Phần tốt
nhất đó trong đời sống của một người lương thiện là những hành động nhỏ nhoi
không sao kể xiết bị lãng quên về lòng tốt và thương yêu.
Woodsworth
CHÚNG TA PHẢI LÀM TRÒN
BỔN PHẬN CỦA CHÚNG TA
Trước đây
tôi đã nói khi tôi nhìn thấy một người bệnh, người sắp chết và người chết, hai
quyết tâm phát sinh trong tâm tôi. Một là có thể chịu đựng sự đau đớn và cái
chết với một nụ cười, có thể giữ được chánh niệm và tự tại cho đến lúc cuối
cùng. Bây giờ tôi muốn nói đến quyết tâm thứ hai. Vâng, khi nhìn thấy con người
và thực ra tất cả chúng sinh đang sống, đều phải chịu đau khổ nhiều như vậy,
tôi cảm thấy ít nhất chúng ta có thể làm được, trong khi chúng ta còn sống, là
đóng góp làm nhẹ bớt khổ đau chung quanh chúng ta.
Nhiều người đang phục vụ nhân
loại theo nhiều cách thức phi thường. Mẹ Theresa, chẳng hạn, đã dành cả cuộc
đời để săn sóc những người thiếu thốn và cơ cực. Nhiều người và tổ chức đã dấn
thân vào làm những công tác xã hội cho người bệnh, người tàn tật, người chết
đói, người già, những người sắp chết và nhiều người khác. Tất cả những đạo sư
tôn giáo vĩ đại đều kêu gọi các đệ tử hãy nhân từ. Jesus Christ nói: "Hãy
thương yêu người láng giềng như chính thân mình" Và Ngài tán dương những
người cho người đói ăn, cho người khát uống, cho quần áo người trần trụi, cho
chỗ ở kẻ bần hàn, thăm viếng người bệnh và người bị giam cầm. Ngài nói rằng:
"Vì các ngươi đã làm thế cho một trong những người anh em của ta, tức là
các ngươi đã làm cho chính ta". Có một câu tương tự trong Kinh Koran chỗ
nhà Tiên Tri Mohamed nói Thượng Ðế có thể nói trong Ngày Phán Xét:" Ta đói
mà các ngươi không cho ta ăn. Ta bị bệnh mà các ngươi không đến thăm. Và khi
được hỏi bởi một người hoang mang không hiểu như thế là thế nào, Thượng Ðế trả
lời "Như một người xin bánh mà ngươi không cho. Như một người bệnh mà
ngươi không đến thăm".
Trong Ðạo Phật, mặc dầu chúng ta
không tin vào Ðấng Thượng Ðế Sáng Tạo, chúng ta tin vào điều thiện và hô hào
không giết hại cả đến một con vật hay côn trùng. Chúng ta tin vào Nghiệp luật-
đó là thiện đem lại thiện, ác đem lại ác. Cho nên chúng ta bao giờ cũng phải
bám chặt vào điều thiện: tránh không giết hại, trộm cắp, lừa đảo, tà dâm, dối
trá, uống rượu và các chất say. Chúng ta tự rèn luyện để tiến đến chỗ chúng ta
làm điều thiện vì lợi ích làm điều thiện và không phải vì sợ hãi địa ngục hay
mong muốn được phần thưởng. Chúng ta làm điều thiện vì chúng ta thích làm điều
thiện và tự nhiên ngả về điều thiện. Nói một cách khác chúng ta không thể tránh
được làm việc thiện. Ðiều thiện với chúng ta là một.
Ðức Phật chỉ thị các đệ tử của
Ngài phải nhân từ và quan tâm đến người khác. Ngài nói một chút cố gắng cũng có
giá trị khi cho. Cả đến ném một vài mẩu bánh xuống nước cho cá ăn cũng được tán
dương bởi Ðức Phật. Một lần, mấy nhà sư không săn sóc một nhà tu bệnh, Ðức Phật
đích thân tắm rửa cho vị sư bệnh này và khuyên bảo các vị kia: "Ai săn sóc
người bệnh chính là săn sóc ta". Ðức Phật kêu gọi các vì vua hãy trị vì
với lòng từ bi. Ngài khuyên các nhà vua nên loại trừ nghèo đói vì đó là một
trong những yếu tố góp phần vào sự cướp bóc và các tội khác. Là một người yêu
hòa bình, Ngài đã từng ngăn cản được khi hai quốc gia đang sắp sửa lâm vào vòng
chiến vì tranh chấp một dòng sông. Ðức Phật hỏi họ: "Cái nào quan trọng
hơn – nước hay máu của con người sẽ chảy vì chiến tranh?" Hai bên lâm
chiến thấy sự tranh chấp điên rồ của họ đã rút lui không đánh nhau.
Một trong những vị vua nhân từ
nhất chịu ảnh hưởng trước những lời Phật dạy là Asoka, trị vì Ấn Ðộ vào thế kỷ
thứ Ba trước Công Nguyên, khoảng 200 năm sau khi Ðức Phật nhập diệt. Nổi tiếng
về lòng nhân đạo, sự rộng lượng và lòng tốt cửa Ngài trải đến cả con vật. Ngài
được nổi tiếng vì đã lo liệu bác sĩ cho cả người lẫn súc vật. Ngài đã xây công
viên, trạm nghỉ ngơi cho khách bộ hành và nhà tế bần cho những người nghèo và
người bệnh. Mặc dầu là một Phật tử thuần thành, Ngài cho dân ngài hoàn toàn tự
do trong việc thờ phượng và ủng hộ các giáo phái khác. Trong một sắc lệnh nổi
tiếng khắc trên đá, Ngài nói Ngài "Chúc mừng những người của tất cả những
tôn giáo sống ở mọi nơi trong vương quốc của Ngài ... vinh danh người của tất
cả các tôn giáo, thành viên của những dòng tu và cư sĩ, bằng tặng vật và những
biểu hiện quý trọng khác". Ngài muốn tất cả các tôn giáo đều được kính
trọng vì "bằng cách kính trọng tôn giáo là nâng cao niềm tin của chính tôn
giáo mình và đồng thời phục vụ niềm tin của những người khác... Cho nên chỉ có
hòa thuận không thôi là đáng khát khao ... (Và Ngài, Asoka) mong muốn người của
tất cả các tôn giáo khác hiểu biết học thuyết của nhau và tìm được học thuyết
lành mạnh..."
Asoka coi vai trò của Ngài như
một người cha nhân từ và coi dân như con khi nói rằng Ngài muốn họ được mọi
loại thịnh vượng và hạnh phúc. Ðức Phật nếu có thể chứng kiến triều đại của
Hoàng Ðế Asoka, thì Ngài sẽ hết sức vui mừng khi thấy giáo lý của Ngài đã được
tôn trọng triệt để một cách chuyên cần bởi vị hoàng đế vĩ đại này. H.G. Wells
trong cuốn "Outline of History" (Lịch Sử Ðại Cương) có nói, trong số
các vị hoàng đế đã đến và ra đi trên thế giới, "tên của Hoàng đế Asoka
sáng chói, sáng chói hầu như một tinh tú không có ai ngang hàng". Chắc
chắn tất cả những chính phủ sẽ thành công khi nghiên cứu và áp dụng cách giải
quyết nhân đạo của Hoàng Ðế Asoka trong việc trị vì.
Cũng vậy, nếu chúng ta đi theo
những lời Ðức Phật dạy, thì chúng ta cũng giống như Asoka, làm việc theo đường
lối của chúng ta để giảm bớt khổ đau và trải rộng hòa bình và hạnh phúc. Chính
Ðức Phật đã là tấm gương tốt đẹp nhất cho chúng ta soi, Ngài đã dành cả cuộc
đời để chỉ cho con người lối thoát khỏi khổ đau. Vâng, Ðức Phật không những
quan tâm đến việc làm nhẹ bớt khổ đau, mà Ngài còn quan tâm đến việc loại bỏ nó
hoàn toàn. Cho nên sau khi giác ngộ, Ngài đã bỏ cả 45 năm cuộc đời còn lại dạy
cho con người con đường loại bỏ khổ đau. Ngài dạy con đường chánh niệm.
Ðức Phật thấy chỉ bằng cách giải
quyết triệt để mới có thể loại bỏ được khổ đau. Mặc dù săn sóc người bệnh, chữa
lành bệnh tật, cung cấp thực phẩm và các trợ giúp vật chất cho người túng thiếu
là một phần thiết yếu trong việc đối phó với khổ đau, Ðức Phật muốn tham gia
nhiều hơn là chỉ có những triệu chứng: Ngài muốn tìm cách chữa lành hoàn toàn
chứng bệnh khổ đau. Cho nên Ngài đã thiền định toàn bộ câu hỏi đời sống và cái
chết. Và Ngài thấy muốn giải quyết vấn đề từ gốc rễ, chúng ta cần phải xem xét
lại toàn bộ tâm. Khổ đau thực chất là tinh thần. Khi có đau đớn thể chất, người
ta thường phản ứng bằng buồn rầu, sợ hãi và ngã lòng. Nhưng người tu thiền, Ðức
Phật dạy, có thể chịu đựng cái đau thể chất mà không có khổ đau tinh thần. Nói
một cách khác, người ta không phản ứng bằng buồn rầu, lo lắng, thất vọng, ác
cảm, giận hờn vân vân... Thay vì, người ta có thể phản ứng bằng bình tĩnh và
thanh thản. Người ta có thể vui và thậm chí an ủi và khuyến khích người khác!
Cho nên Ðức Phật thấy vấn đề
thực chất là tinh thần. Nếu chúng ta có thể giải thoát tâm chúng ta khỏi tham,
sân và si (thuộc bản chất đời sống) Ðức Phật dạy chúng ta hoàn toàn có thể vượt
qua được và loại bỏ khổ đau tinh thần, như lo lắng và bồn chồn, phiền muộn và
than khóc. Về khổ đau thể chất, chúng ta phải thừa nhận không thể tránh khỏi
chừng nào mà chúng ta có cái thân này. Tất cả chúng ta đều biết không ai có thể
tránh khỏi tuổi già, bệnh và chết. Nhưng Ðức Phật dạy một khi thanh lọc được
tâm ra khỏi tất cả những ô nhiễm của tham, sân vân vân thì cái đau thể chất
không làm chúng ta sợ hãi nữa. Ta trở nên không lay chuyển. Không có gì có thể
làm ta lo ngại nữa, cả đến cái đau cực độ mà những bệnh như ung thư có thể mang
lại. Tâm ta vẫn có thể giữ luôn luôn trầm tĩnh. Bởi vậy khi đệ tử của Ðức Phật,
Anurudhha, một lần được hỏi làm sao ông có thể giữ bình tĩnh khi ông bệnh nặng,
Ngài trả lời đó là vì ông đã có thể làm chủ được tâm ông do tu tập chánh niệm
như đã được dạy bởi Ðức Phật.
Cũng để kết luận, Ðức Phật dạy
đối với một người hoàn hảo đã bỏ được tham sân si, không còn tái sanh nữa. Khi
người ấy chết, đó là kiếp cuối cùng. Người ấy đã đạt được trạng thái Niết Bàn –
sự an lạc hoàn hảo. Không phải tái sanh người ấy không bao giờ còn bị tuổi già,
bệnh và chết. Ðức Phật nói, chỉ điều đó là chấm dứt khổ đau.
LÀM NHẸ BỚT KHỔ ÐAU
Trong khi phấn đấu để chấm dứt
hoàn toàn khổ đau, chúng ta nên, trên con đường tu tập, giúp làm nhẹ bớt khổ
đau bằng bất cứ cách nào chúng ta có thể. Vâng, rõ ràng không thiếu gì khổ đau
trên thế giới. Nhiều người khổ đau theo nhiều cách khác nhau. Nếu chúng ta đọc
báo, chúng ta thấy khổ đau khắp nơi. Người ta tranh chấp, đánh nhau, giết chóc,
cướp bóc, nói dối, lừa đảo và gây khổ đau lẫn nhau bằng nhiều cách. Do vô minh
chúng làm hại lẫn nhau. Xa hơn nữa, thiên tai, tai nạn, rủi ro, chết đói, bệnh
tật khắp nơi. Và bệnh tật tuổi già, và cái chết luôn bám sát chúng ta ở từng
bước.
