1. Căng thẳng vì công việc
Khi cảm thấy quá chán nản, căng thẳng do công việc bị dồn đống quá
nhiều, dường như chúng ta chẳng còn cảm thấy thích thú gì với công việc
của mình nữa. Cảm giác ngán ngẩm này thường tiếp tục gây cho chúng ta
sự chậm trễ, trì hoãn công việc, và kết quả là chúng ta lại phạm phải
sai lầm hoặc thậm chí thất bại trong công việc. Thật là nguy hiểm, đúng
không? Dưới đây là một vài cách giúp bạn tránh được những tình huống
như vậy, để có thể vượt qua những bế tắc trong công việc cũng như trong
cuộc sống:
- Hãy quý trọng cơ thể của mình:
Trước hết, bạn cần có một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, bảo đảm
sức khỏe, từ đó bạn mới có thể thực hiện những công việc, kế hoạch mà
mình đã đề ra. Sức khoẻ cũng dễ đem lại cho bạn trạng thái phấn chấn,
yêu đời hơn là khi cơ thể bạn đang bị đau yếu. Điều đơn giản này ai cũng
biết, nhưng lại ít người thật sự biết quan tâm giữ gìn sức khoẻ.
- Có một tấm lòng chân thành bên cạnh:
Thật khó có thể vượt qua nổi những cú sốc trong cuộc sống hay trong công việc, nếu lúc nào bạn cũng “đơn thương độc mã”.
Khi phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nan giải, hoặc có những khi bạn
bị oan ức, bị nhiều người khác hiểu lầm... thì việc có bên mình một tấm
lòng chân thành cũng giúp bạn dễ bình tĩnh tâm hồn để bắt tay vào giải
quyết những vấn đề của mình hơn. Tấm lòng chân thành ở đây có thể là
người vợ (hoặc chồng) của bạn, là người thân hay là bạn thân nào đó
đồng cảm với bạn.
Nhiều người cứ lao vào làm việc như điên, bất kể giờ giấc nghỉ ngơi
hoặc chẳng còn quan tâm gì đến điều gì khác trong cuộc sống. Làm như
thế, họ có thành công và hạnh phúc không? Thành công thì cũng có thể có
một chút nào đó, nhưng hạnh phúc thì chắc là không. Đến lúc sức khoẻ
suy sụp hoặc bất ngờ đổ bệnh thì họ không thể tiếp tục làm việc được
nữa. Phải biết kết hợp làm việc và nghỉ ngơi một cách hợp lý, điều độ,
thì sức làm việc mới duy trì lâu dài được trong mấy chục năm liền.
Ngoài công việc của mình ra, bạn phải biết quan tâm thưởng thức thiên
nhiên, cuộc sống. Nếu cứ lao vào làm việc mà thời tiết chuyển mùa, hoa
nở cũng không hề biết, chim hót cũng không hay... thì “tội nghiệp” quá!
- Hãy chia công việc ra thành từng phần:
Cảm giác bế tắc thường đến với chúng ta khi áp lực của công việc quá
nặng. Điều này có một phần nguyên nhân là do chúng ta thiếu kế hoạch,
thiếu sự tổ chức, không biết chia công việc của mình ra từng phần nhỏ
tương ứng với từng khoảng thời gian nhất định ngay từ đầu. Nếu bạn biết
lập kế hoạch và phân chia công việc của mình một cách khoa học, hợp
lý, thì bạn sẽ thoát khỏi mọi bế tắc và không bị mất phương hướng khi
bắt tay vào thực hiện công việc.
Nếu chúng ta mở máy nghe nhạc ồn ào, om sòm hết cỡ, bắt buộc người
thân trong gia đình và cả những người hàng xóm phải bất đắc dĩ nghe
loại nhạc “khủng khiếp” của mình, thì điều đó chỉ khiến chúng ta và
những người sống gần chúng ta trở nên căng thẳng hơn mà thôi! Âm nhạc
với giai điệu êm đềm, du dương, nhẹ nhàng, sẽ giúp bạn thư giãn một
cách nhanh chóng, như là “liều thuốc” xoa dịu những căng thẳng thần
kinh của bạn, giải thoát bạn khỏi những áp lực của công việc.
- Hãy kết hợp hai hoạt động cùng một lúc:
Có thể bạn sẽ phản đối: “Bận rộn suốt ngày, làm không hết việc thì
lấy đâu ra thời gian mà nghe nhạc?” Thật ra, trong cuộc sống hằng ngày,
có những việc rất buồn tẻ, đơn điệu, như giặt ủi quần áo, lau nhà,
tưới cây, tập thể dục, nấu ăn... Sao bạn không vừa làm những việc đó vừa
nghe nhạc? Làm như vậy, bạn sẽ cảm thấy thú vị hơn rất nhiều, đúng
không? Tôi cũng vừa làm việc nhà vừa suy nghĩ về bài báo mình sắp viết
hay đề cương quyển sách mà mình sẽ biên soạn, kết hợp công việc như vậy
hiệu quả lắm!
- Biết điều gì là quan trọng nhất:
Đôi khi chúng ta gặp bế tắc, khó khăn trong công việc là do chúng ta
chưa nhận ra điều gì là quan trọng nhất trong công việc và cuộc sống
của mình. Phải biết lựa chọn điều gì là quan trọng nhất trong công việc
của mình và tận tâm làm việc vì điều đó, mạnh dạn gạt bỏ những điều ít
quan trọng và vặt vãnh sang một bên.
- Rút ra điều gì đó từ công việc của mình:
Mỗi lần làm công việc gì, bạn nên tự hỏi: “Mình có thể rút ra được
điều gì từ những việc đã làm? Công việc của mình có ý nghĩa gì không?”
