịnh trước hết phải tịnh tâm của mình.
Tâm thanh tịnh thì cõi nước thanh tịnh. Hoặc có chỗ nói
tự tánh Di Ðà duy tâm Tịnh Ðộ, tức tánh của mình là Phật
Di Ðà, tâm của mình là cõi Tịnh Ðộ. Như vậy Tịnh Ðộ
và đức Phật Di Ðà ở ngay nơi mình chớ không phải ở
bên trời Tây. Lý Tịnh Ðộ này rất phù hợp với Thiền.
Tại sao phù hợp? Vì người tu
Thiền cốt xoay trở lại nội tâm của mình. Khi dẹp sạch
vọng tưởng lăng xăng rồi, thì tâm thanh tịnh hiện ra gọi
là Pháp thân bất sanh bất diệt hằng giác, hằng tri. Nghĩa
là chúng ta tu để nhận ra tâm thanh tịnh không còn vọng tưởng,
thể nhập được Pháp thân bất sanh bất diệt, hằng giác
hằng tri. Thì Tịnh Ðộ nói Phật Di Ðà là tự tánh, còn tự
tâm thanh tịnh là cõi Tịnh Ðộ.
Ðức Phật Di Ðà tiếng Phạn đọc
là Amitabha Buddha, Trung Hoa dịch nghĩa là Vô lượng
thọ, Vô lượng quang. Vô lượng thọ là sống lâu vô lượng,
đồng nghĩa với Pháp thân bất sanh bất diệt. Vô lượng
quang là luôn luôn sáng suốt, đồng nghĩa với Phật tánh hằng
tri hằng giác. Ðức Phật Di Ðà là biểu trưng cho Phật tánh.
Lý Tịnh Ðộ và lý Thiền không có gì khác nhau hết.
Ðối chiếu như vậy để chúng
ta thấy ý nghĩa của người tu Thiền và người tu Tịnh Ðộ
không hai không khác.
Do đó Phật tử chúng ta khi tu
Phật
đừng quan niệm rằng mình làm thế này, thế nọ, Phật sẽ
ban ơn ban phúc. Quan niệm như vậy là sai lầm. Tu để chủ
động lấy mình. Ý nghiệp lặng xuống, thì được giải
thoát chớ thật tình Phật không ban ơn ban phúc cho chúng ta.
Phật dạy nhân quả là gốc của sự tu. Nhân tốt thì hưởng
quả tốt, chớ không phải Phật ban cho ta được.
Song Phật tử chúng ta chỉ muốn
xin Phật thôi. Tu coi bộ phiền, mất thì giờ. Cứ cúng một
ít rồi Phật ban cho con cái này, cái nọ là xong. Chỉ cần
mỗi tháng đi chùa hai lần, để dành ít tiền ngày ba mươi
hay rằm, sắm hương hoa trái cây... quý thầy đánh chuông, lạy
ba lạy cúng dĩa quả là đủ rồi. Phật tử đi chùa như vậy
so với lý thật của đạo thật là cách xa muôn dặm !
Chúng ta phải ý thức rằng tu
Phật
là cốt làm sao để mình trở thành con người giác ngộ,
không còn bị nghiệp lôi dẫn trên đường sanh tử nữa.
Ðó là mục đích tối thượng của chúng ta. Dù đời này
chúng ta tu không xong, còn phải tới lui cõi này nhưng mục
đích tối thượng đó phải giữ vững đừng để lệch hướng.
Cũng như người đi biển cần có la bàn vậy, phải khẳng
định không nhầm lẫn. Nhắm đúng rồi, đời này tu được
bao nhiêu, đời sau tu tiếp nữa, cứ như vậy tiếp mãi, chừng
nào xong việc mới thôi.