Vâng, thế giới này đầy khổ đau.
Tại sao chúng ta lại còn thêm vào nữa? Thay vì phải chăng chúng ta nên cố gắng
làm nhẹ khổ đau? Dù chúng ta không làm được nhiều, chúng ta vẫn có thể làm được
ít. Mỗi một cố gắng nhỏ nhoi cũng đáng kể. Có người nói: Không ai mắc sai
lầm lớn hơn là không làm gì dù chỉ làm một chút. Mỗi người chúng ta đều có
thể làm được việc gì đó, theo khuynh hướng và khả năng của mình. Ðể khởi sự
chúng ta có thể bắt đầu tử tế hơn. Chẳng hạn chúng ta có thể ngăn chặn nóng
giận của chúng ta. Mỗi khi chúng ta nóng giận chúng ta gây nên đau đớn cho
chính chúng ta và người khác. Nhưng nếu chúng ta có thể nén được giận của chúng
ta và trau dồi khoan dung và kiên nhẫn, thương yêu và từ bi, chúng ta có thể
trở nên người tử tế hơn, và đó có thể là một thành công để giúp gieo rắc sự vui
vẻ và hạnh phúc .
Nói một cách khác chúng ta phải
bắt đầu bằng cách tẩy sạch tâm ta khỏi những chất chứa bất thiện và tiêu cực
của tham sân và si. Tương ứng với khả năng kiềm chế các trạng thái bất thiện
của ta, tình thương yêu và từ bi sẽ phát triển nơi chúng ta. Chúng ta có thể tử
tế hơn trong quan hệ với những người kề cận và chung quanh chúng ta. Chúng ta
có thể cố gắng nói năng một cách đáng yêu và nhẹ nhàng hơn, và tránh lời nói
thô tục và cục cằn. Chúng ta có thể trở nên ân cần và quan tâm đến người khác
nhiều hơn. Nếu chúng ta chỉ quan tâm đến phúc lợi riêng của chúng ta thì chúng
ta không thể thương yêu hữu hiệu. Muốn thương yêu tốt đẹp, chúng ta không nên
coi trọng phúc lợi của mình mà phải chú ý đến phúc lợi của người khác. Cho nên
chúng ta phải hỏi chính mình. Chúng ta có thương yêu đủ không? Chúng ta có quan
tâm đủ không? Nếu không chúng ta không thể hành động để làm nhẹ bớt khổ đau.
Chính vì không có thương yêu và từ bi thực sự mà chúng ta có thể hành động.
Một thiền sư từng nói rằng nếu
bạn muốn biết bạn đã thực sự yêu thương, bạn nên gần người thân yêu của bạn một
ngày, và nhẹ nhàng nắm lấy tay nàng trong tay bạn. Hãy nhìn thẳng vào mắt nàng
và hỏi nàng: "Em thân yêu, anh có yêu em đúng mức không? Anh có yêu em đủ
không? Anh có làm em hạnh phúc không? Nếu là không, xin em cho biết thiếu cái
gì để anh có thể thay đổi và yêu em nhiều hơn?" Nếu bạn hỏi nàng dịu dàng
với tình yêu chân thật và quan tâm, thì nàng có thể khóc. Sư trưởng nói, đó là
dấu hiệu tốt. Vì nó có nghĩa là bạn đã chạm đến đúng vào tình cảm của nàng. Và
rồi ở đấy có thể có sự trao đổi tâm tình giữa bạn và nàng.
Và vì vậy nàng có thể nói với
bạn giữa những tiếng thổn thức sao bạn đã không có ý tứ gì rất nhiều lần. Chẳng
hạn nàng có thể nói: "Anh không còn mở cửa xe cho em nữa. Anh thường mở
cửa xe cho em khi lần đầu anh theo đuổi em và cả đến năm đầu lấy nhau. Anh cũng
cẩn thận xem em ngồi ngay ngắn chưa rồi anh mới nhẹ nhàng đóng cửa xe. Bây giờ
anh không làm như thế nữa. Anh vào xe trước và cho ngay máy chạy. Em phải tự mở
cửa và vào xe thật nhanh. Nếu không anh có thể chạy xe đi trước khi em kịp đóng
cửa! Em muốn khóc khi anh sử xự như thế. Cái gì đã xẩy ra cho con người lịch sự
và có ý tứ mà em đã lấy?"
Và nàng có thể tiếp tục:
"Anh đã không nắm tay em nữa khi qua đường. Anh đi trước và muốn em phải
theo anh. Rồi khi chúng ta vào nhà hàng. Anh không mở cửa và mời em vào trước.
Anh không kéo ghế cho em ngồi. Anh không hỏi em thích ăn gì mà tự động đặt các
món ăn anh thích. Anh không mua những bộ áo đẹp cho em nữa. Anh không mua tặng
phẩm gì cho cha mẹ em, ngay cả đến những dịp lễ hội. Và mặc dầu anh có thể nhớ
đến việc cho em quà vào ngày sinh nhật, nhưng anh không kèm theo thiệp sinh
nhật với những lời tình cảm đẹp đẽ. Nói tóm lại, anh đã không làm những việc
nhỏ bé dễ thương mà anh thường làm cho em khi anh theo đuổi em và cưới em. Nếu
em biết anh sẽ thay đổi như thế này, có lẽ em đã suy nghĩ lại về việc lấy anh.
Em băn khoăn không biết thực sự anh còn yêu em hay quan tâm đến em nữa
không?" Và nàng có thể tiếp tục một mạch nêu lên một bản danh sách về
những bất hạnh của nàng. Nàng có thể thổn thức to hơn và bạn có thể ngạc nhiên
vì bạn không biết nàng đã giữ trong lòng tất cả những thứ đó, nàng đã không
nhận ra tất cả những sự việc nho nhỏ dễ thương mà bạn thường làm cho nàng, và
nàng đã không hiểu sự bầy tỏ quan tâm và thương yêu tuy nhỏ bé nhưng quan trọng
của bạn.
Ðương nhiên, rất có thể bạn cũng
có những phiền muộn chính đáng. Cho nên đây là dịp tốt để bạn thổ lộ, nhưng
bằng một cách thật dịu dàng. "Ồ, anh xin lỗi về cách sử xự vô tâm và không
ý tứ của anh, em thân yêu. Tin anh đi, anh thật tình. Xin tha lỗi cho anh. Từ
nay trở đi anh sẽ làm lại cho em. Anh hứa anh sẽ không cẩu thả trong tương lai.
Anh sẽ trông nom em thật tốt. Anh sẽ bắt đầu làm trở lại những việc nho nhỏ mà
anh đã lơ là làm cho em. Anh không nhận ra được là em đã quá nhớ những thứ đó.
"Nhưng em thân yêu, xin
đừng giận dỗi với điều mà anh sắp nói. Vì anh có nhiều lầm lỗi, em cũng nên
biết có một số điều em thường làm cho anh mà em chưa bao giờ làm. Chẳng hạn anh
thích ăn đùi gà chiên theo lối sambal belacan mà em thường nấu cho anh. Nhưng
bây giờ em không còn nấu món ấy nữa, không kể đến những thứ súp cà chua và
những món khác. Em biết không, người già nói về cách đi vào lòng con người là
qua bao tử hãy còn rất thích đáng.
"Ngày xưa em thường đánh
thức anh dạy với một nụ cười và một cái hôn nhẹ nhàng trên má nhưng nay em đâu
còn làm như thế nữa. Ðôi khi em còn dạy trễ nên anh phải tự làm để ăn sáng hay
ăn tại văn phòng. Em đã thường đợi cửa khi anh đi làm về và hỏi anh ngày ấy ra
sao. Em thực tình muốn biết và em tỏ ta rất có tình cảm và an ủi khi anh có
chuyện không vui. Nhưng dạo này dường như em không quan tâm đến việc anh sống
ra sao nữa, liệu anh có ngày làm vui vẻ hay vất vả không. Em bận xem truyền
hình, la các con, hay ở các nơi sửa sang sắc đẹp hay làm cái này cái nọ. Khi
anh gọi, "Hello, em thân yêu, anh đã vế", đôi lúc em gắt và nói những
thứ đó không thật khả ái, vân vân và vân vân..."
Và như vậy cả hai trao đổi tâm
tình. Truyền thông rất quan trong trong quan hệ. Có phải không? Quan hệ sẽ tan
vỡ khi không có truyền thông, và cả hai phía đều giữ phiền muộn trong lòng,
nuôi dưỡng chúng trong tâm. Nhưng khi có sự truyền thông, sẽ có sự thông cảm. Cởi
mở trong lòng cả hai phía sẽ đưa đến thông cảm và thương yêu. Nếu hai người
quan tâm đủ và coi trọng quan hệ của họ thì họ sẽ trò chuyện tâm sự. và áp dụng
các biện pháp sửa chữa khi cần. Bằng cách ấy, quan hệ sẽ trở nên mạnh mẽ và đẹp
đẽ với mỗi ngày qua.
Mỗi một người chúng ta cần phải
đóng góp bằng cách riêng của mình, bằng bất cứ đường lối nào mà ta biết ra sao.
Trong trường hợp của tôi, là một nhà sư, tôi có thể đóng góp bằng cách chia sẻ
chút ít kiến thức về Phật Pháp mà tôi biết, một chút hiểu biết mà tôi có. Tôi
có thể khuyến khích người ta tu tập thiền định và hướng dẫn họ một chút trên
con đường này. Tôi có thể kêu gọi người ta hãy thương yêu và quan tâm, ân cần
và nhẫn nại vân vân... Ðương nhiên chúng ta không hoàn toàn, có những lúc chính
chúng ta thất bại không góp phần được. Nói thì thật là dễ nhưng thực hành điều
ta thuyết giảng thì thật là khó, điều đó rất đúng. Cho nên tôi phải là người
đầu tiên thừa nhận những thiếu sót của tôi và chấp nhận sửa chữa. Trong khi
phán xét tôi hay những người khác, tôi cầu mong người ta xem xét giảm nhẹ những
yếu tố như ý tốt. Chúng tôi có ý tốt và không có ý làm hại. Nhưng vì những
nhược điểm, không khéo léo, không kiên nhẫn, không độ lượng, kiêu ngạo vân
vân... chúng ta có thể làm người khác đau đớn mặc dù chúng tôi muốn làm tốt.
Nhưng nếu là một người cao thượng, người đó có thể hiểu và tha thứ. Khả năng
tha thứ là một đức tính tuyệt vời, cho nên có câu nói, lầm lỗi là con người;
tha thứ là siêu phàm, đã được đặt ra.
Hãy tận dụng cơ hội để cho và
chính bạn sẽ biết cách tốt nhất để đóng góp. Tất cả chúng ta có những kỹ năng,
tài ba và năng khiếu khác nhau, điều kiện và hoàn cảnh cũng khác. Cho nên mỗi
chúng ta chỉ có thể đóng góp theo đường lối riêng của mình, tùy theo hoàn cảnh
và khuynh hướng. Ðiều quan trọng là cố gắng; chúng ta làm theo khả năng. Như
chúng ta đã nói, mỗi chút cũng đáng kể và khi thời gian qua đi, chúng ta sẽ
thấy thực tế chúng ta đã làm được một chút gì phải lẽ. Và đó là nguyên nhân cho
chúng ta hoan hỉ. Ðương nhiên nó không có nghĩa là chúng ta cứ nghỉ ngơi trên
vòng hoa chiến thắng. Còn nhiều việc phải làm. Nên chúng ta phải tinh tấn;
chúng ta phải tiếp tục tấn tới.