Mỗi lần gặp khó khăn, bế tắc trong công việc, bạn hãy vận dụng những
kinh nghiệm vốn có của mình trước đây. Điều này cũng sẽ giúp bạn tự
mình tháo gỡ một số bế tắc gặp phải trong công việc.
Đừng suy nghĩ quá nhiều về công việc, đừng quá phóng đại những khó
khăn, bế tắc mà mình đang gặp phải. Đừng ngồi khoanh tay lại và than
thân trách phận, sao mình khổ quá! Vì làm như vậy bạn sẽ dễ chán nản,
dễ lùi bước. Thật ra, bất kỳ ai trong cuộc sống cũng đều có những khó
khăn và nỗi khổ riêng của mình. Thái độ than trách hoặc tuyệt vọng sẽ
không thay đổi được gì cả. Trái lại, bạn hãy kiên quyết cố gắng bắt tay
vào làm việc hết mình để giải quyết từng bước những khó khăn của mình.
Chúc bạn thành công!
2. Lo âu và căng thẳng
Tất cả chúng ta ít nhiều đều có kinh nghiệm trải qua những cơn stress
(căng thẳng) liên quan đến những tình cảnh hoặc những biến cố khó khăn
trong cuộc sống. Thực tế cuộc sống hôm nay còn có rất nhiều những hoàn
cảnh, tình huống khác mà lâu nay vẫn làm cho nhiều người chúng ta cảm
thấy luôn bị stress. Nguyên nhân gây ra stress thì rất
nhiều, nhưng tựu trung vẫn là những nguyên nhân liên quan trực tiếp
hoặc bắt nguồn từ chính lối sống hằng ngày, công việc, gia đình của mỗi
người...
Stress có thể còn liên quan đến bệnh tật của cơ thể, làm giảm sự hưng phấn hoạt động của chúng ta. Và ngược lại, người bị stress cũng dễ bị ốm đau thể xác nhiều hơn. Stress
ảnh hưởng trên nhiều mặt khác nhau của cuộc sống mỗi người: từ sức
khoẻ đến hiệu quả công việc, và quan trọng nhất là niềm vui sống, yêu
đời...
Do đó, làm cách nào chúng ta có thể đối phó một cách hiệu quả với stress, làm giảm các nguyên nhân gây ra stress, đó là ước muốn không phải của riêng ai! Dưới đây là một vài kinh nghiệm hữu ích để giảm stress:
- Đánh giá đúng những nguyên nhân gây ra stress:
Bước đầu tiên để làm chủ được stress là nắm được những nguyên nhân, kể cả những nguyên nhân tiềm tàng gây ra stress cho bản thân mình. Hãy nhìn lại các hoạt động hằng ngày của mình. Liệu bạn có trải qua một trong các nguyên nhân dưới đây:
- – Bận tâm về tình hình thế giới;
- – Giảm hứng thú, nhiệt tình trong công việc;
- – Mất một số bạn bè;
- – Thời gian dành cho con cháu quá ít;
- – Cảm thấy thời gian của mỗi ngày quá ngắn ngủi;
- – Nghĩ về cái chết của chính mình;
- – Cảm thấy khó ngủ, mất ngủ;
- – Mong ước một điều gì đó trong cuộc sống của mình sẽ thay đổi;
- – Gặm nhấm một nỗi đau nào đó trong tâm hồn;
- – Sắp đến một cột mốc nào đó trong cuộc đời (65, 70, 75, 85, 90 tuổi... );
- – Bận tâm về con cái, cháu chắt;
- – Suy giảm khả năng trí tuệ;
- – Một thay đổi bất ngờ nào đó trong gia đình...
- Loại trừ hoặc giảm thiểu những nguyên nhân gây ra stress:
Nếu có thể, hãy tâm sự với gia đình, bạn bè hoặc những người khác. Hãy tìm trong danh sách liệt kê nguyên nhân gây ra stress
của bạn và tìm xem nguyên nhân nào bạn có thể loại trừ hoặc giảm
thiểu. Nếu bạn có những nguyên nhân về mặt sức khoẻ, thì hãy tìm sự trợ
giúp của bác sỹ. Nếu là những nguyên nhân thuộc về thói quen sinh hoạt,
thì bạn nên thay đổi thói quen sinh hoạt theo hướng tích cực, có lợi
cho tinh thần của bạn hơn.
- Sắp xếp kế hoạch sống của mình:
Đây là cách hay nhất để giảm stress. Bạn hãy lập một kế
hoạch, trong đó ghi rõ những hoạt động mình cần làm: học thêm một ngoại
ngữ hoặc tập chơi một nhạc cụ, đi du lịch, thăm bà con họ hàng, thăm
trại trẻ mồ côi, người già neo đơn. Những gì mình cần chuẩn bị cho các
chuyến đi đó? Thời gian cụ thể để thực hiện từng hoạt động đó? Khi tích
cực lao vào các hoạt động phong phú khác nhau vì bản thân và vì người
khác như vậy, chắc chắn bạn sẽ tìm lại được sự tươi tắn cho tâm hồn
mình và giảm được stress.
Cảm giác cô đơn là một trong những nguyên nhân gây ra stress.
Tích cực tham gia vào các tổ chức xã hội – từ thiện, bạn sẽ có dịp cởi
mở tấm lòng, đón nhận tình cảm, niềm vui giao tiếp, giúp đỡ lẫn nhau
trong cộng đồng. Nói chung, đừng bao giờ bỏ lỡ những cơ hội mở rộng tấm
lòng mình và giao tiếp với người khác.