Trong kinh nói đức Phật đã tu
vô số kiếp, hay là ba a-tăng-kỳ kiếp, tức là ba vô số
kiếp. Nghe ba vô số kiếp quý vị có ngán không? Chữ kiếp
không phải một đời của mình đâu. Kiếp là trải qua bao
triệu năm. Vậy ba vô số kiếp là qua bao nhiêu triệu năm,
quý vị nghĩ mà ngán phải không? Phật vì sợ chúng ta ngán
nên nói "không sao". Nếu khéo tu thì mê là chúng
sanh, giác là Phật. Nhanh như trở bàn tay, đang úp lật lại
thành ngửa. Ðang mê mà giác thì thành Phật ngay thôi. Nói
như vậy Phật có gạt chúng ta không? Không gạt, nhưng thành
Phật có nhiều cách. Bởi vì Phật là tự giác, giác tha,
giác hạnh viên mãn.
Ðối với chúng ta, phần tự
giác là muốn hết sức rồi lại phải giác tha nữa. Tức
là khi nào mình và người khác giác hết mới thành Phật.
Nên nhận ra được tánh Phật gọi là thành Phật. Thành Phật
đây chỉ là lóe thấy Phật của mình thôi. Còn biết bao
nhiêu phiền não, tập khí muôn đời phải trừ bỏ nữa. Tôi
thường ví dụ chúng ta tu giống như đi trong đêm ba mươi
trời chuyển mưa. Lâu lâu có chớp lóe lên, nhờ đó ta thấy
được một đoạn. Trời tối lại rồi chớp lên, thấy
được một đoạn nữa. Cứ thế tu dần dần.
Hiện người tu bây giờ sức tỉnh
giác cũng như ánh chớp ấy thôi. Giờ này đang nghe kinh hoặc
ngồi thiền thấy tỉnh lắm, nhưng giờ khác tiếp xúc với
mọi người liền quên mất, rồi cũng buồn cũng giận. Khi
ngồi lại tu thấy tỉnh, thấy giác nhưng đụng việc cũng
phiền não như ai. Cứ thế từ năm này sang năm khác, rốt
cuộc nhắm mắt cũng chưa xong xuôi. Ðó là bệnh chung của
mọi người. Chúng ta cần biết không phải một lần giác
là xong ngay.
Phật tử lúc nào cũng tin tưởng
lời Phật dạy, tin tưởng lời quý thầy giảng, biết nóng
giận là tật xấu, là tiêu mòn công đức. Nhưng vừa gặp
người nói trái tai liền nổi giận đùng đùng. Ai gan lắm
thì kềm giữ không cho hiện ra ngoài nhưng vẫn ấm ức
trong lòng không an. Chúng ta biết rõ đó là tật xấu, mà muốn
bỏ không phải dễ. Vì chúng ta trải qua bao nhiêu kiếp mê
lầm, giờ đây tỉnh lại nên bỏ phải dần dần mới hết
được. Giống như mấy chú ghiền thuốc, ghiền rượu vậy.
Biết rượu thuốc là hại, ngồi một mình thì nhịn mà có
bạn tới đưa thuốc thì lấy liền. Như vậy mới thấy tập
khí kéo lôi thế nào. Người chưa từng ghiền thuốc dù có
mời họ cũng không thèm lấy, cho nên khi đã huân chủng tử
lâu đời thì bây giờ bỏ hết sức là khó.
Lâu nay chúng ta thường nghĩ
người
lớn tuổi rảnh rang công việc dễ tu, còn mấy đứa bé mười
lăm, mười bảy tuổi khó tu. Ðiều này chỉ đúng phần
nào thôi. Già thì rảnh rang có thì giờ, nhưng tập khí đầy
ấp bên trong, nên ngồi lại là nhớ chuyện năm trên năm
dưới, không làm sao tu được. Mấy đứa nhỏ tuy lăng xăng
công việc học hành thấy như khó tu, nhưng tâm nó trong trắng
chứa ít chủng tử.
Như người không ghiền rượu
nghe Phật cấm rượu liền cười, dễ quá. Còn người ghiền
rượu nghe Phật cấm rượu liền thấy khổ ngay. Người không
ghiền, bảo bỏ rượu là chuyện thừa; còn người ghiền,
bảo bỏ rượu là việc cay đắng. Các thứ khác cũng vậy.