Người ấy sống tràn đầy tâm từ ở
phương thứ nhất, cũng như vậy ở phương thứ hai cũng như vậy ở phương thứ ba,
cũng như vậy ở phương thứ tư, đúng vậy ở bên trên, bên dưới, chung quanh người
ấy sống tràn đầy tâm từ cả thế giới, ở khắp nơi, theo mọi cách, tâm từ ấy sâu
xa trải rộng, mênh mông, không thù hằn, không ác ý.
Ðức Phật
Hiểu biết mọi thứ là tha thứ mọi thứ
Và lúc ấy sẽ có có tình thương yêu
Vô danh
THƯƠNG YÊU LÀ HIỂU
BIẾT
Muốn chết tốt đẹp chúng ta phải
sống tốt lành. Nếu chúng ta đã sống tốt lành chúng ta có thể chết êm ả. Sẽ
không còn nuối tiếc. Chúng ta sẽ ra đi một cách an bình, mãn nguyện rằng chúng ta
đã làm cái chúng ta có thể, rằng trên con đường mà chúng ta đã gieo rắc cảm
thông và hạnh phúc, rằng chúng ta đã sống theo nguyên tắc và lời cam kết trước
những lý tưởng về thương yêu và từ bi.
Thương yêu là hiểu biết. Thương
yêu không phán xét hay kết tội. Thương yêu lắng nghe và cảm thông. Thương yêu
quan tâm và đồng tình. Thương yêu chấp nhận và tha thứ. Thương yêu không biết
đến chướng ngại. Nó không phân biệt mà nói: Tôi là Nguyên Thủy, bạn là Ðại Thừa
hay Tây Tạng. Nó không nói: Tôi là Phật tử và bạn là Cơ Ðốc, Hồi Giáo hay Ấn
Giáo. Hay tôi là người Trung Hoa, bạn là người Mã Lai, người Ấn Ðộ hay người
Lai Âu Á. Hay tôi là người Phương Ðông và bạn là người Phương Tây; hay tôi là
người Mã Lai, bạn là người Nhật Bản, Hoa Kỳ, Miến Ðiện, Thái và vân vân...
Thương yêu vượt qua tất cả
chướng ngại. Thương yêu thấy và cảm thấy chúng ta đều là một giống nòi, một
giống người. Nước mắt của chúng ta đều giống nhau; chúng đều mặn, và máu của
chúng ta đều đỏ. Khi có loại tình yêu và từ bi này chúng ta có thể có cảm tình
với người khác. Chúng ta có thể thấy chúng ta cùng đi trên một con thuyền trong
biển dông bão của cuộc đời. Chúng ta là những bạn đau khổ trong luân hồi, cái
bất tận xẩy ra trong vòng sinh tử. Chúng ta là anh em và chị em.
Khi chúng ta nhìn thấy và cảm
thấy điều này, thì tất cả những chướng ngại về nòi giống, tôn giáo lý tưởng vân
vân... sẽ biến mất. Chúng ta có thể vươn tới bằng con tim của tình thương yêu
thanh khiết. Chúng ta có thể hiểu và cảm thông với đau khổ của người khác. Từ
bi sẽ tăng lên và tràn đầy trong lòng chúng ta. Và trong bất cứ cái gì chúng ta
nói hay làm, tình thương yêu và từ bi này cũng sẽ in dấu. Nó sẽ xoa dịu và làm
lành. Nó sẽ góp phần vào hòa bình và hiểu biết.
CON NGƯỜI VÀ CON BỌ CẠP
Tình thương đi đôi với từ bi.
Khi chúng ta có một trái tim thương yêu, từ bi nảy sinh dễ dàng nơi chúng ta.
Bất cứ lúc nào chúng ta nhìn thấy một người khổ đau, chúng ta cảm thấy muốn
chìa tay ra làm cho người ấy đỡ đau. Từ bi có đặc tính là muốn loại bỏ khổ đau.
Nó có thể đặc biệt được cảm thấy khi chúng ta tự ý hành động để loại bỏ hay làm
giảm bớt khổ đau của người khác. Có một câu chuyện làm sáng tỏ vấn đề: Một
người trông thấy một con bọ cạp sắp sửa bị chìm trong vũng nước. Ý muốn cứu con
bọ cạp đột nhiên nổi lên trong tâm, và không lưỡng lự chìa tay ra nhấc con bọ
cạp ra khỏi vũng nước và để nó trên mặt đất. Con bọ cạp đốt người đó. Và muốn
qua sang bên kia đường con bọ cạp lại bò đi và đi thẳng vào vũng nước. Nhìn
thấy nó quờ quạng và sắp bị chìm lần nữa, người ấy bắt nó lần thứ hai và lại bị
nó đốt. Một người khác đến và nhìn thấy tất cả sự việc xẩy ra liền nói với
người ấy: "Tại sao bạn ngu đần đến như thế? Bây giờ bạn thấy bạn bị đốt
không những một lần mà bị đốt đến hai lần! Thật là ngu dại đi cứu con bọ
cạp". Người ấy trả lời: "Thưa Ngài, Tôi không thể chịu được việc này.
Ngài thấy, bản tính của con bọ cạp là đốt. Nhưng bản tính của tôi là cứu. Tôi
không thể chịu được ngoài việc cố gắng cứu con bọ cạp".
Ðúng, đáng lẽ người ấy có thể
dùng trí tuệ và sử dụng một cái gậy hay một thứ gì đó để nhấc con bọ cạp ra
khỏi. Nhưng người ấy có lẽ đã nghĩ rằng có thể nhấc con bọ cạp ra bằng tay theo
cách ấy mà không bị nó đốt. Hay người ấy có lẽ đã nghĩ rằng con bọ cạp ở trong
cơn hoạn nạn khốc liệt như vậy sẽ không đốt mình. Dù sao, tinh thần của câu
chuyện là phản ứng tự phát của người ấy trong việc muốn cứu một chúng sinh
khác, mặc dầu chúng sinh ấy chỉ là một côn trùng. Câu chuyện cũng cho thấy
người từ bi là như vậy mặc dù có thể nhận được sự bội ơn của người mình đã cứu
giúp, điều đó không thành vấn đề. Ðó chính là bản tính muốn giúp đỡ và nếu có
thể giúp nữa thì người ấy vẫn làm. Người ấy không biết nuôi dưỡng niềm cay đắng
hay ác cảm ra sao!
Từ bi là tiếng nói của con tim.
Ở vào lúc khi chúng ta bị thúc đẩy bởi tình thương và từ bi, chúng ta chìa tay
ra giúp đỡ không phân biệt nòi giống, tín ngưỡng, hay quốc tịch của người khác.
Dưới ánh sáng của từ bi, sự nhận dạng về nòi giống, tín ngưỡng vân vân trở
thành thứ yếu; chúng trở thành vô nghĩa. Hơn nữa, từ bi như vậy không phải chỉ
giới hạn ở con người mà còn trải rộng tới tất cả những vật sống gồm có súc vật
và côn trùng. Song hàng với đề tài từ bi như tiếng nói của con tim, tôi muốn
kinh gửi quí vị một bài thơ
TIẾNG NÓI CỦA TỪ BI
Ðại Thừa Nguyên Thủy Kim Cang Thừa
Cơ Ðốc Phật Hồi Ấn Ðộ Giáo
Người Mã Hoa Ấn Ðộ Lai Âu Á
Mã Lai Nhật Bản Mỹ Phi Châu
Người Da trắng Da đen Da vàng Da nâu
và vân vân... và vân vân...
như bạn muốn.
Vấn đề đó là gì?
Tiếng nói của từ bi
là tiếng nói con tim.
Khi con tim nói
Ngàn hoa đua nở
Và tình thương tràn ngập
như mặt trời bình minh
ùa qua cửa sổ
Không cần lời
một cái nhìn, một tiếp xúc
đủ
để nói
mà ngàn tiếng không bằng.
Và Từ bi rực sáng
như vì sao sáng lạn
trong bầu trời ban đêm.
Chướng ngại sụp đổ
lay động thành kiến
Giành lại ưu thế
Tình thương và từ bi,
chế ngự mọi sợ hãi, hoài nghi
chữa lành các vết thương,
bao trùm.
Tôi cảm thấy nếu chúng ta cố
gắng trau dồi loại tình thương ấy và từ bi ấy, và đến lúc cái chết tới, chúng
ta sẽ ra đi an bình. Cho dù chúng ta không thành công 100 phần trăm ở trong
tình thương yêu toàn hảo, chúng ta vẫn sung sướng và mãn nguyện rằng chúng ta
đã cố gắng. Và chắc chắn chúng ta đã thành công ở một mức độ nào đó.
NĂM GIỚI
Nếu chúng ta cố gắng trau dồi
loại tình thương này, thì việc giữ năm giới không khó khăn gì. Giới thứ nhất
như các bạn biết là không giết, không lấy mạng sống cho dù là con vật hay côn
trùng. Ðó là một giới đẹp đẽ. Giới đó có nghĩa chúng ta tôn trọng sự sống. Nói
đúng hơn là chúng ta không những tôn trọng sự sống mà chúng ta còn trân quý nó.
Ðời sống quý giá cho tất cả. Khi chúng ta cho sự sống là chúng ta cho một tặng
phẩm cao quí nhất. Khi chúng ta giữ được giới này chúng ta trở nên tử tế hơn
Không những chúng ta kiềm chế không giết, chúng ta còn kiềm chế không làm hại
bất cứ chúng sinh nào.
Ðúng, trong cái thế giới bất
toàn hảo này, người mạnh cuớp bóc kẻ yếu, giết chóc lan tràn. Chúng ta có thể
nhìn thấy điều này trong thế giới động vật, con hổ ăn thịt con nai ra sao, con
rắn bắt con nhái, con nhái bắt chuồn chuồn, con chim bắt sâu, và cá lớn nuốt cá
bé. Và con người chúng ta giết thú vật và cá và thậm chí giết lẫn nhau. Nhưng
chúng ta ở đây không phải để xét xử hay kết tội. Chúng ta hiểu những nhược điểm
của con người và bản chất không hoàn chỉnh của cuộc sống. Ðức Phật cũng hiểu
như vậy. Ngài nói khi chúng ta có thể thanh tịnh tâm của chúng ta và đạt Niết
bàn thì chúng ta có thể không chọn cuộc sống bất toàn hảo, cái vòng sinh tử
này. Chính chúng ta sẽ kiểm tra xem liệu chúng ta có thể làm được điều này
không. Khi chúng ta đã tẩy sạch được tất cả tham, sân si trong tâm chúng ta,
chúng ta sẽ biết chắc bằng kinh nghiệm trực tiếp liệu Ðức Phật nói đúng hay
không. Cho đến lúc đó, tôi có niềm tin chẳng là gì tốt hơn là đi theo con đường
của Ðức Phật, con đường thanh tịnh tâm.
Mỗi người trong chúng ta phải đi
theo con đường phát triển của chúng ta. Hãy để cho mỗi người chúng ta cố gắng
giữ giới thứ nhất với khả năng tốt nhất của mình: chúng ta không nên giết;
chúng ta nên dung nạp sự sống, cho sự sống.
Giới thứ hai là không trộm cắp
hay lừa đảo, không lấy bất cứ thứ gì với ý định bất lương. Chúng ta lương thiện
chúng ta kiếm sống bằng đường lối thật thà. Có một số người nói rằng một con
người thành thật không thể thành công hay không thể giàu có. Tôi không đồng ý
với điều này. Tôi chắc chắn có rất nhiều người chân thật giữ đúng nguyên tắc
của họ đã thành công. Và hơn thế nữa họ vui hưởng hạnh phúc của một lương tâm
trong sạch và tâm an lạc. Mặt khác những người lừa đảo đều bị lộ chân tướng và
cuối cùng bị trừng phạt. Cho dù họ có thể tìm cách thoát khỏi sự phát hiện, họ
vẫn bị khổ vì sợ bị phát hiện và những day dứt của lương tâm tội lỗi. và khi họ
chết, cái khổ đau của tái sinh thống khổ chờ đợi họ. Như vậy, thành thật đã
luôn luôn và sẽ luôn luôn là cách xử sự tốt nhất. Ðừng nghe những kẻ nói ngược
lại. Người thành thật sẽ thành công hơn. Cho dù chúng ta phải đương đầu với
những chướng ngại to lớn hơn, chúng ta cũng không lừa đảo để thành công. Chúng
ta thà thành thật mà nghèo còn hơn là giàu có mà không thẳng thắn. Không có gì
hạnh phúc hơn khi có một lương tâm trong sạch nhất là lúc chúng ta đương đầu
với cái chết.