- Chẻ vụn những nguyên nhân gây ra stress:
Nhiều nguyên nhân gây ra stress cùng tác động lên bạn, bạn sẽ bị stress nặng hơn. Trái lại, từng nguyên nhân gây stress tác dụng riêng lẻ lên bạn, bạn sẽ dễ dàng đối phó hơn. Hãy luôn tìm cách giảm số lượng các nguyên nhân gây stress, đừng nên để cho chúng tác động cùng lúc lên bạn.
3. Thất bại trong công việc
Cuộc đời của mỗi người đều có những ước mơ, những mục đích khác
nhau, và bất cứ ai cũng nuôi khát vọng vươn đến thành công, nhất là khi
chúng ta còn trẻ. Thế nhưng, vươn đến thành công không phải là chuyện
dễ dàng. Sau những thất bại, nhiều người chúng ta có khuynh hướng muốn
bỏ cuộc vì nản chí và cam chịu cuộc sống của một người bình thường. Càng
lớn tuổi thì càng không muốn nuôi dưỡng bất kỳ ước mơ nào nữa. Tại sao
lại như vậy? Có rất nhiều lý do khác nhau, mà một trong những lý do đó
là chúng ta đã trở thành những người sợ thất bại.
Chính vì sợ mình sẽ tiếp tục thất bại, nên chúng ta cũng không còn
khát khao vươn đến thành công. Lòng sợ hãi này đã tạo thành một trở
ngại vô cùng lớn khiến chúng ta không thể tiếp cận được với những cơ
hội mới mẻ khác mà cuộc sống có thể đem lại. Đây là một điều vô cùng
đáng tiếc. Nếu lúc nào bạn cũng tỏ ra sợ hãi thất bại, chắc chắn bạn sẽ
thất bại. Điều quan trọng nhất là phải vượt qua nỗi sợ hãi này!
Làm thế nào chúng ta có thể vượt qua nỗi sợ hãi này? Có nhiều cách để làm được điều này và sau đây là một vài gợi ý.
Trước hết, chúng ta phải tin rằng, khi mình vẫn còn kiên trì đeo
đuổi những ước mơ thì mình còn có cơ hội để thành công. Mình chỉ thực
sự thất bại khi chính mình tự nguyện bỏ cuộc mà thôi! Bao nhiêu người
trước mình cũng đã từng nuôi dưỡng những ước mơ giống như mình, và họ
cũng đã từng gặt hái thành công. Vậy thì tại sao mình lại không thể?
Lòng sợ hãi của mình thực là quá đỗi vô lý. Sợ hãi như vậy chẳng qua
chỉ là lẩn tránh thực tế mà thôi!
Thứ hai, hãy tìm kiếm những bài học từ thất bại đã qua trong quá
khứ. Chúng ta nên khách quan nhìn nhận rằng, thất bại đã xảy ra rồi thì
không làm lại được, chính mình phải chịu tránh nhiệm về sự thất bại
của mình. Điều duy nhất mà chúng ta có thể “vớt vát” được là rút kinh
nghiệm từ những thất bại đã qua, biến nó thành bài học hữu ích cho
mình, tránh lặp lại những thất bại tương tự ở tương lai.
Cuối cùng, tích cực làm những việc tốt nhất để cải thiện tình hình.
Chỉ có bắt tay vào hành động thì mới đẩy lùi được những nỗi lo sợ thất
bại. Nếu cứ mãi khoanh tay ngồi nhìn, không dám bắt tay vào hành động
gì hết, thì nỗi sợ hãi sẽ ngày càng tăng thêm mà thôi! Hành động cũng
là con đường để đi đến thành công. Nhìn vào hành động của bạn, người ta
sẽ đánh giá nhân cách và giá trị con người của bạn. Chỉ có bắt tay vào
hành động, vừa làm vừa bình tĩnh đúc kết những kinh nghiệm, những bài
học quý giá cho mình, bạn mới có thể vươn đến thành công và khẳng định
giá trị bản thân ở một ngày mai.
4. Bệnh tật
Trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh khỏi những lúc sức khoẻ
suy yếu và bệnh tật. Khi sức khỏe bắt đầu suy giảm, hoặc khi bị ốm đau,
là lúc chúng ta biết quan tâm đến việc giữ gìn sức khoẻ và đề phòng
bệnh tật. Làm thế nào để chúng ta phòng bệnh và chữa bệnh thật hiệu quả?
Thái độ sống tích cực của bạn là yếu tố có vai trò quyết định. Bạn
cần:
- Có niềm tin tưởng tích cực vào bản thân:
Niềm tin vào bản thân là hòn đá tảng vững chắc trong thái độ của bạn
trước bệnh tật. Sự thực là, cơ thể mỗi người suốt đời không thể tránh
khỏi bị bệnh tật, không nhiều thì ít. Bạn cần có một tâm thế tích cực
đối với vấn đề bệnh tật, để có thể tìm cách chữa trị tốt nhất, từ đó mới
mau lành bệnh. Tuyệt đối không nên có thái độ than thân trách phận một
cách vô lý, hoặc quá lo âu tuyệt vọng, vì những thái độ tiêu cực ấy
chỉ làm cho bệnh tật trầm trọng thêm. Bên cạnh đó, một thái độ sống
tích cực hơn nữa là bạn luôn tìm cách nâng cao sức khoẻ của bản thân,
phòng bệnh hơn chữa bệnh.
- Đi tìm sự khuây khỏa, gia tăng niềm vui:
Đây là điều chủ yếu nhất để rèn luyện nội tâm mình trước những triệu
chứng của bệnh tật. Hãy tìm đọc, hoặc nghe những tác phẩm văn chương
lành mạnh, những bản nhạc tươi sáng..., để đem lại cho mình trạng thái
tâm hồn tươi vui hơn, góp phần nâng cao sức khoẻ. Tấm lòng đồng cảm và
biết thương yêu người khác là một phương thuốc bổ kỳ diệu.