Cho nên còn trẻ mà ham tu, thì
tu
mau tiến. Còn người già tuy có thì giờ rộng rãi nhưng tu
lâu tiến, vì chủng tử nhiều quá. Nó cứ quay lại, muốn
bỏ, bỏ không được. Hơn nữa người già tinh thần suy yếu,
không đủ sức mạnh gạt bỏ những thói quen cũ nên khó bỏ.
Do đó mỗi thế hệ có cái khó riêng, mà cũng có cái dễ
riêng. Hiểu vậy rồi chúng ta mới thấy việc tu tập không
dành riêng cho giới nào hết, ai quyết tâm thì người đó
tu được.
Chúng ta tu là làm sao tiêu diệt
được nhân tạo nghiệp. Nhân tạo nghiệp lặng thì quả
nghiệp không còn. Quả nghiệp không còn thì chúng ta tự tại,
không bị lăn lộn trong sanh tử nữa, đó gọi là giải
thoát. Giải thoát sanh tử nhưng vẫn còn cái chân thật hiện
hữu nơi mình.
Khi còn tại thế, có người hỏi
Phật "Thân này chết rồi còn hay hết?" Phật không
trả lời. Bởi vì còn nghiệp thì còn sanh trở lại. Nếu
nói hết người ta tưởng không còn gì cả. Chỉ người tu
khi sạch được nghiệp rồi thì tự tại, không bị nghiệp
lưu chuyển trong sáu nẻo. Phật dạy: Khi mất thân này, dứt
tâm niệm sanh diệt rồi thì thể thanh tịnh sáng suốt của
mình trùm khắp. Thể ấy không có tướng mạo, không có gì
chi phối cả nên gọi là giải thoát sanh tử.
Hiện tại lúc nào chúng ta cũng
sẵn
thể chân thật đó. Khi ý niệm dấy khởi tính toán so đo,
phân biệt hơn thua, lăng xăng, đó là gốc tạo nghiệp. Nhưng
khi ý nghiệp không dấy động thì tâm có không? Tâm là cái
"biết" đó. Ý niệm tuy không dấy động nhưng chúng
ta vẫn biết. Mắt biết, tai biết, mũi biết, lưỡi biết,
thân biết, như vậy là hằng biết.
Cái biết ấy thênh thang, không
chỗ
nơi để chúng ta dò tìm, nhưng luôn hiện hữu. Vì vậy khi
các thứ che đậy, mê mờ lặng rồi thì nó hiện rõ ràng,
còn bây giờ vì vô minh che lấp nên chúng ta không nhận ra
nó. Khi nghĩ suy chúng ta nói tôi nghĩ, tôi suy. Khi không nghĩ
suy thì ta vẫn hằng tri hằng giác chớ đâu phải vô tri,
vô giác. Có biết nhưng vì tánh biết bàng bạc nên chúng ta
không thể chỉ ra được.
Chỉ khi ý thức dấy nghĩ mới có
bóng dáng kèm theo. Như vừa nhớ người thì bóng người hiện,
nhớ chùa thì bóng chùa hiện, nhớ huynh đệ thì bóng huynh
đệ hiện. Nhớ là dấy niệm. Nhà Phật gọi đây là pháp
trần. Phần này rất phù hợp với khoa tâm lý học. Như hôm
rồi xuống bắc Mỹ Thuận, tôi thấy chú thanh niên một
chân bị hư máng trên vai, còn một chân chống cây gậy. Trước
khi thấy chú, trong tâm tôi không có bóng dáng đó nhưng thấy
rồi thì đến nay nhớ lại, hình ảnh ấy hiện ra rõ ràng.
Bóng dáng mà tôi nhớ ở trong lòng đó, nhà Phật gọi là
pháp trần.