Giới thứ ba là có trách nhiệm
trong vấn đề tình dục. Nếu hai người hôn phối gìn giữ mối quan hệ đứng đắn, ân
cần, thương yêu và trung thành với nhau, thì tình yêu của họ được bảo vệ. Không
có người thứ ba nào có thể xen vào giữa. Trách nhiệm tình dục rất quan trọng.
Vì nếu không có trách nhiệm, sự đối xử tàn nhẫn sẽ xẩy ra. Bọn chủ chứa ma cô
hủy hoại đời sống của các thiếu nữ; và những người bị gục ngã bởi tính ham nhục
dục là những kẻ tiếp tay cho những hành vi ác độc. Nhưng ở đây chúng ta sẽ
không phán xử mà là biện hộ cho tình thương yêu và từ bi thực sự. Ðúng, nếu
chúng ta có thể thanh tịnh tâm chúng ta và kiềm chế những ham muốn nhục dục,
thì sẽ có ít đau khổ và ít bị lợi dụng hơn trong thế giới này. Và bệnh AIDS
đáng sợ nay đã trở thành một tai họa trên khắp thế giới cũng có thể bị ngăn
chặn.
Giới thứ tư là không nói dối mà
nói sự thật. Một lần nữa chúng ta không nên nghe những kẻ nói rằng ta sẽ không
thành công nếu không nói dối và đóng vai giả dối. Lòng chân thật là một trong
thập pháp (mười đức hạnh) được triệt để tuân theo bởi một Bồ Tát (một người
muốn đạt Phật quả). Tất cả những người Phật tử cũng phải phát triển những đức
hạnh đến một mức độ đáng kể nếu muốn đạt được A La Hán quả - giải thoát khỏi
vòng sinh tử. Ðức Phật muốn chúng ta hết sức ngay thẳng nên đã khuyến cáo chúng
ta không nói dối thậm chí khi nói đùa chơi. Cho nên chúng ta nên cố gắng hết
mình để giữ giới cao quý không nói dối này. Hơn nữa mặc dù chúng ta không đi
tìm nó, thanh danh của một người chân thật vẫn lan tràn xa rộng. Thâm chí người
gièm pha cũng phải thừa nhận và kính trọng người chân thật.
Giới thứ năm là không uống rượu
và dùng ma túy vì chúng làm tâm đần độn. Và chúng cũng có hại cho thân thể. Một
số người nghĩ rằng giới này cho phép uống một chút có tính cách giải trí nhưng
tôi không nghĩ như vậy. Ðức Phật không muốn chúng ta làm hại chánh niệm có thể
quay về khiến chúng ta làm hại những giới khác. Ngoài ra, rượu rất có hại cho
sức khỏe của chúng ta. Về ma túy tất cả chúng ta đều đồng ý những chất ma túy
mạnh như heroin (bạch phiến) rất có hại. Nhưng thuốc lá được một số người nghĩ
rằng không ở trong giới này. Ở thời đại Ðức Phật, thuốc lá rõ ràng chưa được
khám phá ra. Tuy nhiên dưới ánh sáng của ngày nay, chứng cớ y khoa quá mạnh về
sự tai hại của thuốc lá và những cố gắng của các chính phủ trên khắp thế giới
cấm hoặc cắt bớt sự sử dụng thuốc lá, chúng ta tin tưởng để nói rằng nếu Ðức
Phật ở đây ngày nay thì Ngài cũng khuyến cáo chúng ta đừng hút thuốc lá, vì Ngài
không muốn chúng ta làm hại đến sức khỏe thể chất chúng ta và Ngài cũng chẳng
muốn chúng ta bị nghiện ngập với chất ma túy nhẹ nhưng đã được chứng tỏ có hại
này.
Có thể nói nhiều hơn nữa về tai
hại của rượu và thuốc lá đã trút và vẫn còn đang trút lên đầu xã hội nhưng điều
đó không nằm trong phạm vi cuốn sách này để đi vào một cuộc thảo luận dài về đề
tài này. Chỉ cần rằng chính quan điểm của chúng ta ngay cả đến cái gọi là uống
chơi và hút sách cũng có phần vi phạm đến tinh thần của giới thứ năm này. Cho
nên tốt hơn là tuyệt đối giữ giới nhất là trường hợp về rượu khi đã xét kỹ đến
những lời dạy của Ðức Phật: Này các tỳ kheo, dùng các chất say trong lúc tu
tập, phát triển, và thi hành lặp đi lặp lại, khiến chúng ta đi vào đia ngục,
thế giới thú vật, và thế giới ngã quỷ, và kết quả tối thiểu ta cũng phải tái
sanh làm người bị mất trí".
Khi chúng ta giữ năm giới, chúng
ta đem hạnh phúc và yên ổn đến cho người khác. Bằng cách nào? tại sao không một
ai còn phải lo lắng về chúng ta. Họ không còn phải lo sợ chúng ta. Họ sẽ thấy
an toàn và thoải mái với chúng ta. Vì họ có thể thấy được bảo đảm là chúng ta
không làm hại họ, trộm cắp của họ hay lừa đảo họ. Chúng ta sẽ không ngoại tình
với vợ chồng của họ. Chúng ta không nói dối họ. Và gì nữa chúng ta không uống rượu
không hút thuốc lá, họ không phải lo lắng về con cái họ bắt chước chúng ta quen
thói rượu chè hay hút thuốc lá hay nguy hiểm mà họ phải đối đầu bởi phảiï hít
các làn khói thuốc. Họ sẽ cảm thấy họ có thể tin chúng ta vì chúng ta không còn
uống rượu. Chúng ta là người có đạo lý và giữ vững cách sống trung thực và đạo
đức. Chúng ta không làm hại ai. Những kẻ say đắm dục lạc có thể nghĩ rằng chúng
ta sống một cuộc đời buồn tẻ và chúng ta khờ dại. Nhưng điều đó không thành vấn
đề. Chúng ta hạnh phúc vì chúng ta là thế. Chúng ta hạnh phúc vì chúng ta hạnh
phúc. và nói thật, chúng ta sẽ được tán dương bởi người hiền.
Cho nên thật tốt lành khi chúng
ta giữ năm giới cơ bản. Hơn nữa chúng ta tu tập sự khoan dung và tử tế. Chúng
ta quan tâm và chia sẻ bất cứ gì chúng ta có thể. Chúng ta cũng trau dồi chánh
niệm như lời Ðức Phật khuyên. Chúng ta cố gắng sống một cuộc đời có chánh niệm.
Chúng ta hành thiền để đạt nhiều hiểu biết hơn nữa về bản chất cuộc sống của
chúng ta, đặc tính của nó là vô thường, khổ đau và vô ngã. Bởi vậy khi chúng ta
thực hành những điều ấy, chúng ta đã sống một cuộc sống thiện, thì ta có gì
phải sợ khi chúng ta chết? Chúng ta có nuối tiếc gì?
Ðó là lý do tại sao chúng ta nói
để chết êm ả chúng ta phải sống tốt đẹp và rằng khi chúng ta sống tốt đẹp,
chúng ta có thể chết êm ả. Chúng ta có thể ra đi an lạc, mãn nguyện rằng chúng
đã làm tất cả những gì chúng ta có thể. Ðúng, chúng ta thể mắc một số sai lầm
trên đường đời. Nhưng ai mà không lầm lẫn? Jesus Christ có lần đã nói:
"Hãy để cho kẻ không tội lỗi ném hòn đá đầu tiên". Cho nên trước khi
chúng ta học hỏi và trở nên chín chắn, chúng ta có thể đã có một số hành vi
xấu. Việc đó có thể hiểu được, vì tất cả chúng ta đều không hoàn hảo. Nhưng vấn
đề là một khi chúng ta nhận thức được những lỗi lầm của chúng ta, chúng ta bắt
đầu trau dồi tình thương yêu và từ bi, chúng ta bắt đầu giữ giới và thanh lọc
tâm trí. Chúng ta có thể có hạnh phúc vì chúng ta có thì giờ thay đổi để đi
đúng đường. Như người tạ thường nói muộn còn hơn không. Chúng ta đễn muộn một
chút sau những người khác nhưng ít nhất chúng ta cũng vẫn tới.
CHÚNG TA LÀ NHỮNG CỨU TINH CỦA CHÍNH MÌNH
Ðôi khi là một nhà sư tôi được
yêu cầu đến tụng kinh cho tang lễ. Tôi cảm thấy buồn cho gia quyến của người
chết nhưng đôi khi tôi cũng cảm thấy không giúp được gì vì có quá nhiều khó xử
trong vai trò của một nhà sư đi tụng kinh đám tang.
Một ngày nọ, một phụ nữ trẻ tuổi
đến gặp tôi. Cha cô mới chết sáng hôm đó. Ông mới chỉ 42 tuổi. Cô nói với tôi
bằng tiếng Phúc Kiến: "Xin mời thầy đến tụng kinh. Xin thầy mở con đường
cho cha tôi". Tôi nhìn cô ta với tất cả tấm lòng từ bi mà tôi có thể tập
trung. Tôi có thể cảm thấy sự bối rối và đau khổ của cô. Cô khoảng chừng 20
tuổi và là một người con gái có hiếu. Trong thâm tâm tôi nói thầm với mình:
"Trời ơi tôi sẽ mở đường cho người như thế nào đây? Con đường tưởng tượng
nào tôi sẽ vẽ trong không khí cho hồn tưởng tượng đặt chân lên? Làm sao tôi có
thể nói với người phụ nữ trẻ tuổi tội nghiệp đang ở trong tình trạng buồn phiền
và bối rối rằng không có con đường nào như cô có lẽ đã tưởng tượng như
thế?"
Ðức Phật cũng có lần ở trong
tình thế như vậy và Ngài đã trả lời ra sao? Một hôm một người trẻ tuổi lại gần
Ðức Phật và hỏi Ngài: "Bạch Thế Tôn, cha con chết. Xin mời Ðức Phật đến và
cầu nguyện cho cha con, cứu độ linh hồn ông ấy để ông ấy có thể đi lên thiên
đàng. Những người Bà La Môn cử hành những nghi thức này nhưng Ðức Phật lại còn
mạnh hơn họ nhiều. Nếu Ngài sẽ làm điều đó, chắc chắn hồn cha con sẽ bay thẳng
về thiên đàng".
Ðức Phật trả lời, "Rất tốt,
hãy đi ra chợ và và đem về cho ta hai cái bình đất và một ít bơ". Người
trẻ tuổi sung sướng vì Ðức Phật đã hạ cố thi hành một số thần thông để cứu linh
hồn cha của mình. Anh ta vội vã đi ra phố và mua các thứ mà Ðức Phật bảo. Ðức
Phật chỉ dẫn cho anh ta để bơ vào một bình và để đá vào bình kia. Rồi ném cả
hai bình đó xuống ao. Người trẻ tuổi làm theo và cả hai bình đều chìm xuống đáy
ao. Rồi Ðức Phật tiếp tục: "Bây giờ hãy lấy một cái gậy và đập vỡ hai bình
đó ở dưới ao". Người trẻ tuổi làm theo. Hai cái bình bị đập vỡ và bơ thì
nhẹ đã nổi lên còn hòn đá vì nặng nên vẫn ở dưới đáy ao.