- Tập thói quen ăn uống điều độ mỗi ngày:
Đây là một trong những cách tốt nhất để giữ gìn sức khoẻ, ngăn ngừa
bệnh tật. Những lời khuyên của các bác sỹ chuyên khoa, những sách phổ
biến kiến thức khoa học về dinh dưỡng cũng rất có ích cho bạn. Bạn cần
hiểu về các loại thực phẩm cần thiết hằng ngày và giá trị dinh dưỡng
của các loại thực phẩm mà gia đình bạn dùng hằng ngày.
- Luyện tập cơ thể thường xuyên:
Luyện tập cơ thể thường xuyên là điều không thể thiếu để có một cơ
thể tráng kiện, đề phòng bệnh tật. Mỗi ngày, bạn nên dành một khoảng
thời gian nhất định để tập thể dục hoặc chơi một môn thể thao nào đó
phù hợp với bạn để tăng cường sức khoẻ.
5. Không hài lòng về cuộc sống
Cuộc sống của chúng ta không tránh khỏi có những lúc cảm thấy vô
cùng chán nản về đủ mọi chuyện chướng tai gai mắt quanh mình. Điều này
ảnh hưởng đến sức khỏe, làm giảm hiệu suất công việc, làm mất sự thanh
thản trong tâm hồn và niềm vui trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người.
Làm thế nào chúng ta có thể đối phó một cách có hiệu quả với cảm giác này? Dưới đây là một vài gợi ý:
- Phớt lờ những chuyện vặt vãnh:
Thế nào là những chuyện vặt vãnh? Những chuyện vặt vãnh là những
chuyện nhỏ nhặt, không có gì sâu sắc, tầm thường, không có ý nghĩa,
không quan trọng trong cuộc sống hằng ngày. Những bê bối đời tư của một
“ngôi sao” nào đó, những tin đồn thất thiệt, ý kiến của những người mù
quáng, đôi giày chưa kịp đánh bóng, cái cổ áo sơ mi hơi bị dơ..., là
một vài ví dụ cụ thể. Nói chung, những chuyện vặt vãnh là những chuyện
không đem lại ý nghĩa gì hữu ích cho cuộc sống của mình, của người khác
và của xã hội. Thế thì tại sao chúng ta lại cứ phải bận tâm với những
chuyện vặt vãnh như thế? Nếu cứ để mình bị chìm đắm trong những chuyện
vặt vãnh như vậy, bạn sẽ đánh mất những mục đích sống lớn lao trong
cuộc đời bạn.
- Chấp nhận những gì không thay đổi được:
Cứ chú ý mãi đến những điều vượt quá khả năng điều chỉnh của bạn là
một nỗi bất hạnh. Cứ thử hình dung bạn cố gắng thay đổi thời tiết ngày
hôm nay cho hợp với ý thích của bạn, hoặc bạn muốn thay đổi những gì đã
xảy ra trong quá khứ, thay đổi hình dáng cơ thể của bạn, hoặc thay đổi
mảnh đất quê hương nơi mình đã sinh ra? Hoặc bạn là một cá nhân mà muốn
thay đổi cả một thực tại của xã hội? Tất cả những điều đó bạn nên vui
vẻ chấp nhận chứ không thể thay đổi được. Những ai cứ muốn thay đổi
những chuyện như vậy thì sớm muộn gì họ cũng phải tìm gặp bác sỹ tâm lý
thôi, vì họ là người ưa chuộng mọi nỗi buồn khổ. Nhiều cơn căng thẳng,
chứng loạn thần kinh và những xung đột nảy sinh là do người ta cứ cố
gắng đòi thay đổi những gì không thể thay đổi được. Hãy học cách chấp
nhận – dù rất khó – để vui sống, đem lại cân bằng cho tâm trí mình.
Sau khi phớt lờ những chuyện vụn vặt và chấp nhận những thứ không
thể thay đổi được, thì tích cực hoạt động phải là bước quan trọng tiếp
theo. Tập trung cho những mục tiêu lớn lao trong cuộc đời mình phải là
điều quan trọng nhất đối với bạn. Trong phạm vi nghề nghiệp của mình,
bạn hãy tích cực hoạt động để cống hiến cho xã hội. Đó cũng là cách để
bạn không còn thời gian chú ý đến những chuyện vụn vặt, cũng như không
phải buồn bã về những điều không thể thay đổi được. Cuộc sống đồng
nghĩa với hoạt động tích cực và bền bỉ. Thời gian cuộc đời mỗi người
thật ngắn ngủi và quý giá, bạn hãy tích cực hoạt động để đem lại ý
nghĩa cuộc sống cho mình và cho người khác.
- Quý trọng những niềm hạnh phúc nhỏ bé mỗi ngày:
Cuối cùng, bạn hãy biết quý trọng những niềm hạnh phúc nho nhỏ mà
mình có được mỗi ngày trong cuộc sống. Một ly kem ngon, một quyển tiểu
thuyết, một tờ báo hay... Tất cả những niềm hạnh phúc đó, dù nhỏ thôi,
nhưng đó lại là những niềm hạnh phúc không kém phần lớn lao trong cuộc
sống. Hãy cảm nhận những niềm hạnh phúc ấy, thư giãn thoải mái với
chúng, vì chúng sẽ giúp bạn sống yêu đời hơn rất nhiều. Và khi đó,
những bi quan chán nản đối với bạn sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa!