Chữ trần là những hình dáng tế
nhị chớ không phải thô phù; hình dáng ấy lưu lại trong tâm
ta nên khi nhớ đến thì chúng hiện ra ngay. Như vậy từ nhỏ
đến già những bóng dáng đó ghi vào tâm thức của chúng
ta nhiều hay ít? Nếu phân ra không biết mấy trăm mấy ngàn
lớp? Do đó khi ngồi yên lớp này nhảy ra tới lớp khác
liên miên chập chồng. Vì vậy khi tu là chúng ta cố gắng gạt
nó qua một bên để cái chân thật được hiện bày. Khi
nào bóng dáng đó lặng hết thì ông chủ xưa nay mới hiển
lộ.
Do đó dụng công tu là việc hết
sức tế nhị, chớ không phải thường. Người ta thấy ở
chùa quá đơn giản, gõ mõ tụng kinh, đi tới đi lui có gì
quan trọng. Nhưng thật ra người tu phải quán sát nội tâm,
luôn luôn chiếu soi để làm chủ trọn vẹn được mình,
không còn lệ thuộc với pháp trần là điều rất khó.
Tóm lại, tất cả pháp của Phật
dạy tuy có chia ra nhiều môn, nhiều phái song các phái đều
y cứ theo những gì Phật dạy mà tu hành. Tuy phương tiện có
khác nhưng cứu kính đều gặp nhau. Người tu Tịnh Ðộ
thì niệm Phật cho tới nhất tâm. Người tu Thiền thì phải
được định.
Có người nói Thiền Tịnh song
tu, tức là tu một lượt cả hai pháp. Như vậy làm sao tu? Bởi
vì Tịnh Ðộ đặt lòng tin lên trên. Tin có cõi Cực Lạc,
tin có đức Phật Di Ðà chuẩn bị đón tiếp nên cố lòng
niệm Phật, niệm chí tâm đến chỗ nhất tâm, thì thành
công. Nhờ niềm tin mạnh cho nên quyết tâm tu, mà quyết
tâm tu thì thành công. Còn tu Thiền là biết rõ các pháp
duyên hợp, như huyễn không thật nên không tham trước, không
dính mắc, cố gắng dẹp những bóng dáng che phủ nội tâm
khiến cho nó lặng sạch nên tâm được định. Một pháp tu
suốt đời chưa rồi mà dồn hai pháp lại làm sao kham?
Lại ngài Bạch Ẩn, một Thiền sư
Nhật Bản nói thí dụ này: Người sợ tu Thiền không đủ,
phải tu thêm Tịnh Ðộ giống như người muốn qua sông gấp,
đi một chiếc đò sợ chậm, nên kêu hai chiếc rồi đứng
một chân chiếc này, một chân chiếc kia. Như vậy đi được
tới bờ không, hay nửa đường đò rẽ bị rơi? Chúng ta phải
hiểu thật kỹ, nếu không chín chắn, muốn cho mau chóng và
dễ tu, không ngờ chính chúng ta làm trở ngại sự tu của
mình.
Tu các pháp môn của Phật giống
như người leo núi. Một ngọn núi cao, người ở hướng Tây
có lối lên của hướng Tây, người ở hướng Ðông có lối
lên của hướng Ðông, hướng Nam, hướng Bắc cũng vậy.
Trong bốn lối đó chúng ta thích lối nào thì đi lối đó. Ðã
chọn rồi phải quyết chí đi. Dù leo lên thấy khó, cũng ráng
mà leo lên đến đỉnh. Ðường đi từ bốn hướng khác
biệt, nhưng tới đỉnh rồi thì đều gặp nhau. Cũng vậy,
pháp môn Tịnh Ðộ, pháp môn Thiền v.v... tên có khác, hướng
tu có khác, nhưng cứu kính đều gặp nhau.
Hiểu như vậy rồi, chúng ta tu
không còn chê bên này khen bên kia, mà chỉ nên tự trách
mình chưa cố gắng, chưa quyết tâm. Mong rằng tất cả
chúng ta cố gắng thực hiện công phu tu hành của mình đạt
đến kết quả viên mãn, theo nhân duyên riêng của mỗi người
trong tinh thần hòa hợp và đúng với lời Phật dạy.
-ooOoo-