Rồi Ðức Phật nói: "Bây giờ
nhanh lên đi tập họp tất cả những thầy tu. Hãy nói với họ đến và tụng kinh để
bơ chìm xuống và viên đá nổi lên." Người trẻ tuổi nhìn Ðức Phật, sửng sốt,
nói, "Bạch Ðức Thế Tôn, Ngài có nói thật không ạ. Chắc chắn Ngài không thể
trông chờ bơ nhẹ mà chìm và đá nặng mà nổi. Ðiều đó ngược lại với qưi luật tự
nhiên."
Ðức Phật mỉm cười và nói:
"Này con, con đã thấy nếu cha con có một cuộc đời lương thiện thì những
hành vi của ông cũng nhẹ như bơ cho dù thế nào thì ông cũng lên thiên đàng.
Không ai có thể cản được, ngay cả đến ta. Không ai có thể chống lại nghiệp luật
thiên nhiên. Nhưng nếu cha ngươi có một cuộc đời bất thiện thì cũng giống như
hòn đá nặng, cha ngươi sẽ bị chìm vào địa ngục. Dù tụng kinh nhiều đến đâu đi
nũa bởi tất cả các thầy tu trên thế giới này cũng không thể gây thành khác
được."
Người trẻ tuổi hiểu rõ. Anh chữa
lại quan niệm sai lầm của anh và ngừng đi loanh quanh đòi hỏi cái không thể
được. Nụ cười của Ðức Phật đã đi tới điểm: Không ai có thể cứu chúng ta, tối
thiểu của tất cả sau khi chúng ta chết. Theo nghiệp luật, chúng ta là sở hữu
chủ của những hành vi của chúng ta, chúng ta là người thừa hưởng những hành vi
của chúng ta. Những hành vi của chúng ta thực sự là tài sản của chúng ta. Chúng
là chỗ nương tựa thực sự của chúng ta, là những thân nhân thực sự của chúng ta.
Chúng là trung tâm từ đó chúng ta xuất phát. Khi chúng ta chết, chúng ta không
mang được dù chỉ có một xu với chúng ta, hay bất cứ thứ đồ gì của cá nhân chúng
ta. Cũng chẳng có thể mang được một trong những người thân để cùng đi với chúng
ta. Giống như chúng ta đến một mình theo nghiệp của chúng ta thì chúng ta cũng
phải ra đi một mình. Nếu chúng ta hiểu rõ nghiệp luật, thì chúng ta sẽ cảm niệm
thấy sống một cuộc đời lương thiện quan trọng đến như thế nào trong khi chúng
ta còn sống. Ðợi đến lúc chết thì sẽ quá muộn. Có một chút gì đó có thể làm
được.
TÁI SANH NGAY TỨC KHẮC
Tuy nhiên, có một vai trò mà
người thầy tu có thể áp dụng trong việc tụng kinh tang lễ. Ðó là cách chia sẻ
công đức của Phật Giáo. Chia sẻ công đức hay hồi hướng công đức ảnh hưởng thế
nào? Trước khi chúng ta có thể giảng nghĩa điều này, trước hết chúng ta phải
hiểu cái gì xẩy ra vào lúc chết. Theo Ðức Phật, tái sinh xẩy ra lập tức sau khi
chết, thức có tính chất sinh diệt không ngừng. Không có khoảng cách giữa cái
chết và tái sinh kế tiếp.Vào lúc chúng ta chết thì lúc sau tái sinh xuất hiện,
cả trên bình diện con người cũng như bình diện thú vật, bình diện ngạ quỷ, bình
diện của A Tu La, bình diện địa ngục, hay bình diện thiên giới.
Ta tái sanh theo nghiệp của ta.
Nếu ta sống một cuộc đời lương thiện, nói chung ta sẽ được sự tái sanh tốt. Tâm
ở trong trạng thái thiện vào lúc chết làm cho tái sanh tốt đến. Ta có thể tái
sinh làm người hay thần ở một trong nhiều cảnh giới cõi trời. Ðức Phật có thể
nhìn thấy bằng năng lực tâm linh những cảnh giới khác nhau về kiếp sống, và
cũng nhìn thấy chúng sinh chết ra sao và tái sinh ngay lập tức theo những hành
vi của chúngï. Ðức Phật và nhiều các nhà sư ở thời đại của Ngài đã có thể nhớ
lại được tiền kiếp.
Nếu ta sống một cuộc đời tội
lỗi, thì tái sinh xấu sẽ đến – một trong bốn trạng thái thống khổ là địa ngục,
ngã quỷ, súc sinh hay A Tu La. Nhưng dù tái sinh vào bất cứ nơi nào, ta cũng
không ở đấy vĩnh viễn. Khi thọ mạng ở trong đó hết hạn, cái chết xảy ra và nó
đi vào một tái sinh mới. Cho nên kiếp sống ở địa ngục hay ngã quỷ cũng không
vĩnh viễn. Có hy vọng: sẽ có cơ hội, tuy có thể phải mất một thời gian không kể
xiết để có cơ hội này. Cho nên tốt hơn là đừng để rơi vào những nơi thống khổ,
một khi đã rơi vào đó không ai biết sẽ phải ở đó bao lâu. Có thể dường như vô
tận!
Tương tự như vậy, kiếp sống ở
cõi trời cũng không vĩnh viễn. Khi kiếp sống tại đó đã mãn, rất có thể rơi vào
bình diện thấp hơn. Chỉ có các bậc A La Hán đã rũ bỏ tất cả ham muốn để tái
sinh, đã loại bỏ được tất cả những ô nhiễm của tham, sân và si, sẽ không phải
tái sinh. Lúc chết họ không còn phải sinh vào bất cứ một trong 31 bình diện
kiếp sống. Họ không còn bị luân hồi, không còn bị vào vòng sinh tử. Họ đạt được
vô dư niết bàn, tức là dập tắt được toàn bộ khổ đau của thân và tâm. Nhưng cho
đến khi trở thành A La Hán, vẫn phải tái sinh.
CHIA SẺ CÔNG ÐỨC ẢNH HƯỞNG RA
SAO
Bây giờ muốn hồi hướng công đức
được hữu hiệu, điều cần thiết là người nhận công đức phải biết việc gì đang xẩy
ra. Người đó phải có mặt và có thể chấp thuận những hành vi thiện được tiến
hành bằng tên người ấy hay nhân danh người ấy. Nếu người ấy chấp thuận, thì sự
chấp thuận hay trạng thái tâm vui vẻ là một trạng thái thiện trong tâm. Nói một
cách khác, người ấy giành được công đức cho chính mình bằng cách vui mừng
những hành vi lương thiện đã được làm vì người ấy. Bởi vậy không phải là
chúng ta chuyển công đức của chúng ta cho người ấy. Việc đó theo nghĩa đen
không thể làm được. Cái xẩy ra là người ấy vui mừng và sự vui mừng ấy là một
hành vi công đức khiến cho sự khổ đau của người ấy có thể giảm đi và hạnh phúc
của người ấy tăng lên.
Nếu sau khi chết, tái sinh xảy
ra trong bình diện con người hay thú, chúng sinh sẽ không ở trong vị trí biết
được điều gì xẩy ra – chẳng hạn vẫn còn là một bào thai trong dạ con người mẹ.
Trong những hoàn cảnh như vậy, người ấy không thể vui hưởng hay chia sẻ trong
việc làm công đức.
Nếu một người đã bị tái sinh vào
địa ngục, người ấy cũng không thể biết cái gì sẽ xẩy ra trên thế giới này vì
người ấy bị đau khổ ở địa ngục, đây là một bình diện khác của kiếp sống trong
đó người ấy không hiểu biết về cái gì diễn ra nơi đây trên trái đất. Nếu người ấy
được tái sinh làm người của cõi trời, cũng không hẳn là người ấy có thể tiếp
xúc được với thế giới này. Người ta nói rằng vì quá sung sướng và quá bận rộn
tìm hiểu những cái tuyệt vời của kiếp sống mới họ không thể quan tâm ngay đến
cái gì đang xẩy ra trên trái đất. Thời gian chỉ là tương đối, và một ngày ở
tầng trời Tavatimsa được nói rằng bằng 100 năm ở trái đất! Cho nên vào lúc mà
người trời, ấy là nói vậy, nhìn xuống dưới này, chúng ta tất cả đều đã chết và
đi rồi! Hơn thế nữa, chúng ta không thể nói chắc người trời tự động có thần
thông tâm linh để nhớ lại tiền kiếp của mình, mặc dù kinh sách có ghi lại một
số trường hợp người trời nhớ những gì họ đã làm ở tiền kiếp để được tái sinh
vào cõi trời.
Cho nên trong kinh Tirokutta,
Ðức Phật nói với một người Bà La Môn là chỉ có thần hồn bất hạnh (peta) mới có
thể chia sẻ công đức. Những thần hồn này, tuy ở trong những cảnh giới riêng của
họ, có thể quan sát bình diện của loài người bằng chính mắt của họ. Nếu họ nhận
thức được những hành vi công đức được làm cho họ, và vui hưởng về điều này, thì
họ có thể giành được công đức do sự vui mừng của họ. Ðương nhiên không ai muốn
người thân của mình tái sinh làm thần hồn bất hạnh (peta). Người ta thích nghĩ
là họ sẽ tái sinh làm người hay làm người ở cõi trời.
Vì thế người Bà La Môn hỏi Ðức
Phật cái gì sẽ xẩy ra nếu người chết đã giành được sự tái sinh tốt. Ðức Phật
trả lời, chia sẻ công đức vẫn là tốt, vì ta sẽ ít lạc hướng hơn luân hồi, lúc
bắt đầu chắc chắn có một số thân quyến của chúng ta ở tiền kiếp đã có tái sinh
không may thành petas. Vì tuổi thọ của peta rất dài, họ vẫn còn ở quanh quẩn
đâu đó. Cho nên chúng ta chia sẻ công đức với thân quyến quá cố, và với tất cả
chúng sinh. Ngoài ra, Ðức Phật nhấn mạnh, người làm hành vi tốt vì người đã ra
đi chính mình cũng giành được công đức.
Chia sẻ công đức là một truyền
thống Phật Giáo. Người Phật tử làm những hành vi tốt như cúng dường thực phẩm
và những đồ cần thiết cho các thầy tu, bảo trợ in kinh và bố thí cho công cuộc
từ thiện, như chỗ ở cho người già, bệnh viện từ thiện và cơ sở cho người tàn
tật. Rồi người ấy mời những người đã ra đi và tất cả chúng hữu tình vui hưởng
và chia sẻ công đức. Ðiều này tự nó là hành vi tốt, người làm không
"mất" tý công đức nào mà còn được hưởng nhiều hơn bởi sự chia sẻ, vì
hành động chia sẻ là một hành vi công đức khác. Cho nên người sống có hai công
đức – thứ nhất là thực hiện hành vi tốt và thứ hai là chia sẻ công đức.
Sự có mặt của các nhà sư để tụng
kinh Phật và nói Pháp cho những người thân bị mất mát vào lúc buồn phiền của họ,
cũng là một sự hỗ trợ tinh thần to lớn. Nhà sư có thể nhắc nhở những thân nhân
còn sống về giáo lý vô thường, khổ đau và vô ngã của Ðức Phật. Các nhà sư
thuyết phục thân nhân chấp nhận sự khổ đau với trí tuệ, và phấn đấu chuyên cần
hơn để dạt Niết Bàn, sự chấm dứt hoàn toàn tất cả khổ đau.