6. Loại trừ những thói hư tật xấu
Dù bạn là ai, bạn đang thành công hay đang ngập chìm trong hố thất
bại; bạn vẫn còn hăng hái hay đã nhụt hết ý chí; bạn đang hạnh phúc hay
sầu khổ; bạn đang tích cực làm việc hay biếng lười; ngày hôm nay bạn
đang ở trong hoàn cảnh, tâm trạng nào... tất cả đều do ảnh hưởng của
những thói quen tốt hoặc xấu của bạn.
Một số người thường nói: “Tôi chẳng làm được việc gì cả. Bản chất
của tôi là lười biếng rồi.” Nói như vậy là sai, vì chẳng có ai mang bản
chất tự nhiên là lười biếng cả! Đó là do cách sống của chúng ta đã dần
dần trở thành thói quen xấu, khiến chúng ta tự cho mình là lười biếng
và không muốn bắt tay vào làm việc gì nữa. Mặt khác, chính thói quen này
lại ảnh hưởng ngược trở lại tính cách của chúng ta, nó định hình luôn
cả tính cách của chúng ta.
Nói cách khác, chúng ta tạo ra những thói quen trong cuộc sống của
mình, và chính những thói quen cũng tạo ra chính con người của chúng
ta. Bạn có thể thấy, trong cuộc sống hằng ngày, mọi người thường đánh
giá nhau qua những thói quen đã ăn sâu vào cuộc sống của mỗi người. Bà A
có thói quen giúp đỡ người hoạn nạn, mọi người đánh giá bà A là người
tốt. Ông B có thói quen buổi chiều nào cũng uống rượu, rồi về nhà hành
hạ vợ con, mọi người đánh giá ông B là người xấu...
Trong cuộc sống, mọi thành công hay thất bại, mọi vui sướng hay buồn
khổ, phần lớn đều phụ thuộc vào những thói quen tốt hoặc xấu của chúng
ta. Chính vì vậy, bất cứ ai muốn mình sống một cuộc đời đầy ắp hạnh
phúc, thành công, thì điều quan trọng trước tiên phải nghĩ đến là: giảm
thiểu những thói quen xấu và thay vào đó là tập luyện những thói quen
tốt.
Lâu nay không phải chúng ta không nhận thức được nhu cầu phải thay
đổi này, nhưng chúng ta băn khoăn không biết phải làm thế nào để có thể
thay đổi được tận gốc những thói quen xấu đã ăn sâu vào cuộc sống của
mỗi người chúng ta. Thế rồi, ta lại không có đủ sức mạnh ý chí cần
thiết, dù rằng ta biết mình cần phải có đủ sức mạnh ý chí thì mới thay
đổi được.
Nếu bạn mong muốn thay đổi những thói quen xấu lâu nay của mình,
nhằm làm cho cuộc sống của mình mỗi ngày được thành công và hạnh phúc
hơn lên, thì những gợi ý dưới đây có thể hữu ích cho bạn.
Trước hết, bạn hãy liệt kê rõ ràng trên giấy một loạt lý do vì sao
bạn muốn thay đổi những thói quen xấu lâu nay của bạn, rồi bắt đầu thay
đổi. Chẳng hạn, bạn muốn bỏ hút thuốc lá, bỏ tật chần chừ, lề mề lâu
nay, hoặc quyết tâm làm việc gì thì làm đến nơi đến chốn, không bỏ dở
nửa chừng. Bạn cứ viết ra một loạt lý do mà bạn có thể nghĩ ra được.
Điều này giúp bạn nhìn rõ lại bản thân mình, thấy được một loạt ích lợi
của việc từ bỏ những thói quen xấu, và tập trung được sức mạnh ý chí
của mình để thay đổi.
Tiếp theo, bạn cũng hãy liệt kê ra giấy một loạt những lý do mà bạn
không muốn thay đổi thói quen xấu lâu nay của mình. Chẳng hạn, nếu bạn
không muốn bỏ hút thuốc, vì sao? Thuốc làm bạn cảm thấy thư giãn, khoan
khoái? Nó chứng tỏ bạn là người “chịu chơi” trong nhóm bạn hoặc khi
giao tiếp ngoài xã hội? Hay là khi cầm điếu thuốc lá trên tay, bạn thấy
mình “tự tin” hơn, “hấp dẫn” hơn trong con mắt của người khác phái?...
- Phân tích thực tế vấn đề:
Bạn tự hỏi mình, cứ duy trì mãi những thói quen xấu như vậy thì có
ích gì? Hay là chỉ có hại? Chẳng lẽ mình cần phải mang cái vẻ tự tin,
hấp dẫn giả tạo nhờ vào điếu thuốc lá trên môi hay sao? Thực ra, cứ hút
thuốc lá như thế mới càng chứng tỏ mình là kẻ yếu đuối, không có đủ
sức mạnh ý chí như nhiều người khác. Nếu quanh mình vẫn còn biết bao
người hút thuốc ư? Thật ra, họ cũng đã muốn bỏ hút thuốc lá bao nhiêu
lần rồi nhưng họ chưa bỏ được, vì họ không có đủ sức mạnh ý chí cần
thiết. Lẽ nào mình cũng chỉ là một kẻ thiếu ý chí như bao nhiêu người
quanh mình à? Không! Nhất định mình là người có ý chí cao, mình phải bỏ
được thuốc lá...
Bằng cách suy nghĩ như vậy, bạn sẽ tìm được động lực thúc đẩy chính
mình, gia tăng sức mạnh ý chí cho bản thân để vượt qua những thói quen
xấu.
- Tìm đến những hoạt động tích cực:
Đây là cách hay nhất để vượt qua những thói quen xấu. Hãy nhìn những
người tham gia công tác từ thiện xã hội mà xem, trông họ tự tin và hấp
dẫn hơn những kẻ hút thuốc lá rất nhiều lần. Hãy nhìn những nữ doanh
nhân trẻ thành đạt mà xem, họ không chỉ làm giàu cho riêng mình mà còn
góp phần tạo công ăn việc làm cho bao nhiêu người khác, trông họ thật tự
tin và vô cùng hấp dẫn, nhưng họ cũng đâu phải cần đến điếu thuốc lá
trên môi... Bạn hãy tìm đến những hoạt động bổ ích, lành mạnh, tạo cho
mình một hình ảnh tích cực khác về bản thân, để vượt thắng những thói
quen xấu.
Trên đây chỉ là một ví dụ điển hình về chuyện từ bỏ thói quen hút
thuốc lá. Mỗi người chúng ta còn mang nặng trong lòng biết bao thói xấu
khác nữa mà chúng ta cần tự giác tích cực sửa đổi. Nhưng với bất cứ
thói xấu nào cũng vậy, bạn cũng có thể thực hành theo những gợi ý nêu
trên, để từ bỏ thói xấu của mình, góp phần làm cho tâm hồn mình ngày
càng được thanh thản và hạnh phúc hơn lên!
7. Những lúc đau khổ
Đau khổ, chán đời... là những cảm nhận thường thấy khi chúng ta phải
trải qua những cơn khủng hoảng trong cuộc sống. Khi gặp đau khổ, nhiều
người rơi vào tuyệt vọng: trốn tránh đau khổ thì không được mà chống
trả lại nó cũng không xong. Phải làm thế nào bây giờ? Bi kịch của muôn
nỗi khổ đau trong cuộc đời cũng chính là ở đó!
Điều đáng tiếc là, nhiều khi thái độ trốn tránh, không dám nhìn nhận
đau khổ chỉ càng khiến bạn cảm thấy đau khổ thêm. Còn chống trả lại
đau khổ, bạn cũng chưa chắc tiêu diệt được hết mọi đau khổ, mà khi bạn
cứ cố hành động trong nỗi tuyệt vọng như vậy, biết đâu chừng hành động
của bạn còn có thể gây ra những nỗi hiểm nguy cho người khác và cho cả
chính bạn.
Do đó, cách tốt nhất chính là tạm thời chấp nhận đau khổ, cam đảm
nhìn nhận sự có mặt của nỗi đau khổ trong cuộc đời mình, rồi thì dần
dần cảm giác đau khổ sẽ hoàn toàn thoát khỏi bạn. Tâm hồn của bạn sẽ
lại nhẹ nhõm và vui tươi như thường thôi! Dưới đây là một vài bí quyết
ngắn gọn nhưng rất hữu ích, giúp bạn xoa dịu những nỗi phiền muộn một
cách nhanh chóng. Bạn hãy tìm một nơi tương đối yên tĩnh một chút và
thực hành bài tập này:
- Nhắm mắt lại và tưởng tượng bạn đang cho phép mọi nỗi phiền muộn trải đều khắp cơ thể bạn.
- Đừng chống trả lại chúng gì hết, cứ tiếp tục để chúng trải đều khắp cơ thể bạn như thế.
- Hãy tưởng tượng bạn đang gắn cho mỗi đau khổ của bạn một màu sắc
nào đó mà bạn yêu thích: màu xanh lá cây, màu cam, màu vàng, màu xanh
nước biển hoặc bất cứ màu gì cũng được, miễn là bạn phải vô cùng thích
thú với màu bạn chọn.
- Hãy cố gắng làm cho những nỗi đau khổ của mình đang dàn trải khắp
cơ thể trở nên mềm mại, uyển chuyển hơn. Bạn hình dung mình đang uốn
nắn những nỗi khổ ấy nhỏ lại, nhẹ lại, mềm nhũn đi (y như thể bạn đang
chơi nghịch đất sét hồi nhỏ vậy!) và bạn đang dần dần êm dịu thoát ra
khỏi chúng!
- Bạn hãy làm một cuộc thử nghiệm thay đổi kích cỡ, màu sắc, vị trí của những nỗi phiền muộn của bạn.
- Hãy thay đổi cách nghĩ của bạn về sự đau khổ đó, hãy đơn giản hoá nó đi, làm cho nó trở nên bình thường, nhẹ nhàng hơn!
- Hãy nghĩ rằng, bạn có thể xoa dịu nỗi phiền muộn đó bằng chính
tình yêu, sự cảm thông, bằng thái độ cao thượng bạn dành cho người
khác...
- Hãy làm bất cứ chuyện nhỏ nhặt gì, miễn là bạn cảm thấy thoải
mái: uống một ly nước chanh; vừa đi tắm nước lạnh vừa mở một bài hát
vui tươi và nghêu ngao hát theo tiếng nhạc; hoặc thậm chí đóng cửa
phòng lại, vừa mở nhạc vừa nhảy tưng tưng; hoặc ăn bất cứ một món mình
thích như: bún riêu, ổi chấm muối ớt, đùi gà quay...
- Sau cùng, bạn hãy có một cuốn sổ tay thật xinh xắn, trong đó bạn
ghi lại những kinh nghiệm mà bạn rút ra được từ sau những lần đau khổ,
phiền muộn. Cuốn sổ này sẽ là tài sản vô giá của bạn, bởi kinh nghiệm
càng có giá trị khi nó là kinh nghiệm do chính bạn đã trải qua!
8. Thái độ bi quan về cuộc sống
Bạn có thể tạo ra tương lai cho chính mình không? Tương lai của bạn
phụ thuộc vào những điều gì? Đây là một câu hỏi thông minh mà bạn cần
tự hỏi chính mình.