Nếu chúng ta hiểu và chấp nhận
khái niệm Phật Giáo về tái sinh xẩy ra ngay lập tức, thì chúng ta sẽ hiểu được
điều quan trọng là phải thực hành những hành vi tốt trong khi chúng ta đang
sống. Bởi làm những hành vi tốt, chúng ta có nghiệp tốt. Nghiệp là di sản thực
sự của chúng ta, vì chỉ có hành vi hay nghiệp mới có thể theo chúng ta. Sau khi
chết, việc đốt vàng mã, nha cửa, xe cộ bằng giấy vân vân... không có lợi lộc gì
cho người chết. Việc làm này đi ngược lại với cái hợp lý của nghiệp. Hơn thế
nữa chúng ta có thể quyết định – làm sao có thể đốt cái gì ở nơi đây lại có thể
biến thành cái gì ở bên kia thế giới hay ở bất cứ nơi nào. Cái gì được đốt thì
chỉ là cháy; nó vẫn là cái bị cháy. Trong pham vi nghiệp luật, cũng vậy dâng
cúng đồ ăn cho người chết cũng vô nghĩa. Khi tái sinh, chúng sinh mới sinh tồn
bằng loại đồ ăn thích hợp với bình diện của kiếp sống. Bởi vậy chúng ta thấy
Ðức Phật không bao giờ bảo chúng ta cúng đồ ăn cho người chết hay đốt vàng mã,
vân vân...
Hiển nhiên, những nghi thức và
nghi lễ về tang chế được truyền thừa từ thế hệ này đến thế hệ nọ không có một
tư tưởng nào là căn bản và có nghĩa lý. Ðiều mà Ðức Phật dạy là, như đã giải
thích trước đây, làm một số hành vi tốt vì hay để tưởng nhớ đến người chết và
rồi chia sẻ công đức bằng cách tụng bằng tiếng Pali hay bằng ngôn ngữ chúng ta
có thể hiểu được: Xin đem công đức này hướng về những người chết. Xin những
người chết hoan hỉ và chia sẻ công đức đã được làm.
TANG LỄ PHẬT GIÁO LÀ MỘT TANG LỄ
ÐƠN GIẢN
Con đường Phật Giáo có nghĩa lý
và đơn giản. Nếu chúng ta hiểu và đánh giá cao con đường Phật Giáo, thì tang lễ
Phật Giáo sẽ rất đơn giản tránh nghi thức và nghi lễ dị đoan, tránh sợ hãi, lo
lắng hay bối rối. Ta không cần phải đốt cái này cái kia,tiến hành những loại
nghi thức xa lạ, và phải tuân thủ tất cả những điều cấm kỵ, tất cả những thứ
hoàn toàn vô nghĩa và gây bối rối cho những người sống thường bị cuốn theo điều
đó vì sợ hãi, áp lực xã hội hay dốt nát hơn là bất cứ cái gì khác. Ta không
phải mời những người chuyên nghiệp để tụng kinh hay thực hiện các nghi thức cho
một lệ phí nặng nề lên tới cả ngàn Mỹ Kim hay thuê một ban nhạc để cử nhạc mặc
dù có thể là nhạc rất nghiêm trang.
Là một Phật tử, ta chỉ cần mời
những nhà sư Phật Giáo để tụng kinh Phật Giáo không cần phải dài. Sẽ là tốt nếu
có thể những kinh này được dịch ra tiếng Anh hay Trung Hoa để tất cả mọi người
có mặt có thể hiểu được, cảm niệm và sưy ngẫm về cái đã được tụng những điều
Ðức Phật đã dạy về bản chất của sự sống và cái chết. Quan trọng nhất là giữ năm
giới bởi người cư sĩ – tụng bằng tiếng Pali, được phiên dịch thì tốt hơn theo
nhà sư. Sự gìn giữ và tuân theo năm giới là sự tu hành căn bản của người cư sĩ
Phật Giáo. Sau khi thọ giới, nhà sư có thể nói Pháp để an ủi, khuyên giải và khuyến
khích người có thân nhân chết.
Trong truyền thống Nguyên Thủy,
các nhà sư không thu một khoản lệ phí nào về buổi lễ của họ. Lễ này các nhà sư
làm do lòng từ bi, để hỗ trợ tinh thần cho những cư sĩ thuần thành trong giờ
cần thiết của họ. Bởi vậy các nhà sư không tìm kiếm sự đền bù bằng tiền bạc vì
điều đó không hòa hợp với tinh thần Phật Pháp. Tuy nhiên, những cư sĩ thuần
thành đôi khi cúng dường một phong thư đỏ cho vị sư để mua những thứ cần thiết,
như y áo hay thuốc men. Số tiền này, nếu cúng dường, chỉ là một biểu hiện biết
ơn. Thực ra, các nhà sư không mong muốn phong bì đỏ, và nếu nó được cúng dường
thì chỉ là sự cúng dường hoàn toàn theo sáng kiến của người cúng dường. Phơng
bì này là biểu hiện sự biết ơn không phải là lệ phí mà là cúng dường. Lệ phí,
trong trường hợp tang lễ, thường là một món tiền lớn lao được ấn định bởi người
làm dịch vụ tang lễ trước khi đồng ý tiến hành những tế lễ tỷ mỉ. Và như chúng
tôi đã nói điều đó không phải là việc làm của một nhà sư.
Những thân quyến, đương nhiên có
thể cúng dường đồ ăn cho các vị sư tại chùa. Những người có khả năng hơn có thể
cúng dường in kinh sách Phật Pháp để biếu không. Họ cũng có thể cúng dường cho
những cơ sở từ thiện, cho những người nghèo, và những người túng thiếu. Thay vì
những vòng hoa tang, thân quyến và bạn bè nên được khuyến khích cúng cho những
hội từ thiện đặc biệt. Tất cả những việc như thế làm tang lễ có ý nghĩa – bớt
đi những lề thói vụng về đem đến nhiều bối rối và uổng phí tiền bạc.
CHÚNG TA CÓ THỂ HỌC HỎI TỪ NHỮNG
NGƯỜI KHÁC
Người chết có thể đem thiêu hay
đem chôn ngay – vào cùng ngày hay ngày hôm sau. Trên phương diện này tôi nghĩ
những gia đình Trung Hoa nên học hỏi một đôi điều từ đám tang của người Hồi
Giáo mà tôi được biết là đơn giản, thực tế và không tốn kém. Một người Hồi Giáo
bạn tôi nói cách thức của người Hồi Giáo là chôn ngay vào ngày chết hay chậm
nhất là ngày hôm sau. Cho nên nếu một người Hồi Giáo chết lúc 2 giờ chiều,
người chết có thể được chôn trước khi mặt trời lặn vào cùng ngày. Nếu người
chết vào buổi tối hay đêm, người ấy được đem chôn ngày hôm sau.
Tang lễ không tốn kém, dễ lo
liệu vì như người bạn tôi nói, Hồi Giáo không khuyến khích tiêu pha phung phí
mà khuyến khích đơn giản và tiết kiệm. Một đám tang Hồi Giáo theo như bạn tôi
nói có một quan tài với giá ít ỏi là 500 đồng (tiền Mã Lai) – rất khác với một
tang lễ Trung Hoa có thể tốn kém đến 30,000 đồng hay hơn nữa! Thủ tục tang lễ
của người Hồi Giáo, trong phạm vi Hồi Giáo, tương đối đơn giản và có ý nghĩa.
Tang lễ của người Cơ Ðốc Giáo cũng đơn giản, không tốn kém và có ý nghĩa đối
với người Cơ Ðốc Giáo, và sư chôn cất được thi hành trong phạm vi 48 giờ.
Tôi tin rằng trong đời sống
chúng ta không bao giờ ngưng học hỏi. Thường có những cách làm tốt hơn và có ý
nghĩa hơn. Nếu chúng ta duy trì tâm cởi mở và không thành kiến chúng ta có thể
học hỏi được từ những người khác. Trong Kinh Kalama, Ðức Phật khuyên chúng ta
phải luôn luôn suy nghĩ và điều tra nghiên cứu chính chúng ta. Nếu chúng ta
thấy một thói quen tốt và có ý nghĩa thì chúng ta nên theo; nếu chúng ta thấy
nó xấu và vụng về thì chúng ta không theo nó, hay nếu chúng ta đã chót theo nó,
chúng ta nên đủ dũng cảm và khôn ngoan để bỏ nó đi. Ðức Phật nói, không có gì
mà ta phải theo một cách mù quáng không hiểu biết hay không đặt câu hỏi. Ðức
Phật khuyến khích chúng ta đặt vấn đề và điều tra nghiên cứu. Cả đến những lời
của Ngài cũng phải điều tra nghiên cứu, và chỉ khi thấy những lời nói ấy đúng
thì hãy theo. Ðức Phật không muốn chúng ta có niềm tin mù quáng mà là một niềm
tin căn cứ vào kiến thức kinh nghiệm trực tiếp.
Cho nên, nếu chúng ta thấy những
sự thực hành đơn giản và tốt ở những tôn giáo và truyền thống khác, chúng ta có
thể áp dụng và theo chúng miễn là chúng không mâu thuẫn với niềm tin đạo lý của
chúng ta. Về phương diện này, chúng ta có thể học hỏi từ những người về cách họ
thi hành tang lễ nhanh chóng và không tốn kém. Chúng ta cũng nên loại bỏ những
lề thói dị đoan và không phải là Phật Giáo của chúng ta.
Tôi thấy có nhiều dị đoan trong
tang lễ truyền thống của người Trung Hoa, và chính tôi đã thấy những lề thói
này trong khi tụng kinh ở tang lễ. Tôi cảm thấy bát lực vì tôi chỉ có thể chứng
kiến trong thầm lặng. Có một chút mà ta có thể làm được. Truyền thống rất khó
để thay đổi, và bất cứ cố gắng nào để thay đổi thường gặp phải sự chống đối
mãnh liệt và thâm chí bị kết tội nữa.
Có những lúc tôi ngần ngại không
muốn đi tụng kinh tang lễ vì băn khoăn rằng sự có mặt của tôi ở đó là phụng sự
cho mục tiêu gì. Nhưng tôi luôn luôn hưởng ứng và cố làm những gì có thể được
bằng cách nói Pháp và làm trong sáng tỏ lập trường của Phật Giáo bằng sự khéo
léo có thể được. Tôi nghĩ rằng bây giờ là thời điểm cấp bách mà người Phật tử
Trung Hoa xét lại những thói quen tang lễ theo truyền thống và nên giản dị hóa
theo trí tuệ Phật Giáo. Tôi có thể bị chỉ trích về quan niệm của tôi nhưng tôi
cảm thấy nếu chúng ta không nói lên, chúng ta sẽ làm hại cho cộng đồng Phật
Giáo.
Nếu tôi có thể đề xuất một tang
lễ Phật Giáo đơn giản, tôi sẽ đề nghị việc hỏa táng nên được tiến hành cùng
ngày nếu có thể được, còn nếu không thì vào ngày hôm sau. Tuy nhiên một số
người muốn giữ thi thể một vài ngày để thân quyến và bạn bè ở xa có thể về tiễn
biệt người ra đi lần cuối, hay với nhiều lý do riêng tư. Cho nên việc quyết
định sẽ là một quyết định riêng tư do gia đình lo liệu. Tôi đề nghị thiêu hơn
là chôn vì nhiều suy xét thực tế như thiếu đất, dân số tăng trưởng, và tiết
kiệm chi phí tang lễ có thể hướng vào những nhu cầu có nghĩa hơn như từ thiện.
Người chết nên được tắm rửa,
sạch sẽ và mặc quần áo bởi thân nhân hơn là người lạ. Việc này có ý nghĩa vì
xác thân là người yêu dấu của chúng ta, và điều tối thiểu chúng ta có thể làm
được là nhẹ nhàng thi hành vời lòng thương yêu và kính trọng. Thi hài được mặc
quần áo không cần thiết phải khoa trương hay hình thức mà người chết nên mặc đồ
thường được thích mặc khi còn sống. Thi hài đàn ông nên được tắm rửa và mặc
quần áo bởi thân quyến đàn ông, và thi hài phụ nữ thì do thân quyến phụ nữ.
Chúng ta không nên cảm thấy sợ hãi gì về xác chết, nhất là xác chết của người
thân yêu.