Có bao giờ bạn suy nghĩ về những ước mơ của mình rồi tự cho đó là
những điều “không tưởng” hay không? Nói cách khác, bạn không dám tin
những gì mình ấp ủ trong lòng có thể trở thành hiện thực được. Và bạn
luôn nghĩ về những điều mà bạn cho rằng “sẽ chẳng bao giờ xảy ra được”,
rồi bạn nản lòng?
Liệu chúng ta có nên mang một thái độ sống bi quan và thiếu tự tin
như vậy không? Tôi vẫn thường nghĩ về những ước mơ của tôi, và nghĩ về
cả cuộc sống quanh tôi nữa. Tôi thử hình dung về cuộc sống của nhân
loại cách đây một thế kỷ. Chắc chắn con người sống ở thời đó cũng có
những ước mơ, và họ đã từng thực hiện những ước mơ của họ. Họ không thể
hình dung nổi, ngày nay chúng ta có thể leo lên máy bay và bay như chim
trên bầu trời, từ châu lục này qua châu lục nọ. Chúng ta có những
thiết bị điều khiển từ xa có thể bật được máy truyền hình, có thể kéo
mở bức rèm cửa phòng mình... Những chuyện này, nếu xảy ra cách đây
chừng một trăm năm thì người ta thấy chẳng khác nào những phép thuật
của phù thuỷ vậy! Thật là kinh khủng, không thể nào tưởng tượng nổi.
Thế nhưng, ngày nay những điều đó đã quá đỗi bình thường!
Bạn thấy chưa, ngay cả những điều kỳ diệu như vậy còn có thể xảy ra
được, thì nói gì đến những ước mơ rất đời thường của mỗi chúng ta, lẽ
nào bạn lại không tin chúng sẽ trở thành hiện thực kia chứ? Có thể
rằng, bạn có những ước mơ quá “động trời”, quá viển vông, thì có thể
chúng sẽ không trở thành hiện thực. Nhưng nếu bạn có những ước mơ giản
dị như, một công việc yêu thích để phục vụ bản thân và xã hội, một gia
đình hạnh phúc để yêu thương... thì chỉ cần một chút cố gắng, một chút
tầm nhìn, một chút kiên nhẫn, và cộng thêm một chút may mắn nữa thì
những ước mơ đó chẳng phải là xa lắm!
Nhiều người không gặt hái được thành công, không cảm thấy hạnh phúc
trong cuộc sống, chỉ vì thiếu những suy nghĩ đúng đắn, thiếu sự rèn
luyện bản thân. Họ cứ mải mê trong những suy nghĩ vớ vẩn đâu đâu, những
ganh ghét vô lý với người khác, những bất mãn về xã hội, dẫn đến những
hành vi lệch lạc, thậm chí sai trái, gây ra đau khổ cho bản thân, cho
xã hội...
Và khi cứ mãi chìm đắm trong một lối sống sai lạc như vậy, vô tình
họ đã đánh mất hết những gì tốt đẹp họ đang có, quên mất những hạnh
phúc đời thường rất giản dị trong cuộc sống đang chờ đợi họ. Họ đã tự
nguyện biến những ước mơ tốt đẹp của bản thân họ trở thành “không
tưởng”, chỉ vì họ cứ mang một nếp suy nghĩ yếm thế và tiêu cực như vậy!
Chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng rằng, ngay từ hôm nay, chúng
ta có thể làm những việc đem lại những ảnh hưởng tốt đẹp ở ngày mai.
Chính vì có niềm tin ấy mà mỗi người chúng ta mới dám ước mơ, mới dám
đặt ra những mục đích cố gắng khác nhau trong cuộc sống. Ngày hôm nay
chúng ta tích cực làm việc, chắc chắn không chỉ vì miếng cơm manh áo
trước mắt, mà còn để nuôi dưỡng những cao vọng ở ngày mai. Đây cũng
chính là căn cứ cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa người lạc quan với
người bi quan, giữa người có ý chí cầu tiến với kẻ có thái độ sống
buông xuôi chán nản cuộc đời. Bởi vì, chỉ một lý do đơn giản là, những
người không có niềm tin thì không dám mơ ước, không dám mơ ước thì cũng
không có hy vọng để mà vui sống.
Khi một biến cố không may nào đấy bất ngờ xảy ra với chúng ta, chúng
ta rất dễ rơi vào tâm trạng bi quan, những xúc cảm tiêu cực. Thế
nhưng, khi bình tĩnh nhìn nhận vấn đề, những người lâu nay vốn có niềm
tin và ước mơ trong cuộc sống sẽ biết giải thích, đánh giá vấn đề một
cách lạc quan và tích cực hơn những người không có niềm tin hay mơ ước
gì. Nhờ có niềm tin và mơ ước, chúng ta sẽ sớm vượt qua những cảnh ngộ
khó khăn. Vì dù sao, khó khăn cũng chỉ là tạm thời, không phải lúc nào
cuộc đời mình cũng rủi ro mãi được, bởi lẽ nếu mình chịu khó cố gắng
một chút thì tương lai ngày mai của mình cũng sẽ lại được hạnh phúc,
may mắn, huy hoàng.
Trái lại, những người không có niềm tin và ước mơ thì thường trầm
trọng hóa vấn đề, họ không còn đủ bình tĩnh, sáng suốt để nhìn nhận vấn
đề, cứ tự cho những rủi ro đó là “số phận” của mình rồi, nên họ cứ cam
chịu làm một người bình thường, không còn dám cố gắng và cũng không
còn muốn cố gắng gì nữa; và cứ thế, tương lai của những người bi quan,
không có niềm tin và ước mơ như vậy thì mãi mãi cũng sẽ vẫn mù mịt mà
thôi!