Cũng không có điểm nào nói là
phải để đồ trang sức trên thi thể. Một lần trong khi tụng kinh tại tang lễ, tôi
thấy những người lo việc mai táng phục sức xác người chết với những chiếc nhẫn
và những bông tai làm cho người chết. Việc này thật mỉa mai và vô nghĩa khi cho
rằng dù tái sinh nào thì người chết cũng sẽ mang theo, ông ấy hay bà ấy không
thể mang theo một thứ gì ngoại trừ toàn bộ những hành vi tốt và xấu.
Khi nhấc xác từ trên giường và
đặt vào quan tài, việc này nên để thân quyến làm, và bao giờ thi thể cũng phải
được tiến hành một cách kính trọng và nhẹ nhàng. Thói quen quay lưng lại phía
người chết khi thi hài được đưa vào quan tài hay khi quan tài được đặt vào xe
tang là một việc kỳ cục. Người chết là người thân yêu của chúng ta và chính
chúng ta trước nhất phải nhẹ nhàng đặt thi hài vào quan tài, hoặc đứng chứng
kiến một cách kính cẩn trong khi những người khác làm. Quay đi để lưng hướng về
người chết với tôi là một biểu hiện thất kính! Tôi không thể không nghĩ rằng
nếu tôi là người chết tôi sẽ bực mình vì bị đối xử một cách như thế.
Thói quen quay lưng lại chỉ là
một dị đoan khác. Tại sao chúng ta phải sợ sự không may giáng xuống chúng ta
nếu chúng ta không tuân theo những điều cấm kỵ như thế? Là người Phật tử chúng
ta nên tin vào nghiệp, nghiệp chính là nơi nương tựa và hỗ trợ
đích thực của chúng ta. Làm tốt được tốt làm xấu bị xấu. Chúng ta nên sợ những
hành vi xấu, như không giữ giới, và những hành vi xấu như thế sẽ mang lại khổ
đau. Ðiều cuối cùng chúng ta cần sợ là dị đoan, những điều cấm kỵ vô căn cứ.
Quan tài không cần đắt tiền. Nó
phải được đặt ở phòng lớn với một số hoa sắp đặt khéo léo chung quanh và hình
ảnh của người chết. Một vài câu Phật Pháp có ý nghĩa, một đoạn trích hay tục
ngữ có thể treo để suy ngẫm. Không cần giữ vòng hoa tang đến, thay vì vòng hoa
tang, tiền phúng viếng nên được gửi cho các cơ sở từ thiện mà gia đình người
chết có thể định rõ. Nên tiêu pha thế nào để tiết kiệm bằng cách tổ chức tang
lễ đơn giản và có ý nghĩa để có thể hướng về tổ chức từ thiện.
Ðồ ăn không cần phải để trước
linh cữu người chết vì chúng ta đã giải thích, người chết sẽ không thể ăn. Ðốt
giấy tiền vàng mã cũng vô nghĩa và không nên làm. Ðốt nến và hương cũng không
cần thiết. Thực ra nhiều lề thói dị đoan và những điều cấm kỵ thường đi kèm với
nghi lễ truyền thống của người Trung Hoa nên được dẹp bỏ, khi nhớ đến những lời
của Ðức Phật là một người cư sĩ thuần thành phải có năm đức tính: "Người
cư sĩ phải có niềm tin, giữ kỷ luật tinh thần, không tin vào những điềm triệu
dị đoan; tin vào nghiệp, không tin vào điềm báo; không tìm thiên thần
quỷ vật ngoài nơi đây (ngoài hệ thống của Ðức Phật) và chứng tỏ danh dự nơi đây
(có nghĩa là tôn trọng hệ thống của Ðức Phật và không nên tự mình lệ thuộc vào
những lề thói không phải là Phật Giáo)".
Mặc quần áo tang chế là không
cần thiết. Ðức Phật không muốn chúng ta than khóc hay phiền muộn mà chấp nhận
sự thật về việc chia lìa và cái chết bằng trí tuệ và sự thanh thản. Soka
hay phiền não là một trạng thái tâm không lành mạnh và ta phải vượt qua nó bằng
chánh niệm và suy ngẫm khôn ngoan. Bởi vậy các bậc Tư Ðà Hàm và A La Hán (đã
đạt được giai đoạn thứ ba và thứ tư của quả vị thánh) không than khóc và phiền
não. Khi Ðức Phật nhập diệt, những nhà sư đã đạt được thánh quả Tư Ðà Hàm và A
La Hán không khóc. Hiểu biết bản chất của vô thường, họ không phiền não dù cho
Ðức Phật qua đời trước mắt họ.
Ðức Phật cũng chẳng phiền não
khi hai đệ tử lớn của Ngài là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên chết trong vòng hai
tuần kẻ trước người sau vào khoảng sáu tháng trước Ngài. Chính Ðức Phật đã nhận
xét: "Tuyệt vời, hết sức tuyệt vời, này các tỳ kheo, về những bậc giác ngộ
như khi cặp đệ tử qua đời, Ðấng Giác Ngộ không phiền não, không than
khóc". Và Ðức Phật nói thêm: "Vì về cái sinh ra, đi đến trụ, hợp
thành, và phải bị hoại thì làm sao lại nói nó không phải ra đi? Ðương nhiên,
điều đó là không thể được.
"Cho nên, này các tỳ kheo,
các ngươi là hải đảo của chính các ngươi, là nơi nương tựa cho chính các ngươi
chứ không có nơi nương tựa bên ngoài nào khác, với Giáo Lý là hải đảo, Giáo Lý
là nơi nương tựa, không tìm nơi nương tựa nào khác."
KHÔNG TRIỆT BỎ ÐƯỢC PHIỀN NÃO,
MÀ PHẢI THỪA NHẬN VÀ XUA TAN NÓ BẰNG CHÁNH NIỆM VÀ HIỂU BIẾT
Cho nên nếu chúng ta để tâm lời
Phật dạy, chúng ta có thể giữ bình tĩnh trước phiền não. Ở đây chúng ta phải
nhấn mạnh là chúng ta không nói là chúng ta phải triệt bỏ phiền não bằng sức
mạnh, lờ đi, hay phủ nhận sự tồn tại của nó. Không, đó là cách giải quyết không
khéo léo.
Cách giải quyết của chúng ta là
thừa nhận và quan sát trạng thái phiền não của tâm. Qua chánh niệm và suy ngẫm
khôn ngoan, chúng ta có thể ngăn chặn phiền não và trở nên bình tĩnh. Chánh
niệm và hiểu biết là con đường trung đạo và là con đường tốt nhất – nó cũng
không liên quan đến việc triệt bỏ và cũng chẳng phải cho lối thoát chồ những
cảm xúc tiêu cực và thiếu xây dựng. Chánh niệm là thừa nhận và quan sát, từ đó,
hiểu biết, chấp nhận, hòa hợp và trí tuệ nẩy sinh. Chúng ta không thể phủ nhận
hay triệt bỏ những cảm xúc. Chúng ta thừa nhận và quan sát chúng.
Trong sự thừa nhận và quan sát
đó, chúng ta có thể đối phó tốt hơn với sự xáo trộn và xung đột có thể xẩy ra
trong tâm chúng ta. Chúng ta có thể sử dụng cách suy nghĩ khôn ngoan về tính
chất của vô thường, khổ đau và vô ngã. Chúng ta có thể rút ra những bài học từ
trí tuệ của người xưa và bằng cách đi đến thừa nhận phiền não của chúng ta. Nói
một cách khác, trí tuệ có thể nẩy sinh. Chúng ta có thể hiểu và chấp nhận phiền
não. Và phiền não sẽ không thể chi phối tâm của chúng ta hay áp đảo chúng ta.
Ðây là ý mà chúng ta muốn nói khi chúng ta nói áp dụng cẩn thận chánh niệm dẫn
đến sự hiểu biết và tự tại.
Bằng cách này chúng ta sẽ không
than van. Chúng ta có thể quan sát xúc cảm của phiền não trong chúng ta, và nó
có thể bị ngăn chặn khá tự nhiên, không cần chúng ta phải biểu lộ thái độ thô
lỗ về việc đó. Sẽ có bình tĩnh, chấp nhận và hiểu biết. Cho dù chúng ta không
kiềm chế nổi và phải khóc, chúng ta vẫn có thể hạn chế. Cuối cùng chúng ta có
thể giành lại được sự kiềm chế và lắng dịu. Chánh niệm sẽ tới giúp chúng ta và
giúp chúng ta hòa hợp với phiền não. Chúng ta sẽ hiểu sự thật của khổ đau, chân
lý mà Ðức Phật và các đạo sư khôn ngoan khác đã dạy, và chúng ta có thể lại
cười.
Trở lại với đề tài than khóc,
chúng ta có thể thấy trong phạm vi trí tuệ và không-phiền não, việc mặc đồ tang
chế là không cần thiết. Nó không có nghĩa là chúng ta không hiếu thảo, hay
chúng ta thương yêu người thân ít hơn, nếu chúng ta không mặc đồ tang chế.
Không, chúng ta vẫn hết sức kính trọng người thân nhưng chúng ta không thấy
công đức gì khi phơi bày công khai và không cần thiết phiền não của chúng ta.
Tôn kính và phiền não ở đây là vấn đề rất riêng tư. Chúng được cảm thấy trong
tâm của chúng ta và không cần phải phô bày ra trước công chúng.
Thay vì nhấn mạnh những hình
thức thương tiếc bề ngoài không cần thiết, lòng hiếu thảo phải kết hợp với
những hành động hướng về người già khi họ còn sống. Những hành vi tự chúng sẽ
nói lên. Quả là hết sức bất hạnh nếu một số người nghĩ rằng những nghi thức và
nghi lễ cầu kỳ trong tang lễ và việc mặc quần áo tang chế sẽ bù đắp được cho
những hành vi thương yêu và quan tâm không được bầy tỏ khi người chết còn sống.
Tuy nhiên, với sự đúng mức trong
dịp trọng thể, có thể mặc quần áo "lễ nghi". Ta có thể chọn bộ đồ mầu
sẫm, trắng hay một mầu thích hợp hơn trong tủ áo của mình. Như vậy đối với tâm
tôi thế là đủ dù người chết, nếu đã là một người Phật tử vui vẻ và hiểu biết,
có thể không muốn chúng ta mặc những quần áo "tang chế" mà vui mừng
là đã sống một cuộc đời lương hảo và đã đi tới một tái sinh tốt đẹp hơn. Cho
nên trước khi chết, người ta có thể yêu cầu không đi theo thói dị doan hay than
khóc mà chỉ cầu một tang lễ đơn giản. Người ta có thể ủy thác cho một người có
trách nhiệm xem xét tất cả những ước nguyện của mình có được thi hành không.
Người ta có thể viết trên giấy và ký trước sự hiện diện của nhân chứng để tất
cả người liên quan đều biết và tuân theo lời ước nguyện của mình.
Bầu không khí chung trong nhà và
suốt cả tang lễ phải là một bầu không khí thanh tịnh và hiểu biết. Những hoạt
động không thích hợp như rượu chè, cờ bạc tuyệt đối không được phép. Tất cả
phải là kính cẩn và cư xử bằng sự đúng mức thích đáng. Những đoạn có ý nghĩa
trong Kinh Phật có thể thinh thoảng được đọc lên và được suy ngẫm bởi thân
quyến trong gia đình và những người có mặt. Một người có thể đứng đầu trong sự
suy nghĩ. Nếu tất cả những người liên quan đều có sự hiểu biết tốt về Phật
Pháp, họ có thể ngăn chặn phiền não. Người nhiều cứng rắn hơn có thể an ủi
người phiền muộn. Bằng cách ấy, sẽ có bầu không khí an lạc và hiểu biết trong
toàn bộ nghi thức. Và những người có mặt cảm thấy quyết tâm và có động cơ hơn
để phấn đấu hăng hái hơn trong việc tìm kiếm tinh thần, và sống với tình thương
yêu và từ bi hơn.
Một khóa lễ cho người chết có
thể được cử hành tại nhà. Những thân quyến lớn tuổi trong gia đình có thể hướng
dẫn cuộc lễ, trong đó đời và những hành vi thiện của người chết được kể lại.
Con cái nhắc lại lòng khả ái và tình thương to lớn của cha mẹ và quyết
tâm sống một cuộc đời gương mẫu trong sự hồi tưởng của họ.
(Về phương diện này, cha mẹ đã
để tâm đến thực tế là các hành vi vượt qua đời sống thể chất. Một đời sống
lương thiện là một di sản tốt nhất để lại cho con cái. Một di sản vừa thôi thúc
vừa để lại phẩm giá cho người thừa kế. Hương thơm của những hành vi và đời sống
gương mẫu sẽ còn mãi sau khi cha mẹ đã ra đi)
Có thể mời một vị sư để hướng
dẫn một thời Pháp thích đáng. Khóa thiền có thể tổ chức ở phòng lớn. Ðiều đó có
thể là hành vi công đức và vừa là sự biểu hiện lòng tôn kính đối với người quá
cố. Người quá cố, nếu là một thiền gia vững vàng, chắc chắn sẽ rất sung sướng
nếu biết được mọi người ngồi chung quanh quan tài và thiền định. Nếu được tái
sinh lên cõi trời, và có thể nhìn thấy những gì đang diễn ra, và tôi chắc chắn
người ấy sẽ rất thích thú. Chắc chắn tôi sẽ rất thích thú nếu tôi nhìn xuống và
thấy mọi người đang thiền chung quanh cái quan tài của tôi. Niềm vui của tôi sẽ
bất tận. Và nếu có thể tôi sẽ xuống và vui vẻ ngồi thiền với mọi người, nhưng,
đương nhiên, bạn phải thứ lỗi cho tôi: Tôi biết tôi đang thả lỏng trí tưởng
tượng của mình.
Vào ngày thiêu, tất cả những
công đức đã đạt được lại được chia sẻ. Một danh sách những tổ chức thiện nhận
được tiền tặng cũng được đem ra đọc. Một khóa lễ có ý nghĩa có thể được cử hành
tại nhà thiêu ngay trước khi quan tài được đưa vào lò thiêu. Những đoạn kinh có
ý nghĩa từ các bộ kinh có thể được tụng. Những đoạn kinh này nói về cái vô
thường của đời sống, cái chết không tránh được và sự cần thiết sống một cuộc
đời lương thiện, hành thiền và phục vụ đồng loại. Việc này có thể giúp mở mang
trí tuệ nhiều hơn nếu khóa lễ này được đặc biệt biên soạn và được đọc lên vào
dịp này. Nếu một vị sư hướng dẫn toàn bộ khóa lễ thì rất tốt nhưng nếu không
thể được thì một người lớn trong gia đình, thân quyến hay bạn bè có thể đúng
ra.
Sau khi thiêu xong, chúng ta
phải làm gì với tro cốt? Ở xứ Phật Giáo Miến Ðiện, tôi được biết thường thường
xác thiêu thành tro để lại tại nhà thiêu. Thân nhân không thu thập tro vì tin
rằng người quá cố ngay sau khi chết đã có cuộc tái sinh mới, và xác thân để lại
chỉ là một cái vỏ rỗng. Tuy nhiên thói quen của người Trung Hoa tại Mã Lai lại
giữ tro cốt để ở chùa hay ở những nơi giữ tro cốt với chi phí đáng kể. Cảm nghĩ
riêng của tôi là không có mục đích nào để giữ tro cốt vì nó không phục vụ cho
nhiều mục tiêu, không cần thiết phải dâng cúng hay cử hành một khóa lễ nào
trước tro cốt. Vì, như chúng ta biết về Pháp, tro cốt chỉ là những thành phần
của vật vô tri trong khi thức đã đi vào một tái sinh mới, một xác thân mới
trong một kiếp sống mới nào đó. Cho nên tôi nhất trí với cách để lại tro cốt
của người Phật Tử Miến Ðiện. Nếu chúng ta muốn tưởng nhớ và tôn kính người quá
cố, chúng ta nên sống một cuộc đời lương hảo và làm những hành vi thiện để
tưởng nhớ. Vào ngày giỗ người quá cố, chúng ta có thể cúng dường (thực phẩm và
tặng phẩm) tại chùa hay quyên góp cho những cơ sở từ thiện.
Tất cả những đề xuất về phương
diện tang lễ mà tôi đã trình bày trên đây, có ý nghĩa và đáng chú ý hơn những
lề thói hiện nay. Nhưng đương nhiên điều đó là tùy độc giả quyết định cho chính
mình. Ðây chỉ là cảm nghĩ của tôi, cách tôi nhìn vào điều đó. Tôi hiểu rằng
nhiều người cảm nghĩ khác hẳn. Họ có thể không đồng ý với tôi, và họ có quyền
làm như vậy. Vì tôi bao giờ cũng có niềm tin dứt khoát là không ai có thể áp
đặt quan điểm của mình lên trên một quan điểm của người khác. Chúng ta tất cả
đều có tâm riêng của chúng ta và phải được phép suy nghĩ và quyết định cho
chính chúng ta.
Cho nên tôi xin nói rõ ràng nơi
đây tôi không áp đặt quan điểm của tôi lên bất cứ ai. Thay vì tôi chỉ là bầy tỏ
và chia sẻ chúng. Và tôi xin để cho mỗi người tự quyết định cho chính mình điều
mình muốn tin tưởng và theo. Mỗi người phải cảm thấy tự do làm điều mà mình
nghĩ rằng thích hợp. Hơn nữa, quyết định một tang lễ sau khi có người chết,
phải có sự bàn thảo và đồng thuận giữa những người trong gia đình. Cho nên tốt
nhất là trước khi chết hãy làm cho rõ ràng loại tang lễ mà mình muốn. Và việc
này nên làm bằng cách viết ra, ký tên và có nhân chứng. Sẽ không có ý kiến phản
đối sau khi người ấy chết. Thân nhân gia đình nên tôn trọng và làm theo những
ước muốn của người ấy.
Ðương nhiên, những đề xuất của
tôi không toàn diện. Chúng không bao gồm tất cả những chi tiết và khía cạnh của
một tang lễ. Chúng chỉ là một khuôn khổ thô sơ, chỉ là một món ăn nào đó cho tư
tưởng. Có thể có những biến thể khác. Cho nên nó sẽ rất tốt nếu một nhóm Phật
tử có cùng tâm ý và được tôn trọng ngồi bàn với nhau để hình thành một tang lễ
Phật Giáo đơn giản bao gồm tất cả các khía cạnh và chi tiết, và trả lời tất cả
những câu hỏi có thể nảy sinh. Trước tiên là những điều cần được xem xét là
những lề thói hiện tại. Chúng như thế nào? Chúng có ý nghĩa gì? Chúng ta có
biết và hiểu những gì chúng ta đang làm không? Tại sao chúng ta thực hành
chúng? Chúng có ý nghĩa không? Chúng có phù hợp với Phật Pháp không? Hay chúng
là những lề thói dị đoan hay những thói quen không thể hòa hợp với sự hiểu biết
của chúng ta về Pháp đã được thuyết giảng bởi Ðức Phật.
Từ những gì tôi có thể nhìn thấy
nhiều thói quen trong một gia đình Trung Hoa tự nhận là có lối sống Phật Giáo
về đời sống, không thể hòa hợp với Pháp. Dường như nhiều người chỉ làm theo
những nghi thức tang lễ mà không có ý niệm chúng là gì. Họ chỉ làm theo những
chỉ dẫn mà không hỏi han hay hiểu biết. Vào lúc tang lễ, họ quả thật rất bối
rối và quẫn trí. Họ chỉ bàn theo những điều được bảo vì đó là truyền thống và
họ không thể đi ngược lại mà không bị chê trách và bị kết tội là bất hiếu vân
vân... Cho nên sự tham gia thực sự vô nghĩa. Ðối với tôi, tất cả dường như khá
cảm động. Vô minh và cam chịu trước bất cứ điều gì được thực hiện dường như là
chương trình làm việc.
Cho nên một nhóm Phật tử đáng
kính nhìn vào tất cả những lề thói này có thể đi đến một sự lựa chọn có ý nghĩa
phù hợp với Phật Pháp. Chi tiết về tang lễ được đề xuất với nhiều lựa chọn khác
nhau sẽ được soạn thảo sau khi đã thực hiện một cuộc nghiên cứu tình hình địa
phương. Một cuốn sách toàn diện cung cấp tất cả những lựa chọn về tang lễ khác
nhau và những thông tin cần thiết có thể được biên soạn và phổ biến. Một đề án
như thế sẽ là một sự phục vụ lớn lao cho Cộng Ðồng Phật Giáo thường bị bối rối
không biết cái gì cấu thành một tang lễ Phật Giáo thích hợp.
VỀ PHẦN TÔI
Ðối với tang lễ của chính tôi,
tôi đã đưa ra ý nghĩ thích hợp về cách tôi muốn thân xác tôi được xử lý ra sao
sau khi chết. Thân xác thực sự không là gì khác hơn một cái xác sau khi chết.
Nó sẽ trở về với đất. Cho nên tôi muốn làm một hành vi thiện cuối cùng có nghĩa
là tặng xác cho bệnh viện. Bác sĩ có thể lấy giác mạc ở mắt tôi và trao tặng
phẩm tuyệt vời này cho một người mù. Hãy tưởng tượng đến sự vui mừng như thế
nào khi người mù có thể nhìn lại được, và tặng phẩm sẽ quí giá đến nhường nào
với người ấy. Và hãy tưởng tượng tôi cũng sung sướng đến thế nào khi biết đã
tặng cho người ấy tặng phẩm về thị lực. Tặng phẩm này không có sư hy sinh gì về
phần tôi cả, vì thân xác không còn sử dụng được gì sau khi chết. Cho nên tôi có
thể làm hành vi thiện cuối cùng trước khi thân bị tan rã.
Nếu có thể, bác sĩ lấy tim,
thận, phổi, gan và bất cứ cơ quan nào có thể dùng được sau cái chết của tôi,
đem ghép cho người khác. Và bất cứ gì còn lại có thể đem lợi ích cho những sinh
viên y khoa trong việc nghiên cứu của họ. Họ có thể thực hành mổ xẻ xác tôi.
Cuối cùng, họ có thể tùy nghi xử lý những gì còn lại của thân tôi như họ muốn.
Có thể phần còn lại làm phân bón cho đất và cây cối lớn cho bóng mát và hoa
đẹp. Và cũng bằng cách này, không ai cần phải lo lắng cho tôi về cái gọi là
tang lễ thích hợp. Mỗi người đều có thể để lại xác cho bệnh viện để tùy nghi xử
lý những gì mà họ nghĩ là thích hợp. Việc này sẽ làm cho mọi người dễ dàng hơn.
Nói cho đúng, nó sẽ làm cho mình nhẹ nhõm. Không ai còn bị bị phiền phức về
chuyện của tôi.
Và nếu có người nói về một tang
lễ thích hợp cho tôi và việc bầy tỏ lòng tôn kính cuối cùng, tôi sẽ nói: Xin
đừng bận tâm về việc đó. Tang lễ không dành với tôi. Nhưng nếu bạn thực tâm nhớ
đến tôi, xin bạn hãy làm điều thiện. Hãy làm bất cứ điều thiện nào bạn thích để
tưởng nhớ đến tôi. Hãy sống một cuộc đời lương hảo. Hãy quan tâm và chia sẻ.
Hãy tha thứ và thương yêu. Hãy rộng lượng và mở rộng con tim. Hãy tử tế và lịch
sự. Ðó là tất cả những gì tôi yêu cầu. Ðiều đó sẽ làm cho tôi rất hạnh phúc –
biết rằng tôi đã có thể truyền bá thông điệp tốt nào đó và đã có ảnh hưởng tốt
nào đó.