Chúng ta không quyết định hoàn toàn tương lai của cuộc đời mình,
nhưng chắc chắn là chúng ta có thể nuôi dưỡng niềm tin, mơ ước và bắt
tay vào làm những việc tốt đẹp cho tương lai của chính mình. Một khi
mình đã làm hết sức như vậy rồi thì cứ bình tâm chờ đợi thành quả tốt
đẹp sẽ đến. Trong quá trình đó, đừng bao giờ hoài nghi chính bản thân
mình, vì hoài nghi tức là giảm sút niềm tin và tự mình sẽ làm cho mình
thất bại.
Không có niềm tin, không có ước mơ, cũng có nghĩa là mình đang đánh
mất thời gian, đánh mất những cơ hội tốt khác nhau trong cuộc đời của
mình. Và sống như vậy thì còn có ý nghĩa gì nếu không phải là gánh nặng
cho xã hội và cho người khác? Cho nên, tin tưởng lạc quan vào bản
thân, biết nuôi dưỡng những ước mơ giản dị để từng bước gặt hái thành
công thì bao giờ cũng tốt hơn là không tin tưởng gì ở bản thân và không
dám ước mơ gì cả. Sau mỗi thành công nhỏ, mình sẽ tự tin hơn lên, dám
mơ ước những điều lớn lao hơn một chút. Cứ như thế, những thành công
nho nhỏ chắc chắn sẽ dẫn đến thành công lớn lao ở ngày mai.
Từ hôm nay, hãy suy nghĩ về những ước mơ giản dị nhất của bạn trong
cuộc sống của mình. Những ước mơ đó có biến thành hiện thực được hay
không? Hơn ai hết, chính bạn là người sẽ quyết định câu trả lời!
9. Thiếu động lực trong công việc
Bạn có bao giờ cảm thấy thất vọng, chán nản trong công việc của mình
chưa? Những lời động viên, khuyến khích của người khác dành cho bạn,
xét cho cùng, cũng chỉ là những yếu tố bên ngoài, chưa đủ giúp bạn
thăng tiến và thành công. Do đó, chính bạn phải tự tìm ra những động
lực thúc đẩy chính mình để thành công. Dưới đây là mười cách thức hiệu
quả giúp bạn khai thác hết những khả năng tiềm ẩn của mình để biến ước
mơ của mình thành hiện thực:
- Can đảm từ bỏ những thuận lợi trong hoàn cảnh của mình:
Chướng ngại lớn nhất trong việc khai thác những khả năng tiềm tàng
của bản thân chính là hoàn cảnh thuận lợi hiện tại của bạn. Bạn có được
công việc nào đó là nhờ “ô dù” chẳng hạn, thì bạn không thể thăng tiến
được với tất cả khả năng thật sự của mình. Người thành công chân chính
là người biết thích nghi với những hoàn cảnh bất lợi cho họ, và từng
bước vượt lên hoàn cảnh.
- Không lo mình sẽ phạm sai lầm:
Sự khôn ngoan sẽ giúp chúng ta tránh được việc phạm những sai lầm
trong công việc. Tuy nhiên, để có được sự khôn ngoan đó, bạn cũng phải
trả giá bằng những sai lầm, thất bại của mình. Vấn đề là bạn có học
được những kinh nghiệm quý báu sau mỗi sai lầm, thất bại và có biết
tránh việc lặp lại những sai lầm hoặc thất bại đó hay không mà thôi!
- Đừng tự hài lòng với những tư duy hiện tại của mình:
Tư duy là một sức mạnh để thăng tiến và thành công. Bạn hãy luôn mở
rộng tư duy của mình bằng cách không ngừng động não và học hỏi.
- Hướng về một tương lai hạnh phúc:
Những người sống hạnh phúc thì dễ phấn chấn trong công việc, dễ tìm
được động lực thúc đẩy bản thân mình thành công hơn. Hạnh phúc không
phải là do người khác ban phát cho bạn mà là kết quả của sự lựa chọn và
thái độ sống tích cực của chính bạn.
- Mỗi ngày dành ra một giờ để tự tìm động cơ thúc đẩy chính mình:
Trong thời gian một giờ đồng hồ này, bạn hãy đọc những cuốn sách bổ
ích viết về thành công, những cuộn băng lý thú có tác dụng gây nguồn
cảm hứng cho mình hăng hái hơn trong công việc, trong cuộc sống.
- Làm lần lượt từng việc một:
Nhiều người thường hay “phân tán” những cố gắng của họ, nên họ rất
khó đạt được hiệu quả cao trong công việc. Để thành công, bạn hãy tập
trung tất cả mọi cố gắng vào công việc của bạn, hoàn tất công việc này
rồi hãy bắt tay vào công việc khác.
- Sống trọn vẹn cuộc sống hiện tại:
Nếu bạn cứ mải mê luyến tiếc quá khứ hoặc mơ mộng nhiều về tương
lai, thì bạn khó có thể tập trung làm tốt mọi công việc trong hiện tại
của bạn.
- Quyết tâm rằng mình sẽ cố gắng sống vui:
Niềm vui chính là thiên đường trong công việc của bạn, là động lực thúc đẩy bạn thành công.
- Không bao giờ bỏ cuộc khi gặp trở ngại hay thất bại:
Bạn chỉ thất bại khi chính bạn tự bỏ cuộc, không còn muốn cố gắng gì
nữa! Cứ kiên nhẫn với những mục đích của mình, tự rút kinh nghiệm từ
những thất bại, tích cực học hỏi nhiều hơn và bạn sẽ thành công.
Phải có những ước mơ cao đẹp mới khiến mình hăng hái bắt tay vào
hoạt động hướng về một tương lai tốt đẹp hơn. Đừng bao giờ mặc cảm, tự
ti đến nỗi chẳng dám ước mơ điều gì cả!